Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

1984 (kỳ 14)

George Orwell

 

V.

Từ ngày đi tù, Winston đã biết hay tưởng là biết mình đang ở đâu trong toà nhà không hề có một cái cửa sổ nào. Có thể là do anh đã cảm nhận được sự khác biệt, dù là rất nhỏ, sự chênh lệch của áp suất khí quyển. Buồng, nơi anh bị cai ngục đánh, nằm bên dưới mặt đất. Phòng, nơi anh bị O’Brien thẩm vấn, nằm sát mái. Chỗ anh đang ở hiện nay nắm sâu dưới mặt đất, có thể ở tận tầng dưới cùng của toà nhà.

Buồng này to hơn hầu hết các buồng anh đã trải qua. Nhưng anh không nhìn rõ các đồ vật xung quanh. Anh chỉ trông thấy hai chiếc bàn nhỏ ngay trước mặt, cả hai đều bọc nỉ xanh. Một cái cách anh chừng một, hai mét, cái kia xa hơn, tận gần cửa chính. Anh bị trói chặt vào ghế, không cử động được, đầu cũng không quay được. Một cái gì đó giống như yên ngựa mềm kẹp chặt đầu anh vào phía sau, anh chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôi.

Anh ngồi một mình, sau đó cửa mở và O’Brien bước vào.

“Có lần anh đã hỏi tôi”, O’Brien nói, “người ta làm gì trong phòng một linh một. Tôi bảo rằng chính anh đã biết. Tất cả mọi người đều biết. Phòng một linh một là địa ngục trần gian.[1]

Cửa lại mở. Một cai ngục bước vào, tay xách một cái hộp hay giỏ đan bằng dây thép. Anh ta đặt nó lên cái bàn ở xa hơn. Vì bị O’Brien che, nên Winston không nhìn rõ đấy là cái gì.

“Địa ngục trần gian”, O’Brien nói, “mỗi người mỗi khác. Người thì bị chôn sống, kẻ bị thiêu sống hay bị dìm xuống nước cho đến chết, hoặc bị đóng cọc xuyên qua người, hàng trăm kiểu chết khác nhau. Cũng có khi đấy chỉ là những thứ rất bình thường, không nguy hiểm đến tính mạng.”

Anh ta tránh sang một bên cho Winston nhìn rõ hơn cái hộp đặt trên bàn. Đấy là một cái lồng hình chữ nhật, có tay cầm ở bên trên để tiện cho việc di chuyển. Mặt trước của nó được gắn một cái nắp, giống như mặt nạ kiếm sĩ, phần lõm quay vào bên trong. Mặc dù cách xa chừng ba, bốn mét nhưng anh vẫn nhìn thấy cái lồng được ngăn làm hai, trong cả hai ngăn đều có cái gì đó xao động. Chuột cống!

“Đối với anh”, O’Brien nói, “địa ngục là chuột cống.”

Ngay khi nhìn thấy cái lồng, Winston đã cảm thấy rùng mình, đã sợ, dù chưa biết là sợ cái gì. Bây giờ thì anh đã hiểu cái mặt nạ ấy dùng để làm gì. Anh như tan nát cả cõi lòng.

“Anh không được làm như thế!”, – anh thét lên, giọng lạc đi. “Không! Không! Không được!”

“Anh có nhớ”, O’Brien hỏi, “những giây phút hoảng loạn thường xẩy ra trong các giấc mơ chứ? Trước mặt anh là một bức tường đen, bên tai có tiếng gào thét. Có một cái gì đó khủng khiếp ở bên kia bức tường. Thâm tâm anh biết rằng anh biết đấy là cái gì, nhưng anh không dám công nhận. Bên kia bức tường là những con chuột.”

“O'Brien!”, Winston cố gắng kiềm chế giọng nói. “Anh biết rằng không cần làm thế. Các anh còn muốn gì nữa?”

O’Brien không đáp. Làm ra vẻ dạy đời, đôi khi anh ta vẫn tỏ ra như thế, O’Brien đăm chiêu nhìn xa xăm, như thể đang nói với một cử toạ phía sau Winston vậy.

“Đau đớn không”, anh ta bảo, “đôi khi chưa đủ”. “Có những người chịu được đau đớn cho đến tận lúc chết. Nhưng mỗi người đều có một cái gì đó không thể chịu đựng được, không thể hình dung được. Dũng cảm hay là hèn nhát không thành vấn đề. Khi đang rơi từ trên cao xuống mà anh nắm lấy sợi dây thì đấy không phải là hèn. Nếu vừa trồi lên khỏi mặt nước mà anh hít thở ngay thì đấy không phải là hèn. Đấy chỉ là bản năng, không cưỡng lại được. Chuột thì cũng vậy thôi. Anh không chịu được chuột. Đấy là sức ép, ngay cả nếu muốn, anh cũng không thể kháng cự được. Anh sẽ làm tất cả những gì người ta đòi hỏi.”

“Nhưng họ cần gì? Cần gì? Làm sao tôi có thể làm nếu tôi không biết đấy là cái gì?”

O’Brien cầm cái lồng và đưa đến cái bàn ở gần hơn. Anh ta cẩn thận đặt lên mặt nỉ. Winston nghe thấy máu chạy rần rần trong lỗ tai. Anh cảm thấy như đang ngồi một mình, hoàn toàn cô đơn. Anh đang ngồi giữa một cánh đồng trống, một bình nguyên đầy nắng, mọi tiếng động đều vẳng lại từ rất xa. Nhưng cái lồng chuột thì chỉ cách anh có vài mét thôi. Những con chuột cực to. Chúng đã đạt độ tuổi mà mõm đã hết nhọn và trông rất dữ, lông thì chuyển từ xám sang nâu.

“Chuột cống”, O’Brien vẫn như nói với cử toạ vô hình, “là loài gậm nhấm nhưng ăn cả thịt. Anh biết rồi. Chắc chắn là anh đã nghe nói đến những khu vực nghèo nhất trong thành phố của chúng ta. Trên một số đường phố, phụ nữ không dám để con một mình trong nhà dù chỉ năm phút thôi. Chuột sẽ tấn công ngay. Chỉ một lúc là chúng sẽ gặm đến xương. Chúng tấn công cả người ốm và người hấp hối nữa. Chúng thông minh lắm, phát hiện được người bất lực ngay lập tức.”

Có tiếng rít lên trong lồng. Winston có cảm giác như tiếng rít vẳng lại từ rất xa. Chuột đang cắn nhau, chúng muốn chui qua tấm vách ngăn. Winston nghe thấy một tiếng rên tuyệt vọng. Có vẻ như cũng từ ngoài đưa lại.

O’Brien vừa nâng cái lồng lên, vừa ấn một cái gì đó ở bên trong. Một tiếng tách đanh gọn vang lên. Winston giật mạnh. Không ăn thua, mọi chỗ, ngay cả đầu cũng bị buộc chặt vào ghế rồi. O’Brien đưa cái lồng lại gần hơn. Bây giờ nó chỉ còn cách mặt Winston dưới một mét.

“Tôi đã ấn cái đòn bẩy thứ nhất”, O’Brien bảo. “Kết cấu cái lồng thì anh biết rồi đấy. Cái mặt nạ sẽ chụp kín mặt anh, không thể nào ra được. Khi tôi ấn cái đòn bẩy thứ hai thì cửa lồng sẽ được nâng lên. Chuột đói sẽ lao đến như tên bắn. Anh đã nhìn thấy chuột nhảy chưa? Chúng sẽ nhảy thẳng vào mặt anh và bắt đầu gặm. Đôi khi chúng tấn công mắt trước. Đôi khi chúng cắn thủng má và xơi lưỡi.”

Cái lồng được đưa lại gần hơn, chỉ chút nữa là nó sẽ trùm lên mặt. Winston nghe thấy những tiếng rít chói tai, dường như ở phía trên đầu. Nhưng anh vẫn gồng mình lên để chống lại cơn hoảng loạn. Nghĩ, nghĩ, ngay cả khi chỉ còn một phần trăm giây... thì nghĩ vẫn là hi vọng duy nhất. Mùi hôi hám, mốc meo của lũ chuột đập ngay vào mũi. Cơn buồn nôn dâng lên nghẹn cổ, anh gần như ngất đi. Mọi thứ đều trở thành đen. Anh biến thành một con vật điên khùng, gào thét trong một sát na. Nhưng anh đã vùng thoát ra khỏi bóng đen bằng cách bám vào một ý nghĩ. Chỉ có một cách, một cách duy nhất để tự cứu mình. Phải đặt một người khác, một cơ thể khác vào giữa anh và lũ chuột.

Cái mặt nạ đã gần đến nỗi anh chẳng còn nhìn thấy gì khác được nữa. Cái cửa lưới chỉ còn cách mặt anh chừng hai gang tay. Lũ chuột biết, chúng đã sẵn sàng. Một con cứ nhảy lên nhảy xuống, một con khác, lông rụng nham nhở; bố già của cống rãnh, thì đứng lên, hai chân trước màu hồng hồng bám lên những thanh thép, hít lấy hít để. Winston nhìn rõ râu và những chiếc răng màu vàng. Nỗi hoảng loạn tăm tối lại tràn ngập lòng anh. Anh trở nên mù loà, bất lực, mụ mị đi.

“Đây là cách trừng phạt thường được áp dụng ở Trung Quốc”, O’Brien nói, vẫn với giọng dạy đời như mọi khi.

Cái mặt nạ đã úp vào anh. Sợi dây thép cọ vào má. Và sau đó...không, không thoát được, chỉ còn hi vọng, một chút hi vọng mong manh. Muộn quá rồi, có thể là muộn quá rồi. Nhưng anh chợt hiểu rằng trên thế giới này chỉ còn một người duy nhất để cho anh đẩy cái đòn trừng phạt này sang, chỉ còn một cơ thể để anh có thể nhét vào giữa anh và lũ chuột. Anh điên cuồng gào lên, liên tục.

“Đem cho Julia! Đem cho Julia! Không phải tôi! Julia! Tôi không quan tâm, muốn làm gì với cô ấy thì làm. Xé toạc mặt cô ấy, lột đến tận xương. Không phải tôi! Julia! Không phải tôi!”

Anh ngã ra đằng sau, ngã vào khoảng không sâu thẳm, xa hẳn lũ chuột. Anh vẫn bị trói chặt vào thành ghế, nhưng anh đã rơi qua nền nhà, qua những bức tường, qua đất, qua biển, qua không gian, rơi vào khoảng không trong vũ trụ, vào khoảng không giữa các vì sao, xa, xa mãi bầy chuột. Anh đã cách chúng cả năm ánh sáng, nhưng O’Brien vẫn đứng bên cạnh. Vẫn còn thấy thanh thép lành lạnh cọ vào má. Anh chợt nghe thấy một tiếng tách nữa, tiếng động như truyền qua đêm đen bao phủ xung quanh và anh hiểu rằng đấy là tiếng đóng cửa cái lồng chứ không phải mở.

VI.

Quán Cây Dẻ gần như không có ai. Ánh nắng xiên khoai chiếu qua cửa sổ đổ lên mặt bàn đầy bụi. Lúc đó là mười lăm giờ chiều, giờ này thường vắng. Màn vô tuyến phát một bản nhạc du dương.

Winston vẫn ngồi trong góc như mọi khi, mắt dán vào cái li không. Thỉnh thoảng anh lại ngước nhìn bộ mặt to lớn, đang chăm chăm theo dõi anh, trên bức tường đối diện. ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN, hàng chữ bên dưới viết như thế. Người hầu bàn tự động đi tới và rót rượu Gin Chiến Thắng vào li, sau đó anh ta còn giỏ thêm vài giọt từ một cái chai có ống hút ở nắp vào nữa. Đấy là đường hoá học pha dầu đinh hương, món tủ của quán này.

Winston lắng nghe màn vô tuyến. Bây giờ chỉ có nhạc thôi, nhưng Bộ Hoà Bình có thể sẽ phát bản tin đặc biệt bất cứ lúc nào. Tin tức từ mặt trận Phi Châu đặc biệt đáng lo. Anh cảm thấy áy náy về việc này ngay từ sáng cơ. Quân đội Eurasia (Oceania đang đánh nhau với Eurasia: Oceania luôn luôn đánh nhau với Eurasia) đang tiến về phía nam với tốc độ chóng mặt. Bản tin buổi trưa không nói cụ thể vùng nào, nhưng có khả năng là mặt trận đã lan đến vùng cửa sông Congo rồi. Brazzaville và Leopoldville đang bị đe doạ. Không cần bản đồ cũng biết điều đó có ý nghĩa như thế nào. Đấy không chỉ là vấn đề mất vùng Trung Phi: lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến, lãnh thổ của Oceania đang bị đe doạ.

Một tình cảm mãnh liệt, không phải nỗi sợ, mà là sự xúc động không có lí do bỗng dậy lên trong lòng anh và sau đó lắng dần. Anh không nghĩ đến chiến cuộc nữa. Bây giờ anh không thể tập trung suy nghĩ về bất cứ vấn đề gì quá mấy giây. Anh nâng cốc và uống cạn ngay lập tức. Cũng như mọi lần, rượu Gin làm cho anh rùng mình và hơi buồn nôn. Khiếp quá. Đinh hương với đường hoá học không đã kinh rồi, nhưng nó vẫn không đánh tan được mùi hôi dầu của rượu và điều kinh khủng nhất chính là mùi rượu Gin cứ bám riết lấy anh suốt ngày đêm, lại luôn làm anh liên tưởng tới mùi của….

Anh không bao giờ nhắc đến chúng, ngay cả trong suy nghĩ, và cố gắng không gợi ra hình ảnh của chúng trong đầu. Chúng là một cái gì đó mờ ảo, lượn lờ trước mặt, nhưng mùi thì xộc thẳng vào mũi. Rượu Gin sôi lên trong dạ dày, anh chề môi ra để ợ. Từ ngày được tha, anh đã lên cân, da dẻ cũng trở lại như cũ, thậm chí còn hồng hơn. Mặt phị ra, da trên mũi và hai gò má thì đỏ và sần sùi, ngay phần da đầu hói cũng có màu hồng. Người hầu bàn tự động mang đến một bàn cờ và tờ Times, số mới nhất, thậm chí anh ta còn giở sẵn cả trang có in ván cờ thế ngày hôm đó nữa. Nhìn thấy li của Winston đã cạn, anh ta lấy chai và rót đầy. Ở đây không cần phải gọi. Họ biết thói quen của anh. Một bàn cờ luôn bày sẵn, một cái bàn trong góc luôn dành cho anh, ngay cả khi quán chật thì anh vẫn ngồi một mình vì chẳng ai dám lảng vảng đến gần một người như anh. Anh không thèm đếm số li đã uống. Lâu lâu họ lại mang đến một mẩu giấy bẩn thỉu và bảo đấy là hoá đơn, nhưng anh ngờ rằng họ thường tính bớt cho anh. Ngay cả họ có tính thêm thì anh cũng chẳng quan tâm. Trong túi anh lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Anh còn đi làm, một chỗ ngon ăn, lương còn cao hơn cả trước lúc bị bắt.

Màn vô tuyến thôi phát nhạc, rồi đến tiếng phát thanh viên. Winston dỏng tai lên nghe. Không phải tin chiến sự. Chỉ có một bản thông báo ngắn của Bộ Ấm No. Quí vừa qua đã sản xuất vượt mức về dây giày do kế hoạch Ba Năm Lần Thứ Mười đề ra là 98 phần trăm.

Anh xem ván cờ thế và bắt đầu xếp quân. Cờ tàn rất khéo, còn hai mã. "Trắng đi trước, chiếu hết sau hai nước". Winston ngước nhìn ảnh Anh Cả. Quân trắng bao giờ cũng chiếu hết, anh nghĩ với cảm giác thần bí mù mờ. Luôn luôn là như thế, không có ngoại lệ, trời đã sinh ra thế rồi. Từ khai thiên lập địa đến nay, chưa bao giờ có ván cờ thế nào mà quân đen lại được. Đấy có phải biểu tượng chiến thắng vĩnh viễn, không bao giờ thay đổi của cái Thiện đối với cái Ác không? Bộ mặt to lớn, bình thản, đầy quyền uy nhìn lại anh, biểu đồng tình. Quân trắng luôn luôn chiếu hết.

Tiếng phát thanh ngừng trong giây lát và sau đó nói tiếp bằng giọng nghiêm trọng hơn nhiều: "Chú ý, vào hồi mười lăm giờ ba mươi sẽ có một thông báo quan trọng. Mười lăm giờ ba mươi! Tin đặc biệt quan trọng. Hãy chú ý theo dõi thông tin của chúng tôi. Mười lăm giờ ba mươi". Bản nhạc lại tiếp tục.

Tim Winston đập rộn lên. Đây là tin chiến sự, bản năng mách bảo anh rằng đây sẽ là tin không hay. Suốt ngày hôm nay, ý nghĩ về thất bại thảm hại trên mặt trận Phi Châu cứ trở đi trở lại trong đầu, làm anh lo lắng không yên. Anh tưởng như đang trông thấy những đạo quân đông như kiến của Eurasia vượt qua các vùng biên giới vốn là bất khả xâm phạm từ trước đến nay và tràn xuống mũi của lục địa Phi Châu. Tại sao lại không bọc sườn chúng? Anh mường tượng được đường bờ biển phía Tây châu lục. Anh nhặt con mã trắng và đặt vào góc bên kia của bàn cờ. Đứng đấy mới hợp lí. Trong khi nhìn thấy lũ mọi đen đang tiến về phía Nam thì anh cũng thấy một đạo quân khác đang bí mật tập hợp lực lượng, bất ngờ xâm nhập vào hậu phương của chúng, cắt đứt các đường vận chuyển trên biển và trên đất liền. Anh cảm thấy đã tạo ra đạo quân ấy bằng chính ước muốn của mình. Nhưng phải hành động gấp thì mới kịp. Nếu chúng chiếm được toàn bộ Phi Châu, nếu chúng chiếm được các căn cứ không quân và hải quân ở mũi Hảo Vọng thì Oceania sẽ bị cắt ra làm đôi. Điều đó có nghĩa là: thua trận, phân chia lại thế giới, tan rã Đảng! Anh hít vào thật sâu. Trong lòng anh bỗng nổi lên một mớ những tình cảm mâu thuẫn nhau, xoắn xuýt vào nhau, giằng xé nhau, đúng hơn phải nói là các tình cảm đó không xoắn xuýt vào nhau mà là xếp chồng lên nhau thành từng lớp, không thể biết lớp nào nằm ở đáy nữa.

Cơn xúc động rồi cũng qua. Anh đặt con mã trở lại vị trí cũ, nhưng không tập trung vào ván cờ được. Ý nghĩ cứ lang thang ở tận đâu đâu. Anh lấy ngón tay vẽ trên mặt bàn bụi một cách vô thức:

2 + 2 = 5

“Chúng không thể chui vào bụng anh được” – Julia bảo. “Những việc xảy ra với anh ở đây sẽ là vĩnh viễn” – O’Brien đã nói như thế. Đúng như thế. Có những việc, do chính ta làm và rồi sau đó ta không thể nào hồi phục lại được nữa. Một cái gì đó đã chết ở trong lòng: đã chai lại, đã bị đốt cháy hết rồi.

Anh đã trông thấy Julia, thậm chí đã nói chuyện với cô. Không có gì nguy hiểm. Bản năng mách bảo anh rằng từ nay họ gần như không còn quan tâm đến anh nữa. Anh có thể hẹn gặp cô lần thứ hai nếu một trong hai người muốn như thế. Họ gặp nhau một cách tình cờ. Chuyện đó xảy ra ở trong công viên, một ngày tháng ba, gió lạnh kinh người, mặt đất thì rắn như đá, cỏ chết hết, xung quanh chỉ có vài khóm nghệ tây, gió đánh tả tơi. Anh đang vừa đi vừa chạy, tay lạnh cóng, mắt nhoè nước, thì bất ngờ trông thấy cô, họ cách nhau chỉ chừng mươi mét. Anh ngạc nhiên vì thấy cô thay đổi nhiều quá, nhưng cụ thể thay đổi thế nào thì anh không nói được. Họ đi lướt qua nhau, không ai nói một lời nào; nhưng sau đó anh quay lại và đi theo cô. Anh biết là không có gì nguy hiểm cả, không ai thèm quan tâm đến anh nữa. Cô không nói gì. Cô bước ngang qua đám cỏ, dường như muốn tránh anh, nhưng sau đó thì có vẻ như chấp nhận để anh đi bên cạnh. Chẳng bao lâu sau, họ đã lọt vào giữa những bụi cây khẳng khiu, trơ trụi, chẳng tránh được gió mà cũng chẳng giấu được người. Họ đứng lại. Lạnh khủng khiếp. Gió luồn trong những nhánh cây, gió giật những khóm nghệ tây bẩn thỉu, tả tơi. Anh ôm ngang sườn cô.

Không có màn vô tuyến, nhưng micro thì có thể lắm, ngoài ra, họ có thể bị người ta nhìn thấy nữa. Nhưng cái đó không quan trọng, không còn gì là quan trọng nữa. Họ có thể nằm xuống đất và làm cái đó, nếu muốn. Chỉ nghĩ đến điều đó anh đã thấy lạnh sống lưng rồi. Cô không có phản ứng gì, vẫn cứ để anh ôm như thế. Bây giờ thì anh hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô. Mặt cô tái hơn, có một vết sẹo dài, chạy suốt trán, đến tận thái dương, được mấy sợi tóc che đi một phần. Nhưng đấy không phải là cái chính. Cái chính là eo cô đẫy đà thêm và thật lạ là đã trở nên rắn hơn. Anh nhớ có lần, sau khi bom nổ, anh đã tham gia kéo một cái xác ra khỏi đống gạch vụn, anh lấy làm ngạc nhiên vì nó không chỉ rất nặng mà còn cứng và khó giữ, có vẻ như đấy là một cục đá chứ không phải xác người. Bây giờ cô cũng hệt như thế. Anh cho rằng da thịt cô đã thay đổi, khác hẳn ngày xưa.

Anh không tìm cách hôn cô, họ cũng không nói gì với nhau. Lần đầu tiên cô nhìn thẳng vào mắt anh là khi họ đã quay lại và đang đi ngang qua đám cỏ. Chỉ là giây lát, nhưng ánh mắt chứa đầy ác cảm, khinh khi. Anh không biết đấy là ác cảm với quá khứ hay còn do bộ mặt béo phì và đôi mắt ướt nhoèn vì gió nữa. Họ ngồi trên hai cái ghế bằng sắt, cạnh nhau, nhưng vẫn giữ một khoảng cách tương đối. Anh thấy rằng cô sắp lên tiếng. Cô đưa chiếc giầy khá thô ra thêm vài phân và cố ý di di một cọng cỏ. Anh thấy bàn chân cô có vẻ cũng to thêm.

“Em đã phản bội anh”, cô bảo.

“Anh đã phản bội em”, anh cũng nói.

Một lần nữa cô lại nhìn anh, cái nhìn vẫn đầy ác cảm như cũ.

“Có lúc”, cô nói tiếp, “người ta doạ bằng những cái mà ta không thể chịu đựng được, ta không thể tưởng tượng là lại có thể như thế. Và ta nói: ‘Đừng làm thế với tôi, hãy làm với người khác, với người này... người này’. Sau này có thể ta sẽ giả vờ rằng đấy chỉ là giả, ta nói thế là để họ dừng tay, chứ ta không có chủ ý thế. Nhưng không phải vậy. Lúc đó ta chủ ý như thế. Ta nghĩ rằng không còn cách nào khác, đấy là lối thoát duy nhất. Ta muốn họ làm điều đó với người kia. Người kia có bị đau khổ thì cũng mặc xác nó. Ta chỉ còn nghĩ đến cá nhân mình thôi.”

“Ta chỉ nghĩ đến cá nhân mình thôi”, anh lặp lại.

“Và sau đó thì tình cảm của ta không thể nào còn được như xưa nữa.”

“Đúng thế”, anh nói, “không thể nào còn được như xưa nữa.”

Không còn gì để nói nữa. Gió ép bộ đồng phục vào sát người. Im lặng trở nên nặng nề, cũng không thể ngồi thêm được nữa vì lạnh quá. Cô bảo phải đi ngay mới kịp chuyến tàu điện ngầm và đứng lên.

“Chúng ta phải gặp nhau một lần nữa”, anh nói.

“Vâng”, cô bảo”. “Chúng ta phải gặp nhau lần nữa.”

Anh lững thững bước theo cô, hai người cách nhau nửa bước. Họ không nói gì thêm. Không phải là cô muốn tránh xa anh, nhưng cô bước nhanh đến nỗi anh không thể nào theo kịp. Anh quyết định sẽ tiễn cô đến tận ga tàu điện ngầm, nhưng sau đó, thấy rằng lẽo đẽo theo cô trong gió lạnh thế này là việc lực bất tòng tâm và vô ích nữa. Anh không chỉ muốn đi cho khuất mắt cô, mà hơn thế, còn muốn vào ngay quán Cây Dẻ, chưa bao giờ cái quán ấy có sức hấp dẫn với anh bằng lúc này. Anh cảm thấy nhớ cái bàn ở trong góc, nhớ tờ báo, nhớ bàn cờ và li rượu không bao giờ cạn. Cái chính là quán rất ấm. Chỉ một lúc sau, không hẳn là vô tình, anh để cho một nhóm nhỏ xen vào giữa hai người. Anh lưỡng lự rảo bước, nhưng sau đó đi chậm lại và cuối cùng, quay ngang và rẽ sang hướng khác. Khi đi cách chỗ cũ chừng năm mươi thước anh còn ngoái lại. Không đông, nhưng anh đã không thể nào nhận ra cô nữa. Bất kì ai trong hơn một chục người đang hớt hơ hớt hải bước kia cũng có thể là cô. Không thể nhận ra cái thân hình đẫy đà, thô kệch của cô từ phía sau được nữa.

“Lúc đó ta có chủ ý như thế” – Julia đã nói như vậy. Anh cũng có chủ ý như thế. Anh không chỉ nói điều đó, anh muốn điều đó. Anh muốn họ đưa cô chứ không phải anh cho lũ...

Có những nốt nhạc lạ xen vào bản đang phát trên màn vô tuyến. Những nốt rè rè, khủng bố, những nốt nhạc vàng. Sau đó – có thể chuyện đó không xảy ra đâu, có thể đấy chỉ là sự hồi sinh của kí ức khi nghe thấy những âm thanh quen thuộc mà thôi – một giọng cất lên:

Dưới bóng cây dẻ này

Tôi bán anh và anh bán tôi.

Mắt anh đẫm lệ. Người hầu bàn vô tình đi ngang. Nhận thấy li của anh đã cạn, anh ta mang chai rượu tới và rót đầy.

Anh nâng li rượu lên ngửi. Cảm giác kinh tởm không giảm mà còn tăng thêm sau mỗi lần đưa li lên miệng. Nhưng rượu đã là một phần của con người anh. Nó là cuộc sống, là cái chết và sự tái sinh của anh. Rượu dìm anh vào trạng thái mụ mị hằng đêm và cũng chính rượu đánh thức anh mỗi sáng. Khi anh thức giấc, thường là sau mười một giờ, mắt không mở ra được, miệng đắng nghét, còn lưng thì đau như là bị gẫy, anh sẽ không thể nào ngồi lên được nếu không phải là để lấy cái chai và cái li đã đặt bên cạnh giường ngay từ tối hôm trước. Thế rồi, với chai rượu bên cạnh, anh cứ ngồi đờ đẫn như thế mà nghe màn vô tuyến nói đến tận trưa. Từ mười lăm giờ trở đi anh là khách thường trực của quán Cây Dẻ. Không còn ai quan tâm đến công việc anh làm, tiếng còi không còn đánh thức anh, màn vô tuyến không còn nhắc nhở anh. Thỉnh thoảng, hai lần một tuần, anh có đến công sở, một văn phòng đầy bụi, vắng ngắt trong Bộ Sự Thật để làm việc, nếu có thể gọi đấy là công việc. Anh được bổ nhiệm vào tiểu ban của một trong rất nhiều tiểu ban của hằng hà sa số ban bệ chuyên giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình biên soạn lần in thứ mười một cuốn từ điển Ngômo. Họ tham gia soạn thảo cái gọi là Báo Cáo Sơ Bộ, nhưng báo cáo cái gì thì anh cũng chẳng rõ. Có một vấn đề cần giải quyết: dấu phẩy đặt bên trong hay bên ngoài dấu ngoặc đơn? Trong tiểu ban còn bốn người nữa, cũng có hoàn cảnh như anh. Có những ngày họ giải tán ngay khi vừa gặp nhau, sau khi đã thống nhất rằng thực ra chẳng có việc gì để mà làm cả. Nhưng cũng có những hôm họ nhiệt tình lao vào công việc, chúi mũi viết biên bản hay chắp bút cho những bản ghi nhớ tràng giang đại hải, chẳng bao giờ có đoạn kết; hay tranh luận sôi nổi về những vấn đề phải mang ra bàn thảo, có khi lạc đề vì những cuộc thảo luận tinh tế về định nghĩa, và còn doạ đưa nhau đi gặp cấp trên nữa. Nhưng sự nhiệt tình đột nhiên lắng xuống, họ ngồi quanh bàn, nhìn nhau bằng những con mắt vô hồn, như những bóng ma tan dần khi có tiếng gà gáy sáng.

Màn vô tuyến ngừng bặt trong giây lát. Winston lại ngẩng đầu lên. Tin tức! Không, người ta chỉ thay bản nhạc thôi. Anh mường tượng rõ bản đồ Phi Châu ở trong đầu. Việc di chuyển các binh đoàn được thể hiện bằng những mũi tên: màu đen hướng thẳng xuống phía nam còn màu trắng thì đi ngang sang hướng đông, đâm vào phần đuôi mũi tên thứ nhất. Để cho vững dạ, anh lại ngước nhìn khuôn mặt điềm tĩnh, tự tin trong bức ảnh. Có thể tưởng tượng là không có mũi tên thứ hai được không?

Anh không quan tâm đến chuyện đó nữa. Anh uống một ngụm rượu và nhấc con mã lên, đi một nước. Hết. Nhưng nước đi này rõ rằng là sai, vì rằng...

Kí ức đột ngột hiện về trong tâm trí anh. Anh nhìn thấy một căn phòng, ngọn nến đang cháy, cái giường lớn phủ vải trắng toát, anh, lúc đó mới chín, mười tuổi, ngồi dưới chân giường, tay lắc cái cốc gieo xúc xắc, cười như nắc nẻ. Mẹ anh ngồi trước mặt, cũng cười.

Đấy là khoảng một tháng trước khi bà biến mất. Đấy là giây phút hoà bình, khi anh quên được cái đói trong dạ dày và tình yêu thương của anh đối với mẹ tạm thời được đánh thức. Anh nhớ rõ ngày hôm đó: mưa như trút, nước chảy thành dòng trên kính cửa sổ, phòng tối om, sách cũng không đọc được. Hai đứa trẻ trong căn buồng tối, tù túng, buồn không chịu được. Winston lải nhải đến sốt ruột, rồi đòi ăn, đi qua đi lại, kéo hết đồ vật từ chỗ nọ sang chỗ kia, đá vào những tấm ván ốp đến nỗi hàng xóm phải đập vào tường; cô em thì thỉnh thoảng lại gào lên. Cuối cùng mẹ bảo: “Thôi, ngoan đi nào, mẹ sẽ mua cho con một thứ đồ chơi. Đẹp lắm. Con sẽ thích đấy”, rồi bà bước ra phố, trong mưa, để vào một cửa hàng tạp hoá ở gần đấy và mang về một hộp các tông có món đồ chơi "rắn và thang[2]". Bây giờ anh vẫn nhớ rõ mùi các tông ướt. Món đồ chơi trông không ra gì. Thanh gỗ thì nứt nẻ, xúc xắc thì không phẳng. Winston phụng phịu đứng nhìn, chẳng thèm quan tâm đến món đồ chơi mới. Mẹ thắp một ngọn nến và họ ngồi xuống chơi. Nhưng anh mê ngay và phá lên cười khi cái vòng tròn nhỏ xíu từ từ tiến lên từng bậc thang hoặc là rơi xuống chỗ con rắn, gần điểm xuất phát. Anh chơi tám ván, mỗi lần đều được bốn điểm. Cô em gái nhỏ, ngồi ở đầu giường, cô còn quá nhỏ, chẳng hiểu mô tê gì, nhưng cũng cười vì thấy mẹ và anh cười. Suốt buổi chiều hôm ấy cả ba người đều vui, y như ngày anh còn bé vậy.

Anh vội xua ngay bức tranh ấy ra khỏi đầu. Kí ức sai lầm. Thỉnh thoảng anh lại bị kí ức sai lầm làm phiền như vậy đấy. Cũng không đáng ngại lắm nếu ta biết rõ chúng. Có cái đã từng xảy ra, có cái chưa từng xảy ra. Anh quay lại bàn cờ và nhấc con mã trắng lên. Bất ngờ, anh đánh rơi quân cờ đến cách một cái. Anh nhảy dựng lên như có kim đâm vào người.

Tiếng kèn đồng bỗng gầm lên, như muốn xé toạc bầu không khí. Bản tin! Chiến thắng rồi! Kèn đồng thổi trước khi đưa tin là chiến thắng. Như có một luồng điện truyền khắp quán. Ngay cả các hầu bàn cũng nhảy lên và dỏng ra tai nghe.

Sau tiếng kèn đồng là tiếng ồn ào chưa từng có. Một giọng nói lắp bắp, hồi hộp vang lên trên màn vô tuyến, nhưng nó bị chìm ngay trong tiếng reo hò vang lên ngoài đường phố. Tin tức lập tức được truyền đi khắp các ngõ nghách. Winston không nghe được mấy, nhưng như thế cũng đủ – giống như anh đã dự đoán: hạm đội hải quân hùng mạnh bí mật tập trung và bất ngờ tấn công vào hậu phương quân địch, mũi tên trắng cắt đứt đôi cái đuôi của mũi tên đen. Những lời hân hoan, đứt quãng nghe khi được khi không vì tiếng ồn ào: “Cuộc hành binh chiến lược... một sự phối hợp tài tình... tháo chạy hỗn loạn... nửa triệu tù binh... sự suy sụp hoàn toàn... làm chủ toàn bộ Phi Châu... kết thúc chiến tranh trong một tương lai không xa... chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại... chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng!”

Chân Winston cứ giật liên hồi. Anh vẫn ngồi ở chỗ cũ, nhưng đầu óc đang phóng đi, phóng rất nhanh, anh đang hoà cùng đám đông bên ngoài, hò reo đến điếc cả tai. Anh lại ngước nhìn Anh Cả. Một người khổng lồ ngạo nghễ trên đầu thiên hạ! Bọn mọi Á Châu sẽ tan tành khi đập vào tảng đá chắn đường ấy! Anh nghĩ mới mười phút trước, đúng thế, chỉ mười phút trước anh vẫn còn nghi ngờ, anh vẫn còn chưa biết tin từ mặt trận sẽ ra sao: chiến thắng hay là thất bại. Không, không phải chỉ có đội quân Eurasia bị xoá sổ! Trong anh, đã diễn ra nhiều thay đổi kể từ ngày anh bước chân vào Bộ Tình Yêu, nhưng sự thay đổi tối hậu, sự thay đổi cần thiết, chữa lành căn bệnh thì bây giờ mới xẩy ra.

Màn vô tuyến vẫn tiếp tục rót vào tai người ta huyền thoại vế số tù binh, về chiến lợi phẩm, về những cuộc tàn sát, nhưng tiếng hò reo bên ngoài thì đã lắng xuống rồi. Những người hầu bàn tiếp tục trở lại làm việc. Một người cầm cái chai đến bên bàn anh.

Winston, vẫn còn mơ màng, không biết là li đã được rót đầy. Anh không còn chạy và reo hò nữa. Anh đã quay lại Bộ Tình Yêu, mọi việc đều được tha thứ, tâm hồn anh trở nên trong trắng như tuyết. Anh ngồi trên ghế bị cáo, nhận hết, khai ra tất cả mọi người. Anh đang đi trong một hành lang lát đá trắng, cảm giác như đang bước dưới ánh mặt trời, phía sau là viên cai ngục. Viên đạn mà anh chờ đợi bấy lâu đang chui vào óc anh.

Anh ngắm nhìn khuôn mặt to bè. Phải bốn mươi năm anh mới hiểu được ý nghĩa của nụ cười ẩn chứa đằng sau chòm râu đen ấy. Một sự hiểu lầm ác nghiệt, vô ích! Mình là một kẻ ngoan cố, bướng bỉnh, được thương lại còn không muốn! Hai giọt nước mắt, anh vừa uống một ngụm Gin, lăn trên cánh mũi. Nhưng tốt rồi, bây giờ thì mọi việc đều tốt rồi, cuộc chiến đấu đã kết thúc. Anh đã thắng được mình. Anh đã yêu Anh Cả.

1949

Phụ lục

Những nguyên tắc cơ bản của Ngômo

(lược dịch)

Ngômo là ngôn ngữ chính thức của Oceania, được sáng chế để phục vụ cho hệ tư tưởng Chuanh hay Chủ nghĩa Xã hội Anh quốc. Vào năm 1984, chưa có ai sử dụng Ngômo trong giao tiếp, kể cả nói cũng như viết. Những bài xã luận trên tờ Times được viết bằng Ngômo, nhưng đấy là công việc của các chuyên viên. Người ta cho rằng Ngômo sẽ hoàn toàn thay thế Ngôn Ngữ Cũ (tiếng Anh chuẩn như vẫn gọi) trước năm 2050. Hiện nay nó đang dần ổn định, ngày càng có nhiều đảng viên sử dụng các từ và cấu trúc ngữ pháp của Ngômo trong giao tiếp. Phương án được sử dụng vào năm 1984, được thể hiện trong lần xuất bản thứ chín và mười, cuốn Từ điển Ngômo là phương án tạm, còn chứa nhiều từ thừa và các cấu trúc ngữ pháp cũ, sẽ bị thay thế trong lần xuất bản thứ mười một. Ở đây xin được bàn về các nguyên tắc cơ bản của Ngômo trong lần xuất bản thứ mười một.

Mục đích của Ngômo không chỉ là cung cấp cho những người đi theo Chuanh phương tiện thể hiện thế giới quan và hoạt động tư duy mà còn nhằm ngăn chặn mọi luồng tư tưởng không phù hợp khác. Người ta cho rằng khi Ngômo đã giành thắng lợi hoàn toàn và Ngôn ngữ cũ đã bị quên thì những tư tưởng dị giáo, nghĩa là những tư tưởng xa lạ với Chuanh sẽ không còn đất sống, vì không thể tư duy được, nếu quả thật tư duy là phải thông qua vỏ ngôn ngữ như người ta vẫn nói. Từ vựng được xây dựng sao cho có thể thể hiện một cách chính xác, mà thường là cực kì chính xác ý tưởng mà đảng viên muốn nói, đồng thời loại bỏ tất cả những nghĩa phụ, nghĩa không cần thiết. Điều này được thực hiện bằng cách chế ra các từ mới, nhưng chủ yếu là bằng cách loại bỏ những từ thừa và tẩy sạch những nghĩa dị giáo hoặc nói chung là các nghĩa phái sinh của những từ còn được giữ lại. Xin dẫn một thí dụ. Từ tự do vẫn còn, nhưng nó chỉ còn được sử dụng trong những mệnh đề như: “vào cửa tự do” mà thôi. Nó không còn được sử dụng theo nghĩa cũ như: “tự do chính trị” hay “tự do tư tưởng” nữa, bởi vì những khái niệm này đã không còn, khái niệm không còn thì dĩ nhiên tên phải mất. Bên cạnh đó, việc loại bỏ từ vựng được coi là mục đích tự thân của quá trình hoàn thiện Ngômo, những từ nào không thật cần thiết sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Ngômo được sáng chế không phải với mục đích mở rộng mà là giới hạn tầm tư duy của con người, giảm số từ vựng đến mức tối thiểu cũng là nhằm mục đích ấy, một cách gián tiếp.

Ngômo được xây dựng trên cơ sở tiếng Anh hiện nay, nhưng đa số người hiện nay sẽ không hiểu được ý nghĩa của hầu hết các mệnh đề của nó, ngay cả khi không có một từ mới nào. Từ vựng Ngômo được chia làm ba nhóm: nhóm A, nhóm B (các từ kết hợp) và nhóm C.

Nhóm A gồm những từ cần dùng cho cuộc sống thường ngày, thí dụ như: ăn, uống, làm việc, mặc, lên cầu thang, xuống cầu thang, đạp xe, làm vườn, nấu nướng v.v. Nó bao gồm phần lớn những từ ta vẫn dùng hiện nay như: đánh, chạy, chó, cây, nhà cửa, cánh đồng, nhưng so với hiện nay thì số lượng đã giảm rất nhiều và ý nghĩa mỗi từ được xác định cực kì chính xác. Mọi sự mập mờ đều bị loại bỏ. Mỗi từ thuộc nhóm này thường chỉ gồm một âm tiết hay một vài âm tiết riêng rẽ và thể hiện một nghĩa duy nhất. Không thể dùng các từ nhóm A cho các cuộc thảo luận về văn chương, chính trị hay triết học. Chúng chỉ có thể được dùng để thể hiện những ý nghĩ đơn giản, có mục đích rõ ràng, thường là để chỉ các vật hay hành động vật lí cụ thể.

Ngữ pháp Ngômo có hai đặc điểm nổi bật. Trước hết đấy là một từ có thể đóng vai trò như động từ, danh từ, tính từ và trạng từ. Ví dụ từ thought (ý nghĩ) sẽ không còn, từ think (suy nghĩ) sẽ đóng vai trò cả danh từ và động từ. Đôi khi, cả những cặp từ không có cùng một gốc thí dụ từ knife (con dao) đóng luôn vai trò của nó và của động từ cut (cắt) v.v.

Ngoài ra, các từ phủ định thường được tạo ra bằng cách thêm chữ un (không) vào trước từ khẳng định, còn để nhấn mạnh ý khẳng định thì thêm chữ plus (cộng), còn để nhấn mạnh nữa thì thêm doubleplus (đôi cộng). Thí dụ từ khônglạnh sẽ hoàn toàn thay thế cho từ ấm, còn từ cộnglạnh sẽ thay thế cho từ rất lạnh còn từ đôicộnglạnh sẽ thay thế cho từ cực kì lạnh. Bằng cách đó, sẽ giảm được rất nhiều từ, ví dụ từ khôngtốt sẽ thay thế cho từ xấu, từ tối sẽ được thay bằng khôngsáng hoặc sáng thay bằng khôngtối tuỳ theo sự lựa chọn của những người biên tập từ điển.

Đặc điểm thứ hai là Ngômo không còn các động từ bất qui tắc nữa. Tất cả các động từ thời quá khứ đều có kết thúc là ed. Thí dụ steal (ăn cắp) chia ở thời quá khứ sẽ là stealed hay từ think thời quá khứ sẽ là thinked và như vậy các từ swam, gave, brought, spoke, taken v.v. sẽ bị xoá bỏ hoàn toàn.

Nhóm B là các từ được tạo ra cho các mục đích chính trị, nghĩa là những từ không những có ý nghĩa chính trị mà còn tạo ra một thái độ chính trị cần thiết nơi người sử dụng. Nếu không hiểu một cách đầy đủ các nguyên lí của Chuanh thì việc sử dụng các từ này thật là một công việc thiên nan vạn nan. Đôi khi có thể dịch các từ này sang Ngôn Ngữ Cũ hoặc dùng các từ nhóm A để giải thích, nhưng đấy sẽ là những mệnh đề rất dài và ý nghĩa không thể nào đầy đủ được. Từ vựng nhóm B là những từ ngắn, chỉ vài âm tiết đã có thể nói được cả một loạt ý tưởng và hơn thế nữa, còn nói chính xác hơn, sinh động hơn ngôn ngữ bình thường.

Từ vựng nhóm B là những từ kép, gồm hai hoặc nhiều từ hoặc thành phần của các từ ghép lại với nhau sao cho có thể dễ phát âm. Thí dụ từ goodthink (nghĩtốt) nghĩa là chính thống hay có thể nói: “nghĩ theo kiểu chính thống”. Danh-động từ là goodthink, quá khứ là goodthinked, phân từ hiện tại là goodthinking, tính từ là goodthinkfull, trạng từ là goodthinkwise, còn người suy nghĩ theo lối chính thống sẽ là goodthinker. Từ vựng nhóm B cũng có thể được cấu tạo từ bất cứ thành phần nào của những từ khác như Bôbi – là Bộ Hoà Bình, Bôti là Bộ Tình Yêu, Bôta là Bộ Sự Thật và Bôno là Bộ Ấm No v.v. Ý nghĩa của một ít từ này được mở rộng đến nỗi bao gồm một loạt khái niệm và sau khi đã gói các khái niệm này vào một từ thì có thể vất bỏ và quên các khái niệm đó đi. Khó khăn lớn nhất của các biên tập viên từ điển Ngômo không phải là việc nghĩ ra từ mới mà là xác định ý nghĩa của nó, cũng có nghĩa là xác định một loạt các từ bị nó thay thế.

Như chúng ta đã thấy, có một số từ như từ tự do, tuy trước đây có một vài nghĩa có hại nhưng vẫn được giữ lại, sau khi đã loại bỏ những nghĩa xấu đó rồi. Rất nhiều từ khác như danh dự, công bằng, nhân cách, chủ nghĩa quốc tế, dân chủ, khoa học, tôn giáo thì bị xoá sổ hoàn toàn. Có một số từ mới thay thế những từ đó, nhưng sau khi thay rồi thì lại xoá bỏ chính những khái niệm ấy. Thí dụ các từ tập hợp xung quanh khái niệm tự do, bình đẳng được thay bằng crimethink (nghĩtội), hoặc các từ tập hợp xung quanh khái niệm khách quan, duy lí được thay bằng oldthink (nghĩcũ). Đảng viên, giống như một người Do Thái cổ, phải tin rằng tất cả các dân tộc khác đều thờ các “chúa trời rởm”. Anh ta không cần biết tên các “chúa” ấy là gì, dù có là Baal, Osiris, Moloch hay Ashtoroh thì cũng vậy mà thôi, càng biết ít anh ta lại càng chính thống hơn. Anh ta chỉ cần biết Jehovah và các điều răn của Jehovah là đủ, các chúa trời khác, với những đức tính khác đếu là “đồ rởm” hết. Tương tự như vậy, đảng viên không biết hạnh kiểm tốt là như thế nào, nhưng biết rất mù mờ là được phép đi lệch khỏi đó bao xa. Thí dụ đời sống tính dục của anh ta được điều chỉnh bởi hai từ sexcrime (sextội) và goodsex (sextốt). Sextội bao gồm tất cả các lệch lạc về tính dục. Nó bao gồm gian dâm, thông dâm, đồng tính và các lệch lạc, khác kể cả làm tình chỉ vì mục đích nhục dục. Chẳng cần phải liệt kê hết vì tất cả các hành động đó đều bị trừng phạt và thường là bị tội tử hình. Trong phần từ vựng C, bao gồm các thuật ngữ khoa học kĩ thuật, có thể sẽ có những từ liên quan đến các lệch lạc về tính dục, nhưng đa số công dân sẽ không cần biết những khái niệm đó. Anh ta chỉ cần biết ý nghĩa của sextốt, đấy là việc giao hợp với mục đích sinh con, người đàn bà không được có một chút khoái cảm nào, tất cả những điều khác đều là sextội. Ngômo không cho phép những tư tưởng phi chính thống xuất hiện, vì không có từ ngữ để mà suy nghĩ, biết đấy là phi chính thống là “xong phim”.

Không có từ nào trong phần B là trung lập hết. Đa số các từ đều là từ nói lái. Thí dụ từ joycamp (trạivui) là để chỉ trại lao động khổ sai, hay Bôbi là Bộ Hoà Bình nhưng thực chất là Bộ Chiến Tranh, chúng có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại với cái mà ta tưởng ban đầu. Mặt khác, một số từ lại thể hiện thái độ khinh bỉ trắng trợn thực tế xã hội Oceania, thí dụ từ culicấp chỉ những trò giải trí nhảm nhí và tin tức dối trá mà Đảng cung cấp cho đám đông dân chúng. Một số từ lại có hai nghĩa, nghĩa tốt nếu là nói về Đảng và nghĩa xấu nếu là nói về kẻ thù.

Tất cả các từ có ý nghĩa chính trị hay có thể có ý nghĩa chính trị đều được đưa vào nhóm B. Tên của tất cả các tổ chức, các nhóm người, các học thuyết, các nước, các toà nhà công cộng đều được lập theo một mô hình: ít âm tiết, dễ phát âm và thể hiện được nguồn gốc. Thí dụ Ban Tài Liệu trong Bộ Sự Thật, nơi Winston công tác, được gọi là Banta, Ban Sáng Tác gọi là Bansa, Ban Chương Trình Vô Tuyến gọi là Banvô, vân vân và vân vân. Đấy không phải chỉ là vấn đề tiết kiệm thời gian. Ngay từ những năm đầu thế kỉ XX, việc sử dụng các thuật ngữ rút gọn đã trở thành đặc trưng của ngôn ngữ chính trị và xu hướng này càng nổi rõ trong các nước và các tổ chức theo đường lối toàn trị. Thí dụ như các từ Nazi, Gestapo, Comintern v.v. Ban đầu là vô thức, nhưng Ngômo lại áp dụng một cách có chủ đích. Khi rút ngắn một tên là ta đã giới hạn và đánh tráo một cách tinh vi ý nghĩa của nó, cắt đứt những tình cảm gắn bó với từ đó. Thí dụ từ Communist International (Quốc tế Cộng sản) gợi trong lòng người những khái niệm như tứ hải giai huynh đệ, cờ đỏ, chiến luỹ, Karl Marx và Công xã Paris. Nhưng từ Comintern lại gợi ra trong tâm tưởng hình ảnh một tổ chức gắn bó như các mắt xích và một học thuyết được xác định rõ ràng. Nó nói đến một cái gì đó rõ ràng, dễ xác định và có mục đích giới hạn như kiểu một cái bàn hay cái ghế vậy thôi. Có thể phát âm từ Comintern mà không cần suy nghĩ, trong khi Communist International nhất định bắt người ta liên tưởng, dù chỉ trong giây lát. Tương tự như vậy, từ Bôta gợi ra ít tình cảm và nếu có thì cũng dễ kiểm soát hơn Bộ Sự Thật.

Trong Ngômo, sự thuận miệng của từ ngữ quan trọng hơn tính chính xác và qui luật ngữ pháp. Đối với mục đích chính trị thì trước hết đấy phải là các từ ngắn, có ý nghĩa rõ ràng, dễ phát âm và càng tạo được ít tình cảm trong lòng người nói càng tốt. Đa số các từ nhóm B có hai âm tiết như nghĩtốt, Bôbi, sextội, trạivui, Chuanh… và khi nói phải nhấn mạnh cả âm đầu cũng như âm cuối. Nó buộc người ta phải nói nhanh, lắp bắp và nghe rất đơn điệu. Mục đích là làm sao có thể nói những câu chuyện về các vấn đề tư tưởng một cách hoàn toàn vô thức. Đối với các vấn đề thuộc về đời sống thường nhật thì nhất định phải suy nghĩ trước khi nói, nhưng các đảng viên khi đưa ra các phán xét về chính trị hoặc đạo đức thì phải có khả năng phun ra các ý kiến đúng một các tự động như khẩu súng vãi đạn vậy. Luyện tập sẽ giúp anh ta, ngôn ngữ cung cấp cho anh ta phương tiện, cấu trúc từ vựng với những âm thanh muốn xé màng nhĩ và bị xuyên tạc một cách cố ý, phù hợp với Chuanh, làm cho công việc càng dễ dàng hơn.

Công việc còn dễ dàng hơn nữa, vì số từ không có bao nhiêu. So với hiện nay thì từ vựng Ngômo phải nói là cực ít và càng ngày càng giảm. Khác với đa số các ngôn ngữ khác, từ vựng Ngômo chỉ giảm chứ không tăng. Giảm là thắng lợi, bởi vì càng ít từ thì người ta càng ít suy nghĩ lung tung. Sau chót, người ta hi vọng rằng, khi nói, đảng viên chỉ cần dùng cuống họng mà không cần phải sử dụng đến hệ thần kinh trung ương nữa. Mục đích này thể hiện rõ nhất trong từ vịtngữ, nghĩa là kêu quạc quạc như bày vịt. Giống như đa số các từ thuộc nhóm B, vịtngữ cũng có hai nghĩa. Nếu nói một người nào đó "quạc" ra một câu phù hợp với chính thống thì đấy là lời khen, thí dụ nếu tờ Times viết về một diễn giả của Đảng là: diễn giả vịtngữ đôicộngtốt thì đấy là một lời ngợi khen nồng nhiệt và rất có giá trị.

Nhóm C là các từ thuộc lĩnh vực khoa học và kĩ thuật. Các từ này cũng giống như những từ chúng ta đang sử dụng hiện nay, nhưng được qui định chặt chẽ hơn và đã bị tước bỏ hết các nghĩa có hại. Chúng cũng tuân thủ các qui luật ngữ pháp như từ vựng của phần A và B nói trên. Rất ít từ nhóm C được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày hay trong lĩnh vực chính trị. Bất cứ nhà khoa học hay kĩ sư nào cũng có thể tìm được những từ cần thiết thuộc lĩnh vực của anh ta trong một bản danh sách dành riêng cho lĩnh vực ấy, nhưng anh ta hiểu rất hời hợt về các lĩnh vực khác. Các bản danh sách có rất ít từ chung và những từ thể hiện khoa học như là phương pháp tư duy thì hoàn toàn không có. Bản thân từ khoa học cũng không tồn tại, từ Chuanh đã bao hàm tất cả các nghĩa có thể chấp nhận được của khoa học rồi.

Từ những điều đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng Ngômo không cho phép phát biểu bất kì tư tưởng phi chính thống nào. Dĩ nhiên là có thể nói những lời dị giáo thô thiển theo kiểu báng bổ. Thí dụ có thể nói: "Anh Cả không tốt". Nhưng đối với một người chính thống thì đó là câu hoàn toàn vô nghĩa vì chẳng thể nào chứng minh được, đơn giản vì không có đủ từ. Những tư tưởng trái ngược với Chuanh chỉ có thể xuất hiện dưới dạng mù mờ, không thành tiếng; các tư tưởng dị giáo đó bị lên án một cách chung chung, không phân biệt cái nào ra cái nào.

Vào năm 1984, Ngôn Ngữ Cũ vẫn là phương tiện giao tiếp, có khả năng là khi sử dụng từ vựng Ngômo người ta sẽ nhớ nghĩa cũ của chúng. Nhưng thực ra, người được giáo dục theo tinh thần nướcđôi sẽ dễ dàng vượt qua được khó khăn này và chỉ vài thế hệ nữa thì sai lầm kiểu đó sẽ không thể nào xảy ra được. Một người lớn lên cùng Ngômo sẽ không thể nào biết rằng trước đây từ tự do còn có nghĩa thí dụ như trong câu: "tự do tư tưởng", cũng như một người không nghe nói đến cờ tướng bao giờ sẽ không biết rằng từ hậu hay từ trên bàn cờ có nghĩa khác hẳn từ đó ngoài đời. Nhiều tội lỗi và sai lầm sẽ không xảy ra vì những tội lỗi ấy không có tên gọi và vì vậy cũng không thể nào mường tượng được. Cũng có thể thấy trước được rằng, cùng với thời gian, đặc trưng cơ bản của Ngômo sẽ càng ngày càng hiện rõ, đấy là số từ ngày một ít hơn và ý nghĩa của mỗi từ thì ngày càng hẹp hơn, khả năng sử dụng chúng một cách sai lầm sẽ ngày một ít đi.

Khi Ngôn Ngữ Cũ đã bị thay thế hoàn toàn thì mối dây liên hệ với quá khứ cũng sẽ bị chặt đứt một cách vĩnh viễn. Lịch sử đã bị viết đi viết lại, nhưng văn chương của quá khứ vẫn còn sót lại ở đâu đó và khi người ta chưa quên hẳn Ngôn Ngữ Cũ thì người ta vẫn có thể đọc được. Nhưng trong tương lai, nếu văn chương còn có cơ may sống sót ở đâu đó thì cũng không ai hiểu được, không thể nào phiên dịch sang Ngômo được nữa. Chỉ có thể dịch từ Ngôn Ngữ Cũ sang Ngômo các tài liệu kĩ thuật hay những câu nói về các hành động trong đời thường hoặc những tư tưởng chính thống (nghĩtốt – nói theo Ngômo). Điều đó có nghĩa là không thể nào dịch được trọn vẹn sang Ngômo một cuốn sách ra đời trước năm 1960. Văn chương trước cách mạng phải cải biến cả về ngôn ngữ và ý nghĩa cho phù hợp với tư tưởng chính thống. Lấy thí dụ một đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ:

… Mọi người sinh ra đều bình đẳng, thượng đế đã ban cho họ những quyền không thể tách rời, đấy là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…

Không thể nào dịch được ý nghĩa ban đầu của đoạn văn này sang Ngômo. Chỉ có thể dồn cả đoạn vào một từ: tộitưtưởng, còn nếu dịch toàn bộ thì những câu chữ đó của Jefferson sẽ biến thành bài tụng ca quyền lực tuyệt đối.

Đa số tác phẩm văn chương trong quá khứ đã được phiên dịch theo kiểu này. Vì sĩ diện, người ta cố gắng giữ lại tên tuổi một số nhân vật lịch sử, nhưng lại cải biến tác phẩm của họ cho phù hợp với đường lối của Chuanh. Một số nhà văn như Shakespeare, Milton, Swift, Byron, Dicken và những người khác đang được dịch và khi hoàn thành thì tác phẩm ban đầu của họ, cũng như những tác phẩm còn sót lại khác sẽ bị tiêu huỷ. Việc phiên dịch tiến hành rất chậm và khó có thể tin rằng có thể hoàn thành trước thập kỉ thứ hai của thế kỉ hai mươi mốt. Còn rất nhiều tác phẩm có tính chất thực dụng khác, ví dụ như các bản hướng dẫn kĩ thuật và các tài liệu đại loại như vậy cũng cần phải được xử lí. Chính vì cần phải dành thời gian cho công tác dịch thật cho nên việc chính thức sử dụng Ngômo mới được hoãn đến năm 2050.

1949
HẾT.


[1] Nguyên văn: the worst thing in the world - điều tệ hại nhất trên thế gian.

[2] Nguyên văn: Snake and ladder (Rắn và thang), trò chơi, tính điểm, thêm điểm thì chuyển quân lên (leo thang), còn mất điểm thì chuyển xuống dưới (xuống rắn)