Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

LỜI GIỚI THIỆU CUỐN “LUẬT SƯ VŨ TRỌNG KHÁNH, BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ĐẦU TIÊN”


GS. Trần Đình Bút
image
“Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”, có nghĩa là “xem việc đời xưa mà hiểu việc đời nay, thì có thể làm thầy vậy. Người xưa đã nói vậy. Ôn cố không phải là nhớ và hiểu về quá khứ của một con người hay một dân tộc, một cộng đồng dân cư, để thoả mãn trí tò mò, mà điều quan trọng hơn nhiều là để tìm ra những bài học bổ ích, từ lịch sử nhằm phát huy những kinh nghiệm quý báu, tránh những khiếm khuyết, sai lầm của quá khứ, giúp cho tiến trình phát triển hôm nay và ngày mai của mỗi cá nhân, cộng đồng hay mỗi dân tộc đạt hiệu quả cao hơn trước. Trong tiến trình phát triển, mỗi người, mỗi dân tộc cần và có thể rút kinh nghiệm từ những bài học thất bại, thành công trong lịch sử không chỉ của chính mình mà còn của người khác, dân tộc khác. Sự kiện lịch sử chỉ xảy ra duy nhất một lần, nhưng người ta lại có thể có nhiều cách viết thể hiện những quan điểm, nhận thức khác nhau về cùng một sự kiện, tùy theo góc nhìn của người viết. Do vậy, người ta cũng khác nhaukhi rút ra những bài học từ cùng một sự kiện lịch sử.
Trên căn bản nhận thức như vậy, nhóm tác giả đã sưu tầm, biên soạn và nhà xuất bản Tri Thức đã cho ấn hành cuốn sách: “Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên”.
image
Cuốn sách bao gồm 2 phần lớn: Ngoài lời giới thiệu, phần 1 là những bài viết tự thuật của luật sư Vũ Trọng Khánh về lý lịch gia đình, quá trình hoạt động xã hội của luật sư từ thuở thiếu thời đến những ngày tháng cuối đời; các bài viết tranh luận về vấn đề tư pháp với ông Quang Đạm trên báo Sự Thật trong những năm tháng đầu của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hoà; phần 2 là những bài viết của những người đương thời về luật sư Vũ Trọng Khánh. Họ là những đồng môn, đồng nghiệp, những người thân, người bạn, hay học trò của luật sư.
Lịch sử đã chứng minh rằng, đất nước trong thời kỳ thịnh vượng bao giờ cũng đều do những người thuộc tầng lớp tinh hoa nhất của dân tộc lãnh đạo, quản lý, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở. Trong chế độ quân chủ, độc tài, đất nước thịnh trị nhờ có minh quân và giới sĩ phu, trí thức do minh quân quy tụ xung quanh mình để cai trị. Theo đó, dân tộc chỉ có thể trông chờ vào sự may mắn của sự xuất hiện minh quân. Và theo truyền thống cha truyền con nối, thường là những kẻ cai trị càng về sau càng suy thoái cả về tri thức và nhân cách, khiến cho dân tộc điêu tàn, thậm chí rơi vào ách đô hộ của ngoại bang, chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Ví như thời hậu Lê, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông là hai vị minh quân, nhưng truyền ngôi đến Lê Chiêu Thống, thì y lại là một tên hôn quân, ươn hèn và bán nước.
Còn trong chế độ cộng hoà, dân chủ, tình trạng trên dễ được khắc phục. Bởi nhân dân là người duy nhất có quyền chọn và thuê những người thuộc tầng lớp tinh hoa làm nhiệm vụ quản lý đất nước cho mình. Nếu trong thời điểm nào đó, nhân dân chọn lầm người lãnh đạo, họ có quyền phế truất theo luật định. Bởi “nhân dân có quyền đuổi chính phủ” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Chứ không phải là Quốc hội do dân bầu nên Quốc hội làm luật sai thì dân phải chịu, không thể kỷ luật được ai (!).
Vậy những người thuộc tầng lớp tinh hoa trong mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước sinh ra từ đâu? Ba yếu tố gia đình (gene di truyền, truyền thống văn hoá gia tộc), học đường và xã hội đương thời kết tạo nên những con người, xét trên các khía cạnh trí tuệ, sức khoẻ, tư chất và nhân cách.
Trong hồi ký của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh tự nhận là người “không ham mê quyền lợi riêng tư, danh vọng, địa vị… sống nhường nhịn, nhũn nhặn, ẩn lánh” nhưng “chuộng lẽ phải, say mê khoa học, kỹ thuật, văn học, ham tiến bộ…”. Nguyên nhân tạo nên tính cách ấy “trước tiên là tính nết bố mẹ tôi hiền lành, làm ăn một cách bình thường…, sẵn lòng chịu đựng thiếu thốn, vất vả để tôi chủ động trong trưởng thành”. Trong 12 năm học ở trường Lycée Albert Sarraut, ông “được hưởng chính sự giáo dục đào tạo các trẻ em Pháp. Các bà giáo, ông giáo là người Pháp đều giỏi … giảng dạy với ý thức trau dồi kiến thức … đối xử công minh, không phân biệt trẻ Pháp và trẻ Việt Nam”. Có thầy giáo còn khen: “Khánh học để hiểu biết, chứ không vì điểm”. Còn khi học Đại học Luật Hà Nội, một phân hiệu của trường Đại học Paris, “không phải là sản phẩm của thuộc địa… Các thầy giáo từ Paris sang giảng dạy và chấm thi, trình độ quốc tế, đảm bảo chất lượng khoa học, không sợ chính quyền thuộc địa kìm hãm” … “tổ chức thi đảm bảo trình độ và công minh”. Quyền tự chủ của trường đại học là một nguyên nhân đảm bảo chất lượng đào tạo cao.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, giới tinh hoa Việt Nam được hình thành nhờ nền giáo dục của văn minh và văn hoá Pháp, không phụ thuộc vào chính sách cai trị phản động của chế độ thực dân, đồng thời nhờ truyền thông yêu nước, khát khao độc lập dân tộc, nên luôn luôn nung nấu ý chí tìm đường đấu tranh để Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Họ đã thử nhiều con đường, cuối cùng gặp trào lưu Mác-xít đang nở rộ trên thế giới ở giữa thế kỷ 20. Có thể nói lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập dân tộc đã dẫn họ đến với Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh và nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, để cùng với giới cần lao làm nên cuộc Cách mạng tháng 8, giành chính quyền từ phát-xít Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim mà họ cho rằng thân Nhật, theo thuyết Đại Đông Á. Và phần lớn những bộ trưởng, công chức trong chính phủ Trần Trọng Kim, thuộc tầng lớp tinh hoa của dân tộc, sau Cách mạng tháng 8, đã đi theo Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó dường như là một định mệnh lịch sử của dân tộc. Luật sư Vũ Trọng Khánh là một trong số người đó.
Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, dưới sự chỉ huy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ hồ hởi tham gia kiến quốc bằng tất cả trí tuệ và tâm huyết của mình, để Việt Nam có thể sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu” (lời Hồ Chí Minh).
Riêng giới luật gia, bằng kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, đạt trình độ quốc tế, tiếp thu nền văn minh và văn hoá Âu châu, họ hồ hởi bắt tay vào xây dựng thể chế “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, một kiểu nhà nước pháp quyền. Vì thế, trên cương vị bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, ông Vũ Trọng Khánh (lúc này không còn là luật sư nữa) đã tích cực mang hết tâm huyết và trí tuệ tham gia xây dựng “nền đá” (theo Vũ Trọng Khánh) của nhà nước pháp quyền, nói chung và hệ thống tư pháp dân chủ cộng hoà, nói riêng. Chỉ trong 181 ngày trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã soạn thảo 32 sắc lệnh trình Chính phủ “thoả thuận” (thuật ngữ thời đó) rồi được Chủ tịch chính phủ Hồ Chí Minh ký và ông tiếp ký, đóng dấu để ban hành. Như vậy, bình quân 6 ngày, ông soạn thảo 1 sắc lệnh. Cũng cần mở ngoặc một chút ở đây là, khi chưa có Quốc hội (Nghị viện) nên chưa có luật, chính phủ phải quản lý đất nước bằng sắc lệnh. Bộ trưởng nào có trách nhiệm soạn thảo và thực thi nội dung của sắc lệnh nào thì phải và có quyền “tiếp ký” và đóng dấu của Bộ đó sau chữ ký của Chủ tịch Chính phủ. Điều đó thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của Bộ trưởng trong việc soạn thảo và thực thi sắc lệnh đó trước Chính phủ và trước quốc dân (chứ không phải chỉ ký “nháy” hay ký “ruồi” như bây giờ).
Ông Vũ Trọng Khánh đã bộc bạch là khi soạn thảo các sắc lệnh này cũng như khi thực thi công vụ, ông đã dựa vào kinh nghiệm tổ chức nhà nước của Pháp, khoa học pháp lý và kinh nghiệm hành nghề luật sư. Ông nhận thức rằng không thể bê nguyên xi “cây luật pháp” của nước ngoài vào “trồng” ở Việt Nam, mà phải biết chọn “những nhánh cây” phù hợp với khí hậu nước ta. Mặt khác, Việt Nam cũng là một phần của nhân loại cùng chung xu hướng xã hội như các nước, nên phải thừa kế những cái chung của thế giới. Nhấn mạnh thái quá cái riêng sẽ làm cho Việt Nam đứng ngoài nhân loại văn minh. Khi tranh luận với ông Quang Đạm, ông viết: “Tôi tưởng nhiều cây chính trị mọc trong vườn ta thuộc cùng một loại với các cây ở vườn nước khác, bởi vì không lý nào ta lại gạt bỏ những kinh nghiệm của nước bạn, nó là kho tàng chung của nhân loại chứ không riêng gì của một nước. Chỗ khó là hiểu được cái gì hợp, cái gì không hợp với hoàn cảnh nước ta”. Chính vì thế, ngày 10/10/1945, ông đã trình Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 47 quy định việc “Tạm thời giữ nguyên như cũ luật lệ ở Bắc, Trung, Nam Bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi Việt Nam, nếu những luật ấy không trái với những điều thay đổi trong sắc lệnh này”. Những bộ luật hiện hành ấy bao gồm luật hộ, luật thương mại, luật hình, luật tố tụng, chi phối điều chỉnh hầu hết các hành vi của người dân và các tổ chức của quốc gia. Đồng thời, sắc lệnh còn ghi rõ ở điều 12: “Những điều khoản trong các luật lệ cũ được tạm giữ lại với sắc lệnh này, chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà”. Ngày 20/10/1945, một sắc lệnh quan trọng khác được ban hành là Sắc lệnh số 53 quy định về quốc tịch Việt Nam. Có thể nói 2 sắc lệnh này quan trọng và sớm được ban hành vì nó chi phối hầu hết các hoạt động kinh tế – xã hội của quốc gia theo chế độ pháp trị dân chủ, cộng hoà.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và các tổ chức, trừng trị kẻ xấu, vi phạm pháp luật một cách công minh, nhân bản và tránh oan sai, ngăn chặn sự lộng hành của “quan cách mạng” (lời Hồ Chí Minh), ba sắc lệnh làm nền tảng của hệ thống tư pháp dân chủ cộng hoà cũng đã sớm được ban hành. Đó là Sắc lệnh 46 ngày 10/10/1945 quy định cách tổ chức các đoàn thể luật sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước gồm 114 điều; Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 về tổ chức toà án quân sự.
Bây giờ chúng ta đang bàn về cải cách của luật pháp nói chung để xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nói riêng, thiết nghĩ những kinh nghiệm về pháp lý từ những năm đầu của thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn còn có giá trị thời sự. Tháng 5/2015, Quốc hội Việt Nam bàn luận về việc có hay không ghi vào luật rằng toà án và thẩm phán không có quyền từ chối xét xử những vụ việc chưa có luật điều chỉnh. Còn trong Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, điều 80 đã ghi rất rõ ràng là “các thẩm phán không thể lấy cớ gì, ngoài trường hợp cáo tị và hồi tị [thuật ngữ pháp lý: “cáo tị” là sự vắng mặt với lý do chính đáng của thẩm phán; “hồi tị” là sự tránh mặt hay tránh ra của thẩm phán vì đối tượng bị xử có quan hệ huyết thống với mình] mà từ chối, không xét xử một việc nào”. Chính vì có quy định này, án lệ mới nảy sinh trên căn bản đạo lý, lương tâm, kinh nghiệm, bản lĩnh của thẩm phán. Điều đó đảm bảo công lý cho mọi người, mọi tổ chức.
“Ôn hoà trong xử sự những việc cụ thể, nhưng không thoả hiệp trong những vấn đề nguyên tắc” (lời Vũ Đình Hoè). Cho nên ở khu 10, khi ông Vũ Trọng Khánh làm Giám đốc Tư pháp trong các năm 1947 và 1948, sự xung đột giữa tư pháp (toà án) và hành pháp (Uỷ ban Kháng chiến Hành chính) trong khi xử lý các vụ việc đã không xảy ra gay gắt như các đơn vị hành chính khác. Còn trong tranh luận về tư pháp với ông Quang Đạm trên báo Sự Thật năm 1948 và 1949, luật sư Vũ Trọng Khánh đã kiên quyết sắc sảo bảo vệ quan điểm của mình. Trong hồi ký của mình, ông Vũ Đình Hoè còn viết: “Chính ông Quang Đạm, bốn chục năm sau đã thừa nhận rằng quan điểm pháp lý của ông lúc ấy [năm 1948 và 1949 khi tranh luận với ông Vũ Trọng Khánh] về lý thuyết có phần đơn giản và siêu hình…”.
Tháng 4/1961, ở tuổi 49 đang còn đầy sức sống và năng lực, ông Vũ Trọng Khánh không còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hải Phòng, nghĩa là không còn điều kiện tham gia vào việc quản lý ở tầm vĩ mô để tiếp tục xây dựng thể chế dân chủ cộng hoà. Nhưng ông không ngừng nghỉ làm việc cống hiến, không từ những việc nhỏ và khó khăn, miễn là nó đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thế rồi chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân của Mỹ ngày càng mở rộng ra khắp miền Bắc, và chế độ quản lý bao cấp, tập trung quan liêu ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Khó khăn muôn vàn, nhưng ông vẫn cố tìm cách để làm những việc có ích. Ông trở lại làm luật sư (không phải hành nghề luật sư), chỉ làm bào chữa viên không được nhận thù lao từ thân chủ, mà chỉ nhận phụ cấp từ toà án, trả theo đơn giá do Bộ Tài chính quy định (giống như tiền thù lao làm thêm giờ của công chức). Bằng uy tín và tài năng, tâm huyết của mình, ông đã bào chữa cứu được một số dân oan. Mặt khác, ông nhận thấy môn vận trù học (toán kinh tế), mang lại lợi ích thiết thực trọng công tác quản lý, cần và có thể áp dụng ở các đơn vị cơ sở, như xí nghiệp, hợp tác xã. Không nề hà, ông sáng lập và nhận chức Trưởng Tiểu Ban Vận trù học, thuộc Hội Phổ biến Khoa học Kỹ thuật, sau đó thuộc Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng (tiền thân của Sở Khoa học Công nghệ ngày nay). Chỉ có ông mới đủ uy tín, khả năng tập hợp và tổ chức một số giáo viên toán và thuyết phục những nhà quản lý xí nghiệp, hợp tác xã áp dụng vận trù học.
Thế là ông đã từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hải Phòng đến Trưởng Tiểu ban Vận trù học thuộc Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng (tương đương cấp trưởng phòng của một sở của thành phố). Ở cương vị nào, luật sư Vũ Trọng Khánh đều đã cống hiến hết minh cho sự nghiệp phát triển đất nước. Điều đó không chỉ nói lên tâm huyết, trí tuệ mà còn thể hiện năng lực tổ chức thực hiện của ông, từ việc ở tầm quốc gia (vĩ mô) đến những việc ở tầm đơn vị cơ sở, xí nghiệp, hợp tác xã, phường, xã (vi mô).
Cụ Vũ Đình Hoè kết luận: “Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới hôm nay mà Đảng lãnh đạo, khởi xướng năm 1986 và vẫn đang phấn đấu thực hiện, quan điểm của luật sư Vũ Trọng Khánh không phải là “pháp lý tư sản” mà là chân lý và vẫn đang nóng bỏng tính thời sự”. Còn trong điện chia buồn luật sư Vũ Trọng Khánh từ trần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “… Anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta” (Trần Đình Bút nhấn mạnh)Vâng, thưa Đại tướng, đó là nền luật học làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện không ngừng hệ thống pháp luật của thể chế dân chủ, cộng hòa, với 3 bộ phận cấu thành là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.
Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ là vậy.
Gia đình Luật sư Vũ Trọng Khánh gửi Văn Việt.