Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Lý thuyết Hiện tại Sinh động như Lý thuyết của Tính Kết hợp

Trần Đức Thảo (1993)
Nguyễn Hoài Vân dịch từ Pháp Văn

Chúng ta đã khảo sát cá tính trong sự vận động nội tại của nó, với các hiện tượng « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi » trong giây lát hiện tại, được kiện toàn khi chuyển từ giây lát ấy sang giây lát sau. Sự trở thành được nối tiếp từ một giây lát sang giây lát kế theo, xác định dòng thời gian trong đó các cá thể sản sinh và kết tụ ít nhiều giữa chúng với nhau để tạo thành những cá thể phức hợp.

Xem thêm:

Phần I: Luận lý Hiện tại sinh động: Vì một Luận lý Hình thức và Biện chứng

Phần II: Luận lý Hiện tại sinh động: Biện chứng Luận lý như biện chứng tổng quát của sự Hội nhập Thời gian

Phần III: Lý thuyết Hiện tại sinh động như lý thuyết của cá tính

Trong chiều hướng ấy, một số sinh vật đơn bào tiết ra các chất keo, làm cho chúng dính lại thành từng tập hợp, để trở nên những tế bào thành viên của các cá thể phức hợp như trong loài « Bọt Biển ». Với sự kết hợp này, hiện ra ba môi trường :

·  môi trường bên ngoài, có ranh giới là các tế bào của « lá ngoài »,

· môi trường bên trong, tạo thành một « khoang vị » bao phủ bởi các tế bào của « lá trong »

·  và môi trường trung gian hay “lá giữa” nối kết hai môi trường kia.

Với ba môi trường ấy, cá thể phức hợp « Bọt Biển » tự cấu thành trong Hiện Tại Sinh Động bởi sự thâm nhập của thức ăn từ ngoài vào trong, qua các lỗ hấp thụ của lá giữa.

clip_image005

Trần Đức Thảo. Ảnh: sgtt.vn

Nhờ đó, chức năng hấp thụ, kế thừa các bước tiến hóa trước, được tồn đọng trong cấu trúc của Bọt Biển, chuyển hóa sang chức năng hướng tiền. Trong bước chuyển bao hàm đối nghịch giữa di sản của quá khứ với áp lực hướng tiền ấy, sự chuyển trôi từ sự tồn đọng vẫn còn hiện hữu, sang hiện hữu trong lúc này, đến hiện hữu với áp lực hướng vào tương lai sắp xảy ra, xác định sự hội nhập thời gian. Đó cũng là mâu thuẫn nội tại của loài Bọt Biển.

Tính thống nhất của mâu thuẫn ấy đẩy Bọt Biển vào sự vận động nội tại của chức năng đồng hóa (thu nạp chất nuôi dưỡng để biến hóa thành chính nó – NHV), để xây dựng cái thực hữu của nó, khiến nó « là » một hiện hữu, như quy luật luận lý trực tiếp : cái gì hiện hữu, thì hiện hữu.

Cùng lúc, sự đấu tranh giữa các phạm trù mâu thuẫn, tức giữa sự chuyển hóa hay chức năng hướng tiền, và các cấu trúc của chức năng tồn đọng, làm cho sinh vật ấy chuyển trôi đến sự tan biến của nó, với việc phân hủy và đào thải những cặn bã qua lỗ tiêu hóa, theo quy luật luận lý được trung gian hóa : cái gì hiện hữu, thì hiện hữu, đồng thời nó hiện hữu và không hiện hữu với ý nghĩa nó không còn hiện hữu.

Tuy nhiên, sự đồng hóa bao hàm chức năng tái thiết cái cấu trúc bị phân hủy kia (bằng các chất nuôi dưỡng lấy từ môi trường – NHV), khiến cho sinh vật nọ, dù không hiện hữu nữa, lại vẫn còn hiện hữu. Nói cách khác, cùng với sự phân hủy, cấu trúc được tái tạo liền lập tức lắng đọng trong nó, đồng thời duy trì các đặc tính cơ bản của nó. Thiếu những đặc tính này thì sinh vật ấy không còn là nó, theo quy luật : một hiện hữu, chỉ có thể là A hoặc không A.

Cùng lúc, sự tái tạo đang lắng đọng hướng đến tương lai sắp hiện lên. Điều này bao hàm xu hướng dẫn đến một hiện hữu khác biệt, theo quy luật : một hiện hữu, chỉ có thể là A khặc không A, tuy nhiên, trong hình dáng của hiện hữu đã bước sang tương lai đang hiện đến, thì nó vừa là chính nó, vừa là cái khác.

Sự trở thành nội tại của Bọt Biển cứ tiếp nối như thế trong dòng thời gian, thông qua muôn vàn dáng vẻ khác nhau, cho đến lúc sự phát triển của khoang vị khiến cho môi trường bên trong trở thành ưu tiên đối với bên ngoài. Thức ăn không còn thâm nhập qua các lỗ hấp thụ nữa, mà được lấy vào qua lỗ thổ nạp, một đặc tính của loài Ruột Khoang (Coelentéré) (như con sứa – NHV).

Sinh vật này hấp thụ thức ăn bằng cách nuốt chậm qua lỗ thổ nạp, rồi thình lình tống nhanh xuống phôi vị (gastrula). Ngược lại chức năng đào thải khởi đi từ phôi vị bằng một sự đưa ra chậm chạp, trước khi thình lình tống xuất những yếu tố cần đào thải, cũng qua lỗ thổ nạp.

Như thế, bước chuyển bao hàm đối nghịch giữa cấu trúc tiêu hóa tồn đọng trong bối cảnh lúc này, với áp lực hướng tiền đi vào tương lai sắp xảy đến, chuyển từ một nhịp độ chậm, sang  nhanh. Tức là phải có sự vận dụng hai loại mô « thần kinh – cơ » : một loại mang khả năng tác động theo phương thức chậm, còn gọi là trương lực, loại kia theo phương thức nhanh, hay từng kỳ.

Kết quả là sự hội nhập thời gian của tính kết hợp, đã phức tạp trong cá thể phức hợp của loài Bọt Biển, đạt đến ở đây một hình thức mang chất lượng cao hơn, với sự xuất hiện của loài Ruột Khoang.

Thật vậy, sự « chuyển biến bao hàm đối nghịch », lưu chuyển từ quá khứ không còn hiện hữu, đồng thời vẫn hiện hữu bởi di sản tồn đọng trong nó, tức từ « hiện trạng lúc này » của cấu trúc tiêu hóa, sang tương lai chưa xảy đến, nhưng đã bắt đầu hiện ra trong áp lực của hoạt động hướng tiền nơi chính sự tiêu hóa ấy, trong trường hợp loài Ruột Khoang, được phân thành hai giai đoạn. Đó là : giai đoạn chuyển sang trương lực và giai đoạn chuyển sang từng kỳ, khi chuyển biến ấy hội nhập  thời gian sự đối kháng giữa quá khứ và tương lai, phần nào như « mũi tên thời gian » của lúc này. Nói cách khác, sự hội nhập thời gian của một cá thể phức hợp như loài Ruột Khoang diễn ra theo một nhịp điệu kép : hệ thống « thần kinh – cơ » của chức năng tiêu hóa chuyển dần từ vận động trương lực, như một sự sửa soạn từ từ, sang vận động từng kỳ, như sự hoàn tất của nó.

Tóm lại, ở đây chúng ta có một sự « chuyển biến đối nghịch bao gồm hai mặt », hay một sự lưu chuyển bao hàm đối nghịch, từ tồn đọng đến hướng tiền, qua một lúc này được phân đôi. Sự hội nhập thời gian được phân đôinhư thế, sản sinh ra mâu thuẫn nội thân phức biến của loài Ruột Khoang. Tính thống nhất của mâu thuẫn này đặt cá thể phức hợp ấy trong sự vận động nội tại tổng quát của nó, thể hiện hành vi đầu tiên nơi các sinh vật đa bào. Đó là sự co thắt, được chuyển từ lá trong ra lá ngoài, lan đến hệ thống chân-tua, nơi mà các mô « thần kinh – cơ » cũng được phân thành hai loại (8).

Sự đối kháng giữa các mặt mâu thuẫn ấy đưa đến chấm dứt co thắt, trong trạng thái buông lỏng, nghỉ ngơi.

*

*     *

Hành vi nguyên thủy dựa trên « co thắt » được thấy nơi trẻ sơ sinh. Khi bú sữa, nó xen kẽ nuốt vào và nôn ra. Hình thức co thắt cũng thể hiện qua việc kêu khóc, cười, ngoảnh đầu và trở mình.

Sự thực là, ngay từ những ngày đầu của cuộc sống, trẻ nhỏ đã cho thấy một khả năng phân biệt trong lãnh vực cảm thọ cao hơn loài Ruột Khoang. Lý do vì cấu trúc của các cơ quan cảm thọ của nó đã mang những đặc tính người, mặc dù chúng mới chỉ bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, trình độ phát triển của hệ thần kinh được định nghĩa chủ yếu bởi hành vi. Nơi trẻ sơ sinh, hành vi ấy không vượt quá hình thức co thắt, chưa đạt đến hình thức di chuyển, thể hiện nơi loài giun.

*

*     *

Để làm rõ hơn ý nghĩa của sự đối nghịch giữa vận động trương lực và từng kỳ, tiêu biểu cho hành vi  của loài vật, cần khảo sát các hình thức sinh vật phát triển hơn.

Nơi loài Có Vú, vận động trương lực thể hiện trong các động tác chậm chạp để đảm bảo tư thế. Điều này chủ yếu liên quan đến phạm trù « tự thân » (9) của nó, khiến sinh vật sẵn sàng chuyển sang hành động thiết thực trên một đối tượng, khi tình thế cho phép và đòi hỏi.

Vận động từng kỳ là đông tác nhanh, đột khởi, tác động đúng lúc và thiết thực trên đối tượng.

*

*     *

Hãy quan sát một con mèo trong tư thế rình chuột.

Một lúc nào đó, tiếng xào xạc cho biết chuột đang hay sắp xuất hiện. Con mèo liền trầm mình xuống, bụng gần chấm đất, trong tư thế sẵn sàng nhảy đến vồ mồi. Đôi mắt nó thể hiện một sự chú ý mãnh liệt.

Tư thế ban đầu, tức tư thế chờ đợi, được thay thế bởi tư thế thứ hai, là tư thế « tập trung chú ý ».

Rốt cuộc chú chuột xuất hiện trong tầm chụp bắt của mèo, và liền bị vồ lấy : đó là tác động thiết thực trên đối tượng.

Trong hai giai đoạn đầu, những cử động của mèo được thực hiện một cách chậm chạp, biểu hiện sự căng thẳng trương lực, chủ yếu ảnh hưởng trên « tự thân » của nó (9). Sự vận động trương lực đưa đến những tư thế chuẩn bị cho hành động rốt ráo trên mục tiêu, tức là nhảy vọt đến và vồ lấy con chuột. Hành động nhảy vồ ấy bao gồm những co thắt bắp thịt nhanh chóng, đột khởi, được xếp vào loại co thắt từng kỳ.

Phải nhận xét rằng trong khi bước nhảy và động tác vồ mồi diễn ra, thì sự chú ý không những vẫn tiếp tục, mà còn tăng thêm cường độ, đến tột đỉnh, để đảm bảo sự chính xác của động tác thiết thực trên mục tiêu. Thái độ chú ý ấy hòa tan trong hành động vồ mồi, nên không thể hiện bằng một tư thế đặc biệt nào cả. Tuy nhiên, động tác thiết thực, trong suốt tiến trình của nó, được trợ lực bởi thái độ chú ý cực cao này. Vì nó đảm bảo sự chính xác của bước nhảy và động tác vồ bắt, nên có thể được gọi là sự « chú ý hữu hiệu ».

Tóm lại, động tác lấy thế, chủ yếu dựa trên « tự thân », mang tính lâu dài, đồng thời luôn được điều chỉnh, để có thể chuyển từ tư thế sang hành động. Ngược lại, hành động thiết thực trên đối tượng có tính gián đoạn, đột khởi, vì bị lệ thuộc vào sự xuất hiện của mục tiêu bị rình bắt trong tầm hành động của con vật săn mồi.

Động tác lấy thế dựa vào việc hướng đến hành động thiết thực, ở đây là việc vồ chuột. Nó cũng là hướng đến chính đối tượng ấy. Năng lượng của sự « hướng đến » này được đem lại bởi căng thẳng trương lực.

Trong suốt tiến trình ấy, những cảm giác hay hình ảnh  cơ bản hiện ra trên võng mạc và các cơ quan thụ cảm khác của con mèo, được phóng chiếu vào các trung khu não bộ, để được tế bào thần kinh  phân tích, kết hợp và biến đổi thành sự nhận thức tình hình, chỉ đạo cho hoạt động của nó.

Tiến trình tổng quát diễn ra ở đây như sự tiến hành của một khuynh hướng duy nhất, tức như sự vận động có chủ đích của các tư thế dự bị, của sự chờ đợi, sự chú ý tập trung, và cuối cùng là tư thế và sự chú ý hữu hiệu, được hòa tan trong hành động thiết thực trên mục tiêu, kiện toàn cái khuynh hướng ban đầu.

Trong hệ thần kinh của con mèo, toàn bộ sự vận động có chủ đích này kéo theo sự chuyển động của những hình ảnh trong não bộ, đi từ cơ quan thụ cảm đến trung khu thần kinh, rồi từ trung khu thần kinh đến cơ quan tác động. Các hình ảnh ấy thực sự hiện hữu trong sự chuyển động phức tạp của luồng thần kinh. Một số dấu hiệu của chúng có thể được quan sát bằng những dụng cụ tân tiến.

Tuy nhiên, vấn đề là : con mèo nhìn thấy môi trường chung quanh và mục tiêu vồ bắt trong hoàn cảnh thực tế, tức là không  phải ở trong não bộ của nó, mà ở bên ngoài, trước mặt nó. Làm sao điều ấy có thể xảy ra được, khi hình ảnh của đối tượng mà nó rình bắt, chỉ nằm trong hệ thần kinh của nó, chứ không hiện hữu bên ngoài nó ?

Để cho rốt cuộc con mèo có thể vồ được chuột, thì mèo phải nhìn thấy chuột ở đúng chỗ của chuột, tức là trước mặt mèo, và đương nhiên là bên ngoài mèo. Làm sao hình ảnh của con chuột ở trong đầu con mèo, lại có thể được chuyển ra ngoài nó, vào đúng vị trí nơi mèo nhìn thấy chuột ?

Đương nhiên là từ « chuyển » không thể dùng ở đây với nghĩa bóng. Hình ảnh chuột trong hệ thần kinh của mèo (gọi là « hình ảnh thần kinh » – NHV), có thể được phát hiện bởi các phương pháp đo lường như PET scan hay chụp cộng hưởng từ trường. Hình ảnh ấy chỉ hiện hữu trong sự vận hành của luồng thần kinh, chứ không thể nào được « chuyển » ra ngoài một cách cụ thể. Hình ảnh chuột mà mèo nhìn thấy trước mặt nó hiển nhiên là một hình ảnh không có thật. Chúng ta có thể phần nào  so sánh hình ảnh ấy với hình ảnh ảo của một sự vật trong gương, tức một điểm được tạo thành do ảo giác tia sáng phản chiếu trên tấm gương khởi đi từ nó.

Trong trường hợp hình ảnh chuột mà mèo thấy trước mặt, bên ngoài nó, mặc dù chỉ hiện hữu trong luồng thần kinh lưu chuyển trong nó, chúng ta có thể nói đến một « hình ảnh tiềm năng », với ý nghĩa hình ảnh ấy mang tiềm năng được phóng chiếu ra ngoài cơ thể mèo, nơi mèo nhìn thấy chuột.

Khái niệm « tiềm năng phóng chiếu » có thể được lấy từ mô hình hoạt động của hình ảnh thần kinh. Thật vậy, hình ảnh ấy phản ảnh hoạt động thực sự của mèo, tức sự vận động có xu hướng của các tư thế, hương đến tác động thiết thực, nhằm vào chính con chuột thực thụ (chứ không phải vào hình ảnh của chuột – NHV). Hoạt động có xu hướng này lấy năng lượng từ sự căng thẳng trương lực, và được định hướng bởi những nối kết thần kinh được cấu tạo từ các kinh nghiệm đã qua của mèo. Trong não bộ của mèo, nó thể hiện qua hình ảnh con chuột, với các vị trí liên hệ cũng như động tác cần thiết. Kết quả là hình ảnh thần kinh thực thụ phản ảnh xu hướng hành động của mèo, được phóng theo các luồng thần kinh hướng ngoại, khiến nó có thể nhìn thấy chuột qua một « hình ảnh mang xu hướng » bên ngoài nó, trước mặt nó.

Tiềm năng phóng chiếu ấy được tiến hành cụ thể từ hình ảnh thần kinh thực thụ, qua luồng thần kinh hướng ngoại, đến ranh giới của thân thể mèo, rồi trở thành tiềm năng (vì không có thực –  NHV), bên ngoài ranh giới ấy, khi mèo phóng chiếu cái « hình ảnh tiềm năng » của chuột ra trước mặt nó. Chúng ta có thể coi toàn bộ sự vận động này như một sự phóng chiếu có xu hướng, và coi « hình ảnh tiềm năng » mà nó làm ra, như sự phóng chiếu của một tiềm năng hình ảnh. Hình ảnh ấy không có thực, nhưng thiết thực, vì thực sự được quy định bởi hình ảnh thần kinh có thực trong các luồng thần kinh hướng ngoại. Nó có thể được coi như một sự phô trình tiềm năng có chủ đích, một hình thức « chủ quan được định hướng ». Tiến trình này khởi đi từ sự vận động của các tư thế, đặt nền tảng trên căng thẳng trương lực, để đưa cấu trúc sinh học đến sự tự vượt qua chính nó (vì vượt ra ngoài giới hạn bản thân – NHV).

Tất nhiên những hiện tượng cơ bản của sự vận động phức tạp ấy chính là những phản xạ. Nhưng tổng hợp các căng thẳng trương lực, theo nhịp của những cảm thọ nhất thời, trong khuôn mẫu của  kinh nghiệm sẵn có, hướng tới tiềm năng quy kết vào con chuột, và vượt ngoài giới hạn của các luồng thần kinh hướng ngoại, tức vượt ngoài giới hạn của thân thể con mèo. Kết quả là các căng thẳng trương lực ấy thực hiện việc phóng chiếu mang xu hướng một hình ảnh tiềm năng của chuột ra ngoài con mèo, trước mặt nó, ở đúng chỗ mà mèo sẽ vồ lấy chuột bởi những động tác đột biến, đoản kỳ.

Vấn đề là hiểu được làm thế nào các cấu trúc thần kinh của sự vận động trương lực, vốn được coi như những phản xạ, cũng như các cấu trúc của vận động từng kỳ, có thể phóng được ra bên ngoài giới hạn thân thể của một sinh vật, một hình ảnh không có thực, nhưng thiết thực, với ý nghĩa « hàm chứa tiềm năng ».

Trước bế tắc này, chúng ta cần quay về nguồc gốc của vận động trương lực, nơi loài Ruột Khoang, để tìm xem ở giai đoạn ấy đã có hiện tượng nào tương tự như tiềm năng phóng chiếu hình ảnh con chuột ra trước mặt chú mèo hay không ?

Chúng ta đã biết là sự co thắt diễn đạt tính thống nhất trong mâu thuẫn nội thân của sinh vật Ruột Khoang, giữa sự vận động trương lực và từng kỳ, từ lỗ thổ nạp đến phôi vị. Nó lan từ lá trong ra lá ngoài, đến các chân-tua, trong đó hệ thống « thần kinh-cơ » được phân thành hai loại, từng kỳ và trương lực. Bây giờ, nếu chúng ta quan sát lúc lỗ thổ nạp mở ra, thì chúng ta sẽ thấy hiện ra một khoảng trống, vừa bên trong, vừa bên ngoài thân thể của con vật.

Đối với trẻ nhỏ thì đó chính là « khoảng miệng ». Khoảng trống này hấp thụ vào bên trong khi ngậm miệng. Nhưng khi mở miệng, thì nó tỏa ra một phạm vi trong thực tế nằm ngoài ranh giới của thân thể, là cửa miệng. Tuy nhiên phạm vi ấy, tức khoảng trống được tạo ra khi cửa miệng mở ra, phần nào cũng thuộc phần trong của miệng, theo ý nghĩa nó ở trong trạng thái sẵn sàng được « trưng dụng » khi miệng đóng lại. Nói cách khác, nó nằm dưới « quyền sử dụng » của miệng.

Tương tự như thế, khoảng trống hạn hẹp giữa các chân – tua của loài Ruột Khoang tuy nằm ngoài thân thể nó, nhưng vì ở trong phạm vi tác động của các chân – tua ấy, nên coi như nằm trong « khoảng chân tua » (tương đương với « khoảng miệng » của trẻ nhỏ – NHV). 

Tóm lại, sinh vật Ruột Khoang có thể sử dụng, bên ngoài ranh giới thân thể của nó, một khoảng trống thuộc về nó, trong ý nghĩa nó có thể tác động một cách hữu hiệu và thích nghi trên những chất dinh dưỡng hay độc hại trong khoảng trống này. Như thế, chúng ta buộc phải chấp nhận là có một hình ảnh biểu thị sự chiếm hữu ấy, tức một « hình ảnh tiềm năng » gợi lên cho chủ thể sinh học một chủ hướng, là khả năng chiếm hữu vừa nói . Như thế, « khoảng chân tua », trong đó sinh vật ruột khoang tiết ra những chất nhờn dính từ cơ thể nó, tương ứng với « hình ảnh tiềm năng phóng chiếu » mà chúng ta đã nhận thấy nơi con mèo khi nó rình chuột, và, qua sự vận động trương lực, sửa soạn những tư thế để sẵn sàng vồ lấy chuột.

Khi được phóng ra bởi các luồng thần kinh hướng ngoại, hình ảnh tiềm năng này xác định chủ hướng được gợi lên bởi các hình ảnh thực sự đã được cảm nhận, nằm trong các tế bào thần kinh thụ cảm của sinh vật ruột khoang. Chúng lưu chuyển trong hệ thần kinh và làm khởi phát những luồng thần kinh trương lực hướng ngoại, với mục đích hấp thụ những chất dinh dưỡng qua lỗ thổ nạp và đẩy lùi những gì độc hại.

Xu hướng ấy của vận động trương lực phát triển cùng với sự tiến hóa của hành vi nơi các sinh vật, từ sự co thắt nguyên thủy qua sự di chuyển của loài sâu, đến việc chặn bắt nơi loài cá, rồi sự săn đuổi và tẩu thoát nơi sinh vật bốn chân, thuộc các loài ăn tạp, ăn cỏ, hay ăn thịt. Tức là sự phát triển của hệ thần kinh (trong lịch sử tiến hóa –NHV) khiến cho cái khoảng trống chân – tua hạn hẹp của loài ruột khoang, phần nào tương ứng với khoảng miệng, dần dần trở thành một môi trường phụ cận. Từ hình ảnh thần kinh thực thụ, vốn mang khả năng điều chỉnh sự vận động trương lực qua các tư thế, một tập hợp hình ảnh tiềm năng được phóng chiếu vào môi trường  phụ cận này, để sinh vật có thể nhận thấy các đối tượng cách xa nó. Các hình ảnh tiềm năng ấy  định ra chủ hướng của các tư thế, và rốt cuộc là chủ hướng của động tác đoản kỳ thiết thực trên đối tượng. Như thế, loài ăn thịt theo sát rồi vồ lấy con mồi của nó. Loài bị săn né tránh và có thể  thực sự thoát khỏi con vật đang săn nó.

Đương nhiên là, nơi loài vật, việc tạo nên hình ảnh tiềm năng, để vạch ra chủ hướng của hình ảnh thần kinh thực thụ, cũng như xác định hiệu năng của hành vi, hoàn toàn không có chủ tâm. Xu hướng của vận động trương lực, trong sự căng thẳng cụ thể quyết định hiệu năng của con vật, rõ ràng là không được trải nghiệm một cách ý thức. Trải nghiệm ý thức (chỉ hiện hữu nơi con người – NHV) đòi hỏi ngôn ngữ, hay chính xác hơn, đòi hỏi tiếng nói bên trong, qua đó con người tự giải bày với mình về cái hình ảnh được nhắm đến, như một đối tượng mang chủ ý.

Trong cảm nhận chủ quan của súc vật, hình ảnh thần kinh cũng như vị trí của đối tượng được phóng chiếu ra ngoài một cách có xu hướng, vào đúng vị trí thật của đối tượng ấy, chỉ mang một tiềm năng chứ không hề có chủ tâm. Lý do vì con vật chỉ phóng chiếu, trong hệ thống hình ảnh ấy, cái khả năng được định hướng của các tư thế của nó, được kết thúc trong tác động thực tiễn trên đối tượng. Nó không có tiếng nói, càng không có tiếng nói bên trong. Con mèo rình chuột, cho đến khi chuột xuất hiện, chỉ tập trung sự chăm chú mãnh liệt vào con mồi, chứ hiển nhiên là không có gì để tự nói với mình : nó chỉ biết hướng đến việc vồ mồi. Vì không có tiếng nói, nên chủ ý không thể có. Hình ảnh mang định hướng của con vật chỉ là tiềm năng, không có chủ tâm (10).

Hệ thống hình ảnh tiềm năng nơi súc vật chỉ vẽ lên những hình ảnh tiềm năng như chủ hướng của hoạt động của nó chứ không phải như ý nghĩa của các hoạt động này (được ý thức, qua « tiếng nói bên trong » (10) – NHV). Ý nghĩa  đòi hỏi chủ tâm nhắm đến  mục tiêu, và quy định tính chủ thể (được trừu tượng hóa – NHV) nơi con người. Chủ hướng, theo  nghĩa hẹp, chỉ liên quan đến khả năng của hành vi, được con vật hình dung với tính cách chủ thể của hành vi ấy (chủ thể được cảm nhận như một sự vật – NHV) (11).

Thật ra, chủ hướng, theo nghĩa rộng, có thể được hiểu như « ý nghĩa ». Trong tinh thần ấy, chúng ta có thể coi hai khái niệm này như nằm trên cùng một tiến trình tiến hóa nhất quán, từ cái « chủ hướng  sinh học » như hình ảnh tiềm năng của đối tượng trong sinh hoạt của loài vật, đến « ý nghĩa » trong sự trải nghiệm của con người. Với sự thống nhất trong dòng thời gian của toàn bộ tiến trình ấy, « chủ hướng nghĩa hẹp », như việc cấu thành hình ảnh tiềm năng, (ngay cả nơi con người – NHV) vẫn thuộc về vô thức, tiềm thức hay tiền ý thức. Nó không hội nhập được vào sự trải nghiệm đúng nghĩa.

Trong việc sử dụng hiện tượng luận để mô tả ý thức, Husserl đã vấp phải một sự kiện có thể cảm nhận được một cách trực tiếp, có tính cách hoàn toàn đương nhiên, nhưng lại không thể hiểu được bằng sự phân tích có chủ ý. Husserl gọi đó là Hylè : chất liệu không có hình dạng, không thể định nghĩa. Cái Hylè ấy biểu thị một dữ kiện vô định, xuất hiện dưới sự trải nghiệm, được ý thức như một hiện hữu hạ tầng, một hiện diện dày đặc, mà người ta không thể chối bỏ, dù không có gì để nói về nó (12).

Thật ra, đây chính là hình ảnh tiềm năng được phóng chiếu một cách có xu hướng nơi loài vật. Hình ảnh ấy tự nó không có chủ tâm (như Hylè, nó mang trong nó động lực tự bổ xung và hướng đến hành động – NHV). Nó bị xóa nhòa đi một cách bí ẩn trước tuyến khởi phát của ngôn ngữ và ý thức. Hình ảnh ấy là trung gian không chủ ý, nhưng sẽ đưa đến chủ tâm hành động cùng với sự  xuất hiện  của con người trong dòng tiến hóa.

Ở điểm mà chúng ta đã đạt tới, hình ảnh tiềm năng được phóng chiếu có thể đoán biết được, nhưng không thể phân tích bằng sự hiểu biết trí năng của sinh học thực chứng. Thật vậy, chỉ có thể nắm bắt hình ảnh ấy bằng sự « hiểu biết cảm thông ». Sự hiểu biết này dựa trên những thu đạt của khoa học thực chứng để phân tích sự hội nhập thời gian của chúng.

*

*      *

Chúng ta đã thấy là sự hội nhập thời gian bao gồm bước chuyển bao hàm đối kháng của Hiện Tại Sinh Động, từ quá khứ đến tương lai, để « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi », điều mà Ilya Prigorine gọi là « mũi tên thời gian ».

Một cách chính xác hơn, Husserl gọi đó là sự trôi chảy luôn được đổi mới, từ tồn đọng trong bối cảnh Lúc Này, đến hướng tiền như áp lực dẫn sang tương lai sắp hiện lên. Bước chuyển bao hàm đối nghịch ấy cho ra mâu  thuẫn nội tại của hiện hữu trong thời gian, cội nguồn, vào mỗi lúc, của sự vận động tự thân của nó, để thành tựu trong tương lai sắp hiện đến, khiến cho nó chuyển từ chính nó sang sự hiện hữu ở giây lát tiếp theo.

Các chuyển động nối tiếp nhau xác định dòng thời gian, trong đó các cá thể đơn giản sản sinh rồi tự cấu thành nên những cá thể phức hợp.

Ở đây sự lưu chuyển bao hàm đối nghịch, khởi đi từ tồn đọng trong bối cảnh Lúc Này đến áp lực hướng tiền để hội nhập vào tương lai sắp hiện đến, trở nên phức tạp. Trong thí dụ của động vật đa bào, bước chuyển hay sự trôi chảy bao hàm đối nghịch ấy chứa đựng một sự chuyển hướng chia thành ba thời kỳ :

1. thời kỳ vận động trương lực với những hình ảnh mang xu hướng

2. thời kỳ phóng chiếu các hình ảnh tiềm năng

3. thời kỳ hoàn tất của tiền trình trương lực trong động tác từng kỳ

Sự phóng chiếu mang xu hướng của hình ảnh tiềm năng ra ngoài, vào môi trường chung quanh,  cũng kéo theo sự phóng chiếu hình ảnh tiềm năng vào trong, đến « tự thân » (9). Sự phóng chiếu vào trong này bao gồm các dữ kiện « nhận cảm trong » (intéroceptif) và « nhận cảm bản thể » (proprioceptif). Chúng được xử lý bởi bộ phận thần kinh trung ương rồi phóng chiếu một cách tiềm tàng vào « tự thân » (9), trên nền tảng của sự căng thẳng trương lực, để tạo nên « tập hợp hình ảnh diễn đạt cảm xúc ». Nó tương liên với tập hợp hình ảnh được phóng ra môi trường chung quanh, gọi là « tập hợp hình ảnh đề xuất ».

Tương quan giữa « đề xuất » và « cảm xúc » cho phép chúng ta hiểu được một hành vi mới : đó là trò chơi. Mèo chơi với chuột. Trò chơi gắn liền với cảm xúc khi súc vật bắt đầu sống tập đàn, và dần dần phát triển khả năng sống thành xã hội, với trình độ cao nhất được thấy nơi loài khỉ.

Sự chuyển biến từ tính kết hợp các tế bào của động vật đa bào, đến xã hội tính nơi các nhóm động vật có xương sống, đánh dấu một tiến bộ mới trong sự hội nhập thời gian của lịch sử thế giới. Từ các thời kỳ kết hợp (giữa các tế bào kết thành sinh vật đa bào – NHV), sử tính của thế giới tiến lên những thời kỳ của liên đới, của chế ngự và hợp tác, rồi đến sự phát triển của trò chơi qua  đối tượng trung gian, bước sang việc sử dụng khí cụ tự nhiên, cho đến sự sắp đặt và chế biến các đồ dùng cơ bản (13).

***

Lời Cuối [của người dịch]:

Chỉ trong vài trang chữ, chúng ta đã đi qua một quãng đường dài với Trần Đức Thảo. Khởi đầu bằng một phương pháp lý luận, ông dẫn chúng ta « hội nhập thời gian », để hiểu được sự chuyển động của một hiện hữu trong thời gian. Rồi ông đưa chúng ta vào trong mỗi hiện hữu, để chỉ ra cá tính của nó, luôn tồn đọng, dù không ngừng chuyển biến, bất kể nó là một hạt cát, một sinh vật, hay toàn vũ trụ. Sau hết, vì hiện hữu mang tiềm năng kết hợp với nhưng hiện hữu khác, làm thành những cá thể phức hợp, những hệ thống bao gồm nhiều tầng lớp, từ con sứa đến xã hội loài người, nên Trần Đức Thảo mời gọi chúng ta quay về quá khứ, tìm hiểu bản thân của tính kết hợp, qua những nền tảng đơn sơ nhất của nó. Từ thời buổi xa xưa ấy, những trang sử ly kỳ của Thiên Nhiên được lật nhanh, cho đến sự xuất hiện của xã hội tính và nhân tính, vạch ra một tiến trình từ sự co thắt cho đến các hành vi được ý thức nơi mỗi người chúng ta.

Luận Lý Hiện Tại Sinh Động đã là ánh sáng chiếu soi cho chúng ta trên suốt con đường ấy, khiến chúng ta có được một cái nhìn nhất quán về lịch sử của Thiên Nhiên từ nguyên thủy cho đến hiện tại, với tất cả nhưng gì con người đã, và sẽ, biết được.

—————

Chú thích của người dịch :

(1)  Giây lát là mấu chốt của quan điểm thời gian của Aristote. Giây lát phân chia dòng chuyển động, thành trước và sau. Mặt khác, hai giây lát, một trước một sau, cho ra một khoảng thời gian, có thể đo lường được bằng một con số.

(2)  Thuyết nhân quả, trong dạng đơn giản nhất của nó, quan niệm những tương quan theo một đường thẳng, theo kiểu : « vì có A, nên có B ». Nó có thể trở thành phức tạp hơn một chút : « vì có A, hay A’, nên có B ». Tuy nhiên, ít khi nào hệ quả lại không tác động ngược lại trên nguyên nhân, theo mô hình : « A cho ra B, B cho ra A’, A’ cho ra B’ v.v… » dẫn đến « nhân quả xoay tròn », trong thực tế là những vòng xoắn ốc. Nếu các « vòng » ấy có thể tự xoay chuyển, bất chấp những yếu tố khác, thì người ta có một « hệ thống nhân quả ». Nhưng nếu hệ thống phải chịu ảnh hưởng của những yếu tố bất định do môi trường, hoàn cảnh bên ngoài … ảnh hưởng vào, thì hệ thống nhân quả ấy trở thành phức biến (mà không thành một hệ thống lớn hơn, với nhiều yếu tố hơn, vì các yếu tố vừa nêu được coi như « bất định », đi  ngược lại với tính « phân định », phải có, của « nhân quả »).

(3)  Theo Sartre, l’Etre en soi – hiện hữu tự thân – là sự hiện hữu bị quy định : cây soài chỉ có thể « làm » cây soài, Đạt Lai Lạt Ma « làm » Đạt Lai Lạt Ma … nên cũng có thể được dịch là « hiện hữu thường hữu », với ý nghĩa nó bị gò bó không thể thay đổi. L’Etre pour soi – hiện hữu vị kỷ, còn có thể được dịch là « hiện hữu tự hữu », tức là sự hiện hữu do « tôi » chọn lựa, như Đạt Lai Lạt Ma có thể chọn nhảy rock, mặc dù nhảy rock không thuộc về « hiện hữu tự thân » của một Đạt Lai Lạt Ma. L’Etre pour l’autre – hiện hữu vị tha – là sự hiện hữu tùy thuộc vào người khác, vì cái nhìn của người khác ngăn cản tôi làm những gì tôi chọn lựa (Sartre : « địa ngục là kẻ khác »), hay vì cái nhìn của họ phản chiếu lại hình ảnh về tôi mà tôi muốn họ nhận thấy (Ricoeur), hay vì ý thức nhân bản chính là ý thức trách nhiệm đối với tha nhân (« nhân bản qua tha nhân » – Levinas), nên cần sự đối diện với một tha nhân cụ thể để hiện hữu. Trong một dịp khác tôi sẽ khai triển những ứng dụng của Luận Lý Hiện Tại Sinh Động trong các vấn đề được nêu lên trong đoạn này.

(4)  Khoa học là « thực tế có giá trị tổng quát ». Thí dụ như định luật Boyle Mariotte : P x V = hằng lượng. Định luật này áp dụng cho tất cả các chất hơi, ở bất cứ đâu, bất kể đang hiện hữu, đã hiện hữu, hay sẽ hiện hữu. « Xe mình hết xăng » cũng là một thực tế, nhưng nó chỉ áp dụng cho một trường hợp cá biệt (xe mình), vào một thời điểm giới hạn, nên không thể là « khoa học ». « Thực tế khoa học » là một thực tế không hiện hữu. Vì không có gì hiện hữu được trong tổng quát. Mọi sự vật cụ thể đều hiện hữu tại một nơi chốn, trong một thời gian rõ rệt. Mặt khác, cách nhìn tổng quát không cho phép phân tích tường tận một hiện hữu cá biệt, nên trên quan điểm của khoa học, thì hiện hữu là cái không thể định nghĩa được một cách toàn diện : « Omne individuum ineffabile ». Vấn nạn này đưa đến một khó khăn khác, khi buộc phải công nhận là người ta  đạt đến quy luật khoa học với giá trị tổng quát của nó  bằng sự quan sát các trường hợp cá biệt. Tức là đi từ hiện hữu đến không hiện hữu, từ cái « không thể là khoa học » (vì tính cá biệt), để xây dựng nền tảng của khoa học (mang tính tổng quát) !

(5)  Luận lý hình thức, mô tả « hình thức » suy tư làm sao cho đúng đắn, chứ không nhằm vào những đối tượng cụ thể của suy tư. Nó như một loại « văn phạm » của tư duy. Văn phạm không cần biết anh nói lời yêu thương hay mắng chửi. Nhưng, trong mọi trường hợp, anh đều phải tuân theo những quy luật của nó. Luận lý tiên nghiệm nhằm vào những phạm trù tàng ẩn đàng sau các nhận thức thông thường. Khi nói « con ngựa trắng lớn » thì đằng sau đó, đã phải có sẵn khái niệm động vật với những phân chia theo loài, giống v.v… đồng thời với khái niệm về tính chất (lớn, trắng). Nếu tôi nói « một con ngựa trắng trong nhiều con ngựa đen » thì đàng sau đã phải có sẵn các khái niệm đơn vị, số ít, số nhiều, cá thể, toàn thể v.v… Tức là đối với những cảm thọ thông thường thì các khái niệm ấy đã được « nghiệm » trước (tiên nghiệm). Ở đây, Husserl tách khỏi quan điểm của triết học thời ông, đặc biệt là quan điểm của Kant, khi ông từ chối coi luận lý hình thức như tự nó  không có đối tượng  (chỉ có hình thức, không có nội dung), cũng như phủ nhận việc cho là luận lý tiên nghiệm chỉ có đối tượng là các phạm trù biểu trưng cho những gì có thể « nghiệm » được bằng cảm quan. Husserl cho rằng luận lý hình thức có thể có đối tượng là những khái niệm thuần túy. Ta thử lấy công thức : « A cho ra B, vậy phải chăng không B cho ra không A » ? Tức là ta đã biến công thức này thành một đối tượng luận lý, có thể phân tích, sử dụng cách này, cách kia, mặc dù nó chỉ là khái niệm thuần túy. Mặt khác, luận lý tiên nghiệm không chỉ là vận dụng những « phạm trù biểu  tượng cho thực tại » nữa, mà là đạt đến những khái niệm trừu tượng qua tư duy thuần túy. Nói cách khác, luận lý tiên nghiệm, đối với Kant, là đưa các phạm trù biểu tượng cho thực tế vào Luận Lý Hình Thức để giới hạn Luận Lý Hình Thức trong thực tại. Còn đối với Husserl thì luận lý tiên nghiệm là nền tảng để đi lên phạm trù khái niệm từ Luận Lý Hình Thức. Trước một khái niệm, thay vì đặt câu hỏi « đối với tôi nó biểu tượng cho cái gì trong thực tế » (tức từ khái niệm « đi xuống » thực tại), Husserl tự hỏi : «  tôi hiểu nó như thế nào ? » (tức đặt vấn đề ý nghĩa thay vì biểu tượng, cũng là « đi lên » một khái niệm cao hơn, « tiên nghiệm » hơn).  Luận lý tiên nghiệm, như thế, không cách biệt với luận lý hình thức, mà là khởi điểm của luận lý hình thức. Để rồi, với Luận Lý « Tiên Nghiệm và Hình Thức », người ta có thể « hiểu » tự thân sự vật qua một sự « hiểu biết cảm thông » như sẽ được bàn đến ở sau.

(6)  “Individualité” (cá tính) khi được dùng để chỉ một hiện hữu cụ thể, thì được dịch là cá thể. Vì khi ấy, cái « tính » được nhìn qua « thể », và dùng cái « thể » này để tượng trưng cho nó. Cũng tương tự như chữ « personnalité » (cá tính của một người) được dịch là « nhân vật » khi chỉ những con người cụ thể (« personnalités » politiques =  « nhân vật » chính trị).

(7)  “Hiểu biết cảm thông” -“Connaissance compréhensive”- là hiểu biết xây dựng trên trực giác, chú trọng vào sự cảm thông, thay vì giải thích. Vấn đề của nó không phải là nhận biết các dữ kiện mà là cảm thông ý nghĩa của các dữ kiện ấy. Khi đã được hấp thụ đúng mức, thì « biện chứng sinh học hội nhập thời gian » ảnh hưởng như một phương pháp « tiên nghiệm » (xem chú thích 5) nâng các dữ kiện sinh học lên trình độ ý nghĩa, có thể cảm thông trực tiếp, mà không cần phải phân giải bằng trí năng nữa.

(8)  Sự thống nhất của cặp mâu thuẫn “tồn đọng – hướng tiền” bao giờ cũng thể hiện thực tại, tức cái hiện trạng trong lúc này. Trong trường hợp sinh vật mà ta đang quan sát, cái “hiện trạng lúc này” ấy là sự co thắt. Hiện trạng ấy tổng hợp hai “tiến trình chuyển biến bao hàm đối nghịch”, do sự phân chia cấu trúc “thần kinh – cơ” của nó thành hai loại, trương lực và từng kỳ. Tương tự như thế, sự đối kháng giữa hai phạm trù “tồn đọng” và “hướng tiền” triệt tiêu cáithực tại vừa nói, tức sự co thắt, để cho ra giai đoạn thư giãn, nghỉ ngơi, như TĐT sẽ nói tiếp ở câu sau.

(9)  “Tự Thân” (corps propre), là một khái niệm được mô tả ra bởi một số triết gia như Merleau Ponty (Phénoménologie de la Perception), để chỉ hình ảnh chủ quan của thân thể. Nó cho ra cảm giác “chính mình”, “là mình”, “tự mình” cùng với những gì “mình” có thể làm, hay có thể cảm nhận.

(10)  Như Trần Đức Thảo đã phân tích trong nhiều tài liệu, nơi trẻ nhỏ, tiếng gọi, rồi tiếng nói bên ngoài, khích động sự hình thành của tiếng nói bên trong. Tiếng nói bên trong được lập lại rồi khai triển thành suy tư. Với sự suy tư qua tiếng nói bên trong ấy, những cảm giác được ý thức, được trừu tượng hóa, đồng thời với ý muốn, chủ ý  hành động, v.v… Con vật chỉ có “cảm giác bản thân”, để phân biệt những gì “thuộc về nó” và “không phải nó”. Cảm giác về “nó” là cảm giác về một sự vật cụ thể, cũng như cảm giác đối với những sự vật “không phải nó”. Nơi con người thì khả năng trừu tượng hóa làm cho ý thức của hắn không chỉ hướng đến sự vật hay cảm giác cụ thể mà vượt lên phạm trù trừu tượng. Thí dụ con vật chỉ ham muốn một sự vật cụ thể, như thức ăn, đối tượng giao hợp v.v… Trong khi đó, con người, trong sự ham muốn thực sự “người” của mình, thì ham muốn một hình ảnh chủ quan của đối tượng mà mình ham muốn, hoặc ham muốn chính sự ham muốn, như huy chương, bằng cấp, nhà to, xe đẹp, vì chúng chứa đựng sự ham muốn của người khác, hay khi giao hợp, thì muốn đối tượng cũng ham muốn giao hợp với mình … Trong điều kiện ấy, ý thức bản ngã nơi con người cũng hướng vào một “cái tôi” trừu tượng, được cấu tạo qua một “câu chuyện” được thường xuyên cập nhật, mà mình tự kể với mình, đồng thời thể hiện hình ảnh mà mình muốn người khác nhận biết nơi mình. Ý thức, như thế, bắt buộc phải có ngôn ngữ. Xem (tiếng Pháp) : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=167&kind=20 (đoạn “conscience et langage »)

(11) Tính chủ thể nơi súc vật được hình thành qua tập hợp cảm giác, trực giác, bản năng, của nó. Nơi con người tính chủ thể bao hàm thêm tất cả những gì hắn « biết », qua kinh nghiệm, học hỏi, suy tư, v.v… và qua những gì hắn dự phóng cho tương lai. Ngôn ngữ ở đây cũng đóng một vai trò then chốt, qua chức năng truyền đạt các hiểu biết, suy nghĩ và kinh nghiệm, cũng như xây dựng các dự phóng … Như Marx đã nhận xét : sự khác biệt giữa một kiến trúc sư kém cỏi nhất và con ong tài ba nhất, là người kiến trúc sư xây dựng công trình của mình trong trí óc, trước khi thực hiện nó trong thực tế. Chúng ta cũng  đã nhận xét (chú thích 10) rằng con người luôn tự kể « tiểu sử » của mình, một tiểu sử không ngừng được phóng chiếu vào tương lai (« tôi là người sẽ … »), với những cập nhật đều đặn. Tính chủ thể nơi con người thể hiện qua ý thức mình là nhân vật chính của « tiểu sử » ấy.

(12) Hylè là chất liệu của cảm giác, trước khi nó được cảm giác, để rồi, từ cảm giác, trở thành tri giác. Husserl đã có những do dự quanh vấn nạn làm thế nào để Hylè trở thành tri giác (sự kết hợp giữa Hylè và Morphè – hình thái). Sau cùng, quan điểm của ông là khi hội nhập thời gian, thì, cùng với sự vận động của thời gian qua mâu thuẫn tồn đọng và áp lực hướng tiền, Hylè tự nó mang tính năng khích động cơ thể, đưa đến sự bổ túc các cảm giác đã nhận được bằng những tư thế nối tiếp nhau để tiếp tục thu gặt những cảm giác mới về cùng một sự vật. Như một người vừa đi quanh một bức tượng, vừa nghiêng đầu để nhìn nó dưới nhiều khía cạnh. Đồng thời với những tư thế này, hệ thần kinh liên tục tổng hợp những cảm giác thu nhận được, dựa vào quá khứ, và hướng đến tương lai, làm thành một dòng tri giác. Như thế, Hylè, tức chất liệu của cảm nhận, tự nó hướng đến Morphe, hình thái. Mỗi cảm giác tự nó mang những phương tiện để được nhận thức đầy đủ hơn, và trong mỗi sự vật được cảm nhận trực tiếp đã có sẵn động lực để liên kết chúng thành một tập hợp hình ảnh hiểu được, « cảm thông được », của thế giới.

(13) Tương tự như « khoảng chân – tua » nơi loài Ruột Khoang, cho ra « vùng phụ cận » ở  các trình độ tiến hóa cao hơn, trò chơi phân định một khoảng trống trung gian giữa « trong » và « ngoài » một cá thể. Cá thể ấy có khả năng tác động trên khoảng trống này, như thể thuộc về nó, mặc dù khoảng trống kia vẫn được cảm nhận như bên ngoài nó. Trong trò chơi,  nó tác động trên những sự vật trung gian, để tăng cường cảm giác hiệu năng của nó trên khoảng trung gian vừa nói. Điều này cũng làm gia tăng cảm giác tự thân của nó, và là một bước tiến hóa dẫn đến việc phát triển các « trung gian thực dụng », vẫn để tăng cường hiệu năng tác động trên « vùng phụ cận », thường trùng hợp với khoảng trung gian của trò chơi. Các « trung gian thực dụng » ấy là các khí cụ lấy trực tiếp từ thiên nhiên, trước khi tiến lên giai đoạn đồ dùng được chế biến.

Nguồn: http://phiatruoc.info/ly-thuyet-hien-tai-sinh-dong-nhu-ly-thuyet-cua-tinh-ket-hop/