Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Sẽ phải có một phiên toà thực sự công bằng

Nguyễn Thị Oanh

Tôi quan tâm đến phiên toà xử Nguyễn Mai Trung Tuấn với tâm thế của một người đang làm giáo dục và cũng là một người mẹ. Ngay từ khi em bị truy nã rồi bị bắt tạm giam, tôi đã hình dung ra những gì mà cuộc đời non nớt của em sẽ phải hứng chịu... Gia đình tan nát, cha mẹ vào tù, và bây giờ là em đang đối diện với hình phạt của pháp luật. Một mức án tù còn nặng hơn cả mức án cha, mẹ em đã chịu và một khoản tiền bồi thường trên bốn chục triệu đồng mà ai cũng biết chắc rằng ở độ tuổi đó, với hoàn cảnh đó, không biết em lấy đâu ra để bồi thường cho người bị hại kia!

Vâng, nếu chiếu theo các tình tiết phạm tội và kết quả giám định pháp y đối với người bị hại, Toà sơ thẩm có đủ cơ sở để kết tội Tuấn. Một đứa trẻ như em thì làm sao lường định được rằng những hành động của mình sẽ phải trả giá đắt đến vậy! Nhưng tôi tự hỏi nếu mình là em, trong hoàn cảnh cha mẹ như thế, chứng kiến tận mắt những gì đang xảy ra với gia đình mình như thế, tôi liệu có ngồi im ngoan ngoãn để nhìn những người ruột thịt của mình đơn thân đối đầu với "phía bên kia" không? Câu trả lời rất có thể là "không!". Dẫu biết là tuyệt vọng, dẫu biết là liều lĩnh, nhưng xét về mặt cảm tính, lúc đó tôi cũng có thể chọn cách phản ứng với một mức độ nào đó tương tự như em để bảo vệ người thân của mình. Và thế mới là con người: Con người với đầy đủ cảm xúc yêu thương và phản xạ tự nhiên để bảo vệ đồng loại ruột thịt của mình. Hơn thế, em là một con người mới 15 tuổi, cái tuổi chắc chắn chỉ biết xem cha mẹ là chỗ dựa duy nhất của mình trên cuộc đời! Thật đau lòng khi nhìn thấy những mái đầu xanh và màu áo trắng của các em HS – bạn bè Tuấn – đến theo dõi phiên toà xử bạn mình. Các em chắc cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày bạn mình hay lớp mình, thầy cô mình, phải đặt chân vào chốn "công đường" thay vì đến lớp học như hôm nay...

Ở đây, không luận bàn đến chuyện đúng - sai giữa gia đình Tuấn với chính quyền địa phương, và tôi cũng không cổ xúy cho hành vi chống đối người thi hành công vụ, nếu bản chất câu chuyện đúng là thế. Chúng ta cũng khó có thể biện minh cho những hành động sống bản năng, không thể điều chỉnh hành vi trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, người lớn có trách nhiệm của người lớn và cha mẹ Tuấn đã phải trả giá bằng những năm tù tội, mái ấm tan tác và bỏ lại những đứa con bơ vơ ngoài đời. Họ là người có đủ năng lực để hiểu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình (mặc dù câu chuyện cưỡng chế đất đai thương tâm vẫn là vấn đề cần được lật lại xem xét ở rất nhiều khía cạnh, song, trong khuôn khổ pháp luật hiện nay, họ đã không thể bảo vệ được mình bằng những hành động cùng quẫn như vậy!).

Nhưng, với một đứa trẻ 15 tuổi như Tuấn, chưa hề có tiền án tiền sự, và không những thế, còn là một HS ngoan, học khá giỏi ở trường, tôi không nghĩ rằng em là đối tượng nguy hiểm đến mức độ cần thiết phải cách ly khỏi xã hội bằng một hình phạt tù như vậy! Cả bộ máy công quyền, cả hệ thống luật pháp có cần phải sử dụng biện pháp đối phó nặng nề ấy với một cậu bé 15 tuổi trong một vụ cưỡng chế đất đai như thế không? Tôi hy vọng rằng cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại vụ án này với một tư duy pháp lý sáng suốt và tiến bộ hơn.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á đã ký vào bản Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc ban hành vào năm 1989. Mặc dù trên thực tế, chúng ta còn nhiều điều chưa làm được cho trẻ em ở nước ta, nhưng tôi tin Chính phủ Việt Nam không bao giờ có ý định ký phê chuẩn Công ước này một cách hình thức chỉ để "làm kiểng" với thế giới. Vì thế, mong rằng với trường hợp cụ thể này của học sinh Nguyễn Mai Trung Tuấn, các luật sư có tâm hãy vận dụng hết các điều khoản về việc bảo vệ trẻ em phạm pháp đã được thể hiện trong Công ước cũng như trong các nguyên tắc suy đoán tiến bộ về tố tụng hình sự đối với trẻ vị thành niên, để bảo vệ cho em trước Toà phúc thẩm.

Và tôi tin rằng sẽ phải có một phiên toà thực sự công bằng dành cho Tuấn cùng các luật sư của em trong những ngày sắp tới! Nhiều người trong chúng ta có thể cũng vẫn còn chút niềm tin như tôi?

Nguồn: FB Oanh Nguyen Thi