Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 12)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XVI

ĐỨC PHẬT THẦY VÀ NHỮNG TẤM BIA CÀN LONG VÂN NAM

L’eau est devenue chère, et elle le sera encore plus à l’avenir, ce qui en fera l’ “or bleu” du XXIe siècle. Ricardo Petrella, 3/2000

Từ Giang Thành Tới Châu Đốc Tân Cương.

Đồng Bằng Sông Cửu Long có sức cuốn hút lạ thường, với Cao đó vẫn là vùng đất mới còn biết bao nhiêu điều về lịch sử, địa dư và con người ... từ bấy đến nay Cao tự thấy vẫn chưa thể nào thấu hiểu hết được.

Như chỉ riêng một vùng Thất Sơn kì bí với núi rừng trùng điệp nằm dọc theo con Sông Hậu thuộc “Châu Đốc Tân Cương” – được coi như địa giới cuối cùng của cuộc Nam Tiến mà thấy như đã đầy ắp quá khứ với bao nhiêu tên tuổi nhân vật đã trở thành huyền thoại: như Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh với đám lưu dân Hai Huyện tiên phong đi về Phương Nam – đi vạch một chân trời, như Thoại Ngọc Hầu khai quốc công thần từ hai thế kỷ trước khai phá miệt Hậu Giang đào con kinh Vĩnh Tế chiến lược từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên giữ yên bờ cõi mới.

Rồi Phật Thầy Tây An là nhân vật với bao điều bí ẩn và cả những truyền thuyết. Chỉ với một chiếc xuồng bần con một miếng tre nhỏ làm chèo một túi thuốc, tự Thầy chèo chống qua các ngả sông rạch tìm đến những người đau yếu chữa bệnh cho họ và rồi cứu cho dân cả một vùng Tòng Sơn Sa Đéc quê Thầy thoát khỏi trận dịch tả hoành hành khủng khiếp. Do uy danh của Phật Thầy ngày một lan rộng gây kinh động cho nhà cầm quyền nên Thầy bị bắt gán cho tội danh là “gian đạo” . Nhưng rồi Thầy cũng được thả ra nhưng bắt phải thế phát – xuống tóc giống như hàng tăng sãi khác. Sau đó Thầy về Châu Đốc, tới Núi Sam – thay vì xây Chùa thì Thầy lập ra các Trại Ruộng, để chính Thầy tự tay cuốc tay cầy, làm gương khuyên dạy tín đồ tinh thần tự lập tự cường tay làm hàm nhai chứ không nên ỷ lại nhờ vào bá tánh.

“Trại Ruộng” như một kiểu điền trang dân dã: trại đầu tiên ở Thới Sơn Bảy Núi và sau đó thêm một trại Bửu Hương Các ở Láng Linh giao cho đệ tử ruột của Thầy là Đức Cố Quản Trần Văn Thành trông coi.

Khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp – trong đó có cuộc Khởi Nghĩa Bảy Thưa vùng ranh Long Xuyên – Châu Đốc thì các “Trại Ruộng”mặc nhiên trở thành những căn cứ hậu cần của kháng chiến.

Có thể nói các “Kibboutzim” của Do Thái buổi sơ khai lập quốc vào những năm 40-50 được thế giới ca ngợi và cả chính Cao thời sinh viên rất ngưỡng mộ và rồi cả “Phương Bối Am” của Thích Nhất Hạnh manh nha hình thành giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam thực ra chỉ là một mô phỏng rất muộn màng mãi về sau này “công thức Trại Ruộng” của Đức Thầy đã có cách đó cả hơn một thế kỷ.

Thầy tu luyện không phải ở chùa lớn mà chỉ trong một “cốc” nhỏ nơi mà sau này là chỗ xây cất nên Tây An Cổ Tự uy nghi và tráng lệ như bây giờ.

Tên tục là Đoàn Minh Huyên danh hiệu Phật Thầy danh đạo là Bửu Sơn Kỳ Hương – núi báu mang hương lạ, hình thức thờ phượng đơn giản không xây chùa không tượng cốt chỉ có một tấm lụa đỏ – trần điều tượng trưng cho đấng tạo hóa huyền vi. Giáo lý của Thầy thì lại rất gần gũi với đời thường nghĩa là một thứ Đạo Phật dấn thân “không theo đời mà bỏ đạo, cũng không theo đạo mà bỏ đời”.

Thầy chủ trương “Tứ Đại Trọng An”mà tín đồ quen gọi là “Tứ An Hiếu Nghĩa” bao gồm: ân tổ tiên cha mẹ, ân với đất nước, ân tam bảo Phật Pháp Tăng và cuối cùng là ân đồng bào và nhân loại – mới xem ra tưởng quá giản đơn nhưng lại chính là giềng mối sâu xa của đạo. Gạn lọc những chuyện huyền hoặc có tính mê tín dị đoan mà đám đệ tử cố gán cho Thầy thì giữa lúc đạo suy vi Thầy là người có công hoằng dương đạo pháp, đem đạo vào đời – không phân biệt chủng tộc tôn giáo chỉ lấy từ bi bác ái mà rao giảng với nhân loại chúng sinh. Đó cũng là mô thức rất sớm của một nền văn hóa hòa bình chuẩn bị cho xu hướng Toàn Cầu Hóa – Globalization khi nhân loại bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba.

NGƯỜI HOA NƠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Người Hoa đã đến và sống trên dải đất Việt Nam cả mấy ngàn năm rồi, từ thời còn là Giao Chỉ Bộ dưới quyền thống trị của Trung Hoa. Và trong suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt phải liên tục chống cự lại sự xâm lấn và đồng hóa của tộc Hán – Sinicization ở phía Bắc. Cũng rất sớm từ Bắc chí Nam, cộng đồng người Hoa sống ở Việt nam tuy không trực tiếp nắm những chức vụ chánh quyền nhưng hầu như họ đã chiếm lĩnh toàn bộ sinh hoạt kinh tế của người Việt và nghiễm nhiên trở thành một thế lực chánh trị thách đố với mọi chế độ cầm quyền.

Đã thế, mỗi thời kỳ nóng lạnh, mỗi biến động của một nước Trung Hoa cường thịnh hay suy vi đều không thể không ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương – mà gần cận nhất là Việt Nam.

Kinh nghiệm Miến Điện. Năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch thua chạy ra đảo Đài Loan thì đám tàn quân gồm nguyên một sư đoàn với chủ tướng là Lý Mỹ đã tràn xuống chiếm đóng khu Bắc Miến, sau đó trở thành một đội quân thổ phỉ cướp bóc lương thực cả sản xuất lưu hành ma túy trong khu Tam Giác Vàng gây cảnh đau thương chết chóc cho dân chúng Miến trong suốt nhiều năm và tình hình cũng chưa hẳn yên sau bao nhiêu cuộc hành quân bình định vất vả của chánh quyền Rangoon và có cả sự giúp đỡ can thiệp của Liên Hiệp Quốc.

Kinh nghiệm Việt Nam, năm 1611, khi người Mãn Thanh từ Trung Nguyên tràn xuống đánh bại triều đình nhà Minh, đám di thần trung thành với nhà Minh không chịu khuất phục lập phong trào Bài Mãn Phục Minh. Một số chạy xuống Hoa Nam kéo theo đám dân chúng tràn vào các tỉnh phía bắc Việt Nam, tạo nên một vùng biên giới mất an ninh suốt hai thế kỷ, đã khiến dân Việt vô cùng thống khổ vì sự hoành hành của đám giặc “Tàu Ô”này.

Một số cựu di thần nhà Minh khác theo thủ lãnh của họ dùng đường biển đi xa hơn về Phương Nam. Đợt người Hoa di dân này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử khẩn hoang của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sử liệu ghi năm 1679 Dương Ngạn Địch, nguyên Tổng Binh các quận Quảng Tây và Trần Thắng Tài, Tổng Binh các quận Quảng Đông đem đội binh Trường Phát (tóc dài đuôi sam – để phân biệt với người Mãn Thanh) và gia quyến hơn ba ngàn người trên 50 chiến thuyền tới cửa biển Thuận An bệ kiến Chúa Nguyễn xin tỵ nạn nước Nam và được Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chấp thuận cho đi về Phương Nam khẩn hoang lập ấp. Có điều mà Chúa Hiền không hề biết là không phải toàn binh đoàn Trường Phát đều có ý thần phục triều đình Phú Xuân – trong đó phải kể viên phó tướng Huỳnh Tấn.

Họ chia làm hai toán. Dương Ngạn Địch cùng với Huỳnh Tấn đem binh thuyền từ Biển Đông vào cửa Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu tới đồn trú tại vùng Mỹ Tho, Định Tường. Trần Thắng Tài cùng với Trần An Bình đem binh tới đóng ở Biên Hòa, Gia Định. Họ cùng với đám lưu dân Việt phá rừng vỡ đất đào kinh cất phố mở mang đường xá, họ lập gia đình với người Việt và Khmer sinh con đẻ cái và đa số chọn định cư lâu dài nơi đây.

Họ là những người Minh Hương – tên gọi những người Hoa còn trung thành với nhà Minh bên Trung Quốc, lánh nạn nhà Thanh tới Việt Nam. Họ là những người tỵ nạn chánh trị, xin nhận Việt Nam là quê hương thứ hai và họ đã đóng góp nhiều công sức cùng với những người lưu dân Việt khai phá Miền Nam từ thời Nguyễn Sơ. Họ cũng đã lôi cuốn thêm những người Hoa khác từ Mã Lai Singapore tới buôn bán và ở lại lập nghiệp.

Riêng viên phó tướng Huỳnh Tấn kéo theo được nhiều binh lính, trên bước đường khẩn hoang đã tìm ra những vùng đất mới phì nhiêu còn hoang vu ở hai bên bờ con sông Mekong, Tấn có ý ly khai khỏi triều đình nhà Nguyễn để lập một vương quốc riêng. Chủ tướng Dương Ngạn Địch trung thành với chúa Nguyễn tỏ không đồng ý đã bị Huỳnh Tấn và đám lính ly khai giết. Chúa Nguyễn đã phải cùng với Trần Thắng Tài đem quân đánh dẹp, giao tranh rất khốc liệt cuối cùng phải dùng mưu mới bắt và giết được Huỳnh Tấn, Miền Đông mới lại tạm yên. Nhưng vẫn có số tàn quân thoát được sang Chân Lạp sống quanh vùng Biển Hồ tiếp tục chống lại Việt Nam lại được hỗ trợ bởi quân Khmer và nhất là quân Xiêm La khiến cho cuộc bình định phải kéo dài nhiều năm cho tới khi quân chúa Nguyễn chiếm được Nam Vang.

Cũng phải kể một cuộc nổi loạn khác của người Hoa nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long do Lý văn Quang người Phước Kiến thấy phòng thủ đất Đồng Nai suy yếu nên đã cầm đầu một nhóm người Hoa chiếm Cù Lao Phố (1747), chúa Nguyễn lại phải sai đô đốc Phiên Trấn Dinh Trần Đại Định là con Trần Thắng Tài đưa quân đi đánh dẹp. Lý Văn Quang bị bắt và chỉ bị trục xuất về Trung Hoa.

Và xuống xa hơn nữa, năm 1671 một nhóm thứ ba do Mạc Kính Cửu lãnh đạo cũng sau cuộc nổi dậy thất bại chống nhà Thanh, đã đem theo cả gia đình và đám binh sĩ hơn 400 người dùng chiến thuyền vượt biển xuống tới vịnh Xiêm La đổ bộ lên Mang Khảm một vùng đất gần như còn hoang vu của Chân Lạp.

Mạc Cửu tới Mang Khảm tuy ở cái tuổi chưa đầy 30 nhưng là tay hảo hán, có tài lãnh đạo, óc tổ chức cùng lúc cho phá rừng vỡ đất canh tác, còn mở mang buôn bán, thu phục được những tay phiêu lưu giang hồ kể cả đám hải tặc về dưới trướng lập sòng bài lấy xâu mở các tiệm hút để kinh tài. Vẫn không đủ nhân lực, Mặc Cửu phải tiếp tục chiêu mộ thêm người Hoa, lưu dân người Việt và Khmer từ khắp nơi tới, và chỉ trong một thời gian không lâu họ Mạc đã biến cả một vùng hoang vu sình lầy thành một khu trù phú – lập ra 7 xã trong đó có cả hòn Koh Tral tức là đảo Phú Quốc sau này, chọn Mang Khảm làm kinh đô, tự đặt tên là Cảng Khẩu Quốc rất sớm nổi tiếng là một hải cảng thuận lợi cho tàu bè qua lại: từ phương bắc xuống – từ Hải Nam, Phúc Kiến từ nam lên – Java, Nam Dương ... từ phía tây qua – Ấn Độ, Mã Lai.

Hà Tiên như một tiểu vương quốc tự trị không lệ thuộc vào hành chánh Chân Lạp hay Đại Việt.

Cũng vì tính cách tự trị đó mà sứ thần Trung Hoa và cả các nhà viết sử Tây phương đã có lúc xem đất Hà Tiên như một “tiểu vương quốc của người Hoa trong vùng biển Trung Nam Hải.” Nhưng chính Mạc Thiên Tích – con Mạc Cửu trong bài tựa tập Hà Tiên Thập Vịnh được Phan Huy Chú chép trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí – được coi như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam triều Nguyễn đã lại ghi rõ: “Trấn Hà Tiên nước An Nam, xưa là đất hoang, từ tiên quân khai phá đến nay đã 30 năm, mà dân mới được ở yên, biết việc trồng trọt”

Từ thế kỷ 17, trong bối cảnh cuộc Nam Tiến, đám lưu dân Việt tuy không ồ ạt nhưng từng nhóm ngoài ngả đường bộ đi về Phương Nam, họ còn dùng thuyền theo ven biển tiếp tục xuống xa hơn tới vịnh Xiêm La, có lẽ họ cũng đã đặt chân lên vùng Mang Khảm nhưng gặp cảnh sinh hoạt bất kham nên một số lại tiếp tục ra đi. Phải đợi tới khi Mặc Cửu đem tài lực vật lực tới khai khẩn canh tác và mở mang thương mại thì Mang Khảm mới thực sự phát triển và trở thành một “đặc khu kinh tế”sầm uất, một trong những thị trấn đô hội ra đời sớm nhất nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trước cả Cần Thơ, Bạc Liêu, Mỹ Tho...

Sách Mạc Thị Gia Phả có chép: “Từ khi ra ở đất Mang Khảm thì Mặc Cửu hết sức lo mở mang cõi đất mới cho một nơi hoang vu vắng vẻ mà nên được một nơi chợ búa đông đảo. Một mặt thì Cửu lo khai khẩn đồn điền cho dân cầy cấy và mở mang hải cảng để đón các tàu buôn ở các biển; một mặt thì lo xây đắp đồn lũy, tập luyện quân lính để bảo hộ cuộc trị an và mưu đồ cuộc độc lập. Cửu thường lấy lòng nhân nghĩa mà xử đãi nên người các nơi theo về rất nhiều. Mang Khảm chẳng bao lâu mà thành một nơi hải cảng sầm uất.”

Mang Khảm như một Singapore của thế kỷ 18, không phải chỉ nổi danh trong vùng Đông Nam Á, địa danh Hà Tiên còn vang tới tận Au Châu, được nhắc tới trong bài tham luận của Pierre Poivre trước Hàn Lâm Viện Pháp 1768 : “Hà Tiên đã mở cửa đón nhận tàu buôn của mọi nước đến buôn bán. Hàng hóa buôn bán phải chịu một món thuế rất nhỏ mà thôi”. (Un Chinois des Mers du Sud, le Fondateur de Hà Tiên – Garpardone Emile, Journal Asiatique, 1952).

Nhưng rồi cái ngày không tránh được là Mang Khảm bị quân Xiêm xâm lấn tàn phá, cả gia quyến Mạc Cửu bị bắt đem về Xiêm La cho tới khi trốn được về Trũng Kè rồi họ Mạc trở lại Mang Khảm để lo toan khôi phục.

Cũng vẫn Mạc Thị Gia Phả chép: “Về Mang Khảm rồi, có kẻ mưu sĩ người Minh Hương tên là Tô Quân bàn rằng – Người Cao Miên tâm tính hèn nhát nhu nhược, lại đất Mang Khảm là đất hải tần, tất có ngày đối lũy với Xiêm, ngộ có khuynh nguy, họ không thể bảo trợ được; trong khi những người Hoa ở phía bắc được Chúa Nguyễn cho định cư đang phát triển mau chóng, thêm vào đó quân Chúa Nguyễn cũng đang làm chủ Miền Tây Chân Lạp và đối đầu với quân Xiêm La ... Vậy chi bằng thần phục về với Nam Triều để cho có chỗ nương tựa vững vàng là hay hơn.”

Thấy lời bàn có lý, Mạc Cửu đích thân đến Phú Xuân dâng biểu xin đem đất bảy xã của mình khai phá quy phục Nam Triều. Chúa Nguyễn ưng cho và đổi tên đất Mang Khảm lại là trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu chức Tổng Binh về giữ trấn Hà Tiên, lại ban ấn triện mãng mão và cho người đưa về trọng hậu.”

Lãnh thổ Đại Nam không những thêm mở rộng mà trấn Hà Tiên nghiễm nhiên trở thành tiền đồn chiến lược ngăn bước xâm lấn của quân Xiêm La.

Mạc Cửu mất năm 80 tuổi (1655-1735), con là Mạc Thiên Tứ – sau đổi tên là Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha. Ngoài kiến thức uyên bác, Mặc Thiên Tích còn là vị tướng tài, ngoại giao giỏi. Ông tiếp tục mở rộng đất Mang Khảm, lập thêm 4 huyện: Long Xuyên (miệt Ca Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miệt Cần Thơ) và Trấn Di (miệt bắc Bạc Liêu), và ông cũng đã từng cầm quân sang tấn công Xiêm La, bảo hộ cả vùng phía nam Chân Lạp

... Năm Giáp Tý 1774, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia nước làm 12 dinh, duy có Hà Tiên vẫn để là trấn, Mạc Thiên Tích vẫn giữ chức Đô Đốc cai trị như trước. Theo một nghĩa nào đó thì Hà Tiên như là một khu tự trị của họ Mạc, có thành lũy quân đội có cả đồng tiền riêng – chỉ phải mỗi ba năm triều cống Chúa Nguyễn theo phiên lễ chư hầu.

Cha con nhà họ Mạc tuy đã xin làm dân Việt làm quan cho nước Nam nhưng vẫn một mình trấn đất Hà Tiên vẫn có cái tư cách bá vương nên họ Mạc lúc nào cũng nuôi mộng lớn chờ cơ vùng vẫy. Mạc Thiên Tích trong bài “Lư Khê Nhàn Điếu” đã tỏ rõ cái chí khí của mình qua hai câu thơ:

Hải thượng tà đầu thời độc tiếu

Di dân thiên ngoại nhất ngư ông

Trên biển riêng cười cơn xế bóng

Đem dân ngoài cõi một ngư ông

Những Tấm Bia Càn Long và Phật Thầy Tây An.

Với chí lớn ấy thì họ Mạc đâu có dễ dàng mà chịu bó thân lâu dài với triều đình Huế và đâu có muốn cho Việt Nam có minh quân thánh chúa ra đời nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long mà vùng Thất Sơn với “với sườn gò khởi phục, cây tốt, suối trong” với con mắt địa lý nhà họ Mạc đích thị là “Hoa địa của Việt Nam” với âm dương tương hội sẽ là nơi “địa linh sinh nhân kiệt.”

Theo nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu thì khi đệ tử của Phật Thầy phát hiện những tấm bia Càn Long ở Bài Bài quận Tịnh Biên Châu Đốc chôn vào năm Càn Long nhà Thanh niên hiệu thứ 57 – 1792 là thời gian gia đình họ Mạc còn trọng nhậm tại Hà Tiên thì chưa ai hiểu được tại sao.

Chỉ riêng Phật Thầy là bậc cao minh “thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự” lại có viễn kiến Thầy tiên tri cho rằng Thất Sơn – hiểu rộng hơn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là “Hoa Địa của Việt Nam” nơi tích tụ nhiều địa huyệt hiển linh chỉ chờ ngày khai mở để tới thời “Thượng Ngươn – với phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh”.

Do đó các thày địa lý họ Mạc đã dựng lên những tấm bia Càn Long trấn ếm nhiều nơi khiến cho anh linh vượng khí của Đồng Bằng Sông Cửu Long không còn nữa, tinh hoa sẽ suy kiệt, “đất sẽ khô cằn” không thể nào sinh ra thánh nhân anh hùng được nữa và rồi sẽ trở lại bị lệ thuộc vào Trung Hoa.

Bởi vậy nơi nào mà có bia Càn Long trấn ếm là có thẻ hóa giải của Phật Thầy. Đức Cố Quản Trần Văn Thành là người được giao cho trọng trách đi cắm bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn. Cho mãi tới bây giờ, nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trên gò đất cuối ngọn rạch Thạnh Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung, tỉnh An Giang vẫn còn “Dinh Ông Thẻ” được dân chúng thờ phượng. Và cũng do đó mới còn một nền “Văn Minh Miệt Vườn” hưng vượng cho tới ngày nay.

Tương truyền rằng từ thời rất xa xưa đã có thày địa lý Tàu tên là Cao Biền biết được nơi lưu vực Sông Hồng có rồng thiêng hỗ trợ cho tộc Việt hưng vượng trên bước đường đi về Phương Nam nên Biền đã tìm cách hãm hại nhưng rồng thiêng đã thoát ra ngoài Biển Đông ẩn mình nơi Vịnh Hạ Long để rồi sau đó lại tiếp tục theo bước đường Nam Tiến của dân Việt.

Riêng ở Phương Nam với lịch sử khai phá chưa đầy 400 năm mà như đã có cả một kho tàng cổ tích với bao nhiêu chuyện kỳ bí bao nhiêu truyền thuyết và huyền thoại_ tin hay không tin nhưng vẫn có thể rút ra từ đó những ý nghĩa ẩn dụ.

Như truyền thuyết nói về Rắn Thần Naga theo Cao chính là biểu tượng những Khu Rừng Mưa – Rainforest như những tấm bọt biển khổng lồ, bấy lâu vẫn ngậm cả khối nước sông Mekong trong mùa mưa lũ và phun ra trong mùa khô khiến nông dân không bị lụt và quanh năm bốn mùa luôn có đủ nước gieo trồng.

Thế còn Những tấm bia Càn Long nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long thì sao? Phải chăng đó là biểu trưng sự khống chế của người Hoa trên một địa bàn được coi là trọng địa của cả nước, trong khi những cây thẻ của Phật Thầy chính là khơi động ý thức hưng chấn giành lại quyền tự chủ bấy lâu đã và đang bị đánh mất.

Phật Thầy đã khuất cách đây hơn một thế kỷ với sự nghiệp ảnh hưởng lớn lao như vậy nhưng mộ thầy thì chỉ đơn giản là một vuông cỏ xanh trên một triền đá khuất nẻo.

Không còn Phật Thầy nhưng nay vẫn còn các Thầy địa lý ở Thiên An Môn biết Cửu Long là con sông thiêng, Đồng Bằng Sông Cửu Long là trọng địa là mạch sống của Việt nam – nơi mà “Nước đã trở thành đắt giá và càng đắt giá hơn trong tương lai và sẽ trở thành Vàng Xanh của Thế Kỷ 21”.

Trong khi Việt Nam không có khả năng tự vệ, thì với với 8 con đập bậc thềm nơi thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã và đang lạnh lùng tranh đoạt nguồn nước để rồi con sông thiêng sẽ bị tát cạn_ cạn kiệt luôn mạch sống của vùng châu thổ.

Tuy nay không có những tấm thẻ cắm của Phật Thầy trên Vân Nam nhưng vẫn có Những Đứa Con Cửu Long – Nhóm Bạn Cửu Long, theo gương Phật Thầy không ngừng thao thức và tìm mọi cách ngăn chặn cái ngày không còn lũ đổ về, không còn phù sa, Cửu Long Sẽ Cạn Dòng, đất sẽ khô cằn không còn vựa lúa nuôi cả nước, người cũng sẽ kiệt và cả đất nước Việt Nam sẽ rơi vào Trật Tự Nước Trung Hoa – Pax Sinica.

CH 16_ Tiếng Hạc kêu thương

Những Cánh Hạc từ Tràm Chim Tam Nông, 

một chủng loại đang có nguy cơ bị tiêu diệt

[photo by Nguyễn Văn Hùng]

Đến Hà Tiên, Tìm Về Thời Gian Đã Mất

Hà Tiên không chỉ đẹp mà còn rất giàu tính lịch sử. Đến thăm Hà Tiên không thể không nghe nói tới Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích với 10 bài thơ về Hà Tiên viết bằng đủ kiểu chữ “chân, thảo, triện, lệ” với cả tranh minh họa. Chỉ tên mỗi bài thơ không thôi đã chan chứa cả tứ thơ: Bình Sơn màu biếc – Bình Sơn Điệp Thúy, Chuông sớm chùa núi – Tiêu Tự Hiểu Chung, Hang núi nuốt mây – Thạch Động Thôn Vân, Cánh cò Châu Nham – Châu Nham Lạc Lộ, Hòn Kim Chắn sóng – Kim Dữ Lan Đào, Đông Hồ trăng in – Đông Hồ An Nguyệt, Phố Nam sóng lặng_ Nam Phố Trừng ba, Nhàn câu sông Lư – Lư Khê Nhàn Điếu, Trống canh Giang Thành – Giang Thành Dạ Cổ, Thôn xóm Lộc Trĩ – Lộc Trĩ Thôn Cư.

Tập thơ được khách Thăng Long rất yêu chuộng và đất Hà Tiên từ đó được nhắc đến như một địa danh văn học. Đông Hồ và Mộng Tuyết được coi như thế hệ hậu duệ của truyền thống văn học Hà Tiên sau này.

Cách Rạch Giá 90km về phía tây, Hà Tiên như là mũi đất của tỉnh Kiên Giang, ráp ranh với Cam Bốt, với cấu tạo địa chất là những dãy núi đá vôi chạy dài ra tới biển tạo nên nhiều cảnh trí ngoạn mục với những hang động, những hòn (Hòn Phụ Tử, Hòn Chông...) những đảo (Thổ Châu, Phú Quốc...)

Nhà máy xi măng Hà Tiên hiện đại sau này được xây dựng trên vùng đất đá vôi này.

Như một đường chỉ thẳng, con Kinh Vĩnh Tế chảy dài từ Châu Đốc đổ vào sông Giang Thành đem ngọn nước ngọt từ Sông Hậu tưới mát cho Hà Tiên .

Từ bên trong thị trấn trên con đường Phương Thành nổi tiếng với hai ngôi chùa cổ. Chùa Tam Bảo có lịch sử cùng thời với đất Hà Tiên có tượng Phật Di Đà đúc từ thời Mạc Cửu khi ông đón mẹ từ Trung Quốc qua và về cư ngụ ở chùa này. Riêng Chùa Phù Dung được biết tới nhiều hơn với tên Phù Cừ Am Tự thì do Mạc Thiên Tích xây cho nàng Ái Cơ Phù Cừ – với một thiên tình sử lãng mạn vẫn còn được truyền tụng tới bây giờ. Phù Dung hay Phù Cừ là tên của một loài hoa sen trắng quý và tỏa ngát hương thơm.

Năm 1730, có một người khách phương xa tên Nguyễn Nghị lánh cảnh giặc dã bên Lào đã dẫn hai con một trai một gái tới đất Hà Tiên. Là người văn học quảng bác, khách được Mạc Cửu phong cho làm gia sư dạy dỗ đứa con trai là Mạc Thiên Tứ. Để con gái ông tên là Phù Cừ cũng được theo học, ông cho con ăn bận như con trai. Khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha trấn đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tích ngoài tài an bang tế thế còn là khách tao mặc văn chương có tài thơ phú lập Tao Đàn Chiêu Anh Các làm nơi quy tụ các văn nhân tới ngâm vịnh, trong số đó có cả Nguyễn Cư Trinh (người dâng kế tàm thực lên chúa Nguyễn trong công cuộc Nam Tiến) từ Gia Định xuống là một trong những bạn thơ của Mạc Thiên Tích.

Riêng Phù Cừ – lúc đó vẫn giả trai, không những giỏi văn thơ mà lại có nét đẹp thanh tú nên Mạc Thiên Tích rất ư là tương đắc. Khi khám phá ra Phù Cừ là gái thì cả một mối tình thơ mộng diễn ra trong nhiều năm giữa đôi trai tài gái sắc. Mạc Thiên Tích sau đó cưới nàng làm ái thiếp. Bị vợ chánh ghen mưu nhốt Phù Cừ vào lu nước mưa úp lại cho chết nhưng may gặp lúc trời mưa Mạc Thiên Tích kịp mở nắp ra và cứu sống nàng. Chán cảnh đời phù du, Phù Cừ xin chồng cho được đi tu trong ngôi chùa này. Tháp chùa được xây cao để sau này vẫn có thể vọng thấy từ mộ chí Mạc Thiên Tích kế bên mộ cha trên Núi Lăng.

“Nàng Ai Cơ trong chậu úp” (1961) truyện ngắn nổi tiếng của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội lấy cảm hứng từ thiên tình sử đầy chất lãng mạn này.

Đi về hướng bắc 3km tới Thạch Động, đó là một khối đá cao tới 90m có hang rộng có chùa cổ, có đường xuống đất có cửa lên trời có ánh mặt trời chiếu sáng và tiếng gió thổi cuộn vào trong động như tiếng sáo nhạc vi vu nơi mà Mạc Thiên Tích đã làm bài thơ Thạch Động Nuốt Mây.

Giữa cảnh thơ mộng ấy khách tham quan bỗng phải khựng lại khi đứng trước tấm Bia Căm Thù – mà Cao nghĩ rằng lẽ ra nên gọi là Mộ Bia Thương Tiếc, ghi lại cuộc thảm sát 130 thường dân Việt của quân Khmer Đỏ vào tháng 3 năm 1978. Đây không phải trường hợp riêng lẻ. Không xa nơi đầu mút con Kinh Vĩnh Tế về phía bắc Châu Đốc, giữa Mùa Thù Hận ấy khoảng giữa hai chùa Phi Lai và Tam Bảo là một Cánh Đồng Chết nơi làng Ba Chúc; quân Khmer Đỏ hung dữ như một đoàn âm binh trang bị vũ khí tới răng, sau khi vượt qua biên giới xông vào các nhà các chùa các hang động nơi có người Việt ẩn núp bắt ra tàn sát tổng cộng 3157 người phần lớn là người già đàn bà và trẻ em với đủ kiểu giết chóc. Và cũng khoảng thời gian đó, cư dân đảo Thổ Chu phía tây nam đảo Phú Quốc, cũng bị quân Pol Pot tàn sát, trong số nạn nhân có người cháu ruột thịt của ông Khắc cũng là bạn thân thiết của Cao thời sinh viên lúc đó đang là một nữ tu.

-- Chỉ nói tới âm binh – đội quân Pol Pot mà quên nhắc tên phù thủy theo ông Khắc là một thiếu sót. Cao hiểu rằng người bạn vong niên ấy muốn nói tới người điều khiển từ xa – remote control từ Trung Quốc.

Đường chỉ đỏ ranh giới giữa Việt Nam và Cam Bốt trong hơn ba thế kỷ đã luôn luôn bị nhuốm máu – máu của những người dân hiền lành vô tội, nạn nhân của mối thù hận lịch sử.

Một thoáng rùng mình trong cái lạnh của hang động, cả lẩn khuất đâu đây mùi tử khí – Cao ngửa mặt nhìn lên trời cao vẫn cứ thăm thẳm một màu xanh như ngọc thạch với thản nhiên trôi đi những đám mây trắng ngà. Phải chăng mọi tấn thảm kịch do con người tự gây ra ở đâu và bao giời cũng là quá nhỏ đến vô nghĩa để thiên nhiên vẫn cứ đẹp một cách thật vô tình.

Từ Thạch Động, khách có thể ngắm cảnh núi đồi trùng điệp trải dài sang bên kia biên giới. Nơi có núi Châu Nham cũng với nhiều hang động sâu – có động Thạch Sanh với chuyện cổ tích Khmer Thạch Sanh chém đầu trăn, với cây đàn thạch nhũ, gợi tứ cho bài Cánh cò sa Châu Nham.

Đông Hồ là cửa sông Giang Thành, bên phải có núi Ngũ Hổ, bên trái là dãy Tô Châu. Cảnh đẹp thanh thoát nhưng phải tới đây vào đêm trăng rằm để thấy cảnh Trăng In Mặt Nước cũng của Mạc Thiên Tích.

Tới Mũi Nai cách Hà Tiên 4km, với bãi cát trắng với biển thật xanh và những con sóng lành. Đây chính là cảnh vịnh trong bài thơ Cảnh thôn Lộc Trĩ.

Nam Phố cách Hà Tiên 10km hướng đông nam trên đường đi Rạch Giá, có đảo núi đẹp bãi tắm quanh năm im sóng. Là cảnh của bài thơ Nam Phố sóng lặng.

Đến thăm Hà Tiên rồi khách tham quan không thể không tâm đắc với thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác khi viết về Hà Tiên quê hương mình: “Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ hết. Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơ môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn Cửa Tùng, có một ít Nha Trang Long Hải.”

Nhưng cũng để rồi sau khi rời đất Hà Tiên, một hòn non bộ bên Đại Vực_ Grand Canyon, để thấy một Hà Tiên hiện tại đã nhạt nhòa không sao đuổi kịp được quá khứ.

Nơi Paris Không Có Mùa Đông.

Ngay sau Hòa ước Giáp Tuất – 1874 nhượng đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, người Pháp tích cực đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa qua cộng đồng người Hoa được đánh giá cao qua đức tính cần cù chịu khó chữ tín và cả khiếu làm ăn buôn bán. Người Pháp cho mở tại Sài Gòn một văn phòng di dân có tên là “Sở Tân Đáo” chuyên lo thủ tục nhập cảnh cho các Hoa Kiều muốn vào Việt Nam mà Miền Nam vẫn là vùng đất hấp dẫn nhất. Họ là những di dân kinh tế những kẻ cơ hội, tới từng đợt liên tục từ thế kỷ 18 tới giữa thế kỷ 20. Dù tới trễ họ vẫn dễ dàng khởi đầu cuộc sống mới bằng cách tìm tới những đồng Bang Hội đã lập nghiệp trước và được tận tình giúp đỡ. Tới trước hoặc sau, người Hoa nói chung rất tương trợ đoàn kết.

Người Hoa ở Việt Nam ngay cả sống nơi vùng đất đai phì nhiêu là Đồng Bằng Sông Cửu Long, ít ai chịu chọn nghề làm ruộng vất vả, kể cả giàu tiền họ cũng không ham làm điền chủ để phải đối đầu với đám tá điền nghèo quanh năm lam lũ chỉ mang tiếng bóc lột. Họ đã khôn ngoan chọn nghề buôn bán ít cực nhọc mà lại hưởng lợi nhiều, nhỏ thì từ những cửa hàng chạp phô kiêm tiệm thuốc bắc mọc lên – nơi nào có khói bếp, nghĩa là khắp hang cùng ngõ ngách, lớn hơn là lập nhà máy xay lúa cùng với các trạm thu mua lúa gạo cây trái và liên kết với nhau qua các Bang Hội đi tới độc quyền chi phối cả nền kinh tế của toàn vùng Đồng Bằng Châu Thổ.

Với thời gian, thế lực người Hoa ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tới giữa thế kỷ 19 (1841) một Đại Bang được thành lập ở Sài Gòn lấy tên là Hoa Phủ Công Sứ, gồm các Bang người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nàm. (Riêng người Minh Hương không được kể là người Hoa thực sự). Đại Bang này không những là cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp nội bộ giữa những người Hoa với nhau mà còn có cả quyền hạn rất lớn về chánh trị và kinh tế, quyền cấp thẻ cư trú, quyền ấn định giá gạo trên thị trường.

Trong suốt thời Pháp thuộc (1884-1945), vì quyền lợi khai thác và cả lý do an ninh thuộc địa, lại thêm áp lực từ nước lớn Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam được hưởng nhiều quy chế ưu đãi nhất: Hoa kiều đến từ Singapore được lập Bang riêng – Clan Singapore, Hoa kiều mang quốc tịch Anh có câu lạc bộ riêng, Chợ Lớn có riêng Hội Đồng Quản Hạt như một chánh phủ trong chánh phủ với quyền quản lý kiều dân, hối đoái, định giá lúa gạo và mức xuất nhập cảng... Đổi lại Trung Hoa cho Pháp quyền truy lùng và dẫn độ những nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động chống Pháp tại Hoa Lục.

Chợ Lớn hay Đại Thị, tên do Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đặt, ban đầu thưa thớt_ thời Francis Garnier 24 tuổi còn làm Đô Trưởng trước khi cùng với Doudart de Lagrée lập đoàn thám hiểm Pháp ngược dòng sông Mekong (1866-1868) để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa.

Sau đó với thời gian, Chợ Lớn trở thành nơi thị tứ đông người Hoa nhất; là trung tâm thương nghiệp và công nghiệp cung cấp hầu như toàn bộ nhu cầu dân chúng Miền Nam; họ hầu như có độc quyền tín dụng đối với giới nông dân người Việt.

Nơi Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay từ đầu người Hoa sống tập trung thành từng cụm ở các thị trấn xen kẽ với người Việt và người Khmer. Đông nhất vẫn là hai nhóm người Tiều và người Quảng. Do nhu cầu giao thương, những người Hoa này nói được cả tiếng Việt và tiếng Khmer.

Họ giữ mối quan hệ chặt chẽ với giới người Hoa ở Chợ Lớn rất sớm – qua con Kinh Tàu Hủ từ 1819 đã là đường thủy vận huyết mạch nối liền Chợ Lớn với toàn mạng lưới sông rạch của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Người Hoa chỉ chiếm khoảng 2% toàn dân số Việt Nam_ qua khả năng doanh thương là ưu điểm của họ, nhưng còn phải kể tới cả những thủ đoạn tranh thương bất chính qua đầu cơ tích trữ phá giá thị trường, tham nhũng hủ hóa mọi giới cầm quyền kể cả dưới chế độ Cộng Sản, họ cấu kết với những tay tài phiệt quốc tế vùng Đông Nam Á đi tới nắm độc quyền về kinh tế – khống chế toàn mạng lưới thương nghiệp, từ buôn sỉ bán lẻ nông sản tới sản phẩm công nghiệp, sang tới các dịch vụ tài chánh và chuyên chở. Đề Ngạn tên gọi Chợ Lớn của người Hoa nghiễm nhiên trở thành một khâu quan trọng trên trục kinh tế Đài Loan Hongkong Singapore mà theo thuật ngữ báo chí bây giờ gọi đó là Khối Kinh Tế Đại Hán – CEA (Chinese Economic Area).

Lửa Cách mạng Tân Hợi từ Nam Kỳ

Nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Văn trong thời kỳ bôn ba, đã từng ba lần tới Việt nam. Qua các tổ chức Trung Hưng Hội như những chi bộ hải ngoại của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Tôn Văn đã hết sức thành công trong cuộc vận động các cộng đồng người Hoa ở Nam Kỳ góp công góp của cho cuộc vận động Cách Mạng Dân Quyền đang diễn ra ở Hoa Lục.

Trong một cuộc họp với các đồng hương ở Chợ Lớn, Tôn Văn đưa ra nhận định tình hình đã chín mùi cho cuộc cách mạng lật đổ triều đình Mãn Thanh và ngay sau đó ông đã nhận được sự đóng hết sức lớn lao của mọi tầng lớp người Hoa. Đi tới đâu ông cũng tìm cách tiếp xúc với các Bang Hội, hóa giải những bất đồng giữa họ và kích động niềm tự hào Hán tộc để họ luôn luôn hướng về đất mẹ Trung Quốc vốn tự ngàn xưa đã là trung tâm của thiên hạ, “đồng thời khuyên nhủ họ vẫn mãi là người Hoa_ không để bị đồng hóa với người bản xứ.”

Sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi 10-10-1911, Tôn Văn được suy tôn như quốc phụ của cả nước Trung Hoa. Đúng như ước vọng của ông, cộng đồng người Hoa ở hải ngoại cho dù ở đâu và bao giờ cũng vẫn luôn luôn là bộ phận gắn bó với nước mẹ_ nói theo ngôn từ của phóng viên tuần báo Viễn Đông Kinh Tế thì họ đã và đang là “những cánh tay vươn dài của Trật Tự Trung Hoa – Pax Sinica” cả lục địa lẫn hải đảo.

Dưới thời đô hộ Anh, Kyaw Nyein đã mô tả đất nước Miến Điện như một Xã Hội Hình Tháp – Social Pyramid với dưới đáy là bao nhiêu triệu người Miến Điện nghèo khổ ngu dốt và bị bóc lột và trên đỉnh là một thiểu số người ngoại quốc Anh, Hoa, An ...

Riêng Việt Nam, cho dù đã bước qua thế kỷ 21, trải qua bao nhiêu cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, thì vẫn cứ mãi là cấu trúc Xã Hội Hình Tháp dưới đáy là những người dân bản xứ nghèo khổ ít học bị khai thác làm thuê làm mướn ăn nhờ ở đậu ngay trên chính quê hương mình, trên chóp đỉnh thường trực vẫn là những khách trú thiểu số người Hoa, chỉ có đổi thay nhưng luôn luôn gắn bó hữu cơ với họ là giai cấp thống trị, sau những Ông Tây Thuộc Địa, những Ông Tướng Cộng Hòa thì nay đến lượt những Ông Tư Bản Đỏ vẫn rất được tin cậy qua cả những hợp đồng dài hạn tới 50 năm trong những dịch vụ làm ăn bền vững. Giai thoại Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói chuyện với ký giả Milton Osborne khi tới thăm Hà Nội vào đầu thập niên 80 về ý định Nhà Nước sẽ phá vỡ độc quyền thương mại của người Hoa ở Miền Nam nhưng thực tế 20 năm sau thì hoàn toàn ngược lại, người Hoa được chính người Cộng Sản Việt Nam tiếp thêm sức mạnh và ông Thạch thì nay cũng đã chết.

Bằng đôi mắt chim để thấy suốt dọc hai bên bờ con sông Mekong hùng vĩ dài hơn 4200km ấy, là cả một quần thể người Hoa phồn vinh và sung mãn – nếu ví von, nói theo ngôn từ y học của bác sĩ Duy, thì đó là những tảng mỡ có thể làm nghẽn mạch mà phẫu thuật – surgical resection thì bao giờ cũng đau đớn, nhưng qua sự hội nhập và chuyển hóa lành mạnh thì đó lại là những hạt mỡ tốt HDL thông mạch – không bởi viên thuốc tan mỡ kỳ diệu nào mà do bởi sự thăng hoa môi trường từ “Toàn Trị” sang “Dân Chủ”.