Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

ĐI TÌM CON NGƯỜI MUÔN ĐỜI

(Thay cho tiểu sử)
Svetlana Alexievich (Nobel văn chương 2015)
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga theo http://www.alexievich.info
clip_image001
Từ lâu tôi đã tìm kiếm một thể loại đáp ứng được cách tôi nhìn thế giới. Cách mà mắt tôi, tai tôi được cấu tạo… Tôi đã thử sức mình…
Và tôi đã lựa chọn thể loại của những giọng nói con người… Các cuốn sách của mình tôi nhìn thấy và nghe thấy trên đường phố. Phía sau cửa sổ. Trong chúng những con người hiện thực kể về các biến cố chính ở thời họ sống – chiến tranh, sự sụp đổ của đế chế xã hội chủ nghĩa, Chernobyl, còn tất cả họ hợp lại thành một từ – lịch sử của đất nước, một lịch sử chung. Cũ và mới. Riêng mỗi người thì là lịch sử số phận con người nhỏ bé của mình.
Hiện nay, khi thế giới và con người đã trở nên có nhiều bộ mặt và nhiều biến thái (nghệ thuật ngày càng thừa nhận sự bất lực của mình), và tư liệu trong nghệ thuật ngày càng trở nên hấp dẫn thì không thể nào hình dung bức tranh đầy đủ về thế giới của chúng ta nếu thiếu nó. Nó đưa chúng ta gần lại hiện thực, nó nắm bắt và lưu lại những bản gốc của cái quá khứ và cái đang diễn ra. Hơn hai mươi năm làm việc với tài liệu tư liệu, viết năm cuốn sách, tôi luôn tin tưởng và nhắc lại: nghệ thuật không ngờ tới, không đoán biết được nhiều điều trong con người, khi đó cái không nhận thức được ấy sẽ biến mất không dấu vết.
Nhưng tôi không viết lịch sử khô khan, trần trụi của sự kiện, biến cố, tôi viết lịch sử của các cảm xúc. Còn có thể gọi đó là lịch sử bị bỏ lọt. Con người nghĩ gì, hiểu gì và nhớ gì trong thời gian biến cố? Hắn tin hay không tin gì, hắn có những ảo tưởng, hy vọng, sợ hãi nào? Hắn hiểu gì về mình và về thế giới… Đó là những cái không thể tưởng ra được, nghĩ ra được, chí ít là với số lượng chi tiết tỉ mỉ xác thực đến thế. Chúng ta rất nhanh quên mười, hai mươi hoặc năm mươi năm trước chúng ta là người thế nào. Mà đôi khi chúng ta xấu hổ, hoặc bản thân không tin là chúng ta đã có một thời như thế. Nghệ thuật có thể dối trá, còn tư liệu không lừa dối… Mặc dù tư liệu cũng là ý chí của ai đó, sự say mê của ai đó. Nhưng tôi xếp đặt thế giới các cuốn sách của mình từ hàng nghìn giọng nói, số phận, những mẩu đời sống và tồn tại của chúng ta. Mỗi cuốn sách của mình tôi thường viết mất bốn đến bảy năm, gặp gỡ, trò chuyện, ghi chép năm bảy trăm con người. Biên niên sử của tôi bao trùm hàng chục thế hệ. Nó bắt đầu từ câu chuyện của những người trải qua thời cách mạng, đi qua các cuộc chiến tranh, các trại tập trung thời Stalin, và đến thời chúng ta – gần một trăm năm. Lịch sử của tâm hồn – tâm hồn Nga. Hay đúng hơn, tâm hồn Nga-Xô Viết. Lịch sử của một sự Không Tưởng vĩ đại và khủng khiếp – chủ nghĩa cộng sản mà tư tưởng của nó vẫn chưa chết hẳn không chỉ ở Nga, mà cả trên toàn thế giới. Nó sẽ vẫn còn quyến rũ, hấp dẫn một cách quái quỷ đầu óc con người một thời gian lâu nữa. Và tôi muốn lưu lại câu chuyện của chính những người chứng và những người tham gia nó. Biên niên sử của tôi vẫn tiếp tục. Tôi theo dòng thời gian đi cùng các nhân vật của mình…
Cuốn thứ nhất – “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”
Trên các mặt trận của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại có hơn một triệu phụ nữ chiến đấu trong quân đội Xô Viết. Cũng chừng ấy người tham gia vào các đội du kích và hoạt động bí mật. Họ trong độ tuổi từ 15 đến 30. Họ làm đủ mọi công việc thời chiến – lái máy bay, lái xe tăng, xạ thủ súng máy… Phụ nữ không chỉ cứu người như trước đây, khi làm y tá, bác sĩ, mà họ còn giết người. Trong sách những người phụ nữ kể về một cuộc chiến mà cánh đàn ông không kể cho ta biết. Chúng ta không biết đến một cuộc chiến như thế. Những người đàn ông kể về các chiến công, về hoạt động của các mặt trận và về các vị tư lệnh, còn những người phụ nữ thì kể về điều khác – đó là lần đầu giết người rùng rợn ra sao… hay việc sau trận đánh đi ra trận địa ngổn ngang người bị giết lăn lóc trên đất như khoai tây. Tất cả đều còn trẻ và tất cả đều đáng thương – cả lính Đức, cả lính Nga. Sau chiến tranh phụ nữ còn một cuộc chiến tranh nữa. Họ giấu đi các cuốn sổ quân nhân, sổ thương tật của mình – bởi vì cần phải học lại cách mỉm cười, cách đi giày cao gót và lấy chồng. Còn cánh đàn ông thì quên mất các bạn gái chiến trận của mình, phản bội họ. Đánh cắp Chiến Thắng của họ. Không chia sẻ.
Cuốn thứ hai – “Những nhân chứng sau cùng” (100 câu chuyện không phải trẻ con)
Những hồi ức về chiến tranh của những người ở độ tuổi 7-12 khi chiến tranh nổ ra. Những đứa trẻ nói về chiến tranh. Không phải các nhà chính trị, không phải các chiến binh và không phải các nhà sử học. Những nhân chứng vô tư nhất. Chiến tranh nhìn qua mắt trẻ em còn đáng sợ hơn nhiều…
Cuốn thứ ba – “Những đứa trẻ kẽm”
Cuốn sách về cuộc chiến tranh chưa được biết đến và bị che giấu khỏi nhân dân mình – về cuộc chiến của quân đội xô viết ở Afghanistan. Mọi người đoán biết về nó chỉ qua những chiếc quan tài kẽm từ một đất nước xa lạ chở về. Đó là một cuộc chiến tranh khác và con người ở đó là con người khác. Về sau chúng ta sẽ nhìn thấy nó tại các cuộc chiến mới – ở Nam Tư, Chechnya, Nagorny Karabakh… Người ta thường hỏi tôi: vì sao viết nhiều sách về chiến tranh thế? Chị là phụ nữ mà, đàn ông mới thường viết về chiến tranh chứ? Bởi vì chúng ta không có một lịch sử khác, toàn bộ lịch sử của chúng ta là lịch sử chiến tranh. Chúng ta hoặc là đánh nhau hoặc là chuẩn bị chiến tranh. Chưa bao giờ chúng ta sống khác thế cả. Chúng ta thậm chí còn không ngờ được là chúng ta lính trận đến thế nào. Các anh hùng của chúng ta, các lý tưởng của chúng ta, các hình dung cuộc sống của chúng ta, thảy đều mang tính chiến trận. Vì vậy máu mới đổ ra dễ dàng đến thế trên mảnh đất của cựu đế chế…
Cuốn thứ tư – “Lời nguyện cầu Chernobyl” (Biên niên sử của tương lai)
Sau Chernobyl chúng ta sống trong một thế giới khác. Nhưng có hai thảm họa trùng nhau: một thảm họa vũ trụ là Chernobyl, và một thảm họa xã hội là lục địa xã hội chủ nghĩa bị chìm đắm. Nhưng sự sụp đổ xã hội đã che lấp sự sụp đổ vũ trụ, bởi vì nó gần gũi và dễ hiểu với chúng ta hơn. Cái xảy ra ở Chernobyl là lần đầu tiên trên trái đất, và chúng ta là những người đầu tiên trải qua cái đó. Chúng ta sống với cái đó và có điều gì đấy đã diễn ra với chúng ta: công thức máu, bộ mã gien thay đổi, phong cảnh quen thuộc biến mất… Nhưng để suy xét thì cần phải có một kinh nghiệm khác của con người và một công cụ bên trong mới mà hiện chúng ta chưa có. Thị giác của chúng ta, khứu giác của chúng ta không nhìn thấy và không nghe thấy một kẻ thù mới – kẻ thù mà tôi có thể nói là đến từ tương lai – đó là sự phóng xạ, thậm chí ngôn từ và cảm xúc của chúng ta cũng không thích ứng được với cái đã xảy ra, và toàn bộ kinh nghiệm đau khổ mà lịch sử chúng ta có, không giúp gì được ở đây. Mức độ khủng khiếp của chúng ta chỉ có một – chiến tranh. Ý thức không đi xa hơn được nữa. Nó đông cứng lại. Còn cái gọi là Chernobyl thì vượt xa hơn cả Gulag, Auschwitz và Holocaust… Khó mà tự bảo vệ được mình khỏi cái chúng ta chưa biết. Cái loài người chưa biết. Đến lúc nào đó những năm tháng này, những năm tháng của chúng ta, những năm tháng Chernobyl, sẽ trở thành huyền thoại. Những thế hệ mới nối nhau sẽ quay lại phía sau, nhìn lại chúng ta mà hỏi: làm sao chuyện đó lại xảy ra, mọi người khi đó đã sống vì cái gì, họ cảm thấy gì, đã nghĩ gì về điều đó, đã kể gì và ghi nhớ gì? Cuốn sách này không phải về Chernobyl, mà về thế giới sau Chernobyl. Những nhân chứng kể lại… Kịp kể lại… Nhiều người trong số họ đã chết… Nhưng dù sao họ đã gửi cho chúng ta một tín hiệu…
Năm cuốn sách kể về việc mọi người đã giết người và bị người giết ra sao, đã xây dựng và tin tưởng vào sự Không Tưởng Vĩ Đại thế nào, về việc cuộc sống con người của chúng ta luôn bị cào bằng với một cái gì đó – tư tưởng, nhà nước, tương lai. Chúng ta sống trong các chiến hào, trên các chiến lũy, tại các công trường xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Nhưng, – tôi nghĩ, – tất cả đó là sự thật khủng khiếp, nhưng liệu có phải là tất cả sự thật về con người không?”. Thế là nảy sinh tư tưởng của một cuốn sách mới – “Con hươu tuyệt trần của mùa săn đời đời” (một trăm câu chuyện về tình yêu Nga). Cuốn sách nói về việc con người Nga muốn được hạnh phúc, mơ ước hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không có… Tại sao? Và hắn hình dung thế nào về Ngôi Nhà? Hạnh Phúc? Tình Yêu? Rốt cuộc, đối với hắn ý nghĩa cuộc sống là gì? Chúng ta là ai?
Con người đang thay đổi. Thế giới chúng ta đang thay đổi. Cuốn biên niên sử vẫn tiếp tục…