Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Thriller Bờ Bên Kia (kỳ 16)

Lưu Thủy Hương

Chương 16: Phần tàn

Trại dưỡng lão Abensberg SH nằm giữa vùng núi đồi cạnh biên giới Tiệp. Nó hoàn toàn không có tên trên bản đồ hay trong danh sách những viện dưỡng lão của miền Đông Âu.

Thám tử Bartmann chỉ vào một chấm đỏ trên màn hình:

"Đây là tọa độ do máy định vị của chúng tôi ghi lại. Từ trung tâm vùng đồi núi Breitenbrunn, đi về hướng đông, mười tám cây số. Có khoảng mười người già bị bỏ quên trong cái xó xỉnh này."

Tôi gõ lên bàn phím, thu hẹp biên độ tìm kiếm của satellit, chỉ thấy núi rừng trùng điệp xanh um. Thám tử Bartmann di chuyển con trỏ trên màn hình:

"Đây. Con đường lộ này, rời khỏi Breitenbrunn, đi về hướng Ehrenzipfel khoảng 10 cây số. Sau đó rẽ vào đường rừng. Máy định vị thông thường cũng không thể chỉ rõ ràng, bởi vì anh không có địa chỉ cụ thể. Người dân quanh vùng cũng không biết gì về trại dưỡng lão mang tên Abensberg SH."

Tôi nhìn lên màn hình xanh um, lắc đầu hoài nghi:

"Nhưng anh tin chắc người đàn ông ở đó đúng là người tôi tìm kiếm?"

"Không. Tôi không tin chắc. Nghề nghiệp của tôi không cho phép mình tin chắc vào bất cứ điều gì. Nhưng tôi đã lấy được chữ viết và chữ ký của ông ta và đem đi giảo tự. Chúng trùng khớp với chữ viết và chữ ký trên lá thư gửi cho mẹ ông."

Đó là lá thư mà John gửi cho Moni hai tuần trước khi bà ấy chết.

"Tôi là kẻ bị lãnh án tù cách đây mười ba năm. Bây giờ tôi được thả ra, nhưng tôi mất hết. Thật là bất công. Thằng nhỏ đó đã đến tuổi trưởng thành, nó cần biết sự thật. Đúng không? Hoặc là tôi nói với nó. Hoặc là tôi nói với bà. Hãy lựa chọn đi. Giữa tháng 11 tôi sẽ lên Berlin gặp nó. Tiền vé xe lửa cũng phải tính luôn vô hóa đơn.

Freiburg, 25 tháng 10 1993

GJ"

Bức thư viết tay từ hơn hai mươi năm trước. Nó bị giam trong két sắt của ngân hàng cùng với số nữ trang quý giá của Moni để lại. Hai mươi năm nay, chưa bao giờ tôi đủ can đảm để mở cánh cửa quá khứ, đọc lại kỹ lại lá thư. Lẽ ra mảnh giấy ố vàng này sẽ nằm mãi trong góc tối tăm cho tới ngày tôi chết, nếu như Vi không xuất hiện.

Bartmann quan sát khuôn mặt tôi, thận trọng nói tiếp:

"Tôi đã chụp hình ông ta và cho kiểm tra lại bằng computer. Khuôn mặt người đàn ông tên Bernhart Dauner ngày nay trùng khớp với khuôn mặt của John Gellert cách đây hơn ba mươi năm ở tòa án Baden-Württemberg."

Tôi nhắm mắt lại. Trong ký ức của tôi, khuôn mặt gã đàn ông đó chưa bao giờ hiện ra rõ ràng. Bao giờ gã cũng nấp trong bóng tối và tung ra những cú đấm độc địa. Tôi giấu bàn tay run rẩy dưới gầm bàn, cố bình thản hỏi Bergmann:

"Lão ta... lão ta ẩn nấp trong trại dưỡng lão đó, dưới một cái tên khác. Theo lá thư này, sau khi mãn hạn tù, lão đã về lại Freiburg."

"Người nhân viên có thâm niên cao nhất còn làm trong viện dưỡng lão là bà nấu bếp. Bà ta biết rõ quá khứ của từng người bị giam ở đây. Phải nói thật, đây không phải là trại dưỡng lão, mà là chỗ giam cầm những kẻ có tiền án giết người dã man, những nhân vật đối lập với nhà cầm quyền... Nó được xây dựng trong thời DDR # như một nhà tù bí mật và kiên cố. Sau khi nước Đức thống nhất người ta đã bỏ quên nó, vì trên thực tế nó cũng không có tên trong sổ hành chính và cũng không nhận một nguồn tài trợ nào của chính phủ."

Thông tin của Bartmann làm tôi ngạc nhiên:

"Nhưng nó vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ?"

"Nhờ một thế lực bí mật nào đó tiếp tục bỏ tiền vào. Và phải là một thế lực đặc biệt mới có thể trang trải hết các kinh phí về vật chất và pháp lý. Tuy nhiên nguồn tài trợ đã tiết giảm đến mức tối thiểu, người ta muốn quên nó đi, muốn nó biến mất theo thời gian. Những người già ở đây lần lượt chết, mang theo sự thật về thế giới bên kia, đó là bí mật của những kẻ bị giam cầm và cả những kẻ trả tiền để giam cầm người khác."

"Thật kinh khủng. Nhưng tại sao họ không trốn ra bên ngoài. Trại giam này kiên cố đến mức độ nào?"

"Trước đây nó có thể rất kiên cố, với tường hào sâu và đồn lính canh. Bây giờ chỉ là một đống hoang tàn đổ nát. Dường như nó nhiều lần bị đập phá và đốt cháy. Những người còn sống tụ tập lại trong khu nhà chính, trước đây là khu văn phòng và nhà y tế. Họ già nua mất sức khỏe và mất đi mối liên hệ với thế giới loài người. Hơn hai mươi héc ta nông trại và vườn rau đó bây giờ là vương quốc của họ."

Tôi ngắt lời:

"Như vậy họ có thể tự túc lương thực?"

"Không hẳn. Nông trại chỉ nuôi gà, một số lượng gà hoang khá lớn đủ để lấy trứng. Vườn rau nhỏ thu hoạch vào mùa hè. Mỗi tuần có xe chở lương thực đến cho họ. Bánh mì, thịt muối, rau cải... vào ngày thứ ba."

"À. Đó là nguồn tài trợ từ bên ngoài."

"Vâng. Nhưng ở mức độ tối thiểu. Có lẽ một người nào trong số trại viên đó vẫn còn là mối quan tâm đối với thế lực bí mật bên ngoài. Người ta sẽ cung cấp thực phẩm cho đến khi tên tù nhân đặc biệt này chết đi. Những người còn lại cũng sẽ không sống thêm được bao lâu."

Tôi há mồm nhìn Bartmann:

"Thật là kinh khủng. Rồi họ sẽ chết đói cả?"

"Tôi không nghĩ như vậy. Cái đói sẽ đến rất chậm."

Bartmann lưỡng lự dừng lại một lúc, rồi nói tiếp:

"Họ sẽ giết nhau vì thiếu lương thực. Bầu không khí ở đó rất kinh khủng. Không có một thứ luật lệ nào của xã hội con người, chỉ có... Điều này thật khó suy diễn. Phải nhìn thấy gương mặt và ánh mắt của những kẻ sống ở đó anh mới hiểu được. Chúng là ánh mắt của những con thú hoang, những con dã thú. Mười người còn sống sót ở đó đều là những kẻ có tiền án giết người dã man. Các tù nhân chính trị thì không còn nữa. Bà nấu bếp có kể qua cho tôi nghe thành tích của từng người. Họ rất tự hào về thành tích đó."

"Và John Gellert là một trong số mười tên giết người đó. Thành tích của lão ta là gì chứ?"

"Ba bản án giết người."

Tôi rùng mình, nhìn lãng ra cửa sổ. Hẳn lão ta cũng tự hào về thành tích ghê rợn này.

Bartmann như hiểu rõ suy nghĩ của tôi:

"Đúng vậy. Với quá khứ này, Gellert là kẻ mang trọng án giết người nặng nề nhất trong số trại viên."

"Lão ta không đi dưỡng lão ở đó. Lão ta bị một kẻ bí mật tống giam vào chốn thâm sơn cùng cốc. Đúng không?"

Viên thám tử nhìn tôi dò xét. Không lẽ anh ta nghĩ, John là người thân của tôi? Không. Đối với Bartmann, việc tìm hiểu quá khứ của một người mang tên John Gellert hoàn toàn không khó khăn gì. Hẳn anh ta biết rõ, John là kẻ đã bị lãnh án giết người vào năm 1967, giết dã man một phụ nữ bán bánh mì, sau mười năm tù đày hắn được thả ra. Ba năm sau, tức là năm1980, hắn lại phạm tội lần thứ hai. Nạn nhân trong vụ án mạng lần thứ hai này là mẹ ruột của tôi. Giờ đây, có thể Bartmann đang lần tìm manh mối về cái chết bí ẩn của Moni. Nhưng tôi không trả tiền cho anh ta để làm việc đó. Một thám tử kinh nghiệm như Bartmann tự biết mình phải làm gì và không làm gì - vì thân chủ. Tôi lại im lặng đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó là những tàn cây trơ trụi lá. Lát sau, tôi buộc phải lên tiếng:

"Chắc anh cũng đã tìm ra. Năm 1980, gã đàn ông đó đã bị kết án giết chết mẹ ruột của tôi. Điều tôi muốn biết bây giờ là, tại sao lão ta bị giam trong đó."

Bartmann gật đầu:

"Đúng vậy. Ông ta bị giam trong đó. Bởi vì không ai có thể tự ý vào đây dưỡng lão hay lẩn trốn. Phải có một số tiền bảo đảm đóng theo đầu người, do ai đó bỏ ra, kẻ bị điềm chỉ mới bị tống vào đây cho đến mãn đời. Một số tiền rất lớn. John là một trong những kẻ nằm trong đợt cuối cùng bị đưa vào Abensberg SH. Sau đó, người ta bắt đầu ngưng kế hoạch này, vì tình hình chính trị thay đổi và cũng có thể vì nguyên nhân nào khác từ phía tổ chức bí mật."

"Ông ta vào đó khi nào? Anh có nắm được không?"

"Tất cả hồ sơ đã bị hủy hoại hay bị lấy đi. Tủ đựng giấy tờ trống rỗng. Không tài liệu lưu trữ. Không sổ sách. Không cả điện thoại và sổ danh bạ điện thoại."

"Thật là một trại giam hoàn chỉnh."

Bartmann lắc đầu cười:

"Đối với tôi, chẳng có thứ gì hoàn chỉnh. Bà nấu bếp có cuốn sổ tay, ghi khẩu phần ăn thêm bớt hàng tuần, của người mới vào và người chết đi. Đoạn ghi chép sau này chỉ toàn người chết. Đoạn trước đó, vào những năm sau khi nước Đức thống nhất, số người vào cũng rất ít nên rất dễ tìm ra. Trong đó, John Gellert được đăng ký khẩu phần ăn bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 năm 1993, dưới cái tên Bernhart Dauner."

Moni mất ngày 7 tháng 11, khoảng hai tuần trước đó. Một người thông minh sắc sảo, một tiến sĩ tâm lý học chuyên về án mạng như Moni chắc chắn phải biết John là kẻ cố cùng liều thân, cực kỳ nguy hiểm với hai bản án giết người. Ngoài Moni ra, sẽ chẳng có ai tìm cách tiêu diệt John, sẽ chẳng có ai quan tâm đến gã, một kẻ tứ cố vô thân bị xã hội ruồng bỏ, một kẻ đã sống gần hết đời người trong nhà tù. Bà ấy là người thừa kế dồi dào tiền của, tuy không là người có đầy đủ thế lực nhưng chắc chắn một con người kỳ dị như Moni phải có những mối quan hệ bí ẩn. Chỉ có thể là Moni. Tuy nhiên công việc diễn tiến quá chậm và John đã có mặt ở Berlin trước dự tính. Moni đã đi sai một nước cờ, sai lầm đó Moni phải trả giá bằng cái chết của mình. Tôi bần thần nghĩ đến lá thư tống tiền mà Moni cố tình để lại cho tôi. Rõ ràng bà ấy đã đoán trước cái chết của mình. Rõ ràng bà ấy cho phép tôi biết một phần sự thật khi tin chắc rằng John đã bị một thứ quyền lực nào đó khống chế. Không. Moni không đi sai nước cờ, mọi việc dường như đều nằm trong tính toán của bà ấy.

Tôi quay sang hỏi Bartmann:

"Tình trạng sức khỏe của người đàn ông đó hiện nay ra sao?"

"Tồi tệ suy sụp như tất cả những người còn lại ở đó. Đặc biệt là trạng thái tinh thần. Họ đều là những kẻ điên loạn bất thường."

"Nhân viên làm việc thì sao?"

"Về tình trạng sức khỏe thì tất cả đều suy nhược và tâm thần như nhau. Nhưng có một điểm, tôi cũng không rõ, có phải những người đang điều hành công việc ở trại dưỡng lão thực sự là nhân viên, hay họ cũng là trại viên tự đứng ra cáng đáng công việc. Không có dấu hiệu khác biệt gì giữa trại viên và nhân viên, chỉ trừ ra cách xưng hô. "

Tôi ngắt lời:

"Cách xưng hô khác biệt ra sao?"

"Có hơn ba người trong trại được gọi bằng họ ở ngôi Sie (ông/bà). Những người còn lại sử dụng tên và ngôi du (mày tao)."

"À, vẫn có một thứ luật lệ của thế giới loài người ở đây. John chắc hẳn thuộc về thành phần trại viên?"

Bartmann lắc đầu, đôi mắt anh ta như có bóng mây kéo qua:

"Không. Ông ta thuộc về những kẻ được gọi bằng ngôi Sie: ông Dauner. Chính điều này làm tôi đặt nghi vấn, họ là một tổ chức tự trị."

"Còn bà nấu bếp?"

"À, bà ta thuộc về giai cấp lãnh đạo. Điều này rất rõ ràng. Trong thế giới tận cùng bản năng loài vật đó, kẻ nắm bao tử là kẻ có quyền hành. Đó là người đàn bà vạm vỡ, tương đối còn giữ được sức khỏe." Bartmann lưỡng lự, dừng lại một chút, rồi nói tiếp:

"Cũng có thể, đó là một người đàn ông chuyển giới. Người này thần kinh không mấy tỉnh táo, dường như luôn say sưa bét nhè. Hắn có một nguồn rượu cồn nào đó để giải trí, không biết của bên ngoài đưa vào hay tự chưng cất. Ở triền núi phía sau có khoảng đồi khá lớn trồng toàn nho."

"À. Rượu nho. John là kẻ luôn say sưa bí tỉ. Chắc chắn gã sẽ nghĩ ra cách."

Tôi cảm thấy hài lòng trước hàng loạt thông tin cụ thể mà Bartmann thu thập được. Rõ ràng anh ta đã làm việc rất chuyên nghiệp và có lương tâm. Với chừng này thông tin, tôi đã có thể lên đường. Nếu John còn tỉnh táo tới độ nằm trong ban tổ chức trại dưỡng lão, thì tôi vẫn có thể hỏi dò lão ta một số điều. Tôi gật gù, đổi giọng niềm nở:

"Cảm ơn anh. Ngày mai tôi sẽ đến đó."

Bartmann nhìn tôi chăm chăm:

"Tôi và một vệ sĩ của công ty sẽ đưa anh đi."

Tôi lắc đầu, dợm đứng dậy:

"Không. Tôi sẽ đi một mình, có chuyện riêng tư cần giải quyết giữa hai người. Tiền công của anh sẽ được chuyển ngay hôm nay vào tài khoản."

Khuôn mặt Bartmann nghiêm lại:

"Anh không thể đến đó một mình. Đây hoàn toàn không phải là trại dưỡng lão. Linh tính báo tôi biết, đó là một thế giới điên loạn và nguy hiểm, và phía sau nó còn có những sự thật khủng khiếp hơn. Nội cái nghĩa địa với một trăm ngôi mộ hoang ngay trên đường vào cũng đủ làm dây thần kinh tôi căng ra. Nếu anh có một mối thâm thù nào đó với John Gellert thì lại càng không nên đến. Trong khu tự trị man rợ thời Trung cổ này, hắn là thủ lãnh."

Một đám mây đen phủ xuống trước mắt. Tôi chống tay lên cạnh bàn, dứt khoát đứng thẳng dậy:

"Không. Đối với tôi, hắn chỉ là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa quá khứ. Một chiếc chìa khóa rỉ sét và bẩn thỉu."

*

* *

Chiếc xe rời khỏi con đường làng tráng nhựa, rẽ vào con đường rừng đầy sỏi đá.

Bartmann ngồi sau tay lái, khuôn mặt lạnh tanh.

Gã vệ sĩ ở băng ghế phía sau cũng vậy, không biểu lộ cảm xúc gì.

Tôi nhìn lơ đãng ra bên ngoài, khoảng không gian mùa thu bị những tàn cây héo úa giam hãm trở nên u ám lạ thường.

Hơi ẩm bên ngoài đọng thành từng tảng sương mù. Chúng trắng xóa, đục lờ, giăng giăng lưới nhện. Những cái lưới nhện khổng lồ có thể quấn trọn chiếc xe. Tôi dụi mắt. Đó chỉ là ảo giác. Sự hồi hộp làm tôi khó chịu và tức thở. Tôi tìm cách nới rộng chiếc khăn quàng cổ bằng len, nhưng nó bị sợi dây bảo hiểm giằng lên. Cái khăn quàng cổ chết tiệt này.

Bartmann không nhìn sang, nhưng chắc anh ta nắm hết mọi cử động của tôi. Giọng nói anh ta vang lên thong thả:

"Qua hết đoạn đường rừng này, sẽ rẽ vào con đường núi thoáng đãng."

Tôi bám lấy lời nói của Bartmann cố kiềm chế cảm giác bức bối đang dâng lên trong lòng. Dường như càng gần đến sự thật, tôi càng trở nên xa lạ với chính mình. Thằng nhỏ Thomas cứ co rúm lại trong bóng tối. Nó sợ. Nhưng bây giờ nó không thể quay lui được nữa rồi.

Chiếc xe qua khỏi khúc quanh chật hẹp có cây cổ thụ đổ ngang thì phải dừng lại. Bartmann quay đầu lại phía sau, hỏi gã vệ sĩ:

"Ê, Yilmas. Lần trước trên đường không có cái cây đổ này. Mà đường đi cũng không quá chật hẹp như vậy."

Gã vệ sĩ tên Yilmas gật đầu:

"Tấm biển màu trắng cũng chưa thấy đâu. Có lẽ chúng ta đã chạy lố qua."

Tôi nhìn thân cây to lớn bằng khoảng hai người ôm, nhiều chỗ bị côn trùng đục khoét lở lói dị dạng. Có lẽ nó đã nằm đây từ rất lâu và đoạn đường này cũng dễ đến mười năm không có ai qua lại. Bartmann cau mày, cho xe trở lui đầu. Chiếc BMW cài số ba, chạy thật chậm len giữa mấy gốc tùng già, cày lên đám rễ cây lồi lõm. Cả Bartmann và gã vệ sĩ đều có vẻ căng thẳng, họ tập trung nhìn ra cánh rừng phía bên phải. Ở đó, cây mọc nối tiếp nhau trên mặt đất đầy lá vàng, không thấy lối rẽ nào. Xe chạy lui chạy tới, loanh quanh rất lâu, cho tới lúc gã vệ sĩ nhảy nhổm lên và la làng:

"Dừng lại. Đây rồi. Cái chữ thập trắng kia."

Tôi nhìn theo hướng gã chỉ, rùng mình nhận ra một gò đất nhỏ phủ đầy lá vàng. Cái chữ thập bằng gỗ ló lên khiêm tốn trong đám lá có lớp nước sơn trắng đã tróc gần hết. Giữa quang cảnh hoang vu lạnh lẽo này, cái gò đất - cái cọc gỗ chữ thập, hình ảnh ngôi mộ hoang đập vào mắt tôi như một điềm báo không lành. Tôi rùng mình kéo lại chiếc khăn len, trong khi Bartmann đánh tay lái cho xe quay lại rồi chạy vào giữa hai gốc cây tùng lớn. Quả thật có một con đường ở đây, hay từng có một con đường ở đây. Nó bị mất dấu vì cây dại hai bên đã mọc lấn vào gần đến giữa đường và lớp lá vàng dày đặc cũng đã phủ kín mặt đất. Có thể trước đây nó là con đường khá lớn với hai làn xe chạy ngược xuôi. Những hàng cây già hai bên đường tạo ra khoảng cách rộng rãi nói lên điều đó.

Chiếc xe chạy thận trọng trên con đường giả định một lúc thì đâm ra chỗ sáng. Bên ngoài cánh rừng là dốc núi thoai thoải. Khuôn mặt Bartmann không hề giảm đi sự căng thẳng mà lại có vẻ trầm trọng hơn. Ánh mắt cau có của anh ta hướng về phía trước.

"Qua bên kia núi là đất Tiệp. Trại dưỡng lão ở lưng chừng núi."

Con đường lên lúc đầu khá rộng, vừa đủ cho hai chiếc xe ngược chiều cẩn thận tránh nhau. Càng lúc nó càng hẹp dần, nhiều đoạn lại rất hẹp và cheo leo do đá núi lâu ngày sụp đổ xuống. Chúng tôi đánh vòng theo triền núi thoai thoải, bên phải là thung lũng có nhiều đá tảng trắng và một con suối trong trẻo. Phong cảnh mùa thu ở đây buồn lãng mạn với những triền lau vàng úa. Tôi cố nhìn ra bên ngoài để trấn tĩnh mình.

"Cảnh đẹp đó chứ." Tiếng nói của tôi vang lên lạc lõng.

Không ai trả lời tôi. Màu vàng vọt thê lương này như khối đá đè nặng lên ngực mọi người.

Mãi lâu sau, Bartmann mới lên tiếng:

"Nhưng bầu không khí thật khó chịu. Nó im ắng quá."

Chốn núi rừng nào mà không im ắng. Chỉ có điều, khi người ta biết ở cạnh đây còn có sự sống của mười con người, có xe chở lương thực ra vào mỗi tuần, thì sự im ắng này quả thật khó chịu. Suy nghĩ của tôi dừng lại ở đó, cho tới khi một khung cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt làm tôi kinh hãi.

*

Trại dưỡng lão hiện ra sau khúc quanh, trên một triền đất rộng bị bao vây bởi ba mặt vách núi. Bartmann thận trọng cho xe tấp vào bên đường. Cả ba chúng tôi cùng ra khỏi xe. Viên thám tử chỉ tay về phía trước, nói với tôi:

"Đây là con đường duy nhất dẫn vào trại dưỡng lão. Anh có nhìn thấy đám lau sậy chưa đổi màu, vẫn còn xanh lè kia không? Đó là khu rạch nước bao quanh trại. Những dãy đá trắng bên trên là tường hào, vài nơi nhô cao lên cỏ cây rậm rạp là trạm lính canh. Khu gò đất bên ngoài trại dưỡng lão là nghĩa địa, với khoảng trăm ngôi mộ hoang."

"Mộ hoang là sao? Chẳng lẽ không có tên tuổi gì trên đó?"

"Không. Chỉ có số hiệu và ngày tháng, có thể đoán là ngày qua đời."

"Nhưng tại sao lại chôn ngoài khuôn viên trại, lại ngay đường vào?"

"Có thể họ không muốn trại viên sống thăm mộ trại viên chết. Lý do thứ hai, có lẽ là đòn trấn áp tinh thần đầu tiên dành cho những kẻ được đưa vào trại. Lý do khác nữa, phía sau khuôn viên trại ngoài phần đất canh tác còn lại đều là núi đá, chỉ có phía trước này là đất sỏi có thể đào sâu xuống được. Anh nhìn vào bên trong xem."

Tôi nhìn theo hướng Bartmann chỉ tay, thấy lô nhô nhà cửa đổ nát, những bức tường nám đen như từng qua một trận hỏa hoạn, mấy cây cột bê tông đổ gãy lòi cả cọc thép bên trong... Một khu vực rộng lớn với nhà cửa, đường xá ngổn ngang như thế này có thể chứa được bao nhiêu người? Trên trăm người hay cả ngàn người? Một trại dưỡng lão, một nhà giam khổng lồ như vậy mà không hề có tên trên bản đồ.

Như hiểu được ý tôi, Bartmann gật gù:

"Một công trình quy mô, đúng không? Hai phần ba diện tích chưa xây dựng xong thì bị bỏ phế."

Bartmann lại chỉ tay về phía dãy nhà xây bằng gạch nung đỏ, mái nhà đen sì cong oằn xuống như sắp sụp.

"Đó là khu văn phòng, nơi đám người già còn sống sót cư ngụ."

Gã dừng lại một chút rồi quay lại bảo tên vệ sĩ:

"Yilmas, cậu có thấy chiếc xe tải đậu ở khoảng sân sau không? Có vẻ như là xe chở lương thực đến. Hôm nay là thứ tư. Chẳng lẽ họ đổi ngày giao hàng?"

Yilmas đưa ống dòm lên quan sát:

"Không thấy ai chuyển hàng xuống. Cửa xe bên tài xế để mở. Có lẽ họ đã chuyển hàng xong và chuẩn bị ra đi."

"Có thể. Nếu họ vừa đến thì chúng ta đã có khả năng thấy họ từ ngoài đường rừng." Bartmann nhìn sang tôi dò hỏi:

"Ý anh thế nào?"

Tôi lưỡng lự nhìn quanh, khung cảnh hoang vu ghê rợn làm tôi thấy bất an. Nếu bây giờ trở về, sẽ không bao giờ tôi có đủ can đảm quay lại đây. Thật may là tôi không đi một mình.

"Nếu người chở lương thực phát hiện ra chúng ta thì sao?"

"Chẳng sao cả. Anh ta chỉ là kẻ chở hàng ăn tiền công, và được trả thêm tiền để giữ im lặng. Còn chúng ta chỉ là những người lùng mua trứng gà rừng."

Tôi nhìn xuống bộ quần áo cũ của mình. Đôi giày thể thao rẻ tiền mua ở chợ trời đang há mõm rách bên dưới ống quần jogging bạc màu. Bartmann và Yilmas cũng ăn mặc lùi xùi nhưng theo kiểu nông dân Bayern. Tôi gật đầu:

"OK. Chúng ta lái xe vào trại đi, tôi chỉ cần hỏi John vài câu rồi mình đi ngay."

Cả ba chúng tôi lên xe. Con đường đổ dốc qua mấy đoạn quanh co mới tới được bên khu nghĩa địa. Đúng như Bartmann nói, ở đây có rất nhiều mộ hoang. Chúng nằm lộn xộn không theo hàng lối, nên càng tạo thêm vẻ thê lương vô chủ. Nhiều thập tự giá đã hư hỏng, mấy thanh gỗ ngang treo lủng lẳng đong đưa theo gió thật bi thương. Chiếc xe chạy qua cây cầu gỗ bắt trên lạch nước rộng đầy lau sậy, tiến vào vùng đất hoang tàn đổ nát. Nhiều thềm nhà đã phủ kín cỏ, không biết bị bỏ hoang từ bao giờ. Có những bức tường vẫn còn đen sì khói, phủ tàn tro bụi, tưởng như mới bị đốt cháy vài ngày trước đó.

Im ắng. Hoàn toàn im ắng.

Tôi chịu không nổi, quay sang hỏi Bartmann:

"Lần trước anh đến cũng thấy im lìm vậy sao?"

Viên thám tử gật đầu:

"Chỉ toàn người già thì..."

Câu nói của Bartmann bỏ dở ở đó, dường như còn mang một ý nghĩa nào khác. Gã nhìn vào kính chiếu hậu, nói với tay vệ sĩ:

"Yilmas. Cậu giữ khu vực bên ngoài. Ra sân sau xem chừng chiếc xe chở hàng và thằng tài xế."

Chiếc xe vào đến khoảng sân trước của dãy nhà cũ kỹ, được gọi tên là khu văn phòng. Bartmann cho xe tiến sát đến bên tường, từ mé đó, Yilmas đẩy cửa chuồi nhanh ra ngoài. Chiếc bóng của gã thoáng chốc đã biến mất đi đâu.

Bartmann ra khỏi xe cùng lúc với tôi. Gã xách theo một cái túi vải, có vẻ rất nặng.

"Anh theo sát tôi, chúng ta vào gặp gã đàn ông tên Dauner, đừng nhắc gì đến tên John Gellert."

Tôi gật đầu theo Bartmann bước lên thềm.

Cánh cửa gỗ rất dày đóng im ỉm. Bartmann xô thử mấy lần, nó vẫn không dịch chuyển. Gã quay lại nhìn tôi, vẻ mặt lo lắng:

"Không ổn rồi. Tại sao họ đóng cửa chính lại? Tôi với anh đi vòng ra phía sau thử xem."

Tôi nối bước sát theo gã. Bartmann vẫn chưa yên tâm, quay lại dặn dò:

"Đi cẩn thận. Khu vực này có thể đặt nhiều hầm bẫy."

Tòa nhà rất dài, tường đắp kiên cố. Tất cả cửa sổ đều có song sắt chắc chắn, đóng ván gỗ bịt bùng. Những cửa ra vào bên hông cũng bị xây kín bằng gạch đá. Tôi bám sát theo Bartmann đi theo suốt chiều dài của gian nhà, giữa bầu không khí vắng lặng thê lương. Nếu không có Bartmann đi kè kè bên cạnh, chắc tôi đã vãi đái trong quần.

Con đường phía sau dẫn vào mảnh sân rộng, có vẻ là khu vực nhà bếp vì cạnh bên tường có chất rất nhiều củi. Bartmann quay lại nói:

"Anh đi theo đúng dấu chân của tôi."

Tôi không biết, căn cứ vào đâu gã thám tử xác định được vị trí an toàn để mà bước lên. Nhưng lúc này không phải là lúc hỏi lan man. Tôi thận trọng bước theo Bartmann. Dường như gã chỉ đi thẳng chứ không có gì đặc biệt. Cánh cửa vào phía bên này không lớn lắm, có hai ổ khóa. Bartmann chỉ loay hoay một chút là mở xong. Gã áp tai lên cửa lắng nghe một lúc rồi nhẹ nhàng đẩy cửa vào.

Phía bên trong cũng vắng lặng như bên ngoài, nhưng hôi hám và ẩm mốc không thể tưởng. Tôi giật mình nhớ đến lời cảnh cáo của viên thám tử: "Đó là một thế giới khác." Bartmann ra dấu cho tôi tiến đến cánh cửa thứ hai. Nó cũng đóng kín và có hai ổ khóa.

Bartmann ghé vào tai tôi thì thầm:

"Không biết có chuyện gì xảy ra ở đây. Tại sao họ khóa kín các lối vào. Lần trước tôi đi qua cửa chính rất thoải mái."

Chúng tôi đi qua cánh cửa thứ hai không khó khăn gì. Trong vùng không khí tối tăm ẩm mốc bỗng có tiếng động từ đâu vọng đến rổn rảng. Bartmann và tôi lật đật nép vào bờ tường khai rình mùi nước tiểu. Tiếng nói của ai đó đột ngột vang lên ồm ồm:

"Ngồi im. Tất cả ngồi im tại chỗ."

Vẫn giọng nói đó lại tiếp tục la to hơn, không rõ giọng đàn ông hay đàn bà:

"Hôm nay có món súp thịt bò. Thịt bò thứ thiệt."

Tôi nhìn xuống cổ tay, trong ánh sáng lờ mờ, đồng hồ chỉ ba giờ chiều. Không rõ đây là buổi ăn trưa hay ăn chiều của trại. Lại cũng không rõ, thịt bò thứ thiệt là cái quái quỷ gì. Bartmann không quan tâm tới những điều đó, gã ngoắc tay bảo tôi bước tới. Tiếng động bây giờ nghe rất rõ ràng. Tiếng muỗng khua rổn rảng. Bartmann nép mình sau khung cửa kính vàng ố, ra dấu cho tôi nhìn vào.

Bên trong là căn phòng rộng, với hai dãy bàn còn nguyên vẹn và một đống bàn ghế gãy nằm ngổn ngang. Ánh sáng tỏa ra từ một ô cửa sổ nhỏ. Nó có song sắt dày nhưng không bị đóng kín bằng ván như những ô cửa khác trong tòa nhà. Trên tường vẫn còn lủng lẳng những tấm vải đỏ. Nhiều tấm tuột đinh móc. Nhiều tấm ngả màu úa.

Học thuyết của Marx toàn năng, vì nó là sự thật

*

Chủ nghĩa xã hội càng vững mạnh - Hòa bình càng vững chắc

*

Học Liên Xô, nghĩa là học cách chiến thắng

Một người đàn bà vạm vỡ có râu mép đang múc súp cho từng người. Nồi súp bốc khói nằm trên chiếc xe đẩy bằng gỗ, được kéo vòng qua hai dãy bàn. Từ đó bốc lên một mùi kinh tởm thật khó tả. Không rõ là mùi gì. Mùi cải chua thối hay mùi hành thối. Có khoảng hơn mười người ăn mặc bẩn thỉu, đang im lặng thưởng thức bữa ăn. Tất cả đều lừ đừ chậm chạp và dường như không còn khả năng nghe nhìn. Người đàn bà độc thoại một mình:

"Victor, khéo đổ súp ra bàn."

"Alex, đừng có khua cái muỗng điếc tai như vậy."

"Tổ cha đám đàn ông tụi bây. Mấy thằng chuyên vọc c. ăn c."

"Ông Dauner, xin đừng hỉ mũi ra bàn. Khăn của ông đây."

Tôi giật mình nhìn về phía người đàn ông tên Dauner.

*

Chú thích:

#Die Deutsche Demokratische Republik: Cộng hòa Dân chủ Đức