Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 15)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XIX

NGƯỜI CÁ PAKHA VÀ TIẾNG NỔ RỀN DƯỚI THÁC KHONE

Ordinary life goes on – that has saved many a man’s reason

Graham Greene, 1955, The Quiet American

CH 19_ Dân Lào phản đối xây đập Xayaburi

Dân Lào phản đối xây đập Xayaburi

Sau những ngày tết Pimai và những ngày Luang Prabang không thể nào quên, Cao hẹn gặp lại tiến sĩ Cham Sak ở Done Khong nơi dưới thác Khone.

Cao sẽ không thể nào hiểu được sự phong phú về cá và sinh cảnh thực vật của con sông Mekong nếu không biết thêm được lịch sử hình thành của con sông ấy.

Cao nguyên Tây Tạng có từ khoảng hơn một trăm triệu năm trước do sự va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên một địa hình nổi bật là dãy Himalayas và cả vùng cao nguyên Trung Á.

Riêng con sông Mekong chỉ mới được hình thành vào thời kỳ Pleistocene giữa khoảng 1.6 triệu và 10 ngàn năm trước đây thôi. Con sông như hiện nay bao gồm 4 khúc sông thuộc các con sông khác do những cơn địa chấn làm di chuyển những khối đất tạo thành. Một khúc sông Chao Phraya khi chảy tới vị trí tỉnh Chiang Rai bị “chụp bắt – captured” vào con sông Mekong và dần dà tạo nên lưu vực trên của con sông.

Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ được hình thành trong khoảng 10 ngàn năm trở lại đây từ đáy Biển Đông do chất sắt trong phù sa của sông Mekong hợp với chất sulphur trong nước biển tạo nên hợp chất pyrite cứ thế bồi đắp dần cho tới khi nhô lên khỏi mặt biển và hàng năm tiếp tục được phù sa phủ dày lên.

Riêng Biển Hồ mới được thành hình từ 5700 năm trước do nền đất bị xụp và lún sâu xuống so với mặt biển.

Chính do từ những con sông khác nhau hợp thành đã giải thích tại sao các loài cá và hà sản của con sông Mekong lại phong phú đến như vậy.

Đâu là nguồn của con sông Mekong. Cách đây hơn 130 năm khi đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier khởi hành từ Sài Gòn_ lúc đó là thuộc địa mới của Pháp, ngược dòng sông Mekong để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa; các tin tức có được lúc đó chỉ giúp họ đoán biết mơ hồ là con sông ấy phát nguyên từ Tây Tạng. Cuộc hành trình đầy gian khổ và dòng dã suốt hai năm 1866-1868 nhưng rồi cũng phải bỏ dở dang vì cái chết của Doudart de Lagrée trưởng đoàn khi họ chỉ mới tới được tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Năm 1894, ba mươi năm sau, một đoàn thám hiểm Pháp khác do Dutreuil de Rhins cùng bạn đồng hành Joseph-Fernand Grenard rời Paris qua Samarkand, xuyên qua vùng Turkestan thuộc Nga rồi vào Trung Quốc trước khi đi về hướng nam tới Ladakh rồi lại ngược về hướng bắc, ngang qua sa mạc Taklamakan theo con Đường Tơ Lụa – the Silk Road rồi bằng một chặng đường rất quanh co trước khi vào được cao nguyên Tây Tạng. Họ được coi như đã tới gần nguồn nhất của con sông Mekong nhưng định mệnh dành cho Dutreuil de Rhins thật bi thảm, ông bị các dân làng Khamba bắn chết trong cuộc tranh cãi mất ngựa. Riêng Grenard sống sót về tới Paris, tuyên bố đã tìm ra thực nguồn con sông Mekong nhưng đã không đưa ra được chi tiết chính xác.

Năm 1910, trong bộ Encyclopaedia Britannica nổi tiếng thế giới xuất bản lần thứ 11 khi đề cập tới con sông Mekong chỉ viết: “Nguồn gốc con sông ấy chưa thực sự được giải quyết, nhưng phỏng chừng phát xuất từ sườn dốc của ngọn Dza-Nag-Lung-Mung trong khoảng 33 độ Bắc, 93 độ Đông”. Và như vậy cho tới thập niên 50 của thế kỷ 20 đầu nguồn của con sông Mekong vẫn còn là một bí nhiệm.

Tới năm 1992, ký giả Thomas O’Neil và phóng viên nhiếp ảnh Michael S. Yamashita báo National Geographic tới Tây Tạng được dân du mục dẫn đường lên tới Zadoi cao khoảng 4600m trên mặt biển vùng xa nhất của con sông Dza Chu_ tên Tây Tạng của sông Mekong, và tưởng cũng đã tìm ra thực nguồn của con sông “nơi phía sau nhọn núi thiêng – nơi có con rồng Zjiadujiawangzha là vị thần linh bảo vệ cho nguồn nước an lành ... Chúng tôi di chuyển nơi phía sau ngọn núi và thấy một dải băng tuyết dài khoảng 300 thước Anh, hình thù như chiếc đồng hồ cát. Nghiêng cúi xuống mặt nước đá, tôi nghe thấy tiếng chảy róc rách: đó là những âm tiết đầu tiên của con sông Mekong và tôi cũng khám phá ra rằng tôi và Mike là những nhà báo Tây phương đầu tiên nghe được những âm thanh ấy”. Không có tọa độ được xác định và cả không có tên ngọn núi thiêng ấy trên bản đồ. Tuyên bố tìm ra nguồn sông Mekong của hai ký giả National Geographic cuối cùng chỉ là một huyền thoại.

Thực sự phải chờ tới ngày 17 tháng 9 năm 1994 – một thời điểm lịch sử của con sông Mekong, khi có đoàn khảo sát Anh Pháp với Michel Peissel leo tới đỉnh đèo Rupsa lần đầu tiên xác định được điểm khởi nguồn – Where Beginning Ends của con sông Mekong nơi trung tâm hoang vắng nhất của cao nguyên Trung Á ở cao độ 4975m trên mặt biển và xa khu dân cư hàng trăm cây số và quan trọng hơn cả Michel Peissel là người đầu tiên đã xác định được tọa độ chính xác: Vĩ độ 33 độ 16’ 534 Bắc, Kinh độ 93 độ 52’ 929 Đông. Từ nay bất cứ lúc nào và ở đâu trên bất cứ tấm bản đồ nào của thế giới, người ta cũng có thể xác định được vị trí khởi nguồn con sông Mekong bằng mấy con số trên.

Michel Peissel đã ghi lại những dòng cảm tưởng: “Đây mới chính là địa lý và thám hiểm. Chỉ vài con số nhỏ ấy mà bao nhiêu đấu tranh – bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi đã đổ ra kể từ 1866 như mục tiêu đề ra của Ủy Ban Sông Mekong trong Hội Địa Dư Pháp ... Hai mươi lăm năm sau khi con người đã đặt chân lên mặt trăng, thì đây là lần đầu tiên chúng ta ghi nhận được cội nguồn của con sông lớn thứ ba của Châu Á”.

Cho tới giữa thế kỷ 20, ảnh hưởng của cư dân sống hai bên bờ con sông ấy phải nói là không đáng kể. Con sông Mekong vẫn còn nguyên vẻ hoang dã. Từ các phụ lưu như con sông Nam Ou bắc Luang Prabang xuống tới các con sông Sekong, Sesan đông bắc Cambốt tất cả gần như vẫn còn trinh nguyên. Các khu rừng lũ _ prey lik tuk / flooded forests từ con sông Song Khram đông bắc Thái Lan xuống Biển Hồ sang tới vùng trên của châu thổ sông Cửu Long hầu như còn nguyên vẹn. Chỉ mới từ những thập niên 50 trở lại đây thôi, tình hình hầu như hoàn toàn đổi khác, con sông Mekong đã suy thoái với một gia tốc đến chóng mặt.

Đường xuống See Pan Done – Thác Khone hay Tứ Thiên Đảo ở phần cực nam của Lào là một khúc sông Mekong đầy ghềnh thác cuộn sóng trước khi con sông trải ra hiền hòa chảy vào lãnh thổ Cambốt. Đây là phần hết sức kỳ lạ của con sông Mekong. Ngay dưới chân thác là một quần thể phong phú nhất về cá, những loài cá nước ngọt không chỉ của Đông Nam Á mà phải nói là của cả thế giới nữa, chưa kể tới những tôm cua rùa ốc và cả rong tảo cũng là nguồn protein của cư dân sống trong lưu vực dưới sông Mekong.

Sự thay đổi cao độ đột ngột của các con thác có nơi cao tới 21 mét gồm 9 con thác chính và khoảng 30 khe lạch và cả rất nhiều những vũng sâu như một thiên đường cho cá làm tổ và sinh đẻ. Từ tây sang đông thác Khone có nơi rộng tới 14km, khúc trải rộng nhất của toàn thể chiều dài con sông Mekong chảy qua suốt bảy quốc gia – trong đó có quốc gia Tây Tạng.

Vào mùa mưa thì con sông tràn bờ đổ vào những khu rừng lũ mênh mang với nước ngập tới ngọn cây cao tới 20 mét.

Đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier đã phải kinh ngạc khi đối diện với thác Khone. Trước đây họ cũng đã nghe nói tới thác Khone mà họ tưởng tượng như một thác Niagara của Châu Á, nghĩa là một thác nước duy nhất trút xuống từ trên cao. Nhưng rồi thực tế trước mắt họ chẳng hề có một Niagara mà chỉ có một chuỗi những ghềnh thác trải dài suốt 12km đan móc vào nhau. Cảnh tượng thì hùng vĩ và ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ vào các ghềnh đá sủi bọt tung tóe. Sức mạnh của con nước có thể thấy từ chân thác với xác chết của cá và cả cá sấu từ trên cao bị nước cuốn đập vào khe đá. Rõ ràng sau con ghềnh Sambor ở Miên, thì thác Khone là một trướng ngại thiên nhiên mà họ biết chẳng một tàu bè nào có thể vượt qua.

Francis Garnier đã ghi lại trang hồi ký: “Nơi đó, giữa những khối đá và các hòn đảo xanh là cả một dòng nước lớn khổng lồ từ cao hơn 20 mét như cơn lũ trút xuống và sủi bọt để rồi sau đó lại tiếp tục đổ xuống từ vách đá này tới vách đá khác cho tới khi trườn khuất vào một rừng thảo mộc rậm rạp và xanh um. Nơi đây khúc sông trải rộng tới cả ngàn thước Anh, luôn luôn gây những ấn tượng thật mạnh mẽ”.

Cho dù con sông Mekong chẳng thể là một thủy lộ giao thương với Trung Hoa nhưng với Francis Garnier với biệt danh là Mademoiselle Bonaparte_ thì đó vẫn là “một chướng ngại phải vượt qua – l’obstacle à vaincre” một thách đố cũng giống như cuộc thám hiểm xuống Nam Cực hay leo lên đỉnh núi Himalayas vậy.

Thác Khone từng được ví như một phòng thí nghiệm thiên nhiên lý tưởng, một thế giới vi mô – microcosm của toàn thể hệ sinh thái con sông Mekong, để cho các nhà sinh học và ngư học_ ichthyologist nghiên cứu. Do tầm quan trọng độc nhất vô nhị ấy khiến tiến sĩ Mark Hill đã kêu gọi bằng mọi giá phải bảo vệ sự toàn vẹn của vùng thác Khone trong những kế hoạch phát triển và xây các đập thủy điện trên suốt dọc con sông Mekong.

Mực nước sông Mekong cao nhất khoảng giữa tháng 9 và tháng 10, rõ rệt nhất là nơi vùng dưới thác Khone giữa biên giới Lào và Cambốt, nước sông mùa lũ cao hơn 15 mét so với mùa khô. Riêng tại Kratie phía bắc Cambốt nơi con sông Sesan phát xuất từ cao nguyên trung phần Việt Nam đổ vào sông Mekong mực nước có khi cao hơn 20 mét. Còn phải kể thêm các phụ lưu khác như sông Kong, San Srepok, và Krieng.

Chu kỳ thay đổi mực nước theo mùa của con sông Mekong đã được Walter Rainboth nhận xét là “độc nhất vô nhị so với bất cứ con sông lớn nào trên thế giới”.

Ban đầu chỉ là mối quan tâm nhưng không biết từ lúc nào con sông Mekong ấy đã trở thành nỗi ám ảnh và như một tình yêu lớn của Cao. Thường gặp anh ở những địa danh khác nhau của con sông Mekong, khiến tiến sĩ Cham Sak người bạn Thái Lan của Cao đã bảo đùa:

-- Sau cá Pla Beuk tới cá Dolphin, đã có lúc người ta quên hẳn anh là một kỹ sư trưởng đang trách nhiệm điều hành các công trình thiết kế lớn ở Mỹ.

Auberge Sala Done Khong. Đã được tiến sĩ Cham Sak chu đáo giữ chỗ trước, Cao và Bé Tư được xe đưa tới thẳng khu lữ quán. Nguyên là nhà khách của ngoại trưởng, trên đảo Don Khong – một trong hai hòn đảo chính của vùng thác Khone. Tòa nhà kiến trúc bằng gỗ tương đối đủ tiện nghi nhất trong vùng nam Lào, nhà tắm có nước nóng khu vệ sinh sạch sẽ và có máy phát điện riêng chạy từ chiều cho tới nửa đêm. Sau đó là ánh sáng thơ mộng – dĩ nhiên là bất đắc dĩ, của đèn nến trên một xứ sở từ lâu được vinh danh là Kuwait-thủy-điện của vùng Đông Nam Á.

Đặc biệt nhất là họ được dành cho căn phòng với bao lơn nhìn ra con sông Mekong. Ngày đầu tiên được bà chủ lữ quán dọn cho mấy món ăn Lào tuyệt hảo, món đặc sản mok pa – cá hấp lá chuối rồi tới món cá chưng nước dừa và cả món gà tơ sào gừng.

Cham Sak kể lại là vào đầu thập niên 90, tin kinh khủng nhất là một dự án được quảng cáo rầm rộ nhằm xây một khách sạn lớn 5 sao với 300 phòng và sòng bài kiểu Las Vegas với cả sân Golf tại chân thác Khong Phapheng gần Don Khone, lại có thêm đường bay nhỏ và sân trực thăng cùng với một xa lộ lên tới Pakse qua Ubon Ratchathani Thái Lan. Lý do gần gũi nhất vì đây là nơi sinh của thủ tướng Khamtay Siphandone, ông ta tha thiết muốn xây dựng và canh tân quê mình.

Dân làng thì hân hoan coi tin ấy như một đặc ân vì sẽ hấp dẫn thêm du khách thêm công ăn việc làm nhưng ngược lại với Cham Sak, Baird và các nhà bảo vệ môi sinh thì đó sẽ là một thảm họa cho hệ sinh thái của vùng thác Khone.

Cũng theo tiến sĩ Cham Sak thì điều may mắn là trong cuộc Đại hội Đảng Cộng sản Lào năm 1996, Khamtay bị mất chức vì có liên hệ quá chặt chẽ với giới doanh thương Thái Lan.

Cham Sak nói:

-- Chuyện chỉ có vậy mà cũng được người ta giải thích đó như một thắng lợi về phía Việt Nam – tiếp tục một truyền thống các vua triều Nguyễn trong tranh giành ảnh hưởng giữa hai nước Xiêm La và Việt nam trên xứ Lào.

Đây là lần đầu tiên được gặp Ian Baird – người mà bấy lâu Cao chỉ “văn kỳ thanh”, Baird người Gia Nã Đại từ nhiều năm tình nguyện sang sống ở Lào và từ 1993 trực tiếp điều hành một dự án ở Nam Lào – Laos Community Fisheries and Dolphin Protection Project với ngân khoản vỏn vẹn chỉ có 60 ngàn đôla mỗi năm để kết hợp 63 làng xã trong vùng nhằm vận động bảo vệ loài cá Dolphin đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nhưng xa hơn là phát triển một nền ngư nghiệp bền vững – sustainable fishing vì ai cũng biết “lúa và cá” là xương sống của nền kinh tế lưu vực sông Mekong.

Baird đã rất có lý khi chọn cá Dolphin như “một chủng loại quan trọng – flagship species” với hy vọng không chỉ cứu nguy cho giống cá này mà chính là để bảo vệ cho hơn một ngàn giống cá khác còn sống sót trên con sông Mekong. Vì cá Dolphin sống ở cả hai phía biên giới Lào Cam Bốt một số rất ít ở Việt Nam và thử thách khó khăn nhất là tình trạng vô luật pháp bên Cam Bốt.

Những con cá Dolphin trên sông Mekong. Dolphin thuộc họ cá voi loài cá có vú – aquatic mammals, người Lào gọi là Pakha – nhân ngư, người dân đồng bằng sông Cửu Long gọi là cá nược hay cá heo. Da cá có màu xám xanh óng ánh kim loại và đẹp mượt mà, mỗi con dài trung bình khoảng từ 2.5 tới 2.8 mét cân nặng tới 200kg , chung sống từng cặp “như vợ chồng” theo từng nhóm từ 8 tới 10 con, sống lâu tới 50 năm, có thể bơi nhanh với tốc độ hơn 40km chẳng thuyền bè nào có thể đuổi kịp. Chu kỳ mỗi hai năm cá Dolphin mang thai 9 tháng và sau đó sinh con – chứ không phải đẻ trứng như mọi loài cá khác. Giai thoại khi cá Dolphin đẻ có cô mụ tới đỡ giống như người. Chúng ăn cá và săn mồi với bộ phận siêu âm đặc biệt phía trước trán bằng cách phóng ra những sóng âm và đón nhận âm phản hồi để xác định rất chính xác vị trí con mồi ngay trong môi trường nước rất đục phù sa của con sông Mekong.

Theo các chuyên viên ngư học thì cá Dolphin nước mặn sống dọc theo vùng ven biển phía bắc Úc Châu cho tới vịnh Bengal Ấn Độ. Riêng loại cá nước ngọt Irrawady Dolphin – lần đầu tiên 1738 được phát hiện trên con sông Irrawady thuộc Miến Điện, có tên khoa học Orchaella brevirostris – cá voi mõm ngắn thì càng ngày càng trở nên khan hiếm trong vùng Đông Nam Á, hầu như chỉ còn trên sông Mekong. Loại cá Dolphin này đã hoàn toàn tuyệt chủng trên sông Chao Phraya ở Thái Lan từ mấy thập niên qua khi con sông ấy đã trở thành một thứ cống rãnh phế thải kỹ nghệ và nông nghiệp. Hoàn cảnh cũng không khá hơn gì đối với con sông Dương Tử Trung Quốc, sông Amazon Brazil và sông Hằng Ấn Độ. Những con cá Dolphin còn sống sót trên sông Mekong luôn luôn có thể bị nguy cơ nghiền nát bởi các bè gỗ khổng lồ do các công ty phá rừng chuyển gỗ trên sông. Lại thêm những con đập lớn phá hủy môi trường sống của các bầy cá Dolphin: nước thì cạn hơn trong mùa khô và cả ô nhiễm hơn do nguồn thủy điện kéo theo bước phát triển các khu kỹ nghệ và nhà máy.

Có nhiều cổ tích khác nhau về cá Dolphin. Truyện do các cụ già kể lại là thuở rất xa xưa có một cô trinh nữ thật xinh đẹp bị cha mẹ ham giàu có mà cưỡng ép gả cho một con trăn đất bẩn thỉu và xấu xí khiến cô gái tuyệt vọng phải tự vẫn gieo mình xuống dòng Tonle Thom – tên Khmer của sông Mekong nhưng cô không chết mà lại biến thành con cá Dolphin.

Một giai thoại khác thì kể rằng ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng kia cùng nhau đi mảng xuôi dòng Mae Nam Khong – tên Lào của sông Mekong, họ đem theo cả bày gia cầm: một con gà, một con vịt, một con ếch và cả một con công. Khi con mảng tới gần vùng nước xoáy chảy xiết của thác Khone thì cả đám gia cầm đều sợ hãi và kêu toáng lên. Con gà thì cục tác cục tác kêu dừng lại, con vịt vốn quen lội nước mà cũng kêu quạc quạc đòi lên bờ, cả chú ếch cũng ộp oạp đòi ra khỏi mảng. Duy chỉ có mỗi con công thì vẫn giữ vẻ cao ngạo bất cần hô plaew wong, plaew wong _ tiến tới cứ tiến tới, mà công lại là con vật đẹp đẽ đầu đàn nên được cặp vợ chồng nghe theo và con mảng cứ tiến tới con thác. Và cái gì phải xảy tới đã tới, cả con mảng bị cuốn vào dòng nước xoáy và bị nhận chìm. Không một ai sống sót. Riêng cặp vợ chồng ăn ở hiền lành ấy thì sau đó được tái sanh: người chồng biến thành con chim Nhạn bay lượn trên sông, còn người vợ thì biến thành con cá Pakha; cả hai luôn luôn gần gũi nhau và chẳng bao giờ hại người ta cả.

Cũng con cá Dolphin nhân ngư ấy, tiến sĩ Cham Sak cách đây 4 năm ở Vạn Tượng nơi khách sạn Lan Sang nhìn ra sông Mekong, đã kể cho Cao nghe một giai thoại khác nữa. Các ông già bà cả thường kể lại rằng thuở rất là xa xưa khi cả hai nước Tàu và Việt bị trận động đất thật khủng khiếp sau đó là thiên tai bão lụt nên họ bị chết hết cả. Người Tàu thì tái sinh thành cá Pakha, người Việt thì thành loài giang Nhạn. Tới khi trời yên biển lặng thì cá Pakha gặp giang Nhạn, chúng hỏi han nhau. Giang Nhạn nói: “Tôi sinh ra từ kiếp người nên không bao giờ hại người ta cả.” Nhân ngư cũng bảo: “Tôi cũng vậy sinh ra từ kiếp người nên chỉ biết cá cứu người ta thôi.”

Và giai thoại nào thì cũng kể là cá Pakha luôn luôn giúp ngư nhân trong mùa chài lưới, cứu người chết đuối, ly kỳ hơn là cứu cả nạn nhân thập tử nhất sinh đã bị ngậm trong hàm cá sấu.

Nhưng bây giờ thì chính con người bằng cách này hay cách khác đang tàn hại loài cá Dolphin.

Hướng về Ian Baird, tiến sĩ Cham Sak đưa ra một cái nhìn toàn cảnh:

-- Cũng giống như cá Pla Beuk, số phận của những con cá Dolphin tượng trưng cho toàn thể vấn đề phát triển rộng lớn của cả con sông Mekong.

Ian Baird một giải thích:

-- Không phải chỉ cá Dolphin mà mọi loài cá khác của con sông Mekong đang bị suy thoái mau chóng do cách vừa khai thác vừa hủy diệt bằng sử dụng bừa bãi chất nổ lựu đạn, điện giật, chất độc và các loại lưới móc...

Nhưng rồi Baird cũng thêm vào một nhận xét lạc quan:

-- Những ngư dân Lào ai cũng biết rất rõ là nếu cứ tiếp tục cách đánh cá hung bạo như thế thì chẳng bao lâu con sông ấy chẳng còn đâu là cá nhưng rồi họ cũng chẳng biết làm sao để mà ngăn chặn khi mà bọn phạm pháp lại là những ông Tướng ông Tá sẵn súng đạn lại cả đầy quyền uy nhất là bên phía Cam Bốt...

Touch Sieng từ Sở Ngư Nghiệp bên Cam Bốt đưa ra lời trấn an:

-- Dù sao thì cũng đã có luật của Sở Bảo Tồn Ngư Nghiệp cấm dùng lưới móc, chất nổ và thuốc độc trên sông hồ áp dụng cho ngư dân, họ bị phạt tới 50 ngàn riels -- khoảng 14 đôla nếu vi phạm ...

Hướng về Baird thay cho lời khen, Cao chỉ đưa ra nhận xét của người mới tới:

-- Thật là cảm động khi thấy được nơi những ngôi làng hẻo lánh xa xôi như thế không xa mấy khu rừng mưa rừng lũ của vùng cực nam Lào có những chiếc T-shirts những tấm bích chương với dòng chữ Lào kêu gọi “Hãy cứu cá Pakha”, như một phần vẻ đẹp của con sông Mekong và điều ấy cũng được đem giảng cả ở lớp học hay bàn bạc nơi các cuộc họp của dân làng. Họ thực sự muốn bảo vệ cá Dolphin mà họ coi như bạn và ao ước đời con cháu họ vẫn còn những người bạn ấy.

Bây giờ thì không phải chỉ có Baird người Gia Nã Đại đơn độc mà người ta thấy cả người Nhật – Nhóm HAB21, người Úc – Nhóm Australia-based Community Aid Abroad, tới đây tiếp tay bảo vệ những con cá Dolphin.

Câu chuyện cá Dolphin, nhóm HAB21 và Iwashige là cả một giai thoại.

Iwashigi nguyên là chủ một chuỗi ngân hàng lớn của Nhật đầy thanh thế và quyền uy – nhưng khác hẳn một Fuji cay độc cao ngạo và khinh bạc, là nhân viên cao cấp của ADB – Ngân hàng Phát triển Á châu đang hỗ trợ cho các dự án xây đập trên các phụ lưu sông Mekong ở Lào, thì Iwashige lại là một con người rất nghệ sĩ và đầy cảm xúc.

Iwashige kể lại là anh chẳng thể nào quên những kỷ niệm hồi còn bé sống trên hòn đảo Kaghoshima quê anh ở miền nam nước Nhật, nơi mà anh đã từng được say mê ngắm những đàn cá Dolphin tuyệt đẹp bơi đùa trên mặt nước giữa bình minh hay mỗi buổi chiều hoàng hôn ... nhưng rồi chỉ ít năm sau đó khi trở về thăm làng xưa thì đã chẳng còn một con cá Dolphin nào nữa do nạn ô nhiễm kỹ nghệ. Cũng từ nỗi khát vọng nhớ nhung ấy, anh đã đứng ra vận động sáng lập và cả bảo trợ cho nhóm HAB21 _ Human-Animal Bond for the 21st Century / Tương Quan Động Vật và Người Thế Kỷ 21.

Rồi như mối nhân duyên nói theo kiểu nhà Phật, từ một nước Nhật hải đảo xa xôi, Iwashigi đã có một ràng buộc định mệnh với ngôi làng Kambi. Đó là một làng đánh cá nhỏ nơi cuối vũng sâu của khúc sông Mekong cách thủ đô Nam Vang 180 km về phía đông bắc, như một hồ lớn rộng khoảng 8 mẫu, có một chiều sâu đáng nể, theo các tay thợ lặn người Mỹ thì có nơi sâu tới 70 mét ngay cả vào mùa khô. Phần hồ trên lại thuộc địa phận nước Lào, có nhiều đảo nhỏ, cồn bãi và cả những khối đá lớn trồi lên khỏi mặt nước, nơi vẫn còn những con cá Irrawaddy Dolphin hiếm hoi sống quanh năm. Nơi mà người ta còn thấy được từng bầy cá nổi lên đùa rỡn trên mặt nước. Vào mùa mưa cá Dolphin bơi ngược dòng lên các phụ lưu xa để đẻ và đến mùa khô hay mùa nước kiệt chúng lại xuôi dòng về sống nơi các vũng sâu ở hạ lưu.

Các nhà ngư học phỏng đoán là chỉ còn không tới một trăm con cá Dolphin trên toàn hệ thống sông Mekong thuộc ba nước Lào Cam Bốt và Việt Nam.

Cả ngư dân Lào và Cam Bốt đều coi Dolphin là vật linh, họ còn dị đoan tin rằng đi lưới mà đụng phải cá Dolphin là xui tận mạng, sẽ không đánh thêm được con cá nào sau đó. Nên chẳng có ai ăn thịt hay săn bắt cá Dolphin chỉ trừ dưới thời Khmer Đỏ giữa thập niên 70, cá Dolphin đã bị sát hại một cách có hệ thống chỉ để lấy mỡ cá làm dầu máy và đốt đèn. Mỗi con cá Dolphin có thể cho tới 25kg dầu. Theo Touch Sieng thì đầu năm nay người ta chỉ còn thấy được có hai con cá Dolphin trên mặt Biển Hồ.

Rồi sau đó vào thập niên 80, khắp vùng sông hồ của đất nước Cam Bốt đã bị đám lính Việt lính Cam Bốt thặng dư chất nổ súng đạn thi nhau trút xuống để giết cá. Từ phía Lào thỉnh thoảng người ta có thể nghe được những tiếng nổ rền ném cá nơi khúc dưới sông Mekong.

Trong khi ngư dân Lào chuyên nghiệp chỉ lưới được một thì phía Cam Bốt đánh vớt được cả ngàn – dĩ nhiên toàn bằng chất nổ và lựu đạn, với thu hoạch quá dư thừa nên họ phải bán với giá rẻ mạt để cung cấp cho các tỉnh ở phía bắc Lào.

Và nói theo giọng chua chát của Ian Baird thì:

-- Dĩ nhiên giữa những tiếng nổ rền ấy đã không ít cá Dolphin bị giết. Chính mắt tôi đã thấy cá Dolphin kinh hoảng phóng lên khỏi mặt nước vì không chịu nổi tiếng nổ ép cho dù cách xa đó hàng trăm mét. Đây có thể coi như tổn thất phụ _ collateral damages do lối đánh cá hung bạo kiểu Khmer – cũng vẫn theo ngôn từ của các nhà báo Mỹ khi nói về trận chiến bí mật diễn ra tại Lào trong cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây.

Khi nghe nói làng Kambi còn cá Dolphin, Iwashigi đã vội vã tìm tới đây. Trời đã không phụ lòng người. Hôm đó là một buổi hoàng hôn thật đẹp trên sông Mekong, gió thì dịu xuống và mặt sông thì không còn những cuộn sóng lớn, Iwashigi lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đã lại thấy được từng đàn cá Dolphin thiên nhiên với cặp vây trên lưng thoáng trồi lên thoáng lặn xuống với cả nghe được tiếng huýt gió của cá như một điệu nhạc hoang dã do hơi thoát ra từ một lỗ thở nơi đỉnh đầu.

Nhưng rồi ngay buổi sáng hôm sau đã là một ngày ảm đạm và tang tóc đối với Iwashigi. Anh phải chứng kiến tận mắt xác một con cá Dolphin bị vướng vào một lưới móc đêm qua và anh đinh ninh đó là một trong những con Dolphin mà anh say sưa ngắm dõi.

Đó là một con Dolphin cái mới ở tuổi dậy thì vì chỉ dài khoảng 1.5 mét. Dân làng cho biết đây là con cá Dolphin thứ 9 bị chết chỉ riêng trong mùa khô năm nay. Thân hình cá Dolphin thật đẹp và thon thả, dáng sang cả khiến Iwashigi có ý so sánh như một nàng công chúa kiều diễm của con sông Mekong.

Dưới ánh nắng bắt đầu lên gắt, nước da óng ánh mượt mà của nàng công chúa bắt đầu xỉn lại. Nàng chết mà cứ như ngủ, mắt nàng khép lại nhưng miệng thì như vẫn mỉm cười trong giấc mộng đẹp của tuổi thanh xuân.

Dân làng tới bu quanh xác cá vẻ mặt thương cảm, những đứa trẻ lần đầu thấy cá Dolphin thì tò mò đưa những bàn tay xinh xắn vuốt lên lưng lên vây cá.

Cuối cùng thì họ cũng xúm lại khiêng xác cá đưa lên một chiếc xe tải chở về phòng Ngư Nghiệp cũng bên bờ sông Mekong phía bắc, nơi có dụng cụ mổ cắt để khảo sát. Cá được mổ bụng và cắt đầu nhưng là để tìm kiếm gì đây. Người ta không ai ăn thịt cá Pakha nhưng răng cá thì lại rất có giá – 3 ngàn kip một chiếc (khoảng 4 đôla) mà người ta tin rằng trẻ con mà đeo vào cổ chiếc răng ấy sẽ trừ được ma quỷ; còn xương cá nếu chôn gần ruộng thì lúa nơi ấy sẽ được tươi tốt hơn.

Nhưng Iwashigi thì đau sót khi thấy máu cá Dolphin thì vẫn đỏ au chảy ra nhập vào con sông Mekong, nơi bấy lâu cũng đã có rất nhiều máu người ta nữa.

Ngay chuyến viếng thăm lần đầu tiên ấy, Iwashigi như bị mê hoặc và cả kinh hoàng. Anh tự coi Kambi như ngôi làng quê thứ hai của anh và anh có ngay quyết tâm sẽ cứu những con cá Dolphin và nghĩ rằng sẽ không để tấn thảm kịch Kagoshima xảy ra lần thứ hai trên dòng sông Mekong.

Và chỉ mấy tháng sau, người ta đã chứng kiến các thành viên đầu tiên của nhóm HAB21 gồm các nhà ngư học và chuyên viên về Động Vật Hoang Dã – Wildlife do Shintani hướng dẫn đã bắt đầu tới ngôi làng Kampi nhằm khởi sự mở một Trung Tâm Khảo Sát Cá Dolphin với kế hoạch yểm trợ và huấn luyện để sau một thời gian có thể chuyển giao quyền điều hành cho chính những người dân địa phương.

Khi được Anh Thư cô phóng viên thông minh và xinh đẹp của đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn, Shintani đã phát biểu:

-- Cá Dolphin là cả một biểu tượng, nếu chúng ta có thể sống chung hài hòa với cá Dolphin điều đó có nghĩa là vẫn có thể có một môi trường tinh khiết và tốt hơn cho con sông Mekong và cho cả hành tinh của chúng ta nữa.

Buổi sáng cuối cùng trước khi rời Don Khong, Cao và Bé Tư tới thăm ngôi làng nhỏ của Chanthao cô gái giúp việc trong lữ quán. Khi tới nơi thì bà mẹ già của cô đang cắm cúi tưới những luống cải một màu xanh non mơn mởn. Chan Thao chỉ còn mẹ và một người anh, anh cô thì giờ này đã ra làm việc ngoài đồng. Thấy con về lại dẫn theo mấy người khách thì bà cụ ngưng tay cười một nụ cười nhăn nheo rồi dẫn khách lên nhà. Chan Thao nói: “Mẹ tôi ngoài bảy chục mà bả vẫn làm việc rất cực. Có 4 con mà nay chỉ còn hai.” Không muốn hỏi thêm vì có thể gợi lại mối thương tâm nhưng Cao hiểu rằng có gia đình nào trong lưu vực sông Mekong mà không có mất mát trong cuộc chiến tranh vừa qua. Bà cụ bảo con gái đi pha trà còn bà thì xuống bếp đem bánh nếp kao nom kok có rắc dừa lên mời khách, cách đối xử hồn nhiên như mẹ với các con – bà mẹ Mekong.

Dù dưới Đồng Bằng Sông Cửu Long – mẹ Bé Tư hay nơi thác Khone, mẹ Chan Thao, thì những bà mẹ Mekong ấy như từ bao giờ vẫn cứ ẩn nhẫn hiền lành chịu đựng đi qua suốt nửa thế kỷ bom đạn chiến tranh và vẫn cứ cắm cúi chăm sóc thửa vườn cho dù thời tiết bất lợi đến thế nào.

“Cuộc sống thường nhật vẫn cứ diễn ra – điều ấy đã cứu vãn cho bao nhiêu lý lẽ của con người”, hình như Graham Green đã rất sớm nhìn ra điều ấy trong “Người Mỹ Trầm Lặng”.

Giã từ bà mẹ Mekong, giã từ ngôi làng xanh với vẳng xa là tiếng thác đổ . Trước mắt hai người bây giờ chỉ còn là cả một khúc sông mênh mông trải rộng, không phải chỉ có cá Pakha và Giang nhạn, còn thấy cả những con chim bói cá mà người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long gọi là chim thằng chài – mà Francis Garnier đã ngắm nhìn cách đây hơn một thế kỷ – cũng vẫn với bộ lông cánh xanh rực rỡ _ không nhuốm màu thời gian, bay vút như mũi tên lao trên mặt sông trong ánh nắng ấm ban mai.

Chỉ một thoáng cánh chim bay – mà đã xuyên suốt hơn 130 năm lịch sử đầy máu me của con sông Mekong – con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy.