Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Minh triết phương Tây (kỳ 30)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học đương đại (tiếp theo)

Triết thuyết Hiện sinh của Jaspers cho phép, như với Kierkeegarrd, sự hiện diện của tôn giáo, nhưng khác với cách thế của M. Heidegger (1889- 1976). Ông là người đề xuất một hệ siêu hình khác khá có màu sắc. Rất đặc biệt với ngôn ngữ riêng, triết lý của vị này rất ư là mờ ảo. Một điểm đáng chú ý: ông cho rằng hư vô, hay sự không-có-gì, là một điều tích cực. Và cũng như những cách nhìn hiện sinh khác, ông làm những quan sát tâm lý nhằm mục đích chối bỏ Lôgíc[1].

Ở Pháp, phong trào Hiện sinh gắn kết với địa hạt văn chương. Người đại diện, J.P. Sartre (1905- 1980) không chỉ viết những tác phẩm quan trọng về Triết mà còn trước tác tiểu thuyết. Quan điểm của ông được giải trình qua những thôi thúc hành động, một phương diện cốt tử của cách thế hiện sinh. Phương tiện văn học qua những tiểu thuyết ông viết rất hiệu quả trong cách truyền thông đến đại chúng những nét ngặt nghèo của thân phận làm người. Với Sartre, tự do của con người được đẩy đến giới hạn cuối. Cá nhân luôn luôn chọn định mệnh của mình. Sự chọn lựa này không có ràng buộc gì của truyền thống hoặc của những sự kiện ở quá khứ đời một người. Bởi những quyết định thường xuyên này mà cá nhân cần sự dấn thân (commitment). Kẻ nào sợ sự thật này, người đó lẩn vào cách thế tìm lý tính cho thế giới xung quanh như thái độ ‘trùm chăn’. Chính như vậy mà các nhà khoa học, cũng hệt như những tín đồ tôn giáo, đều trốn tránh hiện thực. Nhưng theo Sartre, họ đều nhầm. Thế giới không như là khoa học sắp đặt, và với Thượng Đế, có lẽ Người đã chết từ khi Nietzche ồn ào báo tử. Người nào trong thế gian này sẵn sàng đối mặt với thế giới như nó-là đều ứng xử như những anh hùng của Nietzche. Và từ nguồn này, Sartre đã khẳng định cách thế vô thần. Cơ bản, Sartres chống lại quan điểm duy lý về sự cần thiết do Liebniz và Spinoza đề xướng rồi được trường phái Lý tưởng kế thừa. Trên nguyên tắc theo những triết gia này thì mọi sự có thể coi là bức thiết nếu chúng ta nới rộng tầm nhìn. Từ đó, học thuyết tự do dưới hình thái do Spinoza hay Hegel đề trình là khó tránh.

clip_image002

Heidegger

Tự do được hóa giải vào vận hành của cái bức thiết, điều Sartre phủ nhận, và là khởi điểm ông khai triển thuyết Hiện sinh. Nhãn quan Duy lý với khái niệm bức thiết đã thống trị triết lý bị bác bỏ nếu ta chấp thủ học thuyết tự do Hiện sinh. Tương tự, thần học duy lý cũng bị phủ nhận , nhưng có vẻ như Sartre đi quá xa khi ông đề xướng chủ thuyết vô thần. Trên vấn đề này, những triết gia Hiện sinh đều có cách thế riêng như chúng ta đã nói.

Về phản bác tính bức thiết trong tư duy Duy lý, phái Hiện sinh đã nhắc nhở một điểm khá quan trọng. Nhưng thật mà nói, đó là một phê phán thuần cảm tính trên bình diện tâm lý đến từ sự ức chế khiến triết gia Hiện sinh nổi loạn chống lại Lý tính. Điều này đưa đến những quan điểm cá nhân về thế giới, một công việc đầy những chướng ngại. Triết gia Duy lý coi tự do của mình là tự do nhận thức thiên nhiên vận hành thế nào, trong khi triết gia Hiện sinh chỉ coi tự do đó như một cách thế khoan nhượng hầu nuông chiều và thoả mãn tâm lý.

Nét cơ yếu về mặt Lôgíc của vấn đề vừa trình bày nằm trong phản bác của Schelling về triết thuyết Hegel theo đó hiện hữu không thể suy diễn từ Lôgíc. Mọi nhà tư tưởng Duy nghiệm sẽ vỗ tay hoan hô phản bác này, nhưng họ chẳng thể nói thêm được gì. Hình như ta có thể đi xa hơn thế bằng cách suy diễn từ đó một thứ tâm lý hiện sinh. Và chính đó là cách thế Sartre đã xây dựng lý thuyết của mình. Có rất nhiều trạng thái tâm lý mô tả và quan sát được. Con người cảm nhận và ứng xử chẳng phải như hậu quả của sự kiện theo đó hiện hữu bất tất là một sự cần thiết Lôgíc. Con đường ngược lại, tất ta vừa chấp nhận và lại vừa bác bỏ luận điểm Schelling. Trong khi đó, ta có thể cho rằng những quan sát tâm lý là xác đáng nhưng không buộc phải coi chúng là thuộc vào phạm vi bản thể học. Đây là đối tượng nghiên cứu trong tác phẫm “Thực thể và Hư vô” ( Being and Nothingness) mà Sartre cống hiến. Về mặt thơ ca và ngôn ngữ cầu kỳ, có thể nói đây là trước tác đặc sắc trong truyền thống Đức. Tác phẩm xoay trở một cách thế sống thành lý thuyết về bản thể quả là lập dị cho mọi triết gia truyền thống, cho dù họ theo cách thế Duy lý hay Duy nghiệm. Nó hệt như ta phải viết lại một tiểu thuyết của Dostoevsky dưới dạng sách giáo khoa về Triết học.

Những người theo triết thuyết Hiện Sinh sẽ bảo những phê phán vừa trình bày có thể lạc đề. Họ thậm chí nói chúng tôi cũng dùng những tiêu chuẩn duy lý. Thay vì đề cập đến những vấn đề hiện sinh, ta lại xoay vòng vòng trong phạm trù Lôgíc, điều đồng nghĩa với chuyện cho là mọi tiêu chuẩn đều đến từ lý tính. Ngôn ngữ cũng vậy. Và thật là nguy hiểm khi ta dùng chúng để biện minh cho thuyết Hiện Sinh, thay vì chỉ thưởng thức tính thơ ca của những con chữ mà ai cũng có thể lấy làm thú vị.

clip_image004

Jean-Paul Sartre

Triết lý Hiện sinh của Gabriel Marcel (1889- 1973) khác với Sartre, có khuynh hướng tôn giáo, và khá giống Jaspers. Cũng như những triết gia Hiện Sinh khác, Marcel đặt trung tâm lên cá nhân và những kinh nghiệm cụ thể của nhân thế. Về triết lý, Marcel nhấn mạnh nhu cầu đi lên trên những suy tư thông tục. Dể nắm bắt hiện thực với đầy đủ ý nghĩa của nó ta phải gom những lát cắt lý tính lại với nhau. Sự tổng hợp này có thể thực hiện kinh qua điều Marcel gọi là suy tư cấp hai, khái niệm gán cho cách thế hướng nội, khác với suy tư cấp một có tính hướng ngoại.

Một vấn đề Marcel khảo cứu là liên hệ giữa trí tuệ và thân xác. Ông phê phán cách thế nhị nguyên theo Descartes, rất gần với phê phán của Berkeley chống những người lầm lẫn thị giác với quang học như ta đã bàn trước đây. Sự tách phân trí tuệ với thân xác giả dụ rằng trí tuệ lơ lững bên trên thân xác và nhìn chính nó và thân các như hai thực thể cá biệt. Điều này dễ chấp nhận, nhưng Marcel gắn kết lời giải bài toán này vào một suy tư tổng hợp mà lẽ ra chỉ cần một chút phân tích ngôn ngữ là ta có thể biết đúng sai.

Học thuyết Duy Nghiệm xuất hiện ở khúc quanh của thế kỷ với những người đại diện như Mach mà chúng ta đã đề cập. Hai mươi năm sau đó, quan tâm về Lôgíc-biểu tượng (symbolic logic) phát triển. Hai khuynh hướng này tập hợp sinh ra một phong trào xoay quanh M.Schlick[2]. Như Mach, vị này giảng dạy ở đại học Vienna, và nhóm người theo ông được gọi là Câu lạc bộ Vienna, tạo ra học phái Thực Chứng Luận lý (Logical Positivism).

Học phái Thực chứng Luận lý sống không lâu, Schlick bị một người học trò giết năm 1936, và những người đồng sự trong Câu lạc bộ tản cư khỏi Vienna trước sự đe dọa của chế độ Nazi. Phần lớn, họ di cư qua Mỹ, hoặc Anh như Carnap[3] ở Chicago, hay Waissmann ở Oxford. Trong khuynh hướng tập hợp toàn bộ ngôn ngữ khoa học, phong trào đã xuất bản trước Thế chiến II luận án đầu của bộ sách có tên là “Bách Khoa Toàn Thư Quốc Tế của Khoa Học Hợp Nhất” (International Encyclopedia of Unified Science). Chủ biên đầu của bộ Toàn thư là O. Neurath, chết ở Anh năm 1945. Sau, bộ sách được Nhà xuất bản của đại học Chicago in. Học thuyết Thực chứng Luận lý như vậy chuyển tử lục địa sang Anh, rồi Mỹ, và nó lại hội nhập với truyền thống Duy nghiệm mà nó thừa hưởng khá nhiều thuộc tính. Ở Anh, học thuyết này được phổ biến qua tác phẩm “Ngôn ngữ, Sự Thật và Lôgíc” (Language, Truth and Logic) năm 1936 của A.J. Ayer

clip_image006 Marcel

Những triết gia trong phong trào Thực Chứng Luận Lý ngưỡng mộ khoa học và chia sẻ quan điểm không mấy tích cực về Siêu hình học. Nhưng trên vấn đề Lôgíc và phương pháp khoa học, ta thấy những bất đồng. Đặc biệt, về nguyên tắc khả kiểm, có nhiều cách diễn giải gây tranh luận. Một chỉ trích nguyên tắc này là nó có củng những khó khăn như lý thuyết Thực dụng về Sự Thật. Giả dụ như ta tìm được một phương pháp kiểm tra, và đề ra một số quy cách. Tức nhiên, ta phải hỏi ý nghĩa của những quy cách đó là gì. Nhưng điều này đưa ngay tới vấn đề Lôgíc của vấn đề hồi qui vô hạn, trừ phi ở một lúc nào đó ta cho rằng ý nghĩa một mệnh đề hiển lộ ra trước mắt. Chấp nhận thế, nguyên tắc khả kiểm không cần, vì ta khả đắc tức thì ý nghĩa ngay mà không qua bất cứ giai đoạn trung gian nào.

clip_image008

Moritz Schlick

Một khó khăn khác của học thuyết Thực Chứng Luận Lý là sự bác bỏ triệt để mọi tư biện triết lý (philosophical speculation). Nhưng chính nguyên tắc khả kiểm cũng là một thể thức tư biện. Shlick tìm cách né tránh bằng luận điểm cho rằng nguyên tắc này đã thâm căn cố đế trong hành xử của con người, và diễn giải lại chỉ nhắc nhở ta đã tiến hành chúng như thế nào. Nếu dúng vậy, nguyên tắc trên chấp thủ được, và đề xuất một cách thế triết lý. Nhưng ta cũng dễ dồng thuận cho rằng luận điểm của Shlick chẳng phải là một mệnh đề có tính thực chứng gì. Về chuyện tránh né vấn đề hồi qui vô hạn qua những đợt kiểm tra một mệnh đề khoa học, Schlick đề nghị rằng ý nghĩa cuối cùng bắt nguồn từ những kinh nghiệm soi rọi (self-illuminating experiences) tạo ra chúng. Tương tự, Carnap cũng đeo đuổi mục đích này. Ông tìm tòi một hệ Lôgíc hình thức nhằm kéo tất cả những vấn đề nhận thức về những ý niệm sơ khởi vào một liên hệ cơ bản khả đắc tính đồng dạng.

clip_image010

Carnap

Phương pháp của Carnap dựa trên một giả thiết tiềm ẩn về lý thuyết Sự Thật. Điểm yếu của nó trong giải trình vấn đề tri thức là ta phải đứng ra ngoài những kinh nghiệm và những diễn ngôn mà ta mang ra so đo. Neurath thấy khó khăn này, nhấn mạng ta chỉ có thể so sánh một câu này với một câu khác trong ngôn ngữ. Cái chống đỡ cho một câu là đề trình nghi thức (protocol satatement), có thể coi như một đề xuất thực nghiệm bình thường. Carnap bảo vệ một cách nhìn tương tự nhưng coi những đề trình nghi thức là khởi điểm, có nét giống như trong triết học Descartes. Trong mọi trường hợp, vấn đề được đặt ra để giải quyết ở đây khơi gợi lý thuyết về sự thống nhất của sự Thật trong truyền thống Duy lý.

Sau này, Carnap chuyển sang một cách tiếp cận khác về vấn đề trung tâm trong triết lý Thực Chứng Luận Lý. Nếu ta có một ngôn ngữ hình thức mà những mệnh đề khoa học không kiểm tra được không có cách nào có thể giải trình, thì tức là ta có một ngôn ngữ thỏa đáng tất cả những đòi hỏi của triết học. Nguyên tắc khả kiểm được đưa vào cú pháp của hệ thống ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách thế này cũng không hoàn hảo. Hiển nhiên, vấn đề ý nghĩa không thể chỉ được tóm gọn vào kiến trúc những cú pháp, hình thức ta xếp đặt từ ngữ với nhau. Ngoài ra, cách thế này giả định rằng mọi phát kiến và khám phá đều đã có. Nhận định này tương đương vói cách thế Hegel cho rằng thế giới đã chuyển hành vào giai đoạn cuối cùng.

Một khuôn mặt quan trọng trong Câu lạc bộ Vienna là triết gia Đức L. Wittgenstein (1889-1951). Nghiên cứu về Lôgíc ảnh hưởng rất nhiều trên tư duy của ông ban đầu, nhưng sau này, những triển khai về ngôn ngữ học của ông đã cho phép tạo ra một cách nhìn mới trong học thuyết Thực Chứng Luận Lý ở Anh.

Phong trào Minh Chứng sinh ra một số bộ môn. Trong số này, quan trọng nhất là học phái ngôn ngữ đã thống trị triết lý Anh trong nhiều thập niên qua. Học phái này chia chung quan điểm theo đó mọi khúc mắc triết lý đều là hậu quả của sự sử dụng ngôn ngữ một cách cẩu thả . Một câu hỏi được diễn tả chính xác ắt sẽ có lời đáp giải minh bạch. Trách nhiệm của phân tích là chỉ rõ những vấn đề ‘triết’ đẻ ra từ cách sử dụng thiếu cẩn trọng của ngôn ngữ. Khi tính lơ mơ của những câu hỏi được vạch rõ, những vấn đề đặt ra hoặc vô nghĩa, hoặc chẳng có chổ đứng. Triết học nhìn từ nhãn quan này có thể coi như một thể loại liệu pháp cũa ngôn ngữ.

clip_image012Wittgeinstein

Một thí dụ đơn giản được nêu lên ở đây dẫu tôi (tức B. Russell) không hoàn toàn đồng ý. Người ta thường tự hỏi mọi sự bắt đầu thế nào? Từ nguyên sơ, thế giới là gì, vận hành ra sao? Thay vì trả đáp, ta hãy soi xét cách đặt câu hỏi. Chữ quan trọng là ‘bắt đầu’. Chữ này trong diễn dịch thông tục là gì? Để nắm ý nghĩa chính xác, ta phải xem trong tình thế nào ta thường dùng từ này. Hãy coi như đây là một buổi hòa nhạc và ta bảo nó bắt đầu vào 8 giờ tối. Trước đó, ta phải đi ra phố ăn chiều, và sau buổi hòa nhạc, ta về nhà. Vậy điều quan trọng để ghi nhớ là trước, và sau khi, ‘bắt đầu’. Nó là thời điểm đánh dấu một giai đoạn có điều gì đó xảy ra trong thời gian. Và bây giờ, ta quay về câu hỏi ‘triết’ thì rõ là ta dùng từ ‘bắt đầu’ một cách khác đi. Vì ta chưa hề tự hỏi cái trước đó và cái sau đó của ‘bắt đầu’ của mọi sự. Vậy thì ta làm sao thấy câu tra vấn có thể sai lầm. Hỏi sự ‘bắt đầu’ mà không có gì trước nó thì như tìm câu trả lời làm thế nào có một hình vuông mà lại tròn. Và thế là ta thôi không hỏi, vì câu hỏi hoàn toàn vô nghĩa.

Triết học Anh bị Wittgenstein chi phối rất sâu xa. Ông từng thuộc Câu lạc bộ Vienna và rời Đức trước cuộc càn quét của Hitler, đến sống ở Cambridge và được phong Giáo sư khi G.E. Moore về hưu. Cuốn sách duy nhất của ông thời kỳ đó là “Luận thuyết Lôgíc-Triết học” (Tractatus Logico-Philosophicus) xuất bản năm 1921 trong đó ông lập luận rằng mọi Sự Thật suy diễn từ Lôgíc đều lập thừa (tautological). Trong ý nghĩa kỹ thuật ông đề xuất, lập thừa là một mệnh đề mà mâu thuẩn của nó tự-mâu thuẫn. Những năm sau đó, ông rời Lôgíc và chuyển qua nghiên cứu phân tích ngôn ngữ. Công trình của ông có thể tìm trong những bài giàng và vô số ghi chép để lại sau khi ông chết. Vì phong cách rất riêng tư và lạ lẫm, khó mà có thể tóm lược được những gì ông đắc thủ. Có lẽ trong lý thuyết Triết học ta chỉ có thể nói rằng về cơ bản ông chủ trương rằng ý nghĩa của một từ là sự xử dụng chính từ ấy.

Trong quá trình diễn giải lý thuyết, Wittgenstein đưa ra quan niệm “trò chơi ngôn ngữ”, theo đó ngôn ngữ được sử dụng như chẳng hạn trò đánh cờ Vua. Trò chơi có luật chơi mà người đánh cờ phải tuân thủ. Từ cách thế này, ông bác bỏ công trình Lôgíc trong “Luận thuyết...” theo đó ông cho là ta có thể rút mọi đề xuất về một đề xuất đơn giản không thể nào phân cắt ra nữa. Lý thuyết này, đôi khi gọi là Lôgíc-nguyên tử, tương đồng với học thuyết duy lý trước đây. Đó là cơ sở cho phép tìm tòi một ngôn ngữ tối thiểu có thể biểu tỏ mọi sự với độ chính xác vô cùng. Sau này, Wittensgein phủ nhận khả thể của một ngôn ngữ như vậy. Điều này có nghĩa là không bao giờ ta có thể loại bỏ mọi mù mờ hỗn độn trong phạm trù ngôn ngữ.

Học “trò chơi ngôn ngữ”, người ta nắm bắt ngữ nghĩa và cách sử dụng từ ngữ. Nói cách khác, ta học “văn phạm” hay Lôgíc của chữ nghĩa, một danh từ nay trở thành phổ cập trong phân tích ngữ học. Những vấn đề siêu hình có thể là hậu quả của sự thiểu năng về văn phạm. Ngược lại, sẽ không có gì cần phải thắc mắc, và ngôn ngữ ở đây đóng vai trò một liệu pháp.

Ảnh hưởng của Wittensgein trên địa hạt ngôn ngữ trong Triết học rất đáng kể. Tuy nhiên, bộ môn ngôn ngữ giải tích sau ông phát triển theo nhiều hướng. Đặc biệt, có những quan tâm về sự phân biệt ngôn ngữ bất kể liệu pháp có hữu hiệu hay không. Một cách thế Kinh viện nẩy nở như dưới thời Trung cổ, với rất nhiều chuyên gia đi vào những lối mòn chằng chịt. Phần đông, những người này tin rằng ngôn ngữ thông tục là toàn túc, và nếu có vấn đề thì là do lỗi ngữ pháp. Nhận định như vậy là quên mất rằng ngôn ngữ thông tục cũng từng bị xâm soi qua triết học trong quá khứ.

Những thí dụ vừa nêu ra cho ta hiểu cách sử dụng những liệu pháp và soi tỏ một màng nhện siêu hình rối rắm khó nắm bắt. Nhưng học thuyết triết lý nào cũng có những điểm yếu. Ta hẳn nên nghĩ rằng triết gia tư duy một cách cởi mở thông thoáng, và nếu như điều này không được như thế ngày hôm nay thì là do tính chất hẹp hòi địa phương đang trở thành thời thượng. Một vấn đề hệ trọng khác là người ta độc tôn ngôn ngữ thông tục lên địa vị trọng tài cho mọi tranh cãi. Với tôi (B. Russell), không có gì khiến tôi nghĩ rằng ngôn ngữ thông tục đó tránh được mọi lẫn lộn sai lầm. Thật là trò quá may rủi khi người ta coi ngôn ngữ như Thượng Đế mà không tìm biết nó xuất hiện thế nào, vận hành và khai triển ra sao. Giả định tiềm ẩn, hoặc liên quan gián tiếp đến nó, cho phép người ta lơ đi tất cả thể loại tri thức-phi-ngôn (un-linguistic knowkedge), lơ chỉ vì có những kẻ tin vào chuyện trăm sự trên đời chỉ là ngôn ngữ.


[1] B. Russell nói qua về vị này nhưng có lẽ nên thêm thắt đôi điều cho công bằng( Ng. dịch). Heidegger là triết gia Đức, đặt vấn đề bản thể qua cách thế hiện sinh và theo phương pháp hiện tượng. Bên Husserl, ông được coi một trong như cha đẻ của Hiện tượng luận, biện minh cho sự tái xuất của thực thể thực dụng (practical being) cho phép hé mở chính bản thân nó với thế giới. Ông viết về Nietzche lúc cuối đời, cung cấp một phê phán về Kant trên quan điểm hiện tượng trong trước tác “Kant và vấn đề Siêu hình”. Tác phẩm “Thực thể và Thời gian” (Being and Time) của ông được coi là rất quan trọng cho Triết học ở thế kỷ 20. Về phần G. Husserl (1859-1938), ông là Triết gia và nhà Toán học, người sang lập trường phái Hiện tượng, giữ khoảng cách với thuyết Thực chứng về khoa học, và phê phán khuynh hướng lịch sử và tâm lý trong Lôgíc. Tuy theo phái Thực chứng vì ông tin kinh nghiệm là gốc gác của tri thức và đề xuất phương pháp ‘tinh lọc hiện tượng’ (phenomenological reduction) qua đó một chủ thể có thể thủ đắc hiểu biết về bản chất. Trong cuốn sách này, điều khó hiểu là ta không hể thấy tên Husserl, mặc dầu ông là một học giả khá lừng lẫy.

[2] M. Schlick (1882-1936) sinh ở Berlin, học Vật lý ở đại học Heideberg, Lausanne rồi Berlin dưới sự hướng dẫn của M. Planck.

[3] R. Carnap (1891-1970) học Vật lý ở đại học Jena, nhưng nghiên cứu kỹ ‘Phê phán Lý tính’ của Kant và là một trong số những học trò hiếm hoi của Frege về Lôgíc Toán. Năm 1928, ông xuất bản 2 trước tác nổi tiếng, là “Cơ cấu Lôgíc của Thế giới” và “Những vấn đề giả trong Triết học”. Sau khi sang Mỹ, ông có những đóng góp cơ bản trong Nhiệt động học, Tính Xác suất, và Phương pháp Qui nạp.