Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 25)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

VI.7. Thành lập thành phố Tam Sa và việc kiểm soát thực tế của nó ở biển Đông

Tạo lập thành phố Tam Sa

Cùng với Chiến lược biển, Trung Quốc cũng tăng cường khí tài hải quân và đồng thời gia tăng sức mạnh “thực thi pháp luật dân sự” ở biển Đông. Từ góc độ luật quốc tế, việc thực thi pháp luật dân sự của một quốc gia tại một khu vực nào đó có thể thể hiện “chủ quyền quốc gia” tốt hơn so với việc chiếm đóng quân sự, vì nó cho thấy việc quản lí của quốc gia đó đã thành “bình thường” hóa, và cho thấy việc quản lí khu vực đó đã đi vào ổn định. Mặt khác, quản lí dân sự cũng tránh được cáo buộc “dùng vũ lực thay đổi hiện trạng”, dù thực tế đó vẫn là phương thức “uy hiếp”.

Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy kiểm soát thực tế dân sự ở biển Đông, bao gồm mở rộng phạm vi tuần tra, quấy nhiễu việc khai thác dầu mỏ của nước khác, truy đuổi, bắt giữ tàu cá nước ngoài và quấy nhiễu tàu thuyền nước khác (chẳng hạn sự kiện bãi Cỏ Mây). Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, đánh dấu việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ kiểm soát dân sự ở biển Đông. Ngay từ ngày 29/11/2007, trả lời phỏng vấn “Minh báo” Hong Kong, quan chức ngành tuyên truyền thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam đã tiết lộ: Quốc vụ viện đã phê chuẩn đề nghị của Chính quyền tỉnh Hải Nam, nâng cấp Phòng điều hành Tam Sa thành “Thành phố Tam Sa”. Sau khi biết tin, Việt Nam đã phản đối. Nhưng khi đó Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa. Sách lược thông qua nội bộ trước, chờ thời cơ thích hợp để tuyên bố chính thức là mô thức nhất quán của Trung Quốc xưa nay.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012, trong cuộc đối đầu bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc đã cướp được Scarborough từ tay Philippines, tinh thần lên cao. Ngày 21/6, Việt Nam thông qua “Luật biển Việt Nam”. Điều 1 trong Luật quy định: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lí và bảo vệ biển, đảo.”[1114] Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được chính thức đưa vào Luật, điều này lập tức gây ra phản đối từ Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa và vùng biển phụ cận; yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa là “vô hiệu”.[1115] Cũng cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời, nêu rằng việc Quốc hội Việt Nam thảo luận và thông qua “Luật biển Việt Nam” là đúng trình tự lập pháp thông thường, nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền Việt Nam trong việc quản lí, khai thác, bảo vệ vùng biển, vùng đảo do Việt Nam kiểm soát, thuận lợi cho Việt Nam trong công tác khai thác kinh tế biển. Thực ra, đưa vùng lãnh thổ đang tranh chấp vào luật pháp là cách mà Trung Quốc đã làm từ lâu: Luật lãnh hải ban bố năm 1994 và Luật vùng đặc quyền kinh tế ban hành năm 1998 đều đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào.

Trung Quốc cho rằng, đây là thời cơ thích hợp nhất để công bố thành lập thành phố Tam Sa. Cùng ngày Việt Nam thông qua “Luật biển Việt Nam”, Bộ dân chính Trung Quốc tuyên bố: “Quốc vụ viện Trung Quốc gần đây đã phê chuẩn việc xóa bỏ văn phòng quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, thành lập thành phố Tam Sa, cơ quan chính quyền đặt tại đảo Vĩnh Hưng thuộc Hoàng Sa.” Trung Quốc chọn thời cơ này để thông báo chính thức, khiến người ta có cảm giác đây là biện pháp buộc lòng phải thực hiện do bị Việt Nam ‘khiêu khích’, giành được thế thượng phong trong dư luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động “cáo buộc vô lí” của Trung Quốc, đồng thời “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa.

Ngày 17/7, Uỷ ban Thường vụ Hội đồng nhân dân khóa 4 tỉnh Hải Nam thông qua “Quyết nghị của Uỷ ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Nam về việc thành lập Tổ trù bị Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa”, công tác xây dựng chính quyền Thành phố Tam Sa chính thức được khởi động. Ngày 19/7, Quân Uỷ Trung ương trả lời Quân khu Quảng Châu, đồng ý thành lập Khu phòng vệ quân giải phóng Trung Quốc tại Tam Sa tỉnh Hải Nam, chủ yếu phụ trách công tác quân sự và huy động quân dự bị khu vực trực thuộc thành phố Tam Sa, điều phối quan hệ giữa quân đội và địa phương, làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố, giúp đỡ địa phương trong công tác cứu hộ cứu nạn, chỉ đạo hoạt động của dân binh và quân dự bị... Khu phòng vệ Tam Sa là đơn vị lục quân được xây dựng tại vùng cực Nam Trung Quốc, đảm trách nhiệm vụ an ninh lãnh hải trong khu vực này. Cùng ngày, Tổ trù bị Hội đồng nhân dân khóa I thành phố Tam Sa được chính thức thành lập, tiến tới bầu ra 60 đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngày 23/7, Đại hội Hội đồng nhân dân khóa I thành phố Tam Sa khai mạc. Sáng 24/7, đại hội thành lập và ra mắt thành phố Tam Sa được cử hành tại đảo Vĩnh Hưng, tấm bia tên thành phố Tam Sa nặng 68 tấn được chính thức khánh thành trên đảo Vĩnh Hưng. Đảng bộ, Uỷ ban thường vụ Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và khu phòng vệ quân giải phóng thành phố Tam Sa treo biển làm việc. Từ đó, Thành phố Tam Sa chính thức được thành lập.[1116]

Đồng thời, mã và dấu bưu điện mới bắt đầu được dùng, và tên gọi của ngân hàng, bệnh viện và các tổ chức khác được thay đổi. Kể từ đó, thành phố Tam Sa được chính thức thành lập.

Bên dưới thành phố Tam Sa, Trung Quốc thành lập 3 đơn vị hành chính: quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và quần đảo Trung Sa. Quần đảo Tây Sa bao gồm Uỷ ban quản lí cụm đảo Vĩnh Lạc (nhóm đảo Lưỡi Liềm), Uỷ ban quản lí Thất Liên Dữ (chuỗi 7 đảo nhỏ phía bắc đảo Phú Lâm - ND) và Uỷ ban quản lí Vĩnh Hưng (trấn), mỗi Uỷ ban lại phân thành một số “xã [khu]” (cấp thôn). Do quần đảo Nam Sa hơi nhỏ nên chỉ thành lập hai xã là Vĩnh Thử (đá Chữ Thập) và Mĩ Tế (đá Vành Khăn). Còn quần đảo Trung Sa thì ngoài đảo Hoàng Nham ra không có bãi/đá nào lộ trên mặt nước nên chỉ thành lập “trấn ảo quần đảo Trung Sa” cho vùng đất không có thật này.[1117]

Việc thành lập Thành phố Tam Sa đánh dấu việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát biển Đông. Các hành động lộ rõ nhất là việc hợp nhất các lực lượng công tác biển, tăng cường kiểm soát nghề cá và xây đảo ở biển Đông.

Tăng cường kiểm soát nghề cá

Trước kia, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc gồm nhiều ban ngành, có tên gọi “Ngũ long trị hải”, tức là đội tàu chấp pháp “hải giám” thuộc Cục Hải Dương thuộc Bộ tài nguyên đất đai; đội tàu “ngư chính” thuộc Cục ngư chính Bộ Nông nghiệp; đội tàu “hải tuần” Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông; đội tàu “hải cảnh” thuộc Cục Biên phòng Bộ Công An; và đội tàu chống buôn lậu thuộc Bộ Hải quan. Trong đó, hải giám (do hải quân đảm trách từ những năm 1980) và ngư chính là mạnh nhất, với nhiều tàu viễn dương trọng tải lớn. Vấn đề lớn nảy sinh từ tình trạng nhiều ngành cùng quản lí là đội ngũ quản lí hoạt động manh mún, khép kín khiến việc điều phối và phân công công việc khó khăn. Có những việc thì các ngành tranh giành nhau, có những việc lại đùn đẩy lẫn nhau, dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng chấp pháp.[1118]

Ngày 22/7/2013, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên đất đai chính thức treo biển thành lập Cục Hải cảnh Trung Quốc. Cục Hải cảnh chịu sự quản lí của Cục Hải dương quốc gia, đồng thời chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an, thực hiện hoạt động chấp pháp vũ trang trên biển theo danh nghĩa Cục Hải cảnh Trung Quốc.[1119] Trước kia, lực lượng hải giám và ngư chính mạnh nhất chỉ có quyền thực thi pháp luật dân sự mà không có quyền thực thi pháp luật hình sự; còn lực lượng hải cảnh và chống buôn lậu có quyền thực thi pháp luật hình sự thì chủ yếu phụ trách công việc gần bờ. Nhưng khi hợp nhất thì hải cảnh có cả quyền và năng lực thực thi luật ở biển xa, sức mạnh cũng lớn hơn nhiều. Đồng thời, Trung Quốc còn trang bị đầy đủ hơn cho tàu hải cảnh trọng tải lớn, trong đó chiếc lớn nhất có lượng choán nước hơn 10 000 tấn, vượt qua tàu hải cảnh Nhật Bản để trở thành lớn nhất thế giới, quy mô thậm chí hơn hẳn tàu chiến của một số nước ven biển khác.[1120]

Trung Quốc lấy 12° vĩ Bắc làm ranh giới, chia biển Đông thành hai khu vực quản lí nghề cá. Khu 12° về phía Bắc được gọi chung là ngư trường phía Bắc biển Đông, chủ yếu bao gồm Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa và bãi Scarborough. Ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa về cơ bản đều có xung đột với Việt Nam. Khu 12° về phía Nam được gọi chung là ngư trường phía Nam biển Đông, chủ yếu bao gồm quần đảo Trường Sa và các vùng phụ cận thềm lục địa Philippines, Malaysia, Việt Nam. Tình trạng phía Đông và phía Tây có điểm khác biệt. Phía Tây, đặc biệt là khu vực vượt qua hai bên đường 9 đoạn, gần Việt Nam và quần đảo Natuna của Indonesia, thích hợp với hoạt động kéo lưới của tàu cá; phía Đông, do các đảo, bãi nằm san sát, không thích hợp với hoạt động kéo lưới nhưng lại có nguồn tài nguyên phong phú như san hô, rùa biển, trai cỡ lớn,... Ở ngư trường phía Nam nhìn chung có xung đột nghề cá với Philippines, Malaysia và Việt Nam. Do khoảng cách với đất liền Trung Quốc khác nhau nên hình thức xung đột xảy ra cũng không giống nhau.

Tại phía Bắc biển Đông, xung đột nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam tương đối nổi bật. Sau khi phân định ranh giới Vịnh Bắc bộ, mâu thuẫn nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu thể hiện ở việc người Việt Nam đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc truy đuổi, tịch thu (tài sản) và bắt giữ. Theo thống kê của tỉnh Hải Nam Trung Quốc, số tàu cá Việt Nam vào vùng biển Hoàng Sa tăng từ 215 chiếc năm 2003 lên 900 chiếc trong 8 tháng đầu năm 2007, hơn thế ngày càng gần quần đảo Hoàng Sa, số vụ phá hỏng thiết bị của quân sự và dân sự Hoàng Sa ngày càng nhiều, nhân thân ngư dân ngày càng phức tạp, trọng tải tàu ngày càng lớn và thiết bị không ngừng được đổi mới.[1121] Từ năm 2004 đến 2012, Cục Ngư chính triển khai tổng cộng 168 lần hoạt động giám sát thường ngày và hoạt động bảo vệ cá đặc biệt ở Hoàng Sa; kiểm tra 69 lượt tàu cá nước ngoài (chủ yếu là Việt Nam), thu giữ 8 tàu cá; truy đuổi 1 293 lượt tàu, thu hơn 900 kg thuốc nổ.[1122]

Từ năm 1999, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chế độ cấm đánh bắt cá tại khu vực phía Bắc biển Đông, quy định từ 1/6 đến 1/8 hàng năm (thời gian có thể có chút biến động) ngừng hoạt động đánh cá “trong vùng biển do Trung Quốc quản lí” (12° vĩ bắc về phía bắc), bao gồm cả Vịnh Bắc bộ. Lệnh cấm đánh bắt cá này được coi là biện pháp gia tăng kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với biển Đông, khi mới công bố đã bị Việt Nam phản đối. Tuy nhiên, trước năm 2009, Trung Quốc không thực thi luật pháp nghiêm ngặt đối với tàu thuyền nước ngoài (chủ yếu là tàu thuyền Việt Nam), vì vậy phản ứng của quốc tế không lớn. Bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam phản đối việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nguyên nhân khác khiến thế giới chú ý là vào tháng 5 năm đó, lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện đường 9 đoạn trong một công hàm gửi Liên Hiệp quốc (xem phần VI.3). Cộng đồng quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi, có phải Trung Quốc dùng phương thức bắt giữ tàu cá để thúc đẩy “quyền kiểm soát” trong phạm vi đường 9 đoạn hay không.[1123]

Ngày 31/12/2012, Trung Quốc công bố “Điều lệ quản lí trị an biên phòng vùng biển tỉnh Hải Nam”.[1124] Trong đó, điều 47 quy định “Đối với các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của tỉnh Hải Nam: ‘Điều lệ’ yêu cầu các đơn vị công an biên phòng thực hiện các biện pháp như lên tàu kiểm tra, bắt giữ, truy đuổi, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng tàu, chạy quay trở lại theo luật định.” Điều này làm dấy lên nhiều cuộc bàn luận trong cộng đồng quốc tế. Tháng 5/2013, Trung Quốc công bố lệnh ngừng đánh bắt cá, đơn phương đưa vùng biển rộng lớn gần quần đảo Hoàng Sa và Đông Sa (Pratas), đang tranh chấp với Philippines và Việt Nam vào khu vực quản lí của Trung Quốc, đồng thời bắt giữ tàu cá Việt Nam, khiến Philippines và Việt Nam cùng các nước một lần nữa nghi ngờ và phản kháng.

Tháng 11/2013, tỉnh Hải Nam đưa ra “Biện pháp thực thi Luật nghề cá nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”, có hiệu lực ngày 1/1/2014, gây ra sự phản đối từ nhiều nước.[1125] Philippines cho rằng, đây là hành động làm gia tăng căng thẳng tại biển Đông;[1126] Việt Nam gọi điều đó là “phi pháp, vô hiệu lực”, và “yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hành động sai trái trên”.[1127] Mĩ gọi đây là hành động khiêu khích (provocative) và ẩn chứa nguy cơ.[1128] Trung Quốc nói Mĩ “có động cơ thầm kín, và có ý đồ khó lường”.[1129] Sự chú ý của mọi người đối với quy định này của tỉnh Hải Nam tập trung ở hai điểm:

Một là, điều 35 của “Biện pháp” quy định rằng “Người và tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển do tỉnh quản lí để tiến hành các hoạt động nghề cá hoặc thăm dò tài nguyên nghề cá đều phải được sự phê chuẩn của các ban ngành chủ quản liên quan của Quốc vụ viện”.

Hai là, các ban ngành quản lí nghề cá của Trung Quốc có quyền kiểm tra tàu thuyền nước ngoài.[1130]

Thực ra, hai quy định này không có gì mới, nó đã được ghi chép tương tự tại Luật nghề cá của Trung Quốc trong những năm 1980. Hoa Xuân Oánh chỉ ra: “Nếu phía Mĩ chịu khó nghiên cứu ‘Luật lập pháp’, ‘Luật nghề cá’ và ‘Biện pháp thực thi ‘Luật nghề cá’ được soạn ra lần này của tỉnh Hải Nam, cùng thực tế các luật tương ứng thì sẽ thấy quy định về việc tàu cá nước ngoài vào vùng biển do Trung Quốc quản lí trong ‘Biện pháp’ không khác với ‘Luật nghề cá’ được ban hành năm 1986.” Hơn nữa, việc quản lí nghề cá của các nước về cơ bản là giống nhau, đó cũng là chủ quyền quốc gia, việc Mĩ phản đối xem ra là sự gây rối không hợp lí. Tuy nhiên, xét đến tình hình đặc thù của biển Đông, sự lo lắng của Mĩ và các nước xung quanh không phải là không có lí.

Từ góc độ luật pháp, vấn đề lớn nhất trong quy định này của tỉnh Hải Nam là nó không quy định phạm vi cụ thể của “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát”[1131] nên không có cách nào thực hiện được ở cấp độ pháp lí. Tàu thuyền đánh cá nước ngoài không biết cái gọi là “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát” rốt cục là chỗ nào, cũng không có cách nào biết được phạm vi hoạt động của mình có nằm trong vùng biển đó hay không. Ngay cả ở những khu vực mà Trung Quốc cho rằng họ có quyền thực thi luật pháp, họ cũng không có cách nào xử phạt tàu thuyền nước ngoài “vi phạm pháp luật”, vì về mặt luật pháp, Trung Quốc không thể chứng minh tàu nước ngoài đi vào “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát”.

Nhìn theo quy định của Trung Quốc về các khu vực thuộc quyền quản lí của tỉnh Hải Nam, thành phố Tam Sa bao gồm toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa (Macclesfield) và bĩa Scarborough. Vì vậy, các nước liên quan không khỏi lo lắng, cái được Trung Quốc gọi là “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát” có củng cố các hành động “bảo vệ quyền lợi” của Trung Quốc tại biển Đông trong mấy năm gần đây ở cấp độ pháp lí hay không? Có phải Trung Quốc sử dụng phương thức “cảnh sát” để cung cấp một ví dụ về việc “kiểm soát thực tế” phạm vi đường 9 đoạn mà Trung Quốc yêu sách, để cộng đồng quốc tế tin rằng “việc kiểm soát thực tế” của Trung Quốc ở biển Đông đã trở thành “hiện trạng” (status quo), từ đó tăng thêm cơ sở pháp lí cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn.

Liên hệ tới việc Trung Quốc vừa mới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) không phù hợp luật pháp quốc tế trên biển Hoa Đông, truyền thông Trung Quốc cũng hô hào nên thiết lập ADIZ tương tự ở biển Đông, sự lo lắng của các nước không phải là thiếu căn cứ. Khi đến thăm Đông Nam Á, ngoại trưởng Mĩ John Kerry đã có chung nhận thức với nhiều quốc gia biển Đông về vấn đề ADIZ, mong muốn Trung Quốc không lập ADIZ ở biển Đông, và không tiếp tục làm căng thẳng thêm tình hình biển Đông một cách giả tạo,[1132] nhưng không nhận được hồi âm từ phía Trung Quốc.

Từ đó có thể thấy, thông qua việc “kiểm soát” hóa một khu vực tranh chấp ở biển Đông để tăng thêm bằng chứng chủ quyền đối với khu vực này là sách lược được Trung Quốc sắp đặt. Theo nghĩa này, mỗi sắc lệnh mới do Trung Quốc công bố có nghĩa là thêm một bằng chứng “kiểm soát” của họ đối với một vùng biển. Mặc dù nói đúng ra, những “bằng chứng” này là không có giá trị theo luật pháp quốc tế để xác định quy thuộc lãnh thổ hay lãnh hải. Tuy nhiên, nếu các nước lân cận hoặc các nước liên quan không lên tiếng phản đối thì rất dễ bị Trung Quốc tuyên bố là đã thừa nhận sự kiểm soát của Trung Quốc, cũng có nghĩa là thừa nhận hiện trạng. Trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, điều này rất có thể bất lợi cho các nước. Vì thế, việc các nước đưa ra phản đối việc này là điều có thể đoán trước, và cũng là hành động bình thường.

Tại phía Nam quần đảo Trường Sa, do khoảng cách xa, địa bàn lại rộng nên Trung Quốc chọn phương thức kiểm soát khác. Về phía Tây, do thực lực của Việt Nam cùng một số nước tương đối mạnh, hải cảnh “bảo vệ quyền lợi” của Trung Quốc chưa đủ lực, có nguy cơ cao xảy ra sự cố với nước ngoài, Sau năm 2013, rất ít tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt cá ở đây.[1133] Nhưng trong vùng biển phía Đông gần Philippines, với sự hậu thuẫn của hải cảnh (ngư chính), ngư dân Trung Quốc được khuyến khích đến đây đánh bắt.

Do ngư dân Trung Quốc đánh bắt cạn kiệt nguồn cá ven bờ, khiến tài nguyên nghề cá giảm mạnh, họ chỉ có thể đánh bắt tại những nơi ngày càng xa hơn. Ngoài biển Đông ra, tại Hoàng Hải, biển Hoa Đông, thậm chí tận Palau ở Thái Bình Dương xa xôi đã từng xảy ra các vụ ngư dân Trung Quốc bị nước ngoài bắt giữ và xử lí vì đánh bắt trái phép quá mức. Khi đánh bắt ở biển xa, ngư dân Trung Quốc đã dùng phương thức không bền vững để vơ vét vô độ nguồn tài nguyên biển, chẳng hạn sử dụng lưới “tuyệt chủng” (loại lưới có mắt cực nhỏ) và thuốc nổ (ngư dân Việt Nam cũng sử dụng phương thức này). Hơn nữa, mục tiêu của ngư dân Trung Quốc không chỉ là cá mà còn là hải sản quý hiếm được bảo vệ như rùa biển, trai biển, san hô, trai tai tượng ... Hành vi không đếm xỉa đến nguyên tắc bảo vệ môi trường quốc tế này thậm chí còn được chính quyền địa phương khuyến khích. Chẳng hạn, dân đánh bắt chủ lực của thị trấn Đàm Môn luôn có người giao dịch mua bán rùa biển và trai với quy mô lớn. Năm 2012, Hội nghị Hiệp thương chính trị thành phố Quỳnh Hải đã đến thị trấn Đàm Môn khảo sát tình hình phát triển ngành trai tai tượng đã nhận xét “tiềm năng phát triển thị trường rất lớn”, cần “làm lớn, làm mạnh hơn.” Tháng 11 cùng năm, “Hội chợ triển lãm hàng thời thượng quốc quốc tế Trung Quốc” được tổ chức tại Hải Khẩu còn quảng bá “ngọc trai tai tượng đảo Hoàng Nham” là một trong 10 thương phẩm du lịch hàng đầu của Hải Nam,[1134] chẳng hề bận tâm về việc giao dịch trai tai tượng là phạm pháp. “Lệnh cấm đánh bắt cá” vào mùa hè hàng năm ở phía Bắc biển Đông của Chính phủ Trung Quốc biến tướng thành việc khuyến khích ngư dân xuống phía biển Đông đánh bắt cá.

Việc khuyến khích ngư dân đến biển Đông đánh bắt cá có thể tạo thành hiện trạng “sản xuất ở Nam Hải”, quan trọng hơn, đó là giúp hải cảnh Trung Quốc tạo thêm ví dụ về “kiểm soát thực tế”. Sau năm 2009, ngư chính (hải cảnh) Trung Quốc bắt đầu tiến sâu vào khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại phía Nam biển Đông, quấy nhiễu và truy đuổi tàu thuyền Philippines, hoặc lấy lí do “bảo vệ nguồn cá” để ngăn cản tàu chấp pháp của Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc, với ý đồ tạo ra cảnh tượng giả về kiểm soát thực tế. Nhưng rốt cục, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có hạn, không thể giám sát toàn bộ tàu cá Trung Quốc suốt ngày đêm. Vì thế không ít trường hợp ngư dân Trung Quốc bị Philippines bắt giữ. Gặp tình huống này, Trung Quốc dùng áp lực ngoại giao để khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại khu vực này và yêu cầu Philippines thả người.

Ví dụ: ngày 7/5/2014, hải cảnh Philippines bắt giữ tàu cá Trung Quốc (Quỳnh Hải 09063) và 11 thuyền viên tại bãi Bán Nguyệt (bãi Trăng Khuyết, Half Moon Shoal). Đó là bãi san hô thuộc Trường Sa, chỉ có một mỏm đá có thể nhô khỏi mặt nước khoảng 1m khi nước dâng cao. Theo Luật quốc tế thì ở bãi này có quyền có lãnh hải, nhưng không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Cả Trung Quốc lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại đây. Do bãi đá này rất nhỏ, lại không có công trình xây dựng bên trên nên rất khó nói bên nào đang kiểm soát thực tế.

Lí do Philippines bắt giữ ngư dân là vì tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép động vật quý hiếm được bảo vệ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Quan chức Philippines phát hiện hơn 500 con rùa biển trên tàu, trong đó có 350 thuộc loại có nguy cơ tuyệt chủng, được LHQ công nhận và được Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) xác định là động vật có nguy có tuyệt chủng (endangered species), bị Philippines cấm đánh bắt. Philippines cũng bắt giữ cùng lúc một tàu cá khác của Philippines. Thuyền viên Trung Quốc lí giải rằng họ không đánh bắt rùa biển, còn đổ thừa rằng số rùa đó là do người Philippines bắt, và họ chỉ là người mua lại. Nhưng, đánh bắt là phi pháp và mua bán loại hải sản này cũng là phi pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa, bao gồm cả bãi Bán Nguyệt và vùng biển phụ cận”, yêu cầu Philippines đưa ra lời giải thích hợp lí đồng thời lập tức thả người và tàu. Nhưng Philippines chấp nhận áp lực, sau khi thả 2 ngư dân chưa đến tuổi thành niên, đã tiến hành khởi tố 9 thuyền viên còn lại với hai tội danh là vi phạm Luật bảo vệ động vật hoang dã và xâm nhập trái phép lãnh thổ, kết án họ 1 năm tù giam. Cho đến ngày 8/6/2015, thẩm phán Ambrosio de Luna của Tòa án lưu động tỉnh Palawan mới kí lệnh thả các ngư dân này vào ngày 8/6.[1135]

VI.8. Khủng hoảng tại bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây/ Second Thomas Shoal)

Tháng 7/2012, tiếp sau sự kiện bãi Scarborough, một chiếc tàu hộ vệ Trung Quốc bị mắc cạn trong bãi Trăng Khuyết phía đông nam bãi Cỏ Mây (Hình 74) làm Philippines kinh hoảng. Philippines lo lắng rằng Trung Quốc sẽ chiếm bãi Trăng Khuyết theo cách tương tự như cách họ chiếm đóng bãi Cỏ Mây. Đây là bãi đá gần đảo Palawan nhất trong quần đảo Trường Sa, cách quần đảo Trường Sa khoảng 57 hải lí. Nếu Trung Quốc chiếm được bãi Trăng Khuyết thì sẽ cắt được liên lạc giữa đảo Palawan và bãi Cỏ Mây. May mắn là sau đó hai ngày, tàu bảo hộ Trung Quốc đã tự thoát khỏi mắc cạn. Các lí giải về lần mắc cạn này không như nhau, đó có thể chỉ đơn thuần là mắc cạn nhưng đó cũng có thể là hành động của Trung Quốc dùng để dọa dẫm Philippines.

Giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị tiến thêm một bước ở biển Đông thì quan hệ Trung – Nhật xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đảo Điếu Ngư/Senkaku (xem phần VI.10). Trung Quốc buộc phải hoãn các hành động tại biển Đông lại, dồn sức lực sang đảo Điếu Ngư.

Philippines thua kém Trung Quốc vài thế hệ về sức mạnh quân sự, không thể hy vọng đối chọi với Trung Quốc bằng vũ lực, biện pháp duy nhất có thể chọn lựa là dùng phương thức trọng tài mà Trung Quốc kịch liệt phản đối (xem phần sau). Đơn kiện của Philippines chính thức được phản hồi vào đầu năm 2013. Ngày 24/4/2013, Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế Yanai Shunji tuyên bố Uỷ quyền cho 3 thành viên trọng tài chọn ngày xử kiện. Động thái đó khiến Trung Quốc tức giận, ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oán tuyên bố:

Từ những năm 1970 thế kỉ 20, Philippines đã vi phạm “Hiến chương Liên Hiệp quốc” và các nguyên tắc của Luật quốc tế, xâm chiếm phi pháp một số đảo / bãi trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, bao gồm: đảo Mã Hoan (Vĩnh Viễn); đảo Phí Tín (Bình Nguyên); đảo Trung Nghiệp ( Thị Tứ); đảo Nam Thược (Loại Ta); đảo Bắc Tử (Song Tử Đông); đảo Tây Nguyệt (Bến Lạc); bãi Song Hoàng (Loại Ta Nam) và bãi Tư Lệnh (Công Đo / Commodore). Phía Trung Quốc trước sau kiên quyết phản đối sự xâm chiếm phi pháp của phía Philippines, trịnh trọng nhắc lại yêu cầu phía phía Philippines rút hết người và thiết bị khỏi các đảo bãi của Trung Quốc.[1136]

Trong 8 đảo nhỏ mà Trung Quốc liệt kê là do Philippines chiếm đóng không có bãi Cỏ Mây. Điều đó dẫn đến suy đoán thái độ của Trung Quốc về bãi Cỏ Mây như sau: phải chăng Trung Quốc không công nhận sự kiểm soát thực tế của Philippines đối với bãi Cỏ Mây? Hay Trung Quốc có ý đuổi Philippines khỏi bãi Cỏ Mây? Quả nhiên, ngày 7/5, Philippines phát hiện thấy một chiếc tàu khu trục hải quân và hai tàu hải giám Trung Quốc cách Cỏ Mây 6 hải lí. Sau đó Philippines phái 3 tàu chiến (tàu tuần tra PS36, tàu khu trục PS47 và tàu chở quân PS71) đến Cỏ Mây nhưng đều bị tàu Trung Quốc chặn giữa đường.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-134.png

Hình 74: Bản đồ vùng phụ cận bãi Cỏ Mây và bãi Trăng Khuyết

Ngày 9/5, tại vùng biển phía Đông Bắc Philippines, tàu chấp pháp Philippines đã bắn vào tàu cá Quảng Đại Hưng số 28 của Đài Loan làm 1 người thiệt mạng. Mặc dù sự việc không xảy ra tại biển Đông, không liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh, Đài Loan cũng tuyên bố không muốn Bắc Kinh nhúng tay, nhưng Bắc Kinh vẫn thể hiện thái độ cứng rắn. Tình hình biển Đông càng trở nên căng thẳng.

Ngày 10/5, Philippines phản đối Trung Quốc về sự kiện bãi Cỏ Mây, Trung Quốc phớt lờ. Trong hơn 10 ngày tiếp sau, tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau tại khu vực gần bãi Cỏ Mây. Mãi đến ngày 22/5, Trung Quốc mới đáp trả:

Bãi Nhân Ái là một phần của quần đảo Nam Sa. Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Nam Sa và các vùng biển phụ cận. Việc tàu công vụ Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra bình thường trên vùng biển liên quan là điều không thể trách được. Trung Quốc đề nghị các nước liên quan tích cực thực hiện đầy đủ “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải”, không sử dụng các hành động làm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Nam Hải.[1137]

Về nguyên nhân đối đầu, ý kiến hai bên không giống nhau. Phía Trung Quốc cho rằng, tàu chiến Philippines “mắc cạn phi pháp” trên bãi Cỏ Mây lâu ngày không sửa chữa, có dấu hiệu chìm, do vậy Philippines vội vàng đưa tàu chiến ra chi viện, với ý đồ tăng cường sự hiện diện trên bãi Cỏ Mây vì thế Trung Quốc không thể không ngăn cản. Phía Philippines cho rằng, họ phát hiện thấy tàu hải giám và tàu chiến Trung Quốc tiến vào bãi Cỏ Mây trước rồi mới phái tàu chiến đến giám sát; rằng tàu chiến Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây là để tiếp tế cho quân lính, đó là việc làm bình thường. Sau đó, Philippines cho biết thêm, tàu cá Trung Quốc tiến vào bãi Cỏ Mây đánh bắt cá dưới sự yểm trợ của tàu chiến và tàu hải giám cũng là nguyên nhân dẫn đến đối đầu. Theo điều tra, ngày 6/5 thực sự có đoàn tàu Trung Quốc xuất phát từ Hải Nam, nghênh ngang tiến vào biển Đông đánh bắt cá nhưng mãi tới ngày 12/5 mới tới vùng biển nằm giữa bãi Scarborough và bãi Cỏ Rong (Reed Tablemount (14° 00’ N, 117° 14’ E). Khi cuộc đối đầu bắt đầu diễn ra, đoàn tàu này chưa đến bãi Cỏ Mây. Nguyên nhân khiến Trung Quốc lựa chọn để đối đầu với Philippines tại bãi Cỏ Mây nhiều khả năng là vì bãi Cỏ Rong. Năm 2011, Philippines và công ty dầu khí Mĩ hợp tác thăm dò và đồng ý khai thác bãi Cỏ Rong, nhưng việc khai thác bị dừng lại do sự phản đối của Trung Quốc (xem phần VI.5). Bãi Cỏ Mây nằm ở phía Nam bãi Cỏ Rong, nếu Trung Quốc kiểm soát được Cỏ Mây thì sẽ kiểm soát được bãi Cỏ Rong hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất là: một, trả đũa việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra Tòa án quốc tế; hai, bãi Cỏ Mây là đảo duy nhất do Philippines chiếm cứ chưa có công trình kiên cố, việc kiểm soát rất yếu ớt, giả sử Philippines định xây dựng công trình kiên cố thì Trung Quốc phải ngăn chặn việc sự hiện diện kiểu lâu bền của họ ở bãi Cỏ Mây; ba, Trung Quốc có động cơ chiếm lấy bãi Cỏ Mây.

Sau khi thừa nhận đối đầu tại bãi Cỏ Mây, Trung Quốc lập tức tạo thế từ dư luận, đồng thời mở rộng phong tỏa bãi Cỏ Mây. Bên cạnh việc giám sát của hải quân và hải giám, Trung Quốc còn đưa hơn 30 tàu cá đến bao vây khu vực phụ cận Cỏ Mây, tăng thêm khả năng ngăn chặn tàu Philippines đến gần.

Ban đầu, Philippines giữ thái độ cứng rắn. Ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tuyên bố: “Bãi Cỏ Mây thuộc về Philippines không có tranh chấp” và nói thêm: “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì lãnh thổ của mình cho đến người lính cuối cùng.”[1138]

Tuy nhiên, Philippines không dám xung đột trực diện với Trung Quốc, mặc dù các tàu chiến đã đối đầu tại khu vực gần đó nhưng Philippines không dám xông tới, và việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trở thành lối thoát duy nhất.

Một mặt, Philippines nhường nhịn Trung Quốc: trước hết tỏ thái độ mềm mỏng, tuyên bố không hành động đơn phương. Ngày 27/5, người phát ngôn Phủ Tổng thống Walter tuyên bố: “Để tránh căng thẳng tại bãi Cỏ Mây, Chính phủ Philippines quyết định không thực hiện bất kì hành động nào.”[1139] Đồng thời, ngư dân được khuyến cáo không nên đến đánh bắt trong khu vực gần bãi Cỏ Mây. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đảm bảo với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh rằng, tàu đến bãi Cỏ Mây chỉ là để tiếp tế lương thực, Philippines không có kế hoạch xây dựng công trình kiên cố tại đây.[1140]

Mặt khác, Philippines kêu gọi kêu gọi cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế giúp đỡ. Trước hết, khi trả lời phỏng vấn hãng Reuters, quan chức quân đội cao cấp Philippines nói, lính thuỷ đánh bộ Philippines trên bãi Cỏ Mây hiện chỉ nấu ăn bằng một máy phát điện. Liên lạc vô tuyến tầm xa phải dùng ắc quy, máy phát điện hết nhiên liệu, ắc quy chưa nạp đủ điện là một “thách thức cực kì khắc nghiệt”. Hơn thế, nguồn vật tư trên tàu chỉ đủ dùng trong hai tuần.[1141] Đồng thời, Philippines công bố hình ảnh binh lính phòng thủ trên tàu để tranh thủ sự đồng cảm. Hai là, ngày 2/6, khi Đối thoại Shangri La nhóm họp tại Singapore, Philippines tuyên bố sẽ tranh thủ cơ hội này để luận bàn toàn diện vấn đề biển Đông, trong đó có bãi Cỏ Rong và tố cáo Trung Quốc ỷ lớn hiếp nhỏ. Thứ ba, Philippines tìm kiếm sự trợ giúp quân sự từ Mĩ. Mĩ, Philippines và nhiều nước ASEAN quyết định diễn tập quân sự vào hạ tuần tháng 6, tại khu vực cách bãi Scarborough khoảng 190 km, quy mô diễn tập lớn nhất trong lịch sử. Philippines cũng tìm kiếm sự trợ giúp từ Nhật Bản. Nhật Bản hứa cho Philippines 10 tàu tuần duyên nhằm cải thiện năng lực tuần tra biển.

Không khí quốc tế khi đó cũng thuận lợi cho Philippines. Trung Quốc và Nhật Bản đã trong tình trạng sẵn sàng đối đầu trong vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), trở thành sự kiện ngoại giao, quân sự quan trọng nhất. Mặc dù Trung Quốc dùng tàu hải giám, thậm chí là tàu chiến đến “tuần tra” dọc vùng đảo Điếu Ngư, nhưng không có cách nào đột phá được bên trong, cũng không có cách nào ép được Nhật Bản thừa nhận đảo Điếu Ngư đang trong tình trạng tranh chấp lãnh thổ. Ngược lại, Nhật Bản lợi dụng mâu thuẫn lãnh thổ giữa Trung Quốc với ASEAN, thậm chí cả với Ấn Độ, ra sức xây dựng vòng vây “ giá trị chung” và “lợi ích chung”.

Sau khi xảy ra sự kiện đối đầu tại bãi Cỏ Mây, cộng đồng quốc tế liên hệ với sự kiện bãi Scarborough một năm trước đó và cho rằng đây là điểm nóng mới của việc Trung Quốc “hiếp đáp” các nước láng giềng. “Hiếp đáp” là loại phương thức dùng gần như vũ lực có sự hậu thuẫn của vũ lực để dọa nạt, được xem là thủ đoạn phi hòa bình. Philippines nhờ đó mà chiếm được sự đồng tình của dư luận quốc tế.

Mặc dù Việt Nam và Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ nhưng về cơ bản đã đạt được thỏa thuận giải quyết hòa bình. Hành động của Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây khiến Việt Nam cảm thấy bất an, vì rằng đá Tiên Nữ (Pigeon Reef) do Việt Nam kiểm soát thực tế cách bãi Cỏ Mây không xa. Việt Nam và Ấn Độ tuyên bố tập trận chung vào ngày 8/6, đây được coi là một kiểu ủng hộ Philippines. Khi đó, Trung Quốc cũng xảy ra đối đầu với Ấn Độ tại Ladakh. Như vậy, trước Đối thoại Shangri La diễn ra hàng năm, Trung Quốc cùng một lúc có xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ, chịu áp lực nặng chưa từng có.

Thái độ của Mĩ khi đó trở thành mấu chốt. Mĩ và Philippines là đồng minh quân sự, cũng là hai nước luôn phản đối giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp phi hòa bình. Sau khi vụ đối đầu ở bãi Cỏ Mây, Mĩ nhiều lần nhắc lại quan điểm mong muốn vấn đề biển Đông được giải quyết bằng phương thức hòa bình. Trong hai ngày 22 và 23 tháng 5, nhóm tác chiến tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân “Nimitz” của hải quân Mĩ rầm rộ tiến vào biển Đông, tiến hành tập trận gần vùng biển Philippines với các hạng mục có tính trực diện, mạnh bạo như yểm trợ tàu vận chuyển, chi viện trên không và trên biển cho binh lính canh giữ đảo, bắn trả tàu. Tuy địa điểm diễn tập không gần bãi Cỏ Mây, nhưng đã phát đi tính hiệu phản đối Trung Quốc rõ ràng. Điều quan trọng nhất là, Tổng thống Obama đã mời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến dinh ông ở California để hội đàm vào đầu tháng 6. Đây được coi là cuộc hội đàm có tính then chốt đối với việc Trung Quốc và Mĩ chính thức xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” hoặc cấu trúc G2. Quan hệ nước lớn kiểu mới khác với “kiểu cũ” là “không xung đột”. Vì vậy, Trung Quốc không muốn làm hỏng bầu không khí hội đàm.

Do đó, ngày 29/5, Trung Quốc và ASEAN tiến hành họp Nhóm công tác chung lần thứ 8 về thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (8th ASEAN-China Joint Working Group (JWG) on Implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea). Chi tiết cuộc họp không được công bố, nhưng theo Trung Quốc, Hội nghị khẳng định rõ việc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” đạt được những tiến triển tích cực năm 2012, các bên nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố”.[1142] Trước Đối thoại Shangri La, mặc dù Trung Quốc và Philippines liên tục đối đầu tại bãi Cỏ Mây nhưng không leo thang: Philippines không làm liều vận chuyển vật tư đến bãi Cỏ Mây, còn Trung Quốc cũng không lựa chọn những hành vi quá khích.

Phiên họp Đối thoại Shangri La diễn ra từ ngày 2-4/6 đã không có nhưng cảnh nóng như dự kiến. Các bên liên quan đều thể hiện lo ngại ở các mức độ khác nhau trước việc Trung Quốc dùng thủ đoạn uy hiếp để mở rộng phạm vi kiểm soát thực tế. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị các bên liên quan nên xem xét kí kết hiệp ước “không sử dụng vũ lực trước”. Tuy nhiên, cách nói của các bên đều mềm mại. Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gasmin lần lượt phát biểu trong cùng một ngày, đều không đề cập trực tiếp đến sự kiện bãi Cỏ Mây, còn khi trả lời câu hỏi cũng dừng ở đó. Thích Kiến Quốc nhấn mạnh hòa bình về ranh giới biển, thậm chí nguy cấp hơn là về vấn đề đảo Điếu Ngư, ông cũng nhắc lại chính sách “gác tranh chấp”. Với sự đồng thuận ngầm của tất cả các bên, Đối thoại Shangri La đã tạo điều kiện cho việc giải quyết hòa bình sự kiện bãi Cỏ Mây.[1143] Sau đó, Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Hoa Kì tại California, Obama nhấn mạnh với Tập Cận Bình tầm quan trọng trong việc giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông. Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Dưới tác động của nhiều nhân tố, ngày 19/6, Tổng Tư lệnh Philippines đột nhiên tuyên bố, thông qua một phân đội hải quân nhỏ, quân đội đã thực hiện thành công tiếp tế vật tư và luân chuyển người ở bãi Cỏ Mây. Ông nhấn mạnh, không gặp phải tàu Trung Quốc; việc bổ sung vật tư và luân chuyển thực hiện định kì, ngoài bãi Cỏ Mây, cũng được tiến hành tại tất cả các đảo do Philippines kiểm soát. Ông còn nói, Philippines có thể tự do thực hiện bất kì hành động nào trên bãi này mà không cần thông báo cho phía Trung Quốc, vì đó là “của chúng tôi”. Đương nhiên, ông cũng đảm bảo với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh rằng Philippines không có ý định xây dựng công trình kiên cố trên bãi Cỏ Mây.[1144]

Trung Quốc thì nói: việc tiếp tế vật tư và luân chuyển lực lượng của Philippines phải được tiến hành dưới sự giám thị của tàu Trung Quốc. Ngày 24, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc không thừa nhận “ngồi trên bãi” là một dạng phương thức kiểm soát thực tế.[1145] Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Philippines phải thực hiện lời hứa dừng hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.[1146] Cuộc khủng hoảng bãi Cỏ Mây được giải quyết một cách kịch tính trong âm thầm.

Căn cứ vào lời nói của hai bên thì Philippines và Trung Quốc rõ ràng đã đạt được một số thỏa thuận: Philippines hứa không xây dựng công trình kiên cố trên bãi Cỏ Mây, còn Trung Quốc cũng đồng ý chỉ quan sát mà không ngăn cản hải quân Philippines tiếp tế vật tư lên đảo. Như vậy, cả hai bên đều có thể đưa ra cách giải thích có lợi cho mình: phía Philippines, “khi tiếp tế vật tư và luân chuyển quân không gặp phải tàu Trung Quốc”, còn phía Trung Quốc cũng có thể xác nhận “Philippines tiến hành tiếp tế vật tư và luân chuyển quân dưới sự giám thị của tàu Trung Quốc”. Trung Quốc nói Philippines cần phải thực hiện lời hứa kéo tàu chiến rời đi. Không biết chính xác Philippines đã hứa hẹn cụ thể thế nào, nhưng đại thể có hứa sẽ kéo tàu chiến đi, nhưng không định rõ thời hạn. Còn việc “ngồi trên bãi” có được coi là kiểm soát thực tế hay không, hai bên có ý kiến khác nhau, đây là một ví dụ khác về “mỗi bên mỗi phách”. Nhưng trong mọi trường hợp, theo cách nhìn của bên thứ ba, sau khi thực hiện việc tiếp tế vật tư và luân chuyển quân ở bãi Cỏ Mây thì Philippines đã củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của mình đối với bãi này, đó là một thực tế không thể chối cãi. Philippines cũng đã tiến thêm một bước trong việc giám sát vùng biển gần bãi Cỏ Mây.[1147]

Sự khác và giống nhau giữa hai sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) và bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây)

Nhiều chuyên gia Trung Quốc dự đoán, Trung Quốc sẽ không cho Philippines tiếp tế vật tư, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc sẽ cưỡng ép kéo tàu chiến Philippines đi, nhằm biến bãi Cỏ Mây thành “bãi Scarborough thứ hai”. Những luận điệu đánh đồng kiểu đó đã bỏ qua sự khác nhau về bản chất giữa hai sự kiện.

Trước hết, bãi Cỏ Mây rõ ràng nằm trong phạm vi Hiệp ước quân sự Mĩ - Philippines. Năm 1951, Mĩ và Philippines đã kí “Hiệp ước phòng vệ chung” liên minh quân sự (Mutual Defense Treaty), quy định hai bên có nghĩa vụ bảo vệ về quân sự cho nhau. Việc Trường Sa có thuộc phạm vi “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines” hay không vẫn còn mơ hồ. Điều 5 quy định khi một nước bị nước khác tấn công trong 3 phạm vi dưới đây thì nước kia có nghĩa vụ cùng bảo vệ về quân sự: (1) lãnh thổ chính của Philippines và Mĩ; (2) các đảo thuộc quyền tài phán của mỗi bên trên biển Thái Bình Dương; (3) quân đội, tàu biển và máy bay dân dụng của mỗi bên trên biển Thái Bình Dương.

For the purpose of Article IV, an armed attack on either of the Parties is deemed to include an armed attack on the metropolitan territory of either of the Parties, or on the island territories under its jurisdiction in the Pacific or on its armed forces, public vessels or aircraft in the Pacific.

(Cho mục đích của Điều IV, một cuộc tấn công vũ trang được coi là nhằm vào một trong hai bên bao gồm một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lãnh thổ chính của một bên trong hai bên, hoặc nhằm vào lãnh thổ các đảo nằm dưới quyền tài phán của bên đó, hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay dân dụng của bên đó ở Thái Bình Dương.)[1148]

Vậy, quần đảo Trường Sa có nằm trong phạm vi này hay không? Trong những năm 1990, Kissinger đã từng giải thích bằng điện tín như sau: Năm 1951, khi Hiệp ước này được kí kết, Philippines chưa chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa; hơn nữa, quần đảo Trường Sa cũng không nằm trong phạm vi Tây Ban Nha chuyển nhượng cho Mĩ, theo quy định của “Hiệp ước Paris”.[1149] Vì thế phạm vi (1) và (2) đều không phù hợp với yêu cầu, có chăng chỉ duy nhất là phạm vi (3).

Trong thư gửi Ngoại trưởng Philippines ngày 6/1/1979, Ngoại trưởng Mĩ Cyrus Vance bày tỏ, địa điểm tấn công quân sự, tàu thuyền công cộng và máy bay được nói tới trong (3) không nhất thiết nằm trong phạm vi (1) và (2): [1150]

..as provided in Article V, an attack on Philippine armed forces, public vessels or aircraft in the Pacific would not have to occur within the metropolitan territory of the Philippines or island territories under its jurisdiction in the Pacific in order to come within the definition of Pacific area in Article V.

(.....như quy định tại điều V, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay dân dụng ở Thái Bình Dương không buộc phải xảy ra trong lãnh thổ chính của Philippines hay lãnh thổ các đảo dưới quyền tài phán của nó trong Thái Bình Dương để nằm vào định nghĩa khu vực Thái Bình Dương ở điều V .)

Trong thư gửi Ngoại trưởng Philippines ngày 24/5/1999, Đại sứ Mĩ tại Philippines Thomas C. Hubbard viết rằng Mĩ tiếp tục giữ vững lập trường đã nêu năm 1979, và Mĩ cho rằng biển Đông thuộc khu vực Thái Bình Dương (the US considers the South China Sea be Part of the Pacific Area).[1151] Sau đó, Ngoại trưởng Mĩ Hillary Clinton nhiều lần nhắc lại rằng Mĩ sẽ tuân thủ nghĩa vụ của “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines”.

Theo bức điện tín của Kissinger, giống như quần đảo Trường Sa, bãi Scarborough cũng không nằm trong phạm vi (1) và (2). Hơn nữa, khi đó chưa có quân đội Philippines trú đóng ở bãi Scarborough, và Trung Quốc cũng chưa tấn công (chỉ là đối đầu) tàu Philippines. Do đó, Mĩ không có nghĩa vụ trợ giúp Philippines phòng vệ bãi Scarborough. Nhưng, tình huống của bãi Cỏ Mây có điểm khác biệt: dù nó không nằm trong phạm vi (1) và (2) nhưng Philippines có tàu chiến đậu tại đó, thuộc lực lượng vũ trang Philippines, phù hợp với quy định của phạm vi (3). Nếu Trung Quốc dùng vũ lực lên đảo kéo hoặc tiêu huỷ tàu sẽ cấu thành việc tấn công vũ trang đối với Philippines, động chạm đến phạm vi (3), và Mĩ có thể can thiệp theo “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines”.

Điều đáng chú ý là, năm 1951, khi “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines” được kí kết thì chưa có xung đột biển Đông. Trong hơn 60 năm sau đó, Hiệp ước này cũng chưa mở rộng phạm vi và nghĩa vụ, vì thế không thể nói Hiệp ước này cố ý nhằm vào Trung Quốc hay quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do sự tồn tại của Hiệp ước này nên Mĩ phải có nghĩa vụ can thiệp vào vấn đề biển Đông theo các quy định của Hiệp ước, đó không phải là chính sách nhất thời. Philippines và Mĩ không thể đứng ngoài Hiệp ước này, trừ khi họ xóa bỏ hoặc sửa đổi nó. Vì thế, để ngăn chặn Mĩ can thiệp, Trung Quốc quá lắm chỉ có thể sử dụng phương thức chặn trước, không thể liều lĩnh xông vào, trừ khi Trung Quốc quyết định không ngần ngại xung đột trực diện với Mĩ.

Thứ hai, bãi Cỏ Mây rõ ràng nằm trong phạm vi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”. “Không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những đảo hiện không có người sinh sống” ghi trong điều 5 của “Tuyên bố”, đó là một tiêu chuẩn rõ ràng, có tác dụng ngăn chặn hành động lấn chiếm đảo của các bên trên biển Đông. Mặc dù “Tuyên bố” không có hiệu lực pháp lí, nhưng nó là thỏa thuận quan trọng duy nhất mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được, và cũng được Trung Quốc và ASEAN nhấn mạnh cần tuân thủ.

Phạm vi địa lí được quy định trong “Tuyên bố” là “biển Đông”, lí giải theo câu chữ tức là toàn bộ biển Đông, các nước ASEAN cũng hiểu theo nghĩa này. Nhưng, Trung Quốc lại cho rằng, “Nam Hải” (biển Đông) là chỉ những khu vực có tranh chấp, tức là quần đảo Trường Sa chứ không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và đảo bãi Scarborough cũng đang có tranh chấp. Vì vậy, theo cách diễn giải đơn phương của Trung Quốc, bãi Scarborough không thuộc phạm vi hiệu lực của “Tuyên bố”, cho nên việc Trung Quốc chiếm bãi Scarborough là không vi phạm “Tuyên bố”. Cách diễn giải của Trung Quốc cũng không hoàn toàn vô lí. Nhưng, bãi Cỏ Mây là một phần của quần đảo Trường Sa, thuộc phạm vi bao phủ của “Tuyên bố” mà Trung Quốc cũng thừa nhận. Do đó, nếu chiếm đoạt bằng vũ lực chắc chắn là vi phạm “Tuyên bố”.

Để giành thế chủ động về mặt pháp lí, Trung Quốc quay sang cáo buộc việc Philippines vi phạm “Tuyên bố”. Trước tiên, Trung Quốc cáo buộc việc tàu chiến Philippines mắc cạn trên bãi Cỏ Mây là vi phạm “Tuyên bố”. Nhưng lời chỉ trích và tố cáo này không đứng vững được, vì rằng tàu chiến mắc cạn trước (năm 1999) còn “Tuyên bố” được kí kết sau (năm 2002). “Tuyên bố” không có hiệu lực hồi tố. Bắt đầu từ năm 1999, tàu chiến Philippines đã mắc cạn ở đó, đồng thời có người canh giữ, vì thế nó thuộc cấu trúc “có người ở” tự nhiên. Trung Quốc tranh luận: “mắc cạn” không được tính là “cư trú” theo nghĩa thông thường, chỉ được tính khi có công trình xây dựng kiên cố. Cách diễn giải này gây nhiều tranh chấp, nhưng ngay cả tuân theo logic này, khi Philippines chỉ vận chuyển vật tư và luân chuyển lực lượng mà không xây dựng đảo bằng công trình kiên cố thì không tính là vi phạm “Tuyên bố”. Kết quả là Trung Quốc không có căn cứ để hành động chống Philippines. Trung Quốc không có cách nào để làm gì thêm đối với Bãi Cỏ Mây mà không vi phạm Tuyên bố.

Cuối cùng, nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế thì tình cảnh của Trung Quốc đã khác hẳn so với một năm trước đó. Bãi Scarborough chỉ là trường hợp xung đột đầu tiên của Trung Quốc tại biển Đông, khi đó khu vực xung quanh Trung Quốc chưa biến thành thùng thuốc súng. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã tấn công mọi hướng, xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ. Các nước này chung tay đối phó với Trung Quốc là điều không tránh khỏi. Nhật Bản và Philippines kết thành một tuyến, Việt Nam và Ấn Độ cũng kết thành một tuyến, chưa kể Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mĩ, còn Nga là người ủng hộ vô hình phía sau Việt Nam và Ấn Độ. Tình hình quốc tế rất bất lợi cho Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc luôn cáo buộc Philippines là “kẻ gây rối” nhưng Philippines vẫn luôn chủ trương giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua Tòa án quốc tế, điều đó hết sức phù hợp với kì vọng của cộng đồng quốc tế. Ngược lại, hành vi trong năm đó của Trung Quốc bị thế giới cho là nguyên nhân gây ra bất ổn ở Đông Á, rất bất lợi trước dư luận quốc tế. Trong bối cảnh đó, chính sách tái cân bằng Châu Á nhận được sự hoan nghênh của các nước, trừ Trung Quốc. Trung Quốc càng cứng rắn trước vấn đề biển Đông thì càng làm cho các nước Đông Nam Á ủng hộ sự can dự của Mĩ. Nguy cơ Trung Quốc đối đầu với một dạng hầu như liên minh các nước Châu Á – Thái Bình Dương do Mĩ cầm đầu càng lên cao. Trung Quốc chỉ có thể tạm thu mình.

Ngoài ra, chiến lược trọng tâm của Trung Quốc là xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, nhằm trở thành đồng lãnh đạo của thế giới. Vì thế, Trung Quốc không những cần phải hợp tác với Mĩ mà còn cần phải xây dựng hình ảnh tích cực trên phạm vi toàn cầu. Dưới tiền đề đó, Trung Quốc chắc chắn không thể phá vỡ đại cục chỉ vì mấy đảo / đá cỏn con. Hơn nữa, tình thế biển Đông vốn xưa nay đã là vấn đề quốc tế phức tạp khác thường, không thể giải quyết dựa trên bãi Cỏ Mây, đương nhiên cần tạm gác lại. Huống chi khi đó Trung Quốc đang chuẩn bị xây đảo nhân tạo (xem phần VI.12), bãi Cỏ Mây không phải là chuyện cấp bách.

Do đó, hành động đối đầu của Trung Quốc không nhất thiết là chiếm đoạt bằng được bãi Cỏ Mây mà chỉ là trả đũa việc Philippines khởi kiện tại Tòa quốc tế. Nhìn lại trình tự sự kiện đối đầu: ngày 24/4 công bố thành lập Tòa trọng tài; ngày 26 Hoa Xuân Oánh liệt kê các đảo do Philippines kiểm soát thực tế không bao gồm bãi Cỏ Mây, điều này có thể là do nhìn thấy điểm yếu tương đối về mặt kiểm soát thực tế bãi Cỏ Mây của Philippines (không có công trình kiên cố); sau khi nghiên cứu, Philippines quyết định xây thêm công trình kiên cố, vì vậy Trung Quốc tiến hành ngăn chặn. Có thể thấy, điểm mấu chốt của Trung Quốc chính là ngăn Philippines xây dựng công trình kiên cố. Trên cơ sở đó, nếu giành được đảo thì đương nhiên là điều tốt, nếu không thì cũng có thể chấp nhận. Suy đoán đó sau này cũng được các chuyên gia Trung Quốc xác nhận.[1152]

Sự kiện đối đầu bãi bãi Cỏ Mây kết thúc như dự đoán. Trung Quốc về cơ bản đạt được mục tiêu của mình: (1) trả đũa hành động khởi kiện Tòa trọng tài của Philippines; (2) lần đầu tiên Trung Quốc nêu việc bãi Cỏ Mây chưa do Philippines kiểm soát thực tế, đặt cơ sở cho những hành động tiếp theo có thể thực hiện sau này; (3) Trung Quốc xác định tàu chiến Philippines trên bãi Cỏ Mây là tàu bị nạn, bác bỏ sự hiện diện quân sự kéo dài 14 năm của Philippines là hành động chiếm đóng, chính thức lí giải sự hiện diện của Philippines trên bãi Cỏ Mây; (4) Trung Quốc nhấn mạnh rằng chỉ khi có sự cho phép của chính họ, Philippines mới có thể vận chuyển vật tư ra bãi Cỏ Mây và sau đó cho rằng họ nắm quyền kiểm soát thực tế bãi đá này; (5) Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn Philippines xây dựng công trình kiên cố, giữ nguyên hiện trạng bãi Cỏ Mây.

Mặt khác, Philippines cũng không phải là kẻ thua cuộc, vì: (1) thành công trong việc vận chuyển vật tư và luân chuyển quân, tiếp tục hiện diện trên bãi Cỏ Mây và duy trì hiện trạng bãi này; (2) nhấn mạnh mình đã trú đóng 14 năm tại bãi Cỏ Mây, hiện vẫn có thể vận chuyển vật tư và luân chuyển quân để chứng minh cho việc kiểm soát thực tế; (3) lần đầu tiên quan chức Trung Quốc thừa nhận Philippines kiểm soát thực tế 8 đảo.

Cách giải thích rằng mỗi bên đều có cái được, không có bên thua nghe ra có vẻ mâu thuẫn. Nhưng đây thực sự là hai mặt của một đồng xu, cũng là ví dụ về việc “mỗi bên mỗi phách” trong ngoại giao.

Mặc dù sau đó Trung Quốc tiếp tục tố cáo Philippines nhưng sự kiện bãi Cỏ Mây đã kết thúc một giai đoạn. Tháng 8/2014, Philippines lại tiến hành vận chuyển vật tư và luân đổi lực lượng nhưng không vấp phải sự ngăn chặn của Trung Quốc. Tuy tàu hải giám Trung Quốc giám sát gần, nhưng không có hành động thù địch nào..[1153] Dù vậy, bãi Cỏ Mây vẫn đầy thách thức với Philippines, làm thế nào để bảo vệ con tàu cũ kĩ trong thời gian dài trên bãi đá để tàu không bị chìm và tiếp tục có người ở là việc không hề dễ.


[1114] http://vietnamlawmagazine.vn/law-of-the-sea-of-vietnam-4895.html Luật này quy định về đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển; phát triển kinh tế biển; quản lí đảo và bảo vệ biển đảo. (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Luat-bien-Viet-Nam-2012-143494.aspx)

[1115] http://news.xinhuanet.com/world/2012-06/21/c_112269020.htm

[1116] https://zh.wikipedia.org/zh-hk%E4%B8%89%E6%B2%99%E5%B8%82

[1117] Mạng sử chí Hải Nam. Sách ghi chép địa phương “Hải Nam tỉnh chí” ghi chép về quần đảo Trung Sa Tây nam, “phần 1: hoàn cảnh địa lí”, chương 1, cương vực, đảo dữ.

[1118] Hồ Bôn: Cạnh tranh 5 lực lượng trong quản lí biển ở Trung Quốc, Báo Nam phương cuối tuần, 8/2/2010.

[1119] Tổ chức lại Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, kết thúc thời kì ngũ long trị hải, Nhân dân nhật báo bản hải ngoại, 26/7/2013.

[1120] Tàu vạn tấn của Trung Quốc hạ hải, năm sau đến Biển Hoa Đông và Nam Hải bảo vệ quyền lực, http://m.hexun.com.tw/news/2014-15/171418779.html

[1121] Khởi nguồn và phát triển, tr.109.

[1122] http://politics.people.com.cn/GB/1026/17709615.html

[1123] Lyle Goldstein, Strategic Implications of Chinese Fisheries Development, China Brief, 2009, Vol:9, Issue:16.

[1124] http://www.chinanews.com.gn.2012/12-31/4451913.shtml

[1125] http://www.voachinese.com/content/china-south-sea-20140109/1826400.html

[1126] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/word/2014/01/140111_vietnam_philippines_china

[1127] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/word/2014/01/140111_vietnam_philippines_china

[1128] http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-25666849

[1129] http://news.cina.com.cn/c/2014-01-10/163129209087.shtml

[1130] “Biện pháp thực thi Luật nghề cá nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”, http://faolex.fao.org/docs/pdf/chn140585.pdf

[1131] http://www.law-lib.com ~trang 1, http://www.hinews.cn/news/system/2013/12/07/016278991.shtml ~ bản sửa chữa

[1132] http://www.bbc.co.uk/zhongwen/simp/china/2013/12/131216_kerry_vietnam_china.shtml

[1133] Lâm Phỉ Văn, Trâu Hiển Vĩ: nghề cá của nước ta tại phía Nam Nam Hải hiện nay: khó khăn và đối sách, Thông tin và chiến lược nghề cá, số 3, quyển 29, tháng 8-2014, tr.176.

[1134] http://mp.weixin.qq.com/s?_biz=OTE4MzAyODYx&mid=201038846&idx=1&sn=d5e9338032e53014eba94c0c8399569a

[1135] http://news.ifeng.com/a/20150610/43945780_0.shtml

[1136] http://qa.china.embassy.org/chn/fyrth/t1035477.htm

[1137] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/china/2013/05/130529_south_china_sea_second_thomas.

[1138] http://www.philstar.com/headlines/2013/05/945640/well-fight-our-territory-lassoldier Nguồn: Ayungin Shoal is clearly within our continental shelf. As far as we are concerned there is no dispute over the area. It is ours àn there’s no reason to pull out troops there. To the last soldier standing, we will fight for what is ours.

[1139] http://www.chinanews.com/mil/2013/05-28/4864953.shtml

[1140] http://news.sohu.com/20130530/n377503777.shtml

[1141] http://news.sohu.com/20130530/n377581815.shtml

[1142] http://news.sohu.com/20130606/n378219887.shtml

[1143] http://www.iiss.org/en/event.shangri%20la%20dialogue/archive/shangri-la-dialogue-2013-c890

[1144] http://globalnation.inquier,net/78115/afp-confirms-re-provisioning-troop-rotationactivities-in-ayungin-shoal

[1145] http://news.sohu.com/20130624/n379722906.shtml

[1146] http://news.sohu.com/20130627/n380065122.shtml

[1147] Sự cố kĩ thuật của máy bay do thám OV-10 khi đang trinh sát khu vực gần bãi đá Nhân Ái, Ngày 23/6

[1148] http://avalon.low.yale.edu/20th_century/phi1001.asp

[1149] http://www.philippineembassy-usa.org/news/2566/300/Statement-of-Foreign-Affairs-Secretary-Albert-F-ded-Rosario-Regarding-The-Philippines-US-Mutual-Defensetreaty/d,phildet/

[1150] United States Treaties and Other International Agreement, Department of State, Vol.30, Part I, 1978-1979, p.887.

[1151] http://newsonfo.inquirer,net/190811/what-wil-ameriaca-do-if-china-attacks-filipinoforces-in-spratlys

[1152] http://war.163.com/13/0629/15/92IOHP66000140MD.html

[1153] http://mil.sohu.com/20140805/n403148051.shtml