Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Nhà văn-nhà giáo Thầy Trần Đồng Minh, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam đã ra đi vì bạo bệnh ngày 9/7/2017 tại Hà Nội.

Lễ viếng từ 13 giờ đến 14 giờ 30 ngày 11/7 tại nhà tang lễ bệnh viện 354 số 13 Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội. Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.

Văn Việt xin chân thành chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc hương hồn nhà văn-nhà giáo Trần Đồng Minh an lạc cõi vĩnh hằng. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2 truyện nhắn thấm đẫm tinh thần nhân văn của nhà văn quá cố.

Văn Việt

clip_image002

hà văn Trần Đồng Minh cùng người bạn đời chung thủy, nhà giáo Thanh Vân

Đánh cờ một mình

Ông Nhẫn đã nghỉ hưu sau gần bốn mươi năm giảng dạy. Bây giờ ông trở nên giàu có về thời gian. Thì giờ rảnh rỗi nhiều, không phải lo dạy chính, dạy thêm, soạn bài, cộng điểm, họp hành… nữa. Ông vốn ham đọc sách, nhưng ngoại lục tuần rồi, đọc sách nhiều đầu nhức, mắt cũng nhức. Đọc báo thì vèo cái hết mấy tờ. Đi ra đường thì nắng, bụi, khói xăng khó chịu lắm. Đúng là mỗi tuổi, mỗi khác. Ngồi không buồn quá. Ông Nhẫn liền mang bàn cờ, quân cờ ra. Phải rồi, cờ tướng đứng hàng thứ nhì trong bốn thú chơi tao nhã cầm, kì, thi, họa. Từ hồi còn nhỏ, ông đã được người anh vỡ lòng cho các nước cờ bằng một câu kết thúc ngắn gọn: “Mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách”. Rồi sau lại nhập tâm thêm mấy bí quyết điều binh khiển tướng. Nào là “ tốt nhập cung, tướng khốn cùng”, “cờ tàn pháo hoàn”, nào là “nhất mã chiếu vô cùng”, “khuyết sĩ kị song xa”… Chơi cờ quả là hay. Không cần sân bãi, không phải dụng cụ tốn kém, cũng không cần nhiều người tham gia. Chỉ có điều là hơi tốn thời gian. Thì lúc này ông Nhẫn đang rảnh rỗi mà, chẳng bận bịu gì. Con cái lớn cả rồi. Ăn uống thì đơn giản, đã có bà vợ đảm đang. Vậy thì chơi cờ là đắc sách. Ngặt một nỗi bạn bè ông không ai khoái cái món “chiếu tướng này”. Ông anh vỡ lòng môn cờ cho thì đang bận bù đầu. Đôi ba người quen, kể cả mấy ông em chỉ thích chắn cạ, tổ tôm hoặc chơi tá lả, lại phải có ăn tiền dù là vài ngàn. Đó là bạc. Cờ khác hẳn bạc. Không có quân giấu, quân nọc. Tất cả bày ra, công khai. Nghĩa là không có đỏ đen, hên xui.Cờ đúng là dành cho bậc quân tử đấu trí, đôi bên chỉ có hai người so tài. Không đấu thủ, ông Nhẫn chơi cờ một mình vậy. Lúc đầu tưởng nhàm, tưởng chán, nào ngờ càng đánh càng thích. Ông có thể sử dụng đòn sở trường là pháo đầu để tấn công. Rồi cũng lại chính ông dùng bình phong mã phản đòn hữu hiệu với trận pháo đầu sát phạt. Tự đánh, tự đỡ bằng những chiêu tâm đắc nhất, xảo diệu nhất của mình, như thế chẳng khoái lắm sao? Mà không có bất kì một ý kiến bàn ra góp vào lung tung rối óc. Cờ ngoài, bài trong, khó chịu lắm. Bà vợ ông mù tịt về cờ nên chẳng góp một câu. Các con ông còn lo làm ăn, đâu có nhà mà ngó tới bàn cờ. Một mình ông đơn thương độc mã tunh hoành chiến trận đẩy xe, pháo, mã , tốt… Có kị binh lại có cả tượng binh, có bộ binh lại thêm cả pháo binh, nguy nan biến ảo khôn lường. Có ván ông thua mình, rồi sau đó nghĩ lại, thấy có thể thắng. Phải rồi, giá đừng chủ quan để cho quân tốt “của nó” xuống sát tướng bên mình thì đâu có đến nỗi trở tay không kịp. Ông đang hơn quân mà. Ông đã từng đọc sách, đọc báo theo dõi những ván cờ của một số quốc tế đại sư. Họ công thủ đầy đủ, nhịp nhàng. Họ sẵn sàng bỏ quân, thậm chí thí xe nếu được thế, cướp nhanh phần thắng. Ông biết mà chưa theo họ được.

Hôm nay, trời có vẻ nắng sớm. Ăn sáng xong, đọc nhanh tờ báo hàng ngày, rồi ông Nhẫn háo hức bày bàn cờ, Ấm trà Thái Nguyên loại ngon bà vợ pha cho ông đã để sẵn đó. “Khi vui nước nước non non/ Khi buồn lại giở bàn son quân sừng”, ông Nhẫn thầm ngâm nga khoan khoái. Chữ “quân ngà” trong nguyên bản câu thơ đã được ông sửa lại là “quân sừng” cho hợp với cảnh mình. Bữa nay thử chơi pháo đầu, mã đội xem “đối phương” chống cự thế nào. Càng đánh, ông càng lên tinh thần. Xe pháo bên ông đều đã chiếm thế thượng phong. Quân “ bên kia” đã tỏ dấu hiệu lúng túng, co cụm và dường như bế tắc. Ông Nhẫn nhấp chén trà thơm, chuẩn bị ra đòn quyết định. Nước đi này ông sẽ dồn” địch thủ” vào thế bí và chỉ vài nước nữa là phải đầu hàng. Ông đặt tay vào quân xe của mình bên cánh trái. “Hạ thủ bất hoàn” đây. Nếu nhấc xe lên là phải đi, đi một nước táo bạo, quyết liệt.Trà đặc làm ông tỉnh táo, đầu óc minh mẫn. Di chuyển nốt con xe cánh trái sang cánh phải, thế trận của ông sẽ bị hở sườn. Đây là điều tối kị. “Địch thủ” của ông không phải tay vừa, nếu bất ngờ hắn phản công thì bên ông có nguy cơ. Hắn đâu đã thua ngay vì còn có thể thoái pháo về đỡ cơ mà. Ông Nhẫn lưỡng lự mất một lúc. Chi bằng cứ để xe phòng thủ cánh trái, tiến con tốt biên qua sông, dần dần cũng có thể thắng. Ông quá rõ điều này. Ông vừa là ta, vừa là người mà. Hiển nhiên là ông biết mình biết người, nhưng sự hiếu thắng, muốn ra đòn tốc chiến ác liệt khiến ông mờ óc, mờ mắt. Thấy tai hại, hiểm nguy mà không tránh, không dừng lại được. Đã bạc đầu, đã quá tuổi “tri thiên mệnh”, ông Nhẫn vẫn còn thiếu tự chủ, cứ đưa mình vào cạm bẫy ông đã lường trước rõ ràng. Ông nhấc con xe lên… Kết cục ván ấy ông thua, thua một cách tức tưởi.

Toát mồ hôi đầy mình, ông Nhẫn mệt nhọc tự nhủ: “Thì ra… đến cuối đời mà mình vẫn không thắng nổi mình… Có nên bày ván khác nữa không?”.

Ông, bà và con, cháu

Đã cuối xuân, các cành đào không còn khoe sắc thắm hồng khắp đường phố Hà Nội nhưng căn hộ của ông bà luống tuổi này rộn rịp như Tết sắp đến. Ấy là vì con trai ông bà sống ở tận trời Tây xa lắc vừa báo qua thư điện tử rằng đang chuẩn bị đưa vợ con về thăm ông bà. Mừng ơi là mừng, nhớ sao mà nhớ. Nhớ nhất là nhớ cu Tun-tên gọi ở nhà của đứa cháu nội đích tôn vừa tròn 5 tuổi. Vẫn biết chuyến trở về của con, cháu vượt hơn chục ngàn cây số đường bay cũng nhiêu khê lắm. Cháu nhỏ được nghỉ học giữa kì đã đành nhưng còn bố, mẹ nó làm ở hai công ti khác nhau, công việc rất bận bịu phải tính toán xin phép làm sao để cùng được nghỉ một dịp. Ông bà cứ phấp phỏng mừng thầm xen lẫn lo toan, tính từng ngày từng giờ con cháu về đoàn tụ.

Mới hơn 4 giờ sáng, bà đã trở dậy nhẹ nhàng, lặng lẽ không bật đèn để ông có thể ngủ tiếp. Nhưng ông đã cựa mình hỏi: “5 giờ chưa nhỉ? sao mình hơi khó ngủ?”. Vừa trở dậy ông đã lại nói với bà: “Cu Tun ăn sáng rồi nhỉ”. Bà gật đầu: “Ăn rồi. Uống sữa rồi”. Rồi bà nói tiếp: “Nếu chưa được nghỉ thì cu cậu đã đến trường rồi đấy…”. Ông lập tức hình dung ra ngôi trường mà cháu ông học. Trường nhỏ thôi nhưng sân chơi rộng bằng mấy lần các lớp học. Mới năm trước ông bà sang chơi với con cháu vẫn hàng sáng đưa cháu đến trường. Đi bộ thôi. Trường gần nhà mà. Bao giờ đến trường cu Tun cũng kéo ông bà ra góc sân chơi có chỗ đu, chỗ tụt, chỗ chạy nhảy để vận động một hồi cùng đám bạn tóc vàng có, tóc đen có. Trẻ con ở đâu chẳng hiếu động, nhất là khi đua bạn cùng chơi . Đến giờ tan trường ông bà lại đi đón cháu. Bố mẹ nó còn khuya mới đi làm về, dù đi bằng xe riêng. Ra khỏi lớp, cầm cái áo đỏ đồng phục và chiếc mũ vải rộng vành, xách túi ba lô to đùng, Tun ta chạy ào vài bước đến chỗ ông bà đang chờ. Cu cậu còn kịp nhớ quay lại chào cô giáo đang đứng ở cửa lớp xem xét việc các trò nhỏ ra về. Rồi nó kéo ông bà băng qua cái sân rộng đến góc sân chơi. Đã có một tốp bạn da trắng mắt xanh đang chơi đu. Ông bà vội nắm tay cháu, khẽ nhắc: “ Cháu uống nước đã. Hôm nay có ăn hết thức ăn mang theo không nào”. Bà nhanh nhẹn lôi trong túi của cháu ra một hộp thức ăn, một bình nước: Ồ, săng-uých vẫn còn! Nho và táo cũng còn… Tun cầm bình nước tu mấy hơi. Rồi vội quay ra với đám bạn đầu trần phơi nắng. Con nít ở đây dạn nắng quen rồi.

Bỗng tiếng bà cắt ngang dòng nhớ của ông: “Ông ở nhà, tôi chạy ù ra ngoài mua thêm cái đệm cho cu Tun về nằm thoải mái”. Ông nhắc một câu: “Xem luôn chợ có lê ngon chưa. Không thì móc-cọt cũng tốt”. Chả là cháu ông bà rất khoái ăn loại quả ngọt mát này.

Bà vừa khép cửa thì ông ra ngắm nghía phòng khách. Đã có tranh hoa và hình cu Tun treo trên tường. Đây là ảnh lúc cu Tun một tuổi, đang ngồi trên cái đu ở công viên xứ Úc. Đây là tấm ảnh nhỏ hơn chụp cháu ông ngồi trên đùi già Nô-en dịp Giáng sinh…Phải đổi mới cho vui mắt . Lập tức ông nghĩ đến tấm ảnh Tun đứng bên chiếc xe đạp mới được mua. Cu cậu trông bảnh lắm. Áo thun đẹp, tóc vuốt mượt. Duyệt. À còn cái ảnh Tun ta chống tay xuống sàn, giơ một chân lên. Chắc học theo bố trồng cây chuối. Nom ngộ ra trò. Trưng ra cũng hay. Tấm hình mới nhất chụp bên bờ biển. Tun có vẻ khoái nên cười thật điệu đà tươi tắn… Vốn khéo tay và có con mắt thẩm mĩ nên ông làm thật nhanh. Cất cái hình chụp với ông già tuyết râu tóc trắng xóa đi, thế tấm ảnh đứng cười nheo mắt ở bờ biển vào đó. Để Tun luôn cười với ông bà, với khách đến chơi nhà. Ông đứng ngắm nghía, gật gật đầu ra chiều ưng ý. Tấm ảnh hoa sen hồ Tây dài rộng đứa cháu chụp tặng mới được đưa ra trông như một bức tranh nghệ thuật tươi màu. Đặt cái hình cu Tun hồng hào vào giữa đám lá sen xanh thì nổi lắm… Lúc bà quay về nhà thì việc trang trí lại đã xong. Căn phòng có vẻ sáng hẳn hơn. Bà nhìn thoáng cái, khen liền: “Được đấy”. Ông mỉm cười: “Bây giờ đến lượt tôi ra phố một chút”. Bà nhắc:

- Đường đông lắm đấy.

- Yên tâm. Đi chút xíu thôi.

Bà thầm nghĩ: Chắc lại mua cái gì đón cháu.

Quả nhiên bà đoán đúng. Ông cầm về một bịch ni lông cá cảnh và một lọ thức ăn khô làm sẵn cho cá. Nhà vốn có một bể cá cảnh đặt cây thủy sinh. Ông thả đàn cá đỏ hồng vào bể: “ Mua thêm cá cho Tun xem đã mắt. Đây là các con mún, chúng hiền, sống khỏe lắm” . Bà vẫn nhớ lần trước Tun về thích xem ông cho cá ăn. Ông vừa thả các hạt thức ăn vào bể cá, vừa nói: “Fish, fish, fish…Eat, eat, eat…”. Tựa như cô Tấm ngày xưa gọi cá nhưng gọi “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta…” thì cu Tun vốn học ở xứ người sẽ hơi bị khó hiểu. Chế ra câu mới tiếng Anh thật gọn và cũng có vần, cu Tun hiểu và nhớ liền.

Ngắm đám cá đua nhau đớp mồi rất vui mắt, ông lại chợt nhớ ra phải mua thêm một số truyện tranh đẹp về lịch sử hào hùng nước ta và loại vẽ theo truyện cổ nổi tiếng nước ngoài. Cháu ông cũng như tất tật bọn con nít mê ơi là mê truyện tranh với nét và mầu bắt mắt. Từ lúc bé xíu, nó đã chăm chú nghe ông bà đọc truyện tranh. Vốn là nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, ông và bà rất chú ý việc học, việc chơi của cháu, đặc biệt là làm giầu vốn tiếng Việt để cháu thành tài, nên người mà không quên quê nhà, xứ sở, không quên tiếng mẹ đẻ. Cũng hay là Tun nhớ khá nhiều cổ tích Việt Nam và thích về chơi Hà Nội ở nhà ông, bà mà nó gọi là Home Sweet home.

Các hiệu sách thì ông quá quen. Thoáng cái, ông đi lùng, kiếm được một mớ truyện tranh đắc ý nào là Hùng Vương dựng nước, Sự tích bánh chưng bánh dày, Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên, Nguyễn Huệ quét sạch quân Thanh, Tấm Cám, Ai mua hành tôi….Nào là Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Chú lính chì dũng cảm, Nàng tiên cá, Cậu bé trời ban, Chú bé tí hon…Sách mỏng, nét vẽ, mầu sắc đẹp, Cu Tun tha hồ mà mê. Ông bà tha hồ mà đọc cho cháu nghe. Đang nghĩ lan man, ông đã bước tới cửa nhà. Mở cánh cửa ra vào, ông ngạc nhiên thấy có hai cậu thanh niên lạ. Bà giải thích ngay: gọi thợ về vệ sinh cái máy điều hòa không khí để nhà nó về, ngủ cho êm mát. Mùa nóng ở đây oi nồng cả đêm, e cu Tun trằn trọc khó ngủ. Ờ bà nghĩ cũng phải. Cái ngủ quan trọng lắm. Ông quay ra bà, mê mải xem lại số truyện tranh vừa mua. Hồi trước sang bên ấy chơi với cháu ông đã kể vo cho nó nghe một số truyện. Những thần Núi, thần Nước, đại bàng ăn khế trả vàng, Dế Mèn phiêu lưu với Dế Trũi…Nó đã thuộc nằm lòng. Còn bày trò chơi với ông bà nữa. Nó là Thần núi, ông là Vua Hùng, bà là Thần nước. Múa kiếm giả, ném đá giả loạn xà ngầu. Thật là nhộn. Những trò chơi này Tun không bao giờ biết mệt, không thấy chán. Và bao giờ cũng muốn nắm phần thắng. Nhờ chơi với ông bà mà tiếng Việt của nó khá hẳn lên. Biết nói mèo hoang đen sì khi xem hoạt hình Tom và Jerry, biết phân biệt xanh lá cây với xanh nước biển, vàng hoe với vàng xuộm… Càng nhớ, càng thấy như cháu nội đang đứng trước mặt mình sắp sửa bày trò chơi mới. À, trò này nó cũng thích: đua ném máy bay giấy. Ông vội vàng xếp số truyện tranh lại, đi lấy giấy làm máy bay. Thằng bé từng mải mê cho cánh én bạc bay ở trong phòng khách, lại còn mang cả đến trường chơi sau khi tan lớp. Cháu với ông bà dang tay phóng chim giấy trắng lên vòm cây xanh trong sân trường hãy còn dát nắng vàng. Ông cháu đã hì hụi vẽ những ngôi sao đỏ trên hai cánh én trắng. Trông thật đẹp. Tất nhiên cậu cháu nhỏ bao giờ cũng chọn cái máy bay lượn điệu đà nhất. Để các bạn nhỏ vỗ tay reo khi máy bay của nó nhẹ nhàng chầm chậm nghiêng cánh lượn vòng trên đầu.

Ông bà cứ chuẩn bị, cứ đợi chờ, cứ tưởng nhớ, cứ hồi hộp trong niềm vui sướng như thế. Cho đến gần ngày hẹn bay về thì mẹ cu Tun gọi điện thoại báo tin có nhóm bạn thân rủ cả nhà đi chơi châu Âu dịp này. Mong ông bà thông cảm, chúng con xin hẹn dịp khác vậy. Cháu ông bà vẫn rất nhớ Việt Nam.