Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Nhớ một giọng cười

Ý Nhi

LTS. Đầu tháng 4, tại lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), Hội đã truy tặng Giải thưởng Cống hiến đợt 1 cho tác phẩm của 22 cố tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam, trong đó có Xuân Sách. Nhân dịp này, Người Đô Thị xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Ý Nhi về tác giả của tập thơ nổi tiếng Chân dung nhà văn - 99 ký họa thơ cùng một bài tự họa, lột tả thần thái của những tác giả quan trọng nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

Ngay từ những ngày đầu cầm bút, Xuân Sách đã chọn cho mình một lối đi bất thường, không viết về những anh hùng đang được vinh danh mà lo chiêu tuyết cho những người bị quên lãng.

Lần đầu tiên gặp Xuân Sách, ông cười cười hỏi tôi: “Sao cô lại gửi thơ cho ông Nhị Ca?”. Nhị Ca vỗ nhẹ vào vai Xuân Sách: “Thì tôi nổi tiếng mà. Cô ấy chỉ biết tôi thôi”. Nhị Ca nói đùa, có ý trêu Xuân Sách nhưng đó là sự thật.

Xuân Sách. Tranh: phannguyenartist.blogspot.com

Hồi còn đi học, tôi muốn gửi thơ đến tạp chí Văn nghệ quân đội nhưng chỉ biết duy nhất một cái tên, đó là Nhị Ca, nên đã gửi đến cho ông. Nhị Ca cho biết sau đó ông đã chuyển bài cho nhà thơ Xuân Sách và Xuân Sách đã cho in những bài thơ (chắc chắn còn non nớt) của một người viết còn xa lạ với ông. Trong lúc chúng tôi trò chuyện, Xuân Sách khoanh tay, đầu hơi cúi xuống, nhìn chăm chú vào một nơi nào đó. Chỉ đến khi tôi chào ra về, ông mới ngẩng lên, giọng nhỏ nhẹ: “Lần sau có bài, cô cứ gửi cho anh”. Tôi hơi ngạc nhiên về cách xưng hô của ông. Như vậy, ngay từ đầu, ông đã xác lập mối quan hệ giữa chúng tôi, giữa một ông anh và một cô em.

Dù vậy, thi thoảng tôi mới gặp ông, thường là trong một dịp họp mặt chung của giới văn nghệ hoặc những dịp lễ lạt được tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Xuân Sách rất ít nói. Và cũng không hay cười. Có cảm giác ông đang nghĩ ngợi về một điều gì đó, chưa thể nói hoặc không thể nói. Nhiều lần, giữa đám đông, tôi thấy ông lặp lại cử chỉ tôi từng thấy trong lần gặp đầu tiên: khoanh tay, đầu hơi cúi xuống, nhìn chăm chú vào một nơi nào đó. Dĩ nhiên, từ bữa ấy, tôi không còn gửi thơ đến chỗ Nhị Ca nữa. Khi nhận bài, bao giờ Xuân Sách cũng tin lại và cho tôi biết bài dự tính sẽ đi vào số nào của tạp chí.

Những tưởng ông sẽ mãi mãi là một người lính viết văn, tôi thật sự bất ngờ khi hay tin ông quyết định ra quân, về làm việc tại NXB Hà Nội, cùng Vũ Cao. Rồi ít lâu sau lại bất ngờ khi hay tin ông rời Hà Nội. Một người không còn trẻ, bỗng rời nơi chốn mình đã sống bao nhiêu tháng năm, có điều gì đó khiến ta bùi ngùi, lo lắng. Tôi nhớ, trước khi rời Hà Nội, Chế Lan Viên từng nói với tôi: “Chú có cảm giác mình như một cái cây bị bật gốc vậy”.

Tôi vội rủ Vương Trí Nhàn đạp xe sang số 4 Tống Duy Tân, trụ sở của NXB Hà Nội thăm ông. Ông loay hoay thu xếp đồ đạc, không có thời gian trò chuyện với chúng tôi. Tôi không hỏi vì có cảm giác ông không muốn nói lý do thực sự của việc ra đi. Hành phương Nam. Đó thường là lựa chọn tuyệt vọng (hay hy vọng) của những người xứ Bắc. Tôi cũng không ngờ, chỉ ít lâu sau, tôi cũng bỏ Hà Nội để vào với Sài Gòn.

Xuân Sách làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Vũng Tàu đúng vào những ngày tháng có nhiều biến động trong đời sống xã hội cũng như trong hoạt động văn nghệ. Khác với nhiều người, càng về sau, cuộc đời Xuân Sách dường như lại càng nhiều sự kiện, sự cố.

Xuân Sách (1932-2008). Ảnh VNVT

Khi ông mất, con trai cả của ông, nhà báo Ngô Nhật Đăng, trong một bài viết về cha, đã nói rằng: “Giấu sau vẻ ngoài hiền lành, đôn hậu là một tính cách rất quyết liệt” (Cha tôi hay những điều chưa biết về nhà thơ Xuân Sách). Anh cho biết, sau khi cuốn Đội thiếu niên du kích Đình Bảng xuất bản, Nhà nước mới nhớ tới công lao của những thiếu niên anh hùng và khôi phục vị thế cho họ. Khi Xuân Sách mất, những ông lão trên dưới bảy mươi của đội du kích năm xưa cũng tìm về đưa tiễn. Cũng như vậy, với Mặt trời quê hương, Xuân Sách đã lặn lội về Yên Lãng, Hải Phòng, tìm tư liệu cũ để minh oan cho Phạm Ngọc Đa - người từng bị coi như một kẻ phản bội, bị tước hết quyền công dân. Phạm Ngọc Đa đã được phong tặng danh hiệu anh hùng sau khi mọi việc sáng tỏ.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu cầm bút, Xuân Sách đã chọn cho mình một lối đi bất thường, không viết về những anh hùng đang được vinh danh mà lo chiêu tuyết cho những người bị quên lãng, bị ruồng bỏ. Đó là sự can đảm của một ngòi bút, là nỗi ẩn nhẫn của một tấm lòng.

Từ ngày quen Xuân Sách, tôi mới chỉ biết đến sự khoan hòa của một người anh, một nhà văn đi trước. Mãi đến những năm 80, 90, tôi mới nhận ra khía cạnh “quyết liệt” trong tính cách của ông.

Xuân Sách không ngại ngần ủng hộ tinh thần đổi mới của Trần Độ, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và nhiều người khác. Trong những lúc gay go nhất, trong những ngày cay đắng nhất, khi không ít người “lảng” đi, thậm chí quay ngoắt lại chỉ trích, bài bác, ông vẫn luôn đứng bên họ. Hội Văn nghệ Vũng Tàu trở thành nơi tụ hội của những nhà văn cùng chí hướng. Vì những việc như thế, ông phải nhận chịu bao nhiêu những hệ lụy, những phiền phức.

Mỗi lần có dịp đi Vũng Tàu, tôi luôn ghé thăm ông. Những lúc lên Sài Gòn, ông đến thăm chúng tôi. Dù khó khăn, chúng tôi thuộc “phái vui tươi” (theo cách phân loại của nhà thơ Nguyễn Duy thì trong giới nhà văn có hai phái là “phái vui tươi” và “phái hầm hầm”, hình như hai phái này vẫn tồn tại đến tận hôm nay). Nhớ những ngày Đại hội Hội Nhà văn lần thứ tư (1989) - đại hội đầu tiên và duy nhất có cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà văn và các vị lãnh đạo cao cấp. Chúng tôi thức đến 2, 3 giờ sáng bàn tính đủ chuyện. Những lúc như vậy, tôi nhìn thấy một Xuân Sách sôi nổi, linh hoạt kỳ lạ. Những phương án của ông sáng suốt, rạch ròi và quyết liệt. Ông dứt khoát đòi phải bầu Tổng thư ký trực tiếp, dứt khoát chọn Nguyên Ngọc. Duy nhất Nguyên Ngọc. Ông nhất định không nhân nhượng với những gì, những ai ông cho là lực cản của sự phát triển văn học. Tiếc thay, vì “vui tươi” nên có quá nhiều sơ hở. Anh em chúng tôi đành ngậm ngùi chấp nhận một kết quả không mong muốn. Âu cũng là cái “vận” chung của một nền văn nghệ.

Với sự thông minh, nhạy cảm và lương tri của một nghệ sĩ, Xuân Sách đã thành công khi nhìn thấy bản chất, chứ không phải cái vẻ hào hoa, bóng bẩy bên ngoài.

Giữa lúc mọi việc dần trở nên khó khăn, vào năm 1992, Chân dung nhà văn của Xuân Sách xuất hiện như “một quả bom nổ trong làng văn Việt Nam. Nó khơi dậy những suy nghĩ thật, những tình cảm thật của mỗi người cầm bút” (nhà thơ Ngô Minh). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, một người có nhiều năm tháng cùng sống và làm việc với Xuân Sách - người từng cho rằng “với từng cá nhân, sự đánh giá của Xuân Sách là đáng tin cậy” thì nhận định: “Xuân Sách là một đặc sản kỳ lạ của giới cầm bút Hà Nội những năm chống Mỹ và vài chục năm tiếp sau... Nhiều khi nói tới một người cụ thể nào đó, thực ra Xuân Sách đang nói tới cả giới, nói tới những kiếp người khác nhau trong giới và từ những người cầm bút, trong một mức độ nào đó, nhà thơ gợi ra cho ta, liên tưởng tới những người ở giới khác” (Xuân Sách và chân dung các đồng nghiệp). Theo nhận định này, Chân dung nhà văn không chỉ là bức tranh của một người, một giới, một thời khắc.

Đã được nghe khi chỗ này, lúc chỗ khác, chân dung người này, người nọ của ông nên tôi vừa mừng vừa lo khi nghe tin cuốn sách được Văn Học - một nhà xuất bản lớn, với một ông giám đốc vốn rất chừng mực, xuất bản. Nhà văn Hoàng Lại Giang, Giám đốc chi nhánh của NXB Văn Học tại TP.HCM cho biết, ông được nghe những bài thơ này từ ông Trần Độ. Thấy được giá trị của tác phẩm nên ông đã thuyết phục Giám đốc Lữ Huy Nguyên đồng ý in. Là những người có kinh nghiệm, họ đã làm mọi cách để hạn chế sự tham dự của nhiều người trong quá trình làm sách. Nhà thơ chép tay từng bài thơ rồi nhà xuất bản đưa in ở một nhà in lớn – nơi ít ai ngờ vực.

Tôi vội nhờ mua năm cuốn. Chỉ vèo một cái, bốn cuốn bị “sang tay” cho bạn bè. Cuốn cuối cùng có số phận hơi đặc biệt. Một tiến sĩ ngôn ngữ từ Úc về, ghé lại chỗ tôi, hỏi thăm tình hình Hội Nhà văn. Tôi đưa cho anh cuốn Chân dung nhà văn với lời chú: “Đọc cuốn này là đủ cho điều anh muốn biết”. Cách đây mấy năm, gặp lại, hỏi thăm thì được biết anh vẫn còn giữ cuốn sách bé bằng bàn tay (mà gây ra bao nhiêu sóng gió cho nhà thơ, cho những người chịu trách nhiệm in ấn).

Cuốn sách bị mấy chục nhà văn kiện lên tận Quốc hội, bị nhận lệnh thu hồi... Oái ăm thay, chính những kiện tụng, cấm đoán lại khiến cái tên Xuân Sách và Chân dung nhà văn được nhắc tới như một tin tức nóng hổi, không chỉ trong làng văn, không chỉ trong giới văn nghệ. Xuân Sách bình thản nhận lấy mọi hệ lụy, chỉ “tội ông Nguyên với ông Giang thôi”.

Đọc Chân dung nhà văn, tôi thêm một lần được hiểu trọn vẹn tính cách vừa khoan hậu vừa quyết liệt của Xuân Sách. Nếu trước kia tôi chỉ mới nhìn thấy một nụ cười hiền hòa, hóm hỉnh thì nay tôi đã nghe ra một giọng cười - một giọng cười nhiều khi có phần gay gắt, nhiều khi thành một tiếng kêu than, đôi khi tắt nghẹn. Đọc ông, có lúc tôi nhớ đến tiếng cười của một nhân vật chính diện trong tuồng cổ: cắn răng cười ha hả... Trời ơi!

Chừng như để người đọc dễ gần với tác phẩm, Xuân Sách đã nói về những cung bậc khác nhau và nhiều màu vẻ trong các bức chân dung của mình: “Có bài đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức, có bài: “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Lạ lùng thay, không chỉ những người “mỗi lời là một vận vào khó nghe” mà những người không hề xuất hiện trong cuốn sách cũng lên tiếng phản đối, thậm chí phản đối dữ dội. Chỉ có thể cắt nghĩa hiện tượng này theo một cách duy nhất: họ tự thấy có “bóng dáng” của mình qua những nhân vật kia. Tôi từng nghe câu chuyện một bà quý tộc xinh đẹp nọ quyết mời vị họa sĩ danh tiếng đến vẽ chân dung cho mình. Khi tác phẩm hoàn tất, thay vì một quý bà sang chảnh, xinh đẹp, trên mặt vải lại là một khuôn mặt nanh ác, giả dối. Người họa sĩ bị la ó, mạt sát vì ông đã nhìn thấy bản chất, chứ không phải là cái vẻ ngoài của bà. Trong một số trường hợp, với sự thông minh, nhạy cảm và lương tri của một nghệ sĩ, Xuân Sách đã thành công khi nhìn thấy bản chất, chứ không phải cái vẻ hào hoa, bóng bẩy bên ngoài. Thói háo danh, sự tráo trở, thói hèn nhát, sự xu nịnh... đã được “điểm mặt chỉ tên”.

Nhưng, Chân dung nhà văn không chỉ có vậy. Rất nhiều bức chân dung đã được vẽ nên với nét bút thanh thoát, dịu dàng, bởi một giọng văn tràn đầy tình yêu thương. Nhiều bài trong số này được viết với thể thơ lục bát.

Đây là Nguyễn Minh Châu:

Cửa sông cất tiếng chào đời

Rồi đi ra những vùng trời khác nhau

Dấu chân người lính in mau

Qua miền cháy với cỏ lau bời bời

Đọc lời ai điếu một thời

Tan phiên chợ Giát hồn người về đâu.

Đây là Nguyễn Thi:

Trăng sáng soi riêng một mặt người

Chia ly đôi bến cách phương trời

Ước mơ của đất anh về đất

Im lặng mà không cứu nổi đời.

Đây là Thanh Tịnh:

Bao năm ngậm ngải tìm trầm

Giã từ quê mẹ xa dòng Hương Giang

Bạc đầu mới biết lạc đường

Tay không nay lại vẫn hoàn tay không

Mộng làm giọt nước ôm sông

Ôm sông chẳng được tơ lòng gió bay.

Đây là Yến Lan:

Ra đi từ bến My Lăng

Bao năm dấu kín ánh trăng trong lòng

Tuổi già về lại bến sông

Trăng xưa đã lớn, phải chong đèn dầu...

Những bức chân dung này mang hơi hướng của những bài thơ trữ tình. Trữ tình hơn cả, theo tôi, là bức chân dung này:

Tay em cầm bông bần ly

Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng

Chuyện tình kể trước rạng đông

Hoàng hôn ảo vọng vẫn không tới bờ

Thiên đường thì quá mù mờ

Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma

Hành trình thơ ấu đã qua

Hỡi người hàng xóm còn ta với mình...

Tuy tỷ lệ “trữ tình” khá cao trong tập thơ nhưng chúng ít khi được mọi người nhắc tới hay ghi nhớ. Người đọc ngày ấy (và cả hôm nay) chờ đợi một tiếng nói mang giá trị phê phán. Những bài thơ chân dung được truyền tụng và yêu mến nhất của Xuân Sách nằm trong nhóm này.

Trong bài viết Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách, nhà văn Phùng Văn Khai kể lại lần gặp gỡ để xin làm phim chân dung Xuân Sách. Phùng Văn Khai nói rằng anh đã hết sức bất ngờ khi bị từ chối (ông là người thứ hai sau Nguyên Ngọc từ chối việc làm phim do anh đề nghị). Phùng Văn Khai viết: “Tôi lờ mờ hiểu rằng, đằng sau tảng trán gồ vát đang bóng loáng lên kia là bao nhiêu suy tư chưa nói được, thậm chí có những suy nghĩ ông quyết định giữ lại chẳng bao giờ nói ra thì ý nghĩa gì sự xuất hiện bằng phim ảnh... Cái cách nhập cuộc, nhập vào đời sống của Xuân Sách thật khác người”.

Vâng, Xuân Sách đã chọn lựa cho mình một cách sống, một cách viết. Ông là người “có khả năng đơn độc trên con đường mình chọn” (Vương Trí Nhàn, Xuân Sách và chân dung các đồng nghiệp).

Nhưng, nhà văn Phùng Văn Khai và người đọc đừng thất vọng. Chẳng phải chúng ta đã nhìn thấy Xuân Sách qua những trang viết của ông đó sao. Mỗi nhà văn đều đã tự họa chân dung của mình qua tác phẩm.

Ông đã ra đi. Ra đi để kiếm tìm tri âm. Ra đi, để có thể cất lên một giọng cười khúc khích, vui vẻ:

Người ôm chí lớn đi tìm bạn

Ngồi hát bâng quơ chợ vãn người

Bướm ong xiêm áo chiều chạng vạng

Gặp khách tri âm khúc khích cười.

Ý Nhi

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/doi-nghe-si/8178/nho-mot-giong-cuoi.ndt