Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Hai bài thơ của Goethe

Marcel Reich-Ranicki

Phạm Kỳ Đăng dịch

1. Bài thơ Nhà phê bình sách của Johann Wolfgang von Goethe

Marcel Reich-Ranicki

Ngay cả những nhà thơ lớn cũng không luôn cấp cho ta thơ ca tinh tế nhất. Bài thơ đích thị ngớ ngẩn nhất của Goethe? Ở đây Marcel Reich-Ranicki phát hiện ra điều ấy. (FAZ)

Kể cả những nhà thơ lớn cũng viết ra thơ tồi. Những thi sĩ hay khác biệt với những nhà thơ dở chỉ ở chỗ thi thoảng họ soạn ra những bài thơ cũng hay. Và điều này với Goethe thì sao nhỉ? Ông hưởng danh tiếng là nhà thơ lớn nhất của nước Đức. Điều đó đúng, nếu như câu chuyện liên quan đến thơ ca, không ai đáng bưng nước cho ông. Nhưng mà tất nhiên cả ông ta, người viết lách nhiều không sao cải tạo được, đã sản xuất ra vô số bài trung bình hoặc thơ dở, đôi khi còn vớ vẩn nữa. Mà thế đó, bài thơ ngu nhất tuôn từ ngòi bút của ông đương nhiên là bài thơ “Nhà phê bình sách”, được in ra vào tháng Ba năm 1774.

Chúng ta không có thông tin gì về lý do trực tiếp đã dẫn tới những câu thơ này. Có thể vụ việc này liên quan tới Christian Heinrich Schmid. Về cái ông giáo sư ngành Nghệ thuật thi ca và Hùng biện người vùng Gießen, cũng hoạt động với tư cách nhà phê bình này, chàng Goethe trẻ tuổi hiển nhiên không có sự đánh giá cao trọng: Hắn ta (có thể đọc được trong một bức thư viết ngày 25.12.1772) là “một con lừa đích thực” và thế nên là một “gã cứt”. Nếu giờ đây là Schmid hay một tay khác, thì chắc chắn Goethe đã bị công kích và ông đã muốn ra đòn mạnh đánh lại. Người ta không cần phải phản đối chuyện ấy, nếu giá như hành động trả thù mang dáng dấp tri thức hơn chút ít.

Nội dung của cuộc nói chuyện bên bàn ăn không là chủ đề.

“Chuyện tôi có gã tới thăm”. Ở đây tôi đã thót tim. Tại sao người đang trình bày ở đây – và chúng ta có thể cho rằng chính là cá nhân Goethe – đã mời một gã trực thuộc một cái phường nghề mà ông căm ghét. Bởi vì đó là một nhà điểm sách, hẳn ông phải biết điều này. Sự tự biện hộ không cho phép chờ đợi quá lâu: “Hắn ta vốn không gây khó chịu”. Một sự bao biện còi cọc lộ liễu: Từ khi nào người ta mời một kẻ khác, “vốn không gây khó chịu” tới ăn cơm? Goethe muốn chiếm đoạt hẳn nhà phê bình sách cho bản thân mình ư? Có vẻ như chỉ dẫn cần phải giải tỏa mối nghi ngờ (rất đỗi bức thiết) này, rằng đã không hề có một bữa tiệc đặc biệt thịnh soạn, mà chỉ có trơ ra một “bữa ăn thường lệ”.

Họ nói gì ở bàn ăn, chúng ta không biết, thay vào đó chúng ta nghe thấy, vị khách đã gắp mạnh tay và “đớp cho căng bụng”, là điều khó để coi là cơ sở trách cứ. Lại thế nữa, ít lâu sau ông khách lại thổ lộ với hàng xóm điều không hay ho về cái ông ta đã được trao vào tay. Cái này chẳng những không hay mà còn không lịch sự. Nhưng mà sao cơ nếu như súp quả thực nhạt và thịt rán không đủ giòn và rượu vang lại hơi chua? Làm thế nào đây, nếu như chúng ta không loại trừ được sự thể rằng cái bất lịch sự khởi đầu bằng sự thiếu lòng mến khách? Hay có thể người được mời đã dám rủi ro vi phạm lề thói của xã hội, để có thể nói lên sự thật? Có đáng lên án việc đánh giá lòng thành thực cao hơn là phép lịch sự?

Vấn đề đã ngã ngũ, vì chúng ta đã liên quan tới một phúng dụ và lại là với một cái đầu đuôi đều không ổn. Bởi vì Goethe không nghĩ chút gì khác trong đầu hơn là phê bình. Nhưng mà người phê bình sách đón nhận tác phẩm của một nhà văn, đã không được người này tuyển lựa và được mời mọc làm việc ấy và cũng không được người đó chiêu đãi. Kết quả ngược lại: Ông ta được giao cho việc kiểm tra và đánh giá cái mà tác giả đã tạo ra, và theo khả năng lớn nhất trình bày một cách trong sáng suy xét của mình, và tức là không cần phải bận tâm đến chuyện liệu điều này có vừa lòng đương sự hay không.

Trong việc Goethe đòi hỏi người đọc đập chết những người phê bình sách, ông tự bóc trần lộ nguyên hình một kẻ cổ súy cho án tử hình và là một kẻ thù của tự do ngôn luận: qua đó thực hiện hành vi cấu thành tội trạng kích động nhân dân. Và tại sao sự thể lại vậy? Bài thơ “Nhà phê bình sách” vừa mới in ra, ngay lập tức Goethe bị người đời dạy cho biết. Nhà viết kịch Heinrich Leopold Wagner, kẻ trước hết đã làm cho vở bi kịch “Mụ giết trẻ” nổi tiếng, đã phổ biến một bài thơ chống lại, kết thúc bằng những lời lẽ: “Ném cho chết đi, con chó! Nó là một tác giả không muốn chịu phê bình.”

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn FAZ - Frankfurter Anthologie

http://www.faz.net/…/marcel-reich-ranicki-in-der-frankfurte…

Nhà phê bình sách

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Chuyện tôi có gã ghé thăm

Hắn vốn không gây khó chịu;

Của tôi thường lệ bữa ăn

Hắn đớp vào bụng no căng

Món tôi để dành tráng miệng

Vừa ngán gã đến hết chuyện

Quỷ đưa hắn sang láng giềng

Về bữa cơm tôi hắn luận:

“Giá như súp thêm gia vị

Rán nâu, vang đậm hơn thì...!”

Đập cho con chó chết đi!

Chu cha! Thằng phê bình sách.

Rezensent

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Da hatt ich einen Kerl zu Gast,

Er war mir eben nicht zur Last;

ich hatt just mein gewöhnlich Essen,

Hat sich der Kerl pumpsatt gefressen,

Zum Nachtisch, was ich gespeichert hatt.

Und kaum ist mir der Kerl so satt,

Tut ihn der Teufel zum Nachbar führen,

Über mein Essen zu räsonieren:

“Die Supp hätt können gewürzter sein,

Der Braten brauner, firner der Wein.”

Der Tausendsackerment!

Schlagt ihn tot, den Hund! Es ist ein Rezensent.

2. Bài thơ “Ở những khóm cành rậm rạp” của Johann Wolfgang von Goethe

Marcel Reich-Ranicki

Bài thơ “Ở những khóm cành rậm rạp” không phải là bài thơ được biết đến nhiều nhất, nhưng không bài thơ nào khác cung cấp một chứng chỉ hay hơn về mối quan hệ của nhà thơ về già với đàn bà con gái.

Käthchen Schönkopf và Lili Schönemann, nàng Friederike đến từ vùng Sesenheim, Charlotte Buff và Charlotte von Stein, Christiane... là những người ông đưa về nhà, Marianne, người không có thể đem ra so sánh, và những người đàn bà khác cho tới Ulrike bé bỏng mà cám ơn nàng chúng ta có bài bi ca vĩ đại, ấy là Bi ca Marienbad. Họ thán phục, ngưỡng mộ và yêu ông. Thế còn ông, Goethe thì sao? Ông đã dâng tặng nhiều câu thơ của mình cho những người đàn bà con gái này, có lẽ những câu thơ hay nhất. Ông ca ngợi họ, như chưa bao giờ các cô các bà được ngợi ca, kiểu nào cũng vậy ít ra trong tiếng Đức.

Tình yêu là nguyên ủy của sự sinh tồn và do đó của sáng tác thơ ca nơi ông. Nhưng có thật sự là thế chăng: Goethe đã làm thơ, vì ông đã yêu? Hay là ông ấy đã yêu bởi vì muốn và phải sáng tác thơ. Yêu đương nơi ông phải chăng là một phương tiện đi tới tác phẩm. Điều này lại không hề đơn giản. Chỉ biết rằng ở cấp độ cao nhất ông ấy trung tâm vị kỷ và đương nhiên có tư chất độc thoại. Cũng là hướng tới một ai trong các bài thơ của mình, ông ấy tự nói với mình và xưa nay chỉ nói về bản thân thôi.

Phần đóng góp của những người đàn bà

Trong những câu thơ khêu gợi của ông, thấy nói tới người đang yêu, ít khi nói về người được yêu.Trong một bài thơ thuộc những bài nổi tiếng nhất của chàng Goethe trẻ, bắt đầu bằng những câu “Thiên nhiên sao rạng rỡ/ Tỏa chiếu lòng tôi”, người mang địa chỉ là nàng Friedrike, đã được cầu chúc “Xin vĩnh hằng hạnh phúc / Như em hằng yêu anh”. Điều này không thể hiểu sai gì nữa: Hạnh phúc của người nữ được đề cập tới liên quan đến việc nàng ta có được phép yêu anh ta không – quí ông đến từ Frankfurt. Và chính từ những câu thơ ngay đằng trước đó nàng ta có thể biết được nguyên nhân quan trọng nhất của cái nguyện ước cầu đảo này: Với vẻ thanh xuân của mình, nàng ta – Friederike – đã giúp cho tác giả của những câu thơ này đi đến những “khúc ca và điệu múa mới”. Hiển nhiên đó là tất cả. Bắt đầu như thế nào trong những năm tuổi trẻ của ông, thì mãi mãi vẫn y nguyên như vậy: Những người đàn bà bước ngang qua đường ông đi, tất cả khắp lượt – kể từ những nàng khiêm tốn về trí tuệ như cô gái bán hàng hoa Christiane hoặc thông thái như quí bà von Stein – tất cả đều phải phục vụ ông, tức là đóng góp vào tác phẩm của ông, đi tới những khúc ca mới.

Có lần khi Goethe lưu ý với Riemer(1) rằng, phần nhiều người ta không yêu cái thực sự là ông, mà nhiều hơn là cái những gì họ chắp cho ông, rằng họ thuần chỉ yêu “sự hình dung của họ” về ông, tức là tự yêu lấy bản thân họ, thì chắc chắn ở đây ông cũng nói về mối quan hệ của ông đối với phụ nữ: với ông tất cả họ ít quan trọng hơn so với điều người ta có thể chắt lọc ra từ những câu thơ ông viết. Và Marianne? Cô gái cùng một đoàn kịch từ Áo đến Frankfurt, đã gặp Goethe, khi cô vừa kết hôn xong với Willmer, một ông chủ nhà băng già hơn trông thấy. Cô nàng là một người độc đáo, gì thì gì trong cuộc đời của Goethe. Điều gì phân biệt nàng với những người đàn bà khác, chính là thiên bẩm thi ca đáng ngạc nhiên. Hiển nhiên cô rành tất cả, những gì cô muốn: múa, hát, làm thơ – và cả quyến rũ.

Marianne, phúc đức của tất cả chúng ta

Nhưng mà sự đời trái ngược: Vào mùa hè và mùa thu năm 1815, ông già 66 tuổi Goethe đã hớp hồn Marianne (dạo đó nàng ta 30 tuổi tròn) và như thế quyến rũ cô gái, quyến rũ đâu ra đấy – mà thế chỉ thành ra một trò chơi, một trò chơi tình ái, một trò chơi vô hại. Ông ấy khoái hoạt, cảm nhận thấy “Làn gió mùa xuân và lửa cháy mùa hạ”; liên tiếp một lèo ra đời những bài thơ mới. Mười hai, mười ba năm sau ông sẽ nói với Eckermann (2) rằng “đối với những người tài năng ưu đãi, kể cả khi họ về già, họ vẫn luôn luôn cảm nhận được những thời kỳ tươi mát của năng suất sáng tạo đặc biệt”. Ông nói về một “sự trẻ lại từng thời”. Điều này liên quan tới thời gian viết “Thi tập Đông Tây”, vào những tuần và những tháng ghi dấu ấn Marianne. Đương nhiên trong cái nhìn hồi cố này nàng không hề được nhắc đến dù chỉ một lần. Sự biết ơn không thuộc về những phẩm chất ưu trội của Goethe.

Marianne đã cùng chơi cuộc trò, nàng là một người cộng sự tuyệt như trong thần thoại, một người tốt hơn ông chẳng thể mong đào đâu ra. Nàng là hạnh phúc của ông, cho đến hôm nay nàng là diễm phúc của tất cả chúng ta. Bởi cám ơn nàng chúng ta có được “Thi tập”, cuốn sách “Suleika”. Tuổi thanh xuân tái hồi được ông nhẩm ước, tình yêu với Marianne tương tự vậy ông vẽ ra cho mình, ông đã siêu nghiệm hóa và lạ hóa nó trong trang phục Trung Cận Đông. Và nàng đã chắp cánh nâng trò chơi nhục cảm lên thành một cuộc đối thoại thi ca, trong đó bản thân nàng đóng góp vào ba bài thơ riêng, hay đến mức Goethe đã có thể đưa vào trong “Thi tập”. Nhưng mà trong khoảnh khắc, khi ông cảm nhận ra điều mà ông khá may không trù tính tới, tức là tình cảm xao xuyến của người đàn bà trẻ thờ phụng ông bắt đầu biến thành một ngọn lửa ái tình, thì ông, như nhiều lần vốn vậy trong đời mình, bất chợt tạm biệt người tình và đánh bài chuồn.

Từ đây nói lên sự vững tin và hạnh phúc

Nàng rơi vào cơn trầm cảm sâu và nhiều lần xin chàng cho gặp mặt. Chồng của Marianne đồng ý với lời khẩn cầu này. Goethe không muốn biết gì về việc ấy. Không bao giờ ông còn gặp lại nàng nữa. Điều đó đảm bảo chắc chắn và không có gì mới cả. Ông ta là một con người sắt đá tới mức tàn nhẫn. Không ít người đàn bà những có thể mách cho ta biết về điều đó, kể cả Christiane Vulpus (3). Nhưng mà có lẽ sự sắt đá này là điều kiện không thể thiếu làm nên tác phẩm của ông.

Bài thơ khởi đầu bằng câu “Ở những khóm cành rậm rạp”, đi từ cuốn sách “Suleika”. Ông viết những câu thơ này nếu không cho Marianne, thì thế đó cũng với nghĩ suy về nàng. Là một trong những ít bài thơ của “Thi tập”, bài thơ này chưa bao giờ được trích dẫn, hầu như không được bình luận. Vì sao thế? Tôi không biết, nhưng mà tôi cầu xin, hãy tin tôi: Đối với tôi đó là tinh chất thơ ca của Goethe chín muồi khi về già. Đó là những câu thơ hoàn hảo bổ sung vào thơ trữ tình của ông một âm điệu hoàn toàn mới.

Sự điềm tĩnh với sự đung đưa êm đềm thống nhất bài thơ tự nhiên này, từ nó sự tự tin và hạnh phúc cất lời. Trên bình diện cao nhất bài thơ đầy nghệ thuật và đồng thời mang vẻ tự nhiên trôi chảy và vâng, đến mức hối thúc. Vẻ tự nhiên này không bị ảnh hưởng bởi những lời không thông dụng, dù ở mức thấp nhất. Goethe khiến ta ngỡ ngàng với một động từ tuyệt vời và mới mẻ (umschalen: bọc vỏ), ông sử dụng một từ đã quá cổ vào thời ông sống (geduldiglich: nhẫn nại), ông để cho một cành chao gió, và những trái quả đã từ lâu “lủng liểng”.

Bản thể tự nhiên của mình trở thành chủ đề

Sự gắn bó với thiên nhiên thuộc về những thành tố luôn hiện hữu trong sự tồn sinh và sáng tác của Goethe. Nhưng ngợi ca thiên nhiên chỉ vì mục đích tự tại của nó chưa bao giờ là sự nghiệp của ông. Nơi nào ông nhìn ngắm tới, ông luôn thấy, như bản thân thường nói – liên tục, những biểu tượng của một thế giới vĩnh hằng hư hao và luôn luôn trẻ lại ở trước mắt. Những người đàn bà, những đóa hoa, vầng trăng và các vì sao, rừng và nai – trong tất thảy ông nhìn ra vòng trang sức. Và trong tất cả, người đọc được phép tìm thấy biểu tượng và phát hiện ra rằng, mình được phép thưởng thức những thứ đó.

Cả cái cây, ở đây được giới thiệu cho mọi người quan tâm thứ Goethe gọi ra người yêu của mình và có thể bản thân ông cũng muốn là là thứ đó, trước hết không là gì khác hơn một cái cây thực. Bởi vì quả của nó “bọc ngoài gai góc” (tức là có cái vỏ màu xanh gai nhọn), ắt phải đả động đến một cây dẻ. Cành của nó đu đưa “nhẫn nại”, mà thế đó trong những trái xanh, chín dần và trương nở từ bên trong cái hạt màu nâu, hiển hiện lên được so sánh với một con thú hay là một sinh thể người, muốn được hớp không khí và đòi ra chỗ mặt trời. Hạt bục vỡ vỏ và hân hoan gieo mình xuống.

Mãi tới đó hai câu thơ cuối cho cảm nhận ý nghĩa của bài thơ: kẻ nói tới thiên nhiên, chính tự nói về bản thân mình và thơ ca của ông ta. Những hạt dẻ đẹp chín muồi tượng trưng thứ không gì khác hơn là những bài thơ mới của ông ta. Ông ta không trao tặng chúng cho người yêu, ông ta không đặt chúng xuống dưới chân nàng. Ông ta để chúng, tụ đầy như trái quả, rơi xuống lòng nàng. Dành cho nàng, Marianne von Willmer, ông đã viết nên những câu thơ này, ông đã thụ sinh chúng cho nàng, hẳn người ta có thể nói được như thế chứ. Và nàng ta có thể thụ lãnh những câu thơ đó.

Cách nhìn thế giới và sự cảm nhận bản thân của Goethe tương ứng đầy đủ với nhau. Như ông thường xuyên hòa hợp với nhiệm vụ và mục đích, với ý nghĩa của sự tồn sinh của mình, thì cũng vậy, ông hợp nhất với tự nhiên bao bọc quanh ông. Ông đồng điệu với tự thân như người gác đền Lynceus, ông đã để chàng ta ca hát: “Như anh đây thấy thích, anh thích cả luôn anh”.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Frankfurter Anthologie – FAZ

Ở những khóm cành rậm rạp

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Ở những khóm cành rậm rạp

Người yêu, em ngó tới đi

Để quả cây khoe em vẻ

Ngoài bọc vỏ gai xanh rì

Lâu rồi trái treo lủng liểng

Chẳng quen biết nhau, lặng thinh

Một cành cong gió rung rinh

Ru chúng đung đưa nhẫn nại

Chín dần từ trong thế đó

Cái hạt nâu cứ nở trương

Nó muốn hớp lấy không khí

Và thích được ngó vầng dương.

Vỏ trái nứt ra và rụng

Hạt buông mình xuống hân hoan

Khúc hát của anh cũng thế

Rơi xuống lòng em đầy tràn.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

An vollen Büschelzweigen

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

An vollen Büschelzweigen,

Geliebte, sieh nur hin!

Laß dir die Früchte zeigen,

Umschalet stachlig grün.

Sie hängen längst geballet,

Still, unbekannt mit sich,

Ein Ast, der schaukelnd wallet,

Wiegt sie geduldiglich.

Doch immer reift von innen

Und schwillt der braune Kern,

Er möchte Luft gewinnen

Und säh‘ die Sonne gern.

Die Schale platzt, und nieder

Macht er sich freudig los;

So fallen meine Lieder

Gehäuft in deinen Schoß.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(1) Friedrich Wilhelm Riemer (1774-1845): Nhà văn, thủ thư và thư ký của Goethe.

(3) Johann Peter Eckermann (1792-1854): Nhà văn, thư ký gần gũi của Goethe.

(3) Christiane Vulpus (1765-1806): Cô gái bán hoa bình dân, vợ của Goethe.