Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ CUỐI)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Hai mươi tám

Trận mưa đầu mùa đã đổ xuống bất ngờ, đổ hết trong khoảng khắc trắng xóa rừng núi rồi biến mất như đã trốn vào đâu đó để âm thầm tích nước báo hiệu những trận sau còn dữ dội hơn. Tôi ngồi bó gối trong cái lán nhỏ chen chúc cả bốn con người trong cuộc họp để ông toán trưởng long trọng báo tin:

“Tôi vừa nhận được điện... Ban chỉ huy đã chính thức giao cho đồng chí Hiếu thay tôi làm toán trưởng. Tôi đã bàn giao xong các tài liệu và bản đồ... Từ nay các đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi phân công của đồng chí toán trưởng mới.”

Tôi chưa kịp hết sửng sốt vì việc đó đến quá nhanh, ông đã nói tiếp, giọng buồn buồn:

“Lẽ ra chúng ta đã tới được đỉnh Hua Ca rồi, chẳng may tôi bị rắn cắn làm chậm mất cả tuần nay. Từ mai các đồng chí cứ tiếp tục đi, tôi sẽ ở lại đây...”

Đề nghị đầy bất ngờ của ông làm tôi choáng váng. Ông nghĩ ngợi sao, lại quyết định một chuyện liều lĩnh thế? Tôi kêu lên:

“Không được, bác đang đau yếu, ở lại một mình giữa rừng nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao?”

Thằng cấp dưỡng cũng om sòm phản đỗi khiến nó có thể bị ngờ nó ngại đi tuyến chứ không phải lo cho tính mạng ông toán trưởng cũ. Lúc này thằng học giả mới ra mắt trong cương vị mới. Nó yêu cầu chúng tôi thảo luận việc thực hiện quyết tâm “chinh phục đỉnh Hua Ca trước mùa mưa” của Ban chỉ huy, những khó khăn và thuận lợi, nghĩa vụ của mỗi người... Bằng cái giọng vừa cố trịnh trọng vừa gằn lại cho oai vệ, nó khoa môi múa mép trong cơn khoái cảm quyền lực cỏn con của nó:

“Tôi đã dự tính mọi khả năng, ta cứ vừa đi vừa đo đạc thẳng lên đỉnh Hua Ca, chậm lắm chỉ mất một tuần, tới nơi quay lại ngay. Như vậy không đầy mười ngày ta đã về đây rồi. Tôi đồng ý để bác ấy ở lại nghỉ ngơi chờ anh em.”

Tôi nghe thấy tiếng thở dài rất khẽ của ông toán trưởng cũ. Liệu ông có hối hận đã đánh điện cho Ban chỉ huy xin trao quyền cho thằng học giả không? Quyết định một việc quan trọng như thế, chắc chắn ông đã suy nghĩ kỹ và không thể cưỡng được mọi việc diễn ra theo chiều hướng tất cả cho mục tiêu “chiếm lĩnh đỉnh Hua Ca”. Phải chăng ông đã thấy trước được việc ông sẽ phải ở lại một mình và chấp nhận nó như một tất yếu không sao tránh khỏi? Và bây giờ ông chỉ còn biết thở dài, cáo mệt để nằm xuống, vô tình khẳng định thêm vị trí dư thừa của ông trong cái tập thể do ông tạo dựng và từ nay không những ông chẳng còn chút quyền hành nào mà còn trở thành gánh nặng cho mọi người. Suốt ngày ông cứ nằm đắp chăn kín mít dửng dưng với mọi công việc chuẩn bị cho ngày mai đang tất bật diễn ra quanh ông.

Chẳng cần hỏi ý kiến thằng học giả, tôi với thằng cấp dưỡng cứ lẳng lặng chặt gỗ lá để củng cố che chắn cái lán cho khỏi gió lùa và mưa dột, đóng một cái bàn thật cao xếp lên đó gạo nước, thực phẩm để lại cho ông toán trưởng. Buổi chiều khi thằng cấp dưỡng bưng lên bát cháo thịt băm, ông hỏi nó lâu nay có nhận được thư của mẹ không, nếu viết thư, cho ông gửi lời hỏi thăm. Cái thằng cháu họ xa, vốn từ trước đầy ác cảm với ông bác vọt miệng nói rằng kể từ ngày mẹ nó hiểu ra đã trao con cho ông đẩy nó vào cái nghề quanh năm trèo rừng này, bà đã không hé răng hỏi thăm ông lấy nửa câu. Ông toán trưởng cúi mặt xuống bát cháo không dám nhìn đôi mắt đầy giận dữ của thằng cháu mà ông đã hứa hẹn với bà em sẽ bảo ban dậy dỗ nó nên người. Khi thằng cấp dưỡng bưng cái bát xuống bếp, tôi trách nó quá nhẫn tâm, nó trừng mắt:

“Đừng chõ vào việc gia đình tao. Mày có là tao đâu mà hiểu được lão ấy.”

Tôi thở dài:

“Thôi bây giờ ông ấy thất cơ lơ vận rồi, mày chẳng nên thù dai thế........”

“Đáng kiếp, cứ để ông ấy trắng mắt ra nhìn thằng học giả. Giật được cái chức toán trưởng rồi nó giở mặt liền, chẳng bù cho mấy hôm trước, âu yếm, nâng niu nhau thật quá bố con. Rõ già rồi còn dại.”

Chuyện đó tôi không quan tâm, chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, vả lại, theo tôi, mỗi người nhận lĩnh những gì mà họ đã tạo ra. Nỗi băn khoăn của tôi suốt từ sau cuộc họp buổi sáng vẫn phải xoay quanh việc bỏ ông toán trưởng ở lại chơ vơ trong cái lán sơ sài giữa rừng trong thời hạn tuy không lâu nhưng cũng thừa đủ để xảy ra đủ thứ bất trắc. Ông có vẻ mừng rỡ khi tôi lại gần lúc ông lúi húi thu dọn chỗ nằm:

“Lại đây, cậu lại đây, tôi cũng dang mong gặp cậu.”

Tôi gạt đi câu chuyện thanh minh việc sao không đề nghị Ban chỉ huy đề bạt tôi thay ông mà lại là thằng học giả, tôi chỉ hỏi ông sao liều lĩnh chấp nhận ở lại một mình giữa rừng trong lúc còn đau yếu như thế? Ông nhìn sững tôi mắt chớp chớp:

“Đành vậy thôi, khi “người ta” đã đặt vấn đề đó ra, tôi không thể không chấp nhận được, nhiệm vụ trên hết mà.”

Tôi thừa hiểu “người ta” là ai rồi, nhưng vẫn hỏi lại ông lần nữa:

“Bác nghĩ lại đi, nếu sức yếu quá cần có người phục dịch, tôi sẽ yêu cầu toán trưởng hoãn việc đi cả toán ngày mai.”

“Ấy đừng làm thế tôi sẽ mang tiếng vì tôi mà vỡ kế hoạch.”

Ông đưa trả tôi chiếc khăn tay bữa trước tôi đã buộc vào chỗ rắn cắn, tôi bỗng nhói lên nghĩ rằng ít ra tôi còn có nàng Sao chờ đợi, còn ông, khi đã đi gần hết con đường, ông có ai?

“Tôi tin cậy cậu, nhờ cậu giúp cho việc nà... y....”

Ông đưa tôi gói tiền giành giùm được, dặn tôi nếu xảy ra chuyện gì với ông thì gửi tận tay cho người có địa chỉ ông đã ghi sẵn.

“Ngày trước cậu hỏi thăm tôi người đó. Cậu thông cảm cho tôi, lúc đó tôi chưa hiểu cậu, tưởng cậu hỏi với dụng ý gì đó. Đã ba năm nay tôi không gặp bà ấy, người đời cứ tưởng tôi đã quên, trời ơi, quên sao được người duy nhất mang tới cho mình hạnh phúc dẫu rằng ngắn ngủi. Mấy đêm nay không đêm nào tôi không nằm mơ thấy bà ấy. Công trường đá nơi hai mẹ con ở heo hút lắm cậu ơi. Một nách con thơ, ngày ngày thổi nấu cho hơn một trăm con người, rồi miệng tiếng người đời, trời ơi, cứ nghĩ tới cuộc sống của bà ấy lòng tôi lại đau như cắt. Bà ấy có giận tôi không? Thằng bé lớn lên có oán trách cha đã bỏ nó ngay lúc lọt lòng không? Sao hồi ấy tôi dại thế, sao hồi ấy tôi không có gan bỏ hết chức quyền để được đùm bọc, được sống với mẹ con nó? Trời có mắt phải không cậu. Chính vì thế tôi sẽ phải chết mất xác ở cái nơi rừng hoang núi vắng này, chết cô độc, chết không có người vuốt mắt, đáng đời lắm, chỉ thương hai mẹ con nhà nó…”

Ông khóc nức lên trong bàn tay khô héo, đôi vai gày rung rung theo giọng nói mỗi lúc một thêm mê sảng. Tôi đỡ ông nằm xuống, lấy khăn ứơt lau mặt cho ông và khi ông đã bình tĩnh trở lại, tôi bảo ông đừng nói gở miệng thế, nếu ông cảm thấy có thể chết trong lúc cả toán đã kéo đi thì nhất định tôi sẽ ở lại với ông. Ông xua tay:

“Không không, tôi phẫn lên nói vậy thôi, cậu cứ đi đi, thiếu một người không được, chỉ cần cậu nhớ giúp tôi chuyện đó.”

Vẻ tỉnh táo của ông làm tôi hơi yên tâm:

“Tôi cầm giúp bác thôi, mười ngày nữa trở về tôi giao lại trả bác thôi...”

Ông cười héo hắt:

“Cậu cứ cầm giúp tôi, nếu được như cậu nói thì tốt quá”.

Ông quay mặt vào trong không cho tôi nói thêm một lời. Tôi đứng bần thần nhìn dáng nằm co quắp và chợt cảm thấy ông muốn giấu tôi chuyện gì đó. Cái máy VTĐ, vật bất ly thân của ông mọi ngày lúc nào cũng vắt vẻo cần ăngten, nay được xếp lại trong hòm sắt đặt dưới gậm giường có vẻ như ông không muốn sờ tới nữa. Vả lại chắc Ban chỉ huy cũng không ra thêm cái lệnh nào sau khi đã nhắc lại nhiệm vụ và bổ nhiệm thằng học giả giữ chức toán trưởng. Bây giờ gần như suốt ngày nó ngồi trước đống sổ sách, tấm bản đồ cái địa bàn giống hệt ông toán trưởng ngày trước. Mới nhận chức vài ngày, má nó hóp lại, mặt tái mét, chỉ có đôi mắt là sáng rực. Tôi thừa hiểu trong đầu nó lúc này chỉ có mỗi cái đỉnh Hua Ca, nhưng tôi cũng cố can nó lần nữa:

“Mày không thể chờ được cho ông toán trưởng khoẻ hẳn sao?”

“Nhưng mùa mưa nó không chờ”.

“Nếu ông ấy có mệnh hệ nào mày phải chịu trách nhiệm”.

Thằng học giả cười gằn:.

“Mục tiêu sẽ biện hộ cho phương pháp. Không ai kỷ luật tao về chuyện đã đặt nhiệm vụ lên trên hết cả.”

“Tao không ngờ mày thay đổi nhanh đến thế? Mày còn quả tim không?”

Nó trừng mắt:

“Từ nay mày đừng hỏi tao chuyện đó. Tao hiểu rõ những việc tao làm. Còn mày... muốn nghĩ sao mặc mày nhưng mày phải phục tùng sự phân công của tao.”

Hôm sau, trước khi ba đứa khoác ba lô lên đường nó bảo riêng tôi:

“Tao đã hỏi gặng ông ấy lần chót rồi. Ông ấy khăng khăng chấp nhận ở lại, anh em cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ...”

Tôi quay mặt, bước vào lán nắm lấy tay ông toán trưởng lúc này đã ngồi dậy, mắt đỏ ngầu chắc vì đêm qua mất ngủ:

“Thôi đành, bác ở lại, cố giữ sức khỏe, một tuần nữa tôi sẽ quay lại dù tới được đỉnh Hùa Ca hay là không. “.

“Đi đi, cậu đi đi nhớ giúp tôi chuyện đó...”

Có lẽ suốt đời không bao giờ tôi quên được cái dáng xiêu vẹo còm cõi của ông đứng vịn cột nhìn theo bọn tôi đi khuất trong rừng cây. Lúc đó đôi mắt ông trở nên hốt hoảng, đau đáu nhìn như cố thu nhận cho hết hình ảnh của cái gia đình ông gây dựng nên đang vuột khỏi ông. Thằng cấp dưỡng đi sau cùng, ngoái nhìn ông lần chót rồi lầm lì bước theo tôi. Nó có vẻ băn khoăn về thái độ cứng rắn của nó với người vừa là thủ trưởng cũ, vừa là bác họ xa nên lúc ngồi nghỉ lại dọc đường, nó hỏi tôi:

“Ông ấy ở lại một mình thế có sao không mày?”

“Sao tối qua mày không hỏi chính ông ấy. Tao không biết, tao chỉ biết rõ một điều mình là bọn bất nhân.”

Bỗng dưng tôi nổi cáu một cách vô lý. Chuyện đó có gì mà quan trọng hóa đến thế. Trong lúc bọn tôi sẽ vắt sức ra leo trèo, phát cây chạy đua với mùa mưa, ông ấy chỉ việc ăn ngủ, nằm yên một chỗ và chờ đợi, thế thôi, có khó nhọc, nguy hiểm gì đâu? Thằng học giả cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi bằng một tiếng quát:

“Thôi, nghỉ thế đủ rồi, tranh thủ đi không hết ngày hết buổi giờ...”

Lúc đó ánh nắng trưa gay gắt, dọi thẳng vào tôi, tạo nên cả trăm ngàn cái kim châm đốt trên khắp người, tôi đứng phắt dậy bước tới thộp ngay lấy ngực áo thằng học giả:

“Từ nay tao cấm mày giở cái giọng nạt nộ ra với anh em biết chưa.”

Những bắp thịt trên gương mặt nó run bần bật, miệng mím chặt, cổ họng căng phồng, nó lặng lẽ đẩy tôi ra, không hé răng nói một lời. Tôi rút chiếc khăn của nàng Sao ra lau mặt và hiểu rằng kể từ nay cái mối hận này, vĩnh viễn được khắc sâu trong lòng nó.

Hai mươi chin

Chúng tôi còn lại có ba người, không còn những khẩu hiệu dán mũ, không còn tiếng còi lúc sáng sớm, không còn những cuộc chuyện trò bên đống lửa khuya bây giờ mọi thứ đã khác xưa nhiều lắm. Con đường mòn xuyên rừng trước đây phải phát thật quang quẻ, mặt đất phải dọn sạch không còn một chút dây dợ thì lúc này với cái ba lô kè kè trên vai, tôi và thằng cấp dưỡng chỉ còn sức khoét một cái lỗ vừa một người chui qua những bức tường rậm rịt song mây và tre gai, đủ cho thằng toán trưởng căng được cái thước đo đường để ghi vào cuốn sổ nhầu nát. của nó. Vào mỗi chiều tắt nắng, khi cả hai đứa không còn cầm nổi con dao, nó mới gấp sổ cuộn thước, ngừng lại tìm một chỗ tương đối bằng phẳng căng được võng để quăng lên ba cái thân thể không còn ra hình người. Không giống ông toán trương ngày trước, thằng học giả không bao giờ cho chúng tôi biết mỗi ngày chúng tôi đã đi thêm được bao nhiêu kilômét và còn chừng bao xa nữa thì đến đỉnh Hua Ca. Sau mỗi bữa cơm tối ăn quấy quá, nó lại tìm một chỗ kín đáo, giở tấm bản đồ, lầm lì suy nghĩ bên ánh đèn dầu vàng vọt. Có lần tôi hỏi nó:

“Bao lâu nữa thì cái đỉnh Hua Ca của mày nó hiện ra?”

Nó cười nhếch mép:

“Sắp tới rồi.”

Trên gươngmặt nó bày ra vẻ lo lắng làm tôi phải ngờ vực không khéo thằng này đã dắt chúng tôi đi lạc hướng. Tôi bảo nó:

“Mày xem lại bản đồ coi, sai góc, đâm sang dãy núi khác thì mày chết.”

Nó sa sầm mặt:

“Việc đó không dính gì tới mày. Mày cứ lo phát cây cho nhanh, nghỉ ngơi ít thôi, mùa mưa tới rồi.”

Như để chứng thực lời nó, có tiếng sấm vẳng tới, mặt trời trốn rất nhanh sau tầng mây đen và một cơn mưa bất ngờ ào ạt đổ xuống. Những cây vầu khổng lồ vật vã trong tiếng gió rít xoáy, những cành cây chết trên thân cổ thụ bị vặn gãy rơi tan tác trên những sườn đá lởm chởm. Mỗi đứa trong bọn tôi đều ôm chặt lấy một gốc cây khỏi bị gió quăng xuống vực và đành để mặc những cột nước xôi xả đổ lên nguời. Tan cơn mưa, thằng cấp dưỡng bỗng nhảy cẫng lên:

“Cái túi tiền... Cái túi tiền của tao đâu mất rồi...”

Nó sờ nắn, lục lọi khắp người, tụt cả quần áo như một thằng vừa chui ra từ tổ kiến lửa. Những tiếng rít điên khùng lắp bắp thoát ra từ cổ họng nó làm đôi bàn tay cứng đơ không sao tháo nối chiếc nắp ba lô, và do vậy tôi phải giúp nó giở tung tóe trên mặt đất ướt đủ mọi thứ lặt vặt nó góp nhóp được để chuẩn bị cho một chuyến về phép xây dựng căn nhà mộng ước.

“Nhưng... nhưng tao nhớ rõ sáng nay tao vẫn buộc ở bụng kia mà...”

Nó đập tay một cách tuyệt vọng vào nơi lép kẹp trước đó vài tiếng đồng hồ vẫn còn nằm ép chặt ước mơ một đời cuả nó.

“Vậy làm sao mày lại tìm trong ba lô? Tao chắc là mày đánh rơi trong lúc phát cây trên tuyến rồi.”

Tôi phải quát lên cho nó bình tĩnh lại, cùng với tôi, cầm lấy con dao đi tìm ngược đoạn đường đã đi từ sáng. Cho dù đã lật tung từng đám rễ cây, lần mò từng hốc đá, cái gói tiền bọc vải trắng theo mô tả của nó vẫn chẳng thấy dấu vết đâu khi cả tôi lẫn nó đã trở lại tận chỗ ngủ đêm trước. Thằng cấp dưỡng dựa người vào thân cây nó đã mắc võng. mặt tái nhợt:

“Sáng nay cởi dây võng ở đây tao còn nhớ rất rõ đã buộc cái gói ấy vào bụng. Đúng rồi, cho đến lúc đó nó vẫn còn ở đây...”

Nó lại vỗ vào bụng nhưng lần này một nổi hoảng sợ làm bàn tay nó buông thõng ngay xuống, mắt ngơ ngác:

“Liệu có mất không mày?”

Tôi phải an ủi nó cả khu rừng này chỉ có ba đứa, không còn ai có thể vào đây mà sợ nhặt mất, chắc chắn cái gói đó nằm lẫn trong đám cành lá nào đó. Hình như nỗi tuyệt vọng đã làm đông cứng đầu óc nó lại không còn nghĩ ngợi gì được nên cứ khăng khăng sáng sớm nay cái gói ấy vẫn còn đang buộc ngang bụng nó. Tôi phải gắt lên:

“Ừ thì đúng sáng nay nó vẫn còn, nhưng rồi trong lúc mày phát cây dọc tuyến nó rơi mất rồi thì sao? Quay lại lần nữa tìm coi.”

Tôi lôi nó quay ngược trở lại, bụng thầm khấn nếu đỉnh Hua Ca đã gần đâu đây, xin ông Thần quạ hãy phù hộ độ trì cho hai đứa tôi tìm được gói tiền ấy mất nó, quả là một đòn quá nặng giáng xuống số phận thằng cấp dưỡng. Vừa mới đêm qua thôi, nó còn nói với tôi cái bể nước trong ngôi nhà tương lai của nó chắc phải xây nửa nổi nửa chìm sâu xuống đất ít ra hai thước để hứng đủ nước dùng thoải mái trong mùa khô. Thôi, không khéo là hết, hết cái thềm nhà có bậc tôn cao tránh nước vùng chiêm trũng, hết nỗi so đo cái mái nên nghiêng hay nên bằng, hết cả cái bể nửa chìm nửa nổi tha hồ hứng nước trong mùa mưa... Thằng cấp dưỡng bỗng òa lên khóc như một đứa trẻ ranh khi đã cùng tôi đào bới một cách vô vọng hết con đường đã đi buổi sáng.

Thằng học giả vẫn ngồi chờ trước tấm bản đồ và cái địa bàn đặt trên đùi:

“Không tìm thấy hả?”

Nó ngước nhìn với đôi mắt cố làm ra vẻ dửng dưng nghiêm nghị làm lóe lên trong tôi một ý nghĩ kinh hoàng. Rất có thể chính nó, chính nó là người đi sau cùng đã nhặt gói tiền thằng cấp dưỡng đánh rơi ấy. Tôi vẫy nó ra chỗ khuất, hỏi sẵng giọng:

“Mày có nhặt được cái gói thì trả lại cho thằng cấp dưỡng đi!”

Nó nhìn sững, thẳng vào mắt tôi, cười khảy:

“Ra mày nghĩ thế phải không?”

“Đúng thế đấy, bây giờ thì việc gì mà mày chẳng dám làm.”

Nó đẩy bật tôi ra, dằn giọng:

“Tao không biết. Tao không nhìn thấy cái gói nào cả.

Đừng có động vào người tao.”

Tôi nhìn theo dáng đi của nó, tự hỏi nếu nó nhặt được, nó sẽ giấu vào đâu? Không, không đời nào nó dại cất trong người, nó sẽ lợi dụng lúc cả hai đứa lúi húi phát cây đằng trước, nhét cái gói ấy vào một hốc đá xa đường tuyến thì đúng có trời tìm. Tuy nhiên thằng cấp dưỡng không sao nuốt trôi được viên thuốc đắng ấy, nó cứ ngậm mãi trong miệng để mà vật vã than van, chửi trời trách đất cho tới lúc mệt quá ngủ thiếp đi trong chiếc võng tôi phải mắc giúp nó. Thằng học giả dường như không chịu nổi những lời nguyền rủa độc địa nhắm vào kẻ đã ăn không, cướp trắng mồ hôi nước mắt người khác, nó mắc màn đi ngủ sớm, thôi không giở ra tờ bản đồ, cái địa bàn như mọi tối. Chính điều đó làm cái dấu hỏi tôi đánh vào nó càng thêm đậm. Nếu nó không nhặt cái gói ấy, việc gì nó phải bối rối, khó chịu đến thế trước những lời lảm nhảm của thằng mất của? Rất có thể phần sót lại của lương tâm đang dằn vặt nó trong chiếc võng thỉnh thoảng lại đu đưa kia. Đêm đó chỉ có mình tôi ngồi trước đống lửa khuya ngổn ngang đầu óc chuyện thằng cấp dưỡng mất của, thằng học giả đáng ngờ, thằng hộ pháp về que, ông toán trưởng già ốm yếu đang cô độc giữa rừng.

Hôm nay đã vừa hết năm ngày chúng tôi bỏ ông lại trong cái lán nhỏ, không biết ông còn đủ sức để lần ra suối nước, thổi nấu mà ăn không? Nhớ lại thái độ hờn dỗi, tuyệt vọng của ông hôm chia tay, tôi bỗng thấy bồn chồn, nhói lên nỗi lo sợ. Dứt khoát hai ngày nữa tôi phải trở lại mặc xác thằng học giả với cái đỉnh Hua Ca mơ hồ của nó. “Muốn ra sao thì ra, dứt khoát hai ngày nữa tôi phải về như đã hẹn với ông toán trưởng.” Có tiếng thằng cấp dưỡng ú ớ gọi tôi nhờ lấy bát nước uống. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt mê sảng:

“Tao định sẽ xây cả mái vòm cho cái bể nước. Mày bảo có nên không?”

“Nên lắm chứ”.

“Còn mái nhà có lẽ nên xây bằng?”

“Ừ nên xây bằng. Thôi nằm xuống ngủ đi”.

Nó ngoan ngoãn nằm xuống để tôi đắp chăn cho nó. Lát sau, từ trong võng của nó lại vẳng ra tiếng khóc tấm tức. Sáng hôm sau, nó dặy từ mờ đất, mặc quần áo gọn ghẽ, tay xách con dao. Tôi vẫn đang nằm trên võng, thò đầu ra hỏi:

“Mày đi đâu, còn sớm lắm, sao đã đi làm?”

Nó lẳng lặng bước đi một quãng rồi ngoái lại:

“Mày báo với thằng học giả tao phải đi tìm gói tiền. Chẳng có làm lụng gì nữa, mặc kệ chúng mày”.

Tôi biết chẳng thế nào ngăn được, đành dặn nó:

“Tìm được nhớ cứ đi theo tuyến đến chỗ bọn tao nhé”.

Nó lặng lẽ khoác ba lô đi ngược đoạn tuyến cả tôi lẫn nó đã lùng sục suốt chiều hôm qua. Lúc trời sáng rõ, thằng học giả vùng dậy hoảng hốt:

“Thằng cấp dưỡng bỏ đi rồi à? Thôi, thế là nó giết tao ròi. Còn có hai thằng làm sao đi đến được đỉnh Hua Ca?”

“Vứt mẹ nó cái đỉnh Hua Ca của mày đi.”

“Cái gì? Mày nói cái gì?”

“Tao chỉ đi với mày hết hôm nay, hết ngày mai thôi.

Đến được hay không tao cũng quay về. Cái đỉnh Hua Ca của mày không khéo chỉ có ở trên giấy.”

Thằng học giả thở dài sườn sượt:

“Bây giờ đến lượt cả mày cũng đòi quay lại. Mẹ kiếp, thật chẳng khác gì ngày xưa thủy thủ nổi loạn chống lại ông Côlông trên đường đi tìm châu Mỹ.”

“Mặc, kệ mày, hai ngày nữa tao phải quay lại với ông toán trưởng.”

Ngày hôm đó dưới cơn mưa nặng hạt chốc chốc lại ào tới, một mình tôi vừa phát cây vừa dọn lối, vừa cầm tiêu, kéo thước cho thằng học giả đo đạc và ghi sổ. Chao ôi, chưa bao giờ cái nhóm làm việc của chúng tôi lại chỉ có hai người như bây giờ. Một mình tôi phải làm việc thay cho cả ba người thật chả khác gì cỗ xe tam mã còn có độc mình tôi làm ngựa. Cái cỗ xe ấy cứ ì ạch, lập cập tiến sâu nào vùng núi hoang vu, mù mịt mây mù và rừng cây ken đặc. Suốt ngày tôi cứ nghiến răng vung dao nhào tới, nhào tới chẳng kể gì đến gai cào, lá cứa, cứ hùng hục làm như một thằng điên không biết mệt làm thằng học giả đôi lúc phải giật giật cái thước, la lên:

“Nghỉ một lát đi, nghỉ đi, tao mệt quá rồi.”

Đêm hôm đó chúng tôi nghỉ lại trong lòng một khe cạn.

Thế là hây giờ bọn tôi còn lại có hai người. Mặt mũi hom hem, bẩn thỉu, quần áo rách bươm, tôi chợt phá ra cười khi thấy thằng học giả lại giở ra tờ bản đồ, cuốn sổ, cái địa bàn bên cạnh ngọn đèn dầu:

“Quăng mẹ ba cái đó đi, leo lên võng mà ngủ cho khỏe...”

Nó ngước mắt lên gườm gườm nhìn tôi mặt lạnh băng. Tôi nhảy lên võng ngồi, đung đưa đôi chân vẫn đi đôi giày rách:

“Cái số mày thật đen, leo lên được cái chức toán trưởng đúng vào lúc còn có mỗi thằng tao làm toán viên.”

Càng ngày tôi càng phục cái đức nhẫn nhục của nó thật là giỏi, mặc cho tôi châm chọc, nó vẫn nói giọng tỉnh bơ:

“Lạ thật, theo đúng sổ sách và bản đồ thì bây giờ tao với mày phải đang ngồi trên đỉnh Hua Ca rồi đấy...”

“Có là thằng ngu mới nhắm mắt tin vào ba cái thứ đó. Mày có biết Hua Ca là cái gì không? Là cái đầu con quạ. Mấy ngày hôm nay tao cứ nhìn mấy đỉnh núi xung quanh, chẳng có cái nào giống đầu con quạ cả. Tao nói thực, mày lạc hướng mất rồi.”

Thằng học giả ngớ ra:

“Ai bảo mày chuyện đó?”

“Một nàng tiên bảo tao. Nàng còn nói rằng ở cái mỏ quạ có phun ra một dòng nước mà những thằng giả dối, những thằng đeo mặt nạ như mày uống vào sẽ lăn đùng ra chết.”

“Vớ vẩn, chuyện vớ vẩn.”

Nó sầm mặt. càu nhàu càu gì đó tôi nghe không rõ, rồi lại cúi xuống lần mò trên tờ bản đồ. Thôi mặc xác nó, trêu chọc làm gì cái thằng quỷ ám ấy, tôi nằm ngả người trên võng và nhớ da diết nàng Sao nhỏ nhắn của tôi. Đêm nay trời tối sầm, cả trăng lẫn sao đều biến đâu hết, những cơn n gió mỗi lúc một đưa tới những lớp sương mù dày đặc khiến cảnh vật chỉ còn lờ mờ. Tôi đã ở trên cao quá rồi, chắc chạm từng mây, những đỉnh núi đen xẫm đều đã ở bên dưới kia. Đúng như tôi đã nói với thằng học giả, mấy hôm nay tôi cứ nhìn khắp xung quanh chẳng thấy đỉnh núi nào gi giống hình đầu quạ, ngày mai đã là hạn chót tôi phải quay lại rồi, thật khó mà tới được cái đỉnh Hua Ca ấy để lấy chai nước thần cho cô nàng nhỏ nhắn. Cái kỳ công dâng tặng tình yêu tôi dự định sẽ thực hiện bằng được sau lúc chia tay nàng, giờ đây đã trở nên xa xôi và hão huyền. Thực tại khắc nghiệt và rối bời hơn bao lần mộng tưởng. Tôi biết nói thế nào với nàng khi trở lại trong tay không có thứ nước kỳ diệu ấy? Hay cứ lấy bừa một chai nước suối ở bất kỳ đâu và nói nó được lấy từ mỏ con quạ miễn cả tôi và nàng đều uống mà không chết? Hoặc lừa dối để nuôi cho nàng một ảo tưởng đẹp, hoặc cứ thật thà thú nhận sự bất lực của tôi?

Chịu, tôi không biết nên thế nào? Khi tai đã nóng bừng vì nghĩ mãi không ra, tôi cảm thấy bàn tay nhỏ nhắn mát rượi của nàng đặt lên trán và đưa tôi vào giấc ngủ đầy mộng mị.

Ba mươi

Ngoài mọi dự tính của tôi và thằng cấp dưỡng khi sửa sang cái lán cho ông toán trưởng, sau những trận mưa sầm sập những trận gió xoáy qua hẻm núi, chẳng bao lâu những cột chống xung quanh đã xiêu vẹo, lá lợp mái bị tốc hết. Sau vài lần chống chọi chẳng mấy kết quả ông toán trưởng đành nằm sóng sượt trên giường, đắp lên người đủ thứ quần áo, chăn bông, vải nhựa, mặc kệ mưa gió tàn phá cái lán xơ xác. Ông cũng thôi không còn gắng gượng chống gậy lết ra suối lấy nước, nấu ăn như mấy ngày đầu. Chiếc máy VTĐ sau khi đánh đi bức điện cuối cùng “xin đừng liên lạc cho tới khi cả toán đã tới dược đỉnh Hua Ca” đã được xếp lại dưới gậm giường và dường như ông đã quên hẳn cái vật trước đây đã từng kè kè bên ông như là một mối liên hệ duy nhất với cấp trên. Trong hai ngày đầu nằm yên trên giường ông chống chọi thật vất vả với cơn đói và khát, chúng vò xé gan ruột ông, luồn lách vào từng đường gân thớ thịt, ngấu nghiến nhai nuốt từng hớp sinh lực cuối cùng của ông. Ban đêm, những cảm giác đó dịu đi khi nó bị pha loãng trong tiếng gió gầm rú, tiếng nước chảy do cơn mưa dội xuống qua những lỗ thủng to tướng trên mái lán. Và rồi một sáng thức dậy, bỗng dưng ông thấy biến đâu mất tất cả những cảm giác đau đớn ấy, ông không còn nhận ra quang cảnh bề bộn, ướt át, đổ vỡ bày ra xung quanh sau khi sự tàn phá của mưa bão đi qua, ông không còn nhận ra bầu trời thăm thẳm xanh qua mái lán đã bị tốc gần hết lá ông nằm trên chiếc giường xiêu vềo, mắt nhắm nghiền và chìm đắm vào sự thanh thản của chính ông. Quả thực ông đã thôi không còn nghĩ ngợi, không còn lo lắng khổ đau hoặc chờ đợi gì nữa cả. Vào lúc đó, thật kỳ lạ, những tia sáng cuối cùng cửa tri giác lại xê dịch, dạo chơi trong những vùng ký ức sâu thẳm, tưởng như đã vĩnh viễn bị quên lãng. Thoang thoáng mùi hương sả trên mái tóc người con gái ngồi cạnh ông trong lễ cưới đơn sơ với đại biểu các cơ quan đoàn thể ngồi hàng ghế đầu, các ông bà già, các nam nữ thanh niên chen nhau ngồi dãy ghế sau, “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, anh chính trị viên đơn vị có đôi lông mày rất rậm đã nói như thế để kết thúc bài diễn văn và cười xòa trong tràng vỗ tay thay pháo nổ. Có tiếng súng “móc chê” mơ hồ vẳng tới từ xa lắm khi chú rể bước vào phòng tân hôn ngắm mái tóc xõa dài trên đôi gối trắng và đôi vai thon thả của cô dâu e thẹn ngoảnh mặt vào tường. Ngọn đèn bão trên đầu giường được vặn nhỏ và trong đêm có tiếng nấc khẽ khi ngọn lửa màu trắng đã đốt bùng lên khắp thân thể ông. Người vợ ấy chẳng có lỗi gì khi những năm tháng chờ đợi mòn mỏi đã sớm già nua đi và trở thành người đàn bà nhẫn nhục, câm lặng luôn luôn ngồi trong bóng tối của căn phòng nhỏ ngước đôi mắt sợ hãi nhìn chồng trong những ngày hiếm hoi ông về phép. Đúng, bà chẳng có lỗi gì khi hết lòng yêu thương ông mà chẳng mang lại cho ông lấy một mụn con làm sợi dây liên kết giữa hai người. Bởi vậy, suy cho cùng ông cũng không có lỗi với bà khi xảy ra chuyện với bà Trưởng phòng trong cái lớp học chính trị ấy. Làm sao không thể đem lòng thương được người đàn bà đã qua cái tuổi bốn chục, đã mải mê công tác trong những năm còn xuân, để rồi khi ngồi trong lớp học cứ ngước lên nhìn ông với cặp mắt đau đáu của người đàn bà chưa một lần trong đời được biết đến yêu thương?

Trong những tối mùa đông lạnh giá, bà ôm quyển vở trước ngực, khe khẽ gõ cánh cửa phòng ông, nhờ giảng một bài toán khó, một phản ứng khoa học dài dặc những số và chữ, một từ lạ tai trong bài chính trị... Ngọn đèn bàn dọi xuống vềt sáng tròn trên trang giấy trắng như một con mắt ẩn chứa rất nhiều đe dọa khi hai người không còn dám nhìn nhau và chỉ còn chống đỡ bằng những lời giảng lộn xộn, những câu hỏi ngớ ngẩn. Thế rồi một bộ phận nào đó của cái máy phát điện trong trường đã không hoạt động, con mắt kia nhắm lại, bóng tối đã ngay lập tức xua đi mọi ám ảnh đe dọa và tội lỗi, giăng mắc trong căn phòng một yên ổn giả tạo. Ông buông cây bút đang cầm trong tay để đỡ lấy những đường nét của những hình khối êm mượt biết bao lần ông đã cố tưởng tượng và dự đoán trong đêm lạnh trằn trọc với chiếc chăn bông đơn lẻ. Bà buông một tiếng thở dài trước khi ném đi tất cả mọi lo âu, cắn rứt, mọi phụ tùng ràng buộc trên người để buông thả vào cơn lốc xoáy vô hình đưa bà lên cao tuyệt đỉnh của hạnh phúc để rồi rơi xuống đáy sâu của thực tại kinh hoàng. Tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt trong đêm làm bà thêm hoảng sợ càng ghì chặt lấy thân hình mền nhũn của ông. Một mai khi câu chuyện vỡ lở ông chẳng thể nào bảo về được bà, ngay cả đến sự thoát ra khỏi ràng buộc pháp lý với người vợ cũ để mang tới cho bà cái quyền chính đáng được yêu, ông cũng không làm nổi. Tiếng mọt nghiến gỗ lại nổi lên làm sững lại cảm giác yêu đương một lần nữa ông đốt lên ở nơi bà. Ông bực mình nhảy xuống đất soi gần hết bao diêm cũng không tìm ra nơi ẩn náu của con mọt quái ác cứ giấu mặt chọc vào những giây phút tuyệt diệu nhất của cả hai người. Bà không cho ông biết chính vì cái điềm báo tai ương đó, những đêm sau bà nhất định không tới phòng ông nữa và hàng ngày ở lớp học bà mang một vẻ mặt lạnh lùng, dửng dưng với ông cứ như là giữa hai người không hề trải qua cái đêm tuyệt diệu đó.

Hơn một tháng trời, đau đáu chờ đợi, lạ thay, tiếng mọt nghiến gỗ trong đêm không làm ông khó chịu ngược lại ông mong được nghe nó để gợi nhớ lại những giây phút được sưởi ấm bằng thân thể nóng bỏng của bà trong cái đêm tưởng như không bao giờ lặp lại. Cho tới khi hy vọng đã tàn lụi, tình yêu thoáng chốc tưởng như đã vụt tắt như một ảo ảnh, đột nhiên không báo trước, bà trở lại. Đêm hôm đó, mặc tiếng mưa gió gào rú bên ngoài cửa sổ, mặc tiếng mọt nghiến răng báo trước tai ương, bà lại trao hết cho ông thân thể cuồng nhiệt của bà khiến những chiếc nan giường phải rít lên ken két và những con mối giấu mặt phải im thin thít. Gần sáng, một nỗi lo nào đó khiến bà khóc tấm tức trên ngực ông trước khi dứt ra khỏi những ghì xiết cháy bỏng để trở về phòng bà. Không, nếu có chuyện gì em sẽ chịu hết mọi hình phạt, chỉ cần anh im lặng, không được nói gì hết, trong chuyện này, em muốn anh được bình yên, không để bất cứ ai dùng nó làm cái cớ hại anh. Và bà đã giấu mọi người, giấu cả ông cái sinh vật nhỏ nhoi đã bắt đầu cuộc sống của nó trong bụng bà. Có những việc xảy ra mà ngay đến ông là người trong cuộc cũng không sao giải thích nổi. Vào lúc có tiếng người xôn xao, tiếng những bước chân vội vã ngoài hàng lang ông vẫn bình thản ngồi học bài, không hay biết gì tai họa vừa xảy đến, cho tới khi ông theo chân mọi người phá cửa, ùa vào buồng bà và một người nào đó ôm tới cái bọc trong đó đứa trẻ sơ sinh đã tím tái, ông mới vỡ lẽ và choáng váng trước sự thực bà đã buộc bụng giấu cả ông. Không, ông không thể chiều ý bà im lặng để giữ yên ổn cho riêng ông, có là thú vật mới quay lưng trong cái hoàn cảnh kinh hoàng đang diễn ra trước mắt. Ngay tôi hôm đó, ông đã tìm gặp đồng chí Bí thư chi bộ, nhận hết mọi điều để rồi không bao lâu sau hình phạt đã giáng xuống một cách ồn ào và ngay khi bà còn chưa lại sức người ta đã đưa hai mẹ con đi biệt để dập tắt những miệng tiếng bất lợi cho khóa học. Bà bước lên xe, chùm khăn kín mít, ngoái nhìn ông một lần chót bằng đôi mắt đỏ ngầu. Một ma lực đã giữ chặt đôi chân ông cứng nhắc trên sân trường đá ong không cho ông bước tới để một lần trong đời bế lấy giọt máu rơi của ông đang được bà công đoàn đứng dưới cửa xe nghển lên trao cho mẹ nó. Cũng có thể là ông xấu hổ, và cũng có thể là những lời kết tội đã làm tê liệt tình cảm tự nhiên khiến xe đã chạy rồi, còn lại một làn khói xanh mờ, ông mới sực nhớ chưa nói với bà câu từ biệt, chưa nhìn rõ mặt thằng bé xem nó có cái mũi khoằm giống ông như người ta vẫn thường nói? Ông quay trở lại nằm vật trên giường có tiếng mọt nghiến gỗ với cái ý nghĩ đầu tiên là liệu Chi bộ sẽ cho ông lưu Đảng hay là sẽ khai trừ vĩnh viễn? Nhưng rồi bỗng dưng ông nhìn thấy một sợi tóc dài vương lại trên mặt gối, sợi tóc của bà. Thế rồi nó hệt như một lưỡi cưa cùn, cứa đi cứa lại trong lòng ông làm hiện ra vẻ mặt đau đớn đến tột cùng của bà nằm trên khăn trải giường loang máu khi chiếc chăn bà đang ẩn náu bị lôi tuột ra. Không, ông không được phép để bà bơ vơ trong cơn vượt cạn thế kia, chiếc giường bỗng bồng bềnh trôi trên con đường chạy qua phố phường, ruộng đồng, những làng thôn đã lùi xa khuất và trước mắt đã hiện ra lớp lớp những cánh rừng, những rặng núi với tiếng gió reo vui: “về nơi hoang dã, về nơi hoang dã...”. Ông ngồi xích ra cửa xe che gió cho bà. Em tựa vào anh chợp đi một giấc, đưa con anh bế cho. Ông nâng niu khúc ruột của mình như một vật báu trên đời. Nó vẫn ngủ yên ổn trong vòng tay ông, đôi mắt bé xíu nhắm nghiền, đôi môi xinh xinh thoáng cười vô tội. Phải, nó tội tình gì đâu khi chào đời từ một thùng giấy loại trong chuồng tiêu. Miền hoang dã sẽ tạo cho nó một trái tim đủ lớn để thương yêu người mẹ khốn khổ. Phải chăng bà ấy cũng chẳng có lỗi gì khi yêu ông, khi bó buộc phải làm cái việc đau lòng ấy cũng vì sự yên ổn của ông? Chiếc xe vẫn chạy vùn vụt và rồi ông nhận thấy xung quanh còn có mỗi mình ông đang nằm trên chiếc giường bay lượn trên khắp những cánh rừng nguyên thủy, những đỉnh núi ẩn khuất trong mây. Ông nhận ra ông đang rời bỏ cả miền hoang dã để bay tới nơi an bình, thăm thẳm một màu xanh vĩnh viễn. Khi nhắm mắt, trên gương mặt trẻ thơ của ông, thoáng qua một nụ cười mãn nguyện...

Đúng vào lúc đó, sau những ngày lần mò theo vệt tuyến phát sơ sài có lúc tưởng như mất hút trong cánh rừng rậm rạp, thằng hộ pháp đã về gần tới lán ông toán trưởng.

Những trận mưa lớn vừa qua làm nó thật khốn khổ, cả tăng lẫn võng đều đã được mang đổi lấy gạo mỡ dưới bản Mù Cang nên lắm đêm nó phải trèo cây, buộc dây vào người, co ro dưới miếng vải nhựa, chịu cho nước tạt vào lưng mà cố ngủ qua đêm. Tuy nhiên tất cả những cái đó chẳng mùi mẽ gì so với nỗi ê chề đã gặp phải tại ngôi nhà trước đó nó đã được hưởng những giờ phút tuyệt diệu với người đàn bà ngoại tình trong cái đêm trăng sáng nhễ nhại. Lẽ ra nếu đừng nôn nóng quá, trở lại ngôi nhà như một người khách bước qua cổng, lên cầu thang thì ắt nó đã được tắm táp ăn uống, nghỉ ngơi và biết đâu lại chẳng rủ rê được cô vợ trẻ của ông chủ nhà lừa dối chồng lần nữa. Thế nhưng cái thân hình nảy lửa của cô gái đã thúc giục nó nhảy từ xe ngựa xuống bản Mù Cang, cắm đầu cắm cổ đi ngay không kịp nghỉ để đến gần nửa đêm nó mới đặt chân đến trước ngôi nhà.

Than ôi cái nỗi bồn chồn cháy ruột cháy gan làm nó không kịp đàng hoàng gọi cửa, không kịp bước vào nhà như một người khách mà lại lẻn ra sau vườn, và như lần trước, lại trẹo mồm làm tiếng mèo kêu thảm thiết. Nó cứ chờ, chờ mãi tin chắc chỉ giây lát nữa sẽ được ghì xiết lấy thân hình nóng ấm của cô gái nó tin chắc cũng đang bồn chồn chẳng kém gì nó. Thế rồi tim nó muốn nảy ra khi có tiếng kẹt cửa và rồi cái người hiện ra không phải là cô gái mà chính là chồng cô ta với khẩu súng kíp giương lên nhằm chỗ nó đang nấp trong lùm cây. Một vệt sáng lóe và một tiếng nổ choáng tai, thằng hộ pháp chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa bổ ngửa ra phía sau, đạp rào chạy thục mạng. Cành cây đập vào mặt nó, đá đánh vào chân nó, mặc kệ, nỗi sợ thúc nó chạy mãi, chạy mãi tới khi cả cái ngôi nhà sàn chết tiệt ấy đã chìrn khuất bên kia dãy núi, nó mới nằm bật ngửa, vừa thở hồng hộc vừa nguyền rủa cái thằng chồng táo tợn xử sự chẳng lịch sự chút nào. Thôi thế là hòa, nó tự bật cườí, cái giá nó phải trả cho việc cắm lên đầu thằng đó một cái sừng như thế cũng đáng.

Qua bản Mù U, nhìn lại những nơi nó đã từng mơ mộng xây dựng thiên đường nơi hạ giới cho cô nàng xã đội, nó chua chát nhận ra rằng cái thời lãng mạn đó đã xa xôi quá rồi, bây giờ, con người nó thật chẳng khác gì một cái thềm nhà đổ nát, hoang vắng, bốn bề gió thổi và trên đó chẳng biết rồi cái gì sẽ được xây lên. Không, trong đầu nó lúc này chẳng có mảy may dự định nào ngoài việc trở lại với toán người đang lần mò lên đỉnh Hua Ca kia. Việc đào nhiệm của nó vào đúng lúc gay go nhất của cả bọn lúc này mới cắn rứt nó như một con ve, loài côn trùng nhỏ bé bám trên thân thể con người âm thầm và chậm chạp hút máu và chích nọc cho tới khi sưng tấy và đau nhức, người ta vẫn cứ tưởng nó là cái nhọt đang lên mủ. Cho tới khi đi qua bản Mù U nhìn lại những mơ mộng hão huyền của nó, thằng hộ pháp mới nhận ra rằng cái nỗi buồn âm ỉ, dai dẳng đeo đuổi nó mấy ngày nay hóa ra chẳng phải do cô nàng xã đội mà chính là tâm trạng ăn năn khi bỏ bạn bè giữa lúc cùng khốn nhất. Nó thấy lòng đau nhói khi chui qua lỗ hổng còn đầy giây dợ trên đường tuyến, càng đi càng thấy sự qua loa, sơ sài trong việc phát cây, dọn đường. Cái đó tại thiếu hẳn một tay dao chủ lực là chính nó. Hai thằng sẽ phải làm việc bằng ba để gánh phần nó. “ Đồng đội”- chưa bao giờ thằng hộ pháp thấy thấm thía ý nghĩa của từ đó như bây giờ. Ông toán trưởng, thằng học giả, thằng cấp dưỡng..: dù có thế nào, những con người đó vẫn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, chung sướng chung khổ với nó trên cùng một con tàu nghiêng ngửa nơi núi cao rừng thẳm. Chính với tình cảm đó, thằng hộ pháp hăm hở vạch cây rẽ lá, leo trèo nhảy nhót qua vách cao, khe sâu theo vềt mòn chúng tôi đã đi và rồi nó không nén được vui mừng khi từ xa hiện ra chiếc lán nhỏ chơ vơ bám trên sườn dốc. Tới nơi rồi, nó thầm reo, giờ này bọn nó đã đi làm hết, chắc chỉ còn thằng cấp dưỡng ở nhà. Nó sẽ bắt thằng này nấu một nồi cơm thật đầy, đục một hộp thịt, nó sẽ vừa ăn vừa hỏi han, trò chuyện, nó sẽ lại vỗ bụng bình bịch và cười ha hả. Nhưng rồi cái hoang vắng, điêu tàn xung quanh lán làm nó khựng lại, lo âu. Những vỏ đồ hộp vứt lăn lóc, chiếc nồi bẹp, bếp đất chỏng chơ bên khe cạnh một cành cây lớn đè sập chiếc bàn ăn ghép nứa đơn sơ. Thằng hộ pháp nhìn theo con chuột rừng hốt hoảng chạy ra từ chiếc lán xiêu vẹo và lẩn nhanh vào bụi rậm. Chắc bọn nó đã chuyển đi hết, nó thoáng nghĩ thế và bước nhanh tới đạp toang cửa lán. Khung cảnh bên trong bày ra trước mắt dưới ánh sáng buổi chiều vừa tắt nắng làm nó kinh hoàng. Một người chùm chăn kín mít nằm co quắp và bất động xoay ngang trên chiếc giường đã sập một bên trên đám cỏ hoang mọc đầy trong lán. Nó run rẩy bước tới, lật chiếu chăn ra và rụt tay lại Trời ơi, ông toán trưởng. Muộn rồi, muộn quá rồi, nó không thể giúp gì cho ông được nữa.

Ba mươi mốt

Trời không mưa, nhưng màu chì xám nặng của bầu trời dường như kéo thấp nó xuống. Rừng mỗi lúc ken đặc bởi những búi dây leo xoắn xuýt bên những thân cây lớn đã chết khô đổ ngổn ngang. Cái cỗ xe tam mã do mỗi mình tôi kéo trong tay cầm cương của thằng học giả cứ ì ạch nhích dần. Không còn nghĩ ngợi về bất cứ điều gĩ nữa, tự loại mình ra khỏi mọi cảm giác, tôi cứ nghiến răng nắm chặt con dao và đầu thước dây, nhoài tới từng chút, từng chút một. Bộ quần áo sau cơn mưa đã khô rồi lại ướt đẫm mồ hôi túa ra khắp mình. Mắt loang loáng những vòng tròn sáng. Cổ khô đắng và như bị bóp nghẹt. Mặc kệ. Những cái đó dường như ở bên ngoài tôi. Tôi chỉ còn tồn tại trong một cố gắng duy nhất là đẩy thân thể mình lên phía trước. Ở đầu thước dây phía sau, thằng học giả giật “giây cương”:

“Dừng lại cho tao cộng sổ. Sao hôm nay mày làm điên thế?”

Tôi giơ tay gạt mồi hôi ướt nhòe trên mắt:

“Tao dốc bằng hết sức trong ngày hôm nay thôi. Mặc kệ mày, sáng mai tao sẽ quay lại.”

Nó đặt bút lên cuốn sổ ngước nhìn tôi ảo não:

“Lạ thật, theo sổ ghi mình phải đi quá cái đỉnh Hua Ca rồi đấy. Vậy sao vẫn không thấy bóng dáng nó đâu?”

Tôi chỉ tay lên bầu trời đang như đè sát trên đầu:

“Nó ở trên kia kìa. Chỉ có đứa ngu như mày mới tin vào cái điều do ba cái thằng kỹ sư ngồi xó nhà vẽ vời ra.”

“Ấy thế mà chỉ có một nét bút của bọn nó cũng đủ làm mày phải leo trèo cả tháng trong rừng đấy.”

Tôi chẳng còn hơi sức đâu mà cãi nhau với nó và với ba thằng kỹ sư, ham muốn tuyệt đỉnh của tôi trong lúc này là được tắm một lần nước nóng, ăn một bữa thật ngon và ngủ một giấc thật dài trên cái giường ấm áp có chăn nệm sạch sẽ. Tôi nhớ ra rằng trong cuộc đời lang thang như chó rừng, chưa lần nào cả ba cái sướng ấy cùng đến với tôi một lượt.

Mai sau, liệu cô nàng nhỏ nhắn có mang tới cho tôi được không? Lúc đó tôi sẽ kể lại nàng nghe những giây phút khổ sở như bây giờ, kể hết, không thiếu một tình tiết nào. Nàng sẽ đặt đầu tôi trong lòng nàng, vuốt ve mái tóc bù sù và tôi sẽ...

“Mày mệt lắm rồi phải không? Thôi cố lên, tới đỉnh Hua Ca, quay về đơn vị tha hồ nghỉ ngơi.”

Thằng học giả giật “dây cương” phá giấc mộng vàng của tôi rồi đo, chẳng có căn buồng ấm áp, chẳng có nàng Sao dịu dàng, ở nơi hoang dã này vẫn chỉ có tôi run lập cập trong bộ quần áo ướt nhoét, è cổ kéo “cỗ xe tam mã” trong màn sương dày chui sâu vào những cánh rừng bít bùng. Tôi lại phải xóa đi hết mọi tưởng tượng, dồn hết tôi vào cánh tay cầm dao, rướn người dậm chân lên nhưng đám gai góc vừa chặt đổ, cứ như thế tôi lết đi mãi cho tới lúc qua màn mưa mờ bỗng hiện ra trước mắt tôi một vềt đường mờ mờ. Tôi dụi mắt tưởng mình nằm mơ, không, tôi vẫn tỉnh mà, đúng là tôi nhìn thấy nó rõ ràng như con dao tôi cầm trong tay này vậy. Tôi vội quẳng cả thước dây, cuống chân bước tới...

Chao ôi, tôi đã gặp lại vềt đường do chính tay tôi đã phát cây lúc sáng. Như thế là thế nào nhỉ? Công toi hết rồi sao?

Tôi gọi toáng lên:

“Ông kỹ sư ơi, ông bẻ nhầm góc địa bàn rồi. Ông đưa tôi vòng trở lại chỗ ban sáng đây này.”

Thằng học giả mặt tái mét, đứng ngẩn ngơ giữa hai vềt đường cắt nhau. Nó lại giở tấm bản đồ, sổ sách, cái địa bàn và lại cúi xuống hí húi đo đo về về. Tôi chán nản quăng người xuống đám giây leo, thôi, quay trở lại, mặc mẹ cái đỉnh Hua Ca, thằng học giả đã đưa tôi đi lạc là cái chắc.

Thế rồi bỗng dưng nó nhẩy cẫng lên như ngồi phải tổ ong đất:

“Tới rồi, tới rồi, hoan hô... tới rồi...”.

Tôi ngồi nhỏm ngay dậy:

“Gì thế? Cái gì thế? Mày nổi cơn điên rồi hả?”

Thằng học giả vẫn hoa tay, đạp chân lia lịa vào không khí:

“Tới rồi, mình đã tới cái đỉnh Hua Ca ấy rồi. Hoan hô…”

Tôi giật mình, tóm ngay cổ áo nó:

“Đâu? Đỉnh Hua Ca ở đâu, mày chỉ tao coi.”

Nó đập chân xuống đất kêu to:

“Đây nó ở đây chứ đâu. Chính mình đã đi vòng quanh đỉnh của nó nên mới quành trở lại thế này. Kiểu như ông Côlông đi vòng quanh thế giới ấy, mày hiểu chưa?”

Tôi ngơ ngác nhìn quanh, nửa tin nửa ngờ, không lẽ tôi đã đi một vòng ngay trên đầu con quạ ấy ư, vậy còn cái mỏ của nó phun ra dòng nước thần đâu? Chẳng lẽ cái vùng đất huyền diệu nàng Sao kể tôi nghe lại tầm thường toàn sương mù gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu thế kia ấy ư? Không thể như thế được, cái đỉnh Hua Ca thần thánh ấy chắc không phải nơi tôi đang đứng đây, nó phải ở đâu đó cao tít từng mây kia chứ.

Về cười cợt trên mặt thằng học giả làm tôi đâm ngờ:

“Tại sao mày biết đây là đỉnh Hua Ca?”

Nó nhìn tôi thách thức:

“Tao đố mày chứng minh được đây không phải đỉnh Hua Ca đấy.”

“Mày không sợ sau này người ta phát hiện ra sự gian dối của mày sao?”

Nó cười khùng khục như nước chảy trong ống:

“Ai phát hiện ra? Ban chỉ huy chàng? Liệu các ông ấy có gan rời khỏi bàn giấy để leo trèo tới đây như tao với mày chăng?”

Thế là đã rõ, nơi tôi đang đứng đây chỉ là một đỉnh núi nào đó chứ không phải đỉnh Hua Ca trong truyện thần thoại của nàng Sao. Chao ôi, thật không ngờ cái thằng toán trưởng mới này táo gan đến thế. Sự liều mạng và ý thức mục tiêu liệu còn đưa nó đi xa tận đâu trên các nấc thang quyền lực? Thật bất ngờ, nó rút trong ba lô ra chai rượu nhỏ, mấy điếu thuốc, vài cái kẹo:

“Những thứ này tao vẫn dành đến phút chót để ăn mừng thắng lợi đặt chân lên đỉnh Hua Ca. Nào, chúc mừng...”

Tôi hắt chén rượu vào đám sương mù đang dồn tới mỗi lúc một dày đặc. Thế rồi trong tôi nảy ra điều gì đó từ trong đám sương mù của ký ức làm tôi buột miệng ra một câu hỏi ngớ ngẩn:

“Mày còn nhớ ánh mắt của mẹ mày không?”

Cơn hứng chí vụt biến trên mặt, nó hộc lên:

“Cái gì? Mày muốn nói tới cái gì?”

“Ánh mắt mẹ mày khi khóc lóc: con ơi, con giết bố rồi con ơi. Mày còn nhớ không?”

Mắt trợn lên, cơn giận muốn bùng ra làm những cơ thịt trên má nó giật giật, miệng méo xệch nó lắp bắp nói gì đó làm tôi tưởng nó sẽ nhẩy bổ vào tôi. Nhưng không, nó trấn tĩnh lại rất nhanh, khàn giọng:

“Bà ấy đã nộp mình cho cửa Phật rồi. Hãy để yên cho bà ấy vui cảnh chùa.”

Trước khi quay trở về, tôi đưa mắt nhìn một lần cuối đỉnh núi mà thằng học giả đã đặt cho nó cái tên là Hua Calúc này đang phô ra vẻ xơ xác, ảm đạm dưới nắng chiều. Thôi nhé, vĩnh biệt. chuyến đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ. Tôi không thể bắt chước thằng học giả, không thề mang cái thứ nước vàng đục kia và gọi nó là nước thần về cho nàng Sao. Tôi bước nhanh khỏi vũng lầy đầy những bọ gậy và lá mục, thầm mong gặp lại thằng cấp dưỡng trong cái cười sung sướng tìm thấy lại gói tiền. Thế rồi cái quang cảnh bày ra trước mắt làm tôi sững sờ. Chao ôi, trong có một ngày một dêm thằng cấp dưỡng đã phát quang cả đoạn tuyến dài khiến nó rộng ra như một dòng sông chảy giữa rừng rậm. Liệu dưới đáy con sông ấy nó có mò ra được gói tiền của nó. Tôi bắt gặp nó nằm còng queo trong một hốc đa, con dao và cái ba lô vứt lăn lóc gần đó. Nó mở mắt, lờ đờ nhìn tôi như thể nó không còn nhận ra ai nữa.

“Thế nào? Mày có tìm thấy không?”

Nó lắc đầu, từ trong khóe mắt ứa ra hai giọt nước.

Thế ròi khi thằng học giả đi tới cúi xuống nhìn nó, thật không ngờ, nó chồm dậy-nắm ngay nghe nó hét lên:

“Chính mày, chính mày đã nhặt gói tiền của tao. Trả tao đây không tao giết mày.”

Thằng học giả cố vùng vẫy khỏi đôi tay gồng chặt của nó:

“Nói láo, mày nói láo. Tao nhặt được hồi nào?”

“Kia, mày hãy nhìn kia. Mấy hãy nhìn cái con đường tao đã phát rộng ra đến như thế kia. Suốt hai ngày qua tao đã soi từng hốc cây, vạch từng cái lá. Nhất định nó không nằm trên đoạn đường đó, nó chỉ nằm trong túi mày thôi. Trả lại tao đi.”

Bất giác cả ba đứa tôi cùng đưa mắt nhìn cả về phía đó, nơi con đường thông thống chạy mãi ra xa, công trình lao động khủng khiếp của thằng cấp dưỡng.

“Thằng hộ pháp...”

Thằng học giả dãy ra khỏi tay thằng cấp dưỡng, hét lên mừng rỡ như để thoát khỏi cái tình trạng lố bịch nó đang phải hứng chịu. Tôi cũng hét toáng lên, cuống quít chạy tới để rồi khựng lại trước vẻ mặt lầm lì và cái nhìn trừng trừng của thằng hộ pháp đang thất thểu đi tới:

“Thằng nào quyết định bỏ ông toán trưởng nằm lại? Thằng nào?”

Nó gầm lên hung hãn làm tôi chột dạ, linh cảm ngay chuyện chẳng lành:

“Sao? ông ấy ra sao rồi?”

“Ông-ấy-chết-rồi...”

Giọng nó vang lên như một tràng súng bắn vào sự lắng im của rừng chiều. Tôi choáng váng như có ai đánh vào đầu. Thằng cấp dưỡng ngây mặt nghĩ ngợi điều gì đó. Thằng học giả chùi mãi tay vào vạt áo rồi khi bắt gặp ánh mắt của tôi nó kêu rối rít:

“Không phải tại tao, không phải tại tao. Tao không có lỗi.”

Tôi quay đi để khỏi phải nhìn vẻ hoảng sợ đang bày ra trên gương mặt của nó.

Ba mươi hai

Chúng tôi còn lại có bốn người.

Không khói nhang, không bát cơm quả trứng, ông toán trưởng đã được chôn ngay sau đó trẽn đỉnh núi mà thằng học giả gọi nó là đỉnh Hua Ca. Nó đọc một bài diễn văn rất cảm động và sụp xuống khóc nức nở trước mộ ông. Mai sau, nếu có lúc nào nhắc tới ông toán trưởng, đằng sau cặp kính trắng rất có thể của một giáo sư viện trưởng, liệu nó có còn giữ được những gịọt nước mắt chân tình ấy không? Riêng tôi, thầm hứa sẽ đưa bằng được cái gói nhỏ của ông đến tận tay hai mẹ con bà Trưởng phòng dạo trước mà ông đã dặn dò.

Trong đêm cuối cùng trên đỉnh núi, chúng tôi lại đốt một đống lửa ngồi quây quần như những ngày trước. Không ai hé răng một lời. Tất cả đều ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo theo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút vào bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai tôi sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên không vì thế con người không thể thực bụng yêu nhau...

TP Hồ Chí Minh

11.10.1988