Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Nguyễn Huy Thiệp: Những đứa con giết cha

(Trích từ Đọc “tôi” bên bến lạ, nxb Hội Nhà Văn & Nhã Nam 2016)

Đoàn Cầm Thi

“Không có người cha tốt. Đó là qui luật.

Jean-Paul Sartre

clip_image001

Có thể gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn về gia đình. Thế gian, lịch sử, thời đại,… những đề tài “lớn” đều được nhà văn lồng vào khung cảnh của đơn vị xã hội nhỏ nhất đó. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp, khi chuyển truyện ngắn Không có vua sang kịch nói, đã gọi tác phẩm mới là “Gia đình”. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp luôn được đặt lên cán cân của các mối ràng buộc hôn nhân và huyết thống: đạo vợ chồng, nghĩa huynh đệ, tình phụ tử. Đặc biệt, quan hệ cha con – một trong ba quan hệ nền tảng của đạo đức truyền thống Việt Nam – được Nguyễn Huy Thiệp quan sát, phân tích, mổ xẻ không khoan nhượng trong hầu hết tác phẩm của mình.

1. Công cha như núi Thái Sơn?

Phải nói ngay rằng, tình mẫu tử dường như không lôi kéo được sự quan tâm của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu đúng là Nguyễn Huy Thiệp có viết một truyện ngắn mang tên “Tâm hồn mẹ”, thì như một sự trào lộng, người mẹ lại hoàn toàn vắng mặt. Nhân vật chính, thằng bé Đăng mồ côi, chỉ giữ được vài kỷ niệm vô cùng hoang sơ về người đã sinh ra nó. Trong Tướng về hưu bà Thuấn mắc bệnh tâm thần, còn trong Tội ác và trừng phạt bà mẹ bị mù. Không có vua cực đoan hơn cả bởi lão Kiền, chủ gia đình, goá vợ.

Trong khi hình ảnh người mẹ gần như mờ nhạt, thì người cha lại chiếm vị trí trung tâm trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết vào những năm cuối thập niên 1980 (Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu, Tội ác và trừng phạt). Các nhân vật người cha, dù là ông tướng, là thợ sửa xe, là nông dân, đều có một mối quan hệ kỳ lạ với những đứa con của mình. Dẫu không thiếu yêu thương, tình phụ tử thường mang nhiều trách móc, tranh chấp, thậm chí hận thù. Các ông bố của Nguyễn Huy Thiệp coi kẻ “nối dõi” mình là kẻ hèn nhát (Tướng về hưu), mắng mỏ tàn nhẫn con trai, nhìn trộm con dâu tắm (Không có vua), hiếp con gái (Tội ác và trừng phạt).

Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình là đề tài thường trực của văn học hiện đại và đương đại Việt Nam. Trong tiểu thuyết Việt những năm đầu thế kỷ 20, nơi cá nhân bắt đầu nổi dậy chống sự kìm kẹp của bộ máy gia đình, các nhân vật vẫn phải hy sinh hạnh phúc riêng để tròn đạo làm con. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách mô tả Đạm Thủy, một trí thức trẻ Hà thành, đã từ chối người mình yêu để chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Điều đáng ngạc nhiên là, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây, Đạm Thụy không mảy may lên án luân lý Khổng giáo. Lá ngọc cành vàng vẽ chân dung một người cha, vì mù quáng tôn thờ “danh dự gia đình” (thực ra là tiền bạc và quyền lực), đã kiên quyết chà đạp mối tình của con gái với một chàng sinh viên nghèo. Và Nguyễn Công Hoan, cũng như Hoàng Ngọc Phách, không có giải pháp nào khác ngoài cái chết đau đớn của nhân vật nữ. Vài năm sau, trong tự truyện Những ngày thơ ấu, với một thái độ thành thực hiếm có, Nguyên Hồng vẽ lên chân dung cha mình như một kẻ đớn hèn độc ác. Tuy nhiên, chú bé Hồng, dù cảm thấy “uất ức căm giận”, vẫn nằm in chịu trận dưới ngọn roi của kẻ sinh thành.

Trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái nhìn có vẻ cách mạng hơn: những ông bố “phong kiến” thường bị xếp vào dòng nhân vật phản diện và bị xung quanh lên án. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn giữa các thế hệ thường được nói đến, thì vai trò của người cha lại chưa bao giờ bị phủ định. Các tác phẩm thường kết thúc bằng một bức tranh gia đình hòa giải, bình yên, vì đó chính là cái mà nền văn học này tìm kiếm: sự trật tự. Đương nhiên, vốn tận tụy phục vụ lý tưởng, không tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào dám hô hào cá nhân nổi loạn, dù chỉ để chống lại kẻ sinh thành. Tóm lại, từ đạo Khổng đến chủ nghĩa Mác-Lê, các hệ thống giá trị của Việt Nam, cũ hay mới, dù khác nhau đến mấy, đều thống nhất ở một điểm: bảo vệ vị trí của người cha trong gia đình, coi đó là nhân tố ổn định xã hội.

Về phương diện này, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã đi rất xa, không chỉ đơn thuần là lời lên án hệ thống phụ quyền. Trong ba truyện ngắn Tướng về hưu, Không có vuaTội ác và trừng phạt, các nhân vật chính là những kẻ giết cha, như thể bậc sinh thành đang trở thành một loài cần tuyệt chủng và đao phủ chính là những đứa con của họ. Những đứa con hoặc sẽ âm thầm loại trừ cha, dù mong mỏi đó có lẽ chỉ là vô thức (Tướng về hưu), hoặc sẽ biểu quyết giết cha - “Ai đồng ý bố chết giơ tay” (Không có vua), hoặc sẽ lấy rìu bổ vào đầu cha (Tội ác và trừng phạt). Chưa hết, Tuân, cháu ông tướng trong Tướng về hưu, cầm dao dọa đâm bố. Tác giả dường như bị thôi miên bởi thứ tội ác tày đình này. Hai thập kỷ sau, trong Tuổi hai mươi yêu dấu, tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn danh tiếng hiện lên dưới con mắt của đứa con trai du thử du thực như một “người cha xấu”. Cuối truyện, lúc người cha từ giã cõi đời cũng là khi đứa con trai trưởng thành, như thể chỉ cái chết của ông mới mang lại chút ý nghĩa cho tình phụ tử.

Vậy Nguyễn Huy Thiệp muốn nói gì khi mô tả hàng loạt những tội ác này? Đâu là thái độ thực sự của tác giả? Ở phía những người cha bị sát hại hay ở phía những đứa con bất hiếu? Có tồn tại mối liên quan nào giữa sự rối loạn của gia đình và sự bất ổn của xã hội? Đó là những câu hỏi mà bài viết này sẽ cố gắng giải đáp, thông qua việc khảo sát những ràng buộc phức tạp giữa văn học, đạo đức, chính trị và kinh tế trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

2. Lời của những đứa con

Trước hết, cũng như nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưuKhông có vua ngay từ tựa đề, đã mang một thông điệp nhiều ý nghĩa trong một đất nước như Việt Nam, nơi văn hoá Khổng giáo đã đưa người cha lên vai trò hàng đầu, nơi chinh chiến triền miên đã biến quân đội thành một nhà nước trong nhà nước. Tướng về hưu là cuộc trở về sau 50 năm vào sinh ra tử của tướng Thuấn. Nhìn con trai và con dâu, trong cuộc cơm áo gạo tiền, bàn bạc toan tính đến mất cả lương tâm, ông không khỏi cảm thấy “lạc loài”: Thủy, người con dâu, là bác sĩ phụ sản, dùng “rau bà đẻ” nuôi chó cảnh đem bán làm giàu. Không có vua cũng là sự đổ vỡ đạo đức vì miếng cơm manh áo trong một gia đình bình dân Hà Nội những năm bao cấp: anh em Khảm và Đoài toàn người có học, bàn mưu lấy vợ giàu để “xóa đói giảm nghèo”, nhưng không ai tin ai nên khi Đoài nói sẽ thưởng nếu Khảm mối lái thành công, Khảm đòi Đoài viết “mấy chữ làm bằng”.

Trong cả hai tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đều đặt gia đình trong mối tương quan giữa kinh tế và dân số học. Ta biết rằng năm 1985 - 1987, vào thời điểm xuất hiện các truyện ngắn này, Việt Nam với tổng số 60 triệu dân, phải gánh tới 27 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Nền kinh tế quốc doanh cộng với hai cuộc chiến, chống Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở phía Nam, làm cho kinh tế càng thêm trầm trọng. Chưa kể Mỹ cấm vận và gần như cả thế giới tư bản bỏ rơi. Với thu nhập khoảng 100 đôla trên đầu người một năm, Việt Nam lúc đó là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bình tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Hai truyện ngắn Tướng về hưuKhông có vua, vì vậy, phản ánh nỗi lo âu của mỗi gia đình Việt Nam trong buổi thóc cao gạo kém: muốn tồn tại, nó buộc phải duy trì một số lượng thành viên không đổi. Trong Không có vua, cuộc sống của đứa con Sinh phải đổi bằng hai cái chết: của lão Kiền và cậu Vỹ. Nếu dòng trên thông báo “triệu chứng có thai” của Sinh, thì dòng dưới viết: “Lão Kiền ốm”. Trong cùng một câu, người ta đọc: “Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái”. Tướng về hưu cũng được xây dựng trên một sơ đồ tương tự: một sự sinh (đứa cháu gái mới đẻ của ông tướng) và hai sự chết (của mẹ và của cha).

Luân lý Khổng giáo, qua “Nhị thập tứ hiếu”, răn rằng trong những ngày đói kém, Quách Cự và vợ phải chôn sống con trai để dành bát cơm duy nhất nuôi mẹ già (vị mẫu mai nhi). Nhà nước Việt Nam đương thời khẳng định sinh đẻ kế hoạch là điều kiện để dân giàu nước mạnh. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề ngược lại: người già chết đi dành chỗ cho con trẻ, đó phải chăng không là một giải pháp[1]?

Nhưng trên hết, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là những câu hỏi về thế gian, về thời gian, cuộc sống, cái chết. Qui luật mà Nguyễn Huy Thiệp quan tâm nhiều nhất, là quy luật của tự nhiên. Không có vua gồm nhiều “chương”, chỉ các thời điểm khác nhau trong ngày (chương 2 “Buổi sáng”, chương 4 “Buổi chiều”, chương 6 “Buổi tối”). Cuộc sống luân phiên chảy, nhưng có chu kỳ, được đánh dấu bằng các sự kiện không ngừng lặp đi lặp lại: “Ngày giỗ” (chương 3), “Ngày Tết” (chương 5). Trong truyện ngắn vỏn vẹn 30 trang này, người ta tham dự vào những thời điểm quan trọng nhất của vòng sinh tử: đám cưới, sinh con, hấp hối, chết, giỗ, Tết.

Ở đây, cuộc sống quyết định cái chết, hay nói đúng hơn, cái chết làm nảy sinh sự sống. Sự tiếp nối này làm cho cái chết (của cha của mẹ) vừa là một bất hạnh vừa là một giải thoát, cho người ra đi và cho người ở lại. Trong Tướng về hưu, ở đám ma ông tướng về, con dâu và em trai ông bàn tán cảnh đẹp bên đường. Sau đó, con trai ông nói: “Nếp sống của gia đình tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu”. Chẳng phải nhờ có cái chết của tướng Thuấn mà con trai ông đã cầm bút viết văn? Trong Không có vua, một trăm ngày lão Kiền mất, đám con ông làm tiệc mừng đứa trẻ mới sinh. Nhận được điện thông báo ông cậu vừa từ trần, Đoài bảo: “Các bác già chết đi có gì là lạ?”. Cái chết của lão Kiền cho phép đám con lão nói đến ngày mai: “Cuộc sống dù khỉ gió nhưng vẫn đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó”. Có lẽ đây là một trong những suy nghĩ táo bạo nhất của Nguyễn Huy Thiệp, ở những năm đầu hăm hở công phá của anh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp thường cho người con quyền phát ngôn. Tướng về hưu được viết ở ngôi thứ nhất: chuyện tướng Thuấn hoàn toàn do con trai ông kể lại theo cảm quan cá nhân, không bao giờ chúng ta được biết ông thực sự nghĩ gì. Không có vua dành nhiều chỗ cho đối đáp của Đoài, đứa con đòi biểu quyết giết cha. Đoài là kẻ khốn nạn, nhưng lại là nhân vật được Nguyễn Huy Thiệp chăm chút nhất. Tên Đoài xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm (116 lần), trên cả lão Kiền, Sinh, Tốn, Khảm, Khiêm. Những nhận xét của Đoài thường thông minh, hài hước, sắc sảo. Tội ác và trừng phạt cho cô con gái kể lại từng chi tiết cuộc hành quyết ông bố loạn luân, và để nói về kẻ sinh thành ra mình, cô dùng từ “ông ấy. Khi câu chuyện mở ra thì ông ta đã bị sát hại, và người đọc không bao giờ được nghe một lời của nhân vật này. Chưa hết, nhân vật người kể chuyện của Tội ác và trừng phạt dùng những dòng thương cảm nhất để khép lại câu chuyện của nữ tội nhân mà anh ta đã đến thăm tận trại giam, lắng nghe lời kể của cô, cảm thông với cô. Nếu Đoài của Không có vua và Thuần của Tướng về hưu không bao giờ được mô tả về hình thức, thì cô gái này có một gương mặt một giọng nói cụ thể, gợi nhiều thương cảm: “Trước mặt tôi là một cô gái 16 tuổi… Cô phạm một tội rất nặng”. Cuối cùng, anh ta đọc bên mộ cô một bài tụng “vô tường” của Lục tổ Huệ Năng. Như để tiếp lời cho kẻ giết cha, mang lại sự sống mới cho cô, dẫu cô đã ở trong cõi chết. Và đây cũng là một tác phẩm mang nhiều tính tự truyện nhất của Nguyễn Huy Thiệp: nhân vật xưng “tôi” này tự nhận là nhà văn đã sống nhiều năm tại các tỉnh miền núi – “Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời…. Hơn bao giờ hết, Nguyễn Huy Thiệp nói “tôi” để công khai đứng về phía kẻ giết cha.

Viết về tội ác và ý nghĩa của sự trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp rõ ràng thừa nhận ảnh hưởng của Dostoïevski. Không những cho truyện ngắn của mình mang tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp còn chọn một tuyên ngôn của ông làm đề từ – “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Tương tự, câu chuyện năm anh em trai biểu quyết giết cha, với chủ đề bạo lực và loạn luân trong Không có vua không thể nào không làm ta nhớ đến Anh em nhà Karamazov.

Tuy nhiên, dường như Nguyễn Huy Thiệp từ chối quan điểm của Dostoïevski khi anh tìm cách lý giải tội ác. Nếu quả thật trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi đắng cay về thời đại và thế sự, thì qua những suy nghĩ về mối giao hoà giữa tự nhiên và cõi người, về sự sống và cái chết, tác giả dường như muốn đạt tới một cái nhìn tổng quát hơn về nhân gian: không có “thay đổi” cũng không có “cách mạng”, cuộc sống không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Đó là sự chuyển hoá không ngừng giữa đêm và ngày, giữa đông và hè, giữa tĩnh và động, là sự cân bằng giữa thiện và ác, giữa âm và dương.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vì vậy gần với những suy nghĩ của François Jullien về sự luân chuyển trong trời đất, khi ông phân tích Vương Phu Chi, triết gia Trung Hoa thế kỷ 17: “Sinh và tử trao đổi với nhau, cái chết tiếp tay cho cuộc sống, luôn là khởi điểm của sự sống hoặc “Nếu sự luân chuyển có tính tuần hoàn, nó đối lập với sự lặp lại cằn cỗi: chính nó cho phép thời cuộc tiếp tục[2].


[1] Vấn đề này cũng được đặt ra trong nhiều xã hội bị cái đói đe doạ. Bộ phim Bài ca Narayama của Nhật (giải thưởng Cành cọ Vàng tại Cannes năm 1983) kể rằng trong một làng nghèo hẻo lánh nước Nhật, người dân có tục đem người già bỏ vào núi, vì họ trở nên “vô dụng”. Tục bỏ rơi người già cũng được dân Esquimaux (tộc Thulé) coi như một phương cách để điều hoà dân số (xem Jean Malaurie, Les derniers rois de Thulé, Plon, Col. Terre humaine, 1976).

[2] François Jullien, Procès et création. Une introduction à la pensée chinoise, Le Livre De Poche, coll. Biblio Essais, 1997, tr. 65 và 27. Nhiều tác phẩm của François Jullien đã được dịch ra tiếng Việt, ví dụ: Xác lập cơ sở cho đạo đức (Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Đà Nẵng, 2000), Bàn về tính hiệu quả (Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Đà Nẵng, 2002).