Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 19)

Thụy Khuê

 

Chương 11

Phê bình ý thức

(Bài 1)

Marcel Raymond (1897-1981)

 

Đôi dòng về Phê bình mới

Trong nửa đầu thế kỷ XX, phê bình văn học thể hiện sự đổi mới với những đặc tính:

- Đoạn tuyệt với nền phê bình cũ của thế kỷ XIX, dựa trên tiểu sử và những yếu tố ngoài văn bản.

- Xây dựng một nền phê bình mới, trực tiếp phân tích văn bản, chủ yếu dùng phương pháp ngữ học và bác ngữ học.

Trong chiều hướng đó, những nhà Hình thức Nga, Roman Jakobson, Bakhtin và những nhà phê bình bác ngữ học Đức: Spitzer, Auerbach, đã giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên những tác phẩm của những nhà phê bình Nga, Đức này, chỉ được truyền bá rộng rãi ở Âu Châu vào khoảng thập niên 1970. Một mặt khác, tên gọi “phê bình mới” cũng ít dùng cho hai nhóm này, mà chỉ nhắm vào những nhà phê bình “lớp sau”, xuất hiện trong hậu bán thế kỷ XX. Trước khi đi xa hơn, chúng ta nên có một cái nhìn tổng quát, về “nửa sau” này.

Khoảng trước thế chiến thứ hai, ở Âu Châu, đặc biệt ở Thụy Sĩ và Pháp bắt đầu xuất hiện những “khuôn mặt mới”, sẽ làm chủ giai đoạn phê bình nửa sau thế kỷ XX. Đầu tiên hết là Marcel Raymond (1897-1981), với tác phẩm Từ Baudelaire đến Siêu thực (De Baudelaire au surréalisme) do nhà xuất bản Corréa, in năm 1933, được coi là tác phẩm có tầm vóc, về mặt phê bình và văn học sử, quan trọng nhất từ thời Sainte-Beuve đến bấy giờ. Với tác phẩm này, Marcel Raymond trở thành cha đẻ của trường phái phê bình ý thức, mà chúng tôi đề cập đến trong chương này, và Geogers Poulet (1902-1991) sẽ là đại diện chính thức với sự nghiệp trước tác đồ sộ, Poulet được coi là người khai sinh ra nền “Phê bình mới”.

Cùng thời gian này, ở Pháp xuất hiện hai bộ mặt quan trọng khác sẽ trở thành hàng đầu trong nền phê bình văn học và triết học ở Pháp, là Gaston Bachelard (1884-1862) và Jean-Paul Sartre (1905-1980).

Là nhà khoa học, Bachelard xuất hiện lần đầu trong địa hạt phê bình năm 1932, đưa ra phương pháp phân tích triết học một tác phẩm văn chương trong cuốn Trực giác khoảnh khắc. Nghiên cứu về Siloe của Gaston Roupnel (L'intuition de l'instant. Etudes sur la Siloe de Gaston Roupnel). Rồi đến tác phẩm chủ yếu Phân tâm lửa (La Psychanalyse du feu), in năm 1938.

Jean-Paul Sartre, trước sau là triết gia, ông viết phê bình cũng như viết truyện, kịch và tiểu thuyết, chỉ là viết “thêm”, nhưng những gì ông viết ra luôn luôn “chính yếu”, có tầm cỡ, ở mọi địa hạt mà ông dừng lại. Ngay từ những cuốn sách triết học đầu tiên: Trí tưởng tượng (L'imagination) 1936, Phác họa một lý thuyết về cảm xúc (Esquisse d'une théorie des émotions) 1939, Thực tại tưởng tượng (L'Imaginaire) 1940, Sartre đã phân tích các vấn đề con người (tức là vấn đề hiện sinh) liên quan đến sáng tác. Đến các cuốn Baudelaire, 1947, Tình thế I (Situations I), 1947 và Văn chương là gì? (Qu'est-ce que la littérature?), 1948, Sartre trở thành một trong nhà phê bình hàng đầu của Pháp trong thế kỷ XX.

Thực ra, ở Pháp, nhãn hiệu “phê bình mới” có thể áp dụng cho tất cả mọi người chống Sainte-Beuve kể từ Marcel Proust. Tuy nhiên người ta không gọi những người như Sartre, Bachelard là nhà “phê bình mới”, bởi vì họ không mới, không cũ, họ sẽ còn sống mãi với thời gian. Cũng như người ta không thể gọi Bakhtin, Spitzer, Auerbach là nhà phê bình mới, bởi những gì họ khám phá ra trong điạ hạt phê bình, sẽ còn tồn tại mãi mãi.

Chữ phê bình mới mà chúng ta dùng ngày nay, chỉ thích hợp cho dòng phê bình thuộc thế hệ Roland Barthes (1915-1980). Những tính cách chủ chốt của giai đoạn phê bình mới này là:

- Nhà phê bình mới, tự xác nhận là những nhà sáng tác, coi văn bản phê bình cũng là một văn bản sáng tác, đối với họ, nhà phê bình có địa vị “ngang hàng” với nhà sáng tác.

- Vì phải “sáng tác” cho nên nhà phê bình dùng những “lợi khí” của sáng tác, như trau truốt văn chương và đặc biệt chú ý đến vấn đề tư tưởng, vấn đề triết học.

Sự dùng tư tưởng triết học để giải thích văn bản, đã bị những nhà hình thức Nga bác bỏ, vì họ cho triết học là yếu tố ngoài văn học, cũng như tâm lý, tiểu sử, v.v. sự kiện này liên hệ âm thầm tới sự đả kích phê bình mác-xít của họ thời đó; và những nhà bác ngữ học Đức cũng không dùng đến triết học; nay trở lại một cách đương nhiên, bởi vì những mảng phê bình chủ chốt của giai đoạn giữa thế kỷ XX, ở Pháp, đều nằm trong tay những triết gia như Bachelard, Sartre, và chính nhóm mở đầu cho khuynh hướng “phê bình mới” này, là trường phái phê bình ý thức ở Thụy Sĩ, cũng khởi đi từ triết học Descartes.

Vì vậy, một mặt, vì chịu ảnh hưởng sự phân tích triết học của những nhà phê bình triết gia, một mặt khác, bản thân những nhà “phê bình mới” này cũng cố gắng làm sao cho văn bản phê bình của họ trở thành một văn bản khác, cao hơn, “đứng trên” văn bản của nhà văn mà họ phê bình. Ngôn ngữ của nhà “phê bình mới” được Roland Barthes gọi là “siêu ngữ”.

- Người ta thấy xuất hiện những “chủ đề” (vì vậy, phê bình mới còn được gọi là phê bình chủ đề (critique thématique), với các tên sách như Mắt sống (L'oeil vivant) của Starobinski, Mặt trời đen (Soleil noir) của Kristeva, v.v.

- Ở đây, thay vì nhà phê bình phải tìm ra tư tưởng hay chủ đề chính của tác giả mà mình phân tích, thì nhà phê bình lại đề xuất một chủ đề và định nghĩa trước, rồi tìm những tác giả phù hợp với chủ đề mà mình đưa ra để chứng minh cho chủ đề của mình.

Việc làm này, khi đẩy tới mức triệt để, cũng không khác gì việc những nhà phê bình thế kỷ XIX, tìm các chi tiết trong đời tư tác giả để chứng minh cho những câu văn, câu thơ trong tác phẩm phân tích. Tức là nhà phê bình dùng tác giả như một cái cớ để nói điều mình muốn: Nhà phê bình dùng tác phẩm hay tác giả để “chứng minh” cho một quan điểm xã hội, triết học, con người, của mình.

- Người ta thấy xuất hiện những khẩu hiệu rất kêu như: Độ không của lối viết (Le degré zéro de l'écriture), Barthes 1953, Cái chết của tác giả (La Mort de l'auteur), Barthes 1968, v.v.

“Phê bình mới” vì vậy có những ưu điểm và nhược điểm:

Có những khám phá tân kỳ, có những thuật ngữ tân tạo (néologisme), và trước hết người đọc phải chấp nhận: văn bản phê bình có thể đi rất xa đối với tác phẩm được phê bình, bởi vì văn bản phê bình là “sự cộng tác” giữa tác giả và người đọc.

Sự “cộng tác” này, do Marcel Raymond chủ xướng từ năm 1933, với tất cả những ý tốt của ông để khuyến khích người phê bình phải đào sâu vào tác phẩm, phải sống với tác phẩm như sống với chính mình.

Nhưng cũng ở điểm này, mà nhiều người hiểu lầm là nhà phê bình có thể “sáng tác thêm”, đưa đến những bài phê bình, hoặc là rất hay, nhưng không mấy liên quan đến tác phẩm khảo sát, hoặc ở trình độ thấp hơn, là sự ba hoa, hào nhoáng, phô trương những nông cạn của nhà phê bình, và hoàn toàn đi ra ngoài tác phẩm văn học đề cập.

Tóm lại, phần lớn những nhà phê bình mới thường muốn làm sáng giá trị của mình, điều mà những nhà phê bình “cổ điển” như Bakhtin, Spitzer, Auerbach không làm.

Tuy nhiên trong số những điều mới này, không phải tất cả đều vô bổ, ngược lại, chúng ta sẽ lưu lại nhưng giá trị đích thực và chỉ ra những yếu tố đã được người đi trước đề ra, nay trá hình đổi tên, thành mới, hoặc những công thức thời thượng màu mè.

Phê bình ý thức

Đứng giữa hai trào lưu, tạm gọi là “kinh điển” của những nhà phê bình Nga và Đức nửa đầu thế kỷ XX, và phong trào “phê bình mới” tiếp nối sau đó... Phê bình ý thức có thể coi là một quan niệm “trung dung”. Cái tên Phê bình ý thức cũng là chủ thuyết triết học của nhóm này và là tên cuốn sách của Georges Poulet, Ý thức phê bình (La conscience critique), trong đó ông giải thích nguồn cội tư tưởng của lý thuyết phê bình ý thức và ông phê bình (thực ra là giới thiệu) những nhà phê bình chính của nhóm, và ông phê bình một số khuôn mặt phê bình nổi tiếng đương thời như Bachelard, Blanchot, Sartre, Barthes. Georges Poulet được coi là “cha đẻ” của Phê bình mới.

Phê bình ý thức, phát xuất từ Đại học Genève, Thụy Sĩ, nhưng những thành viên không phải hoàn toàn là người Thụy Sĩ, mà có người Bỉ, người Pháp và họ cũng không tự nhận là một trường phái: Đó là một số giáo sư đại học rất thân nhau, đồng ý với nhau trên một số định hướng về phê bình, rồi quy tụ lại thành một nhóm, gồm có: Marcel Raymond, Georges Poulet, Jean Rousset, Albert Béguin và Jean Starobinski.

Nếu những nhà hình thức Nga chuyên chú vào việc khảo sát văn bản, gạt ra ngoài những yếu tố khác như lịch sử, xã hội, tác giả, và những nhà bác ngữ học Đức đưa ra một cái nhìn toàn diện về văn học sử và văn chương Âu Châu, thì những nhà ý thức ở Genève, đặt trọng tâm vào ý thức của người viết và người đọc, tức là quan hệ nội tại giữa người đọc và người viết.

Trong khoảng 1940-60, khi ảnh hưởng của trường phái hình thức Nga và bác ngữ học Đức chưa phát triển rộng rãi ở Âu châu nói chung và ở Pháp nói riêng (phải đến khoảng thập niên 70, sách của họ mới được dịch sang tiếng Pháp) thì phê bình ý thức đã giữ vai trò chủ động trong việc hiện đại hóa phê bình, với hai khuôn mặt nổi trội: Marcel Raymond và Georges Poulet.

Dưới ngòi bút của Georges Poulet, phê bình ý thức chủ trương chống lại lối phê bình cổ điển, đặc biệt là phê bình thực nghiệm (critique positiviste) và phê bình ấn tượng (critique impressionniste) vẫn còn giữ địa vị quan trọng trong đời sống văn học Âu Châu nửa đầu thế kỷ XX. Phê bình ý thức nêu cao vai trò của ý thức trong việc viết và đọc, nhất là việc đọc, vì đó là nhiệm vụ của nhà phê bình.

Xin nhắc lại: Khái niệm người đọc đã có từ Saussure. Các nhà phê bình, dù dưới dạng nào, tức là dựa vào tiểu sử, thực nghiệm, ấn tượng, hoặc theo lối phân tích văn bản như trường phái Nga và Đức, đều ít nhiều nhắc đến việc đọc và khái niệm người đọc, nhưng họ vẫn còn tách rời hai địa hạt: phê bình và tác phẩm. Nhà phê bình đứng ngoài đọc và đánh giá tác phẩm của nhà văn. Phải đến trường phái ý thức, quan niệm chia hai này mới thực sự bị phá vỡ, và việc đọc được coi là sự đồng hoá hai nhân tố: tác giảđộc giả.

Sự hoà đồng này, đã được Marcel Proust đề ra đầu tiên, và mổ xẻ cặn kẽ trong cuốn Chống Sainte-Beuve (xem chương 4, Phê bình cũ-Phê bình mới hay Marcel Proust chống Sainte-Beuve). Sách của Proust chỉ ra đời năm 1954, nhưng một số bài tiểu luận ở trong đó, đã được in tản mạn từ trước, vì vậy, những điểm tương đồng trong quan niệm của Marcel Proust và của Marcel Raymond, có thể là tình cờ và cũng có thể Raymond đã đọc Proust.

Trường phái ý thức tiếp nối truyền thống đọc hoà mình giữa người viết và người đọc, “kiểu Proust”, và còn đi xa hơn, chủ trương đạp đổ biên giới giữa độc giả và tác giả, giữa người viết và người phê bình, để tìm đến mối liên lạc bên trong giữa tác phẩm văn học và người đọc, mổ xẻ hành động đọc tìm hiểu cái gì xẩy ra khi một người cầm cuốn sách đọc. Phê bình ý thức, theo Georges Poulet là sự đồng quy của hai ý thức: ý thức người viết ý thức người đọc.

Trong chương 11 này, chúng tôi giới thiệu trường phái phê bình ý thức qua hai khuôn mặt tiêu biểu: Marcel Raymond, người sáng lập và Georges Poulet người lập thuyết và là đại diện chính thức.

Marcel Raymond (1897-1981)

Marcel Raymond, người Thụy Sĩ, sinh và mất tại Genève (20/12/1897 - 28/11/1981), giảng dạy tại Đại học Genève, được coi là đại diện sáng lập trường phái ý thức. Kinh nghiệm thời sinh viên ở Đại học Sorbonne đưa ông tới những nhận thức cay đắng, đại loại: Sorbonne làm tôi thất vọng. Nhất là cách dạy văn chương Pháp. Là nạn nhân của lối học Sorbonne mới, chúng tôi được nhồi nhét những dữ kiện, những câu chữ hơi hướng cũ, hoặc những bài giảng văn không dính líu gì đến cái chủ yếu trong tác phẩm.

Vượt trên cách dạy văn chương, lịch sử hời hợt ở các giảng đàn, Raymond muốn tìm đến lịch sử đích thực của tư tưởng từ trong lòng văn bản; tìm đến những băn khoăn siêu hình của con người được thể hiện trong tác phẩm văn học. Tác phẩm chủ chốt của Marcel Raymond là cuốn Từ Baudelaire đến Siêu thực do Corréa in năm 1933, Corti in lại năm 1940, được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất về phê bình và lịch sử văn học, ra đời trước thế chiến.

Tác phẩm chia làm ba phần:

Quyển I: Thủy triều (Le Reflux): Sau khi nói qua về trường phái Tượng Trưng, ông trình bày toàn bộ tiến triển của thi ca Pháp, từ Baudelaire đến Siêu Thực.

Quyển XX: Tìm một dòng mới của Pháp (A la recherche d'un nouvel ordre français): Paul Valéry và Paul Claudel được coi là tiêu biểu.

Quyển III: Phiêu lưu và Nổi loạn (L'Aventure et la Révolte): Phân tích hoàn cảnh lịch sử và xã hội đầu thế kỷ XX ở Pháp, thoát thai sự nổi loạn của hai phong trào Đa Đa và Siêu thực.

Cuốn sách viết về 80 năm thơ, đưa ra những vấn đề mấu chốt trong sự phát triển thi ca Pháp qua các thời đại, từ lãng mạn, tượng trưng, đến tân tượng trưng, siêu thực. Marcel Raymond cho rằng: Điều quan trọng nhất là phải sáng tạo ra một đường lối phê bình ngược chiều với lối phê bình giáo khoa giáo điều, đừng chú trọng vào tiểu sử tác giả, và phải giảm thiểu tối đa phần lịch sử. Phải tìm ra “thực chất của mỗi nhà thơ, của mỗi bài thơ”, bằng phong cách riêng của mình, không bắt chước hay nhái lại người khác.

Phủ nhận triết học thực nghiệm của Taine và phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve, Marcel Raymond đi từ tư tưởng chủ yếu: chỉ có sự giao tiếp riêng tư và sâu kín giữa nhà phê bình và nghệ sĩ mới đưa tới những nhận định giá trị.

Từ chối lối nhìn dễ dãi, chịu ảnh hưởng bác ngữ học Đức, chủ yếu Gunduf và Spitzer, Raymond chú ý đến tất cả sắc thái của chữ nghĩa, tác phẩm của ông thể hiện một công trình suy ngẫm lâu dài về bản chất thi ca, soi rạng ba phần tư thế kỷ thơ Pháp trong hai chức năng: đặt những câu hỏi siêu hình và đi vào vùng sâu của cá thể. Dùng lối phân tích từ chi tiết đến tổng thể, của Spitzer, Marcel Raymond lần dở từng đoạn, từng phần, để thâm nhập vào cấu trúc bên trong của tác phẩm, trình bầy quan niệm, đường hướng, triết lý thi ca của mỗi nghệ sĩ.

Khi bàn về Rousseau, Raymond cho rằng “Ý thức về mình nơi Rousseau là ý thức của người đọc. Mổ xẻ khái niệm “ý thức người đọc” của Marcel Raymond, Georges Poulet viết trong cuốn Ý thức phê bình, như sau:

Raymond cho rằng: Ý thức về mình nơi Rousseau là ý thức của người đọc. Mà ý thức của người đọc -tất nhiên cũng là ý thức của người đọc-kiểu mẫu (liseur-type) tức là nhà phê bình- có cái nét đặc thù là nó phải hoà đồng với một ý thức khác (ý thức của người viết). Người phê bình là kẻ dám tự biến đổi để trở nên một người khác: hắn chấp nhận sống một kinh nghiệm tinh thần khác với mình [...]

Vậy hành động đọc quan trọng hơn những gì thoạt thấy: Nó dẫn ta, không những đến một thế giới khác, mà còn đưa ta vào một bản ngã, một hữu thể khác.

Đọc hay phê bình, là bỏ tất cả những thói quen, những khát vọng, những tín điều của mình. Trước tiên phải lột trần, dốc sạch (mình) cho trống, (tựa như việc Descartes khuếch đại cái nghi ngờ) nhưng không phải là để trực giác sự tồn tại của mình, như trong khái niệm Cogito của Descartes (tôi suy tưởng vậy tôi hiện hữu), mà ngược lại là để thấy sự hiện hữu và thấy tư tưởng của người khác[1].

Georges Poulet vừa diễn lại ý của người thầy Marcel Ramond vừa đưa ra một định nghĩa sâu xa về hành động đọc. Và ông nhấn mạnh:

Phê bình của Raymond phải được định nghĩa tiên thiên như một sự ý thức được ý thức (la critique de Raymond doit se définir primordialement comme une prise de conscience de la conscience)[2]. Câu này định nghĩa hành động phê bình.

Poulet nhận định: bằng cách lý giải văn bản từ chi tiết đến tổng thể, Raymond đã tạo ra cái gọi là phê bình hợp tác (critique participatrice), thiết lập mối tương quan giữa tác phẩm và người đọc. Giải thích khái niệm phê bình hợp tác của mình, Marcel Raymond viết:

Dĩ nhiên trí tuệ [l'esprit] cảm thấy nhu cầu cần phải thấy lại được mình trong toàn thể đối tượng [nghiên cứu], trí tuệ cố gắng thích hợp với toàn bộ đối tượng [nghiên cứu] bằng cách phỏng tạo lại nó trong mình, tái sinh lại nó một lần nữa theo cá thể của mình[3].

Lời trên đây của Raymond diễn tả một sự hoà đồng tuyệt đối giữa trí tuệ nhà phê bình và đối tượng nghiên cứu, tức là tác phẩm. Điểm này được Poulet giải thích như sau:

Khoảng cách dù nhỏ như thế nào giữa trí tuệ đối sự vật mà nó nhìn ngắm cũng đưa đến sự rạn nứt lớn dần [...] Thực vậy, ý thức tốt là ý thức đồng nhất hoá. Sự hợp tác [participation] nói đến ở đây, theo nghĩa Lévy-Bruhl chưa đủ, bởi vì [phê bình] không phải là vấn đề tín điều. Ở đây thực sự là một hợp tác theo nghĩa Platon của chữ này [theo nghĩa tinh thần], tức là sự đồng hoá siêu hình [identification métaphysique] giữa thế giới và trí tuệ, vì thế, phải bỏ hẳn sự đối đầu triệt để do chủ nghĩa lý tưởng dẫn dắt, đưa đến sự chia rẽ giữa ý thức và những đối tượng của nó [...] Đồng nhất hoá trên bình diện siêu hình, không phải là một phép lạ ngẫu nhiên, đó là một bổn phận, một sự chinh phục.[4]

Một sự hoà đồng như vậy giữa người viết và nhà phê bình, trường phái ý thức gọi là phê bình đồng nhất hoá (critique de l'identification), và họ tự nhận phê bình của mình là phê bình đồng nhất hoá.

Phê bình đồng nhất hoá, tuy phát sinh từ ý thức Cogito của Descartes, nhưng lại chối bỏ ý thức rõ ràng (conscience claire) của Descartes: “Tôi suy tưởng vậy tôi hiện hữu (je pense donc je suis), tức là: tôi biết là có tôi vì tôi đang suy nghĩ.

Đối với Descartes, có ý thức, tức là phân biệt được cái gì là mình, cái gì không phải là mình. Marcel Raymond phản bác rằng:

Trong khi ý thức của người trí thức rời xa sự vật và đào sâu thế giới dưới cái nhìn của y bằng một sự trừu tượng tăng tiến, nhà thơ, do đòi hỏi của tình cảm, đi hướng ngược lại, tiến về việc tóm bắt hay linh cảm cái đám mây mù, phi lý - mà cuộc đời là như thế- hiện ra, ngoài sự hiểu biết của người trí thức[5].

Và Georges Poulet phụ hoạ:

Không chỉ những nhà thơ Raymond yêu mến, mà chính nhà phê bình cũng theo chân họ cùng tiến về phiá mây mù. Điều đó chưa hề xẩy ra trên nước Pháp, ít nhất nước Pháp văn chương. [...] Ở đây, với Raymond, hiện ra thứ phê bình dường như cố tình quay lưng lại với sự sáng sủa. [Nhà phê bình] phóng sâu vào những cảnh trí quen thuộc, rạng tỏ trên bề mặt, để lục soát thám hiểm những chiều sâu[6]

Nhưng tất cả những quan niệm về ý thức, vừa được trình bày ở trên, xem ra rất ngoạn mục, lại chỉ cần một ngọn gió cũng có thể lay chuyển cả: Jean-Paul Sartre cho rằng: Anh không thể “vào trong” một “ý thức”, vì ý thức không có “trong, ngoài”. Chính sự từ chối là một thể chất (substance) đã khiến ý thức là ý thức. Ví dụ anh cứ thử vào “ý thức” (của người ta) mà xem, thì anh sẽ như bị rơi vào cơn lốc, nó thổi bật anh ra ngoài.[7]

Lời Sartre, luôn luôn phũ phàng, khiến chúng ta không thể coi lý thuyết về phê bình ý thức, ở đây, như một vấn đề đã giải quyết xong, chỉ cần chép lại mà dùng, ngược lại, ta nên coi bất cứ lý thuyết nào, như một cái gì rất tương đối. Phê bình của Marcel Raymond, có giá trị ở chỗ ông đã đi sâu vào tác phẩm của nhà thơ, tìm hiểu họ kỹ càng qua chữ nghĩa, còn vấn đề lý thuyết của trường phái ý thức là một việc khác, chúng ta tìm hiểu để biết, nhưng cũng nên thận trọng và đặt câu hỏi.

Tóm lại, Marcel Raymond được coi là người dẫn đầu trường phái phê bình ý thức, những điều ông đưa ra đã ảnh hưởng sâu rộng đến những nhà “phê bình mới”. Do ảnh hưởng những nhà bác ngữ học Đức, Raymond tìm về nguồn cội tư tưởng của một tác phẩm, của một trường phái văn chương, và ông đào sâu mối tương quan giữa nhà văn, ngôn ngữ, và thời đại đã phát sinh ra tác phẩm trong toàn bộ những nét đặc trưng của nó, đặc biệt đến vấn đề tác phẩm đã tiếp nhận những ảnh hưởng nào và chính nó đã gây ảnh hưởng ra sao đối với những người cùng thời hoặc thế hệ đi sau.

Thụy Khuê

(Còn nữa)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/

Kỳ 18: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-18/


[1] Georges Poulet, Ý thức phê bình, Corti, 1986, t. 103-104.

[2] Georges Poulet, Ý thức phê bình, t. 109.

[3] Marcel Raymond, Nhà chiêm tinh Hugo (Hugo mage), Génies de France, Baconnière, 1942, t. 162.

[4] Georges Poulet, Ý thức phê bình, t. 122-123.

[5] Marcel Raymond, Từ Baudelaire đến siêu thực, t. 354.

[6] Georges Poulet, Ý thức phê bình, t. 116.

[7] Sartre, Tình thế I (Situations, I), Gallimard 1947, Folio Essais, 1993, t. 30.