Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (20)

LỮ QUỲNH


clip_image001[4]
Tiểu sử:
Lữ Quỳnh tên thật là Phan Ngô. Ông sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế. Cha mất lúc một tuổi, thuở nhỏ phần lớn ông sống tự lập.
Từ năm 1959 đến 1962 ông là học sinh trường Quốc Học Huế. Năm 1962-1963 dạy học tại trường Bán công Vinh Lộc.
Lữ Quỳnh là cựu Sĩ Quan Việt Nam Cộng hòa (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức), phục vụ tại các đơn vị: Tổng Y Viện Duy Tân – Đà Nẵng (năm 1965-66), Tiểu đoàn 22 Quân Y -Bình Định (năm 1967-70), Quân Y Viện Quy Nhơn (năm 1971-75). Ông có mười năm sống ở Quy Nhơn.
Sau 1975, ông bị giam giữ cải tạo ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị). Năm 2000 Lữ Quỳnh đến định cư tại Hoa Kỳ, hiện ông sống cùng gia đình ở San Jose, California.
Lữ Quỳnh là một trong ba sáng lập viên (gồm Ngụy Hữu, Lữ Kiều) đầu tiên của tạp chí Ý Thức, hậu thân tờ Gió Mai ở Huế 1958. Ý Thức qua nhiều giai đoạn in ấn từ roneo, typo đến offset, tòa soạn di chuyển theo chân Ban biên tập. Cho đến 1970, Ý Thức được cấp giấy phép xuất bản tại Sài Gòn, trở thành Tạp chí Bán nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật, với số ra mắt phát hành rộng rãi bởi Nhà xuất bản Đồng Nai, số lượng lên tới 7.000 bản. Lúc này, Nguyên Minh là chủ báo với sự cộng tác của: Châu Văn Thuận, Trần Hoài Thư, Nguyên Thạnh, Đỗ Nghê, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Ngụy Ngữ, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Ước, Võ Tấn Khanh, Phạm Ngọc Lư, Bửu Chỉ, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Hữu Lục.Tạp chí Ý Thức ra được 24 số thì đình bản.
Ông từng cộng tác với các tạp chí trong nước: Mai (1961), Phổ Thông (1960), Bách Khoa (1962), Khởi Hành, Thời Tập (1972), Ý Thức (1970), Nhật báo Công Dân-Huế (1960-61); và hải ngoại: Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Tân Văn…(từ 2001)
Tác phẩm đã xuất bản:
·        Cát vàng, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1971; NXB Văn Mới tái bản, California 2006)
·        Sông sương mù, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1973)
·        Những cơn mưa mùa đông, Truyện vừa (NXB Nam Giao, Sai Gòn 1974; NXB Thư Quán Bản Thảo tái bản, New Jersey 2010)
·        Vườn trái đắng, Truyện dài (Đăng nhiều kỳ trên tạp chí Ý Thức, Sài Gòn 1971-1972)
·        Sinh nhật của một người không còn trẻ, Tập thơ (NXB Văn Mới, California 2009)
·        Đi để thương đất nước mình, Ký (NXB Văn Mới, California 2012)
·        Những giấc mơ tôi, Tập thơ (NXB Văn Mới, California 2013)

Nhận xét:

Thơ Lữ Quỳnh là thơ của một người đã cầm súng, đi qua đau thương của dân tộc, qua những sai lầm của cuộc chiến tranh. Người quan sát và nhân chứng.
Hơn thế, về mặt nghệ thuật dòng thơ ấy còn thể hiện cùng lúc sự cô đọng và sự trải lòng, tính tranh luận và tính hài hước nhẹ nhàng. Là một người viết khá đều, từ thời kỳ của tạp chí Ý Thức ở miền Nam trước đây, trong trại cải tạo, và khi ra đến hải ngoại, Lữ Quỳnh có bút pháp thống nhất, ít thay đổi, nhưng trên nền của một triết lý nhân sinh không ngừng rộng mở.
Ngôn ngữ của anh sắc sảo mà có hơi hướm xúc cảm. Những nỗ lực làm mới bút pháp vẫn không xóa mờ sự chừng mực, vốn giữ vai trò quyết định, đến nay. Thơ anh đặt ở thế đối lập nhau giữa tội ác và các nạn nhân của nó.
Người đọc có thể nhận ra tương tác giữa thiên nhiên và trí tưởng tượng, giữa quá khứ xung đột và tương lai nhiều dấu hỏi của dân tộc. Những bài thơ gần đây của anh có giọng trực tiếp hơn và tự sự hơn, dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của thơ thế sự xã hội truyền thống. Thơ có vần của Lữ Quỳnh chuyển đổi một cách dễ dàng thành thơ tự do, nhất là trong các bài cá nhân và trữ tình.
Trong trường hợp thành công nhất, có sự cân bằng giữa một bên là giọng say đắm tình cảm, một bên là trầm tư chính trị, lặng lẽ, sâu kín. Nhờ thế đôi khi sự vật, tình yêu, cái chết, chiến tranh, được anh mô tả từ trong ra ngoài, một cách thấu suốt. Mong anh sẽ tiếp tục sự cân bằng ấy và hướng đi ấy.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.



NGƯỜI LÍNH BUỒN
Nhớ Ngô Kha, 1966
Trước mỗi ngọn nến hồng
Sau ngày thua trận
Im lặng sâu hơn
Vì chờ tiếng nói
Mưa rả rích ngoài trời
Vẫn không một lời
Giã từ nhau lặng lẽ.
Chiếc cầu sắt đen
Những thanh tà vẹt rỉ
Tàu qua mỗi buổi chiều
Để lại tiếng còi hoàng hôn
Người lính tóc râu phủ mặt
Bước lạnh lùng trên những thanh ray
Buổi chiều ở Cầu Hai
Mang trái tim Che[
1]

Người lính tưởng mình ở rừng già nam Mỹ
Cùng giấc mơ giải phóng về.
Cuộc chiến đầy ảo vọng
Rồi cũng lụi tàn nhanh
Dưới mưa phùn giá lạnh
Đoàn hàng binh về thành
Người lính buồn ở lại.
Đã nhiều năm trôi qua
Người lính buồn ở lại
Người lính buồn nằm xuống
Giấc ngủ ruộng đồng
Mênh mông mây trắng
Tiếng vỗ cánh
Hư không.
San Jose, 1/2011



CHIỀU CUỐI NĂM

đi nhầm tàu ở San Jose

Thành phố chiều cuối năm

những chiếc bus chạy qua vắng khách

đường mang số - hàng cây trơ cành

mùa đông vừa đem đi hết lá.

Ngồi một mình cà phê Starbucks

ở góc đường số 3

mưa mịt mù ngoài cửa kính

người phục vụ da đen đưa mắt nhìn buồn bã

thời gian trôi

trên những chiếc bàn trống.

Nỗi nhớ chiều cuối năm

cánh đồng một thời bom đạn 

giờ này trắng xóa mưa

bạn bè nghĩa địa đìu hiu

ôm đất trời sũng nước.

Đón light rail

đi Blossom Hill

toa tàu vắng

người homeless già thu mình hàng ghế cuối

giấu khuôn mặt dưới chiếc mũ dạ nâu

tàu đi - tàu qua rất lâu

bóng tối đầy trong đôi mắt

người homeless già

tàu đi - tàu qua nhiều ga

người homeless vẫn ngồi

chờ xuống ga nào quá khứ.

Tôi đi Blossom Hill

tàu qua hoài chẳng tới

mỗi lúc càng xa

những ga xép chiều mưa quê nhà

tiếng còi tàu ảm đạm

Lăng Cô – Thừa Lưu – Huế

tôi  đã lên nhầm tàu

Santa Teresa - Winchester

chiều cuối năm

như người homeless già

tôi đi chuyến về ký ức.

Những trái thông không

rơi vào mùa Giáng sinh

Tôi trở về nơi làm việc cũ

parking lot không một bóng xe

cánh cửa mỗi sáng bấm giờ vào ca

im lìm đến hãi hùng

tôi gọi thầm Amanda

mà sao cổ nghẹn

tôi gọi Amanda nhiều lần

mà âm thanh chỉ làm trái tim muốn vỡ

Gió reo hay thông reo

những ngọn thông cao vút

ném xuống lòng đường những trái khô queo

trái thông năm nào lúc chia tay

cũng xám màu huyết dụ

như chiều nay

giấc ngủ mấy mùa đông

vì một tiếng thông rơi

mà tĩnh thức

Tôi bước đi trên lối cũ

tiếng gió và sự lặng thinh

bãi đậu xe lênh đênh hoàng hôn

tôi thất thanh gọi …

sao chỉ nghe tiếng vỡ trong ngực mình.



MỘT MÙA ĐÔNG BÌNH YÊN
   
Bắt đầu những ngày bình yên

ngắm mùa đông

ấm áp trong tóc em

trong ánh mắt reo vui

bữa cơm chiều.

Lần đầu tiên ở xứ người

hiểu thế nào hạnh phúc

khi cỗ máy ầm ào hằng đêm

cùng ánh đèn cao áp

không còn giành giựt với trái tim

nhịp đập.

Mùa đông

cây thông Giáng Sinh

lấp lánh quả cầu giấy bạc

nhớ quê nhà những chiều mưa

trên sân gạch nở đầy

bong bóng nước

em mặc áo len vàng

tung tăng cánh đồng ký ức

cánh đồng mùa xuân

hoa cúc vàng nở rực.

Mùa đông này

trời trong veo và rất lạnh

hai bàn tay buốt cóng

cầm nỗi nhớ nhà

đi lang thang qua Tự Do Lê Lợi

trước Givral

nhìn bạn bè đứa còn đứa mất

rượu tràn ly nói cười

chuyện thiên đường địa ngục.

Lần đầu tiên

hiểu thế nào sự bình yên

là lúc

nỗi cô đơn dịu dàng

cùng mùa đông

bắt đầu thắp

những ngọn nến hồng

trên mặt đất.



HOÀNG SA, NỖI NHỚ

Tôi xin lỗi

đã không nhớ hết tháng ngày

bọn Tàu ô đánh chiếm Hoàng Sa

với con số tổn thất

của những anh hùng Việt Nam giữ đảo

nhưng nhớ chắc một điều

ngày 19 tháng giêng 1974

quân cướp nước đã bất ngờ

với tàu chiến biển người tràn lên đảo

những người lính của ta đánh trả

đến viên đạn cuối cùng

thân xác các anh giữ thơm quê mẹ

máu các anh tô hồng trang Việt sử

Tôi xin lỗi

đã không nhớ hết tháng ngày

bọn bành trướng đánh chiếm Hoàng Sa

nhưng nhớ chắc một điều

trên chiếc bè cao su với 13 thủy thủ

trôi bập bềnh hai tuần lễ

tấp vào Quy Nhơn

đơn vị tôi đón các anh

một chiến sĩ hy sinh cùng chiến hạm

mười hai người còn lại phần lớn hôn mê

các anh đã chuyền nhau lòng dũng cảm

để tồn tại

còn đánh trả giặc thù

Tôi xin lỗi

đã không nhớ tên các anh

nhưng nhớ chắc một điều

đồng bào đón tiếp các anh

ngày xuất viện 

những anh hùng về từ Hoàng Sa

đi thăm thành phố biển

thăm vùng đất anh kiệt

nơi sinh sản một Quang Trung Nguyễn Huệ

người đánh tan hai mươi vạn quân Thanh

buột Tôn Sỹ Nghị nhục nhã chạy về Tàu

Sầm Nghi Đống bỏ xác lại gò Đống Đa

Tôi xin lỗi

rất đau lòng nhưng phải nói ra

ngày mất Hoàng Sa

chỉ nửa nước đau thương căm hờn lũ giặc

chỉ nửa nước sục sôi niềm đau mất đất

Tôi xin lỗi

quả thật còn quá nhiều điều

nhưng chưa thể nói ra!



TRƯỜNG SA, FUKUSHIMA!

Hoa anh đào ở DC năm nay nở sớm

chưa tháng tư đã rộ sắc hồng

hoa không vội tàn mà nhạt màu tang tóc

nhìn hoa sao lòng hư không

đi dọc bờ sông Potomac

mưa rơi trên những cành hoa

như nước mắt rơi ở Fukushima

như nước mắt rơi ở Trường Sa

sóng thần động đất

quỷ dữ thiên tai làm sao tránh được

dân Nhật kiên cường vượt nỗi đau

bọn cướp giết ngư dân

lấy tàu thuyền lộng hành giữa biển

dân Việt âm thầm chịu nỗi đau 

hoa anh đào ở DC năm nay nở sớm

hoa không vội tàn như còn muốn để tang

tôi nghe nói hoa cùng nở cùng tàn

như tinh thần võ sĩ đạo 

như Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam

còn hơn làm vương đất Bắc

câu nói làm run tay lũ giặc

mưa vẫn rơi vẫn rơi trên sông Potomac

vẫn rơi vẫn rơi trên mặt hồ Tidal Basin

vẫn rơi vẫn rơi lên tượng đài Thomas Jefferson

mưa vẫn rơi và nước mắt vẫn rơi

Fukushima! Trường Sa ơi!

Washington DC, April-June, 13-2011



NGƯỜI NGỒI KHÂU DI SẢN

                              tặng Trần Hoài Thư

 
Thương bạn ngồi khâu di sản

văn học miền nam hai mươi năm

tóc bạn trắng. trắng như mây

tóc bạn trắng như tuyết New Jersey

thương bạn. thương bạn lắm

văn học miền nam thì mênh mông

làm sao bạn khâu hết

cặp kính lão dày trễ xuống

kim đâm vào tay không biết đau

lưng  bạn còng bảy mươi ba tuổi

bảy mươi ba năm ít ngày vui

năm tháng dài trả nợ sông núi

nhỏ máu từng trang viết ngậm ngùi

hai mươi năm di sản mây trôi

chỉ mình bạn ngồi khâu. khâu mãi . . .



NHỮNG DẤU CHÂN CỪU LẶNG IM

Tâm hồn anh như cánh đồng
Tình em – những bước chân cừu im lặng
Cánh đồng mọc toàn cỏ đắng
Tội nghiệp cừu non chưa gian truân.
Tâm hồn anh có khi là sa mạc
Thức ăn xanh chỉ toàn ảo giác
Tội nghiệp cừu non thơ ngây
Không bao giờ tin điều có thật.
Mặt trời mọc mỗi ngày
Trên con đường em đi tới
Miền hạnh phúc lưu đày
Vùng khổ đau sáng chói
Nơi có anh
Nơi không có anh
Nơi chỉ đêm tuyền màu xanh
Với mắt cừu non thao thức.
Tâm hồn anh một cánh đồng hoang
Ngập đầy cỏ đắng
Tội nghiệp bước em lang thang
Những dấu chân cừu im lặng.



LỜI XIN LỖI TRƯỚC MÙA XUÂN

Xin thêm một lần tha lỗi cho anh
Hỡi em hỡi em – chỉ thêm một lần
Anh sẽ đốt cháy rừng
Sẽ bắn vào chiến tranh
Như mặt trời buổi trưa
Lòng anh bừng bừng lửa táp
Ôi nỗi buồn cao như cổ tháp
Anh sẽ bằng tay bằng óc bằng súng bằng dao
Đập cho tan hoang con quỷ ám trong đầu
Con quỷ giết người bằng đạn đồng chông sắt
Con quỷ làm em mỗi ngày cúi mặt
Nhớ anh Bà Gi thấp cao đồi đỏ
Lo anh từng đêm giấc ngủ nghẹn ngào
Em bây giờ vàng như ánh hỏa châu
Mùa xuân tới chờ anh về soi mặt
Anh sẽ cố đem theo những ngày-dài-không-xa-cách
Cùng thoáng môi thơm cả mấy tháng hương rừng.
Ước gì ký ức như tấm bảng đầu xuân
Cho anh được xóa một lần
Quên đôi mắt mồ côi của bé
Quên khuôn mặt bạn bè vĩnh biệt anh em
Quên những ngày những đêm
Quên cò súng lưỡi lê
Quên mìn chông đạn lửa
Ước gì chỉ một lần
Anh được quên tất cả.
Bây giờ em ở đó
Trời buồn như mắt dân Chiêm
Tháng này gió nhiều tha hồ lá đổ
Em ru con bằng tiếng xạc xào
Ôi nỗi buồn hun hút dâng cao
Anh biết mùa xuân sắp về
Nhưng lòng còn bình yên để đợi?
Em ở đó một mình
Hằng đêm nằm nghe cỏ mọc
Lòng nặng tiếng à ơi
Làm sao không khóc!
Xin tha lỗi anh thêm một lần
Hỡi em hỡi em – chỉ thêm một lần
Vì đầu chiến tranh chưa vỡ
Vì súng này chưa biến thành cành khô
Để anh gửi em tặng đám học trò
Chiều tất niên đốt làm lửa trại
Hy vọng xanh rờn cho tay em hái
Sẽ không bao giờ còn một mình
Nằm nghe gió quái đầu hiên
Cùng nỗi nhớ anh chập chập chờn nước mắt.