Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Đám cưới nhà quê

Lê Minh Hà

Bà chị kể chuyện được mời về quê ăn cưới cháu họ, con của mấy đứa bạn học cùng thời sơ tán. Giọng rõ ra vẻ nể vì: cô dâu nhà quê giời lạnh thế mà mặc váy trắng hở vai suýt trật cả ti ra nhé, giai làng mở nhạc nhảy đít cô tung giời nhé, cỗ thì ngập giò chả nhé.

Chị em chit chat một hồi, không dưng lại nhớ đám cưới nhà quê thời còn phải về đó sơ tán.

Nhớ những thửa vườn chân trẻ con cày nát. Nhớ những đầu mẩu thuốc lá đầy đất. Nhớ điệu bộ phấn khởi ngốc nghếch của mấy thằng ranh vẫn chơi khăng chơi đáo đầu ngõ lúc thó được điếu thuốc lá bày trên đĩa, tập tọng phì phèo. Thế mà chúng nó đã thành bố mẹ vợ bố mẹ chồng cả rồi. Còn những cô dâu chú rể ngày đó thì đã lên bà lên ông của cả bầy trẻ con lớn bằng mình thuở ấy.

Trong bao nhiêu cô dâu của những đám cưới ngày xưa, tôi nhớ nhất cô Duyên gọi bà tôi là bác. Cô hơn tôi chắc cũng chỉ chục tuổi, nhưng khi mười bảy thì tôi lơ ngơ lắm, còn cô đã được gả chồng. Ông Duyên bố cô chột một mắt, nổi tiếng hát hay nên trong làng nhiều bà đẹp gái mê, nhưng ông chọn bà Duyên, tính lành, mặt trái xoan, mắt bồ câu, người thanh mảnh, da trắng. Lấy nhau về bà đẻ một lèo, vẫn hiền, thanh mảnh, da trắng, thêm bệnh đau dạ dày. Bây giờ thì tôi biết chỉ vì ông bà nghèo, lo lắm thành đau bụng mãn tính.

Cô Duyên là con gái lớn của ông bà, xinh như mẹ nhưng mắt nhìn lúc nào cũng như cười, lại xốc vác hệt bố. Giai làng mê cô vì nhan sắc tính nết, bố mẹ giai làng thích cô vì cô lành, khoẻ, chăm. Nhà nghèo, nhờ nhan sắc, tính nết và sức khoẻ thế mà cô Duyên lọt vào làm dâu một gia đình có của ăn của để bậc nhất làng. Là nhà ông Dược.

Làng nào cũng có một đôi ba người đàn ông như ông Dược, nông dân mà lại có cái đầu óc của người buôn chuyến, ngồi một chỗ mà thông tỏ chuyện đường trên ngõ dưới trong họ ngoài hàng, tính gì cũng ra tiền, vợ con răm rắp chịu phép. Nhà ông Dược bỏ giầu xin cô cho con trai từ khi cô mười sáu. Chú Dược là con cả, nhưng là giai độc nhà ông. Em gái chú tuổi năm hơn năm kém cô Duyên, cũng đang lên đường lấy chồng bằng hết. Ai cũng tấm tắc cô Duyên tốt số. Chỉ có bà tôi, lúc chuẩn bị đi đám cưới cô lại chép miệng „chắc gì“.

Họ gần lắm, nên bà mừng đám cưới cô ngoài một thúng gạo, hai quả bí đao, một buồng chuối xanh còn thêm mấy chục tiền mặt. Thế nhưng tôi không ăn cưới trên nhà ông Duyên. Tôi theo mấy đứa em họ ăn cưới dưới nhà ông Dược.

Mấy ông địa chủ làng hồi cải cách ông bị bắn ông bị nhốt chuồng trâu ông bố thầy Quyền hiệu trưởng trường làng của tôi treo cổ xà nhà chết, riêng ông Dược ngấp nghé địa chủ thì chẳng bị sao, lại còn phất đùng đùng. Nhà ngói năm gian thoáng đãng ngoảnh hướng nam đằng xuôi. Bếp ba gian lợp ngói rộng bằng nhà ông Duyên ngoảnh về đằng rừng hướng tây. Vườn trước vườn sau cây cối không mọc lam nham mà trồng trọt có chọn giống chăm sóc đàng hoàng. Cây rơm đầu hồi bếp to vật. Bước vào cổng đã thấy nhà ông khác nhiều nhà, không rơm rác vương vãi hay đồ đạc buông quăng bỏ vãi. Ông Dược người gầy, lúc nào cũng một bộ áo quần nâu thẳng thớm, nói cười từ tốn và hơi lành lạnh. Chả biết ông Dược điều hành gia đình thế nào mà tài thế, chỉ nhớ là chưa khi nào tôi thấy ông đánh trâu đi cày như mọi ông ở làng và nhà ông toàn thắp đèn bão rất sáng.

Ông Dược cưới dâu cả về cho làm rất to. Ngả ba con lợn tạ, gà trói chân quẳng đầy góc vườn, hôm dựng rạp còn làm thịt chó đãi người đến giúp. Trời còn tối đất, còn đang chập chờn trong giấc ngủ nhà lạ thì con em họ tôi huỳnh huỵch chạy về cù rốn giục đi ăn cỗ. Là cỗ dành cho người nhà. Cỗ cưới nhà quê thật ngộ. Xôi thịt giò chả ê hề. Có canh bí đao nấu nước luộc gà. Có khoai tây xào thịt lợn. Có canh chuối nấu tam tam. Lại có bát giả cầy. Một đĩa lòng lợn lót dưới toàn thịt nầm mỡ trắng phếu nhìn phát khiếp. Mâm dành cho người nhà ai thích còn được xơi cháo lòng. Tóm lại nhìn đã đủ no. Tôi khảnh ăn, chỉ làm mấy thìa canh chuối nấu tam tam, chả biết ngoài làng tôi còn nơi nào có. Chỉ là chuối xanh, nấu với chút mỡ chút mẻ, thả lá tía tô. Nhà có cỗ thì món tam tam ngoài vị oi khói còn đậm mỡ hơn một chút.

Ba ngày liền ăn cỗ trong tư cách người nhà. Tôi lử lả vì ăn chẳng ra ăn ngủ chẳng ra ngủ. Chỉ sung sướng mỗi cái sự đi đón dâu, đón cô mình họ đằng bà về cho chú mình họ đằng ông. Cô Duyên mặc áo trắng may kiểu Hồng công không chiết eo, quần lụa, đi dép, đội nón. Cái gì cũng mới. Cô đi giữa đám bạn gái đang hớn ha hớn hở. Người như ngây.

Bữa cỗ cuối cùng tôi ăn trong đám cưới cô Duyên cũng là bữa đầu tiên của cô ở nhà chồng. Dọn dẹp bếp núc sân vườn sạch sẽ, cô mới ngồi ghé xuống bên tôi. Khách đông, thấy bảo hết tất lợn gà, ngày cuối hạ rạp ông Dược cho người sang chợ mua nửa con lợn choai với cả bộ lòng. Mâm cỗ dọn rạp gọn gàng hơn mâm cỗ hôm đón dâu. Nhưng cô Duyên chỉ đưa bát xới đúng có một lần rồi đứng dậy, lại lúi húi làm gì trong bếp.

Cô Duyên ở với chú Dược đẻ ngay được đứa con giai đầu lòng, rồi thằng nữa, được bố mẹ chồng quý lắm. Cuối năm 1972 tôi được về Hà Nội cô Duyên vẫn xinh như thì con gái. Sau 1975, đất nước thống nhất, chồng cô, chú Dược dẫn một đoàn của hợp tác xã vào khu kinh tế mới ở Sông Bé. Bảo đi hai năm. Cô Duyên ở lại làng một mình nuôi con và chăm nom bố mẹ chồng. Chú đi đến giờ là gần 40 năm. Có người đàn bà nói giọng miền Nam làm cho chú không thể nào về Bắc được.

À cũng có một lần. Đấy là đận ông Dược bố chú ốm nặng. Cô Duyên có thêm với chú Dược một đứa con gái. Cô đặt tên là Hận. Nghe kể cô bảo cô tên Duyên mà đời chỉ nợ. Nghe kể lúc đó bà Dược mẹ chồng cô đã khuất. Nghe kể ông Dược khóc, bảo cô thôi gọi nó là con Hậu. Đến tận giờ tôi vẫn chẳng biết đứa em họ mình tên là gì trong khai sinh.

Năm ngoái tôi từ Berlin về Hà Nội, rồi về làng thăm mộ bà, có nhảo qua xóm cũ, có gặp cô Duyên. Làng thành đất Hà Nội, cao giá lắm. Chẳng mấy nhà còn vườn còn cây. Hai thằng con cô Duyên chú Dược không có bố chỉ bảo, nhưng phúc đức tại mẫu, làm ăn rất được. Chúng nó chặt hết cây que, xây hai cái nhà mái ngói cầu thang uốn tường ốp gỗ lưng chừng sẽ đẹp lắm nếu ở giữa vườn rộng. Ngôi nhà năm gian ông nội chúng nó xây ngày xưa khang trang là thế nay tủn hoẳn giữa hai cái biệt thự thù lù không sân không vườn. Lúc tôi đánh tiếng từ ngoài ngõ, cô Duyên đi từ trong ngôi nhà năm gian cô về làm dâu ra, nách bế đứa cháu mũi dãi chẳng biết con thằng cả hay con thằng hai. Cô vẫn hồ hởi thế, giọng vẫn lành thế, dáng vẫn cứng cáp và thanh mảnh thế. Còn lâu mới thành bà lão. Dù sao thì cô cũng chỉ hơn tôi chục tuổi. Nhưng mà đôi mắt bồ câu xưa bạc rồi.

Berlin 14. 02. 2015