Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Bi kịch của những giấc mơ

(Đọc Người mê, tiểu thuyết của Uông Triều – nxb Hội Nhà văn 2016)

Nguyệt Chu

clip_image002

Ý thức không kháng cự nổi vô thức và tiềm thức” là nét nổi bật của các nhân vật trong tiểu thuyết Uông Triều. Người mê là một trường hợp như thế. Sự mờ nhòe giữa ý thức, vô thức và tiềm thức đã đẩy nhân vật lên tới đỉnh điểm của một thế giới ảo giác và phi lý; khi mà sự tưởng tượng đã để lại dấu vết ám ảnh và nhức nhối trong cuộc đời thực.

Hãy bắt đầu câu chuyện bằng một lão già không tên. Nhận sổ hưu sau mấy chục năm làm công chức tẻ nhạt và một cơ thể vẫn còn cảm giác sung sức. Đã góa vợ và có một người con gái. Ghê sợ sự nhàm chán và mở lại quán cà phê của vợ. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu không có cô giúp việc chính là bạn của con gái ông. Ông đã yêu như chưa bao giờ được yêu rồi rơi vào bi kịch của cái mà định kiến vẫn cho là “trâu già gặm cỏ non”. Ông lẽo đẽo theo đuổi tình yêu đơn phương ngay cả khi nàng đã có gia đình và cuối cùng nhảy xuống giếng tự tử trong cơn bấn loạn và tuyệt vọng.

Cuộc đời lão được dệt nên bằng sự tưởng tượng. Nó có thể được chia thành nhiều cấp độ, hiện hữu trong cả ý thức, vô thức và tiềm thức. Lão vốn dĩ là một ẩn ức. Thế nên ý thức của lão về đời sống và tình dục cũng là thứ ý thức khuyết tật, què quặt đầy mặc cảm (Tôi chưa già đâu, tôi vẫn còn khỏe). Lão sống phần lớn bằng những giấc mơ – cái vô thức khiến lão chứng tỏ được sức mạnh bản năng của mình. Và những cuộc đối thoại, đấu tranh, giằng co trong con người lão chính là sự trỗi dậy của tiềm thức. Khi thực sự yêu người con gái tên H. và vấp phải sự kháng cự của các lực lượng bên ngoài thì năng lượng libido của lão mới được giải tỏa theo đúng quy luật mà nhà phân tâm học S. Freud đưa ra, đó là: ẩn ức – dồn nén – thăng hoa.

Giấc mơ đầu tiên của lão là một sự kinh hoàng, mở đầu cho những diễn biến phức tạp, rối loạn và bế tắc trong đời sống tinh thần của mình, với mặc cảm tội lỗi và sự thanh minh. Không phải ngẫu nhiên khi giấc mơ ấy gắn liền với hình ảnh cái giếng lạnh lẽo, sâu hun hút.Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, giếng nước vốn là biểu tượng về khả năng sinh sản và đại diện cho giống cái – âm tính, nữ tính. Nó như một ám chỉ bởi ở đó xuất hiện hình ảnh bà vợ quá cố của lão “đung đưa trong lòng giếng. Những xúc tu mọc ra từ đầu bà ta như sợi dây tầm gửi bám chặt vào cơ thể ông”. Như thế, bà vợ - cái giếng là một thứ quyền lực nguyên thủy tối cao, một cái ngưỡng mà lão phải vượt qua để có thể đến với người con gái kia. Bà vợ - cái giếng là một sự đe dọa, uy hiếp đối với lão. Và lần đầu tiên lão phải đấu tranh sau bao nhiêu năm sống thầm lặng và chịu đựng. Sự phản kháng cho thấy lão có đủ khả năng để bứt phá khỏi giới hạn: “Ông cúi xuống cắn mạnh vào cái vòi lớn nhất, một dòng nước tanh lợm vọt ra. Người vợ của ông thét lên, những cái tua thụt vào đầu bà ta. Băng vải trắng lại quấn chặt bà ta như một xác ướp”. Rõ ràng, nếu lão không có mặc cảm tội lỗi, tức là lão không mang một ẩn ức bị kìm nén thì lão sẽ không thể có một giấc mơ về sự kết tội của bà vợ. Sự thanh minh của lão “bà đã bỏ đi nên tôi phải tìm tới cô ta, tôi không thể chịu đựng sự cô độc mãi được” là một lời chuộc lỗi, một sự biện hộ, bào chữa. Thế nên, rút cuộc giấc mơ kinh hoàng về bà vợ chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng của lão khi đang đối diện với chính mình, với những ham muốn, dục vọng nhưng lại bị ràng buộc bởi muôn vàn những trách nhiệm và định kiến. Bởi vậy, những cái xúc tua quấn chặt lấy mình ông sẽ là gì nếu chẳng phải là những bố, mẹ, anh trai cô gái kia, biết đâu nó cũng sẽ chính là những bố, anh trai, con gái, cháu trai của lão? Giấc mơ đầu tiên này đẩy lão vào tình trạng bị dồn nén, bị căng cứng, như một trái bộc phá muốn phát nổ. Tất cả năng lượng của lão đều bị kiềm tỏa, bó chặt, bị hút dần qua những xúc tu.

Nhưng các giấc mơ sau đó của lão đã là sự giải phóng cho năng lượng bị bóp nghẹt. Sự thăng hoa của xúc cảm cũng chính là sự thăng hoa của xung năng tính dục. Ở giấc mơ thứ hai, vô thức đã hoàn thành tốt vai trò của nó, thực hiện điều mà ý thức không làm được. Nếu như lần ông tưởng mình sẽ chiếm lĩnh được cô “bàn tay thô ráp của ông chạm vào bầu ngực tươi non của cô. Và khi ông đã kéo được quần của cô xuống ngang đầu gối…” nhưng “cô lặng lẽ kéo quần lên và bước ra khỏi phòng” thì trong giấc mơ, cô đã là người tự nguyện: “ông đừng từ chối tấm chân tình của em, quả thực lúc này em muốn dâng hiến cho ông”. Và ông đã đạt khoái cảm trong giấc mơ, giải tỏa được những ẩn ức bấy lâu bị dồn nén: “ông đi vào nàng dịu nhẹ, từ từ, một khoái cảm trào dâng rất mãnh liệt. Ở giấc mơ thứ ba, đương nhiên, hình ảnh cuối cùng dừng lại vẫn là chiếc quần của nàng tụt xuống dưới đầu gối và sau đó, ông chỉ còn biết mê man: “từ từ đi vào thân thể nàng một cách êm dịu và sung sướng, ông còn nghe thấy tiếng rên nhè nhẹ khoan khoái của nàng.

Tuy nhiên, ở giấc mơ thứ tư và giấc mơ cuối cùng, không chỉ có mình nàng. Người chị dâu như một “con côn trùng đã xây một cái tổ lớn và sinh con đẻ cái” trong giấc mơ của lão. Trong mơ, lão bị biến thành đứa trẻ đang tập đi có nghĩa lão đã bị tước đoạt mọi quyền năng, mọi sức mạnh của một gã đàn ông và trở nên yếu đuối, bất lực trước đời sống. Đương nhiên, với lão, cô gái kia vẫn là một tâm hồn thánh thiện và trong sáng, nhưng còn người chị dâu, bà ta đã xen vào cuộc sống của ông, can thiệp quá sâu và làm biến dạng tình yêu của ông: “người đàn bà đó còn lấy một cái roi quất thẳng vào mặt ông.

Giấc mơ thứ năm là một cơn mơ bất tận của lão, sẽ không bao giờ kết thúc và nó luôn hiện hữu trong lòng giếng sâu thẳm. Giấc mơ cuối cùng là sự thăng hoa mãnh liệt nhất, là kết quả của sự dồn nén được bung tỏa mạnh mẽ nhất: “Ông mải mê trong cuộc hoan lạc của mình, ông ngủ với nàng, làm tình với nàng nhiều lần đến khi dương vật teo quắt lại như một con sâu nhỏ.” Đến đỉnh điểm của sự cuồng nhiệt thì “một cái gì đau đớn và kinh hoàng đã xảy ra. Người tự nguyện dâng hiến cho ông không phải là nàng mà là người đàn bà bằng tuổi vẫn theo sát ông như một con côn trùng. Như thế, người chị dâu là một sự ám ảnh quá sức chịu đựng của lão, là một sự ghê tởm với lão khi lão “thậm chí còn thấy vẻ mãn nguyện kín đáo của chị ta trong giấc mộng”. Ranh giới của giấc mơ thứ năm được mở rộng biên độ, nó không chỉ dừng lại khi ông bàng hoàng thức dậy giữa đêm mà nó còn tiếp tục đến khi “ông nhắm mắt và nhảy xuống giếng.

Tiềm thức là hợp lưu dòng chảy của ý thức và vô thức, càng về sau, mật độ xuất hiện của nó càng đậm đặc hơn và nó dường như điều khiển đời sống của lão. Ý thức, lý trí, cái lão nhận biết được về đời sống hiện hữu ngày càng bị lấn át và thay vào đó bằng một cõi mê. Sự mặc cảm của lão thể hiện rõ nhất qua cuộc đối thoại với chính cái mụn thịt của mình - một dấu vết chứng tỏ lão cũng chỉ là một kẻ thừa thãi xấu xí, bị người đời nguyền rủa và xa lánh. Cái mụn thịt làm ta nhớ đến cái bướu trong câu chuyện cổ tích, nó là hiện thực hóa của mọi ẩn ức và chủ nhân của nó chỉ muốn tống khứ nó đi: “Ngươi là một thứ xấu xí, ngươi đã luôn làm ta mặc cảm… một cái mụn thịt gớm ghiếc”. Cuộc đối chất tưởng tượng là sự lên tiếng của tiềm thức. Cảm giác nhức nhối về cái mụn thịt – gót chân Asin ngày càng tăng chứng tỏ ông càng thấy bất lực và bị mất kiểm soát về mặt ý thức: “Cái mụn thịt rần rật mạnh hơn, ông thấy mặt mình đau dữ dội… cái mụn thịt đang nhảy nhót chế nhạo ông”. Sự hiện hữu của cái mụn thịt trên má đứa con của người đàn bà trẻ là một thứ dấu vết của ông, dấu vết của sự tưởng tượng. Nó phi lý và hoang đường như chính những cơn mơ khủng khiếp mà ông trải qua. Một đứa con tâm tưởng được hoài thai từ chính sự tưởng tượng quái dị đã xuất hiện trong đời thực và làm xáo trộn cuộc sống của những kẻ có liên quan. Điều đặc biệt ở đây là tác giả đã thể hiện được năng lực mạnh mẽ đến mức siêu phàm của sự tưởng tượng, nó có thể tác động đến vật chất và in dấu mình vào vật chất để khẳng định sự tồn tại của nó.

Không chỉ đối thoại với cái mụn thịt, trong tiềm thức của lão còn có cả một câu chuyện đau đớn và bất tận về cô gái tên H. Từ khi nàng đi lấy chồng thì trong con người của lão, ý thức đã nhường chỗ cho tiềm thức. Hành động ngày nào cũng vào quán cà phê uống những giọt nhạt thếch để chăm chú nhìn vào ngôi nhà đối diện, xuyên thấu qua cánh cửa sổ nhà nàng bằng một thứ năng lượng màu nhiệm rồi lại nhảy lên chiếc xe buýt ngồi ghế cuối để quan sát nàng là hành động lặp lại đều đặn của tiềm thức. Lão sống như một người mộng du, hành động theo tiếng gọi sâu thẳm nào đó và cứ thế, mê man đi trong mê lộ của đời mình. Việc lão bắt xe taxi lao theo xe cứu thương đến bệnh viện phụ sản, nơi nàng sinh nở, để chờ đón, sợ hãi, đau đớn, bênh vực cho nàng là đỉnh điểm của cơn mộng mị trong tiềm thức. Tất cả mọi hành động của lão đã bị mất kiểm soát, lão không còn một chút lý trí nào và cả cơ thể lão chỉ là “một cái mụn thịt quái gở đang trương lên”. Trong cơn tưởng tượng điên rồ của mình, lão đã thấy “tay bác sĩ kia thật đê tiện, bàn tay hắn sờ soạng trên thân thể nàng… có thể họ đã mặc cho nàng trong đau đớn hoặc nàng cứ nằm đó, kiệt sức, mắt mở trừng trừng rồi chết”. Và chỉ khi có tiếng khóc của đứa trẻ con cùng với “nỗi đau cực độ đang nhảy múa trên mặt mình, dưới chân mình”, lão mới bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị.

Nhưng sau cao trào ấy, lão không hề đoạn tuyệt với sự tưởng tượng của mình. Dường như tưởng tượng là một khả năng thiên bẩm của lão, khiến lão có thể sống, hài lòng và thấy được an ủi, được chữa lành vết thương nhờ nó: “Ông nhìn xuyên qua cái cửa sổ ấy. Ông thấy nàng ngồi trên một chiếc giường lớn, nàng bế đứa con trên tay và vạch bầu vú của mình, đưa cái miệng xinh xinh của đứa bé vào đúng chỗ cần tìm”. Ông đã đạt tới khoái cảm của mình, một sự thủ dâm trong tưởng tượng nhưng làm ông thỏa mãn trong mê đắm: “ta tha hồ mà ngắm nàng, ông chưa bao giờ có được trạng thái tự do, thư thái như thế. Bức tường kia không cảm trở được ông. Ông nhìn thấy ánh mắt, bầu vú của nàng. Nhưng kết quả của chuỗi tưởng tưởng miên man vẫn dừng lại ở cái mụn thịt, một ám ảnh nhức nhối về sự buộc tội trong tâm tưởng để từ đó dẫn đến kết thúc là cuộc gặp gỡ giữa ông và H. - một hiện thực hóa tàn nhẫn của giấc mơ. Cuộc hội ngộ này khiến ông giật mình vì tất cả những điều ông tưởng tượng đều là sự thật. Nó thật trái khoáy bởi “ánh mắt của ông, suy nghĩ của ông như một bóng ma trong nhà tôi [cô gái]”. Như thế, rõ ràng, sự tưởng tượng của lão đã để lại một dấu vết không hề nhỏ trong đời sống của cô gái, nó xới tung tất cả và đưa gia đình cô vào trạng thái bất an, hoảng loạn. Và việc phát hiện ra cái mụn thịt trên má trái của đứa trẻ khiến ông không khỏi bàng hoàng. Lời thú nhận: “là dấu vết của ông” vừa đau đớn, vừa hạnh phúc, kiêu hãnh, tự hào, là sự chứng tỏ bản lĩnh của một kẻ luôn sống với mặc cảm thừa thãi và bị ruồng bỏ.

Kết thúc câu chuyện, tác giả đã khẳng định dấu vết của sự tưởng tượng chính là một hiện hữu hết sức tàn nhẫn: “sự mê ảo, phi lý và cái khối thịt đang nở ra trên mặt ông đang vào giai đoạn cao trào nhất”. Việc ông nhắm mắt và nhảy xuống giếng cũng là hành động nối tiếp những giấc mơ còn dang dở trong đời sống của mình. Như ở trên đã nói, cái giếng là một hình ảnh biểu tượng. Lão đã không thể vượt qua thứ quyền lực nguyên thủy tối cao của những người đàn bà, trước hết là của người vợ quá cố, thứ hai là của người con gái tên H., thứ ba là của bà chị dâu như nhìn xuyên thấu thân thể ông. Vậy nên, cuối cùng ông phải lao xuống giếng tự tử chứ không bằng một hình thức nào khác. Tuy đau đớn nhưng là tất yếu cho một bi kịch không thể nào cứu vãn nổi.