Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Vết cắt

Truyện

Thái Bảo

Vừa chớm tháng 12 mà tuyết đã rơi hết lớp này đến lớp khác dày đặc, phủ một màu trắng lạnh lên thị trấn Patterson, tiểu bang Iowa. Tôi ngồi bất động, lảm nhảm đếm tuyết rơi. Hai giờ sáng. Đêm lặng. Dăm ba phút, bà chủ nhà Munro lại mở cửa ngóng ra. Sao con không chịu vào nhà. Trời lạnh chừng 36 độ F, nhưng tim tôi đã đóng băng. Vài tiếng đồng hồ trước, tôi mơ màng, hi vọng, háo hức khi hình dung căn nhà này như một chốn dừng chân. Thế mà… Trên tay tôi, một bức thư nhàu nát, không biết đã đọc bao lần. Tôi không muốn vào nhà nữa. Mong trời mau sáng, tôi lái xe quay lại thủ phủ Iowa, rồi bay về Minneapolis.

Ánh đèn ngoài sân hắt lên mặt tôi vàng èo ọt. Khác hẳn khuôn mặt hồng hào của ông già Noel treo ngay cửa chính. Mới ngưỡng bốn mươi, mặt tôi đã đầy nếp nhăn - dấu ấn thời gian hai mươi lăm năm dong ruổi khắp nước Mỹ hòng lý giải góc khuất cuộc đời. Ngày chia tay, tôi hứa với Thắm nếu không tìm được cha tôi sẽ về. Bao mùa Giáng sinh, tin cha vẫn mịt mù. Thư viết cho Thắm rồi để đó, đã đầy hộc tủ, và lớp bụi thời gian phủ trên những mảnh vụn khốn khó đời tôi.

Nhíu chân mày, có lẽ tôi lạnh, hằn rõ năm nếp nhăn vắt ngang vầng trán. Đôi giày bốt nhà binh đầy vết dầu mỡ ngọ ngoạy trong tuyết. Mới nửa tiếng, tuyết đã mon men từ ngoài sân lên thềm bậc cửa. Trời nắng hay mưa, tôi đều mang giày cao cổ. Chút di truyền gì đó từ người cha cựu chiến binh? Không hề. Chẳng qua tôi muốn khác người và ngầu hơn.

Trời lạnh mà người tôi nóng ran. Chết tiệt, sốt thật rồi. Tôi mở túi y tế cá nhân. Nuốt vội vài viên giảm sốt Tylenol. Lúc nào tôi cũng uống thuốc gấp đôi liều chỉ dẫn. Hãng thuốc tây Jonhson & Jonhson chỉ tính liều theo cân nặng mà quên mất bản tính lì lợm kháng thuốc của tôi. Rời bậc thềm, tôi nện gót giày trên ván gỗ rồi ngả mình trên chiếc xích đu trắng đã loang lổ vết sơn. Trong cơn mê, tôi biến thành thiên thần có cánh bay theo chiều không gian thứ tư, chiều thời gian. Tôi lướt qua cơ thể mình đầy vết sẹo hữu hình và vô hình. Luồn qua lớp áo dạ dày cộp, bàn tay tôi mân mê các vết sẹo. Bản thân mỗi vết cắt là hiện thân một câu chuyện buồn. Tôi nhớ NÓ của thời trẻ ham chơi. NÓ lúc nào cũng hiện diện trong tôi, trong giấc mơ, cả những lúc ngồi một mình rít thuốc...

***

Nó gần như mồ côi. Mà mồ côi thật. Mới ba ngày tuổi, nó đã nằm bơ vơ một góc trong chánh điện chùa Phước Hưng. Nó ở với mẹ nuôi. Bà cũng chẳng khá gì. Nó tự bươn chải tất cả ngay từ những bước chân đầu tiên. Cuộc đời nó là chuỗi ngày hoảng loạn và vô vọng trốn chạy quá khứ, đi tìm hạnh phúc. Mẹ nuôi chết. Nó lại trôi dạt, lúc Sông Bé, khi Tây Ninh. Ngạc nhiên, bàn tay phải của nó lúc nào cũng ngửa. Dị tật? Hay thói quen xin ăn từ lúc nhỏ.

Ông trời thương nó. Dù lang thang cơ nhỡ nhưng nó có vóc dáng khác người. Trong đám trẻ nghèo xơ xác ấy, nó nổi bật nhất. Mái tóc vàng mềm như lụa từng lọn thả dài (nghèo, tiền đâu cắt tóc), khuất khuất che che đôi mắt màu xanh ve chai, tương phản nước da trắng như tuyết, dù suốt ngày dang nắng. Nó, một sản phẩm tuyệt hảo nhưng bị ruồng bỏ bởi người mẹ Việt và cha Mỹ. Như bao đứa trẻ lai, người ta gọi nó bằng cái tên mĩ miều nhưng khinh miệt, thằng Mỹ. Nó luôn năn nỉ bọn trẻ trong xóm gọi nó là Phương, Trần Phương. Họ Trần chính là họ mẹ nuôi. Nó chẳng biết mẹ ruột là ai, họ gì. Nhưng nó luôn bênh vực mẹ.

Thằng nào, con nào trong xóm dám mỉa mai mẹ nó làm đĩ lấy Mỹ đẻ ra nó, coi như số đứa đó đã tận. Nó phùng má, mặt đỏ như tượng Quan Công, gân máu nổi hằn lên hai bên cổ, rồi đè đứa hỗn hào xuống đất đánh tưng bừng. Đánh đã xong, nó khóc. Mẹ tao không phải vậy. Bọn trẻ nhao nhao, sao mày biết. Nó im lặng lườm bọn nhóc. Cởi nút áo trên cùng, lấy ra khỏi cổ chiếc đồng hồ quả quýt hiệu Charles Hubert. Mặt ngoài khắc chạm tinh xảo hình chú chim đại bàng đang sải cánh. Phía dưới chạy lượn dòng chữ Kenneth Munro. Lật nắp bên trong, bên phải là mặt đồng hồ, bên trái lồng tấm hình mẹ và cha. Mẹ nuôi kể lại, nhà chùa nhặt được nó cùng chiếc đồng hồ. Nó quý lắm, nâng niu đồng hồ như báu vật. Ai gạ bán cũng lắc đầu, dù có lúc nó đói tới gần chết, nằm tã tượi bên đường như chiếc mền rách. Nó phải giữ chiếc đồng hồ để tìm cha mẹ. Ngắm mẹ, mắt nó sáng rực, rồi bảo, mẹ tao nhìn hiền và thánh thiện vậy mà tụi bay dám... Nói xong nó bỏ đi một mạch.

Mười bốn tuổi nó đã dậy thì. Vỡ giọng và biết nhìn lén con gái. Cách ngày nó lại lẻn vào căn nhà hoang cuối xóm. Người ta đồn có ma trong nhà đó. Nó chả sợ. Nó vô đó để bắn cái hoan lạc qua cửa sổ, vút qua vườn trái cây. Phiêu lắm. Nhưng xong rồi nó lại có cảm giác lạc lõng ê chề. Ước gì có Thắm... Một lần đang đê mê, nó hấp tấp rụt lại bởi thoáng mái tóc dài màu vàng hoe lướt qua cửa cùng nụ cười khanh khách. Nó biết ngay con Thắm. Trong xóm này chỉ có hai đứa trẻ tóc vàng. Nó, do di truyền. Và con Thắm, do dang nắng. Từ đó nó cạch bén mảng căn nhà hoang.

Đôi khi nó đi đây đó vài tháng. Chờ chực, bưng húp tô phở thừa của khách. Rồi lại về xóm nghèo. Gặp lại Thắm, chẳng biết mừng hay vui. Con Thắm cười nhạo: Mẹ tao nói, giang hồ như mày chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà...

Thời đó, đám trẻ suốt ngày quần xà lỏn tòn ten chạy rông từ đầu đến cuối xóm. Và cung đường ray xe lửa cắt ngang làng hiển nhiên thành điểm chơi kì vĩ. Cứ nhắc đến đường ray, mắt tụi nó sáng như đèn pha. Nó, thủ lĩnh bày đủ trò cho đám con nít. Cả bọn thi nhau đặt đồng tiền kẽm trên đường ray. Tàu chạy qua nghiến ren rét, chà nát đồng tiền. Bọn chúng lao nhao, tiền tao hình chữ C, tiền tao hình chữ L… Người lớn không biết gì vội mắng tụi bây con nít ranh nói bậy. Một tay chống nạnh, tay kia giơ đồng tiền bị uốn cong, nó cãi cho bằng được.

Chơi trò đồng xu chán, nó liền bày trò chổng mông trên đường ray lắng nghe tiếng tàu chạy từ xa. Đoán thử tàu hàng hay tàu chợ. Lúc nào nó cũng thắng cuộc. Lỗ tai nó thính lạ thường. Mỗi lần chổng mông, vành tai nó vểnh lên đung đưa, rồi hướng về hướng tàu chạy. Thảo nào, nó đoán trúng chóc. Tàu hàng nặng, nghe âm đùng đục, chắc nịch. Tàu khách nhẹ hơn, nghe âm rất thanh, cứ bong bong hẳn lên.

Nó thích thú chiêm ngưỡng cái đám chổng mông hai bên đường rày. Mông con Thắm lúc nào cũng nổi bật, tròn trịa, to nhất đám. Mới mười lăm tuổi con Thắm đã lớn phổng phao. Mỗi khi con Thắm ngúng nguẩy, dường như trái đất đang quặn mình trong cơn động đất.

Đột nhiên nó đứng dậy hớt hải. Đường ray bị lệch hoặc con ốc lung lay. Bọn trẻ chia thành hai nhóm chạy về phía tàu đang vào ga. Nó chạy như bay trên đường ray. Mồ hôi nhễ nhại. Mặt trời trên đầu đỏ như máu. Những hạt đá xanh to bằng trứng gà bật tới tấp vào chân. Mặc kệ, nó vẫn chạy. Ngã, đứng lên, rồi chạy tiếp, hai đầu gối tứa máu. Cuối cùng nó đã thấy ga xe lửa. Chẳng ai tin một thằng nhóc mười mấy tuổi dùng tai mà biết đường rày bị hư. Ba toa tàu ngã nhào. Rất may, tàu hàng…

Chán cảnh chổng mông, bọn trẻ lại thi nhau ngồi lì trên đường rày khi tàu đang đến. Nó bạo gan nhất. Bọn trẻ mới nghe tàu hú đã chạy vãi hồn. Nó ung dung nhìn đầu máy xe lửa đến thật gần mới dọt. Nhưng khi tàu đến quá gần, nó cuống quá không thể bật dậy. Những tiếng rú đồng thanh xé trời. Thằng Mỹ nguy rồi! Chợt con Thắm nhảy ào vô đường ray. Đoàn tàu vun vút lướt qua. Không ai thấy gì dưới thân tàu, chỉ nghe tiếng khóc thét của tụi nhóc đang đứng lố nhố. Tiếng thắng tàu rin rít ghê hồn.

Tàu dừng hẳn. Hai thân hình bất động rồi... ngọ ngoạy. Trên lưng nó hằn vết cắt sâu, dài chừng gang tay, máu vẫn chảy. Con Thắm chỉ xây xước nhẹ. Thắm không liều mình nhảy vô kéo nó lọt xuống giữa hai thanh đường ray, có lẽ nó đã theo ông bà luôn. Nó muốn đứng dậy nhưng không thể chống bàn tay phải xuống đất. Tội cho nó, bàn tay dị tật lóng ngóng, luôn ngửa. Chiếc quần xà lỏn của nó biến mất tiêu. Gầm tàu lửa vuốt ngang lưng nó và kéo phăng luôn chiếc quần.

Nó chỉ kịp lột áo che mông. Thắm cõng nó ào vô trạm y tế. Hồn nó vẫn còn lâng lâng đâu đó. Điều duy nhất nó biết, nó vẫn tồn tại. Mười ba toa tàu hầm hập, vồ, ghì, nghiền hai đường ray chả khác gì đang tra tấn. Tiếng ồn dã man ấy ám nó trong vòng hai mươi lăm giây, rồi kéo dài mãi… hai mươi lăm năm sau. Có ai hỏi, nhớ gì không, nó cười. Nó chỉ biết mùi da thịt con Thắm khi hai đứa nằm sát bên nhau dưới đường ray. Nhớ cảm giác âm ấm khi ngồi trên lưng Thắm. Bọn con trai choai choai mới lớn nhớ gì ngoài mùi khác giới.

Thả nó xuống nền xi măng lạnh lẽo trạm xá, Thắm ngồi bệt thở dốc. Máu đỏ tươi, chẳng biết từ đâu, thấm ra đáy quần Thắm. Nó lặng câm há hốc nhìn. Thắm khóc. Chị y tá kéo Thắm vào trong phòng giải thích. Thắm đã thành thiếu nữ mà không hay. Thắm hù nó, thiên hạ biết chuyện này là mày đi tong.

Từ đó, nó chẳng chơi đường tàu, chơi với Thắm thôi. Thằng Nhân cùng xóm ghét nó ra mặt. Nhân tuy xấu trai, bù lại hiền, làm việc hùng hục. Nhân mê Thắm nhưng còn ngại ngùng. Giáp mặt Thắm, Nhân chỉ biết nhìn trời nhìn mây, ngẩn tò te.

Một lần bạo gan, nó kéo Thắm vào căn nhà hoang. Thắm do dự rồi khe khẽ bước vào. Chợt hai đứa giật bắn mình. Chiếc cửa sút đinh bỗng cọt kẹt. Tiếng cưa sắt xoèn xoẹt như cứa vào da thịt hai đứa. Vài chú dơi hốt hoảng bay ra. Khói từ đâu bắt đầu lan nhẹ trên nền nhà đất rồi mịt mù các cánh cửa. Mùi nồng nặc như mùi phân bò khô đốt cháy. Hai đứa ù chạy.

Hôm sau hai đứa lại đứng tần ngần trước nhà hoang. Khi vừa dợm bước vào thì tiếng cọt kẹt, xoèn xoẹt lại bất ngờ vang lên. Rồi hai đứa nghe tiếng chân người hốt hoảng chạy quanh nhà. Và lửa lan tứ bề. Cánh cửa đỏ rực đổ sập cắt gót chân nó. Căn nhà hoang cháy trụi...

Trước ngày nó đi Mỹ diện con lai, Nhân kéo nó vào ngôi đình cuối xóm, nghe đâu thờ thần cẩu linh thiêng lắm. Nhân nghiêm nghị như ông già hỏi: Mày có gì với con Thắm hả? Nó thề: Tao chẳng có gì. Nhân dò: Mày có cưới Thắm không? Nó cười nhạt: Tao không muốn thêm một thằng không cha không mẹ như tao. Chưa giải mã cuộc đời này, tao không thèm lấy vợ. Nhân chộp con thằn lằn trên vách đưa cho nó bảo: Mày phải thề rồi nuốt sống thì tao mới tin. Nó quả quyết với lấy trái chuối trên bàn thờ. Nhét con thằn lằn vào giữa. Nó nuốt ực. Mày tin chưa? Nhân cười giả lả: Hôm đó, căn nhà hoang không cháy thì mày có thề một vạn lần tao cũng chẳng tin. Nó nhìn sững thằng Nhân: À, thì ra… mày...

Trước khi đi phỏng vấn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ, nó tìm Thắm. Hai đứa nhìn nhau mãi nó mới ấp úng mở lời: Thắm... có chê thằng này... mồ côi không? Thắm trả lời ngay: Phương mồ côi... nhưng  trái tim của Phương đâu có mồ côi.

Nó nhìn Thắm bằng đôi mắt chan chứa biết ơn. Điều Thắm vừa nói chỉ đúng với Thắm, với bọn trẻ thôi. Chứ còn với người lớn... Mẹ Thắm luôn cấm cửa nó. Cứ thấy nó, bà lẩm bẩm, lại thằng con lai. Bà chỉ thích Nhân. Mà thằng Nhân có gì hơn nó ngoài một điều có đủ cha đủ mẹ. 

Nó đến Mỹ dịp vào Đông. Lạnh. Hiu quạnh. Buồn tê tái. Mới vài tuần, nó gầy rộc hẳn. Nó nhớ Thắm quay quắt. Tay cầm phone, nó hồi hộp lắm. Nhà Thắm không có điện thoại. Mỗi lần gọi phải gọi nhờ vào trạm điện thoại gần nhà Thắm. Nó chờ người ta chạy đi gọi Thắm. Dăm phút chờ sao dài đằng đẵng. Có tiếng hello. Nó căng tai nghe. Hồn nó lắng lại như chiếc lá vàng đang lìa cành trước gió đông. Giọng thằng Nhân. “Thắm đang tắm”, giọng Nhân mừng khôn xiết. Nó biết không phải Nhân vui vì gặp nó. Mà Nhân mừng vì không còn đối thủ. Nó và Nhân chuyện trò gượng gạo cả chục phút. Đến khi Thắm bắt máy, không hiểu vì lí do gì nó buột miệng nói ngay: Phương đã tìm được cha... Phương sẽ ở lại Mỹ làm lại cuộc đời... Sau câu đó, cả nó và Thắm cùng chết lặng. Nó nghe tiếng tút tút vang dài. Nó ngồi thừ. Một chút gì mằn mặn trên nếp má mũi, lăn dài xuống cằm. Nó đã khóc. Một đời trốn chạy quá khứ, nay nó phải trốn chạy tình yêu.

***

Chiều. Đường vào thị trấn Patterson mơ hồ như ý thức của tôi. Tuyết lấp muôn lối. Con đường hẹp lại. Tôi lái xe như trong hư vô. Đến nhà cha hay không? Câu hỏi cứ xoáy mãi trong tâm trí. Bà Munro - vợ chính thức cha tôi - đón tôi ngay cửa. Tôi đã nói chuyện với bà dăm ba lần qua phone. Bà đã ngoài sáu mươi. Bà đưa tôi xem những tấm ảnh trắng đen nhòe nhoẹt thời cha tôi ở Việt Nam. Có một tấm y hệt tấm hình trong chiếc đồng hồ quả quýt của tôi. Tiện tay bà mở nhạc cho thời gian trong căn phòng bớt nặng nề. Tôi rùng mình khi bản nhạc Đêm Giáng sinh trắng vang lên:

Anh đang mơ về một Giáng sinh trắng

Có thiệp Giáng sinh anh viết

Viết tặng người thân chúc vui tươi...

- Cha con thường nghe bài này - Bà Munro nói.

- Tôi cũng vậy - Tôi đáp.

Bài hát này là mật hiệu cho cuộc di tản người Mỹ năm bảy lăm xa xưa. Nghe bài hát tôi khóc ngon lành. Khóc vì hận người mẹ Việt cha Mỹ đã bỏ rơi tôi. Hận luôn cuộc chiến tranh này. Dù tôi biết rằng nhờ cuộc chiến ấy tôi mới đến Hoa Kỳ. Trong cuộc đời có những điều mà tôi không thể định đoạt, nơi sinh ra và giới tính cũng như chủng tộc. Tôi đâu muốn được sinh ra để rồi bơ vơ trong cõi đời này.

Tôi thường mơ về cha. Không phải người cha cường tráng trong ký ức bọn trẻ. Tôi chỉ thấy người đàn ông với nước da xanh mét, cặp mắt cũng xanh, hàm râu lởm chởm, tóc lưa thưa. Nhìn cha có vẻ không sạch sẽ và nhủn nhủn. Lúc nào cha cũng đói và cáu gắt. Tôi cố gắng đưa cha về nhà, nhưng vạn vật đều ngăn cản tôi. Tôi nổ máy xe. Xe chết máy cứ lì ra đó. Xách va li lên, va li rách tả tơi. Áo quần trên người cha rộng thùng thình quá khổ. Đôi khi tôi mơ, tôi đang đi trên con đường vô tận đầy ánh hào quang. Cha bên tôi. Người luôn nhắc nhở con phải giữ lưng thẳng, không buông xuôi vai. Ngẩng cao đầu quan sát thế giới này. Hãy đi như con muốn. Cơn mơ cứ lặp đi lặp lại. Có lẽ mơ trái ngược cuộc đời. Tôi an ủi. Tôi tự lý giải giấc mơ. Có thể ba tôi đã chết trong cuộc chiến hoặc hai cha con không bao giờ đoàn tụ....

... Merry Christmas, my son!

Những câu cuối của bài hát vừa dứt, giọng trầm ấm, bà Munro đưa tôi trở về đời thực:

- Ba con đã chết một tuần...

Bà Munro nói và đưa cho tôi lá thư. Mắt bà nhìn tôi ấm áp nhưng vẫn không giấu nổi nỗi cô đơn ẩn sâu vời vợi.

Con thương yêu của cha.

Xin lỗi con vì cha không hề biết tên con. Cha viết lá thư này từ khi bắt đầu tìm con. Nếu cha con mình gặp nhau, cha sẽ hủy lá thư. Nếu con đọc thư này tức là cha không còn trên dương thế.

Đã hơn một ngàn đêm cha trằn trọc, không ngủ được khi nghĩ về đứa con mà cha đã để lại ở Việt Nam. Cha luôn nghĩ con có đủ áo quần và có chịu cảnh đói khát không?

Ngày đó cha đóng quân ở Long Bình, Đồng Nai với nghề lái xe tải. Mẹ con tên là Nguyễn Thị Thúy. Cha thường đến nhà mẹ con để mua nước giải khát rồi quen nhau. Đến cuối năm 71, hết hạn phục vụ, cha về Hoa Kỳ. Cha không hề biết mẹ con có thai. Mấy tháng sau, cha nhận được thư của mẹ con báo tin, cha rất vui và muốn quay lại Việt Nam. Nhưng đời binh nghiệp đâu phải muốn là được. Cha lại nhận nhiệm vụ ở châu Âu. Rồi cuộc chiến kết thúc. Mọi con đường liên lạc Việt Nam đều đóng băng.

Rồi cha lập gia đình. Nhưng cha và bà Munro đã không thể có con. Có lẽ đó là định mệnh. Cha có quay về Long Bình tìm con và mẹ. Mọi thứ ở đây khác xưa nhiều. Tất cả con lai đều đến Mỹ. Cả gia đình mẹ con đã di tản năm 75. Cha tuyệt vọng. Và đăng chuyện của chúng ta trên trang web “Tìm cha” dành cho những đứa con lai...

Cha và bà Munro quyết định để lại tiệm sửa xe cho con. Bà Munro rất quý con và xem con như con trai vậy. Con có quyền ở lại căn nhà này nếu con thích.

Đừng bao giờ nghĩ cuộc đời con không có ý nghĩa gì. Chính con mới là người đem lại ý nghĩa cho đời con.

Tha thứ cho cha tất cả.

Cầu chúc con trai của ta luôn hạnh phúc.

Gấp lại lá thư. Đời tôi đã được giải mã. Những mật mã buồn. Biết tìm mẹ tôi ở đâu? Tôi xin phép bà Munro ra về dù bà không hề muốn tôi đi.

Sáng sớm hôm ấy, người dân thị trấn Patterson ngạc nhiên nghe tiếng xe thắng gấp bên đường. Chiếc Mustang hai cửa màu đỏ quay một vòng 180 độ. Xe băng ngang, trượt trên tuyết. Tấp vào đường ray xe lửa chạy song song con phố. Đầu tôi nóng hầm hập. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về...

TÔI bước ra xe, chổng mông trên đường ray lắng nghe tiếng tàu chạy. Hình như cả tiếng Thắm từ bên kia đại dương. Tàu đến gần lắm. TÔI thấy NÓ mờ mờ ảo ảo. Mặt NÓ tái mét. NÓ la. Cầu cứu Thắm đi. Thắm đã một nách ba con, cứu gì nổi. NÓ hoảng. Làm sao chống tay để đứng lên. TÔI la NÓ: Mày ngu quá. Bàn tay phải của tao hết dị tật rồi. Úp, ngửa được nè...

Có người trễ chuyến bay về Minneapolis.

Một tháng sau, Thắm và Nhân hồi hộp mở thùng quà của Phương gởi từ Mỹ. Dưới lớp giấy lụa, lấp ló chiếc đồng hồ quả quýt năm xưa. Bên trong nắp hình, Phương đang cười mỉm. Thắm chợt lặng người. Một vết cắt ngọt xớt trên sợi dây đeo đồng hồ. Hay là… bánh xe lửa cắt? Tối qua Thắm nằm mơ Phương đang giẫy giụa dưới đường tàu, thân hình bê bết máu.

Thắm hét: Kh…ô…ng!!! Tiếng la làm rung các cửa kiếng trong nhà. Thắm ào ra ngoài, chạy như dại trong cơn mưa. Sấm, chớp nổi đằng đông. Thắm chạy đằng tây. Nhân chẳng biết chuyện gì. Lục hết thùng quà, đọc lá thư. Nhân lại ùa ra đường. Tay vẫy vẫy lá thư gào to: Không có chuyện gì đâu. Thằng Phương hứa sẽ về đây mở tiệm sửa xe hơi. Rồi mời bọn trẻ xóm nghèo ngày xưa về làm việc.

Hai vợ chồng bá vai nhảy vòng vòng dưới mưa, cười nắc nẻ.

Mưa chắc nhiều a xít. Lá thư nhòe nhoẹt hết. Kỳ lạ, chỉ một câu vẫn còn rõ. Phương vẫn nhớ lời Thắm lúc chia tay. Nếu qua bên ấy, không tìm được tình thương, Phương cứ về lại đây ở với tụi này nha.

Nhân vuốt vội những giọt nước mưa đọng trên mặt. Nhìn xa xăm cung đường tàu lửa cuối xóm, lòng chợt lo lo, Nhân tự hỏi, có khi nào hai đường ray xe lửa cắt nhau không?

Và câu trả lời của TÔI hôm nay, NÓ ngày xưa là KHÔNG!