Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Lời nói đầu của một tác phẩm vừa hoàn tất

Đào Hiếu

clip_image002

Nhan đề sách: GẶP GỠ VÀ CHIA LÌA

(Sẽ công bố khi có dịp thuận tiện)

ĐÀO HIẾU

*

Năm sáu mươi tuổi, tôi viết tự truyện “Lạc Đường”, một tác phẩm gây tiếng vang khá rộng rãi, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Có thể nói đó là một thành công ngoài mong đợi của tác giả.

Năm bảy mươi tuổi là năm buồn nhất của đời tôi. Dường như đó là thời điểm mà con người buộc phải đối diện với lẽ tử sinh thường xuyên nhất.

Sinh nhật thứ bảy mươi, tôi trốn khỏi gia đình. Các con tôi gọi điện thoại hỏi: “Ba đi đâu vậy? Ba quên sinh nhật rồi sao?”. Tôi không quên, nhưng với tôi, sinh nhật luôn là ngày buồn. Những năm trước, các con tôi đều có tổ chức sinh nhật cho tôi. Tôi thương chúng mà dự. Nhưng lần sinh nhật thứ bảy mươi này tôi đi trốn. Có vui vẻ gì khi thêm một tuổi?

Ông quan thi sĩ đời Đường bên Tàu là Đỗ Phủ, chiều chiều đi làm về thường ghé quán cóc bên sông uống rượu đến say mèm. Có hôm hết tiền, phải cởi áo cầm cố cho chủ quán và tự chữa thẹn bằng một bài thất ngôn bát cú mà trong đó có hai câu gần như ai cũng biết:

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy.

(Nợ rượu thì ở đời ai cũng có, nhưng sống được đến bảy mươi tuổi thì xưa nay hiếm.)

Thời nay, người ta sống đến bảy mươi là chuyện thường. Nhưng bảy mươi, tám mươi, hay một trăm tuổi cũng chỉ là cái chớp mắt của thời gian. Vô nghĩa. Cát bụi. Và lãng quên. Và mất tăm như một que diêm tắt phụt trong đêm tối vô tận.

Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử viết: “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (Bảy mươi tuổi thì có thể sống thuận theo lòng mình mà không sợ ra ngoài khuôn phép). Tôi lại nghĩ khác: Bảy mươi tuổi là tuổi nguy hiểm nhất.

Nếu tuổi dậy thì là chỗ rẽ từ trẻ con sang người lớn thì tuổi bảy mươi là chỗ rẽ từ sinh sang tử. Nó là cột mốc vô hình nhưng được cắm trên bờ vực của sống và chết, của tồn tại và hư vô. Nó là thời điểm mà một con người có thể sẽ phải nói lời giã biệt để đi vào cõi vô cùng.

Chính vì thế mà nó nguy hiểm.

Đứng trước ngã rẽ mù mịt ấy, đứng trước vực thẳm sâu hun hút ấy, tôi sẽ nghĩ gì? Sẽ làm gì?

Sẽ làm gì khi trước mặt là một cõi âm u, xa hút và lạnh lẽo?

Sẽ sống ra sao khi nhìn ngọn lửa đời mình đang hút cạn dần chút dầu còn lại trong chiếc đèn cũ kỹ. Ngọn lửa nhỏ đang tự ăn mình cho đến khi tàn lụi.

Nhưng tôi vẫn sống theo cách riêng của tôi. Theo cái cách mà tôi suy niệm về cõi vô thường.

Vô thường. Đó là cõi hồng trần của Nguyễn Du. Là: “Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”.

Bảy mươi năm chiến tranh, bom đạn, đói nghèo. Bảy mươi năm làm một anh vi-xi hạng bét, làm một anh lính Cộng hoà binh nhì. Bảy mươi năm xuống đường, tù tội. Bảy mươi năm yêu đương, lãng mạn, phụ tình, tình phụ. Bảy mươi năm tội lỗi, hại người và cứu người…

Bàn tay tôi đã trong sạch, đã vấy bẩn…

Ôi, bảy mươi năm quá dài mà cũng quá ngắn. Đó là cuộc hành trình mù mịt, vô minh, lạc lối trong vinh nhục, trong khổ ải và hạnh phúc, trong yêu thương và thù hận.

Tôi đã bơi trong bể khổ trầm luân, không biết đâu là bờ bến. Sống như một sự vùng vẫy. Vùng vẫy đến kiệt sức và muốn nằm im, bồng bềnh trên dòng thời gian, mặc cho nó cuốn trôi về vực thẳm.

Tôi vừa muốn hoà nhập vừa muốn xa lánh cuộc đời này. Tôi vừa yêu thương vừa sợ hãi con người.

Tôi tuyệt vọng.

*

Nhưng ngày nọ, tôi đã gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi trong đống rác, trong góc chợ, trên bờ sông lạnh lẽo… Chúng là những con vật bé bỏng, thơ dại, yếu ớt, đói và lạnh. Chúng là những sinh linh mỏng manh, bị con người vứt bỏ. Chúng không thể tự bảo vệ mình trước muôn vàn đe doạ đang rình rập chung quanh.

Chúng sắp chết.

Nhưng lạ thay, chúng đã đem lại cho tôi niềm hy vọng mới mẻ khác thường. Chúng làm bừng sáng trong tôi một đức tin về sự cứu rỗi và một tình yêu trong sạch, hồn nhiên, thánh thiện.

Chúng đã đem đến cho tôi niềm tin vào cuộc sống.

Và tôi đã nuôi nấng, đã thương yêu, đã đùm bọc chúng giữa muôn trùng đe doạ bủa vây.

Bảy mươi tuổi, tôi bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, dù đang kiệt sức và muốn nằm im. Nhưng nằm im là chết. Tôi phải sống để bảo vệ chúng giữa cuộc đời hung ác. Tôi như lão ngư phủ Santiago, một mình chống lại đàn cá mập đang cố rỉa thịt con cá kiếm của lão, dù biết rằng cuối cùng sẽ chỉ đem được vào bờ một bộ xương tơ trụi.

Vì thế, cuốn sách này sẽ không có chuyện thời sự, sẽ gạt bỏ chuyện chính trị, nó chỉ là câu chuyện kể về những con vật nuôi bé nhỏ đã thương yêu tôi, đã được tôi thương yêu, đùm bọc và chiến đấu giành lại quyền sống cho chúng. Đó là một cuộc chiến đầu đơn độc, thầm lặng và bi thảm của một lão già mệt mỏi, muốn yên nghỉ nhưng không đành lòng yên nghỉ.

Đó là cuộc chiến đấu trong sạch. Cuộc chiến đấu vì những đứa trẻ mong manh và vô tội.

Nhân vật chính trong tác phẩm này là tôi và những con vật nuôi, nhưng đây không chỉ là câu chuyện kể về những cái chết của chúng, nó còn là những suy niệm về kiếp người, về thân phận của những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, bị ném vào cõi lầm than, rét mướt, đầy bất trắc và tàn bạo.

Trong tác phẩm “Platero y yo”(*), Juan Jimenez chỉ có một con lừa để cùng rong chơi trong một miền quê yên tĩnh và thơ mộng, còn tôi, tôi có cả một đàn mèo và chó. Chúng tôi cũng không được sống trong một không gian xinh đẹp như thầy trò Jimenez – Platero đã sống. Chúng tôi sống trong sợ hãi, sống trong rình rập, rượt bắt, và lẩn trốn. Chúng tôi sống và chiến đấu để giành sự sống.

Sách được chia làm hai phần: Phần một: NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI. Phần hai: MÈO, CHÓ VÀ TÔI.

ĐÀO HIẾU

…………………………………………………

(*) Giải Nobel văn chương năm 1956

Nguồn: https://daohieu.wordpress.com/2016/09/22/dao-hieu-loi-noi-dau-cua-tac-pham-vua-hoan-tat/