Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Trao đổi với hai ông nhạc sĩ về năm bài hát bị cấm

Nguyễn Phú Yên

Ngày 10-3-2017 Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng năm bài hát. Trước dư luận không đồng tình, ngày 13-3 ông Nguyễn Đăng Chương – cục trưởng – cho biết: “Ca khúc Con đường xưa em đi tạm dừng lưu hành vì nội dung ca từ chưa đúng so với bản gốc, và ông cũng khẳng định năm ca khúc dừng lưu hành không có vấn đề tư tưởng, chính trị…, trong thời gian tới, Cục NTBD sẽ chủ động tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu và sẽ cấp phép trở lại sau khi quá trình thẩm định kết thúc”. Ông Nguyễn Thu Đông – trưởng Phòng quản lý băng đĩa – cho biết 5 ca khúc trên cần được xem xét lại ca từ, tên tác giả; ông khẳng định năm ca khúc đó không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung. Vấn đề đã rõ ràng như vậy nhưng ngày 15 và 16-3, trang báo VTCNews có đăng hai bài phỏng vấn dành cho hai nhạc sĩ về chủ đề trên. Đó là “nhà báo-nhạc sĩ-nhà phê bình âm nhạc” Nguyễn Lưu (http://www.vtc.vn/…/khong-nen-pho-bien-nhung-ca-khuc-viet-v…) và “nhà văn-nhà báo-nhạc sĩ-nhà phê bình âm nhạc” Nguyễn Thụy Kha (http://www.vtc.vn/…/tam-dung-luu-hanh-5-ca-khuc-truoc-1975-…).

Có gì mà to chuyện lắm thế? Trong năm bài hát thì có ba bài không nhiều tranh cãi: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân. Chỉ còn lại hai bài Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi. Phóng viên Minh Nguyên đã liên lạc với nhạc sĩ Diên An, ông cho biết ông chỉ có 12 ca khúc sáng tác trước 1975, và Đừng gọi anh bằng chú không nằm trong số tác phẩm do ông viết. (Bài này là sáng tác của nhạc sĩ Anh Thy) (xin xem http://phunuonline.com.vn/giai-tri/se-khong-chi-co-5-ca-khuc-bi-dung-luu-hanh-95408/). Vậy là rõ nhé! Chỉ còn bài Con đường xưa em đi là đề tài để hai đại nhạc sĩ nhảy vào “chém gió”.

Trở lại với ý kiến của ông Nguyễn Lưu.

Chẳng ai xa lạ gì với ông này, người trước đây đã từng “oánh” tơi tả nhạc sĩ Phạm Duy. Ông ta viết: “Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài ‘Mùa thu chết’… ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam” (http://thanhnien.vn/van-hoa/phan-ung-cua-cong-ty-van-hoa-phuong-nam-sau-bai-viet-ve-nhac-si-pham-duy-309404.html). Trời đất, có lẽ ông ta chưa hề biết bài thơ L’Adieu của Apollinaire (1880-1918) mà Phạm Duy đã phổ nhạc từ bài thơ ấy. Mùa thu chết là từ câu “J’ai cueilli ce brin de bruyère/ L’automne est morte souviens-t’en…”. Ông nhà thơ bên Tây có biết cách mạng mùa thu, mùa đông gì đâu? Ông chết từ đời tám hoánh rồi mà. Trình độ của nhà phê bình là như thế ư? Lần này ông cũng đăng đàn diễn thuyết, muốn làm “thầy dùi”, “bảo hoàng hơn vua”. Ông viết: “Riêng đối với năm ca khúc trên, tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. Con đường xưa anh đi là con đường nào?”. Sao ông lại nói ngược với ông quan cục trưởng vậy? Bài hát Con đường xưa em đi chỉ là chuyện tình như lời ca đã rõ: “Anh làm thơ vu qui/ khách qua đường lắng nghe/ chuyện tình ta đã ghi”, sao ông “trông gà hóa cuốc”, lại đổi tên thành Con đường xưa anh đi, từ đó dắt dây qui chụp rằng đó là con đường của “những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc”. Ông đã méo mó, đánh lận con đen để bắt mọi người hiểu theo nghĩa chính trị! Không, đó là “con đường tình ta đi” của những lứa đôi, chẳng hạn như “con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ buổi chiều công viên mây trời xanh ngát” vậy đó. Người ta hát tình ca mà ông cho là có vấn đề tư tưởng gì đây? Sao ông đặt điều như gắp lửa bỏ tay người vậy? Chưa hết. Ông viết tiếp: “Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng… bất lợi cho công cuộc xây dựng chính đất nước hiện nay”. Người ta khoái trá để chọn hát, thậm chí đem đi thi hát trên tivi, có ai phân tâm, lo lắng gì đâu? Ông xây cứ xây, tui hát cứ hát, có ai la lên là tiếng hát tui bất lợi? Ông bị bệnh tưởng rồi chăng?

Trong hình ảnh có thể có: văn bản và ngoài trời

Không có văn bản thay thế tự động nào.

 

“Tôi vừa có cuộc nói chuyện với một nghệ sĩ rất nổi tiếng người miền Nam, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm nên dừng phổ biến những bài hát miêu tả tâm trạng, hành vi của những người lính đi ngược lại quyền lợi của dân tộc”. Ông nghệ sĩ nào vậy, thưa ông? Ông kiếm ra một người ủng hộ ông thì người khác cũng kiếm ra cả ngàn người ủng hộ bài hát, ông chịu không? Ông đừng đem bùa ra để nhát ma nhé! 

Chưa hết. Ông còn đổ tội cho các nhạc sĩ miền Nam khi ông viết: “(họ) ca ngợi chính những con người ngày xưa đã từng chĩa súng vào đầu cha mẹ chúng”. Xin thưa, tôi chưa bao giờ thấy một người lính nào lại bắn bỏ cha mẹ mình, xin ông dẫn chứng đi! Chỉ thấy trường hợp này, trích lại từ FB Viet Quan: "Thằng Lưu, mày theo cộng sản để cho đàn em mày hành hạ làm nhục bố mày thế này đây!" – cụ Phan Đăng Dư, cha ruột của Phan Đăng Lưu, gào lên đau xót. Cụ Dư bị đem đấu tố tại quê Nghệ An năm 1955, bị người ta trói gô bốn chân tay lại rồi lùa vào đòn ống khiêng lủng lẳng đi. Ông cụ bị đem lên núi giam rồi chết, mất xác” (https://www.facebook.com/changvietquan/posts/931553153614259?pnref=story). 

Ông còn tỏ ra rành rẽ: “… việc cho phép hay tạm dừng lưu hành các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các bài hát là việc làm bình thường và thường xuyên của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, kể cả nơi tự do như Mỹ”. Xin ông chỉ ra Mỹ đã cấm bài hát nào, hãy chứng minh đi? Những bài hát phản chiến vào thập niên 1960 của Bob Dylan, Joan Baez, Jane Fonda… giờ vẫn còn tìm nghe được, sao ông lại hồ đồ vậy? 

Có lẽ ông cũng thắc mắc như ông Nguyễn Thu Đông: “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào đây?”. NS Phạm Duy trả lời: “Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime/ Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã”. Hoặc Trúc Phương: “Pleime gió mưa mùa/ Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi/ Đồng Tháp vắng bóng hồng, tôi yêu ai?”. Hàn Châu: “A Sao, Cam Lộ, Hạ Lào, Khe Sanh/ Pháo nổ trên cổ thành”. Trần Thiện Thanh: “Toumorong, Dakto, Krek, Snoul/ Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu”. Nguyễn Minh Khôi: “Đường nội thành đền xưa ai tàn phá/ Cầu Tràng Tiền bạc màu loang dòng máu/ Hương giang ơi thuyền neo bến không người qua đò”… Thế là rõ rồi nhé, khỏi thắc mắc!

Nay xin hầu chuyện ông Nguyễn Thụy Kha.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Cách đây ba năm, tôi đã viết bài “Trao đổi với Nguyễn Thụy Kha về ca nhạc Sài Gòn trước 1975” (xem http://www.art2all.net/…/nguye…/traodoivoinguyenthuykha.html), với nội dung ông không hiểu nhiều về ca nhạc miền Nam đâu. Các cụ xưa có nói “vô tri bất mộ” (không biết thì không thích), ông không biết nên nói sai nhiều lắm. Trong bài phỏng vấn, ông viết: “Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình. Công chúng đôi khi không biết được những câu chuyện đằng sau các ca khúc đó, còn các ca sĩ, nhiều người có trình độ hạn chế, họ chỉ cần biết bài nào dễ hát, dễ thuộc, dễ nổi tiếng thì thể hiện thôi. Chính vì thế, mới cần đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền”. Ông lại a dua rồi: trong công cụ bảo vệ thể chế có việc cấm các bài hát có hại! Xin hỏi ông nhạc tình có hại không? Ông sợ hãi cả một bài nhạc tình từ mấy chục năm trước? Chắc ông muốn có là có vì suy diễn thế nào cũng được, kể cả ngụy biện? Như vậy hóa ra ông muốn xiển dương một nền văn nghệ chỉ huy, đi lùi mấy chục năm trước? Ông chê bai các ca sĩ có trình độ hạn chế, nghĩa là cho rằng mình có trình độ hơn? Nhận định này của ông đọc được: “Bolero là những ca khúc bình dân. Nó rất phù hợp với tâm lý của phần lớn công chúng. Nó giúp họ giãi bày tâm trạng, an ủi họ trong những lúc buồn và dỗ dành người ta trong những lúc chán nản”. Vậy thì hay quá, có gì mà cấm? Nhưng ông viết như thế này là trật: “Chỉ cần hát nhạc bolero, người ta đã biết đó là người Việt Nam rồi. Không đâu trên thế giới có dòng nhạc này”! Thật ra bolero là điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha được sáng tạo bởi vũ sư Sebastian Cerezo tại Cádiz vào năm 1780, sau đó phát triển sang khu vực Mỹ Latinh (đặc biệt là Cuba) khoảng một thế kỷ sau. Bolero còn có thể tìm gặp ở âm nhạc hàn lâm với nhiều sáng tác của các nhà soạn nhạc Ravel, Chopin, Debussy, Bizet, Saint-Saens, Moritz Moszkowski… Bolero từng xuất hiện trong ca kịch của Pháp, nhạc kịch Zarzuela của Tây Ban Nha. Chúng ta đã từng biết các bài bolero Histoire d’un amour (Historia de un Amor) của Carlos Eleta Almarán, bài Guantanamera của José Fernández Diaz, bài Quizas quizas quizas (Qui sait qui sait qui sait) của Osvaldo Farres, Besame Mucho của Consuelo Velazquez viết năm 1940... Vậy thì bolero đâu phải của Việt Nam, thưa ông?

Trong khi cả hai muốn cấm phổ biến thì nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận: “Những ca khúc sáng tác trước năm 1975 là một phần của âm nhạc mới Việt Nam. Góp phần tạo nên diện mạo của đời sống âm nhạc đại chúng nước ta. Có giá trị nhất định về mặt nghệ thuật cũng như thẩm mỹ. Đương nhiên, loại trừ những bài hát có nội dung không phù hợp, những bài hát trước 1975 cũng xứng đáng được vang lên trên những sân khấu chính thống”. Vì vậy mà hiện có các chương trình Thần tượng bolero (VTV3), Tình khúc vượt thời gian (VTV9), Tình bolero, Hát cùng bolero, Hãy nghe tôi hát, Tuyệt đỉnh song ca (THVL), Những khúc vọng xưa (kênh Today VTC 7), Giai điệu vàng (kênh Star của SCTV 11)...

Cả hai đại nhạc sĩ tỏ rõ não trạng kỳ thị và thù hằn văn hóa miền Nam nói chung, âm nhạc nói riêng. Bởi vậy họ bạo miệng bất chấp lịch sử, bất chấp logic để biện hộ và vuốt đuôi cho các quan có quyền phán xét, cấm đoán. Trong cuốn “Hồi ký”, GS Nguyễn Đăng Mạnh có chia ra hai loại người: những người tiên phong đổi mới và bọn bảo thủ cơ hội chủ nghĩa, có những "thợ đánh" hàng tôm hàng cá... Tôi không biết xếp hai đại nhạc sĩ vào loại người nào đây?

(17-3-2017)