Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

24.

Trong căn phòng nhỏ ở nhà hộ sinh ngay sát gốc đa già, nơi mười chín năm xưa mẹ cô sinh cô, người con gái đã khóc ròng khi đứa bé của mình tuột vào đời. Bà y tá già nắm hai cái gót bé xíu của đứa bé, nhấc lên phát đét đét vào hai bả vai bé bỏng của nó, rồi quay sang người mẹ.

- Thôi khóc khóc mếu mếu nỗi gì. Nó tuột ra rồi là nhẹ bụng. Sướng thì phải biết có lúc khổ lúc nhục chứ. Nghe này, nghe thằng cu nó cười này. Bác bảo này, mai này ra viện, ôm con về xin bố mẹ. Còn cái giống nhà thằng bé, nếu là nhân đức thì họ sẽ nhận cháu nhận con, mà nếu bạc ác thì có van có cầu cũng chẳng được. Mặc mẹ chúng nó. Gốc gác con người bao giờ chẳng từ cái lỗ tè của mình mà ra hả con. Đẻ thì nuôi. Rồi thì biết phận mà bóp bụng nuôi con. Thời bây giờ, các mẹ trẻ mặc váy ư, mặc quần kéo phéc mơ tuya ư, rẹt một cái là váy lên quần xuống, hoá chẳng bằng thời các bà đây mặc quần dải rút, muốn gì cũng phải giữ cái dải rút vài ba phút để nghĩ tới chuyện sẽ bị chửi bị nhiếc thế nào.

Con Hằng An khóc không dừng nổi. Bà y tá già mắng xa xả:

- Đã bảo im đi. Gái đẻ máu non, khóc lóc cho lắm vào rồi sản hậu thì đời ra tóp. Đã làm cái kiếp đàn bà rơi vào cảnh này thì càng phải biết giữ lấy thân con ạ. Mày có tiền không đưa bác chạy ù sang đường mua cho bát xôi dằn bụng. Đẻ xong là bụng trống lắm. Khổ. Giá ngay tình thì có phải giờ này kẻ hầu người hạ rồi không. Thằng bé đẹp như thế này. Tao đang giờ làm, làm sao giúp mày được bát nước rau ngót trục cho hết rau bây giờ, lại còn bảy quả trứng luộc nữa, lấy đéo đâu ra tiền lo cho mẹ trẻ. Ngu chửa. Có nằm ngửa ra thì cũng phải biết bộ lòng thằng ấy nó nặng nhẹ ra sao. Bây giờ nó biệt tích. Mà nhà nó kiểu này cũng chả cần đếch gì đến thằng bé đâu. Cứ ngẫm lời tao. Mẹ mày có giận con sợ chồng thì giờ này cũng phải vào mà nhòm nhỏ con cháu xem sống chết thế nào rồi chứ.

*

Con Hằng An nằm ngửa, hai bàn chân bắt chéo theo đúng lời chỉ dạy của bà cụ tốt bụng đến thăm cô cháu dâu vừa sinh con đầu lòng nằm giường bên cạnh, từng lúc lại nghiêng mặt cho nước mắt thấm vào vai áo. Nó không để ý tới mùi máu, mùi mồ hôi xông lên từ chính mình, từ giường chiếu xung quanh. Nó không nghĩ tới thằng bé. Trong trí người con gái lúc này là hình ảnh của chính cô, mười chín năm về trước, bé xíu, đỏ hỏn, mi mắt nhắm tịt, húp lên, đôi môi mỏng cong lên vì khát sữa. Không hiểu sao cô lại hình dung rõ ràng như thế, về những câu chuyện người lớn nửa kín nửa hở kể trước mặt về cái hồi mẹ cô điên điên khùng khùng trèo lên cây đa trước cửa nhà hộ sinh hát suốt một đêm, về người đàn ông đã chăm chút cô khi người mẹ tưởng sẽ chết sau khi đẻ vì sót rau, đã cho cô một cái tên như một nguyện cầu công khai về hạnh phúc, một cái tên không như cuộc đời của cô... tất cả, trở về, sáng rõ, thực và xa vời. Người con gái khóc, không thể nào dừng được, không phải vì thương mình, mà là thương đứa bé ấy, đứa bé đã được sinh ra như thế, đã sống qua bao nông nỗi vượt quá tuổi mình mà vẫn ngỡ là bình thường. Bà y tá già tốt bụng hỏi đi hỏi lại:

- Mày định đặt cho thằng bé tên gì? Chọn cho nó cái tên đèm đẹp vào mày ạ, biết đâu đời nó mai sau sáng láng. Đừng có vì hận thằng bố nó mà thành ra suốt đời gọi con lại là réo hận trong lòng mình lên cháu ạ.

- Cháu gọi nó là Thường An. Bố nó là Bình, cháu là An. Bố Bình con Thường chắc rồi yên bác nhỉ.

Bà y tá già bỏ đi, thở dài. Thằng bé Thường An và mẹ nó không biết rằng bên kia gốc đa già trong khu tập thể chiều qua có một cuộc gây lộn lớn. Bà nội và bà ngoại nó, những người đàn bà hàng xóm gia cảnh khác nhau, vốn đã không ưa nhau, vào buổi chiều thằng bé ra đời đã suýt đánh nhau.

Chính vì cuộc chửi mắng nhau dậy trời ấy mà Ngân vốn vẫn được hai người đàn bà quý hoá mang ra làm tấm gương sáng cho con cái trong nhà đã không dám bước qua phố sang nhà hộ sinh thăm con Hằng An. Từ buổi chiều con Hằng An tìm tới nhờ dịch hộ bức thư tình của thằng cu Tây tăm tia nó, Ngân rất ngạc nhiên vì mình không hề áy náy gì khi nghĩ tới chuyện của nó, không cảm thấy ghê ghê vì cuộc sống lấy lỗ làm lãi của nó, không thấy khinh bỉ vì những tính toán trắng trợn của nó. Thật lòng Ngân còn mong cho nó túm chặt được thằng Tây mũi củ cải si tình và hiền hậu đó để ra đi, để khỏi phải sống lại tất cả những nông nỗi khổ ải của cô Tam bao nhiêu năm về trước khi không chồng mà chửa. Con Hằng An đáo để và cứng rắn hơn mẹ, nhưng đứa bé sẽ ra sao nếu mẹ nó nuôi nó bằng cái nghiệp lấy đêm làm ngày. Chỉ nghĩ đến thế đã thấy rùng mình, quặn cả lòng vì cảm giác bất lực, khinh ghét mình vì bất lực.

Sẽ không bao giờ Ngân nói được một lời ân hận với Hằng An. Buổi sáng rời nhà hộ sinh, ôm con qua phố giữa tiếng gào thét chửi rủa của bà nội bà ngoại đứa bé, giữa những con mắt đầy vẻ tò mò độc địa, cô gái đã không tìm ánh mắt Ngân lúc đó đứng ngay đầu ngõ. Giá người đến đón Hằng An không phải là một cô điếm đồng nghiệp của nó, liệu Ngân có đủ can đảm giơ tay đỡ lấy đứa bé giữa thanh thiên bạch nhật, giữa tiếng xì xào không thèm giấu giếm của đám người bán người ăn quen biết? Không bao giờ Ngân dám trả lời câu hỏi này. Có những điều người ta sẽ phải ân hận một đời vì không bao giờ làm được.

Con Hằng An mặt vàng như nghệ, trao đứa bé cho bạn, đi vào ngõ. Khuôn mặt nó, quen thuộc với Ngân biết bao nhiêu qua cái lối hơi cúi cúi, đuôi mắt dài nhìn nghiêng nghiêng, cặp môi cong cong như nũng nịu như giận dỗi, từ bé trông đã rất đỗi đàn bà và là nỗi sợ hãi không lời của vô số bà trong khu tập thể... giờ ngẩng cao. Đuôi mắt ướt lúc nào cũng như đang bị hút đi trong một cái nhìn nghiêng vì thẹn thùng kia giờ rướn lên, căng thẳng, kiêu hãnh và thê thảm. Cô Tam vừa chửi con gái, vừa giằng lấy cái bọc đùm thằng cháu, vừa cười: “Cha con mẹ mày. Bà lại cứ tưởng tòi ra thị mẹt thì bà cháu mẹ con khổ không biết đến bao giờ”. Đám người ăn người bán vừa nãy còn tò mò nhìn ngó, xì xào bình phẩm đột nhiên cười râm ran:

- Mẹ Tam lên chức sướng nhé. Bà ngoại muôn năm.

- Rậm người rồi ra rậm của chị Tam ơi. Về giúp con nuôi cháu, mai sau nó cúng vái cho.

- Nhà Hải Phương không ra nhìn mặt cháu đích tôn à. Giờ chửi bà nó, oán mẹ nó, ruồng bỏ nó, biết đâu sau này thằng bố nó không tòi ra thêm được con củ nào cho ông bà nội thì lại ngồi đó tiếc mà chả làm gì được.

Ba người đàn bà và đứa bé tiếp tục đi sâu vào cái phần đuôi chuột của ngõ, thản nhiên. Bà nội đứa bé mới ra đời đưa tay thít chặt lại cái khăn mỏng choàng trên đầu, cúi mặt bước. Ngân đứng đối diện nhà hộ sinh dưới gốc đa, xe cộ nườm nượp qua lại, mấy chiếc lá vàng tần ngần rơi, gió vô ưu trên cao lắm. Bất chợt nhớ. Gốc đa này, những ngày sau chiến tranh, một xác trẻ không tên. Gốc đa này, cũng những ngày tháng đó, cô Tam hết bình thảo lại sa lệch chênh, rồi cò lả. Gốc đa này, con Hằng An đã theo bọn Ngân đi dính ve và tè trộm. Và bây giờ, ở đó, nó sinh ra một cuộc đời, một cuộc đời không biết rồi ra thế nào. Ngân nghĩ lan man về đám bạn vừa mới cùng một giảng đường với nhau nay tứ tán, về mình, về những quyết định phân công công tác không thể nào thực hiện được, về cái sổ gạo trong đó hai chữ sinh viên cùng dòng với tên mình đã bị gạch bỏ, và con số 15 kg đã bị sửa thành 13, 5 kg. Không biết rồi ra thế nào!

Đâu rồi những cuồng điên, đam mê, gào thét

Đâu rồi những vật vã, chia li, hoảng hốt, lo âu

Đâu rồi tất cả đâu rồi

Những ngày cháy khát bên nhau?

*

Tuổi đã ngoài bốn mươi

Thấy đời toàn chắp vá

Như mối tình đang say đắm này đây

Có thể nàng sẽ bỏ hắn để theo

Ngưòi đàn ông khác

Có thể hắn sẽ bỏ nàng để theo

Người đàn bà khác

Có thể chỉ chán mà buông nhau

*

Những mẩu vụn thơ

Như những mẩu vụn bánh mì

Không đủ nuôi ta sống

Nhưng dù sao...

26.

Một năm sau, con Hằng An để con lại cho cô Tam, đi Tây. Cả khu tập thể ú ớ trước đám cưới của nó, có một không hai. Cậu rể Tây, râu quai nón cạo nhẵn, mắt nhạt tóc nhạt lông mày nhạt và mặc dù tuổi còn trẻ đã lâm vào tình trạng rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng khom người chui ra từ cái xích lô gọng vàng rèm đỏ, kéo theo một đoàn một lũ lau nhau hùng dũng đi vào nhà cô Tam, thân hình cao to ngó chật cả ngõ. Con Hằng An bé nhỏ đứng bên cạnh nhắc vở và người đàn ông Bắc Âu khó nhọc nói những câu tiếng Việt rời rạc không dấu. Cô Tam cuống quýt và đám trẻ con cùng những kẻ rách việc cười rồ rồ khi ông rể Tây khom người, chắp tay:

- Con chao me. Con xin lam con re me. Con yeu em Hang An cua me. Con xin cuoi em Hang An. Hom nay con dua bo me con den tham me.

Sau này Ngân nghe cô Tam kể lại rằng một trong những điều kiện mà con Hằng An đưa ra với cậu chàng Tây là phải làm đám cưới đàng hoàng, có mặt bố mẹ chồng. Ông bà cụ người Thụy Điển mặt mũi phúc hậu bước vào ngõ nhỏ đầy rác và ruồi mà không hề nhăn mặt. Ông con rể tương lai, không biết đã thụ giáo tiếng Việt từ bao giờ lần này không khom lưng mà cúi cổ về phía bà mẹ vợ:

- Bo me con noi nhan dan Viet Nam song kho qua. Kho nhu the nay ma chien thang America. That anh hung. Bo me con noi ong ba rat kham phuc.

- Thế cô nói gì với họ? - Mẹ.

- Thì bác bảo em biết nói gì? Nhà cửa con Hằng An đã gọi thợ tới sửa, đã mua sắm đồ đạc lỉnh kỉnh. Nhưng mua về bày đấy nó lại bảo em là thằng chồng nó bảo ở bên xứ chúng nó tủ lạnh để trong bếp chứ không bày ra như mình. Nhìn ảnh nhà cửa bố mẹ nó em nghĩ ông bà ấy phục mình thì phải quá. Chị tính bao nhiêu năm em ở trong cái xó đấy, ngửi đủ thứ cứt người cứt lợn cứt gà, ngửi nhiều đến nỗi bây giờ mà đi vào ngõ không thấy cái mùi ấy khéo lại đâm sợ có chuyện gì mà vẫn sống thì đúng là giỏi còn gì. Giờ đã đến nước này, thôi thì cũng chỉ còn biết mong con bé sang xứ người yên ổn với thằng ấy rồi rước nốt con nó đi. Em cứ nghĩ thương thằng bé con chị ạ. Giá mà đằng nhà thằng bố nó biết quý người, em sẽ khuyên con Hằng An để con lại cho bên nội... Thì em còn có chỗ đi về thăm nom máu mủ mình.

*

Cô Tam khóc. Bao nhiêu lần nước mắt đã chảy trên gò má giờ có da có thịt nhưng đã đến tuổi nhão kia? Thời gian ấy là thời gian Ngân nhận phân công công tác về Hà Sơn Bình, về đúng Hà Tây cửa ngõ Thủ đô. Chạy chọt thêm một chặng nữa mới được dạy ở trường huyện gần miền quê Ngân đã về sơ tán những năm bé tí. Tuần tuần Ngân đạp xe hơn ba chục cây từ trường về nhà. Đoạn đường chẳng bao xa nhưng cứ như dẫn tới một thế giới khác. Khi đi, là những ngôi nhà kiến trúc vừa phô phang vừa đơn điệu của mấy thị trấn thị xã, là những đầu hồi lởm chởm gạch vỡ chìa ra sát đường, mùi rạ mục và mùi chuồng lợn, những dáng xoan vừa xanh lại giữa chiều xuân. Khi về, mặt trời xiên khoai sau lưng, Hà Nội lên đèn, thoáng mùi hoa loa kèn ngày chớm hạ, trăng trong mưa lạnh đêm mất điện, lòng không buồn không vui, rỗng. Dù mỗi dịp về là lại tụ bạ cùng bạn bè nói cười mỏi hàm.

- Hằng An sống thế nào hả cô? Cô có thư cho em nói cháu gửi lời thăm nó với nhé.

- Em nó mới làm giấy tờ cho cô với thằng bé cháu ạ. Chắc ít ngày nữa cô đi. Thế mày có cưới sơm sớm lên cho cô dự được không cháu? Chứ không bà lão đi chẳng biết bao giờ về được.

Cưới? Ai? Chỉ nghĩ đến chuyện sẽ phải chung giường chung mâm mỗi ngày với một người mình không yêu dẫu rằng mình được mê đắm, chỉ nghĩ đến chuyện sẽ phải vật vã hơn nữa vì cơm áo, đã hoảng hồn. Hoảng và buồn, bởi biết vậy và cũng biết rằng rồi cũng phải qua bước ấy như bao nhiêu cặp vợ chồng bạn bè. Những ngày đó cô gái đã thôi không còn nghĩ được tiếp rằng chỉ cần biết có một tình yêu đích thực, dẫu không bao giờ có cho riêng mình, thế đã là hạnh phúc. Bao nhiêu cuối tuần từ nơi làm việc trở về cô gái đã dừng xe ở một quán nước chỗ Ba La Bông Đỏ. Quán nước vô duyên. Mấy cái kèo cái cột nứa, sau trước chẳng xanh chẳng đỏ một bờ rào râm bụt hay cúc tần ô rô. Trước mặt: đường cái. Sau lưng, con đường lổn nhổn gạch đá dẫn vào trại lợn giống. Người đàn ông ngồi sau cái chõng tre bày mấy cái thẩu thủy tinh đựng kẹo dồi chó, kẹo vừng kẹo lạc, bánh rán tẩm đường. Anh ta còn trẻ, lại đẹp trai, chỉ nội đôi mắt biết cười đã đủ níu chân người, chưa nói bánh rán hàng nước này ngon dễ sợ. Đôi mắt...

*

Có cái gì quen lắm trong cái nhìn. Ngân sẽ nhận ra vào một buổi chiều, khi ngồi sau cái chõng tre rót nước cho Ngân là một người đàn bà:

- Anh đâu rồi chị? Mọi lần em đều thấy anh bán hàng.

- Cái cẳng cô ạ. Nó lại đau. Chả hiểu sao. Thời tiết mấy hôm nay thì có mưa gió ẩm thấp gì đâu.

Người đàn bà nhã nhặn, nhưng không mặn mà.

- Thế... Chắc chị phải giúp anh hàng ngày dọn hàng từ trong làng ra đây chị nhỉ? Cũng xa...

- Không cô ạ. Cô có ăn thêm cái bánh rán không? Nhà tôi ngay trong trại lợn kia kìa. Tôi làm việc trong đó cô ạ.

Chỉ đến lúc đó Ngân mới để ý dáng dấp của chị chủ quán. Mắt hiền và sáng. Búi tóc mượt và dày, không có những sợi xơ xơ vì cháy nắng. Cả cách ăn mặc. Là của người nhà nước, sơ mi, quần lụa, lại còn đôi guốc nhựa dưới chân. Nói năng chừng mực, khác hẳn kiểu vồn vã cởi mở của mấy chị nhà quê giỏi xoay xỏa việc nhà.

- Em hay ghé hàng nhà ta. Mọi ngày chỉ có anh bán hàng. Không hiểu sao em nhìn anh thấy quen ghê lắm.

- Cô chắc người Hà Nội? Vợ chồng tôi không phải dân vùng này cô ạ. Anh ấy quê trong Vân Ngoại. Tôi thì xa hơn một chút. Ở gần Xuy Xá Tế Tiêu cô ạ. Phải rẽ Vân Đình hay qua quê nội các cháu tới Ba Thá, qua cầu rồi xuôi theo đê. Cô có nghe mấy cái tên ấy bao giờ chưa?

- Chị là... Chị có phải là chị Thục nhà ông Lẫm? Ôi giời ơi chị Thục! Bây giờ thì em biết sao trông anh quen thế rồi. Em là cháu bà Khoản ở làng đây chị. Ngày xưa em về sơ tán, chị nhớ không? Chị vẫn dẫn em đi xem chèo ngoài bãi, vẫn cho em mượn Trích giảng văn học của chị để đọc ấy. Ôi trời! Sao em lại không nhận ra chị ngay nhỉ? Thế nhưng mà ngay hôm đầu ghé hàng em đã thấy anh quen quen. Có phải ông đại đội trưởng của chị ngày đấy không?

Người đàn bà sững sờ nhìn khách:

- Mày là con Hà Nội ngày ấy đấy hả?

Nụ cười nụ mếu, người đàn bà chủ quán hối hả:

- Làm gì mà hay ghé hàng nhà chị hả em? Giá hôm nay chị không ra trông hàng đỡ anh thì chả bao giờ chị em gặp nhau. Đúng chú bộ đội của mày đấy. Hồi ấy anh ấy đóng quân ở làng mình. Chao ôi! Ngày đó mày còn như cái kẹo mút dở... Để chị gọi cháu ra trông hàng... Nhà ngay phía trong đây thôi, ở đây ăn với anh chị và các cháu bữa cơm. Giờ mới xế xế, năm sáu giờ đạp xe ra Hà Nội cũng không sợ muộn, càng đỡ nắng

- Thôi thôi chị. Để tuần sau đi chị. Em còn qua lại đường này luôn mà. Em dạy học trong đó mà chị. Bên kia sông là Ba Thá, trường em bên này sông, chỗ chợ Thá đấy. Em có vô khối học trò bên sông, cả dân Vân Nội Vân Ngoại nhà chị nữa. Thế chị làm gì bây giờ chị? Hồi hết đánh phá, ra Hà Nội rồi, thỉnh thoảng về làng, em nghe chị đi học xa. Bà em chẳng biết trường nào, sau này bà em cũng ra Hà Nội, thành ra...

- Chị học Nông nghiệp. Đại học Nông nghiệp 1 ở Gia Lâm ấy. Chị là kỹ sư chăn nuôi, giờ làm trại giống ở đây. Tao nghe dân Hà Nội giờ tăng gia sản xuất như điên. Ra nhà bà chị chồng ngoài ấy, ở khu gì nhỉ? - Giảng Võ Thành Công gì ấy, đi vào nhà xí còn phải vác theo cái roi xua lợn. Em lấy chồng chưa? Nhà có chăn nuôi thêm thắt gì thì khi nào qua đây chị chuẩn bị cho đôi lợn giống nghiêm chỉnh mà đèo về.

*

Một đôi lợn giống nghiêm chỉnh đến thế nào chăng nữa cũng chưa bao giờ có trong chương trình sống của Ngân. Quá đủ với Ngân cái mùi phân lợn phân gà, mùi thức ăn cho lợn cho gà bốc hơi nồng nồng chua chua từ những năm tháng ấy, phảng phất đầu phố cuối ngõ, hùng hổ xộc thẳng vào mũi khách khi gõ cửa một căn hộ lắp ghép. Hàng xóm không có chỗ chăn nuôi hoặc không muốn chăn nuôi thêm thắt kiểu đó sống dở chết dở vì cái mùi đồng quê không mùa ấy giữa thành phố. Ai cũng biết đấy là chỗ dựa vật chất và tinh thần của mỗi nhà những lúc gia đình có việc: ốm đau, tết nhất, giỗ chạp, ruột thịt ở quê gặp phải kỳ thất bát thóc cao gạo kém. Nên chẳng thể nào than vãn hay trách cứ gì nhau. Nhưng không làm sao Ngân dẹp đi nổi nỗi hoang mang khi tạt qua nhà cậu bạn trai từng nhòm ngó mình, vừa câu trước câu sau bà mẹ bạn đã ra nhắc ông con lúc nào rảnh rỗi thì đi đèo nước vo gạo về cho lợn làm cả hai cùng lúng túng. Hay khi buổi trưa buồn tình tới nhà cô bạn học cũ thấy bạn cúi mặt thái rau cho gà. Bạn vốn kỹ sư công trường thủy điện sông Đà, lấy chồng đồng nghiệp và mới rủ nhau bỏ việc về lại Hà Nội, loay hoay chưa biết sống ra sao. Cái xoong nhôm móp mất vung, dáng bạn nhếch nhác trong bộ đồ mặc nhà đã tàu tàu, và câu chuyện miên man tiếng cười giữa những người trẻ tuổi chưa có việc hay vừa bỏ việc làm cho Ngân nhiều lúc vừa sợ vừa nản. Phan đã thôi không thư từ lâu rồi. Vĩnh, sau buổi chiều ngỏ lời cay đắng đã thôi không đến thường xuyên nữa. Chỉ còn Việt, nhẫn nại, bình thản, như đam mê chiều nào đã vĩnh viễn qua rồi, lúc đến, lúc đi, bao giờ cũng kịp thời đúng kiểu một người bạn thân thiết. Phan, không ai biết thực ra đang sống như thế nào ở đất nước xa xôi kia. Vĩnh, đã yên thân ở một chỗ làm tại bộ ông bố đang là thứ trưởng. Việt, không có một ông bố và bà mẹ mạnh nhưng may mắn được giữ lại trường, chúi đầu học ngoại ngữ tính đường xuất ngoại làm phó tiến. “Để cân bằng lực lượng”. Việt đã cười cười trả lời Vĩnh khi cả lũ tụ tập nhân ngày sinh của Ngân. Cân bằng lực lượng? Với ai? Cả lũ cười ầm ầm, căn vặn. “Thì tại là vì mấy đứa cùng năm ở lại trường đều hơn mình ấy mà. Toàn cháu ông, không thì cũng là con mấy ông thầy cả. Thầy dạy khoa này thì con lại ở khoa kia, rút cục bố con đồng nghiệp cả”. “Vậy mới sướng, chứ như hồi nào lớp mười bọn mình học thuộc lòng lớp cha trước lớp con sau đã thành đồng chí chung câu quân hành nghe mãi nẫu hết cả người” - Một cậu bạn. Cô bạn gái cậu ta rụt rè lườm bồ: “Thế sao bố em bảo anh làm hồ sơ xin về viện Kỹ thuật quân sự anh hớn ha hớn hở làm ngay?”.

Ngân dàn hòa:

- Bố vợ con rể đồng ngũ thì cực kỳ còn gì. Tuấn cũng ở lại trường chứ gì? Khiếp! Học gì không học lại học Vũ khí. Nếu anh Tuấn không về được viện bố Thu thì làm sao hàng tuần từ Hương Canh về đưa Thu đi chơi được.

Cô bé phụng phịu em đến chơi với chị. Không hiểu Tuấn nghĩ gì mà thấy bàn tay ông bạn kín đáo cầm lấy những ngón tay người yêu. Vĩnh lặng im từ lúc nghe Việt tuyên bố học để cân bằng lực lượng và Ngân ngần ngừ không dám kể cho các bạn nghe một chuyện buồn nóng hổi của mình. Vừa buổi trưa nay thôi Ngân nhận được lời từ chối tiếp nhận của một trường đại học mà trường Ngân giới thiệu sang xin việc. Cậu cán bộ giảng dạy ranh con, có lẽ chỉ hơn Ngân một hai tuổi, nhìn Ngân thương cảm rồi hỏi:

- Thế bạn về đây thì ai đỡ đầu?

- Không ai cả. Anh biết không? Không ai cả - Ngân cười - Chỉ có mỗi cái cổ tôi đỡ cái đầu tôi thôi anh.

Phải, chỉ với cái cổ đỡ cái đầu, Ngân làm sao cạnh tranh được với những người như cậu ta. Thi trượt đại học ở Hà Nội thì xin về học ở một trường đại học địa phương mới thành lập, rồi lại xông ra Hà Nội với một tờ giấy viết tay gửi cho đồng chí hiệu trưởng: “Cháu... đã tốt nghiệp đại học, có nguyện vọng làm việc ở chỗ anh. Anh xem có cách nào giải quyết thì báo cáo gấp”. Ông trưởng khoa báo chí từng nhận là bạn học với mẹ từ hồi Quế Lâm Trung Quốc kể cho Ngân nghe hành trình xin việc của cậu ta, rồi chìa vào mặt Ngân đơn xin việc của một cô bạn quen nhưng học khoa khác: “Chú rất tiếc. Thôi cháu thông cảm... Cô này về đây thì không đúng chuyên môn, nhưng mà lại là con ông... Chú cứ nghĩ việc cháu coi như xong, cháu về làm việc sẽ đỡ được bọn già như chú nhiều lắm đấy. Nhưng bây giờ... Nhận cô này thì lại mất mấy năm cho đi đào tạo tiếp đây”.

- Bọn cháu vẫn dặn nhau kẹo ngậm đến miệng còn rơi mà chú - Ngân chặn ngang lời rên rỉ ỉ ôi rất thật lòng của ông trưởng khoa suýt nữa thành sếp - Dù sao cháu cũng cảm ơn chú đã hết lòng.

Mười ba cây số đạp xe trong trưa. Nắng tháng tám mắt đổ hoa cà hoa cải. Nằm bẹp như gián hơn tiếng đồng hồ rồi lại lóp ngóp đi tới tòa soạn báo mà Ngân đã đặt đơn xin việc theo lời giới thiệu của một bà giáo sư nổi tiếng về cả tài năng và đức độ. Không hiểu sao lúc đó lòng Ngân bình thản thế: không lo sợ, cũng không hi vọng gì, mặc dù Ngân hoàn toàn tự tin mình sẽ làm việc tốt qua mấy tháng đi viết thử.

-Thật là tiếc - Bà trưởng ban nhìn Ngân qua cặp kính trễ mũi - Chúng tôi rất hài lòng về các bài viết của cô. Có phong cách lắm. Chúng tôi ai cũng chung nhận xét như thế. Nhưng năm nay báo chỉ có một chỉ tiêu. Nếu mà cháu chờ được, sang năm nhất định chúng tôi sẽ nhận cháu.

- Ai được về năm nay hở cô? Có phải trong đám thử việc chúng cháu không cô?

- Thì... đấy. Xem nào, cô Liên, cháu cũng biết chứ?

Biết quá. Chị sinh viên cùng năm nhưng đã ba nhăm ba sáu tuổi, dân khoa Lý, cán bộ địa phương đi học, có ông chồng quan chức ở tỉnh mới được điều về bộ, nói ngọng lờ nờ và viết thỉnh thoảng lại lẩm bẩm lờ cao hay lờ thấp nhỉ. Nắng ngoài kia đã dịu đi. Hàng sấu bắt đầu gió nổi. Toà báo này ở góc phố này đẹp quá. Nếu mình làm việc nơi đây? Ngân cười, chào bà trưởng ban:

- Thôi cháu về... Cảm ơn cô về lời hứa. Nhưng cháu không thể chờ cô ạ. Nhỡ sang năm lại một người khác có những điều kiện như chị Liên hay có khi hơn chị Liên xin về, cháu chắc cô có ưng ý cách làm việc của cháu bao nhiêu cũng không thể nhận cháu. Đúng không cô?

Bà trưởng ban xếp lại mấy tờ giấy trong khi mắt vẫn nhìn Ngân. Bà gật đầu khe khẽ. Ngân có nghe lầm chăng: Hình như bà khe khẽ thở dài?

Gặp sông Lahn một quãng vắng trong rừng

Thấy sóng trên sông chở nắng

chở gió,

và tiếng chim

Trôi lên phía trước

Mỗi ngày sống - mỗi ngày xa

Mỗi ngày xanh trong cỏ biếc

Dập dềnh qua

Gặp sông Lahn một quãng vắng, trong rừng

27.

Người đàn bà - trẻ con nhớ bạn. Nhớ xót xa. Bạn có lý chăng khi quyết định ở lại đất nước ấy. Về sẽ làm gì? Liệu có thoát được hành trình khổ ải này không nếu cũng chỉ như nhau, không có linh kiện phụ tùng gì đi kèm cái bằng đã tu luyện bao lâu mới có. Bất chợt phì cười. Ừ, bố mẹ thì ai đầu tư được. Bàn là, phích nóng lạnh, tủ lạnh, xà phòng thơm... Có thể... Cần có bao nhiêu dữ liệu như thế để dán lên cái bằng đỏ của bạn nếu bạn học xong về nước đi xin việc? Và nếu như thế, cơn ác mộng của bạn có trở về?

Đấy là sinh nhật cuối cùng có đông đủ bè bạn của Ngân. Tíu tít chuyện. Những câu chuyện không đổi: Tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp. Đi làm và chưa đi làm. Một lô một lốc bạn gái cưới chạy để hợp lý hóa chuyện phân công công tác. “Các bà đi lấy chồng ở tuổi này thì có lý, nhiều chiều có lý. Chồng càng già càng dễ xin việc. Chứ bọn này mới ngoài hai mươi đã cưới vợ, mà lại phải cưới vợ thật già để họ gồng gánh cho mình thì sẽ đi từ phi lý này tới phi lý khác mất” - Một cậu bạn. Chưa một ngày sinh nào người đàn bà - trẻ con thấy mình cô đơn đến thế. Tất cả vừa xảy ra hay đang diễn ra đều thành xa xôi. Xa, như một ngày, đã xưa. Mà hồn vẫn nôn nao bao nhiêu khao khát, vẫn như bị thúc hối bởi một điều lưng chừng giữa hy vọng và bất lực. Như một sự tự kiểm tra mình, Ngân cầm từ nhà bạn về cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Không đọc lại nổi. Chỉ mươi trang đầu lật qua đã biết không cách gì đọc tiếp. Một tấm gương như thế sẽ chỉ có ích khi người ta không phải đem soi vào từng ngày sống buồn nản và hoang mang của mình. Thật lạ lùng, chính lúc ấy người đàn bà - trẻ con nhận ra mình thấy được ân tình trong bao nhiêu nông nỗi. Với con Hằng An. Hay chị Thục... Ngân không thấy ghê ghê như đã từng tưởng là mình sẽ thế lúc con bé ngồi ghé bên giường. Hôm nó đến nhờ dịch thư... Buổi chiều ấy xám... Ngân cũng không còn nhớ nữa cái cảm giác lờm lợm khi cùng bọn ranh con đi nhòm qua lỗ tường thủng sang nhà hàng xóm và nghe thấy những tiếng hổn hển y hệt đã từng nghe trưa nào, khi đứng dưới gốc khế đầu hồi nhà chị Thục. Cái kết cục có hậu của một mối tình thời chiến tranh giữa chị Thục và anh Khá, giữa một cô gái làng có học và một anh sĩ quan trẻ về đóng quân làm Ngân thấy tin yêu tất cả nhiều hơn. Chỉ có điều sau đó cũng buồn hơn mỗi lần tạt vào quán nước nhà chị, bắt gặp anh Khá, nạng gác trên ghi đông xe đạp, tươi cười chào Ngân và giục con ra hạ hàng họ vừa mua về xuống. Cảnh gia đình của anh lý tưởng như trong tiểu thuyết. Có đam mê thời đạn bom. Có yêu thương chờ đợi người ra trận. Có yên ấm ngày sum họp. Vợ trí thức nông thôn. Chồng thương binh vừa ngồi bán nước vừa lo sổ sách chi bộ. Những đứa trẻ ngày ngày sáng đi học chiều đứa nào việc nấy tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình đỡ đần bố mẹ. Nhưng chị Thục gầy, anh Khá gầy, bọn trẻ gầy.

*

- Gầy mới là lương thiện, mày còn đòi gì - Chị Thục cười - Chí Phèo ngày xưa học giảng văn mày nhớ không, tự giết mình cũng chỉ để đòi cho được có cái ấy thôi đấy.

- Chị thì chỉ... Ai lại làm một dấu bằng kỳ cục thế.

- Kỳ thật em nhỉ. Nhưng mà mày có nhìn thấy mày bây giờ không? Con gái tỉnh mà có khác gì bọn tao dân nhà quê.

- Da em bắt nắng lắm chị ạ. Tuần đạp xe đi đi về về một lần thế này là y như vừa đi biển về. May mà trời nắng còn có hứng về Hà Nội chứ trời mưa thì đành thu lu ngồi lại trường.

- Nhìn cái cảnh mấy cô giáo nhà xa ở lại trường nó nẫu người lắm mày ạ. Xem thế nào rồi mà xin chuyển chứ không khéo rồi ê sắc đấy. Đứa nào chạy vào quảy cho mẹ thùng nước ra đây cái. Kìa kìa, xùy con gà đi chứ không nó bới tanh bành ra bây giờ... Hay là ở quách lại đây rồi chị tìm cho một tấm chồng. Có tay phó giám đốc sở ở gần gần đây, mới vào tỉnh ủy. Mày chịu không?

Hai chị em cứ nửa đùa nửa thật. Thành thì rồi xin một phát là bắn về được trường thị xã ở đây ngay. Tiếng rằng không phải Hà Nội nhưng lại là cửa ngõ Thủ đô thật, còn có mười cây số là tới phố. “Chả hơn gấp vạn về Hà Nội nhưng lại phải lên tận Hà Nội can, những Kim Anh Mê Linh Sóc Sơn ấy à, chờ đến ngày toài về được tới nội thành thì cũng đã sắp hưu non được rồi”. Chị Thục săm sắn lên ngay một kế hoạch giới thiệu đối tác. Ngân cười cười. Ai biết ngày mai thế nào?

*

Biết ngày mai thế nào. Con Hằng An đã đón mẹ đi Tây. Hai mươi năm trước ai dám nghĩ rằng cái người đàn bà dở dại leo thoăn thoắt trên chạc đa, xõa tóc ngồi vẽo vọt dân ca cổ truyền kia sẽ cưỡi máy bay đi xa hơn tất cả đám đàn bà trong khu tập thể? Thằng Phi nhà chú Phúc cô Thủy bỏ nhà đi sau vở hài kịch mẹ nó dàn dựng, ngày bố từ chiến trường ra cũng không về, nghe nói nay đã là một đầu gấu đáng nể mới chuyển địa bàn từ ga về khu vực Giáp Bát. Phan đi học và ở luôn lại đất nước xa xôi kia, giờ ra sao? Việt cũng phấn đấu đi. Chú Thái, bố kể, có hai thằng con cũng cho đi xuất khẩu lao động cả hai và giờ đã yên thân ở một nơi nào đó trên bản đồ thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ, rất chịu khó gửi tiền về. Giờ, chú Thái ra ra vào vào ngôi biệt thự xây bằng tiền của mấy đứa con trong cái ngõ ngang dành cho kẻ ăn người làm một thuở, trông người vợ dại. Vĩnh thì bình yên trong sự sắp đặt của bà mẹ, hàng ngày đi đi về về cơ quan bộ... ở cái phố đẹp nhất nhì Hà Nội, dưới quyền ông bố vẫn thứ trưởng nhưng đã vào trung ương. Còn cái ngõ đầu khu tập thể thì ngày một teo lại vì đủ thứ bàn thứ gánh của các hàng ăn mà chủ thường là các bà các cô người trong khu không mất sức thì mất việc. Cái ngõ có cơ biến luôn thành một chợ cóc khiến các nhà quanh đó háo hức mừng rỡ vì ở mặt đường dễ buôn dễ bán, còn Ngân thì bực dọc trong lòng bởi hàng tuần từ trường về lại phải chen chen chúc chúc để vào nhà, và mỗi bận bạn ra về, cũng vì sự phát triển của cái ngõ, người đàn bà - trẻ con đã bỏ luôn thói quen tiễn bạn ra tận phố. Thôi những buổi chiều lững thững dẫn nhau đi, dừng chân đầu ngõ tiếp tục câu chuyện còn dang dở, lắng nghe tiếng vòm đa gió chuyển, hỉnh mũi trước mùi hương khói lan khắp mặt phố những ngày rằm mồng một. Từng ngày một, những thói quen mất dần, có vẻ chẳng khó khăn gì. Chỉ có điều không hiểu sao lòng bứt rứt không sao chịu nổi. Bứt rứt trong ngày nắng. Bứt rứt trong ngày mưa. Bứt rứt vì những điều mình khát khao sao mà vô nghĩa.

*

- Nhiều lúc chị chả biết mình mong mỏi cái gì nữa mày ạ. Vô lý thật. Ngày xưa thì khác. - Chị Thục chỉ anh Khá đang loay hoay sửa lại dây nịt cái chân gỗ - Ngày xưa gặp cái ông này rồi thì chỉ sợ ông ấy đi B chết mất xác, chỉ mong ông ấy lành lặn trở về. Ông ấy về, cụt, nhưng dù sao thế cũng là hơn khối người, lại còn có cái thẻ thương binh đỡ gia đình khối đấy mày ạ. Chứ nghĩ như bao nhiêu người...

Chị Thục rót cho Ngân một bát nước chè tươi ủ vừa ngấu. Ngân ấp hai bàn tay lạnh cóng vào bát, nhìn dọc con đường ven thị xã lơ thơ mấy ngôi nhà tường gạch mái rạ. Một chiếc xe tải gầm gừ lăn qua. Bụi ngày hanh ngột ngạt.

- Chị nhớ chú Trong không? Chú Trong nhà cô Xanh ấy.

- Sao không? Bọn chị học chung mười năm. Cả làng năm ấy có chị với anh Trong về tận Kinh Đào học cấp ba đấy. Vậy mà người chết cũng mười mấy năm rồi. Cái Thầm ngày xưa nhà bà Trong đã mang trầu cau dạm ngõ cũng cùng nghề với em, dạy mấy đứa trẻ nhà này đây này. Dạy môn thể dục. Con gái nhà quê gần bốn mươi rồi vẫn chưa chồng con gì cả, mày tính... Vừa rồi tỉnh có kế hoạch giúp đỡ giáo viên, ai có sức cho mượn đất mà tăng gia, nghe đâu nó cũng được một sào. Phải vậy không anh? Nước vừa ủ, buông tay uống một bát với cô Ngân này anh.

Anh Khá thít lại cái dây da, cười:

- May mà vợ con rồi, chứ cẳng gỗ nối cẳng thịt thế này mà đi tán gái nhỡ vớ phải bà mẹ cay nghiệt thì bà ấy có chửi cũng đành phải đi chậm mà nghe cho hết. Cô Ngân đi đi về về thì không cần, chứ chắc trường cô cũng xin xã chia đất cho giáo viên nhỉ? Cô Thầm được một khoảnh. Thỉnh thoảng có việc tới ủy ban thị xã, đi ngang vẫn thấy cô ấy cặm cặm cụi cụi.

Chị Thục thở dài:

- Chị em cùng làng, lứa trên lứa dưới biết nhau cả. Mà ít gặp nhau lắm. Có vẻ cô ấy không thích qua lại. Quá lứa rồi thành khó tính, thành thử chị cũng không dám mặn chuyện. Mà hôm rồi về làng chị gặp cái Xanh nhà bà Trong. Mày gọi nó là cô đấy hẳn?

- Thì bà em bảo thế nào bọn em gọi thế. Cô Xanh từ trong Nam ra cũng gần một tháng rồi chị ạ. Mắt cô ấy giờ kém lắm, bảo chạy chữa mãi mà không khỏi. Tuần trước giỗ họ, bố em dặn em nhân thể từ trường về làng đóng giỗ luôn, em gặp, cô cháu nói chuyện vui lắm mà rồi sau cứ buồn buồn. Chị với cô Xanh ngày xưa ở làng thân nhau lắm phải không?

- Kể ông cũng chu đáo quá. Chứ cụ mất rồi thì phiên phiến cũng được. - Chị Thục không dưng bỗng lảng.

- Không phiên phiến được chị ạ.

*

Không phiên phiến được. Vì người được giỗ là chị họ, chị dâu họ thôi, nhưng lại là bạn gái thân thiết của bà Ngân những ngày nhà gieo neo nhất. Người chị họ người quê Kinh Bắc, dạt về Hà Nội làm nghề hát ả đào mà rồi gặp ông anh họ của bà Ngân. Ông vốn là chức sắc, nhưng trải những ngón ăn chơi đất Hà Thành hơn là trải việc ôm con dấu bóp nặn đám dân ngu trong làng trong tổng. Được cái nhà có máu mặt, sẵn tiền của cho ông thỏa chí ăn chơi. Thế nên một tháng thì phải có tới hai tám ngày ông ngồi xe kéo của nhà đi từ nơi hút thuốc phiện qua nơi có tiếng đàn tiếng phách.

- Ấy ông chánh hội thì ngón nào chả biết. Nhà giàu nứt đố đổ vách thật đấy nhưng mà không hợm. Chơi bời là thế nhưng khi nào ghé nhà mình là chỉ xin ăn cơm với canh cải nấu cá rô, thêm bìa đậu kho tương. Đất Hà Nội người ta ăn đậu rán om cà chua rắc hành mùi, ông ấy lại đòi đậu kho tương mới chết.

Bà ngồi trên phản, chân duỗi chân co, trong lòng là cái âu trầu. Mùi trầu cay ấm. Ngoài sân ngô đỏ óng lên dưới nắng. Bà nhìn tàu chuối lật phật trong gió, đưa tay vuốt vuốt lá giầu không:

- Bà Chánh bé gặp ông ấy hồi ấy đấy. Gớm sao lại có người đẹp thế. Hôm ông Chánh đưa bà ấy tới nhà mình lần đầu, ông ấy bảo ông nhà mình thế này: “Người đâu gặp gỡ làm chi - trăm năm biết có duyên gì hay không. Tôi không có dại như chàng Kim Trọng chú ạ, tôi cưới liền tay. Hôm nay chị em nhận nhau, qua lại chơi với nhau cho thân càng thêm thân”. Ông với bà lúc đầu cũng ngại bị bà Cả ở làng oán, nhưng mà bà Chánh bé có cái nết tốt ơi là tốt. Thành ra thân thật. Gớm sao có người khổ thế. Mình đã thậm khổ rồi mà bà ấy còn cơ cực hơn. Ngày mới theo ông Chánh, nhà ông Chánh giàu, có nhà có cửa ở Hà Nội thì còn sướng. Chả được mấy ngày thì bà Cả biết, bà ấy bảo ông Chánh đưa bà bé về làng.

*

Bà nghẹn ngào. Nông nỗi của chính mình, của người chị họ trong chốc lát lại ào về. Toà ngang dãy dọc phần ông Chánh nằm sát khu vực Tây xây lô cốt, cháy sạch trong một đêm khi bộ đội về. Ông Chánh mất ngay ngày đầu kháng chiến. Cũng là may vì thoát được cải cách ruộng đất, không bị đem ra đấu tố như mấy anh em trong nhà.

- Bà đưa bố mày với các cô chú về làng theo lời ông dặn. Tiếng là có quê có quán, nhưng mình làm gì có nhà cửa ruộng vườn gì ở quê đâu. Thế là bắt đầu cấy thuê gặt mướn. Bà Bé nhà vẫn còn có của, nhưng mà cũng khổ y như bà, làm lụng hệt con ở cho bà Cả. Ông ấy chết rồi, chả trông cậy vào đâu được. Mà cũng chả thể về quê. Làng mình là làng tề. Quê bà ấy nghe nói cũng bị chiếm. Mẹ con đầu tắt mặt tối suốt ngày mà còn bị chửi bị đánh bất kể lúc nào. Thằng con đầu của bà ấy, mùa đông đi chăn trâu không có lấy nắm cơm, độc một bọc khoai khô mốc. Gặp bà ngoài đồng, bà phải bẻ nắm cơm cho.

Bà đưa khẩu trầu vào miệng, thủ tay vào bọc, rung rung đôi đầu gối gầy, Ngân thích nằm sát đùi bà, lắng nghe, sờ sờ hai đầu gối củ lạc của bà. Đấy là lúc rảnh rỗi của bà, những ngày bà cháu đùm túm đi sơ tán. Bà kể như là không cốt kể, như là chỉ tự nhắc lại với mình. Và nếu lúc đó có bà hàng xóm nào hắng giọng đi vào ngõ là sẽ bắt đầu một câu chuyện dài.

- Bà Chánh cả ác thật bà nhỉ. Ba mẹ con bà Bé làm quần quật suốt ngày, tối về ăn cơm thầm trong xó bếp. Khổ. Hồi tôi còn sống ngoài tỉnh, có bao giờ thấy bà ấy phải mặc cái áo ngắn đâu. Nghe rằng thì là bà ấy là con hát, nhưng cũng có bao giờ biết bà ấy hát xướng ra thế nào. Chỉ thấy người nền nã lắm. Mà cái nết thì thật tốt. Có lần nhà có việc, tôi không hỏi, bà ấy đến chơi thấy mình bần thần cứ gặng, rồi móc bao lưng đưa luôn. Món ấy thành ra tôi nợ bà ấy suốt kiếp bà ạ. Sau này cơ hàn, chị em sống cùng làng, gần nhà xa ngõ vì còn bà cả, mà hồi đó thì khổ quá, chả làm cách nào đưa lại được cho chị ấy. Vậy mà có hôm đi gặt đồng trũng, chị ấy lần cạp váy đưa tôi hai quả trứng vịt nhặt ở bờ ruộng, bảo mang về bác với tương cũng được bữa cho mấy cháu. Hỏi sao chị không cầm về, chị ấy khóc, bảo làm sao làm thế được trong nhà bà cả. Thấy thì nhặt rồi cho thôi.

- Ừ bà nhỉ. Chả gì bà Bé cũng là bạn đầu gối tay ấp với ông Chánh. Thế mà lúc ông Chánh còn nằm đấy, bà Cả cứ xa xả chửi con ả đào, lại còn bắt bà Bé vén váy ngồi dạng chân giữa sân để bà ấy vác chổi xể đâm vào chỗ ấy. Ông Chánh thì tốt tính thật, nhưng mà vô tích sự, càng khi có việc càng chả nên cơm nên cháo gì chứ chả phải vì ốm đau nằm đấy đâu. Còn bà Bé thì chẳng qua bà ấy hiền quá. Chứ ngẫm như bà cả, về với ông ấy đẻ lên đẻ xuống có được thằng con giai nào đâu. Phải nhà khác con vợ lẽ có con giai rồi thì nó chả gang họng ra cho ấy à nếu mà chửi nó. Mà tôi nghĩ vậy chứ nhà ông Chánh vẫn còn có phúc, nhà giàu thế mà đến đận cải cách lại mất của mất nả gần hết, ông ấy lại ốm sắp chết, thế là thoát. Chứ như ông nhà tôi, làm quần quật cả đời, ăn thì... bà chả thể nào biết... phải hôm bão cây đu đủ đổ, ông ấy lấy cả lõi cây đu đủ kho tương ăn dần. Vừa dựng được cái nhà, tậu thêm được ba cái chân trâu, có thế mà bị đem đấu tố đến nỗi phải thắt cổ tự tử.

*

Hai bà lão rì rầm trò chuyện. Sau này nhớ lại, Ngân lạ lùng vì không bà nào khóc dù toàn chuyện khổ. Mẹ chú Trong lại còn cười khi nhắc chuyện đẻ cô Xanh, ông cụ ưu tiên cho vợ toàn thịt gà kho tương với gừng, kho cả cái đầu là cái bà nhìn thấy đã sợ muốn rơi đũa, bảo cho thằng cu Trong ăn ké, còn phần ông bữa nào cũng chỉ rau cỏ ăn quanh. Bà cũng cười:

- Tôi thì may bà ạ. Sinh các cháu ngoài tỉnh, nhà chẳng giàu có gì nhưng cũng cơm trắng giò chả đầy đủ. Chỉ khổ lúc ông ấy lên Việt Bắc, tôi nhà cửa chẳng khuân theo được, một mình đem con về làng, tay trắng. Đến hồi thằng bố con này trốn đi này, ông anh chồng không cho ở nhờ nữa, khổ càng thêm khổ. Nhưng khổ nhất thì cũng như bà, là cái hồi cải cách. Nhà cửa ruộng vườn chẳng có lấy một tấc mà người ta lại đem chồng mình ra đấu, bảo là việt gian, bảo có tủi có ức không.

Bao nhiêu năm nước chảy. Ông vẫn nằm đâu đó giữa rừng Việt Bắc. Bà một mình thành bà lão, từ thưở ngoài ba mươi. Về già, ra Hà Nội, ít người trò chuyện, bà cũng thôi không kể chuyện xưa, nhưng lại dặn dò rất kỹ về sự giỗ chạp trong làng trong họ. Có lần bà bảo Ngân:

- Bà Chánh bé người đâu vùng Kinh Bắc ấy cháu ạ. Thế mà rồi chết ở làng mình. Cả một đời... Khổ quá... Vậy mà lại sống dai nhất trong nhà. Ông Chánh với bà Cả nằm xuống rồi chứ không chết sau bà cả khéo cũng chẳng được chôn cạnh chồng. Hồi bà ấy ốm, bà qua thăm, bà ấy khóc bảo chết đi thì chả có ai họ hàng ruột thịt ở cạnh, con cái từ bé cơ khổ, có biết gì quê ngoại đâu, sẽ chả ai là họ hàng hay bạn gái xưa thắp cho nén hương. Bà đã hứa thầm với bà ấy...

Khi yêu đương đang thành mốt như chiếc quần jeans

em có còn chung thủy?

Anh trút hết mồ hôi trên chuyến xe khách

người và người ồn ào khó chịu

em có còn dịu dàng?

Cơn gió bụi tháng ngày

cuốn phăng đi bao niềm hoài ước

Trôi nổi ngang đời bao nỗi hoài nghi

Vận người đổi thay nào ai đoán trước.

Anh không tự hiểu mình

Em không hiểu nổi anh

Một lần xa hóa ra vĩnh viễn

Chiếc quần jeans bạc gối

Chuyến xe bus cuối cùng bỏ khách đợi ngang đường.