Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (215): Nhật Tiến (8)

Thềm hoang (kỳ 6)

Chương bẩy

Trời chưa sáng hẳn mà cụ Nết đã mò mẫm trở dậy.Thật ra cụ thao thức từ đêm. Nằm nghe mãi tiếng mọt nghiến gỗ trên rui nhà, tiếng chuột chạy rúc rích trên mái lá và giở mình suốt một đêm trên phản gỗ, lưng cụ đau ê ẩm. Trong cái màn nâu lụp xụp, ba chị em cái Hai vẫn ngủ li bì. Mỗi đứa nằm xoay một góc. Chân đứa nọ ghếch lên bụng đứa kia. Không khí oi nồng của đêm mùa hạ làm mồ hôi chúng vã ra như tắm. Phía chân giường, thằng Út đái dầm đầy ra một vũng. Dòng nước khai nồng nặc chảy loang khắp mặt phản, thấm vào áo, vào mền, vào cả những cái gối mỏng làm mùi hôi hám xông lên sặc sụa. Qua khuôn cửa sổ nhỏ hẹp, trời trong và sáng như có ánh trăng. Những vì sao nhạt dần trên vòm cây. Lúc gà gáy sáng lần đầu tiên, bà cụ đã mò đậy. Cụ với lấy bao diêm ở đầu giường châm vào ngọn đèn dầu đặt trên bàn gỗ.Vừa vấn lại đầu, cụ vừa bước xuống đất. Hơi đất ẩm thấm vào gan bàn chân làm cụ thấy tỉnh táo hơn. Tuy vậy lưng và vai cụ vẫn mỏi như dần. Nhất là hai cánh tay, cả đêm phe phẩy cái quạt cho chúng nó, bây giờ thấy rã rời. Trong bóng tối, cụ sửa soạn bếp lửa và vo đầy một rá gạo. Cụ định nắm cơm ăn một ngày cho ba đứa trẻ rồi sẽ mang chúng nó đến trại mồ côi. Lời của mụ Năm Trà ác khẩu thế mà bây giờ lại đúng:

"Tôi còn lo thân tôi chớ. Đó! Bà coi nuôi được chúng thì nuôi, không thì mang cho đi, tôi không tiếc.”

Cứ nghĩ như thế cụ lại bật ra tiếng khóc. Khuôn mặt nhăn nheo của cụ dúm lại. Nếp da sần sùi, tái sạm thấp thoáng dưới ánh lửa đỏ. Dòng nước mắt chảy lăn tăn trên gò má chằng chịt tàn nhang, rơi từng giọt xuống thấm lên những mảnh tro lá dừa đùn ngoài miệng bếp. Nồi nước đang sôi âm ỉ. Ánh lửa chạy chập chờn trên vách gỗ. Cụ nghĩ đến tiếng cười nói nô đùa của ba đứa trẻ trong những ngày nào năm trước. Dạo ấy thằng Năm còn ở nhà. Buổi chiều có gió mát, ba bốn bố con bắc ghế ra ngồi ở đầu hè. Cái Ba cười khanh khách trên đôi vai vạm vỡ của bố. Phía đằng sau, trên bực gỗ, cái Hai ngồi vắt vẻo, hai chân đu đưa, thỉnh thoảng lại rũ lên cười. Ở một góc thềm, mụ Năm ôm thằng Út ngồi trên chiếc chõng nhỏ. Thằng bé hai tay ôm lấy bầu vú căng sữa mút chùn chụt. Nụ cười không ngớt nở trên vành môi dầy và mọng của người đàn bà trẻ.

Mới có mấy năm trời mà bây giờ tan nát đến như thế. Bà cụ đau đớn gạt nước mắt. Lúc trời sáng rõ thì cụ cũng vừa nắm xong ba vỉ cơm trắng. Cụ hối hả lên đánh thức từng đứa mang đi tắm rửa. Bây giờ cụ mới lấy quần áo mới ra thay cho chúng nó. Cái Hai và cái Ba mỗi đứa bận một cái váy đầm xanh hoa trắng, thằng Út có một bộ đồ lính thuỷ. Nhìn ba đứa súng sính trong những quần áo đẹp, bà cụ ôm chầm lấy chúng nó nghẹn ngào, hôn chùn chụt mãi lên mái tóc của chúng nó. Được quần áo mới, bọn trẻ cười nói huyên thuyên. Chúng ngắm vuốt cho nhau bằng vẻ mặt hoan hỉ, mừng rỡ, rồi rủ nhau chạy tuốt ra đường. Những bàn chân đen thủi khẳng khiu giẫm bừa lên từng viên gạch lổn nhổn. Vạt váy của hai đứa con gái xòe tung lên, hở cả rốn lẫn bụng. Lúc khoá cửa, bà cụ Nết nói với mọi người:

"Tôi mang chúng nó đem cho nhà mồ côi đây!"

Một người đàn bà la lớn:

"Trời đất ơi, không thấy đứt ruột sao mà mang cho?"

Bà cụ trả lời:

"Ruột gan gì bằng đói.”

"Thôi bà cụ ơi, rán đi. Rồi thì bố chúng nó về..."

Bà cụ lại ôm mặt khóc. Một lát sau, bà nói:

"Tôi thì tôi chịu cực được nhưng còn chúng nó. Thiếu một bữa là chúng nó có yên cho đâu. Không, tôi thà đem cho còn hơn là để chúng nó đói.”

Nói rồi bà cụ xốc thằng Út lên tay. Cái Hai reo lên vui mừng:

"Đi. Đi bà đi..."

Mấy bà cháu đi ra đường cái. Một người chạy theo:

"Thôi, cho tôi đứa lớn này cho. Nó sẽ được ăn no.”

Bà cụ nắm lấy tay đứa bé:

"Không... tụi nó phải đi với nhau. Tôi không chịu cho chúng phải lìa nhau đâu.”

"Bộ tưởng vô trỏng làm vua sao mà đòi người ta cho ở chung với nhau.”

"Nói tầm bậy!"

"Chèn ơi! Nhà mồ côi tôi lạ gì... chúng nó về sau rồi vô nhà tu kín hết.”

"Tôi không tin đâu.”

"Chó đẻ đứa nào nói sai! Tôi quen biết người mang con cho thiếu gì.”

Bà cụ lắc đầu:

"Tôi đã đi hỏi trước rồi. Chúng nó sẽ được nuôi tử tế. Mà mình muốn xin ra lúc nào cũng được.”

Người đàn bà chợt phá lên cười. Tiếng cười ngặt nghẽo làm cụ Nết sa sầm nét mặt. Bà dẫn mấy đứa hầm hầm đi thẳng ra ngõ.

Qua nhà Phó Ngữ, thấy Hai Hào đang lúi húi lau xe, cụ nói:

"Đi không mầy, Hai?"

Gã đàn ông ngẩng lên nhìn. Có vợ vào nom gã sáng sủa đẹp trai thêm ra. Gã hỏi:

"Đi đâu đây, cụ Nết?"

"Đến trại mồ côi!"

Gã kêu lên:

"Trời đất ơi... bộ mang cho hả?"

Bà cụ ứa nước mắt gật đầu. Gã đàn ông nhẩy cẫng lên như vừa giẫm phải lửa. Gã nhìn vào trong nhà, hai tay vẫy rối rít:

"Mình ơi... chèn đéc ơi!"

Đào hớt hải chạy ra, tay còn cầm cái gương soi mặt. Gã nói hốt hoảng:

"Cho! Lũ này đem cho vào trại mồ côi.”

Đào ngớ mặt ra hết nhìn cụ Nết lại nhìn lũ nhỏ. Cái Hai xấu hổ che gói cơm lên ngang tầm mắt. Một lát, Đào mới cất tiếng hỏi:

"Thật đấy hả cụ?"

Bà cụ gật đầu làm hai tay Đào buông thõng xuống, mồm nàng há ra. Qua kẽ vách, có tiếng Phó Ngữ kè nhè:

"Sáng bảnh mắt ra rồi mà chưa đi à Hai?"

Hai Hào rối rít:

"Dạ đi! Đi chớ!"

"Quẩy đầy nước chưa?"

"Dạ quẩy rồi chớ.”

"Bảo cái con vợ nhà mày là hôm nay dậy muộn đấy nhá. Rồi héo bố nó hết rau.”

Gã đáp:

"Dạ bảo rồi.”

Đào đứng cạnh cấu vào lưng gã. Miệng gã nhăn ra cười, nhe hai hàm răng trắng nhởn. Gã ấn cái giẻ vào thùng rồi quay đầu xe về phía đường cái. Gã nói:

"Nên đây tôi đạp ủng hộ một cuốc.”

Mấy bà cháu líu ríu lên xe. Tay bấm chuông liên hồi, gã bắt đầu cong lưng lên đạp. Chiếc xe chao đi mấy lần rồi lăn ì ạch trên mặt đường khấp khểnh. Đào giơ tay ra vẫy gã đàn ông. Gã nheo mắt điệu lại. Chợt nàng bỏ chỗ đứng chạy theo. Hai Hào vội phanh riết cái xe lại. Đào vừa móc túi vừa nói:

"Để tôi cho các cháu mấy đồng ăn quà.”

Lúc ấn mấy tờ giấy bạc vào tay cái Hai, Đào mỉm cười với nó. Nó nhe răng ra cười theo rồi dúi tiền vào trong túi bà cụ. Bà Nết nắm lấy tay Đào tỏ ý cám ơn. Hai Hào lại gò lưng lên đạp. Đào trông lên những giải nắng vừa mới bừng trên những mái lá, nhưng hình ảnh của ba đứa nhỏ bỗng làm cho nàng thấy cay cay ở mắt.

*

Đến tối, lúc trở về, lão Hói thấy bà cụ ngồi khóc ở ngưỡng cửa. Căn nhà không đèn đóm, âm thầm yên lặng nom như một cái miệng sâu và tối. Lão ngừng lại, ngất ngư cái đầu, hai cẳng chân nhún nhẩy trên đôi giầy ba ta rách. Giọng lão kè nhè, sặc sụa hơi men:

"Chèn ơi... nghe tôi đi... yêu đời đi! Can gì mà khóc.”

Bà cụ không đáp, đưa vạt áo lên hỉ mũi. Lão lại tiếp:

"Tôi nói không sai đâu. Có ông trời. Có ông trời thiệt tình mà. Bây giờ mà khổ ấy nhen, rồi sau này ắt sướng. Bây giờ mà sướng ấy nhen, rồi sau này ắt khổ. Ông trời bình đẳng mà, vậy mới xứng bực làm ông trời chớ!"

Cụ Nết lại càng khóc to hơn, và bây giờ cụ bật ra thành tiếng:

"Ới cháu ơi..."

Lão Hói ngạc nhiên, mắt lão trố ra nhìn bà cụ, rồi lão cúi xuống nắm cái vạt áo của bà lên hỏi:

"Chèn đéc ơi... bộ chết cháu rồi hả?"

Một người ở trước cửa nói sang:

"Không, bà ấy mang cho nhà mồ côi hết cả ba đứa rồi.”

Lão Hói buông cái vạt áo ra, lảo đảo đứng lên, quay sang nhìn người hàng xóm. Rồi ngó bộ câu nói ấy không phải nói đùa, lão mới cất tiếng:

"Thiệt ư? Bà đem cho mấy cháu tôi thiệt rồi ư? Ui chao ơi... bộ không còn là người sao?"

Bà cụ nổi đoá vơ lấy hòn gạch ném về phía lão, la lớn:

"Xéo tuốt đi! Xéo đi!"

Lão Hói lùi lại ba bốn bước. Lão thò tay xoa xoa cái chỗ bị ném đau rồi ngồi phệt ngay xuống đất. Chân lão duỗi thẳng ra phía trước, tay lão loay hoay mở cái túi vải moi ra bao thuốc, rồi vừa cuộn vừa ngó bà cụ Nết, lát sau lão nói:

"Tội nghiệp mấy cháu tôi. Biết trước thì tôi đã mua cho chúng nó mấy tấm bánh. Thằng Út thích ăn bánh bàng là hạng nhứt!"

Lòng lão tràn ngập nỗi bùi ngùi. Lão thấy cay cay ở mũi, nhưng chẳng bao giờ lão chịu để cho nỗi buồn đến xâm chiếm mình. Lão moi trong bị ra cút rượu còn giở nửa chừng, ngửa cổ lên, tu một hơi. Rồi lão đổi giọng vui vẻ:

"Thằng Út ngoan và mắc tức cười quá đi. Coi bộ thế chớ, nó ưng theo tui hoài à. Mà mấy kí? Nó chừng sáu bảy kí chứ bao nhiêu. Vậy mà tui bế nó hổng nổi đó. Chèn ơi... phải ngày xưa coi, tay này phải biết, khoẻ hạng nhứt ở bến tàu đó nhen..."

Ngừng lại một chút để nhấm nước bọt lên điếu thuốc, lão lại tiếp:

"Mà điều không nhằm nhò gì. Rầu làm chi mất công. Có ông trời mà nghe bà cụ. Ông trời mà giáng xuống thì êm hết trơn. Tới lúc đó nhen, căn nhà này sẽ lên bốn năm từng lầu bê tông cốt sắt đàng hoàng. Mà điều khỏi đóng cửa. Không ai vô hết đó. Vô làm chi? Đến cái nước đó thì thái bình rồi, khỏi có còn cái sự tùm lum như vầy nữa. Ông trời làm mà! Vậy mới xứng bực ông trời chớ!"

Rồi lão đổi giọng ngâm:

"Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu

Hoàng thiên thương mến quả địa cầu

Giáng tạo thay đời không tranh đấu

Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu.”

Ngâm xong lão phá lên cười khoái trá. Đến lúc lão đứng dậy thì chẳng còn ai ở chung quanh lão. Căn nhà cụ Nết bỏ ngỏ cửa. Cụ ấy đang đi về phía đường cái. Những lùm cây cao mọc thẳng tắp soi từng bóng đen dài chạy giăng lên mãi đầu phố. Phía đằng xa, những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy trên từng bảng hiệu. Ở đâu, chỗ nào cụ cũng vẩn vơ nom thấy hình ảnh chị em thằng Út. Cụ nhớ tiếng chúng nó cười, nhớ hơi thở đều hoà của chúng mỗi khi chúng ngủ. Nếu chúng còn ở nhà thì bây giờ cụ đã quạt cho chúng nằm thiu thiu trong cái màn nâu lụp xụp. Ba đứa xoay vần như chong chóng. Đùi chúng nó gác lên nhau. Mặt đứa nọ úp vào gối đứa kia thi nhau ngủ. Bây giờ, lang thang vất vưởng trong thành phố, cụ thấy hình bóng của chúng ở khắp nơi, trên tủ kính, trên biển hàng, trong ánh sáng chói chang và âm thanh rộn rã của đô thị lúc về đêm. Bất giác cụ ôm mặt khóc. Nước mắt của cụ chan hoà in nhòe cả thành phố trước mặt. Bên tai cụ chỉ còn thấy vang lên tiếng nói, tiếng cười, và tiếng khóc của ba đứa cháu.

Đêm hôm ấy, cụ ngủ gục ở cổng sắt nhà mồ côi. Sáng ra, xin vào thăm, thì người ta ngăn lại:

"Phải chờ đến ngày Chủ nhật!"

Đến khi trở về, nhà cụ bị trộm nó khoắng không còn lấy một ly. Xúc vải Mỹ-A mẹ Năm cho may quần chưa kịp cắt, rồi ba bộ quần áo mới ở trại mồ côi người ta bắt mang về vì trong trại bọn chúng không dùng đến, rồi nồi, niêu, xoong, chảo cất dưới đáy trạn từ hồi xưa cũng đều bị khuân đi hết sạch. Tiếc của, bà cụ điên người chạy ra lối ngõ, một tay cụ cầm con dao mẻ, một tay cụ xắn quần lên ngang đầu gối, cụ cứ chém mãi con dao xuống mặt đường mà chửi:

"Cha đời quân chó đẻ... trẻ không tha, già không thương. Cửa nhà cơ nghiệp người ta chả có bao nhiêu mà khuân hết đi, đem về xây mồ cất mả bên nội bên ngoại nhà tụi bay... trời vật chết hết tụi bay đi... quân chó đẻ..."

Tiếng bà cụ gào to, vang lên từ đầu đến cuối xóm. Cụ chạy hết ngõ ngang sang ngõ dọc, hết cửa nhà này sang cửa nhà khác. Mỗi lần cụ đứng ở đâu là trẻ con người lớn bu lại đến đấy. Xóm Cỏ bỗng nhiên đông rần rần như ngày hội. Người ta tụm nhau lại bàn tán om sòm. Chỉ khổ bà cụ phơi đầu ra từ sáng đến trưa, quần áo tả tơi, mặt mũi nhem nhuốc, tiếng nói thì khản đặc lại, có lúc nói năng y như người lẩn thẩn. Đến xế chiều, cụ về ngồi ở hàng hiên khóc thút thít. Đầu cụ gục xuống, hai đầu gối trơ xương áp vào hai bên mang tai. Mái tóc nửa đen, nửa bạc xù lên rã rượi. Con dao mẻ cụ cắm sâu vào cột gỗ còn dính đầy vết vôi lở và gạch non. Người ta không một ai dám lại gần. Trong tia nhìn hằn học của cụ ẩn chứa một cái gì dữ dội lúc nào cũng như sẵn sàng nổ bùng ra, nom cụ bây giờ chẳng khác một con chó ốm, già và đang hoá dại.

Chương tám

Từ đầu mùa xuân, bác Nhan gái đã dự tính gây lấy cho mình một cái vốn nhỏ để bán hàng quà rong trong chợ. Những hôm bỏ từng đồng bạc vào chiếc ống tre, bác như đã ngửi thấy mùi xôi vò thơm phức ở hai cái thúng đặt bên cạnh mình. Hoặc có khi bác hình dung thấy những khuôn bánh xèo ngậy mỡ, nóng bỏng trong chiếc chảo mới tinh đặt trên bếp lò đỏ rực than hồng. Nhưng rồi dự tính của bác chẳng bao giờ thực hiện được cả. Vì dành dụm được bao nhiêu thì rồi cuối cùng lại đổ vào tiền thuốc thang cho bác Nhan trai hết. Người đàn ông yếu đuối, èo uột, suốt ngày chỉ biết nằm đập ruồi trên phản gỗ hay cùng lắm là bế con bé đỡ cho vợ được một đôi lát. Trong nhà, tình cảnh đã đến chỗ quẫn cùng. Bữa cơm chỉ lác đác có mấy sợi rau, đĩa dưa khú và dăm ba quả cà muối dầm tương. Hàng tháng trời không ai được biết đến miếng thịt. Cho nên bác Nhan trai thèm thịt không bút nào tả xiết. Sự kham khổ khiến bác thành hèn cả người đi. Suốt ngày nằm thiu thiu trên phản gỗ, đầu óc bác chỉ lơ mơ nghĩ đến mùi thịt. Bác nhớ lại ngày xưa, mỗi khi nhà có đám, những con lợn béo tốt được vật ra. Tiếng kêu eng éc vang động cả khung cảnh tĩnh mịch ở thôn quê. Chính một tay bác đã nhóm hồng lò lửa rồi quay lên những khoanh thịt lợn vàng tươi, bóng nhẫy mỡ. Mùi thịt cháy thơm lừng, xen với tiếng dao thớt, tiếng chày nện thình thịch trong cối đá và tiếng người rộn rã ra vào, gieo vào lòng bác một niềm vui khoan khoái. Bác lại còn nhớ đến cả những ngày giáp tết ở thôn quê, tới thời điểm tát ao bắt cá. Sau một ngày tát nước mệt nhọc, không đêm nào là bọn thợ như bác không được người ta cho ăn cháo cá, những con cá trắm to bằng bắp vế, thịt xé ra trắng phau phau, đem chấm với nước mắm pha ớt với gừng thì thật là tuyệt hảo. Mỗi miếng đặt vào đầu lưỡi, là tất cả nước dãi trong mồm đều ứa ra, gai thịt nổi lên, từ răng đến lợi như tê đi vì cái mùi vị thơm phức, vừa cay, vừa ngậy, vừa béo, vừa bùi, tưởng đến lúc chết cũng chẳng thể quên được. Nằm buồn một mình, bác còn tưởng tượng ra đủ hết những sơn hào hải vị, món thì rán, món thì xào, món đem nướng chả, món nào theo bác cũng đều có một cách ngon riêng cả. Nhưng càng nghĩ, lưỡi bác càng thấy khô, miệng càng thấy đắng, và bác thấy miếng thịt vẫn luôn luôn ở một chỗ xa xôi mà không tài nào bác với cho tới được Nhiều khi giận mình, bác cố mở to mắt nhìn trên trần nhà để nghĩ đến sự vất vả của bác Nhan gái:

"Mình đã ăn báo cô nó, lại còn yêu sách cá với thịt!"

Tuy vậy bác chỉ nhủ thầm như thế được một đôi lúc. Rồi đến bữa cơm, trông vào cái đĩa mẻ vẫn chỉ chỏng chơ có rau với cà, cơn tức mình lại ngấm ngầm hiện ra, có lúc dồn lên nóng cả mang tai. " Ăn cái gì mà cứ như cho chó ăn!" Bác muốn văng tục một câu như thế và có ý trông sang phía bác Tốn để mong hắn ta đồng minh với mình. Nhưng bác Tốn lại cứ nhởn nhơ vẫn ăn uống một cách thật thà vui vẻ, cứ y như thể hắn ta chưa bao giờ biết miếng ngon là cái gì. Hàm răng trắng nhởn của bác ngốn những cuộng rau vừa dai, vừa già một cách sốt sắng và nom thú vị. Suốt bữa cơm, bác còn vừa ăn vừa đùa. Cái cổ đưa ra đằng trước, mồm nhe ra cười, cái đầu lắc lư theo điệu rung ở đùi. Lâu lâu bác lại chêm vào một câu nói giỡn:

"Gớm, cà ngoài chợ sao mà họ muối khéo thế. Cứ ròn tan đi thôi. Mà cà đã ròn thì phải biết, trắng như đùi đầm.”

Tuy tức mình, bác Nhan cũng phải chen vào:

"Cậu có được nhìn đùi đầm bao giờ mà biết nó trắng. Mà điều cậu không thấy đó chứ, quả cà thâm xì như đít bà lão thế này lại cứ cong cổ lên khen là trắng.”

Bác Tốn gân cổ cãi lại:

"Nói như bố chó xồm ấy. Cà ròn thế này làm sao mà thâm được. Cà mà đã thâm thì nó dai nhách nhà ông ơi!"

Bác Nhan gái tự nhiên cũng chen vào:

"Cà như thế này là trắng lắm rồi. Bác Tốn coi vậy chứ cũng tinh gớm!"

Thấy hai người về phe với nhau, bác Nhan trai tức mình dằn ngay đôi đũa xuống mâm rồi nhìn trừng trừng ra ngoài ngõ. Bác gái ngó bộ không yên nên vội lùa nốt bát cơm rồi đứng dậy, trong khi ấy bác Tốn vô tình vẫn vừa nhai rau ráu miếng cà vừa gật gù một cách khoái trá. Bác Nhan trai nghĩ bụng, nó dễ ăn như thế thì đâu còn nhu cầu thịt cá gì nữa. Chẳng trách được, chớ có khi nào nó chịu bỏ tiền riêng ra cho đi mua thêm mấy con tôm hay vài lạng thịt. Cơn tức vì thế càng chẳng nguôi. Bác cũng lùa xong bát cơm rồi đứng dậy bỏ ra nằm dài trên giường. Đến quá trưa, lúc thiu thiu ngủ, bác lại nằm mơ thấy mình được ăn thịt, thấy những cuộng rau bò ra ở lỗ tai và thấy cả tương lõng bõng trong đầu.

Một hôm, bác nằm mơ thấy mình xách một con gà đi làm thịt ở cầu ao. Con gà béo chắc, ngậy những mỡ vàng. Bác nghĩ đến món lòng gà xào mướp, món chả chìa thơm lừng và những miếng thịt luộc mềm nuột chấm muối tiêu. Sự khoan khoái làm bác như khoẻ ra. Bác vặt lông nhanh nhẩu và kỹ lưỡng. Chợt vợ bác trên nhà réo lên nhờ khuân hộ cái cối đá nén vại cà. Nghĩ đến cà, bác lợm giọng. Phải chi những lần khác thì bác lờ đi giả vờ điếc, nhưng hôm nay bác sắp được ăn thịt. Lại thịt gà nữa thì phải biết! Bác thấy mình dễ dãi hơn. Bác bỏ con gà ở cầu ao đi lên làm giúp vợ. Những quả cà ủng trong vại nước váng bọt khiến mũi bác chun lại. Nếu không vì sắp được ăn thịt gà có lẽ bác đã tuột tay cho vại cà đổ xuống đất ngay. Lúc trơ lại cầu ao, mắt bác trố lên vì ngạc nhiên và giận dữ. Con gà của bác đã bị lũ chuột to bằng bắp vế, núng nính thịt vẫn thường bò ra từ hang cùng ngõ hẻm, xông vào bu đen như sự đen tối vẫn ấp ủ trong đầu bác từ bao lâu nay. Cơn giận lên tới cực điểm, bác chạy lên khuân cái cối đá trong vại cà ra rồi ném xuống. Đàn chuột bỏ chạy tứ tung, để lại cho bác những mảnh xương tàn còn sót lại. Tiếc của, bác chồm lên đuổi theo một con chuột béo nhất đang chạy lên mé bếp. Một tay bác cầm hòn gạch lớn, một tay bác xách cái đòn càn. Bác quật con vật túi bụi ở khắp mọi xó. Cuối cùng nó nhẩy tõm vào chum tương và vừa vặn bác phang một gậy vào lưng nó. Con chuột kêu choé lên đồng thời cái chum cũng vỡ tan tành. Một dòng nước tương hôi và ủng đổ loang ra chan hoà trên mặt đất. Bác thấy khối nước ấy cứ loang mãi càng ngày càng rộng, càng xông mùi lên nhức óc. Rồi trong khắp nhà chỗ nào cũng đầy những tương đỏ, ngập giường, ngập ghế, ngập cả đầu óc của bác khiến bác hét lên và choàng tỉnh dậy.

Thì ra bác vừa trải qua một giấc mơ! Mồ hôi vã ra đầm đìa trên trán, tim bác đập mạnh, mắt bác liếc nhìn ra đầu hè. May quá, chum tương của vợ bác vẫn nằm yên ổn trong một góc. Bác ngẫm nghĩ thấy mình phải khuân gạch về chặn lên cho chắc chắn hơn. Biết đâu sẽ có ngày bác làm vỡ chum tương của vợ bác thật. Rồi nghĩ đến con gà và đàn chuột, bác thấy ngẩn ngơ như mình vừa bị đàn chuột cuỗm mất hẳn một con gà thật. Bỗng một ý định bừng lên trong đầu bác. Tại sao bác lại không ăn chuột thay gà được nhỉ. Thịt chuột vừa thơm vừa lạ miệng. Mà ở xóm Cỏ thì thiếu gì chuột lớn. Con nào cũng béo lẳn, tròn thu lu và bệ vệ đi lại tung tăng khắp mọi nơi trong xóm. Nghĩ vậy, bác thấy người bừng lên như trẻ thêm lại. Bác vùng dậy quơ đôi guốc đi ra đầu thềm. Bác nhớ đến cách bẫy chuột ngày xưa khi mình còn là một đứa bé chạy chơi nhởn nhơ đầu làng cuối xóm. Bằng một cái thúng, cái que có cột một sợi dây dài và dăm ba hạt cơm nguội, anh chuột nào háu ăn chui vào là:.. a lê hấp, chỉ việc giật sợi dây là cái thúng ụp xuống. Thế là bác thấy lòng hăng hái hẳn lên. Bác nhỏm dậy lui cui đi sửa soạn cái bẫy của mình. Vợ bác có cái thúng thật tốt, mụ vẫn dùng để đong gạo, hay cắp mang đi những hôm vắng nhà. Bác cẩn thận đem xuống nắn thử cái cạp chung quanh. Bác nghĩ với loại thúng ấy thì dù là chuột cống hay chuột chù to đến đâu cũng không thể nào thoát khỏi tay bác.Trở vào trong nhà, bác kiếm được một cuộn dây gai và một thanh củi ngắn tròn và chắc nịch. Như thế cái bẫy của bác đã đủ hết đồ lề. Bác kê cái thúng trên nhánh củi dựng đứng. Sợi dây bác cột lại rồi ròng vào trong cửa bếp. Mồi nhử của bác là một nắm cơm nguội tãi ra vung vẩy. Bác ngồi xổm và thu mình trong một ngách kín. Sự háu ăn bây giờ lại hoá ra một trò giải trí. Như thế còn vui hơn là nằm bẹp một chỗ than trời, oán vợ. Hơn nữa, bác tin chắc rằng tối nay bác sẽ mang lại cho mọi người một sự ngạc nhiên thích thú. Đĩa chả nướng thơm lừng sẽ đặt ở giữa mâm cơm, bên cạnh là món thịt luộc ướp lá chanh, chấm nước mắm dấm ớt. Úi chà, chỉ mới nghĩ như thế, bác đã thấy mình rỏ cả rãi ra rồi.

Quả nhiên, chỉ một lát đã thấy ở miệng cống thò ra một cái đầu đen thui có hai hàng râu ngoe nguẩy. Mắt bác vụt sáng lên, tim bác đập mạnh, tay bác ghì lấy cuộn dây nhìn thẳng về phía đằng trước y như một chiến sĩ quả cảm nom thấy bóng địch quân ngoài chiến địa. Con chuột của bác như một mồi ngon đang vô tình lọt vào ổ phục kích. Bây giờ thì nó thò hẳn người ra khỏi miệng cống. Bộ lông của nó đen mượt, ướt nhếch nháp. Mõm nó dài ngoằng, hếch lên, ngoe nguẩy bộ râu rậm và dài. Mình nó béo hú, béo hơn cả con chuột chù bị đuổi đánh trong giấc mơ. Hai bên lườn nó bạnh ra, núng nính những mỡ làm dáng đi của nó càng thêm nặng nề, bệ vệ. Mỗi lần nó nhích lại gần thì tay bác Nhan lại run thêm một chút nữa. Bác vẫn ghì lấy sợi dây. Mắt bác mở to thêm. Bác cầu mong cho nó trông rõ những hạt cơm trắng tinh đang tãi ra một cách rất ngon lành trên mặt đất. Một lát sau nó đã nhấm vào hạt cơm thứ nhất. Rồi cu cậu mon men lại gần sát cái thúng. Cuối cùng nó lao cả cái thân nặng nề của nó vào gọn ở giữa đống cơm trong lòng thúng. Bác Nhan nghiến răng giật mạnh sợi dây. Que củi văng ra và cái thúng úp xuống. Bác nhẩy bổ ra ngoài. Con chuột vùng vẫy ở bên trong nhưng không đủ sức đẩy được hòn gạch đặt ở trên mặt thúng. Nó bắt đầu kêu lên thảm thiết. Bác cẩn thận nhấc viên gạch ra, kênh cái rổ lên và rê đi trên mặt đất. Chỉ trong một loáng bác đã túm được cái đuôi của nó, đem xoắn mấy vòng và quay tròn trong không khí. Cuối cùng bác nện cho nó một cái nên thân vào thành vại nước. Bây giờ thì cu cậu nằm quay cu lơ trên mặt đất. Cái đầu ngoẹo sang một bên, cái mõm nát bét ra, ướt đẫm những máu. Đó là con chuột cống khoẻ mạnh, mập mạp, sườn lưng béo tốt, nắn vào rất chắc tay. Nghĩ đến món chả nướng sắp được nhấm nháp với ly rượu trắng, bác Nhan nhe răng cười một mình. Bác rất tự hào về cái chiến công vẻ vang này. Lát sau, bác lui cui vào bếp quạt hồng lò lửa. Bác trói con chuột vào một cái que cời bằng sắt và đem xoay tròn như thể người ta quay những con lợn. Mùi lông khét lẹt xông lên. Lớp da nứt nẻ toác thành những kẽ nhỏ, tiết ra một thứ nước vàng, cháy xèo xèo trên ngọn lửa. Bác lẩm bẩm:

"Khét một tí, nhưng cháy hết lông rồi thơm phải biết!"

Vừa lúc ấy, bác Nhan gái trở về. Bác đánh hơi thấy mùi khen khét khác thường, nên vội vàng chạy bổ xuống bếp. Nom thấy chồng đang cởi trần trùng trục loay hoay với con chuột nham nhở ở trên tay, bác giậm chân tru tréo:

"Ới giời đất ơi... ông tính ăn thịt chuột đấy à?"

Bác Nhan trai giật bắn người, đứng bật dậy. Nom thấy vợ, mặt bác đỏ bừng lên như một người phạm tội bị bắt quả tang. Bác ấp úng:

"Ơ, thì thịt chuột ngon chứ..."

"Đã ốm lại còn đi ăn chuột... mà lại chuột cống tởm thế này thì chỉ có chết!"

Vừa xấu hổ vừa giận, bác Nhan trai vội nắm lấy áo vợ chì chiết:

"Thì bé cái mồm chứ nào. Cái gì mà cứ oang oang như mồm mõ. Hàng xóm nó biết thì còn ra cái chó gì nữa!"

Giọng bác gái nhỏ lại:

"Thôi vứt đi, ngon lành gì. Ăn thì người ta ăn chuột đồng cơ chứ.”

Bác trai văng lên:

"Chuột chó nào chẳng là chuột. Đây thích!"

"Thích cũng không được. Ốm mà cứ đòi ăn của độc. Rồi nằm đó ai hầu?"

Vừa nói bác vừa cúi xuống nhặt lấy hai nhánh củi khều con chuột lên. Bốn chân nó bây giờ co quắp lại, mình mẩy loang lổ những vết nứt vàng khé và đưa lên một mùi hôi khét lèn lẹt. Bác Nhan trai không thấy tiếc công trình của mình nhưng bác cảm thấy tức tối đến sôi máu. Bác nghĩ nếu để vợ nó vất đi mất của mình thì hèn quá. Cho nên bác xông đến, hai tay túm lấy áo vợ co lại:

"Mặc bố tôi... Tôi làm gì tôi làm.”

Bác Nhan gái dùng cả sức lực của mình gạt chồng ra đằng sau, rồi bác lặng lặng cầm con chuột liệng vào thùng rác. Bị cái gạt bất thình lình, bác trai loạng choạng muốn ngã. Bác gầm lên:

"Đồ chết tiệt! Đồ chết tiệt!"

Nhưng bác Nhan gái bao giờ cũng tốt nhịn. Bác cúi xuống nhặt bao diêm ở dưới đất, rồi lẳng lặng bỏ lên nhà lấy rau ra nhặt ở đầu hè. Bác Nhan trai thì ngồi ăn vạ ở cửa bếp. Mặt bác sưng sỉa lên, cặp mắt tức tối nhìn chỗ nào cũng như muốn đập phá. Rồi càng nghĩ càng căm, bác đứng dậy đá cái lon sữa bò đựng đóm nhóm bếp sang một bên và săm săm đi ra cổng. Nhưng ra tới ngoài bác lại nghĩ có đi cũng không hả tức bác lại trở vào, du cái cánh cửa một cái thật mạnh. Cánh cửa ọp ẹp rung lên, bụi đất và mọt gỗ rụng lả tả. Mắt bác liếc nhìn vợ để chờ phản ứng. Bác nghĩ nếu vợ bác mà tỏ một cử chỉ gì hỗn láo thì bác sẽ xông ngay vào thụi cho nó mấy cái. Nhưng may quá, con mẹ ấy vẫn lầm lì cúi xuống rổ rau. Sự nhượng bộ của mụ làm bác thấy cơn tức nguôi đi. Tuy nhiên bác vẫn giữ bộ mặt hầm hầm như thế mà trèo lên giường, dằn chân dằn tay nằm xuống chiếu. Bây giờ thì bác thấy ghét thịt cay đắng! Bác tưởng tượng nếu lúc này mà có mấy lạng thịt trong tay, bác sẽ vất nó xuống đất rồi lấy chân di lên như người ta di một con bọ ghê tởm. Bác tự thề với mình là từ nay, dù cho vợ bác có bưng đến tận mồm, có van xin, bác cũng nhất quyết không thèm ăn một miếng thịt.

Đến bữa cơm chiều, bác không bước ra khỏi giường, và vợ bác cũng không thèm mời bác lấy một câu. Hai người đâm ra giận nhau. Bác cho rằng trên đời này không còn ai đáng ghét hơn vợ bác. Nhưng sáng sớm sau, lúc đi chợ, bác Nhan gái đã thủ theo cái áo dài đẹp nhất và độc nhất của mình. Bác bán được hơn bốn chục bạc. Bác rẽ vào mua ba lạng thịt, mấy củ su hào và lưng chai rượu đế. Nghĩ đến sự ngạc nhiên, thích thú của chồng, bác không thấy tiếc cái áo hàng sang, cắt khéo, mà bác chỉ mặc vào những dịp tết nhất, hội hè.

Ở chợ về, bác Nhan trai còn ngủ. Đêm qua vì dỗi đã nhịn cơm nên chắc thao thức dữ. Nhưng càng đói chốc nữa ăn càng ngon, bác Nhan gái nghĩ vậy và hoan hỉ xuống bếp sửa soạn bữa cơm. Lúc gọt củ su hào, đi tìm cái rổ, bác nhận ra rằng cái thúng của bác không còn để ở chỗ mọi khi. Bác đảo ra đằng sau nhà, và cơn giận dữ đột nhiên len vào niềm vui của bác. Cái thúng mà hôm qua chồng bác mang bẫy chuột thì bây giờ lại bị chuột cắn nát thành năm bảy lỗ thủng. Bác vồ lấy, cầm lên ngắm nghía một cách xót xa. Rồi cơn tiếc của nổi dậy, bác xách lên nhà la lớn:

"Giời ơi! Phá hoại người ta thế này đây..."

Vừa nói bác vừa lay chồng và dí mãi chỗ thủng vào mặt người đàn ông. Bác Nhan trai choàng dậy, hốt hoảng:

"Làm sao? Cái gì?"

"Còn cái gì, thử mở mắt ra nhìn coi ông bẫy chuột rồi để nó phá đến thế này đây.”

Bác Nhan trai hậm hực hết ngó cái thúng lại nhìn vào khuôn mặt cau có đáng ghét của vợ. Cuối cùng bác nằm vật xuống văng một câu:

"Này thôi đi... sốt tiết lắm nữa!"

Bác Nhan gái chồm lên nắm lấy áo chồng:

"Sốt với rét gì! Chỉ được cái báo hại là không ai bằng.”

Mắt người đàn ông vụt nóng lên. Trong một giây không suy nghĩ gì cả, bác ta nhỏm dậy co cẳng đạp thật mạnh vào giữa ngực vợ một cái. Phản ứng lạ lùng và vũ phu của bác làm vợ bác gào lên. Người đàn bà ngã chúi xuống sàn, cái thúng văng ra đằng xa, hai chân bác giẫy lên đành đạch, miệng bác la lớn:

"Giời ơi là giời! Đây! Ông giết tôi đi... ông giết tôi đi..."

Nói rồi bác ta đứng dậy lao cả cái thân mình to lớn về phía chồng. Hai người vật nhau ở ngay bên cạnh giường. Cái mễ kê ở dưới nghiêng hẳn đi, mặt phản chao đi chao lại làm xô lệch cả tấm chiếu trải bên trên đồng thời có cả tiếng gỗ nghiến vào nhau kêu cọt kẹt. Bị đè ở dưới, bác Nhan trai đã thấy cái yếu của mình. Cánh tay khẳng khiu của bác bị bàn tay cứng cáp sần sùi của vợ kẹp chặt, bộ ngực lép kẹp của bác tưởng như bị nghẹt lại dưới cái bộ vú thỗn thện của mụ ta. Phía đằng sau, cái thành giường như có cạnh sắc nghiến mạnh vào ngang lưng khiến bác tưởng như xương sống của mình sắp bị gẫy làm hai. Cái đau làm tứ chi bác rã rời, người bác lả đi, mồ hôi vã hết cả ra trán và lưng. Bác vội vàng lấy hết sức cựa mạnh để cố kêu được thật to:

"Gẫy xương... gẫy... giời ơi... có buông ra không nào.”

Bác Nhan gái nghe la, vội hốt hoảng buông ra, nhưng lúc đứng dậy bác cũng còn cố du chồng một cái thật mạnh làm bác trai ngã quay cu lơ xuống mặt đất. Tuy ở vào thế của kẻ thắng cuộc, bác vẫn cất tiếng khóc:

"Giời ơi là giời. Chồng với con. Chồng với con. Cứ đạp chết tôi đi..."

Bác Nhan lồm cồm bò dậy, người tuy đã nhược hẳn ra, nhưng nom thấy cái thúng trước mặt mình, bác cũng vẫn còn đủ sức xông lại đá tung nó ra khỏi bực cửa và hổn hển như người sắp hết hơi:

"Ông cứ đá... ông sợ gì... đừng có trêu gan ông... Sốt tiết lắm rồi đây!"

Nạt vợ xong ngần ấy câu, bác leo lên giường thở hồng hộc. Hai vợ chồng vụt thành giận nhau to. Bác Nhan gái không làm gì nữa, cứ tỉ tê ngồi khóc. Nghĩ đến mấy lạng thịt và dăm củ su hào để ôi dưới bếp, bây giờ bác mới thấy tiếc cái áo của mình.

Mãi đến chiều tối mâm cơm thịnh soạn mới được làm xong. Có một đĩa thịt luộc, một đĩa su hào xào, một đĩa trứng đúc thịt và một bát canh nghi ngút khói. Mùi thơm ngào ngạt làm điếc mũi bác Nhan trai. Bác đã quên rằng mình mới tự thề là không thèm ăn thịt. Nằm trên phản, bác có ý chờ vợ đến mời dậy rửa mặt rồi ăn cơm. Nhưng đã lâu, bác chẳng thấy nó động tĩnh gì cả. Ghé đầu nhòm xuống bếp, không thấy một ai, bác đoán mụ ta đã đi mời bác Tốn. Cái Hòn cũng bế em đi chơi chưa về, thật là một dịp may để bác có thể ngồi dậy ăn thử một miếng. Bác nhỏm người lên và nhoài về phía phản gỗ. Tay bác cặp díp hai miếng su hào trắng muốt đeo theo một miếng thịt xào. Bác ngửa cổ vội vã bỏ tọt luôn tất cả vào miệng. Làm xong công việc ấy, bác lại thản nhiên nằm ngửa nhìn lên đám rui cột trên xà nhà. Hương vị thơm tho của miếng thịt làm nước dãi của bác ứa ra, lưỡi bác cong lại, bác hết đẩy sang hàm bên này lại đưa sang hàm bên kia, và giữ cho miếng thịt không trôi vội vào cổ họng. Vừa lúc ấy, có tiếng vợ và bác Tốn lao xao ở ngoài cửa. Bác Tốn nói:

"Ái chà sang nhỉ! Mùi thịt thơm lừng!"

Bác Nhan gái mỉm cười không đáp, bước lại khêu to ngọn đèn trên phản rồi trở sang đánh thức chồng. Từ nãy bác Nhan trai nằm thin thít không dám nhai. Đầu bác giấu vào hai đầu gối, chân co lại như người đang say ngủ. Cục thịt vẫn lúng búng ở trong mồm bác. Bác nghe thấy tiếng vợ mình léo nhéo bên tai:

"Dậy! Dậy! Gớm ngủ gì mà ngủ khiếp thế.”

Vừa nói bác ta vừa thò mấy ngón tay vào cạnh sườn chồng cù mấy cái. Bác Nhan trai tức cười muốn chết, cực chẳng đã, bác phải vờ cựa mình và quay lại nhìn mọi người chung quanh. Căn phòng mờ mờ tối. Ánh sáng leo lét của ngọn đèn in những cái bóng chập chờn trên vách. Bác lấy dáng uể oải ngồi dậy, hai bàn tay cố che cái miệng như vẫn còn đang muốn phồng lên vì miếng thịt.

Bác Tốn hỏi:

"Bớt ho chưa nhà ông?"

Bác định trả lời mà không sao lên tiếng được, nên tảng lờ như đang còn mải tìm đôi guốc. Tiếng bác Tốn vẫn bô bô:

"Có thịt thì phải có rượu chứ nhỉ. Nhà ông "tê" không?"

Sợ vợ gạt đi, bác vội vàng nói qua một mồm nước rãi:

"Cê!"

Nói rồi bác đi nhanh xuống nhà sau múc gáo nước rửa mặt. Bây giờ thì bác được thong thả nuốt miếng thịt của mình. Bác khua cái gáo vục vào lu nước đem ra rửa chiếu lệ rồi tất tả lên nhà. Nhìn mâm cơm thịnh soạn, bác thấy lòng mình khoan khoái, hể hả như mới nhận được một tin vui.

Trời tối hẳn. Ngọn đèn như sáng thêm ra. Mọi người không mời nhau, ăn như ngốn. Lưng chai rượu vơi đi dần dần. Bác Nhan gái nói:

"Vậy mà tính ăn thịt chuột đấy.”

Bác Tốn vỗ đùi:

"Úi chà, thịt chuột lá chanh thì số dách rồi còn gì.”

Mặt bác Nhan trai vênh lên:

"Đấy! Thấy chưa... tôi đã bảo mà. Thật phí của con chuột béo quá.”

Bác gái la lên:

"Nhưng chuột là chuột đồng cơ ông ạ. Chuột cống thì bố ai mà nuốt được.”

Bác Tốn gật gù:

"Thì tê đi rồi. Chuột là chuột đồng ấy chứ. Chó nhà gà đồng mà lị. Còn chuột cống thì có đến bố tây cũng đếch đớp được.”

Bác Nhan trai bẽn lẽn, chữa thẹn một câu:

"Thì thịt nào chả là thịt.”

"Nói như bố chó xồm ấy! Mỗi thịt một khác chứ, ví thế nào được. Mà chuột cống thì ở đâu ra? Ai bán cơ chứ?"

Bác gái giề mồm:

"Ông ấy bẫy!"

Bác Tốn chợt phá lên cười. Hai hàm răng nhe ra, lấp loáng dưới ánh sáng lung linh của ngọn đèn. Một tay bác cầm đôi đũa, một tay bác vỗ đôm đốp vào đùi bạn ngồi bên cạnh:

"Giời đất ơi! Nhà ông đi bẫy chuột cống thì bố tây cũng đếch chịu được... ấm ớ thật.”

Bác Nhan trai cố nén giận, chỉ nhếch miệng cười gượng gạo. Phải lúc khác thì bác đã đập bát cơm mà đứng dậy rồi.

Một lát sau, còn đang tìm cách gỡ mình ra khỏi cái điều xấu xa ấy thì ngoài ngõ bỗng có tiếng người đuổi nhau chạy thình thịch. Giọng Hai Hào oang oang như lệnh vỡ:

"Đứng có nàm tàng! Điên tiết ông khện cho vỡ đít!"

Rồi có tiếng Đào the thé ở đằng sau:

"Đứng lại! Có giỏi thì đứng lại khện đi! Đồ bị thịt!"

Bác Nhan gái bổ ra ngoài nhìn. Hai Hào cởi trần trùng trục chạy trước, Đào xách cái gậy của bố đuổi theo sau. Sau cùng là Phó Ngữ. Giọng lão kè nhè như mỗi lần lão đang say rượu:

"Ghè bỏ bố nó đi! Cái thứ như nó ông không chịu được biết chưa!"

Thì ra bố con nhà lão đánh đuổi gã đàn ông chạy từ đầu làng tới cuối xóm. Luồn qua được mấy cái hàng rào, kiếm được một chỗ khuất nẻo trong bóng tối, gã đứng lại nói chõ ra:

"Ghè! Ghè cái nỗ đít!"

Mọi người theo đám đuổi nhau đi ùa vào xóm trong. Bác Tốn thì bật lên cười:

"Cái thằng! Chỉ được cái đánh võ mồm là giỏi.”

Bác Nhan gái chêm vào:

"Chả võ mồm thì võ tay à! Nội cái con Đào béo như con trâu trương, mình nó cũng đủ giã cho cậu nhừ xương ra nữa là thêm thằng bố.

Rồi như còn tức tối về lần đánh nhau với Phó Ngữ hôm nào, bác nói tiếp:

"Cái thằng Hai Hào có vô phúc mục mả thì mới đâm đầu đi lấy cái của nhà ấy. Du côn du kề một thời đấy!"

Bác Nhan trai vội vàng xuýt xoa:

"Thôi mà! Mặc kệ người ta. Mình dính vào chẳng phải đầu, lại phải tai.”

Nói rồi bác gắp miếng thịt cuối cùng vào bát của mình. Mâm cơm sạch nhẵn không còn một ly. Chưa hôm nào bác được ăn một bữa đã đời như thế. Và bây giờ bác mới nhận ra sự hy sinh và tốt bụng của vợ mình. Bác tự nhủ đêm hôm nay bác sẽ nói ra với vợ điều ấy.

Nguồn: talawas.org