Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Đâu

Truyện Tru Sa

 

Lâu lâu, chỗ tôi thiếu một người.

Một bước đi xa và không thấy nữa. Không phải trẻ em mải chơi quên số nhà. Những người lớn. Họ. Những người xa nhà này, ruột thịt trong một gia đình chung một huyết thống, thằng chí cốt trong hội nhóm toàn chí cốt đã sinh tử cùng nhau ngoài sa trường và trên bụng những nàng tiên nhà thổ, này nữa, người quen trong cộng đồng những người quen nhau bằng cái nhìn nhẵn mặt hoặc quan hệ vững một khối như xương với máu.

Đâu ấy… người đàn ông đầu bạc. Ông ấy sống cạnh nhà tôi. Tôi và ông chưa biết nhau. Tôi sinh viên năm nhất đại học, còn ông là một người đã già và không gia đình. Ngày lại ngày, ông ta đi lại trên phố. Lúc thì đi bộ, khi thì đợi hàng tiếng trước một trạm chờ xe bus.

Cha tôi là người đầu tiên nhắc về ông ấy “Đâu nhỉ?” – Chỉ một câu ngắn rồi thôi.

Chị tôi nói rằng ông hàng xóm đi đâu rồi. Một tháng rồi còn gì. Phải đấy, ngôi nhà ông ấy đã một tháng không đèn đóm. Một tháng cửa khóa thin thít và bắt đầu lấm bụi bẩn. Ông đầu bạc thích uống sữa đậu nành. Tôi không biết một tháng nay nhân viên đưa sữa có đến không. Lúc nắng trưa xuống, tôi có đi qua nhà ông ta và không thấy chai sữa nào ngoài cửa. Nhân viên đã tạm dừng việc giao sữa hoặc đứa oắt nào khoắng mất. Thời chúng tôi, đồ đạc có chân.

“Ông ấy sống cạnh nhà mình” – Tôi nói vậy.

“Tất nhiên rồi” – Cha nói và chúi xuống tờ báo.

“Ông ấy đi đâu một tháng nay nhỉ?” – Tôi hỏi.

“Đi công tác, thăm họ hàng hoặc chuyển nhà. Ai mà biết…” – Cha tôi vẫn nói, tờ báo không mở thêm trang nào, ông cũng không đọc thêm dòng nào ngoài các tiêu đề.

Chị tôi nhắc về người đàn ông đầu bạc. Chị nói nhỏ, chỉ đủ tôi nghe. Có lẽ tôi nhớ sai, tiếng chị còn nhỏ đến mức tôi phải căng hết màng nhĩ để thuộc lòng từng chữ, từng dấu câu. “Người đàn ông đầu bạc, tuổi trên dưới năm mươi mà tóc đã bạc, mê Beethoven, thích văn học cổ điển, ghiền Mary Shelley, thuộc Thiên Chúa giáo…”.

Chị tôi đặt một dấu thánh, bảo rằng không biết người đàn ông tóc bạc là giáo dân Công giáo hay Tin Lành nhưng nhánh nào cũng là con của Chúa.

***

Tôi không thấy người đàn ông tóc bạc, tôi không biết ông ta. Chị tôi chừng như mang máng. Cha mẹ tôi biết qua loa. Trong đầu tôi không ấn tượng con người này ngoài mái đầu bạc như sương giá sớm Đông. Thôi, rồi ông ta sẽ về hoặc chẳng về. Tôi quên ngay thôi.

Họ có công chuyện. Tôi đang nghĩ đến số người không lý do không thấy đâu nữa. Người đàn ông đầu bạc chỉ là một trong số nhiều người đầu không bạc vắng nhà quá một tháng. Không lâu trước, một giảng viên cũng đột ngột đi đâu đấy chỉ sau một ngày không nắng không mưa không bão táp không chớp giật không đám ma chẳng đám cưới. Trước một ngày, giảng viên vẫn lên lớp đọc những dòng được viết sẵn trong giáo án. Sinh viên kẻ chăm chú, số lại ngái ngủ, hí hoáy gì đấy dưới gầm bàn. Trước lúc kết thúc bài giảng, thầy nói gì gì đấy. Hẳn là cái gì gì đấy, nối tiếp bằng tiếng ho khan của một giảng viên khác đi qua. Sau một ngày, không còn bài giảng. Không ai thấy thầy nữa. Tôi không học thầy này, chẳng lý do để háu chuyện người ngoài. Trên trường không thông báo gì, cử giảng viên khác dạy thay. Đổi người. Lấy chẵn thay lẻ và lẻ thay chẵn. Điều này vẫn diễn ra trong mọi trường lớp, bất kể tiểu học hay đại học. Chất lượng giảng là một vấn đề, mặt khác ban giám hiệu ít lâu lại họp, bàn nhau việc thầy nào sẽ dạy lớp nào. Vào một kỳ trung học, lớp tôi sụt hạng môn lịch sử. Ngày đấy lớp tôi phải học một cô giáo sử khó tính chưa từng thấy. Cô giảng không giáo án, giờ kiểm tra được phép giở vở và ai cũng dưới trung bình. Rõ là chúng tôi đã chép không sai một dấu, trình bày sạch sẽ, nét chữ đứa nào cũng nắn nót. Ngày trả điểm, bài ai cũng tròn dấu đỏ. Cô bảo lớp tôi chỉ đang tô mực lên mặt chữ chứ chưa biết sử. Lý do điểm số khiến cô giáo bị điều đi. Tôi đoán cô sẽ đánh trượt một lớp học khác nhưng không, chẳng một ai thấy cô ở trường. Vẻ như cô đã chuyển công tác tới một trường trung học khác.

Tôi gọi điện hỏi đứa bạn cũ về cô giáo sử ngày đấy. Trong lúc chờ cuộc gọi, tôi ngớ người vì mình đã quên béng tên cô. Đời học sinh có biết bao nhiều thầy cô giáo, những mặt những tên xếp chồng rồi rệu rã theo thời gian. Tuổi tác thù địch với trí nhớ. Một lần, ghé qua hiệu sách, tôi lướt thấy một cuốn với tựa… Sách còn ngoài cửa hàng, trên một kệ giá nằm góc nào đấy. Chưa một lần tôi đọc sách này, quên béng cả tên tác giả. Tôi phân vân cái tên sách.

“Thời gian để… gì nhỉ… để… thời gian để… thời gian... chết tiệt…”. Tiếng a lô bên kia máy, tôi cúp điện thoại. Đứa bạn gọi lại, tôi bảo mình chỉ nháy máy. Một trò giỡn và chẳng quan trọng gì. Cô giáo sử…

“Đâu ấy?” – Lắm lúc chỗ tôi lại hỏi nhau như thế. Một cụ bà hôm trước vừa gánh rau ra chợ, hôm sau đã không thấy. Người ta kháo nhau rằng cụ ốm, về quê không lên hoặc chuyển nghề. Nhiều tháng sau, một toán người ở quê chạy khắp nơi, cả đồn công an lẫn nhà dân, họ hỏi về một bà già tóc trắng. Không ai thấy, không ai biết về một cụ già tóc tuyết. Người già bán rau thì nhiều lắm, đếm không xuể. Mọi đồn đoán vô ích khi hôm sau người ta thấy ngoài chợ một cụ bà gánh rau. Tóc cụ trắng một bên, phần tóc còn lại xơ, bết như lấm đất nhưng vẫn là mái tóc đen. Công an báo cho toán người quê. Họ không nhận mặt dù cụ cũng bán rau. Tôi đoán lý do từ mái đầu nửa trắng đen chia đôi như lưỡng cực. Gì gì nhỉ, toán người kia bảo rằng nhầm. Công an nói rằng “Nhầm ngay từ lúc các anh lên đây, làm náo loạn”. Sau đấy họ đi khỏi đây. Không ai thấy mấy người đấy nữa. Cụ già bán rau tóc nửa đen trắng cũng vắng đâu chỉ sau một ngày lỗ vốn vì bị quấy quá từ rạng sáng đến chiều mờ. Người ta ngờ rằng cụ già đổi nghề hoặc đi nơi khác bán rau.

Cha gọi tôi về. Cú điện thứ nhất nhỡ vì tôi mở không kịp máy. Cú thứ hai giọng cha khẩn cấp, tôi nghe cả tiếng mẹ tôi hốt hoảng. Và tôi nghe, bảo rằng mình đang ở trường. Tan học, tôi về. Nhà tôi vẫn thế. Cha tôi đọc báo, mẹ tôi đón tôi bằng nụ cười hiền. Chị tôi trên gác, chị đang nghe nhạc. Một giao hưởng thiếu cái tên.

“Nhà mình có chuyện gì?” – Tôi hỏi.

“Không có gì” – Cha tôi nói. Mẹ tôi hốt hoảng hỏi lại rằng nhà mình có gì.

Mọi sự vẫn ổn. Tiếng gọi khẩn cấp của cả cha lẫn mẹ chỉ là một bữa cơm đủ các thành viên. Các phụ huynh Châu Á luôn nghĩ con mình quá bé và hễ lỏng tay là nó đâu mất ngay khỏi nhà. Thời đại này đâu đâu cũng cạm bẫy.

***

Chị tôi làm dấu khi thấy tôi.

“Gì vậy chị?” – Tôi hỏi.

“Amen” – Chị nói.

“Sao lại Amen…”.

“Dấu thánh xong rồi”.

“Nhà mình theo đạo đâu nhỉ?”.

“Tất nhiên không rồi, em trai”.

“Sao lại dấu thánh?”.

“Không có gì”.

“Chị làm em nghĩ đến người đàn ông đầu bạc đấy”.

Chị tôi không nói gì và đặt ngón tay lên trán tôi, đặt xuống vai trái, vai phải rồi ngực. Tôi lẩm bẩm, “Người đàn ông đầu bạc, tuổi trên dưới năm mươi mà tóc đã bạc, mê Bethoven, thích văn học cổ điển, Mary Shelley…”.

***

Đâu rồi… Tôi ghét hai chữ này và lâu lâu lại thốt ra khi không thấy cái gì đấy vốn bất ly thân với mình. Vừa rồi tôi làm gì nhỉ? Cây bút hay cuốn sổ, điện thoại vẫn trên bàn. Không một cuộc gọi, không tin nhắn, không dòng chữ sáng báo pin đã nạp đủ. Tôi hỏi cha mình về cái mình đang tìm.

Cha tôi ngáp. Vừa rồi, ông đang ngoài đường thì mẹ gọi về. Không lý do, chỉ là mẹ gọi cha về. Mỗi lúc về nhà, cha giở báo. Tôi không biết ông đọc gì trên báo mà mãi không lật trang. Mắt ông nán chỉ một mục, một dòng, không hề dịch chuyển xuống. Có lần tôi nhìn vào báo thì thấy cha đang đọc mục tin vắn, tìm người nhà. Họ, tên tôi không nhớ, quên béng tuổi lẫn đặc điểm nhận dạng. Ảnh một đàn ông hoặc đàn bà nhỉ. À, một cái đầu trắng.

Chiều hôm đấy, tôi tìm đến nhà người đàn ông tóc bạc. Nhớ không sai thì ông ấy ở cách tôi ba nhà. Trước giờ nhà tôi không giao hảo với ông ấy. Nhà tôi sống ở đây đã lâu. Từ thuở ông cố tôi còn viết sớ mưu sinh, nhà đã ở đây. Người đàn ông lạ mặt kia không biết chuyển đến đây lúc nào. Lúc bé tôi chưa một lần chạm mặt ông. Trí nhớ của tôi về người này rất mơ hồ. Tôi có gặp, một vài hoặc hơn vài chục lần rồi quên béng. Trông ông ấy không ấn tượng gì hoặc tôi đã không chủ tâm làm thân với ông. Người đàn ông đấy cũng suy nghĩ thế. Sau một tiếng chào, đường ai nấy đi. À, thậm chí còn không một tiếng chào nào, đơn giản là hai người đi qua nhau thôi. Chị tôi không đặt thêm dấu thánh nào. Không biết chị quen làm dấu thập giá này từ bao giờ. Chưa một lần tôi thấy chị đọc kinh thánh, thường ngày chị không hề nhắc tới chữ nghĩa nào liên quan đến tôn giáo. Lẽ nào… À, chắc chị tôi ghiền một loạt phim về linh mục trừ tà và học lóm. Quãng lâu lâu, tôi cảm lạnh nằm co ro trên giường, chị tôi đã vẩy nước lên mặt và khắp người tôi. Chị bảo nước thánh sẽ diệt những ám quỷ đang đọa tôi trong giá lạnh. Hôm sau, tôi khỏi bệnh. Chỉ là cơn cảm vặt, thuốc cảm cùng bát cháo gà nóng hổi, chăn ấm đã chữa lành tôi. Tôi không tin lắm về thứ nước được chị phong thánh. Ắt chỉ là nước sạch được triệt khuẩn.

Tôi đi hết ba nhà và đứng trước ngôi nhà số bốn, tính từ cửa nhà tôi. Nhà này cổng khóa lỏng, bên trong sáng đèn. Qua cánh cửa sổ hé mở, tôi thấy một cái đầu lắc lư. Ngoài đường sáng, còn trong nhà đèn vàng vặn nhỏ. Cái đầu với tóc đen chứ không bạc. Ý nghĩ người đàn ông kia trở về được bác bỏ. Tôi thò tay bấm chuông. Người bên trong tỏ ra cuống quýt, đánh rơi cái gì đấy xuống đất và vấp ngã bởi chính vật đấy. Tôi ấn thêm chuông, những ba lần liên tục. Đèn không vặn sáng thêm. Mấy tiếng lách cách, cửa mở ra. Tôi thấy một người đàn ông áo xống chỉnh tề, chân mang giày đinh, tóc không không một sợi bạc, vẻ mặt nghiêm mà không nghiêm khi cố gõ một nụ cười đầy miệng không tiếng vang. Hắn hỏi tôi tìm ai. Tôi nói về người đàn ông đầu bạc.

“Cậu quan hệ thế nào với ông ấy” – Hắn nói thế.

“Chẳng thế nào, thế đây có phải nhà ông ấy. Cái người đầu bạc”.

“Người đàn ông mà cậu hỏi tên là gì”.

“Tên, à, gì nhỉ… Chà, tôi không biết nữa, nhưng đây có đúng nhà ông ấy?”.

“Ở đây không có ai tóc bạc hết. Nhầm nhà rồi”.

“Thế ông có biết người đầu bạc vừa đi khỏi đây, bây giờ ở đâu không?”.

“Ở đây làm gì có ai như thế, đi nơi khác hỏi đi”.

Người này chào tôi và đi vào nhà. Cửa ra vào đóng sập lại. Đứng trên bậc, kiễng chân, nhìn qua cửa sổ tôi thấy trong nhà rất bừa bộn. Bàn ghế đổ nhào dưới đất, bóng đèn thắp ánh bạc. Thứ sáng chờn vờn, lúc nhập nhọa lúc tắt ngóm rồi sáng phụt trở lại. Sách vở bừa bộn, hình như ông ta đang dọn nhà nên lấy hết đồ đạc, sách báo trên giá, trên kệ tủ xuống. Các ngăn kéo bàn được tháo ra trống hoác. Từng cuốn sách được lật ra, rồi gấp lại, ném vào đống bừa bộn chỉ sách là sách. Tôi không cho rằng người này đọc nhanh đến mức chỉ một cái lật trang là biết làu hết chữ nghĩa. Người đàn ông ngồi xổm vớ hết quyển này đến quyển khác, sách dày lẫn sách mỏng, cả tạp chí lẫn văn bản đóng ghim, các tập giấy dày cộm đóng quyển như bản thảo chưa giấy phép. Hắn đang tìm gì đấy. Một dòng viết quan trọng cần trích dẫn hay hắn đang cố nắn tìm chữ ký của một nhân vật khét tiếng trên cuốn sách của chính ông ta.

Cái bàn bị đạp đổ, sách rơi tứ tung. Frankentein…

Hắn đứng từ vị trí cửa sổ nhìn ra tôi. Ánh nhìn khó lường. Rèm cửa được kéo. Cửa sổ vẫn mở. Tôi ngáp dài, trong lúc ra về, tôi gặp một người đi đường. Tôi hỏi về người đàn ông đầu trắng, anh lắc. Tôi nhìn biển số ngôi nhà, thấy một con 9.

Chút ngập ngừng, tôi nhìn sang kia đường. Biển số nhà đối diện đánh số 1. Bên kia đường thuộc dãy lẻ. Phía này đường dãy chẵn. Thế biển nhà số 9. Định bụng lội về ngôi nhà với người đàn ông tóc đen nhưng xe đã chuyển bánh. Một tuyến bus không biết vì lý do gì tôi lại có mặt. Xe đi êm ru, cứ bon bon, chẳng lắc chẳng vấp, chưa vội quẹo. Trời còn sáng hay đã tối. Cửa kính xe bus rất mờ, xước chằng chịt. Không thể thấy gì bên ngoài từ lớp kính hỏng, lười chưa thay này. Tôi không yên vị ở ghế ngồi, xe vẫn nhiều chỗ trống. Đèn xe bus sáng quắc. Lớp sáng quánh xuống, nhấm hết mọi màu sắc còn lại trong xe. Mọi xe bus đều có gắn đèn và luôn là đèn tuýp, ánh sáng của trăng cao và của ngày mới. Khách trên xe người ngồi giở báo, người bấm điện thoại, số khác nhắm mắt, lắc cả đầu lẫn vai theo bản nhạc từ chiếc sennheiser cỡ lớn, người đứng nắm vào tay cầm xe bus. Ai cũng tránh ánh nhìn của tôi và né ánh nhìn từ nhau. Mỗi kẻ nhìn về một góc, không chạm vào mặt ai. Đèn xe khiến ai cũng lóa như nhau.

“Xuống ở đây” – Tôi gọi. Lơ xe không đáp, mải đếm tiền. Một chồng những đồng lẻ, đồng chẵn nhàu nhĩ bạc phếch như đã qua tay vạn người. Tài xế quành tay lái, xe quẹo, phóng gấp hơn. Tóc ông cũng lão hóa dưới đèn.

“Cho tôi xuống!”. Tiếng tôi gấp gáp từng chữ một. Xe này đi đâu. Tôi không biết đây là chuyến đi hay về. Trạm dừng chưa trước mặt. Tôi bấm nút stop, bấm nhiều và mạnh đến đau ngón tay. Tôi đấm cửa kính. “Cho tôi xuống!”. Tôi nói to hơn. Mấy cái liếc rồi quay đi như sợ bị tôi gọi lại.

“Có ai không…” – Tôi đấm cửa kính. Trên xe không ai nói gì. Lúc nhìn ra ngoài qua cửa kính lối lên xuống tôi không thấy gì. Lớp kính không mờ, không sứt sẹo và sáng sạch như một tấm băng trong tủ lạnh. Nhìn vào không thấy gì bên ngoài, không thấy cả ảnh ngược của chính tôi. Lấy ngón tay lau kính, không thấy gì, lau bằng tay áo vẫn thế, nhấm nước bọt ngón tay xoa cũng không rửa được gì. Tấm kính trong, trong đến mức không thấy gì. Tôi run mình một nhịp, giá rét từ điều hòa. Định nói gì đấy nhưng họng nghẹn lại, thấy khan cổ.

Tôi lần túi tìm điện thoại và không thấy, đến lúc lục ra điện thoại thì không tìm được số gọi nào trong khi tôi quên cả số cứu thương. Ngón tay run, nhức hơn và chỉ để lại trên màn cảm ứng một dấu vân mờ mờ. Đột ngột, xe bus rồ ga, phóng không kiểm soát như con tê giác hung hăng. Tất cả ngã bổ nhào. Rồi thì bóng tối…

***

Không có. Cha bảo tôi thế. Trước giờ tuyến phố tôi sống thuộc dãy chẵn, không một số lẻ nào nhố lên dù 9, 99, 999 hay 9999… Nhà tôi biển số 2, nhà đầu tiên của con phố kéo dài vòng quanh. Sau ba nhà, biển 4, 6, 8 là nhà số 10. Nhà này bán vật liệu xây dựng nhưng đã đóng cửa nửa tháng nay. Cái biển nhà xiêu vẹo và con 10 xiêu vẹo, chừng như sắp đổ nhào. Nhà số 9 không hề có. Đúng hơn, biển số 9 nằm bên kia đường. Tôi sang đường những hai lần và không kiếm ra nhà nào viết biển số 9. Sau nhà số 7 là nhà 11. Lối kiến trúc nhà trong ngõ không giấu diếm một bảng số. Tôi không quan trọng nhà nào đặt biển gia đình văn hóa, tôi đang cố dò dẫm một con số quen thuộc như mọi con số nối tiếp nhau trong bảng số đếm. Liền kề nhà số 8 là một bức tường nối vào ngõ số 10. Tôi lần sang kia đường, phía nhà mình. Đi hết ba nhà thì giáp mặt nhà số 10, cửa hàng bỏ không đóng cửa và lem nhem đủ thứ bụi bẩn lẫn hình vẽ của họa sỹ đường phố. Sau ba con nhà là đây. Đi ngược lại ba hộ, là nhà tôi. Không hề có số lẻ trong dãy phố chẵn. Tôi hỏi mấy người sống quanh đây về nhà số 9. Một bà cụ vỗ đầu bảo đây là dãy nhà chẵn, rồi chỉ sang kia đường. Hỏi ông lão bơm vá xe đạp lâu năm, ông chỉ sang tít tắp đâu đấy. À, ngón tay ông bị cong, chỉ đâu cũng hướng thổ. Tay còn lại thì cụt ngón chỉ, chứng tích của đạn chiến tranh. Một em bé hỏi lại tôi rằng con giáp thứ 9 là con gì. Tôi lẩm bẩm “Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, dậu, tuất, hợi”. Tôi bảo “Dậu”. Em bé nói với tôi không phải Sanders. Tôi nhẩm lại “Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, tuất, hợi…”. Tôi bảo “Một chú cún”. Em bé lắc, nhíu mày như dỗi tôi. “Không phải chihuahua”. Em nói thế và tôi lại nhẩm. Tôi đếm rồi quên béng. Tôi giả tiếng chít, rồi tiếng eng éc, con gì cười trong trí khôn của ta đây nhỉ? Con gì bị bác nông dân trói rồi đốt… Sói, làm gì có giáp con sói, bác nông dân tuổi con gì nhỉ…

“Mẹ ơi người này bị điên”. Em bé chỉ trỏ, cười hở răng khểnh rồi chạy đi. Tôi gọi với “Bé ơi, con giáp số 9 là cự giải hay thần nông?”. Không thấy em bé kia, em cũng chưa tìm thấy mẹ và gọi mãi “Mẹ ơi, đâu rồi…”.

Giữa nhà số 8 và 10 có một vách tường. Tôi lượm một hòn đá gõ vào thì thấy tường rất đặc. Bức tường này cao vút, nhìn mới như vừa được sơn. Sống ở đây đã lâu, tôi không chú ý lắm đến bức tường này. Giữa hai nhà luôn có một tường ngăn, nhưng bức tường này rất lạ. So với mọi nhà cửa quanh đây thì nó mới và chắc hơn hẳn. Tường rất cao, vượt quá mái của hai nhà số 8 và 10. Tường này như được chuyển từ nơi khác, một mẩu hình xếp kỳ quặc khớp chỗ hổng nhưng không liền thành khối dù với nhà số 8 hay cửa hàng hoang phế với con 10 nghiêng gãy. Dưới đất không thấy dấu sơn loang. Tôi đập mạnh viên gạch, tường tróc và không lộ gạch. Tôi lẩm bẩm về ngôi nhà số 9. Nhà đấy thế nào nhỉ, cao hay thấp, cấp bốn hay cấp ba, hàng rào hay không, nhà có vườn rau trên sân thượng không, nuôi mèo hay chó, chủ nhà chơi chim hay các dị vật như bọ cạp, kỳ đà, thế còn cá cảnh, có bao nhiêu chậu hoa hay chẳng gì hết ngoài những cây dại mọc tứ tung…

Điện thoại rung trong túi áo. Tiếng rè rè không chuông, run rẩy như tiếng tim tàn trước lúc lâm sàng. Một cú gọi từ mẹ, bà nhắn tôi về.

***

Về nhà, cửa mở. Không thấy ai. Tôi gọi mẹ, tiếng bà thưa trong nhà. Cái điện thoại tôi cất béng đi. Tôi không định hỏi về lý do mẹ gọi tôi về, giọng bà bớt vội vã và dịu đi, tiếng nhỏ và ngắn như vẫn à ơi tôi thuở trong nôi. Không khát, không đói cũng chẳng buồn bật cái gì, tôi thấy tờ báo gấp trên bàn. Báo này cha tôi vẫn thường xem. Trang nhất ngoài những mục lục tuyên truyền về phố xá xây mới, cán bộ nọ kia thị sát, ông chủ vỡ nợ vì thua chứng khoán, lẻ ra tin tức tìm người lạc. Không thấy tên, không ngày tháng năm sinh, không luôn đặc điểm nhận dạng. Cái chân dung vừa mới đây thôi đã đâu mất. Trong khung rỗng dù ảnh hay bóng. Một dấu nhòa chéo qua, chừng như bút xóa hoặc vôi vữa tróc trên trần nhà. Tôi úp tờ báo xuống bàn.

Tôi lên gác. Nhạc giao hưởng từ phòng bên. Tiếng nhạc rất cao, cao mãi như bàn tay không ngừng dài ra bắt trăng, bắt cả sao băng lẫn sao chổi, vét hết gió trời lẫn mây mù, nhặt mọi sáng tối vào túi nhân chủng. Đĩa nhạc chạy giữa chừng nên tôi không đoán được bản nào và của ai. Đầu tôi ong ong, cố nhớ gì đấy. Mẹ lại gọi và cha tôi cũng gọi, cả mẹ lẫn tôi. Hẳn ông đã về nhà, với một túi quà nhỏ dành tặng gia đình.

Bản sonata đương kéo cao, thúc căng khiến tiếng ngực tôi rung lên như muốn nổ, chợt đứt phựt. Laptop đen ngòm, chắc hết pin. Tưởng như một trái bom đã liệng vào Nhà Hát, rồi thì nhạc nhẽo im lìm sau trận sấm. Tôi không định tìm sạc. Trong lúc loay hoay chưa biết đứng hay ngồi, tôi lần tay và làm đổ một khung ảnh bé bằng bàn tay. Tôi dựng lại khung và thấy một mái đầu bạc.

“Đâu rồi!” – Người dưới nhà đang gọi nhau. Tiếng mẹ và cha.

Lúc nhìn ra ngoài cửa sổ, rọi xuống đường tôi thấy một người chỉ tay lên trời. Mấy người qua đường đi lại, hỏi “Gì thế?”. Ngón tay vẫn chỉ lên. Một người bảo “Cái gì?”. Người nữa nói “Đấy”. Rồi một người nữa nói “Cái gì?”, tiếng “Đấy!” bắn cao, rồi một loạt các tiếng ing ỏi va đập vào nhau, đâu, đấy, đâu

Người trong nhà vẫn gọi nhau.

“Con trên này” – Tôi nói to.

“Đâu!” – Mẹ lẫn cha nói to.

Tôi xuống gác. Không ai thấy ai. Lúc xuống bếp thì tiếng gọi ngoài phòng khách, khi chạy vào phòng khách, tiếng réo trong nhà tắm, rồi tầng trên, tầng dưới, trong nhà kho, phòng khách, ngoài sân, trong nhà…

“Đâu…” – Tiếng cứ thế, cứ thế. Không ai thấy ai.

Tôi bấm điện thoại, danh bạ trắng xóa. Nhật ký cuộc gọi trống trơn. Mọi tin nhắn rỗng huyếch. Ứng dụng không nhạc không hình ảnh lịch trắng đồng hồ không con số. Tôi gọi cả mẹ lẫn cha. Đây, họ bảo cùng nhau thế rồi hỏi tôi đang ở đâu. Không phải tôi, họ biết tôi trên này mà. Họ đang tìm nó. Nó, ơ, nó đâu giờ này, tối đến nơi rồi.

Tôi vấp chân, ngã dập đầu gối xuống đất. Tôi làm dấu thánh. Ngón tay run run làm sai mấy lần. Dấu thánh đặt sao nhỉ… Thánh giá, trái sang phải, phải sang trái… Giá thánh, nhân danh gì bên trái, nhân danh gì phía phải…

“Amen”.

“Đâu…”.

8/2016