Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Chuyện cờ đỏ cờ vàng

Nguyễn Quang A

 

Chuyện lá cờ là chuyện về biểu tượng và dễ gây tranh cãi và chia rẽ.

Kinh nghiệm Bàn Tròn Ba Lan và nhiều cuộc thương thuyết trong chuyển đổi dân chủ đã cho thấy một nguyên tắc quan trọng trong các cuộc thương lượng như vậy là “không thảo luận các vấn đề mang tính biểu tượng,” bởi vì các bên “giải quyết tương lai và tránh tranh cãi về quá khứ… nếu chúng ta bắt đầu lao vào các cuộc thảo luận về những cái sai trong quá khứ chúng ta sẽ không đạt được bất cứ thứ gì. Chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta nhìn vào các thứ khác nhau của quá khứ theo những cách khác nhau, và rằng chúng ta đã có tầm nhìn khác nhau về các vấn đề mang tính biểu tượng khác nhau.” (Bàn Tròn Ba Lan, tr. 167).

Tại Việt Nam chưa có cuộc thương thảo bàn tròn về dân chủ hóa như vậy, nên có thể là hữu ích đi thảo luận về các vấn đề biểu tượng trên tinh thần xây dựng, hòa giải dân tộc. Còn khi Bàn tròn Việt Nam xảy ra thì trong Bàn tròn đó không nên thảo luận về các vấn đề biểu tượng (tức là có thể thảo luận trước và sau Bàn tròn, nhưng luôn lấy hòa giải dân tộc, đoàn kết dân tộc làm trọng).

1. Xuất xứ và tác giả của cờ đỏ sao vàng còn nhiều tranh cãi (xem Lao Động 21/03/2006), song có sự đồng thuận rằng nó là lá cờ của Mặt trận Việt Minh, sau đó ngày 02/03/1946 nó được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa biểu quyết lấy làm quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được xác nhận trong Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1959 của VNDCCH và Hiến pháp 1976 của Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định sử dụng lá cờ này làm quốc kỳ của VNDCCH và CHXHCN Việt Nam cho đến nay (tuy có thay đổi về tỷ lệ kích thước và hình đáng ngôi sao vàng). Cho đến tháng 12/1972 VNDCCH đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 49 quốc gia; đến 1975 VNDCCH đã bắt đầu tham gia tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Y tế Thế giới (WHO). Năm 1975 VNDCCH và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam làm đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng bị Hoa Kỳ phủ quyết.

2. Cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (1948-1955) có xuất xứ từ cờ vàng ba sọc đỏ (với sọc đỏ giữa có một nét đứt, ba sọc đỏ tạo thành quẻ ly nên cờ còn được gọi là cờ quẻ ly) của Đế quốc Việt Nam (hình thành sau khi vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11/3/1945). Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) tiếp tục sử dụng cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc gia Việt Nam làm quốc kỳ. Tính đến 1975 Cộng Hòa Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 87 quốc gia trên thế giới, và đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế như FAO, IAEA, ICAO, ILO, ITU, UNESCO, UNICEF, UPU, WHO, WMO, IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu. Năm 1957 Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc bỏ phiếu để VNCH vào Liên hiệp quốc với 48 phiếu thuận và 8 phiếu chống, nhưng Liên Xô đã phủ quyết.

3. Từ ngày 18 đến 25 tháng Tư năm 1955 cả VNDCCH lẫn VNCH đã đều tham dự Hội nghị Á-Phi tại Bangdung, Indonesia, tiền thân của NAM-Phong trào Không Liên kết mà CHVN không tham gia (VNDCCH không tham dự các hội nghị 1961, 1964, 1970 của NAM, nhưng hội nghị 1973 có sự tham dự của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và từ 1976 đến 2003 có sự tham gia của CHXHCNVN).

4. Có thể thấy trong suốt 20 năm trước 1975 trên lãnh thổ Việt Nam có hai quốc gia: VNDCCH và CHVN với hai quốc kỳ khác nhau.

5. Từ 2/7/1976 Cộng hòa XHCNVN đã quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ của CHXHCNVN (sửa lại tỷ lệ kích thước và hình dáng ngôi sao: các cánh sao thẳng chứ không bầu như cờ của VNDCCH). Cho đến nay CHXHCNVN đã có quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia trên thế giới và các quốc gia này công nhận lá cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của CHXHCNVN.

6. Từ 30/4/1975 CHVN chấm dứt sự tồn tại và lá quốc kỳ của của CHVN không còn là biểu tượng của một quốc gia. Tuy nhiên, một phần không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam đã gắn bó với lá này: tại Việt Nam họ không thể bày tỏ thái độ do sự cấm đoán, nhưng phần lớn những người Việt ở nước ngoài vẫn tôn trọng lá cờ đó, nhất là cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, và họ đã đấu tranh để chính quyền nhiều bang công nhận lá cờ đó như biểu tượng hợp pháp của cộng đồng người Việt tại địa phương (đến tháng Sáu, 2015 đã có 14 tiểu bang, 7 quận hạt và trên 90 thành phố tại Mỹ, một số thành phố tại Australia và Canada đã công nhận như vậy).

7. Như thế, cho đến nay cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của CHXHCNVN được hầu như tất cả các nước trên thế giới công nhận; cờ vàng ba sọc đỏ không còn là quốc kỳ của CHVN (do nó đã không còn tồn tại sau 1975) nhưng lá cờ này được công nhận là lá cờ hợp pháp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở nhiều bang, hạt và thành phố tại Hoa Kỳ cũng như vài nơi tại Australia và Canada.

Đó là những sự thực lịch sử mà không ai có thể chối cãi.

Những ai thực sự muốn hòa giải dân tộc cần tìm hiểu người Mỹ đã đối xử với nhau như thế nào sau khi Miền Bắc đã đánh bại Miền Nam trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kéo dài từ ngày 12/04/1861 đến ngày 9/04/1865 (khi tướng Lee của quân Miền Nam đầu hàng tướng Grant của Miền Bắc). Tướng Lee được tôn trọng, quân Miền Nam được tôn trọng và cho đến ngày nay dân Mỹ tôn vinh cả hai đội quân (với các bảo tàng, tượng đài, nghĩa địa, cờ xí của cả hai bên đều được tôn trọng, thậm chí Nghĩa địa Quốc gia tại Arlington sau này đã có thêm một khu để đưa các liệt sĩ Miền Nam được cải táng vào chung với các liệt sĩ Miền Bắc).

Muốn thực sự hòa giải dân tộc, chúng ta phải tôn trọng lịch sử, phải đối xử với các biểu tượng (cờ, quốc ca, tượng đài, nghĩa địa, các loại sắc phục,…) của các bên với sự kính trọng thực sự. Và việc này đòi hỏi sự nỗ lực phi thường của cả hai phía, nhất là của “bên thắng cuộc.”

Nhân kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi (Hội nghị Bangdung) được nhắc đến ở điểm 3 kể trên, nước chủ nhà Indonesia đã tôn trọng lịch sử khi thượng cờ của VNCH cạnh cờ của VNDCCH cùng quốc kỳ của các quốc gia khác đã tham dự hội nghị tại lễ kỷ niệm được tổ chức tại Jakarta ngày 24/04/2015 với sự tham dự của Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang. Chủ tịch CHXHCNVN Trương Tấn Sang đã đứng dưới hàng cờ đó và được trang thông tin của Lễ kỷ niệm loan tải (Chủ tịch Trương Tấn Sang đứng ở góc trái bên dưới của bức ảnh, cờ của VNCN và cờ của VNDCCH cạnh nhau trong hàng cờ trước ở vị trí thứ hai và thứ ba ở góc phải phía trên của bức ảnh).

clip_image002

Tôi cho rằng việc làm của Chủ tịch Trương Tấn Sang một cử chỉ tốt hướng tới sự hòa giải dân tộc (đáng tiếc báo chí Việt Nam đã không đăng bức ảnh này).

Đã đến lúc chúng ta, những người Việt ở trong nước và trên khắp Thế giới, nên nhìn nhận các vấn đề biểu tượng (trong trường hợp này là cờ đỏ, cờ vàng) trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hướng tới sự hòa giải dân tộc và xây dựng sự đoàn kết dân tộc.

Người Việt ở nước ngoài, nơi mà cộng đồng người Việt lấy cờ vàng làm biểu tượng, khi về nước phải tôn trọng quốc kỳ của CHXHCNVN (như họ phải tôn trọng các biểu tượng quốc gia của nước sở tại khi họ đến bất kỳ quốc gia nào khác). Khi người trong nước có dịp gặp gỡ cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào lúc họ tụ tập dưới lá cờ vàng thì cũng phải tôn trọng sự lựa chọn biểu tượng của bà con. Trong một số cuộc tập hợp đông đảo người Việt ở nước ngoài, ở một số nước như Đức, Nhật…, đặc biệt là khi mit tinh, tuần hành phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông, đôi khi đã có sự đồng lòng, sát cánh giữa những nhóm người mang cờ đỏ và nhóm người mang cờ vàng. Đó là hiện tượng đáng mừng trong quá trình phấn đấu hòa giải, hòa hợp dân tộc, cho tới khi đạt được sự thống nhất cùng đứng dưới một lá cờ chung là biểu tượng của Tổ quốc Việt Nam đồng thời cũng vẫn tôn trọng các biểu tượng lịch sử khác.

Là người cổ vũ cho sự hòa giải dân tộc, tôi nghĩ rằng chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể hàn gắn các vết thương còn rỉ máu của dân tộc; làm ngược lại chỉ càng khoét sâu các vết thương đó và làm như thế thực sự phục là vụ cho các thế lực chống lại dân tộc chúng ta. Hãy phá bỏ các bức tường ngăn cách những người Việt chúng ta, thay vì dựng lên những bức tường như vậy nhân danh bất cứ thứ gì!

Bất kể hành động nào theo tinh thần như vậy từ bất cứ ai, ở bất cứ đâu đều nên được hoan nghênh, ngược lại bất cứ việc khoét sâu thù hận, chia rẽ phải bị lên án.