Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 23)

Thụy Khuê

Chương 12

Jean-Paul Sartre (1905-1980)

(Bài 3)

Văn chương là gì?

 

II- Tại sao viết?

Câu hỏi Tại sao viết? là nội dung của chương hai cuốn Văn chương là gì?.

Câu hỏi này sẽ được Sartre trả lời trên nhiều tầng:

Lý do sáng tạo

Để trả lời câu hỏi Lý do nào khiến con người sáng tác? Sartre dựa trên khả năng vén màn (dévoiler) của con người. Vén màn là mở màn ra hay lấy khăn phủ trùm sự vật đi, để cho hữu thể hiện ra trước mắt. Sartre dùng chữ être để chỉ hữu thể, cả người, lẫn vật. Người và vật đều là hữu thể, nhưng người khác vật vì có ý thức, vì vậy ông gọi người là hữu thể tự quy (être pour-soi), và vật là hữu thể tự tại (être en-soi) để phân biệt người với thế giới. Chỉ người mới có khả năng vén màn cho thấy thế giới. Sartre giải thích:

Mỗi nhận thức [perception] của ta đều đi kèm với ý thức [conscience] rằng thực tại con người là "vén màn được" [dévoilante], nghĩa là nhờ con người mà "có" hữu thể [être], hay con người là trung gian để cho những hữu thể [les choses] biểu lộ ra: chính sự hiện diện của ta trên thế giới đã làm gia tăng những quan hệ, chính ta liên lạc cái cây này với góc trời kia, nhờ ta mà mảnh trăng, dòng sông tối, vì sao chết đã hàng ngàn năm, được hiện ra trong sự nhất quán của một khung cảnh; chính vận tốc xe hơi, vận tốc máy bay của ta đã nối liền những lục địa; nhờ mỗi hành vi của chúng ta, mà thế gíới có một bộ mặt khác. Nhưng nếu ta biết rằng ta là những máy dò hữu thể, ta cũng lại biết rằng ta không làm ra hữu thể. Phong cảnh kia, nếu ta quay lưng đi, nó sẽ rơi vào bất động, không nhân chứng, trong sự bí mật thường trực của nó. Bất động thôi, chứ chẳng ai điên mà tin rằng nó sẽ bị huỷ diệt, chỉ có ta bị huỷ diệt và trái đất ở trong trạng thái ngủ quên cho đến khi có một ý thức khác đến đánh thức dậy. Vậy, ở niềm tin nội tại là ta có thể vén màn được, còn phải thêm vào điểm này: ta không chủ yếu [inessentiel] đối với sự vật mà ta vén màn.

Một trong những lý do chính của sáng tạo nghệ thuật, chắc chắn là nhu cầu cảm thấy mình chủ yếu đối với thế giới [Un des principaux motifs de la création artistique est certainement le besoin de nous sentir essentiels par rapport au monde]. Dáng vẻ này, của cánh đồng hay biển cả, bộ mặt kia, mà tôi đã vén màn, bởi vì tôi đã sắp đặt lại trật tự, bố cục chặt chẽ cho nó, để đưa nó vào một bức tranh hay một bài viết, đem tính nhất quán tinh thần vào sự đa dạng của vật thể, nên tôi ý thức rằng tôi đã tạo ra tác phẩm, có nghĩa là tôi cảm thấy mình là "chủ yếu" đối với tác phẩm. Nhưng lại có điều này: tác phẩm mà tôi sáng tạo thoát khỏi tôi, vì tôi không thể vừa vén màn vừa sáng tạo cùng một lúc. Tức là tác phẩm do tôi sáng tạo trở thành "thứ yếu" trước hành động sáng tạo của tôi: Trước tiên, ngay khi tác phẩm được người khác coi là hoàn tất, nó luôn luôn trong tình trạng "án treo" [en sursis tạm thời để đấy] bởi ta có thể thay đổi: một chữ này, một dòng kia hay một màu nọ, bất cứ lúc nào, và như thế, tác phẩm không bao giờ trở thành "chủ yếu". Một người học vẽ hỏi thầy: "Khi nào thì con có thể coi bức tranh của con là hoàn tất?". Ông thầy trả lời: "Khi anh có thể ngạc nhiên nhìn nó, tự hỏi: "Chính ta đã vẽ à?" có nghĩa là: chẳng bao giờ. Bởi như thế có nghĩa là: ta khảo sát tác phẩm của mình bằng con mắt của người khác để vén màn khám phá cái mà ta đã tạo ra”.[1]

Tóm lại, Sartre muốn nói bốn điều:

1- Một trong những lý do chính của sáng tạo là để thoả mãn nhu cầu: tự cho mình là “chủ yếu” đối với thế giới.

2- Nhưng một phong cảnh, nếu không có anh nhìn, thì nó cũng chẳng chết, sẽ có người khác nhìn. Như vậy, anh không phải là chủ yếu đối với phong cảnh mà anh vén màn.

3- Tác phẩm do anh thực hiện cũng không phải là hoàn tất, bất biến, là chủ yếu, mà nó ở trong tình trạng “án treo”, bởi bất cứ lúc nào anh cũng có thể thay đổi nó (viết lại hay vẽ lại).

4- Anh không thể phán đoán được tác phẩm của mình: bởi vì anh không thể cùng lúc là người thưởng ngoạn và tác giả, đó là hai vị trí hoàn toàn khác nhau: người thưởng ngoạn “vén màn” khám phá tác phẩm lần đầu. Còn anh đã thuộc lòng tác phẩm của mình, biết rõ các thủ pháp mình dùng để xây dựng tác phẩm, anh không còn gì để “vén màn” lên tác phẩm của anh nữa. Sartre viết:

Những kết quả mà ta đạt được trên tranh hay trên bài viết, đối với ta, không bao giờ là khách quan, bởi ta biết quá rõ những thủ pháp đưa đến kết quả này. Những thủ pháp này còn là một sự khám phá tối đẹp về chủ thể [tác giả]: chúng là chính ta, là nguồn cảm hứng của ta, là mưu chước của ta, và khi ta tìm cách nhận thức tác phẩm, ta lại sáng tạo chúng [lần nữa], tức là ta nhẩm tính lại trong đầu những thao tác dẫn đến sản phẩm này, mỗi vẻ của nó hiện ra như một kết quả. Như vậy, trong sự nhận thức [perception], thì đối tượng [tác phẩm] được coi là chủ yếu và chủ thể [tác giả] là thứ yếu; chủ thể [tác giả] bèn tìm kiếm sự chủ yếu trong tác phẩm và tìm thấy, nhưng lúc đó, chính tác phẩm lại trở thành thứ yếu[2].

Trong lời cô đọng này, Sartre muốn nói: Con người sáng tạo vì muốn thấy mình chủ yếu trong đời sống, nhưng chính sự vận hành của sáng tạo lại cho thấy: cả tác giả lẫn tác phẩm, đều chỉ ở vị trí thứ yếu, tức là có anh hay không có anh, có tác phẩm của anh hay không có tác phẩm của anh, thế giới vẫn vậy, thiên hạ vẫn sống như thường: Mặc dù khi sáng tạo, anh có ý muốn trở thành chủ yếu đối với thế giới xung quanh, nhưng sự chủ yếu đó, cả anh lẫn tác phẩm của anh đều không bao giờ đạt được. Cái nhìn bi quan và phi lý này về thân phận nghệ sĩ, nằm trong nhân sinh quan của Sartre: “con người là một đam mê vô ích” (l'homme est une passion inutile)[3].

Sự quan trọng của hành động đọc

Theo Sartre, không ở đâu mà biện chứng trên đây lại được biểu lộ rõ ràng bằng trong nghệ thuật viết:

Bởi đối tượng văn chương là một con quay lạ thường, nó chỉ hiện hữu khi chuyển động; mà muốn nó hiện ra lại cần một hành động cụ thể, là đọc, nó còn quay khi sự đọc còn tiếp diễn; nếu không, nó chỉ là những vết ngoằn ngèo trên giấy. Nhưng nhà văn lại không đọc được những gì mình viết ra[4]. Sartre giải thích:

Hành động viết hàm chứa một động tác khác, gần như đọc, nó làm cho [tác giả] không thể thực sự đọc được [văn bản của mình]. Dĩ nhiên tác giả nhìn thấy những chữ hình thành dưới ngòi bút của hắn, nhưng hắn không nhìn chúng như một độc giả, bởi vì hắn đã biết chúng từ trước khi hắn viết ra. Cái nhìn của tác giả không có nhiệm vụ đánh thức bằng cách chạm vào những chữ đang ngủ, đợi được đọc lên, mà chỉ để kiểm soát tuồng chữ; tóm lại đó là một nhiệm vụ thuần túy điều chỉnh, sự nhìn ở đây không học được gì hết, trừ vài lỗi viết tay. Nhà văn không tiên đoán mà cũng chẳng phỏng đoán: hắn dự tính. Có lúc hắn trông đợi, hắn chờ đợi [qu'il s'attende, qu'il attende], như ta nói chờ đợi cảm hứng. Nhưng ta không trông đợi như ta chờ đợi người khác; nếu hắn lưỡng lự là vì hắn biết tương lai chưa có, chính hắn sẽ làm ra tương lai, và hắn còn chưa biết cái gì sẽ xảy ra cho nhân vật của hắn, điều đó chỉ có nghĩa là hắn chưa nghĩ ra, hắn chưa quyết định gì cả, tương lai còn là giấy trắng, trong khi, tương lai trước mắt người đọc là vài trăm trang đầy chữ, trước khi đến kết. Như vậy, nhà văn [đọc mình] ở đâu cũng chỉ gặp lại tri thức của mình, ý chí của mình, dự tính của mình, tóm lại là chính mình, bao giờ hắn cũng chỉ chạm đến cái chủ quan của mình. Vật thể mà hắn tạo ra không ở trong tầm tay của hắn. Hắn không sáng tạo ra nó cho hắn. Nếu hắn tự đọc lại thì đã trễ rồi; câu văn của hắn không bao giờ hiện ra dưới mắt hắn như một vật thể. [...] Không bao giờ Proust khám phá ra sự đồng tính của Charlus, bởi vì ông đã quyết định việc này trước khi viết quyển sách của ông[...]

Vậy, người ta không thể viết cho mình: viết cho mình sẽ là thất bại chua cay nhất [...] Nếu chỉ có một mình tác giả hiện hữu trên đời, thì hắn mặc sức viết đến bao nhiêu cũng vậy, không bao giờ hắn có một tác phẩm như một vật thể ra đời, hắn sẽ phải bỏ bút hay vô vọng. Song động tác viết tiềm ẩn động tác đọc như một tương hệ biện chứng và hai hành động liên kết này cần đến hai tác nhân khác biệt: chính sự cố gắng kết hợp giữa tác giả và độc giả sẽ làm bật ra sự vật cụ thể và tưởng tượng là tác phẩm tinh thần. Chỉ có nghệ thuật với người khác, vì người khác.

Đọc là tổng hợp hai động tác: nhận thức và sáng tạo. Đọc thiết lập tính "chủ yếu" cho cả chủ thể [tác giả] lẫn khách thể [tác phẩm]. Tác phẩm "chủ yếu" vì nó chắc chắn [là sự vật] đã thăng hoa, nó bắt buộc phải có cấu trúc riêng và ta chờ đợi và quan sát nó; nhưng tác giả cũng "chủ yếu", bởi vì được coi không chỉ là người vén màn lên sự vật (tức là chỉ ra sự vật) mà còn làm cho sự vật thành toàn diện [soit absolument] (tức là sáng tạo). Nói tóm lại, người đọc có cả ý thức vén màn lẫn sáng tạo, vén màn trong sáng tạo và sáng tạo trong sự vén màn[5].

Sartre vừa xác định vai trò và mối tương quan của người viết với người đọc trong biện chứng toàn diện nhất, ngắn gọn nhất từ trước đến giờ.

Sự im lặng của người viết và người đọc

Tiếp đó, Sartre nói về sự khó khăn của việc đọc: Đừng tưởng đọc là một việc máy móc như đem đèn rọi vào bức ảnh. Nếu kẻ đọc không chăm chú, hoặc mệt mỏi, hoặc ngu si, hoặc đãng trí, thì phần lớn những liên hệ trong sách sẽ tuột ra ngoài. Hắn không “vào” được tác phẩm. Một lúc nào đó, tỉnh táo hơn, đọc lại, hắn sẽ có thể tìm thấy cả “chủ đề”, lẫn “luận đề”, lẫn “ý nghĩa” truyện. Sartre viết:

Đối tượng văn chương tuy thực hiện qua ngôn ngữ, nhưng không bao giờ hiển lộ trong ngôn ngữ, ngược lại, tự bản chất, nó là "im lặng" và phản lại lời nói. Vì thế, hàng trăm nghìn chữ trải dài trong cuốn sách có thể được đọc từng chữ một, mà ý nghĩa của tác phẩm vẫn không bật ra, ý nghĩa tác phẩm không phải là tổng số nghĩa những chữ trong sách, mà ở trong toàn bộ tạng phủ của tác phẩm. Sẽ không có gì cả [ý nói không có tác phẩm], nếu người đọc không tức khắc tự xứng với cao tầm của sự "im lặng" này. Nghĩa là, nếu người đọc không sáng tạo ra "im lặng" và không đem vào khoảng lặng đó những chữ, những câu mà hắn vừa đánh thức dậy[6].

Sartre muốn nói: cuốn sách cứ ỳ ra đó, trong im lặng, như không hiện hữu. Nhưng nếu có một kẻ đến, biết tạo ra một khoảng im lặng khác và đem vào đó những chữ đang ngủ trong sách mà y vừa đánh thức dậy, làm chúng “sống” lại, tức là y “đọc”, thì mọi sự sẽ khác hẳn: những con chữ sống lại, cuốn sách sống lại, nó hiện hữu, nhờ thao tác này.

Nếu người ta hỏi tôi là nên gọi thao tác này là tái tạo hay khám phá, tôi sẽ trả lời rằng, trước hết, một sự tái tạo như thế, cũng mới mẻ và độc đáo như sự sáng tạo đầu tiên [của nhà văn]. Nhất là, khi một sự vật chưa bao giờ hiện hữu trước đó, thì không thể nói là tái tạo hay khám phá lại. Bởi vì, nếu sự im lặng mà tôi nói, là mục đích mà tác giả nhắm, thì tác giả lại không bao giờ biết đến sự im lặng này[7].

Đến đây, Sartre phân biết sự im lặng của người viết và sự im lặng của người đọc:

Sự im lặng của nhà văn rất chủ quan, có trước khi hắn viết, đó là sự vắng chữ, là cái im lặng mù mờ, đã trải, của cảm hứng, mà sau đó lời [văn] sẽ đặc cách hoá đi. Còn cái im lặng do người đọc tạo ra, là một khách thể (objet). Và trong khách thể này cũng vậy, vẫn có những im lặng: đó là những điều mà tác giả không nói ra. Đó là những ý hướng đặc thù đến độ chúng không có nghĩa, ngoài tác phẩm, mà chỉ sự đọc làm hiển lộ ra, vậy mà cũng chính chúng làm nên sự cô đọng của tác phẩm, chúng cấp cho tác phẩm bộ mặt phi thường. Nói rằng chúng không được diễn tả là chưa đúng, chúng thực sự không thể diễn tả được. Và vì thế trong khi đọc ta không thấy chúng ở bất cứ lúc nào, chúng ở khắp nơi và không nơi nào hết. Tính thần kỳ của Grand Meaulnes[8], chất Babylone trong Armance[9], mức độ hiện thực và thực trong huyền thoại của Kafka, tất cả những cái đó không bao giờ "cho sẵn", người đọc phải sáng tạo ra bằng cách không ngừng vượt qua cái viết trong tác phẩm. Dĩ nhiên tác giả có hướng dẫn độc giả, nhưng hắn chỉ hướng dẫn thôi. Những mục tiêu hắn cắm bị khoảng trống chia cắt, phải nối lại chúng, phải vượt qua chúng. Tóm lại, đọc là sự sáng tạo được hướng dẫn (création dirigée)[10].

Sự phân tích này xác định bản chất của việc đọc: Đọc là điều kiện cần và đủ để cho một cuốn sách được hiện hữu. Nhưng đọc và viết, chỉ có thể thực hiện được, dưới một điều kiện khác: Tự do.

Tự do là điều kiện tiên quyết để viết và đọc

Tự do để viết là lẽ đương nhiên, không cần nhắc lại. Nhưng điểm lạ lùng ở đây là Sartre bàn đến ự do của người đọc: Cuốn sách đòi hỏi tự do của người đọc, Sartre viết:

"Bởi vì mọi sáng tạo chỉ có thể hoàn tất trong việc đọc. Bởi vì nghệ sĩ phải nhờ kẻ khác hoàn tất công việc mà hắn đã bắt đầu, bởi vì chỉ qua ý thức của độc giả, nhà văn mới nắm được cái cốt yếu trong tác phẩm của mình, tất cả mọi tác phẩm văn chương đều là một lời kêu gọi. Viết, tức là kêu gọi độc giả đưa sự vén màn – mà tôi, tác giả, đã hình thành qua phương tiện ngôn ngữ – sang tư thế hiện hữu khách quan. [...] Như thế, nhà văn kêu gọi sự tự do của độc giả để cộng tác xây dựng tác phẩm của mình.[11]

Về sự đòi hỏi tự do của cuốn sách, Sartre viết:

Cuốn sách không phụng sự tự do của tôi mà nó đòi hỏi tự do. Nhưng ta không thể ngỏ lời với tự do bằng cách bắt buộc, bằng sự quyến rũ hay van nài. Để đạt tới tự do, chỉ có một phương pháp duy nhất là công nhận nó trước, rồi tin tưởng vào nó, và sau cùng mới đòi hỏi nó một hành động, nhân danh chính nó (tức là nhân danh lòng tin mà ta đặt vào nó). Vì thế, cuốn sách không phải là một công cụ, một phương tiện để đạt tới bất cứ một cứu cánh nào: nó tự coi mình là cứu cánh qua sự tự do của độc giả (t. 54). Và Sartre nhấn mạnh: “Tác phẩm nghệ thuật không có cứu cánh. Chính nó là một cứu cánh” (t. 55).

Nếu nhà văn cần đến độc giả, thì y lại không được cám dỗ độc giả bằng bất cứ phương tiện nào, kỵ nhất việc khuynh đảo độc giả, làm cho họ sợ hãi, mê đắm, v.v.

Nếu tôi kêu gọi độc giả của tôi hoàn tất công việc mà tôi đã bắt đầu, tức nhiên tôi coi y là tự do thuần túy, là năng lực sáng tạo thuần tuý, là hành động vô điều kiện. Vì thế, trong bất cứ trường hợp nào, tôi sẽ không kêu gọi sự thụ động của y, tức là tôi cố ý làm cho y xáo động, bằng cách tức khắc truyền cho y những tình cảm sợ hãi, ham muốn hay giận hờn. Dĩ nhiên có nhiều tác giả chỉ lo khêu gợi những tình cảm như thế, bởi chúng dễ liệu trước, chế ngự được, và họ có những phương tiện để đạt đích”. Nhưng tôi không làm như vậy, tại sao? Bởi vì:

Trong mê đắm [passion], tự do bị tha hoá, bị lôi kéo vào những mê chấp bè phái, nó đánh mất nhiệm vụ của mình là trở thành cứu cánh. Và cuốn sách sẽ trở thành một phương tiện nuôi dưỡng hận thù hay dục vọng. Nhà văn không được khuynh đảo [bouleverser] độc giả, nếu không hắn sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Nếu hắn muốn yêu sách, thì hắn chỉ cần đề nghị cái nhiệm vụ phải hoàn tất. Do đó, tính chất "thuần tuý trình bày" trở thành chủ yếu của tác phẩm nghệ thuật.” (t. 55- 56)

Sartre trở về với nguyên tắc đầu tiên của nghệ thuật là trình bày, tức vén màn. Nói khác đi, nghệ thuật không tìm cách cám dỗ hay bắt buộc người khác phải theo mình, không áp đặt tư tưởng của mình trên người khác. Sartre cho rằng: nhà văn phải dành cho người đọc một khoảng cách mỹ học, đó là cái mà Gautier “ngớ ngẩn” gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật” và các vị trong nhóm Parnasse (Thi Sơn) nhầm với tính vô cảm của nghệ sĩ. Thực ra, đó chỉ là sự cẩn trọng mà Genet gọi rất đúng là “phép lịch sự” của người viết đối với người đọc (trang 56). “Phép lịch sự” ở đây có nghĩa là nhà văn phải coi người đọc là kẻ trưởng thành, là bạn tri âm, nhà văn chỉ cần trình bày, vén màn, không cần giáo hoá, người đọc sẽ hiểu và rút kinh nghiệm cho chính mình. Đến đây, vai trò của người đọc hiện rõ như một tất yếu, Sartre viết:

Như thế, đọc là thực tập lòng vị tha [Ainsi, la lecture est-elle un exercice de générosité] và cái mà nhà văn đòi hỏi ở người đọc, không phải là sự áp dụng một thứ tự do trừu tượng, mà là sự cống hiến tất cả con người của mình với những đam mê, dự trình, đồng cảm, tính khí nhục dục và nấc thang giá trị của chính mình. Chỉ với kẻ nào cống hiến hết mình, tự do sẽ xuyên qua, thấu suốt hắn, làm thay đổi những khối u tối nhất trong tri giác của hắn[12].

Và như thế, vai trò của người đọc được nâng cao:

Người đọc vươn mình lên tầm mức cao nhất. Bởi vậy, người ta thấy nhiều người nổi tiếng cứng rắn đã nhỏ lệ trước những nghịch cảnh tưởng tượng, vì cả đời họ cố tình che giấu cái tự do của mình mà chỉ trong giây phút đọc, nó đã hiện nguyên hình. Như thế, tác giả viết là để gửi đến cái tự do của người đọc, tác giả đòi hỏi cái tự do đó để tác phẩm của mình được hiện hữu.[13]

Đến đây, Sartre nói đến giao ước tinh thần giữa người viết và người đọc:

Cho nên, đọc là một giao ước cao quý [pacte de génériosité] giữa người viết và người đọc, hai bên đều tin nhau, hai bên đều trông cậy vào nhau, đều đòi hỏi ở nhau cũng như đòi hỏi ở chính mình. Bởi lòng tin này tự nó là cao quý: không có gì bắt buộc tác giả phải tin rằng độc giả sẽ vận dụng tự do của mình khi đọc; mà cũng không có gì bắt buộc độc giả phải tin rằng tác giả đã sử dụng tự do của mình khi viết. Đó là một quyết định tự do đến từ hai phía. [...] Như thế, khi tôi biểu lộ tự do của tôi là tôi vén màn cho thấy tự do của người khác.[14]

Và đồng thời hiện ra bổn phận của người viết trước người đọc:

Đối với bất cứ chủ đề nào cũng vậy, phải có sự uyển chuyển chủ yếu trong toàn bộ diễn tả, và phải nhớ rằng tác phẩm không bao giờ chỉ là một chủ đề tự nhiên [donnée naturelle], mà là một đòi hỏi [exigence], một cống hiến [don]. Nếu người cho ta một thế giới đầy bất công, thì ta không thể nhìn ngắm nó với một thái độ bàng quan lãnh đạm, mà là để khiến ta thức động nó trong tưởng tượng và vén màn phơi bày nó ra, sáng tạo nó với bản chất bất công, tức là những bất công-phải-trừ-khử. Như thế, vũ trụ của nhà văn sẽ chỉ mở ra trong tất cả chiều sâu, qua sự khảo sát, thán phục và phẫn nộ của độc giả: tình thương cao quý là nguyện thề gìn giữ [của độc giả], sự phẫn nộ cao quý là nguyện thề thay đổi, và sự thán phục là nguyện thề noi theo. Mặc dù văn chương là một chuyện, đạo đức là chuyện khác, nhưng trong thâm sâu sứ mệnh mỹ học vẫn có sứ mệnh đạo đức. Bởi vì kẻ viết, một khi đã mất công viết, là đã công nhận tự do của kẻ đọc, và bởi vì người đọc, một khi mở sách ra, là đã công nhận tự do của kẻ viết. Tác phẩm nghệ thuật, dù nhìn ở phía nào, nó cũng biểu hiệu một niềm tin trong tự do giữa người với người. Và độc giả cũng như tác giả chỉ nhìn nhận sự tự do này để bắt nó phải lộ ra, tác phẩm có thể tự quy định như một cách trình bày thế giới trong tưởng tượng, nhân danh sự đòi hỏi tự do cho con người. Kết cục là không có văn chương đen tối, bởi vì dù cái màu mà người ta tô lên thế giới có đen tối thế nào đi nữa, thì cũng chỉ là để cho những người tự do, cảm thấy cái tự do của mình ở trước mắt. Như thế, chỉ có tiểu thuyết hay hoặc dở mà thôi. Cuốn sách dở, là cuốn sách nhằm chiều lòng mọi người, phỉnh lừa độc giả trong khi cuốn sách hay, là một đòi hỏi, một khế ước của niềm tin.[15]

Tới đây Sartre nhấn mạnh đến sứ mệnh của nhà văn và độc giả:

Ta không thể quan niệm rằng sự kích thích lòng vị tha, ở nhà văn, lại được dùng để phục vụ sự bất công và độc giả hưởng thụ tự do của mình trong khi đọc một cuốn sách ủng hộ, hoặc chấp nhận, hoặc không lên án tình trạng người cưỡng bức người. Ta có thể mường tượng một quyển sách hay, do một người Mỹ da Đen viết, dù nó chứa đựng sự thù hận người da Trắng, bởi qua sự hận thù đó, tác giả đòi hỏi tự do cho toàn thể chủng tộc da đen của mình. Và vì tác giả mời tôi có thái độ vị tha, nhưng tôi đang thênh thang tự do [nguyên văn: tự do thuần tuý] không biết đến sự đau khổ, nên tôi không thể đồng hoá mình với một giống nòi bị đàn áp. Vậy tôi chống lại giống nòi da trắng và chống tôi, vì tôi cũng da trắng, là để đòi hỏi tất cả tự do cần thiết cho sự giải phóng người da màu.

Nhưng không ai có thể giả định rằng người ta có thể viết một cuốn sách hay, để cổ võ cho tinh thần bài trừ Do Thái. Bởi vì, sự tự do của tôi hoàn toàn liên hệ với tự do của mọi người, cho nên không ai có thể buộc tôi dùng cái tự do đó để ủng hộ sự áp chế bất cứ dân tộc nào. Cho nên, dù viết tiểu luận, châm biếm, trào phúng, hay tiểu thuyết, dù chỉ nói về đam mê cá nhân hay đả phá chế độ xã hội, nhà văn, người tự do, viết để gửi tới những người tự do, chỉ có một chủ đề duy nhất: tự do.

Và Sartre kết luận:

Người ta không viết cho kẻ nô lệ. Nghệ thuật văn xuôi liên hệ với một thể chế duy nhất mà nó còn giữ được ý nghĩa trọn vẹn: đó là dân chủ. Khi cái này bị đe dọa, thì cái kia cũng bị đe dọa theo. Tranh đấu bằng ngòi bút, nhiều khi cũng chưa đủ. Tới ngày nào bị bắt buộc phải gác bút thì lúc đó nhà văn sẽ phải cầm súng. Như thế, bất cứ anh đến với chữ nghĩa bằng phương tiện nào, dù anh có những tư tưởng như thế nào, văn chương cũng vẫn dồn anh ra mặt trận. Viết tức là một cách nào đó muốn có tự do, và nếu anh đã bắt đầu, thì dầu muốn dầu không, anh phải dấn thân.

Người ta sẽ hỏi: Dấn thân vào gì? Vào sự bảo vệ tự do. Nói vội thì như thế [...]. Câu hỏi này liên quan đến một câu hỏi khác, có vẻ rất đơn giản, nhưng chưa ai đặt ra bao giờ: Viết cho ai?[16]

III- Viết cho ai?

Viết cho ai? là câu hỏi thứ ba mà Sartre đặt ra. Chương này được chia làm hai phần: phần đầu ông trả lời câu hỏi “Viết cho ai?” và phần sau ông phân tích tình trạng viết và đọc trong văn chương Pháp qua hai mốc chính:

1/ Thời Trung cổ: văn chương dưới sự giám hộ của giáo hội và nhà nước phong kiến.

2/ Văn chương từ thế kỷ XVII trở đi, xuyên qua các thời cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực trong môi trường và dưới sức ép của giai cấp trưởng giả.

Với chủ ý giới thiệu lý thuyết phê bình của Sartre, chúng tôi giới hạn bài viết trong phần đầu của chương “Viết cho ai đọc”?

Nhưng cũng xin lưu ý độc giả về khái niệm trưởng giả (bourgeois) thường được dịch sai là tư sản hay tư bản, dẫn đến sự hiểu lầm tư tưởng của Sartre và sau này của Barthes.

Phê bình của Sartre đưa ra hai khái niệm quan trọng: dấn thân (engagé)trưởng giả (bourgeois). Khái niệm dấn thân đã và sẽ được trình bày cặn kẽ, nhưng khuôn khổ bài này không cho phép chúng tôi đi sâu vào khái niệm trưởng giả. Tuy nhiên, chữ bourgeois, mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch là trưởng giả, rất thông dụng trong ngôn ngữ phê bình văn học và xã hội học Pháp, đặc biệt Sartre, rồi sau đến Barthes. Đối với Sartre, phê bình trưởng giả là phê bình toàn bộ xã hội trưởng giả Âu châu, từ thời Trung Cổ, đã tạo nên nền chính trị trưởng giả, ngôn ngữ trưởng giả, văn học trưởng giả. Hệ thống tư tưởng trưởng giả này bao trùm lên toàn thể đời sống con người Âu châu, xuyên nhiều thế kỷ.

Về ngữ căn, chữ trưởng giả dùng để chỉ giai cấp có thế lực trong xã hội. Nguyên thủy thời Trung cổ, giai cấp này gốc nhà buôn, nhờ giàu có mà tiến dần lên địa vị cao và có quyền trong xã hội, thay thế cho giai cấp quý tộc mất dần ảnh hưởng. Nhưng trong giai đoạn kế tiếp nhà buôn lại mất dần chỗ đứng và quyền lực chuyển dần sang giai cấp trí thức khoa bảng (nhà khoa học, luật sư, kỹ sư, bác sĩ...). Tất nhiên giai cấp trưởng giả qua các thời đại thường giàu có, nhưng cũng có thể chỉ trung lưu, thậm chí nghèo, nhưng vẫn giữ nề (ví dụ Barthes xuất thân trong một gia đình trưởng giả thanh bạch). Sartre nói đến trưởng giả giàu (bourgoisie riche) trong Văn chương là gì?, trang 94. Vậy trưởng giả ngoài việc được coi như một “giai cấp”, còn là một lối sống, một cách thể hiện văn hoá, rất đặc biệt ở Pháp, tương tự như giai cấp quý tộc ở Anh. Khi Sartre chống lại văn hoá trưởng giả là ông chống lại tất cả hệ thống tư tưởng trưởng giả, mà ông được nuôi dưỡng từ trong gia đình, từ tuổi thơ, trong ngôn ngữ, trong cách ứng xử, đặc biệt trong tác phẩm Chữ (Les Mots), hệ thống văn hoá trưởng giả này được hình thành tại Âu Châu từ thời Trung cổ đến ngày nay.

Nhà văn không thể viết cho tất cả mọi người

Trở về với điều chúng ta đang nói, để trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Sartre cho rằng:

Thoạt tiên, chẳng nghi ngờ gì nữa: ta viết cho độc giả phổ quát [lecteur universel], và thực vậy, như ta đã thấy, sự đòi hỏi của nhà văn, trên nguyên tắc, gửi đến tất cả mọi người. Nhưng đó là những điều kiện lý tưởng. Thực ra, nhà văn biết mình phát biểu cho những tự do bị sa lầy, bị phủ lấp, bị vô hiệu hóa; và chính cái tự do của anh ta, dường như cũng không trong sáng lắm, anh ta cũng phải gột rửa nó; anh ta viết để gột rửa cái tự do của chính mình. Không gì nguy hiểm hơn, cứ động mở miệng là nói đến những giá trị vĩnh cửu: những giá trị vĩnh cửu thường khô đét. Ngay cả đến tự do, nếu ta coi nó như một giá trị bất diệt, nó sẽ biến thành cành lá héo: Vì tự do cũng như biển cả, luôn luôn bắt đầu trở lại, tự do là thứ chuyển động mà ta không ngừng bám vào và thả ra. Chẳng tự do nào có sẵn, ta phải tự thắng những dục vọng, những kỳ thị chủng tộc, những phân chia giai cấp, phân rẽ quốc gia, cho ta, với người[17].

Cho nên, trên thực tế, nhà văn không thể viết cho tất cả mọi người. Ở đây, Sartre đặt vấn đề tình huống (contexte) một cách hết sức tự nhiên và dễ hiểu chứ không cầu kỳ và khó hiểu như những lập thuyết về ký hiệu, mà chúng ta sẽ thấy sau này. Ông lấy một ví dụ đơn giản: Nếu ta nghe một đĩa ghi âm hai vợ chồng người dân địa phương tỉnh lẻ vùng Angoulême nói chuyện hàng ngày với nhau, mà không có lời chú giải, thì sẽ chẳng hiểu gì cả. Bởi vì ta không cùng chung tình huống với họ; tức là không chung kỷ niệm, không chung cách nhìn, không sống trong hoàn cảnh của họ, không biết họ đang định làm gì, tóm lại là ta không biết những gì mà hai người ấy cùng biết, cùng có với nhau. Việc đọc cũng vậy: những người cùng một thời đại, cùng một cộng đồng, đã sống chung những biến cố, cùng đặt câu hỏi và cùng muốn soi tỏ một số vấn đề, có chung cái gu trong miệng, họ chung nhau sự đồng loã, chung nhau những xác chết. Tương tự như người dân Nam và dân Bắc Việt Nam, sau 20 năm chiến tranh, không nói cùng một “ngôn ngữ”. Tóm lại, nếu viết cho người cùng chung tình huống thì không cần viết nhiều: chỉ cần mấy lời chủ chốt. Nếu không chung tình huống, thì phải giải thích mới có thể hiểu nhau. Ví dụ, tôi, một nhà văn Pháp, muốn tả không khí dưới thời Đức Quốc Xã trên đất Pháp, cho một công chúng Hoa Kỳ, thì tôi phải giải thích dài dòng, may ra độc giả Mỹ mới hiểu. Sartre viết tiếp:

Nhưng nếu tôi viết cho công chúng Pháp, giữa chúng tôi, chỉ cần vài chữ, đại khái: "buổi hoà tấu quân nhạc Đức ở đình công viên", thì tất cả đều rõ: một mùa xuân chua xót, một công viên tỉnh lẻ, những kẻ trọc đầu thổi ống đồng, những bộ hành câm điếc rảo bước, vài ba khán giả cau có nét mặt dưới tàn cây, buổi hoà nhạc ban mai vô ích cho nước Pháp lạc lõng lên trời, kéo theo sự tủi hổ, kinh hãi, căm hờn, và cả niềm kiêu hãnh dân tộc[18].

Nhận xét này đưa Sartre đến việc xác định nhiệm vụ của độc giả và sử tính của tác giả:

Như vậy độc giả của tôi chẳng phải Micromégas, chẳng phải l'Ingénu[19] [chẳng khờ, chẳng dại] cũng chẳng phải là đức Thánh Cha. (...) Độc giả của tôi cũng chẳng có toàn năng kiến giải của một thiên thần hay Thượng đế, tôi vén màn cho hắn thấy một vài khía cạnh của cuộc đời. Tôi lợi dụng những điều hắn biết để chỉ cho hắn một số điều hắn chưa biết. Độc giả của tôi, đong đưa giữa chẳng biết gì và cái gì cũng biết, hắn có một hành trang nhất định, biến đổi mỗi chốc, đủ để nói lên sử tính (historicité) của hắn. (...)

Những tác giả cũng thuộc về lịch sử, và chính vì vậy mà một số trong đám họ muốn vượt qua lịch sử bằng cách nhẩy vọt vào vĩnh cửu. Một mối liên hệ lịch sử được thành lập giữa những kẻ nhúng vào cùng một chuyện và làm thành truyện, nhờ môi giới của cuốn sách.

Viết và đọc là hai khía cạnh của cùng một dữ kiện lịch sử và cái tự do mà nhà văn mời gọi chúng ta vào, không phải là cái ý thức thuần túy trừu tượng về tự do. Nói đúng ra, tự do không hiện hữu (elle n'est pas) mà nó được chinh phục trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, Mỗi cuốn sách đề nghị một cách giải phóng cụ thể từ một tình trạng tha hoá riêng biệt. Và cũng trong mỗi cuốn có một lời thỉnh cầu thầm kín đối với những chế độ, những thói tục, những hình thức áp đặt và tranh chấp, đối với tri năng và sự cuồng loạn của hôm nay, đối với những đam mê lâu dài và những ngoan cố giây lát, đối với những mê tín dị đoan, đối với những chinh phục mới của trí tuệ, đối với những dốt nát và những hiển nhiên, đối với những lập luận dị kỳ mà khoa học tung ra cho đúng mốt và người ta vội vàng áp dụng vào tất cả mọi địa hạt, đối với những hy vọng, những lo sợ, những thói quen của cảm giác, của tưởng tượng, của nhận thức, đối với những tập tục và những giá trị có sẵn, đối với cả một thế giới mà người đọc và người viết có chung với nhau. Chính cái thế giới chung mà cả đôi bên đều biết rất rõ ấy sẽ được tác giả làm sống lại và xuyên suốt nó bằng tự do của mình. Và từ cái thế giới ấy mà độc giả phải tác động sự giải phóng cụ thể cho nó: thế giới ấy là sự vong thân, là tình thế, là lịch sử, chính nó là cái mà tôi phải chiếm lại và phải chịu trách nhiệm, chính nó mà tôi phải thay đổi hoặc quyết định giữ nguyên như thế, cho tôi và cho người khác.[20]

Viết cho ai?

Câu trả lời sẽ được Sartre phân tích qua một số ví dụ trong văn chương Pháp, về trường hợp André Gide trong cuốn Dinh dưỡng trần thế (Les nourritures terrestes)[21], Sartre viết:

Bởi vì tự do của tác giả và độc giả tự tìm đến nhau và quyến luyến nhau qua một thế giới, nên có thể nói rằng: chính tác giả, khi lựa chọn trình bày một khía cạnh nào của đời sống, đã xác định độc giả của mình và ngược lại, qua sự lựa chọn độc giả, tác giả đã xác định chủ đề của mình. Như thế, bất cứ tác phẩm tinh thần nào cũng đều chứa đựng trong nó hình ảnh người đọc mà nó muốn gửi tới. Tôi [Sartre] có thể vẽ chân dung Nathanaël qua cuốn Dinh dưỡng trần thế (Les nourritures terrestes) như thế này: Sự vong thân mà ta muốn Nathanaël thoát ra, là gia đình, là những bất động sản mà anh đã có hoặc sẽ có vì được hưởng gia tài, là dự tính thực dụng, là một thứ đạo đức thuộc lòng, một thứ chủ nghĩa hữu thần hạn hẹp; tôi còn thấy Nathanaël là một người nho nhã và nhàn tản, bởi vì thực là vô lý nếu Ménalque [người thày tưởng tượng của Nathanael] lại nêu gương cho một người thợ máy, một kẻ thất nghiệp, một người da đen ở Mỹ, tôi biết Nathanaël không bị tình thế ngặt nghèo nào đe dọa, chẳng bị đói, chẳng rơi vào cảnh chiến tranh, chẳng bị giai cấp bóc lột, chẳng bị kỳ thị. Cái nguy hiểm duy nhất đáng sợ cho anh: anh là nạn nhân của môi trường anh đang sống, tức là cái môi trường trưởng giả của một người da Trắng, Aryen[22], giàu có, anh là người thừa kế một gia đình trưởng giả lớn, sống trong giai đoạn còn tương đối dễ dàng và ổn định, ý thức hệ của gia cấp sở hữu chủ chỉ mới bắt đầu xuống dốc (trang 79).

Qua những lời trên đây, Sartre muốn chứng minh rằng: Môi trường là yếu tố quyết định: môi trường sản sinh ra nhà văn, Gide, sinh ra từ môi trường trưởng giả, không viết cho công chúng thợ thuyền, cho người da den, mà công chúng của Gide là giai cấp trưởng giả Pháp. Cái mà Gide muốn đả phá, muốn cho nhân vật của ông thoát khỏi “gông cùm”, là toàn bộ tư tưởng và cách sống của tầng lớp trưởng giả Pháp đầu thế kỷ XX. Gide không nói ra trong tác phẩm và người đọc bình thường cũng không nhận thấy điều này khi đọc Dinh dưỡng trần thế, nhưng nhà phê bình Sartre đã nhận diện tường tận và “nói lên” ý hướng thâm sâu trong tâm hồn Gide mà chưa chắc Gide đã biết. Và đó là nhiệm vụ của nhà phê bình.

Ý nghĩa thứ nhì của sự dấn thân

Trở lại với khái niệm dấn thân (đã trình bày lần đầu trong bài trước), Sartre đào sâu hơn, và viết những dòng vừa tha thiết vừa quyết liệt:

Nếu mọi người đều nhập cuộc, điều đó không có nghĩa rằng ai cũng có ý thức rõ ràng. Phần lớn tìm cách che đậy sự dấn thân của mình, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ tìm cách tránh né trong gian dối, trong thiên đường giả tạo hay trong đời sống tưởng tượng: họ chỉ hạ thấp bấc đèn, thấy đầu mà không thấy đuôi hay ngược lại, họ lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, họ từ chối tương trợ người đồng loại, họ trốn vào các sự trịnh trọng, họ trừ khử tất cả giá trị của sự sống bằng cách nhìn cuộc đời từ quan điểm chết và cùng lúc họ lại [tỏ sự] kinh tởm cái chết bằng cách trốn chạy vào những nhàm chán của cuộc sống hàng ngày; nếu họ ở trong tầng lớp áp bức người, thì họ sẽ tự nhủ rằng mình thoát khỏi tầng lớp này bởi mình có tâm hồn cao thượng. Và nếu họ là những người bị áp bức, thì họ sẽ che giấu sự đồng lõa với cường quyền bằng cách chống đỡ rằng ta vẫn có thể tự do trong vòng xiềng xích, bởi vì ta có một đời sống nội tâm phong phú. Với tất cả những loại người này, nhà văn vẫn còn có thể trông cậy được như với những người khác, bởi vì không thiếu gì tác giả có đầy thủ pháp để ứng xử với những độc giả mũ ni che tai. Tôi [Sartre] nói rằng một nhà văn chỉ thực sự dấn thân khi hắn ý thức được một cách sáng suốt nhất và toàn diện nhất về sự nhập cuộc, tức là hắn có thể chuyển hắn cũng như chuyển người khác từ trạng thái dấn thân bột phát sang dấn thân suy nghĩ. Nhà văn là kẻ trung gian tuyệt vời và sự dấn thân của hắn là sự hoà giải.

Chẳng ai bắt anh chọn nghề văn. Vậy sự tự do đã có ngay từ đầu: tôi là nhà văn, là bởi vì tôi tự do quyết định cầm bút. Nhưng ngay sau đó, thì có vấn đề này: tôi trở thành kẻ mà những người khác coi là nhà văn, thế có nghĩa là tôi phải đáp ứng một số yêu cầu và dù muốn dù không, tôi có một phận sự xã hội. Bất cứ muốn chơi nước cờ nào, thì nhà văn cũng phải đi từ bình diện mà người khác nhìn mình. Có thể y muốn thay đổi nhân vật mà người ta gán cho y trong một xã hội chỉ định, nhưng muốn thay đổi thì trước tiên y phải chìm đắm trong đó. Thành thử công chúng xen vào, với những thói tục, nhân sinh quan, xã hội quan của họ và cả với quan niệm của họ về văn chương trong lòng xã hội; họ bao vây nhà văn, lật ngược y, và những đòi hỏi ngạo mạn hoặc nham hiểm của họ, những khước từ, những trốn tránh của họ sẽ là những dữ kiện mà từ đó, y có thể xây dựng nên tác phẩm.[23]

Trường hợp dấn thân của Richard Wright

Sartre viết tiếp:

Ví dụ trường hợp nhà văn lớn người da đen Richard Wright, nếu ta chỉ nhìn trên khía cạnh thân phận con người, nghĩa là "mọi đen" Nam Mỹ lên Bắc Mỹ nửa đầu thế kỷ XX, ta thấy ngay rằng Wright chỉ có thể viết về người da đen hoặc người da trắng dưới con mắt người da đen. Làm sao ta có thể tưởng tượng trong khoảnh khắc rằng Wright sẽ chấp nhận dành cuộc đời để ngắm cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ muôn thủa, trong khi 90% mọi đen Nam Mỹ trên thực tế không được quyền đi bầu? [Sartre viết Văn chương là gì? năm 1947] [...] Vậy nếu có một người da Đen ở Mỹ tự khám phá ra mình có thiên chức nhà văn, anh ta cũng khám phá ra cùng một lúc đề tài của mình: anh là kẻ nhìn người da Trắng từ bên ngoài, anh so sánh nền văn hoá da trắng từ bên ngoài và mỗi cuốn sách của anh sẽ chỉ ra sự tha hoá của nòi gống da đen trong lòng xã hội Mỹ. Không phải một cách khách quan, theo lối hiện thực, nhưng một cách nhiệt tình và làm thương tổn đến đến độc giả của anh. Nhưng sự khảo sát này chưa xác định được bản chất của tác phẩm [...].

Nếu ta muốn đi xa hơn nữa, thì phải xét đến công chúng độc giả. Richard Wright viết cho ai? Chắc chắn ông không viết cho con người phổ quát [l'homme universel]. Bởi vì con người phổ quát chỉ có đặc điểm chính là hắn chẳng dấn thân vào bất cứ một thời đại đặc biệt nào, con người phổ quát chẳng động lòng trắc ẩn vì số phận "mọi đen" ở Louisiane, cũng chẳng màng đến thân phận của những kẻ nô lệ La Mã thời Spartacus. Con người phổ quát không nghĩ gì khác ngoài những giá trị phổ quát. Con người phổ quát là sự xác định thuần túy và trừu tượng của quyền bất diệt làm người. Nhưng Wright cũng không thể nghĩ sẽ dành sách của ông cho những người da trắng kỳ thị sống ở Virginie hay ở Caroline mà phán đình của họ đã khoá kín, không thể mở được. Ông cũng không viết cho những người nông dân da đen ở Louisane[24] không biết chữ. Và nếu ông có tỏ ra sung sướng trước sự tiếp đón nồng nhiệt sách của ông ở Âu châu, thì khi viết, ông cũng không viết cho công chúng Âu châu, bởi vì Âu châu xa vời và những phản đối của Âu châu không có hiệu quả mà còn đạo đức giả. Ta không thể chờ đợi gì ở những dân tộc đã đi đánh chiếm thuộc địa ở Ấn Độ, Đông Dương và Châu Phi. Chỉ qua những khảo sát này là ta xác định được độc giả của Wright: ông viết cho những người da đen có học ở Bắc Mỹ và những người Mỹ da trắng có lòng. [...]

Chẳng phải là Wright không nhắm, qua họ, tất cả mọi người mà ông nhắm đến tất cả mọi người, qua họ[25].

Theo Sartre, cái chung phát xuất từ cái riêng: tự do cụ thể mà Wright theo đuổi ở thời điểm lịch sử này sẽ dẫn đến tự do bất diệt. Nhóm độc giả cụ thể của Wright ở thời điểm lịch sử này sẽ mở cửa vào con người phổ quát:

Đối với Wright, người đọc da đen tiêu biểu cho sự chủ quan. Cùng một tuổi thơ, cùng gặp khó khăn, cùng chung mặc cảm: tác giả và độc giả hiểu nhau bằng trái tim nên chỉ cần vắn tắt nửa lời. Khi ông tìm cách soi rõ cho ông về hoàn cảnh cá nhân của ông, ông cũng soi rạng đường đi cho họ. Cuộc sống hàng ngày của họ, tức thời, với những lầm than cay đắng mà họ không tìm ra chữ để nói, ông nói hộ, ông gọi tên nó lên, ông chỉ cho họ: ông là ý thức của họ và cuộc vận động dấy lên tức thời ở ông từ những suy nghĩ chín chắn về thân phận mình, trở thành cuộc vận động chung cho cả giống nòi ông.

Còn độc giả da trắng dù họ có lòng đến thế nào, đối với một tác giả da đen, họ cũng vẫn là Người khác (l'Autre). Bởi họ không sống qua những gì ông đã sống, họ không thể hiểu được thân phận mọi đen, trừ phi họ phải cực kỳ cố gắng và dựa vào những sự na ná có thể phản lại họ. Ngoài ra, Wright cũng không biết rõ họ; ông hiểu sự an toàn kiêu hãnh của họ từ bên ngoài và cái quả quyết thản nhiên này của ông, cũng tương tự như tất cả những kẻ Aryens da trắng tưởng rằng thế giới cũng trắng và họ là sở hữu chủ.

Đối với người da trắng, những chữ mà Wright viết ra trên giấy không cùng bối cảnh với người da đen: nên ông phải chọn lựa cân nhắc kỹ càng, bởi vì không biết âm vang chúng sẽ như thế nào trong tâm thức người ngoại cuộc. Và khi ông nói với họ, mục đích của ông cũng đã thay đổi: phải làm sao buộc họ cảm thấy liên lụy, bắt họ phải đo lường trách nhiệm của họ, phải làm sao cho họ nổi giận và xấu hổ. Như thế mỗi tác phẩm của Wright chứa đựng cái mà Baudelaire gọi là "có hai thỉnh cầu cùng một lúc", tức là mỗi chữ của Wright gửi tới hai bối cảnh, mỗi câu gồm hai lực cùng bắn đi, vì thế chúng có độ căng hiếm hoi mà ít tác phẩm nào sánh được [...] Wright, nhà văn cho một công chúng sâu xé, đã bước lên trên sự sâu xé, để viết nên tác phẩm nghệ thuật[26].

Đối với Sartre: Nhà văn tiêu thụ mà không sản xuất, mặc dù hắn chọn việc dùng ngòi bút để phục vụ lợi ích cộng đồng. Tác phẩm vẫn là cho không. Tức là vô giá. Giá đề trên cuốn sách được quyết định một cách tùy tiện. Thực ra người ta không trả tiền cho nhà văn: người ta chỉ nuôi nhà văn, nuôi đủ sống hay nuôi đói là tùy thời. Mà cũng không thể khác được, bởi vì hoạt động của hắn vô dụng: nhà văn là loại người không có ích lợi gì, thậm chí còn có hại nếu hắn làm cho xã hội ý thức được mình. Bởi cái có ích đã được xác định trong khuôn khổ của một xã hội hoàn tất với những định chế, những giá trị, và những mục tiêu có sẵn. Nếu cái xã hội ấy tự thấy mình, nhất là nó thấy nó đang bị nhìn, thì rất nguy hiểm, bởi nó dẫn đến sự phản đối những giá trị có sẵn, phản đối chế độ. Nhà văn trình bày cho xã hội thấy hình ảnh của mình, hắn cảnh báo cho xã hội biết, xã hội phải chịu trách nhiệm hoặc phải sửa đổi. Nếu xã hội thay đổi, nó sẽ mất đi cái ổn định xây dựng trên sự ngu dốt; nếu nó đong đưa giữa hổ thẹn và vô liêm sỉ, nó trở thành ngoan cố. Như thế, nhà văn đã trao cho xã hội một thứ conscience malheureuse (ý thức bất hạnh hay tự vấn đớn đau) và do đó y không ngừng phải đối đầu với những lực lượng bảo thủ, đang cố giữ cân bằng xã hội mà y tìm cách chao đảo[27].

Lý thuyết văn học của Sartre xây dựng trên ý thức tự dotrách nhiệm.

Theo ông, điều kiện tiên quyết cho hành động viết và hành động đọc là tự do. Nếu không có tự do thì không những không thể viết, mà cũng không thể đọc được. Nhưng tự do luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm là điều kiện của tự do.

Từ hai điều kiện tiên quyết: tự do và trách nhiệm này, nẩy sinh khái niệm thứ ba là nhà văn dấn thân, nhà văn phải sống với thời đại mình, phải có trách nhiệm với xã hội, với con người. Phải đau nỗi đau của con người và phải chỉ ra những gì phải thay đổi trong thế giới con người.

Trước Sartre, Valéry và Proust cũng đã đặt câu hỏi văn chương là gì? Nhưng cả hai chỉ mới đưa ra những cái nhìn tản mạn. Sartre là người đầu tiên đặt vấn đề một cách có hệ thống và trả lời sâu sắc, đến nguồn ngọn.

Sartre đã thực hiện đúng điều ông nói: những chữ trong cuốn sách ông viết dưới điều kiện lịch sử nhất định của hôm qua, 1947, đã hồi sinh hôm nay, giờ này, ở một điều kiện lịch sử khác, trên một lãnh địa khác hẳn: chúng đã đi vào lịch sử của loài người, và như thế, Sartre đã tạo được “cái khoảnh khắc ngỏ vào vĩnh cửu.

Thụy Khuê

(Còn nữa)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/

Kỳ 18: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-18/

Kỳ 19: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-19/

Kỳ 20: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-20/

Kỳ 21: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-21/

Kỳ 22 : http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-22/


[1] Qu’est-ce que la littérature, t. 45-46.

[2] Qu’est-ce que la littérature, t. 47-48.

[3] L'être et le néant, t. 678.

[4] Qu’est-ce que la littérature, t. 48.

[5] Qu’est-ce que la littérature, t. 48- 49-50.

[6] Qu’est-ce que la littérature, t. 51.

[7] Qu’est-ce que la littérature, t. 51.

[8] Tiểu thuyết duy nhất của Alain Fournier, in năm 1913.

[9] Tiểu thuyết đầu tiên của Stendhal, in năm 1827.

[10] Qu’est-ce que la littérature, t. 51.

[11] Qu’est-ce que la littérature, t. 53.

[12] Qu’est-ce que la littérature, t. 57.

[13] Qu’est-ce que la littérature, t. 58.

[14] Qu’est-ce que la littérature, t. 62.

[15] Qu’est-ce que la littérature, t. 69- 70.

[16] Qu’est-ce que la littérature, t. 70- 71- 72.

[17] Qu’est-ce que la littérature, t. 75.

[18] Qu’est-ce que la littérature, t. 76-77.

[19] Mocromégas (1752) và L'Ingénu (1767) là hai truyện triết lý của Voltaire. Micromégas là tên nhân vật chính, cao lớn và thông minh hơn người, nhưng cũng yếu mềm, khờ dại, nội dung tác phẩm muốn nói sự cao cả và sự thấp hèn chỉ là tương đối. L'Ingénu (Người ngây thơ) kể chuyện một người da đỏ ngây thơ ở Canada sang Bretagne, mục kích được những sự bất công, lạm quyền, man trá dưới chế độ quân chủ chuyên chế của đại đế Louis XIV (1643-1715) mệnh danh "Vua Mặt Trờỉ".

[20] Qu’est-ce que la littérature, t. 77- 78.

[21] Tác phẩm của André Gide, in năm 1897, trong đó, Ménalque là người thày tượng tượng của Nathanaël.

[22] Aryen là dân tộc có nguồn gốc Ấn-Âu, từ thế kỷ XVIII trước Thiên Chuá, một phần sang Iran môt phần sang Bắc Ấn, được coi là thủy tổ người da trắng chính hiệu.

[23] Qu’est-ce que la littérature, t. 84-85.

[24] Nguyên văn: paysans noirs des bayous, bayou là tiếng người Mỹ da đỏ, nghĩa là sông nhỏ, câu này có nghĩa là: những người nông dân da đen ở miền Louisane.

[25] Qu’est-ce que la littérature, t. 85- 86.

[26] Qu’est-ce que la littérature, t. 87- 88.

[27] Qu’est-ce que la littérature, t. 89.