Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Nhảy múa để chết (kỳ 6)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

PHẦN 2.

Và ĐỂ CHẾT

Khi bầu trời còn là nước

Cô ấy bảo, anh ngang như cua. Tôi vẫn nghĩ những gì tôi nói có chiều thẳng đứng. Giống như một cây lao, tôi đã trồi lên mặt nước. Dưới chân tôi là những đám mây. Có một khoảng trống trên đầu tôi. Khi tôi nói, khoảng trống đó đổi màu và những đám mây dưới chân tôi di chuyển.

Cô ấy bảo tôi điên sao đó. Tôi vẫn nghĩ những ý nghĩ của tôi nằm hàng ngang không có trước sau. Khi tôi nói, tất cả ý nghĩ đồng loạt bắn lên khoảng trống trên đầu. Và khoảng trống đó bị thủng thành những khoảng trống khác. Cùng lúc dưới chân tôi, những đám mây cuộn vào nhau như rong rêu. Tôi nói với cô ấy, mỗi lần tôi nói là mỗi lần tôi bị thương. Những vết thương đó không bao giờ lành.

Cô ấy bảo, anh ngu. Biết là bị thương sao không câm họng lại.

Tôi vẫn tập câm họng bằng cách nhét một cuốn sách vào mồm. Nhưng sách chỉ là giấy. Giấy tan trong miệng tôi và nó biến thành những tiếng kêu khò khè, đôi khi ư ử. Cô ấy bảo không biết tôi tự sướng hay đau đớn. Sau nhiều năm, trong miệng tôi nổi những cục u, trừ cái lưỡi.

Cô ấy bảo lẽ ra cái lưỡi không nên trơn tuột như thế. Tôi nói nếu như không liếm láp ngày này tháng nọ thì đâu đến nỗi.

Cô ấy bảo, anh thật đáng ghét. Thay vì lấy dao tự cắt lưỡi mình, mỗi ngày tôi tập cho lưỡi dài ra bằng cách cố liếm lên mũi mình.

Cô ấy bảo, tóm lại anh chỉ là thằng thủ dâm chính mình. Thế giới của tôi chỉ có tôi và cô ấy, cô ấy nói sao thì tôi là vậy.

Và mặt đất đầy lửa

Cô ấy có một thằng anh sáng say chiều xỉn. Hắn bảo không uống rượu thì còn biết làm gì cho xong cuộc đời này. Cũng như tôi, không làm thơ thì còn biết làm gì cho hết thời gian trên mặt đất.

Cô ấy bảo, một lũ thất chí vô tích sự.

Hắn nói, chân lý đã chết.

Tôi nói, cuộc đời đã hết.

Cô ấy bảo, thế thì các anh bám vào em làm gì.

Cả tôi và hắn đều nhất trí, không bám vào cô ấy thì còn biết bám vào đâu.

Cô nói bọn đàn ông làm cô mất niềm tin.

Một ngày không như mọi ngày, hắn lái xe tông vào thành cầu ngã lăn giữa đường, rượu thịt từ trong bụng văng ra, một chiếc xe khác bồi thêm cho hắn một bánh gãy cả hai chân. Bị liệt toàn thân bất động, hắn chỉ còn mỗi cái miệng và con cu để ngọ nguậy.

Khi lửa cháy tràn lan trên mặt đất ngày này qua tháng nọ, cả linh hồn và thể xác rậm rựt đòi bứt phá, hắn cầu khẩn em gái: “Cho tau đụ một cái”. Em gái hắn vừa khóc vừa tát hắn, bi phẫn.

Mỗi lần hắn lên cơn như vậy, cô ấy thường tránh gặp mặt tôi.

Tôi nói, chuyện đó để tôi giải quyết cho. Nhưng cha mẹ cô không đồng ý.

Khi triều cường, nước ngập hết mọi con đường

Thơ tôi hôi thối, nhưng bọn chính chuyên bảo thơ tôi vi phạm thuần phong mỹ tục, chống chính quyền. Tôi vi phạm và chống lại tất cả. Tôi hoài thai một thế giới khác. Bất cần bất cứ một sự nhìn nhận nào.

Tôi bảo những ngày tháng này nước ngập.

Làm thế nào cũng dơ chân, cho dù có đi ủng.

Trong dòng nước bì bõm, thơ tôi không phải là con thuyền. Bởi thế, tôi xắn quần đi chân không. Không có thần hứng hay khải huyền, lời tôi chỉ là nỗi oan khiên của những con người bé mọn, tỉ như “địt mẹ chúng mày” của thằng say rượu. Mà thằng say rượu đã liệt từ lâu, giờ đây nó chỉ còn biết nhìn em gái nói “cho tau đụ một cái”.

Nỗi niềm công dân hay sứ mạng văn nghệ đã bị xóa sổ. Bởi thế, sự bông phèng vốn từ phương tiện đã biến thành cứu cánh cho sự vô vọng.

Người ta có thể chết vì một cái ổ gà giữa đường

Không những hắn nói “cho tau đụ một cái” mỗi khi em gái lau người cho hắn, mà hắn còn thổ lộ hết tận tâm can mọi nỗi thèm khát bú liếm cái thuộc về giống cái trong tấm thân bị liệt . Mỗi lần hắn lên tiếng, cả nhà phải bỏ ra ngoài, vì hắn vi phạm thuần phong mỹ tục. Bố hắn chỉ biết thở dài, mẹ hắn cũng chỉ biết khóc. Nhưng không ai giải quyết cho hắn cái phần bình thường bản năng ấy.

Ngày này qua tháng nọ, cuộc vật lộn của những thèm khát lặn sâu dần vào trong ý nghĩ, lặn sâu xuống ký ức, lặn mất tăm vào tiềm thức.

Và đến lúc hắn chỉ còn là một cái bị thịt. Im lặng.

Khủng bố là một hiện tượng toàn cầu.

Cho đến thời điểm này, tôi chưa bị đụng xe, tôi chưa bị tung hàng lên mạng, tôi chưa bị bắt quả tang với 4 bao cao su đã qua sử dụng.

Hắn cười, bảo “mày có tự tin quá không khi cho rằng mày phải cần đến 4 bao cao su làm bằng chứng phạm tội”?

Tôi nói, có thể đấy chỉ là cách PR bản thân.

Hắn lại cười, mấy thằng văn nghệ với mấy thằng làm chính trị đều giống nhau ở chỗ thích làm PR.

Tôi bảo, không ai muốn nổi tiếng bằng cách để bị bắt hay bị khủng bố. Chính hệ thống đã tạo ra những kẻ bất đồng và những nhân vật phản kháng bằng sự độc đoán và khủng bố man rợ của nó.

Hắn nói, bọn tao không bắt người bất đồng chính kiến cũng như khủng bố nhân dân, bọn tao chỉ ngăn ngừa.

Tất cả mọi tranh luận với những kẻ nắm giữ quyền lực đều vô ích, thậm chí vớ vẩn. Vì thế, cứ để hắn nói trong phạm vi những gì hắn được giao. Tôi tiếp tục nghĩ về thái độ của mình. Phủ định tất cả hay chống lại tất cả.

Viết, trước hết là một thái độ. Tôi cho rằng sự phủ định mọi lề thói hay truyền thống được hiểu như những tự sự là một thái độ văn học tuyệt đối. Cũng có nghĩa là một thái độ sáng tạo. Sự phủ định, như thế, không mang tính kế thừa. Nó là một lát cắt về phương diện lịch sử và không thể so sánh với cái trước hoặc sau nó. Nó hóa giải mọi so sánh đồng thời xác lập sự đồng đẳng phi lịch sử.

Mặt khác, chống lại những lề thói hay tự sự đó cũng trở thành một thái độ chính trị, một thái độ lịch sử và cách mạng.

Viết, sau cùng là một phương pháp. Với người sáng tạo, chẳng có phương pháp nào là mẫu mực.

Tất cả mọi tác phẩm, mọi chủ nghĩa đều chết ngay sau khi nó hình thành.

Bước đi trên những xác chết là con đường dẫn đến sự sống.

Bọn điên và bọn cừu vẫn tụng niệm những xác chết

Trong số những người thỉnh thoảng uống cà-phê sáng với tôi có một nhà nghiên cứu văn học. Ông luôn cho rằng Nguyễn Du và Lê Quí Đôn chẳng có gì đáng kể. Ông cũng phán quyết tác phẩm văn học mà không được viết trong sự tự do cũng chỉ đáng vứt vào sọt rác, vì thế ông nói, xã hội chủ nghĩa không có văn học.

Cho dù ông đúng hay không đúng, tôi quí trọng thái độ quyết liệt không chấp hành niềm tin của đám đông như ông. Tôi cũng thích thái độ ông coi thường sự hiểu biết tầm chương trích cú của những người tự nhận là trí thức. Ông là người chỉ tin vào chính mình.

Cuộc sống trở nên lập lờ đến độ tẻ nhạt

Cô ấy không còn biết thằng anh bại liệt của mình bây giờ nghĩ gì, muốn gì. Đôi khi vẫn phải lau chùi tắm rửa cho thằng anh, cô hỏi “anh còn muốn em nữa không”? Hắn nhắm mắt lại không trả lời. Cô tự nhủ, trên thân thể anh mình, chỗ nào cũng là cục thịt. Không nên phân biệt chỗ thịt này khác chỗ thịt kia. Không tạo ra tạp niệm về ái dục hay luân lý. Và cô thấy cái cục thịt duy nhất của thằng anh còn có thể ngọ nguậy đã không ngọ nguậy nữa. Đấy không phải là sự giác ngộ hay cách mạng bản thân mà là sự tàn lụi. Điều này còn khủng khiếp hơn cái mồm miệng dâm đãng của thằng anh. Cô thấy thương thằng anh tội nghiệp của mình. Đôi khi cô lại hỏi “anh còn muốn em nữa không”? Và thằng anh cô khi nào cũng nhắm mắt im lặng.

Chúng ta là những cái bị thịt

Bên trong cái vẻ thanh mảnh của cô, tôi cảm nhận được một quặng mỏ kỳ bí và giàu trữ lượng. Cô không tìm cách khai thác cũng không muốn che giấu. Và sự tự nhiên này của cô khiến cô trở nên hấp dẫn. Cô nói, văn chương chỉ là bản khai sinh thế vì cho sự tồn tại. Nó không phải là yếu tính cho ý nghĩa tồn sinh. Vì thế, văn chương cần được từ chối như những kẻ không mời mà đến. Văn chương cũng cần được phá hủy như một sản phẩm phi văn hóa.

Tuy nói thế, cô vẫn là người đọc sách và nhất là đọc những gì tôi viết. Bởi những gì tôi viết vẫn luôn là hồi quang của cô giữa các bị thịt.

Thế giới liên văn bản

Một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất trong cuộc sống của tôi không phải là nhà tù hay sự nghèo đói mà là sự đối diện với bản khai lý lịch. Không phải vì có những mờ ám trong đời đến nỗi phải khai man hay ngại ngùng về tiểu sử của mình, bản khai lý lịch là một cuộc tra tấn tinh thần dã man nhất khi chúng ta phải bộc bạch bản thân mình trần trụi như một đồ vật. Chính cái suồng sã giản lược trong các chi tiết về cuộc đời mình đã tước bỏ khỏi chúng ta cái làm nên một con người là văn hóa. Nó cũng móc ra khỏi con người chúng ta mọi tâm tư và linh hồn. Nó vứt lại cho chúng ta một văn bản xác nhận sự tồn tại mà thật ra không tồn tại gì cả. Nhưng đồng thời nó cũng nối kết chúng ta vào một thế giới liên văn bản của những bản khai sinh, hôn thú, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm, văn bằng và các loại sách giáo khoa này nọ…

Đó là thế giới của các hồ sơ

Có những giai đoạn, hắn liên tục bị bắt khai lý lịch và làm cam kết. Cũng như kinh nghiệm của những nạn nhân đã từng sống trong chế độ toàn trị, cách tốt nhất để tỏ ra trung thực trong sự tra khảo này là học thuộc lòng mọi chi tiết và mọi lời cam kết. Nếu như bản khai lý lịch là sự giết bỏ một con người thì bản cam kết là sự sỉ nhục toàn diện nhất tư cách một con người. Nó xóa bỏ quyền lựa chọn, sự phân vân và mọi cảm xúc khác trong cuộc sống. Nó đẩy con người đến chân tường của số phận và hố thẳm của ý nghĩa.

Chúng ta bị vét đến giọt máu cuối cùng

Trái nghịch với cảm giác trần trụi, khô khốc của mùa hạn hán lại là một cảm thức dập dềnh, trôi nổi không thể bám víu vào đâu và cũng không biết đi đến đâu trong mùa nước lũ. Hoàn toàn mất khả năng tự chủ và định hướng, hắn thả mình vào đám đông cùng với rượu và những câu chuyện tầm phào.

Trong lúc đó, tôi cũng tự tìm cho mình một sinh lộ bằng cách sống một cuộc sống bình dị nhất của người nông dân. Tôi khám phá ra một điều rằng khi con người tuyệt vọng nhất, thì đất, chính là nơi người ta có thể nằm xuống để chết hoặc để phục sinh.

Làm đất, ăn đất và ngủ đất. Tôi như một con giun mà máu chỉ là đất.

Cũng như những con ốc sên, bọn ếch nhái, những con sâu và bao thứ côn trùng khác đã hồi sinh khi cơn mưa trút xuống trong vườn nhà, tôi tìm thấy hơi thở của mình trong ngôn ngữ ruột ngựa, cát đá và sóng biển.

Nhưng bọn cai tù lại bảo tôi xúc phạm chúng

Tôi lấy đất đắp cho mình một nấm mộ. Mỗi ngày tôi đều nằm xuống bên nấm mộ đó để chết.

Trong lúc đó, hắn lê từ bàn nhậu này đến bàn nhậu khác. Hắn tưởng thế là sống.

Tôi với hắn không tranh luận. Chẳng có cách sống nào hơn cách sống nào.

Cô ấy bảo, dù sao tất cả chúng ta cũng có một cái chung là sự chết.

Hôm rằm tháng 7 âm lịch, cô ấy hẹn tôi buổi tối đến đường Hoàng Sa bên kênh Nhiêu Lộc. Cô bảo, hôm nay là ngày để chúng ta gặp nhau, tất cả mọi người. Cô hồn sống và cô hồn chết. Tôi thấy hắn ở đó cùng với một số người khác không quen biết. Một lễ cúng cho các vong hồn đã hy sinh trên Biển Đông. Một bài văn tế do một cô gái đọc kể về những cái chết của các chiến sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, những cái chết tức tưởi của ngư dân… Nến hoa đăng và tên của các tử sĩ được thả xuống lòng kênh đen. Một cuộc tụ tập biểu hiện lòng tri ân với những người đã hy sinh vì tổ quốc diễn ra nhanh chóng và không phổ biến rộng để tránh sự theo dõi của công an.

Hắn đưa tôi ly rượu nói, “tôi biết anh không uống rượu, nhưng đây là dịp để tôi với anh cùng chia sẻ niềm cay đắng với những linh hồn giá lạnh ngoài biển”. Tôi cụng ly, uống 50%, phần còn lại đổ xuống kênh nước đen.

Tôi đưa cô ấy về. Cô ấy bảo để em chở cho. Đây là cách để em xóa tội cho anh.

Dưới đáy của nấm mộ gió

Hắn nhìn thấy thế giới bên kia. Trên một con đường mà hắn nghĩ rằng quen thuộc lại là những cảnh tượng hoàn toàn khác. Những ngôi nhà khác, những khu vườn khác, những nhà thờ khác. Cũ kỹ nhưng sạch đẹp như trong một bảo tàng. Hắn bước vào một mái lá tròn như một chiếc dù rộng lớn, lơ lửng trên không và được nâng đỡ bởi lưng các cô gái nằm áp mái. Cái mái lá di chuyển theo bước chân của hắn. Rồi hắn thấy những cô gái khác cầm gậy đẩy cho nắng ra khỏi vườn dưa. Họ nói, những hạt dưa mới được gieo. Hắn hoàn toàn ý thức được sự khác thường này và hắn hỏi họ, “đây là đâu”? Họ bảo xứ Cấm. Hắn hỏi lại, “hãy cho tôi biết, đây thuộc tỉnh Bình Dương, Phan Rang hay Phan Thiết”? Họ lập lại, “đây là xứ Cấm”. Hắn hỏi tiếp, “làm sao tôi lại ở đây”? Họ nói, “chuyện đó là của anh, không phải của chúng tôi”. Có một thanh niên đến đưa cho hắn tờ rơi quảng cáo du lịch. Hắn hỏi, “tôi có thể đi đâu”? Anh thanh niên nói, “ở bất cứ nơi nào anh có thể nghĩ đến”. Hắn hỏi, “tôi có thể tìm anh ở đâu”? Anh thanh niên chỉ hắn cái địa chỉ trên tờ giấy. Hắn đọc thấy địa chỉ ngôi nhà của hắn.

Hắn sẽ phải tiếp tục đi mãi trong cái mộ gió

Thay vì về nhà, cô ấy chở tôi đến một workshop của một số bạn họa sĩ trẻ mang tên “Rút Hầm Cầu”. Một lễ cúng cho thập loại chúng sinh và cũng chính là một buổi trình diễn. Cô đưa cho tôi một bài văn tế bảo, anh sẽ đọc nó. Tôi nói, anh là khách mà. Cô bảo ở đây không có ai là chủ, mọi người muốn anh đọc vì anh là người lớn tuổi nhất có mặt. Ok. Bắt đầu nhé. Tắt điện. Có hai cô gái được phong là đồng trinh đứng bên tôi soi nến. Họ cười ha ha… Tôi bảo dù thế nào, với anh, hai em vẫn đồng trinh. Tôi đốt một nén nhang vái cô hồn các đẳng. Nam mô A Di Đà Phật, tôi xướng và mọi người lập lại Nam Mô A Di Đà Phật. Ba lần. Hãy mở cửa âm ty và đến với chúng tôi. Cơm gạo, rượu thịt, hoa quả và quần áo đã sẵn sàng. Xin mời. Hãy mang theo những gì có thể mang theo. Giờ khắc của âm dương giao hòa và hóa kiếp. Hãy niệm một như lai. Hãy tụng một vô ngại. Và giải thoát.

Người chết không cần cơm áo gạo tiền nhưng vẫn phải chiến đấu. Hắn đã đứng đấy tự bao giờ. Trên tay cầm miếng vải đỏ, hắn hú hét và làm điệu bộ của một đấu sĩ. Tất cả chúng mày đều là bò. Một lũ bò. Tao chiến đấu với tất cả chúng mày. Hắn dứ dứ tấm vải đỏ trước mặt từng người. Hãy xông lên nào. Mày có phải là bò không?

Chúng tao là Phật.

Hắn cầm miếng vải đỏ phất lên trời. Tao thắng, mày thua. Những vong hồn bỏ đi. Hắn đặt miếng vải đỏ xuống đất và ngồi xổm vào giữa theo tư thế đi ỉa. Đến bấy giờ mọi người mới lên tiếng: “Cởi quần ra”, nhưng có một người đáp lại: “Cởi quần hay không là lựa chọn của mỗi người”. Hắn không cởi quần mà bọc tấm vải lên người, tự buộc kín mình từ bên trong.

Vỗ tay.

Một người hỏi, tuần tới có ai đăng ký trình diễn không? Cô ấy giơ tay và nói chủ đề sẽ báo sau.

Trên đường về, cô ấy nói tên gọi “Rút Hầm Cầu” do cổ đặt. Tôi hiểu giữa những khẩu hiệu to rỗng và đồng loạt trên mọi bình diện của thông tin tuyên truyền thì xem ra “rút hầm cầu” vốn là một quảng cáo cạnh tranh khốc liệt trên đường phố với truyền thông chính thống là một nỗ lực nghệ thuật cho sự sạch sẽ và ý thức phản tỉnh đáng kính trọng.

Đó là một bài thơ thực hiện

Sự tàn phá các thể loại văn học và nghệ thuật, hay tìm tòi các hình thức biểu hiện mới cho nghệ thuật được các văn nghệ sĩ vỉa hè (lề trái, ngoài luồng) cổ vũ và phát động đã tạo ra một trào lưu thực hành nghệ thuật với một sức sống đáng ngạc nhiên. Có vẻ như càng bị lực lượng bảo thủ trấn áp và dè bỉu thì sức mạnh của ý thức tự do và cách tân càng trở nên mạnh mẽ. Tính tiền vệ trong văn học và nghệ thuật dù bị qui chụp một cách thô thiển như những thứ rác rưởi vẫn có những tác động biến chuyển không thể cưỡng đối với dòng văn học và nghệ thuật đương đại. Văn nghệ vỉa hè trở thành chủ lưu và nó đẩy cái gọi là văn nghệ chính thống trở thành thủ cựu và a tòng với sự phản động của thế lực cầm quyền.

Một cách nào đấy, có thể gọi những văn nghệ sĩ ngoài luồng là những người xuống đường biểu dương một hệ mỹ học mới. Và cũng trong một chừng mực nào đấy, văn nghệ sĩ lề trái cũng là những kẻ chống đối hay phản kháng lại toàn bộ cái hệ thống xã hội họ đang sống. Cái xã hội tự bịt mắt bịt mồm nhưng lại ngạo mạn với tính bầy đàn của mình.

Vì thế, đây là buổi trình diễn của cô ấy

Cố ấy đút một ống nhựa vào miệng, một ống nhựa vào hậu môn. Thật ra, cô không định mô tả đầu vào và đầu ra cho một ý tưởng nào đó về cuộc sống con người ở đây, bây giờ. Mà cô chỉ muốn nói rằng, chính cô, cô cần phải rửa ruột. Đã có một sự nhiễm độc trong cuộc sống của mỗi con người. Tương tự như ý tưởng “rút hầm cầu”, cần có sự tẩy rửa tự mỗi cá nhân. Người thiết kế cho cô đã thành công trong việc ai cũng nhìn thấy nước chảy vào miệng và thoát ra ở hậu môn cô, như một trò ảo thuật. Nếu hiểu như một trò ảo thuật, cuộc biểu diễn của cô có thêm một tầng ý nghĩa khác. Những biến hóa của cuộc sống chập chùng giữa ảo và thật. Một thông điệp hay tuyên ngôn nào cũng thành ngớ ngẩn.

Vì thế, đừng hỏi tôi mục đích viết của anh là gì?

Một con gà được sinh ra chắc hẳn nó không muốn nói tôi được sinh ra cho quí ngài xơi, mặc dù nó vẫn được dùng để xơi. Nhưng mấy ông đại diện cho hệ thống an ninh tư tưởng văn hóa nói với tôi rằng văn dĩ tải đạo. Mà đạo thì chỉ có một. Tôi đành là kẻ vô đạo.

Bọn vô đạo nhảy múa trong hẻm

Chúng nó bảo đừng tuyên ngôn. Đứa nào tuyên ngôn sẽ bị tụt quần ra khám xem có bình thường không. Một thằng bảo có dám không? Hai con hĩm đè nó ra. Cho mày quyền tuyên bố. Nhưng chim của thằng nhỏ không đủ tư cách để tuyên bố điều gì. Một thằng hỏi, chúng mày có muốn tham gia đảng Vịt Giời không? Đảng của con Mẹ Mìn hả? Ừ, nó mới lập đảng và tự xưng là đảng trưởng, có nội qui đàng hoàng. Một đứa khác nói, nó sẽ đi vào lịch sử với vai trò tiên phong trong vấn đề đa nguyên dân chủ. Một đứa bảo, cạnh tranh với đảng Cộng Sản tốt nhất là lập đảng Không Cộng Sản. Một con bảo, tao chỉ muốn lập đảng Triệt Sản. Đứa nào muốn triệt sản theo tao. Chủ nghĩa vô sinh sáng ngời và sướng tới bến. Một đứa nổi hứng hô: Đảng Triệt Sản muôn năm. Muôn năm. Một đứa nói, hình như có thằng rình ngoài cổng. Kệ mẹ nó. Thôi, vô. Bọn nó đổ bia vào cái trống không.

Đêm hôm đó, quân nổi dậy ở Libya đã tràn vào thủ đô Tripoli, thành trì của nhà độc tài Gaddafi

Hắn thường xuyên đến điểm hẹn Rút Hầm Cầu vào mỗi tối thứ bảy. Thật ra, ở đó không chỉ có bia rượu và tán nhảm mà còn có các nghị trình cho các buổi trình diễn nghệ thuật. Hắn tin rằng lộ trình cho dân chủ của một đất nước cần phải được bắt đầu từ ý thức tự do của mỗi công dân và từ công việc nhỏ nhặt của từng người. Đó cũng là lý do hắn đến sinh hoạt ở Rút Hầm Cầu cùng với những người khác để làm những việc họ thích mà không phải ngán ngại một sự kiểm soát nào. Có thể bị coi là nhảm nhí hoặc thậm chí bậy bạ, nhưng trình diễn nghệ thuật ở đây không nhất thiết phải bày tỏ một điều gì có ý nghĩa. Điều quan trọng là nó tuyên dương một thái độ tự do, từ cả hai phía, thưởng thức và sáng tạo. Đối với hắn, một thái độ chống đối của khán giả xem ra còn có ích hơn một sự đồng tình dễ dãi và a dua. Bởi thế, hắn đã từng làm một tiết mục đấu tố khi tự đóng vai nhà độc tài. Hắn đấu tố mọi người có mặt bằng cách lật trái vấn đề trong các mối quan hệ xã hội, thẩm mỹ và chính trị. Mọi người chửi lại hắn. Và đó là một cuộc chửi nhau thật sự. Một cảnh tượng vô văn hóa tận cùng. Và ngay ở điểm tận cùng ấy, có một cái gì đấy có thể gọi là chân lý bộc lộ. Tuy nhiên, trên bề mặt của câu chuyện đã không tránh khỏi một cách nhìn khác của những người làm công tác an ninh. Ngày hôm sau, hắn và một vài người chủ chốt của nhóm Rút Hầm Cầu bị công an mời làm việc.

Đài truyền hình nhà nước Việt Nam, tức VTV đã đưa ra các bình luận dự báo không mấy hay ho về thời kỳ hậu Gaddafi

Tôi vẫn có cảm giác về một vài nhà phê bình cũng như những giám tuyển trong các phong trào hoạt động độc lập về nghệ thuật chỉ là chân gỗ của ngành an ninh. Họ tỏ ra tiến bộ và qui tụ những người ngoài lề vào vùng ảnh hưởng của mình. Đó là sự phản kháng được cho phép hay trong vòng kiểm soát. Điều ấy tỏ ra dễ hiểu khi họ có ưu thế trong các quan hệ công cộng và quyền lợi đáng mơ ước với đám đông. Dù sao, một số hoạt động của họ cũng mang đến một sinh khí mang tính xì hơi cho một áp lực mỗi ngày một căng của toàn cầu hóa và phi tâm hóa. Đặc biệt, với sự tham dự của các quỹ văn hóa của các tổ chức nước ngoài, thì một bộ mặt mang tính trình diễn cho sự cởi mở lại cần được thỏa hiệp hơn bao giờ hết.

Thế giới không ngừng thở

Trong một xã hội đạo đức giả và man trá về chính trị, để sống được cho tử tế thì chỉ có một cách đáp trả bằng sự thô lỗ của ngôn từ. Tôi nghĩ điều ấy là đủ cho tất cả mọi giải thích về cái gọi là sự dơ dáy hay tục tĩu, rác rưởi mà bọn nô tài của chế độ gán cho văn chương nghệ thuật ngoài lề. Thô lỗ là sự thật của mọi sự thật. Khi sự thô lỗ có mặt, nó làm cho những cái đẹp giả tạo, những khuôn phép tù túng nhân danh thuần phong mỹ tục và sự ổn định chính trị trở thành đồ dỏm trơ trẽn.

Còn hắn không kịp thở

Cần phải biến khỏi thế giới này. Hắn nghĩ thế. Nhưng biến đi đâu? Ý nghĩ của hắn được hiểu sang một nghĩa khác, thời sự chống Tàu. Chui vào một cái lỗ được không? Một người mới quen hắn ngập ngừng hỏi. Hắn nói, ông nói mông lung quá. Người kia bảo gợi ý thì không nên cụ thể. Hắn nghĩ, trong số dăm bảy đường lỗ của nhân sinh chỉ có cái lỗ của cô ấy có giá trị. Người kia nói tiếp, theo kinh nghiệm của tôi, ông nên kiếm một cái khách sạn, chui vào đó trước một đêm. Coi như ông mất dấu. Sáng hôm sau, ông có thể xuất hiện ở chỗ ông muốn và bọn công an không thể ngăn chặn. Hắn nói, tôi đi biểu tình chống Tàu xâm lăng, chứ không phải hoạt động bí mật. Tôi không muốn bị nhìn như kẻ có hành tung bí hiểm của các thế lực thù địch. Càng bí hiểm càng dễ chết.

Hắn đi tìm một cô gái.

Những cuộc xuống đường không vô vọng

Những người biểu tình chống Trung Quốc bành trướng đột nhiên xuất hiện vào cuối năm 2007 đã khởi đầu cho một bước ngoặt trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ toàn trị. Lần đầu tiên, người dân biết từ chối sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước để bày tỏ thái độ chính trị của mình. Từ đấy, cũng lần đầu tiên, khái niệm nhà báo công dân được hình thành để nói tiếng nói của mình, độc lập và khác biệt với truyền thông nhà nước. Diễn biến này được tiếp tục thổi bùng nên trong mùa hè 2011 với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ và lâu dài hơn. Cùng với những tranh chấp giữa giáo hội Công giáo và nhà nước về vấn đề đất đai, cũng như những vụ xét xử công dân vì chính kiến bất đồng, đã đẩy cuộc sống đến gần hơn với khái niệm xã hội dân sự.

Giữa khái niệm và hiện thực là khoảng cách của khủng bố và nhà tù

Hòa bình và bất bạo động đang trở thành vũ khí đấu tranh cho tự do và dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng số phận dành cho những kẻ lót đường lịch sử bao giờ cũng là khủng bố, nhà tù và cái chết.

Trong quán cà phê, một sĩ quan an ninh hỏi hắn, liệu chủ nghĩa hậu hiện đại có xóa sổ chủ nghĩa cộng sản không? Hắn nói, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam đương đại với một chủ nghĩa cộng sản trên lý thuyết và một chủ nghĩa tư bản man dã hiện thực kết hợp với hậu quả của cuộc nội chiến lâu dài đã tạo ra một hiện tượng xã hội hậu hiện đại vô cùng sống động từ trong bề sâu đến bề mặt của cuộc sống. Vì thế, chủ nghĩa hậu hiện đại không xóa sổ chủ nghĩa cộng sản trên thực tế mà chủ nghĩa cộng sản trở thành một nhân tố của cái hậu hiện đại hổ lốn. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản đã bị lột mặt nạ trên phạm vi toàn cầu, các tư tưởng vá víu mà các ông dùng để làm kim chỉ nam cho đường lối cai trị đang trở thành phương tiện giễu nhại cho cái chủ nghĩa hậu hiện đại khốn kiếp vô luân vô thường. Và dù muốn hay không chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành hiện thực trong cuộc sống và nó biến sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản thành trò hề.

Viên sĩ quan nói, mày là cái đuôi của bọn phản động nước ngoài.

Tôi đi tìm một cái lỗ

Có vẻ như đó là cách an toàn nhất để đi hết cuộc đời này. Tôi nói, tôi có một cái lỗ mồm. Cô ấy bảo, em có một cái lỗ thoát. Cái lỗ mồm thường là đầu mối của mọi tai họa. Trong khi cái lỗ thoát dường như lại là chỗ để giải oan. Các nhà nữ quyền bảo tôi là kẻ khinh thường phụ nữ khi giản lược họ vào một cái lỗ. Họ quên rằng với tôi, cái lỗ là tối thượng khi nó vừa giải oan vừa là chỗ cuối cùng cho một đời người như lỗ huyệt. Quả thực, cảm thức về sự chết khi tôi thu gọn mình trong một cái lỗ chính là sự bình an tuyệt đối, trút bỏ toàn bộ mọi vướng mắc triền phược và bước vào cảnh giới vô vi.

Tôi nói với cô ấy, hãy đi với anh, khi cô ấy bảo em biết “26 lần tờ bờ lờ” (*) của anh là gì.

Đến nơi vô sở trú và vô vi với nhau. Tôi nghĩ cô ấy hiểu được điều này. Tôi trở nên không trọng lực. Một trạng thái vật lý hoàn toàn. Và cái lỗ thoát đã hút lấy tôi giống như lỗ đen vũ trụ. Trong lúc bay vào cái lỗ đó, tôi nhủ thầm phải trút bỏ ý thức, trút bỏ thực tại để thực tại trở thành vĩnh cửu. Và giống như một giấc mơ, tôi biến thành chiếc lá. Thời gian có ý nghĩa nhất chính là khoảnh khắc chiếc lá đã rời cành và lơ lửng trước khi nó rơi xuống đất. Tuy nhiên, khi tôi biến thành chiếc lá, nó đã không bao giờ rơi xuống đất mà vĩnh viễn lơ lửng trên miệng hố thẳm.

Cô ấy biết cổ là hố thẳm của tôi.

Vì thế, bất cứ khi nào tôi muốn chết, cô ấy cũng ở bên tôi.

Cô ấy nói, độc thần giáo chỉ là bản thế vì của một tình yêu tuyệt đối. Nhưng em chưa bao giờ yêu anh vì thế cuộc đời anh chỉ là một bản án treo trước cửa thiên đàng. Hãy nhớ điều này và ăn năn sám hối. Em có một lỗ thoát, nhưng anh sẽ không bao giờ thoát.

Tôi gào lên. Thoát. Thoát.

Tờ bờ lờ lần thứ 27

Đã 26 lần tờ bờ lờ thì có thể có đến hàng ngàn lần tờ bờ lờ. Nhưng cũng giống như độc thần giáo, tờ bờ lờ trước hết là một nghi thức hiến tế toàn thiêu. Tôi tự hủy và nâng mình lên thành nước và nước hòa với nước thành một thứ nước thánh. Lần thứ 27 tờ bờ lờ cô ấy lặng đi trên một đám mây quái vật rực rỡ ánh sáng. Sau đó, nước từ đám mây tan ra và biến thành một cơn mưa bất chợt.

Chúng tôi đi dưới mưa để bôi xóa quá khứ. Bôi xóa mọi thứ đã từng hiện hữu và bước đến độ không của thực tại.

Tôi gọi cô ấy là lờ hờ tờ

Tiếng cười của cô ấy trong veo. Từ tối hôm trước cho đến ngày hôm sau, tôi vẫn còn nghe tiếng cười ấy như thể cô ấy vẫn còn thích thú với việc 26 lần tờ bờ lờ. Cô ấy nói em muốn đọc. Tôi bảo đó là một cái bẫy. Cô ấy nói nhẩy qua một cái bẫy không hẳn là không vui.

Đến lúc tôi cho rằng không có biên giới nào giữa các thể loại văn học cũng giống như việc tôi coi 26 lần tờ bờ lờ là một tiểu thuyết khi thực ra nó chỉ là 26 truyện ngắn được viết trong cùng một tâm thức, một bút pháp. Và điều ấy cũng tương tự như tờ bờ lờ và lờ hờ tờ được ghép nối với nhau thành tờ bờ lờ hờ tờ. Một văn bản tự bản chất bao giờ cũng là một liên văn bản.

Da của cô ấy rất trắng. Như trong suốt.

Và ánh sáng đã đến thế gian xua đi tăm tối, cho dù tăm tối không nhận biết được ánh sáng.

Cô ấy cảnh báo tôi, em rất điên

Tôi không cảm thấy có điều gì phải nghi ngại. Bởi vì tôi luôn sẵn sàng cho một cuộc tự hủy toàn diện. Chỉ có những cơn điên mới giải thoát chúng ta khỏi thế giới này.

Nhưng hắn vẫn chìm đắm trong vô thức của cuộc sống thực vật

Trong lúc lau rửa cho hắn, đôi khi cô mân mê cục thịt gieo giống của hắn. Nó vẫn có khả năng dựng đứng của sự phục sinh tiềm ẩn. Cô nói, để em giải quyết cho anh, với một lòng thương xót vô hạn. Và cục thịt vô hồn vẫn phun trào sự sống bầy nhầy và tanh tưởi. Cô nói, em không biết như thế có tốt hơn cho anh không, nhưng em tin rằng một đời sống cho dù thế nào vẫn cần được ứng đáp từ sâu thẳm nhất, khi còn có thể được.

Nó có thể là hồi quang trong tăm tối cái động lực tồn tại mơ hồ của hắn.

Tuy nhiên, với cô dường như có sự chồng lấn giữa hai người đàn ông là tôi và hắn khi cô làm tình. Nhưng đó không phải là điều cô bận tâm.

Đôi khi tôi cảm thấy mình chỉ là một phương tiện.

N.V.