Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Với văn chương, xin đừng độc ác

(Nhân đọc bài “Biến nghịch lý trở thành chân lý!?” của Bích Châu trên tạp chí Hồn Việt, số tháng 11/2014)

Đặng Thân

Tôi không biết Bích Châu là ai, nhưng tạp chí Hồn Việt của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học do Nhà thơ GS.TS Mai Quốc Liên làm Tổng biên tập thì nhiều người biết. Bài “Biến nghịch lý trở thành chân lý!?” thì của Bích Châu, nhưng trách nhiệm cuối cùng ắt là của Mai Quốc Liên và cả BBT tạp chí Hồn Việt.

Trong bài viết, Bích Châu đã phủ nhận công lao, tác phẩm, tài năng của Nhà văn Đà Linh (1958 - 2013), và công kích đê hèn cuốn sách Đà Linh - Trí thức dấn thân (NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2014) do Nhà văn Lê Anh Hoài và anh chị em văn nghệ góp công sức in ra để tưởng niệm một năm ngày mất của Đà Linh.

Người thì đã mất, nhưng họ hàng, vợ, con, anh, em, bạn bè còn đó. Ai đau xót hơn ai? Người vợ đau khổ của Nhà văn Đà Linh đã phải thốt lên: “Thoát tục trần gian mong về cõi Phật, ôm theo bao nỗi đau, rũ bỏ sân si, để lại đời những ước vọng... vậy mà vẫn chưa yên, thật đáng sợ!”

Về sự nghiệp, chắc chắn không ai có thể phủ nhận được những đánh giá đối với Nhà văn Đà Linh của Nhà thơ Hữu Thỉnh[i], Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (nơi cả Đà Linh và Mai Quốc Liên đều là thành viên). Về con người Đà Linh, Nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Hiếm thấy một người hết mình với bạn bè như Đà Linh. Anh còn hết mình hơn nữa trong công việc. Gặp nhau ở đâu anh cũng say đắm nói đến công việc. Trong những ngày trọng bệnh, bạn bè đến thăm, anh say sưa nói về những dự định sáng tác, xuất bản, chỉ đến khi mệt lả mới dừng lại lấy sức.” Hơn nữa, Nhà thơ Hữu Thỉnh còn khẳng định về sự nghiệp làm xuất bản của Nhà văn Đà Linh như sau: “Từ một kế toán trưởng, anh trở thành Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Đà Nẵng, trợ lý giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Đằng sau mỗi cương vị là một dấu ấn về nghề và về cái tình với người cùng nghề. Đà Linh chăm chút, âu yếm, trân trọng mỗi cuốn sách của bạn như của chính mình, trước sau nguyên vẹn một tâm nguyện hướng tới người đọc. Trong công việc thầm lặng, vui vẻ giấu mình sau cái vinh quang của người khác ấy, đã có biết bao nhiêu hy sinh, cực nhọc, kể cả ‘những giọt nước mắt đời không thấy’ của Đà Linh.”

Về văn tài, nhiều người đều nhận ra sự đặc sắc của cây bút Đà Linh. Chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã phải thốt lên: “Cách nhìn đời, nhìn người của Đà Linh mới khoan dung và sâu sắc làm sao.” Có lẽ, trách nhiệm “dấn thân” đã xui khiến Đà Linh hết mình cho những cuốn sách của người khác, từ trong nước cho tới hải ngoại. Người viết bài này thấy ở văn anh một cách nhìn độc đáo, mà mộc mạc. Cuối cuộc đời mình anh có những bài viết tuyệt hay, những chân dung văn học lung linh về các bạn văn thơ của mình như Mai Văn Phấn,[ii] Đỗ Quyên[iii]

Về những tác phẩm do Nhà văn Đà Linh giúp cho ra đời, Bích Châu công kích vào Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Ba người khác (Tô Hoài) và Trần Dần - Thơ, với thái độ đay nghiến: “Đó chính là ba tác phẩm được vinh danh mà ‘người trí thức dấn thân’ đã xây cây cầu văn hóa cho nhân dân, một người mở đường, hy sinh để cho những tác phẩm như thế này đến với người đọc ư?! Đến nước này thì kẻ hậu sinh chỉ còn biết ngửa mặt than dài: Từ khi nào mà nghịch lý biến thành chân lý một cách nghiễm nhiên như thế trên các phương tiện truyền thông chính thống như thế?”

Có thể nhiều người không quan tâm, để ý đến lối hành văn ngô ngọng, nhưng Bích Châu hiểu về những cuốn sách ấy như thế nào là điều rất cần trao đổi.

Với Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, ngoài những ý kiến trước đây của những người khá là có uy tín trong văn học hiện nay như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Châu Diên… thì bài viết mới đây của Tiến sỹ Văn học Trần Thu Dung – “Vấn đề ‘Dấn thân’ của nhà văn Đà Linh”[iv] – đã khá thỏa đáng. Sự nặng nề, khắc nghiệt của mấy ngàn năm Khổng Nho, của thực dân, phong kiến đối với phụ nữ Việt không đáng để cho các nhà văn, nhất là các nhà văn nữ, lên tiếng hay sao? Là một phụ nữ, TS Trần Thu Dung đã thật là xác đáng khi viết những dòng này: “Bóng đè là khát vọng đảo lộn mọi trật tự xã hội cổ truyền nặng nề vốn đè nặng lên thân phận người phụ nữ VN. Tự do ở đỉnh cao là giải phóng người phụ nữ. Tượng thần tự do cao lừng lững ở nước Mỹ thu hút hàng triệu người du lịch cũng là hình tượng người phụ nữ giương cao ngọn đuốc. Cuộc sống nhiều người bị ‘bóng đè’ mà không dám nói. Vì vậy Đà Linh dám xuất bản Bóng đè. Đó chính là sự dấn thân.”

Với Ba người khác của Tô Hoài, trước hết, thì ai cũng biết công lao của ông, tiếng tăm và tài năng của ông với nền Văn học Việt Nam nói chung và nền Văn học Cách mạng Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, đã ai từng biết đến tâm tư của chính Nhà văn Tô Hoài đối với văn nghiệp của mình? Hãy nghe tâm sự từ đáy lòng của ông trong bài “Đà Linh, trên những ngả đường phương Nam”[v] của Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, in trong cuốn Đà Linh - Trí thức dấn thân chứ chẳng đâu xa: “…Anh giới thiệu tôi phỏng vấn Tô Hoài. Đó là cuộc phỏng vấn dài, hai lần, nhiều giờ. Anh chuẩn bị kỹ: gởi cho tôi hầu hết tác phẩm tiêu biểu của nhà văn, gọi điện thọai hai ba lần giới thiệu. Tôi hỏi nhà văn Tô Hoài: nếu cần chọn một tác phẩm để đời, ông sẽ chọn tác phẩm nào. Câu trả lời đến ngay lập tức: Ba người khác. Tôi hỏi tiếp, thế còn tác phẩm thứ hai, ông im lặng thật lâu. Tôi nhắc, thế còn Dế mèn phiêu lưu ký của bác? Nhà văn cười, thế mà tôi suýt quên nó mất. Thực ra tác phẩm ấy tôi cũng viết dựa trên lối tiểu tuyết phiêu lưu của Pháp ngày ấy. Thì ra ông không coi trọng Dế mèn như tôi nghĩ…” Một khi, chính nhà văn quá cố khả kính trước khi về cõi khác chỉ gửi gắm lại cho đời có mỗi Ba người khác, thì mong rằng mọi người trong chúng ta đều nên đọc lại tác phẩm này, và hãy suy ngẫm cho kỹ trước khi có thể nói năng điều gì.

Với Trần Dần - Thơ, thì ngoài việc cuốn sách này được trao “Giải Thành tựu trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008, cũng như việc Hội này đã trao một Giải thưởng khác cho tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của ông, thiết tưởng, những ai còn quan tâm đến cái quá khứ gọi là “Nhân văn - Giai phẩm” của ông xin hãy đọc bài viết hết sức khách quan “Vụ Nhân văn - Giai phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành”[vi] của nguyên Đại tá An ninh làm việc tại A25, ông Lê Hoài Nguyên, tức Nhà văn Thái Kế Toại [xin phép sửa lại cho chính xác: Đại tá Thái Kế Toại tức nhà thơ Lê Hoài Nguyên – VV]

Trong thơ, Trần Dần là một người cách tân cả về hình thức lẫn tư tưởng (mang tính đa diện, triết lý…). Ngay sau phong trào Thơ Mới, ông đã làm thơ theo trường phái tượng trưng cùng với nhóm Dạ đài. Thơ ông đương nhiên khó hiểu, và ông từng giải thích: “Tất cả mọi giá trị chân thiện mỹ đều là khó hiểu.” Sau Thơ Mới, có thể nói ông và những nhà thơ khác như Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… đã tạo ra bước thứ hai trong quá trình hiện đại hóa thơ Việt. Mà “hiện đại hóa” chính là một quá trình hết sức cần thiết của mọi nền văn hóa hàng đầu trên thế giới, không lẽ Việt Nam thì không cần? Tức là, nếu Bích Châu không hiểu Trần Dần, thì không có nghĩa ông/bà được phép chửi rủa, phỉ báng thơ Trần Dần như vậy. Thơ có ngôn ngữ riêng, đừng đem thói quen đọc báo nghe đài rất “nệ thực” vào đây. Rủi thay, có quá nhiều người có thói quen ấy. Nếu không đọc được thơ đích thực, bạn hãy tìm những sản phẩm văn hóa đọc khác phù hợp với mình, đừng nhặng xị lên, và hãy tự trách trình độ văn hóa của mình, cũng như chế độ giáo dục “ngu dân” dù vô tình hay cố ý. Trần Dần từng tuyên bố về “thi pháp” trong những câu thơ của mình:[vii]

Sinh tôi làm gì

tôi không hợp grammaire nào cả

Sinh tôi đã có grammaire cho tất cả

ắt là không juýt cho tôi

tôi không thích mọi grammaire quần đùi may sẵn

Nhất là:

Tóm lấy tu từ vặn ngoẹo cổ

viết như khạc nhổ mọi tu từ.

Và:

Tôi thích viết cái chưa biết

mặc các ông viết cái đã biết.

Như thế, đủ biết chúng ta phải đọc những Thằng thịt, Con trắng, Kể kệ, Jờ Joạcx… hay là:

truồng A tòi ja qua gương lưng

- ja jả jữa jờ sẹo của một nữ - vắng -  nhà jèm phùn

truồng B ngồi đùi non trên một bẹn hồ sơ - cả một xilip sách jọc nịt thịt

như Bích Châu đã trích dẫn ra, bằng thái độ khác.

Thực ra, cái gọi là “ngôn ngữ” của chúng ta luôn luôn bế tắc trong biểu đạt nhị nguyên, cho nên những nghệ sỹ, những người luôn biết suy tưởng, không thể chấp nhận được. “Ngôn ngữ” không chỉ bế tắc trong biểu đạt, nó lại còn bị “kìm kẹp” trong văn phạm. Mọi thứ trên đời, trong đó có “ngôn ngữ”, đều không thể tự quy chiếu. Giống như một nhà văn không thể tự quy chiếu thì cần phải có sự quy chiếu của nhà phê bình; một nhà phát minh cần có ý kiến của một hội đồng khoa học… Đã thế, nhà bác học Kurt Gödel (1906 - 1978), “nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20” như Times đã bình chọn, đã chỉ ra rằng: mọi hệ tự quy chiếu sẽ dẫn tới mâu thuẫn. Suy ra, không có một ngôn ngữ nào hoàn hảo. Như vậy, cần có một “siêu ngôn ngữ” để bổ sung, để quy chiếu cho “ngôn ngữ”. Đa phần những người nghệ sỹ sáng tạo đều đi theo hướng này: khao khát truy tìm ra một “siêu ngôn ngữ” để soi xét những bất cập, những hạn hẹp của “ngôn ngữ”; cũng là tìm ra những công cụ lời nói mới để biểu đạt được cho đến cùng những huyền vi, những ẩn khuất, những kỳ vĩ của chân lý.

Xin có vài lời thưa với các vị như vậy. Ông/bà Bích Châu thì không biết thế nào, chứ Nhà thơ GS.TS Mai Quốc Liên thì từng có nhiều công trình về Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi…, đã từng được Giải thưởng Nhà nước, cũng như đã từng là thầy của Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc hay các thành viên Mở Miệng như Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy…

Thế mà, sao vẫn hồ đồ quá vậy?

10/11/2014

[i] Xem phần trích bài của Hữu Thỉnh tại: http://vanvn.net/news/12/4092-dinh-menh-nao-da-xui-anh-viet.html

[ii] Xem tại: http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/789/1197/Ve-lo-trinh-tho/Tan-man-vo-thuc-mat-nguoi--phe-binh----Da-Linh.aspx

[iii] Xem tại: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/giao-huong-gio-do-quyen-546733.tpo

[iv] Xem toàn bài tại: http://vanvn.net/news/16/5089-van-de-dan-than-cua-nha-van-da-linh.html

[v] Xem: Đà Linh - Trí thức dấn thân (NXB Hội Nhà Văn 2014), trang 156-157.

[vi] Xem tại đây: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13581

[vii] Nguồn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=32

Nguồn: http://vanvn.net/news/16/5092-voi-van-chuong--xin-dung-doc-ac.html