Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

BUỔI SÁNG TRONG LÀNG

Truyện ngắn

Nguyễn Lệ Uyên

Gà vừa cất tiếng gáy sang canh, Dự vội vã bật dậy nhóm bếp nấu ấm nước pha trà, loại trà nát như cám được phân phối theo tem phiếu trên cửa hàng mậu dịch hợp tác xã. Uống loại nước chan chát không mùi vị khiến anh có cảm giác như lúc ở trại Thập hái lá cây rừng sao vàng thay trà. Dẫu sao trà cám vẫn hơn nước đun sôi và nước đun sôi vẫn hơn loại lá rừng đắng chát. Với lại, thời buổi này không thể tìm đâu ra thứ trà ướp ngâu, ướp sen… mà có thì cũng không có tiền mua. Cái gì cũng có thể trở thành thói quen, anh thầm nghĩ và uống cạn bình trà trước khi đứng dậy ra tháo cổng chuồng.

Lúc lùa đôi bò ra ngõ, vợ Dự vừa kịp lóp ngóp ngồi dậy, hỏi nhóng theo:

-Sáng nay anh ăn ghé khoai lang hay mì?

Dự nhổ phẹt bãi nước bọt xuống nền đất, xoay cây cày sang vai phải, từ bìa sân gạch nói với:

-Phở Pasteur! - Dự nói như lệnh của ông đại đội trưởng ngày nào: “Hàng ngang, tiến!”. Phở Pasteur là tiếng lóng chỉ hai vợ chồng anh hiểu. Đó là những sợi bột sắn mì như con bún gạo, vợ anh tự chế biến, trộn chút muối hầm, đường đen, hành lá và ít mỡ heo mang hấp chín. Ăn thứ này đỡ ngán hơn nấu chay, trộn dúm gạo ghé. Những lúc bưng chén mì đưa lên mũi, mùi thơm xông lên sực nức khiến Dự nhớ những ngày về thủ đô dự lớp tu huấn, được thằng bạn bên cầu chữ Y dẫn đi ăn phở Pasteur. Lần đầu tiên Dự ăn món phở mà cứ ngỡ như mình là ông hoàng bà chúa. Nó ngon đến nỗi dưới đáy tô không còn sót lại chút gì, và nếu như không có thằng bạn, Dự sẽ vào một quán khác gần đấy kêu liền hai tô. Những ngày học sình lầy ở Dục Mỹ, đôi giày bị nhấn lút trong lớp bùn nhão, Dự cứ ngỡ như mình đang bơi trong tô phở Pasteur hôm nào!

-Nhà hết mỡ. Hay để em ghé khoai lang vậy?

-Gì cũng xong- Dự vọng lại từ cánh cổng gỗ.

Đôi bò theo thói quen, ra khỏi ngõ rẽ qua truông trái, chậm rãi bước thẳng ra đồng. Cây cày trên vai bị trở vai liên tục, vì hồi nào tới giờ anh có biết cày cuốc là gì. Học chưa hết năm đệ Tam tới tuổi quân dịch, đánh nhau suốt từ năm này sang tháng khác cho đến lúc bị gán cho tội cầm súng đế quốc chống lại nhân dân. Cái tội tày đình đó phải học tập cải tạo như bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ đến gần hai năm. Hai năm theo đúng nghĩa của người tù khổ sai để cuối cùng cầm mảnh giấy rơm vàng ố quay về trình diện địa phương. Như vậy kể cũng may mắn: Đạn bom chưa giết chết Dự. Bệnh tật, đói khát, sơn lam chướng khí… trên rừng núi không vật ngã được anh. Dự vẫn sống nhăn răng để trở về và chịu đựng tiếp những khổ nạn của thân phận thằng ngụy quân cầm súng bắn phá cách mạng, chống lại nhân dân…

Cây cày đè nghiến trên vai. Màn đêm lờ mờ. Cây cày bị xoay trở liên tục. Lúc ngang qua xóm Gòn, lũ chó chạy ra thọc mõm qua bờ rào sủa như muốn xé rách màn đêm. Cả một đàn chó trong xóm cùng gào lên như thể Dự là quân trộm cắp, là bóng ma đang lởn vởn trong làng. Ra tới chòi canh đầu xóm, người du kích quấn chiếc mền thu lu quanh cổ, đang bập bập điếu thuốc chỉ thấy đốm lửa đỏ như que nhang, quẹt đèn pin thành vệt dài một lượt, hỏi:

-Cày sớm anh Hai?

-Cày sớm về nghỉ cho khỏe.

-Ngồi hút điếu thuốc đã.

-Cảm ơn, để tranh thủ cày cho xong còn làm chuyện khác- nói và Dự thúc đôi bò bước nhanh.

Bóng đêm vẫn còn đậm đặc, tiệp với màu cây cối hai bên đường. Tiếng chó sủa thôi rát nhưng tiếng gà gáy thì bắt đầu rộ lên. Cũng tiếng gà ấy, nhưng ngày trước nghe giục giã, còn giờ thì nghe mỏi mòn, eo óc, giống tiếng kẻng lệnh treo giữa xóm, trên cây duối, điều khiển mọi hoạt động của đám người trong làng.

Đôi bò lầm lũi bước. Dự lầm lũi bám theo chúng. Đôi bò, nay trở thành vị cứu tinh của cả nhà. Dự áng chừng cũng gần bốn giờ sáng. Bốn giờ bắt đầu mắc bò vào quải, bắt đầu đánh rõng, cày đến khi mặt trời gát qua khỏi đọt tre cũng gần mười giờ. Mười giờ mở bò, mở trước lúc tiếng kẻng lệnh vang lên chói tai. Thời gian lúc này đối với Dự (và cả dân làng) không còn có thể nhìn vào chiếc kim nhỏ chạy vòng tròn trên mặt số nữa rồi. Tiếng gà gáy và mặt trời đã thay thế vị trí của nó, bởi những chiếc đồng hồ đã bị chiếc kẻng treo lủng lẳng trên cây duối choán chỗ, được đem bán cho mấy ông cán bộ chi viện, tập kết thèm thuồng. Bán để mua thêm vài mươi cân lúa dự phòng. Có đồng hồ trong nhà mà cái bụng tóp teo phỏng ích gì, ai cũng nghĩ vậy.

Mắc được đôi bò vào quải, Dự đã nghe rõ mồm một tiếng lội bì bõm trong đám ruộng bên. Té ra cha con Hương Bổn còn ra đồng sớm hơn. Dự tằng hắng:

-Bữa nay nữa xong chưa đó?

Tiếng Hương Bổn từ xa:

-Chưa. Còn gần hai sào nữa.

-Tôi ráng bữa nay là gát cày.

-Mửng này đói vẫn hoàn đói, chưa chết là may- tiếng Hương Bổn lầu bầu không ăn nhập gì tới sự quan tâm cày nhanh chậm.

Dự nghe mà không trả lời, cầm chui cày, nhịp roi lên mông đôi bò. Cả ba dựa vào nhau bước tới. Bước tới để hít mùi bùn đất dậy lên gây gây trong buổi sáng tinh mơ. Tiếng chân bò thả bì bõm trong nước. Đôi chân anh cũng thả bì bõm trong màn nước ngậm bóng đêm lạnh ngắt. Thỉnh thoảng những bước chân bước hụt xuống lỗ đất hẹp thấp làm nước ruộng bắt vọt lên mặt, giống như cái tát của ngọn roi mưa. Nhưng cái lạnh ấy khiến anh cảm thấy có chút yên ổn rằng mình đang còn cử động, hơi thở vẫn còn thụt ra vào hai lỗ mũi, tim vẫn còn đập, dẫu biết rằng nó sẽ tắt nghẽn bất kỳ lúc nào.

Lưỡi cày găm vào đất, xới lên thành vồng tỏa ra thứ mùi thơm nồng đặc biệt. Đó là mùi bùn đất lưu cửu tổ tiên để lại cho con cháu bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu và xương. Cái mùi ấy đã thấm sâu vào da thịt dân làng này. Họ biết vậy. Biết và hàm ơn nên ông bà lớp trước mới xây một ngôi đình khang trang để thờ người mở đất…

Đó là ngôi đình thờ thành hoàng. Ngôi đình rộng mênh mông từ bao đời, bỗng nhiên, chỉ trong một buổi sáng, nó biến thành nơi hội họp của hợp tác xã theo lệnh của ai đó ở trên. Họ nói thờ cúng là mê tín dị đoan. Với lại đất đai là của nhà nước, của nhân dân chớ không của riêng một kẻ nào, không có ông thành hoàng nào mở đất cả!

Lệnh rớt xuống như lưỡi dao bén chém ngang thân chuối. Cái lệnh ấy khiến đám thanh niên lóc chóc hò la xông vào, gỡ những tấm nghi khậu, liễng đôi ném xuống đất như thể chúng đang đánh nhau với kẻ thù. Đám khác chia nhau ôm cờ phướn, đèn thờ, trống, phèn la… vất vào gian lẫm phía sau chái. Vật tế tự, từ khí đồng thau, nằm vương vãi, lăn lóc như xác địch quân sau trận ác chiến. Máu không chảy thành vũng, nhưng những mạng nhện lòng thòng có vẻ như những mảnh tim gan phèo phổi của tổ tiên rớt ra từ những vật tế tự kia. Phút chốc ngôi đình trống hoác, như ngôi miếu hoang phế. Bức hoành phi với mấy chữ đại tự sơn son thếp vàng, mới đây còn uy nghiêm trên thanh xà gian giữa, giờ nằm chõng chơ trên nền đất lạnh. Chất nhiệt tình cách mạng đã nghiến nát tâm linh. Người chết và kẻ sống đã phân đôi, nhìn nhau qua những thứ vung vãi dưới nền như thể chết thêm lần nữa!

Dự đi ngang qua, tình cờ cong người nhìn vào và chợt thấy, rùng mình như hồi nhỏ từng chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến. Anh gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và những giọt nước mắt chực trào ra, quay lui về phía kiệt tre và đụng mặt ngay cô Lại đang nhởn nhơ bước tới, người bạn chận bò thuở thiếu thời.

Lại cười khẩy, rít lên:

-Anh tiếc mấy thứ giẻ rách kia hả, cứ vào lấy mang về nhà. Tôi cho đấy!

Dự liếc mắt nhìn cô, nghĩ thầm: Không ngờ con Lại của mười mấy năm về trước nay thay đổi thiệt nhanh chóng. Cô lạnh lùng, tàn nhẫn… vụt bay ra từ cái nhìn nhọn sắc và hàm răng khít rin, thù hận. Dự suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao cô lại làm như vậy? Một đứa con gái như bao cô gái khác trong làng, cần mẫn với ruộng vườn, bếp núc; cũng cười đùa hể hả với đám bạn mỗi khi có dịp đùm túm với nhau. Vậy nhưng sau cái đêm cô biến mất khỏi làng, “sau một thời gian dài không tung tích, nó đột ngột quay về trong đêm, tập hợp dân làng hô hào nổi lên diệt ác ôn đánh Mỹ cứu nước- Cha Dự chậm rãi cất giọng lào khào kể lại- Nó răn đe mọi người sẽ bị xử trị đích đáng nếu tiếp tay cho địch. Nói xong nó bắn một phát súng thị uy rồi biến mất trong đêm tối một cách đột ngột như lúc đến”. Giờ thì Lại quay về, lãnh đạo cả xã, cả làng phá sạch những thứ mà Lại gọi là tàn dư, là rác rưởi của đế quốc và tay sai để lại. Mấy ngôi miễu thờ cô hồn là nạn nhân đầu tiên; ngôi chùa nhỏ cuối làng cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu… Rồi nay tiếp đến ngôi đình này. Không biết cô còn nghĩ ra những gì khác nữa để tiếp tục đập phá cho hả lòng căm thù?

Những khi cô ra lệnh như vậy, Dự tự hỏi, có giây phút bất chợt nào đó, Lại nhớ về cái đêm trăng non bẽn lẽn nấp trong đám mây mỏng vân vê tiết lập thu se se? Đêm mà cô háo hức xô ngã Dự lọt qua bờ rào chiêm chiêm, phóng theo đè lên người Dự. Mảng da thịt âm ấm của cô gái mười bảy phủ chụp lên khắp người thằng nhóc con là Dự đang bước vào tuổi dậy thì, khiến nó run rẩy với những khoái cảm sững sờ. Ánh trăng không đủ sáng, nhưng Dự nhớ như in màu trắng trên thân thể nó cùng món tóc đen trùm kín mặt Dự. Lại sờ soạng, bấu riết, hôn lên mặt mũi, lột truồng nó ra. Mọi thứ diễn ra thật nhanh, giống như lúc Dự bất ngờ bị xô ngã qua hàng rào chiêm chiêm. Dự không còn thấy màu sáng của trăng của da thịt đứa con gái, nhưng Lại đã thành thạo biến một thằng nhóc thành đàn ông khi mới mười lăm! Đêm trăng non trong tiết lập thu vĩnh viễn để lại trên người Dự vết sẹo của nỗi hoang mang, sợ hãi cuộn tròn lại như những đợt sóng lớn nhỏ đập mãi vào bờ đá. Những ngày đi lính, gặp phụ nữ Dự sợ còn hơn đang lúc đánh trận. Đêm đầu tiên gần vợ, Dự cong người lại y như lúc ngã qua bờ rào. Nỗi sợ hãi chập chờn trôi nổi bềnh bồng như túm rác trôi trên con kênh đen quánh… Lại, dưới con mắt Dự là hiện thân của những tội lỗi rực rỡ chồng chất thành những vệt lân tinh trong khu rừng ẩm ướt mỗi lúc hành quân, trên chiếc giường tre có cô vợ bé nhỏ nằm bên cạnh và ngay cả khi thả chân xuống mặt ruộng trắng nước. Tiếng bước chân của chính Dự vang lên bì bọp, òn ọt khiến Dự luôn có những cái rùng mình bất ngờ nổi dậy…

Dự vãi mồ hôi giữa buổi tinh mơ lạnh ngắt.

Đôi bò thong thả kéo chiếc lưỡi sắt nhọn lật tung những dề đất phía dưới, còn Dự thì miên man suy nghĩ xa gần trên chuôi cày. Ba sinh linh bé nhỏ giữa đất trời cao rộng này bơi vòng vòng quanh đám ruộng hợp tác xã, giống con vịt bơi trong ao tù.

Cày đâu hơn hai rõng đất thì trời sáng rõ. Lát sau cu Lớn lơn tơn xách giỏ cơm đặt trên bờ ruộng gọi lớn: “Cha ăn cơm con về đi học!”. Dự ngoái lại nhìn thằng con ốm nhách, cao như cây sậy, trong lòng gợn lên nỗi cồn cào không hình dạng. Hồi nhỏ, anh có đâu như vầy. “Ừa, để đó”. Dự la lớn và hình như tiếng la đó rớt cái tõm xuống ruộng nước. Cu Lớn đã lên tới bờ mòn, cắm cúi bước thật nhanh về phía làng.

Dự cày giáp vòng, đến gần phía bờ đặt rổ cơm, anh dừng lại, rút náp cho lưỡi cày găm sâu xuống đất (giống như người ta thắng xe) hô “dọ, dọ…” để đôi bò dừng lại rồi gát roi lên bắp cày, thủng thỉnh bước lên bờ.

-Anh Năm ơi- Dự kêu lớn- nghỉ vào ăn cơm cái đã.

-Ăn đi. Tôi ăn cơm nguội ở nhà rồi.

-Thì nghỉ uống nước cái đã. Xong sớm tôi qua cày giúp anh mấy đường- Dự nói cho có nói chứ trong bụng biết tỏng Hương Bổn chưa có hột cơm nào trong bụng. Mấy tháng nay vợ bệnh, con đau số lúa dự trữ cứ vơi dần, lấy đâu cơm sáng cho ông đi cày? Đến viên thuốc cũng không có, thay vào là những viên Xuyên Tâm Liên từ hiệu thuốc nhân dân đắng ngắt trị bá bệnh thì bệnh nào qua khỏi, sao có thể phục hồi sức lực!

Hương Bổn dừng bò, kẹp chiếc roi cày vào nách bước về chỗ Dự đang ngồi.

-Cái đời tôi- Hương Bổn khọt khọt trong cổ họng để đẩy cục đờm vướng víu đâu đó, khạc ra, nhổ phẹt xuống mặt nước ruộng- lúc nào cũng đen đủi, bắt thăm trúng đôi bò cày của con mẹ Chánh ốm nhách, giống như đồ ho lao, thúc mấy cũng không mập lên. Người ta cày cả sào thì nó lê lết chưa được phân nửa. Mẹ đời, tôi muốn trả lại cho hợp tác quá trời, ngặt nỗi trả lại thì lấy gì mà sống đây. Đã bị phân vào tổ cày bừa rồi. Còn phần ruộng chú thấy đó, nó là cái ao thì đúng hơn, phải bơi để cấy…

Dự nghe giọng nói hùn hụt gần như đứt hơi, cảm thấy chạnh lòng:

-Anh Năm, kệ mẹ đời, anh ăn chút cơm rồi hẵng cày. Chòm xóm với nhau anh khách khí làm gì.

-Tôi đã nói, ăn rồi. Chú biết tánh tôi mà?

Nói dứt câu, Hương Bổn thở phì phì như chính ông kéo cây cày nặng trình trịch thay đôi bò và tiếp tục bơi trong đám ruộng ao của mình.

-Thôi anh, để hôm nào họp tổ, anh em xúm nhau đưa đơn xin đổi đôi khác cho anh.

-Đổi ai? Đâu có đôi nào “rề dẹt” mà đổi. Thiệt ngán. Tôi muốn giao lại, nhưng nhìn đàn con lít nhít thấy không nỡ. Mẹ đời. Cách với lại mạng. Trước tôi đâu đến nỗi khổ vầy. Bao nhiêu ruộng vườn ép vào hết hợp tác, thành của người khác, của nhân dân, mình trắng tay. Mẹ cứt, nhân dân là cặc đách gì không biết nữa!

-Thôi đi anh Năm ơi. Đại nạn là chung cho cả bầy người lúc nhúc, đâu riêng gì anh em mình? Hè, làm chén cơm cho nóng rồi xuống cày tiếp- Dự nói, liền tay xới chén cơm ghé sắn mì, nâng lên đưa cho ông bạn già.

Hương Bổn xua tay:

-Ăn rồi. Cơm nguội từ hôm qua cứng như sạn cũng cố mà nuốt. Chú mày ăn đi, tao uống miếng nước, không thấy đói.  Nói và ông giở ấm chén rót ra uống đánh ực một hơi rồi lần vô túi áo rút gói thuốc rê ra vấn. Điếu thuốc to bằng ngón tay cái quấn bằng giấy vở học trò tách đôi ra như người ta lóc phần da và thịt con cá lóc. Hương Bổn kẹp điếu thuốc lấm lem mực viết. Điếu thuốc cứ rung rung giữa hai ngón tay như chính nó đang lên cơn sốt.

Dự chần chừ một lúc mới giở trật tấm lá chuối đậy trên rổ cơm vừa ái ngại nhìn người hàng xóm, cảm thấy như mình là kẻ có tội với cha con Hương Bổn. Dự biết là ông chưa có hột nào trong bụng, nhưng nài ép thêm chút nữa có nghĩa là làm nhục ông ta, bèn dùng tay nhón lấy chút cơm lẫn trong những miếng sắn mì, vón thành cục nhỏ chấm muối é cho vào miệng, nhai nhỏn nhẻm. Dự nhìn chén cơm trên lớp cỏ lấm bùn, phần dành cho Hương Bổn, chạnh lòng. Dự không còn lòng dạ nào ngồi ăn vừa nhìn Hương Bổn khốn khổ, râu tua tủa, ốm nhách. Mà, Dự cũng không hơn gì ông hàng xóm, có điều đỡ gánh nặng gia đình, chỉ phải nuôi đứa con duy nhất. Vợ Dự còn khỏe, vào tổ đan đát, mỗi ngày kiếm cũng vài trăm gam lúa. Cả hai chắt mót, tùng tiệm cũng đủ xoay xở. Chỉ tội Hương Bổn. Con đông quá, cả hai vợ chồng vật lộn với ruộng đồng cũng không đủ miếng ăn.

Dự đậy tấm lá chuối lại, hỏi xin điếu thuốc. Hương Bổn ngó sững Dự:

-Sao không ăn. Chú tội nghiệp tôi hả?

-Dạ không, anh Năm. Tự dưng hết muốn nuốt. Làm ăn kiểu này đến lụn bại mất. Anh nhớ mùa rồi, tụi thằng Cạnh thằng Sang giấu lúa hột kéo về nhà? Chúng nó là đội trưởng, đội phó đó. Lại nghe nói tay chủ nhiệm và tay thủ kho tuồn mấy tấn ra chợ đen. Bị bể ổ, nhưng chúng tự biết dán miệng nhau thành ra êm xuôi. Chẳng ai làm gì chúng, cũng chẳng có thằng xã viên nào dám hó hé. Đó, mẫu hình hợp tác xã nông nghiệp đó!

-Ậy, mình mà xỏ miệng vô thì trước sau cũng bị gán phản động.

-Tôi vẫn ức vụ ngôi đình.

-Ức thì chú làm được gì?

-Đúng là không làm được gì. Nhưng cái mặt con Lại đó, từ đất nẻ chui lên chắc?

-Tôi biết nó thù chú mà? Mấy lần chú giải thích nhưng nó đâu có nghe, phải không?

Nghe mấy tiếng “nó thù chú”, tự dưng người Dự nóng ran lên vì xấu hổ, ngỡ như trong đêm trăng non lờ mờ kia, Hương Bổn đứng ngay sau lưng và đã nhìn thấy, đã hiểu tất cả. Ngập ngừng lúc lâu, Dự mới lên tiếng:

-Giải thích gì anh ơi. Tôi chỉ nói là nếu cần hung thì dọn dẹp đồ thờ tự sang một góc để làm tạm hội trường, chớ có đập phá, tội. Kẻ hậu sinh cũng phải nhớ công lao người đi trước. Tôi nói chỉ có vậy mà cổ kêu tôi là kẻ phá hoại. Anh coi có oan tôi không?

Hương Bổn kéo một hơi thuốc thật dài, phà khói bay thành mảng trắng mờ mặt nước:

-Chuyện dâu biển, nay dời mai đổi, biết đâu mà lường, chú ơi.

Hai người chuyện vãn một lát rồi đứng lên, trở lại cầm chuôi cày.

Những dề đất lật qua một bên láng tưng như thoa một lớp mỡ. Những con sáo nâu, cò xám sà tới tranh nhau những con trùn nước, cắn mổ la chí chóe. Chúng đậu thật gần, chỉ cần huơ củ roi là đụng ngay, có một bữa “cải thiện” cho cả nhà; nhưng Dự không làm vậy. Nó cũng đang tìm miếng ăn như bọn anh mà. Chúng chẳng đụng chạm, cắn mổ, phá phách mình thì mắc mớ chi đập chúng? Không hẳn anh từ tâm, tu hành gì ráo, chỉ có điều, cái sự kiếm ăn của chúng sao giống như bọn người như anh và Hương Bổn lúc này, nên không nỡ xuống tay! Suy nghĩ miên man một lúc khiến anh mệt nhoài và không để ý gì đến lũ cò sáo, cắm cúi cầm chắc chuôi cày, cốt cho thật nhanh để ngày mai theo bọn thằng Xanh lên núi hái ít gánh củi về dự trữ cho mùa mưa bão sắp tới. Cày bừa xong giao đất cho tổ gieo sạ coi như yên một bề, tìm thêm chuyện mà làm, đâu có thể nằm chờ mấy công điểm mọn?

Nắng lên cao, thu ngắn bóng người cày và đôi bò về một phía. Còn một rõng nhỏ nữa là xong, có thể qua bên Hương Bổn cày giúp ông ta vài đường, nhưng tiếng ví thá bên kia ruộng sao nghe cứ nhỏ dần, bước chân và đường cày như một dòng nước yếu bị cản lại không thành tiếng lõm bõm như lúc trước. Dự ngó qua. Đôi bò chệnh choạng dựa vào bắp cày bước thật chậm. Hình như cả Hương Bổn không phải bước chậm nữa mà đu bám lên chui cày trượt theo. Dự La lên:

-Anh Năm mệt lên bờ ngồi nghỉ. Tôi cũng sắp xong. Để đó tôi qua cày giúp cho.

Tiếng Dự bay đâu đó trên không, không thấu tai Hương Bổn. Hình như ông ta đuối hung rồi. Dự “dọ” bò dừng lại, bước dài như chạy về phía đám ruộng Hương Bổn đang cày, nhưng chưa tới bờ đã thấy ông khụyu xuống, tay vẫn nắm chặt chuôi cày làm cho nó nghiêng hẳn về một bên.

Dự hớt hải la lên:

-Anh Năm, anh Năm… làm sao vậy? Có bị sao không?

Lúc Dự tới nơi thì Hương Bổn ngồi khụyu xuống ruộng nước, mặt tái xanh. Dự luồn hai tay qua nách đỡ ông đứng lên:

-Anh có sao không?

Hương Bổn không mở được miệng chỉ lắc lắc đầu, nhưng cái lắc rất yếu. Dự hiểu tất cả. Ông bị lũi đói. Từng ấy miếng cơm độn ít ỏi từ chiều qua và nhiều ngày khác, thì còn sức đâu để cày với bừa? Dự khom người thấp xuống quàng tay Hương Bổn lên vai rồi du dần vào bờ, đặt nằm trên lớp cỏ lởm chởm. Dự lấy chiếc nón ngựa kê đầu, rót nước ra chén và vạch miệng đổ từng hớp nhỏ:

-Ít thôi nghe anh Năm, từ từ. Mà anh cũng thiệt lạ. Chòm xóm với nhau, ăn chút cơm ghé có gì là ghê gớm? Tôi biết bụng anh trống nhưng không dám nài ép sợ anh giận. Thôi, cứ nằm nghỉ cho khỏe rồi mở bò. Tôi cũng mở. Mai tôi ra quanh mấy đường xong ngay. Chớ lo, anh Năm.

Nhưng Dự đang nói cho chính tai mình nghe vì đôi mắt hương Bổn đã nhắm nghiền, bên khóe ứa ra chút nước sền sệt. Ông không còn nghe và thấy gì nữa. Dự hoảng hốt thọc tay vào ngực người bạn cày hàng xóm, lạnh ngắt. Dự bàng hoàng, khóc ồ lên như nỗi uất ức lúc bị đẩy qua bờ rào chiêm chiêm, đè nén lại thành cục u nhỏ đầy gai nhọn, bấy lâu nay có dịp vỡ bung ra.

Hai đôi bò vẫn đứng yên tại chỗ. Bóng nắng thu tròn, nhỏ lại quanh hai người.

Đồng nước trắng xoá, những người cày đồng thấp thoáng phía xa và lũ chim cò vẫn tranh nhau cắn mổ chí choé. Buổi sáng như đứng lại. Nó đứng lại bởi chưa có tiếng kẻng lệnh hợp tác xã. Nhìn từ xa, có vẻ như hai người đang to nhỏ chuyện miếng ăn.

Tháng 9/2010