Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Từ hai đám tang của người xứ Quảng ở Sài Gòn

Lý Đợi

Trong lịch sử và ký ức của Sài Gòn hơn 100 năm qua, thì dân xứ Quảng đã có khá nhiều đám tang để lại tình cảm sâu đậm của người dân nơi đây. Như sách Tấn Thơ Lưu Nghị truyện viết: “Đại trượng phu cái quan sự phương định” (tạm dịch: Kẻ đại trượng phu đến lúc đậy nắp hòm sự nghiệp mới định vị được). Hoặc nói giản dị như dân gian: nhìn không khí đám tang là biết người chết đã sống cuộc đời như thế nào.

Trong rất nhiều đám tang của dân Quảng ở Sài Gòn thế kỷ 20, xin được nhắc lại đám tang của hai đại trượng phu: Phan Châu Trinh và Nhất Linh. Dù chỉ qua sử liệu ngắn gọn và vài hình ảnh, vẫn có thể hình dung được phần nào về khí phách, về cách thể sống của hai kẻ sĩ này.

Người mở con đường Duy Tân

Ngày 24/3/1926, chí sĩ Phan Châu Trinh đột ngột qua đời tại Sài Gòn, khi mới 54 tuổi, đang ở độ chín muồi của một nhà tư tưởng. Sáng đó Huỳnh Thúc Kháng ghé thăm, kể lại: “Khi đến Sài Gòn, bệnh Tây Hồ đã trầm trọng, không ngồi dậy được, chỉ ngó nhau cười, nhưng nhân khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: ‘Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoản ngắn ngủi cũng đủ rồi, can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều’. Đêm đó Tây Hồ qua đời!”.

Linh cữu Phan Châu Trinh được quàn tại khách sạn Bá Huê Lầu, số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur). Ban tang lễ gồm 15 người, của nhiều địa phương, do Bùi Quang Chiêu làm chủ tịch, để tổ chức “quốc tang”, dù bị chính quyền ngăn trở. Giờ nhìn lại ban tang lễ này, đa số đã là đại trượng phu, nhiều người có tên đường trước và sau 1975 như Nguyễn Văn Thinh, Lê Quang Liêm, Trương Văn Bền, Trần Huy Liệu, Bùi Quang Chiêu… Có những số liệu khác nhau về lượng người đưa tiễn. Theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là “có tới 30.000 người”; theo nhà văn Nguyễn Thị Minh thì “hơn 6 vạn người”; theo nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều người khác, thì “khoảng 100.000 người”… Chỉ cần lưu ý là dân số cả Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1926 là 345.000 người.

clip_image004_thumbĐưa tang Phan Châu Trinh. Ảnh: Khánh Ký

Hàng trăm kẻ sĩ trong cả nước – không ít người khác quan điểm, khuynh hướng chính trị – đã đưa tiễn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Phạm Liệu, Lê Huân, Dương Bá Trạc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Tăng Bí, Lê Dư, Bạch Thái Bưởi, Trần Tuấn Khải, Lê Thước, Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Maurice Cognacq (Thống đốc Nam kỳ), Yves Chatel (Giám đốc Công chánh Đông Dương), Maurice Violette (Toàn quyền Algérie)... Tiền phúng điếu lên đến hơn 10.000 đồng, tương đương 20 tỷ đồng ngày nay.

Ngày 4/4/1926, đám tang được tổ chức trọng thể, do Đảng Thanh niên, Đảng Lập hiến… điều hành. Có bốn bài điếu văn của Hội Tương tế Gò Công, của Huỳnh Thúc Kháng, của Bùi Quang Chiêu, của đại diện công nhân Ba Son… được đọc trước khi hạ huyệt.

Trong lời đưa tiễn của ban tang lễ, có đoạn: “Thưởng công phạt tội là quyền của quốc dân ta, lại có cái nghĩa vụ phải thi hành quyền ấy. Những kẻ bán nước cầu vinh thì chúng ta đã phạt bằng bút, bằng lưỡi, đối với kẻ có tội đã như vậy, đối với người có công ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao. Cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc… Chánh phủ chẳng hề ra lịnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động có trật tự”.

Trong bài Nguyễn An Ninh Tôi chỉ làm cơn gió thổi, Nguyễn Thị Minh viết: “Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân”.

Đám tang đi theo lộ trình từ 54 Pallerin (nay là đường Pasteur, quận 1), qua đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1), đến đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng, quận 3), xuống đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), an táng tại nghĩa trang của Hội Tương tế Gò Công, gần sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc quận Tân Bình, TP.HCM.

image[3]

Linh cữu Phan Châu Trinh lúc đi qua quận Phú Nhuận.  Ảnh: Khánh Ký

GS Chương Thâu nhận định: “Chưa có một nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa ở nước ta từ trước cho đến thời điểm đó đã dành được sự trọng vọng lớn lao và một cảm tình sâu sắc đến như vậy!”. Còn học giả Nguyễn Hiến Lê thì viết: “Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước ta. Lập Nghĩa Thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà lập ra hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng lại là cụ”.

Thơm danh liệt sĩ Tường Tam

Đúng 50 năm trước, ngày 7/7/1963, noi gương việc tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức (ngày 11/6/1963), nhà văn Nhất Linh đã uống độc dược quyên sinh tại Sài Gòn để phản đối nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đàn áp đối lập chính trị và bách hại Phật giáo Việt Nam. Ông cũng ra đi ở tuổi 57, khi sự nghiệp đang tỏ rạng và sung sức. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương viếng câu đối: “Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt/ Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu”. Trừ bốn chữ “chứ sao, đâu chỉ”, các cụm từ còn lại là tên các tác phẩm của Nhất Linh.

image[10]

Đám tang Nhất Linh. Ảnh: Mạnh Đan

Theo dự kiến thì ngày 8/7/1963, Nhất Linh phải ra hầu phiên tòa xét xử những nhà bất đồng chính kiến. Tại phiên tòa này, gần 30 bị cáo – trừ Phan Quang Đán – đã chia nhau mảnh vải đen xé từ một chiếc áo, họ đeo lên cánh tay trái để tang Nhất Linh. Kết thúc phiên tòa, mỗi người bị kết án năm năm tù, đày ra Côn Đảo. Chính vì vậy mà đám tang Nhất Linh diễn ra thật đơn giản, trang nghiêm, cảnh sát và mật vụ còn đông hơn dân thường.

 

image[14]

Quang cảnh lễ cầu siêu cho Nhất Linh tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Đan

Nhưng sau khi tang lễ khởi hành từ Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2, quận 1), người đưa tang mỗi lúc một đông, chủ yếu là văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên, học sinh... Hàng trăm báo đài trong nước và quốc tế đưa tin, tất cả các đối trướng đều được chụp hình, ghi chép, biên dịch. Khi đến chùa Xá Lợi (quận 3), thì dân chúng đông áp đảo cảnh sát và mật vụ, gần 200 tăng ni tham dự lễ cầu siêu. Sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Giác Minh (quận Gò Vấp); đến năm 1975 thì hốt cốt hỏa thiêu, gửi bình tro vào chùa Kim Cương (quận 3). Đến năm 2001, gia đình di dời hài cốt Phạm Thị Nguyên (vợ Nhất Linh) từ Pháp và Nhất Linh từ Sài Gòn về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở Hội An.

 

image[15]

Bia mộ Nhất Linh ở Hội An, trước khi trùng tu. Ảnh: Phanxipăng

Theo giới thạo tin tại Sài Gòn, dù người đưa tang bị bố ráp trực tiếp, nhưng kết quả thì đám đông và dư luận đã chiến thắng. Xét về mức độ, thì phải đến năm 2001, đám tang của Trịnh Công Sơn mới có thể đông tương đương như vậy.

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát ngày 2/11/1963, Sài Gòn đã tổ chức lễ truy điệu Nhất Linh rất trọng thể tại sân Tao Đàn. Trong văn tế Nhất Linh đề ngày 5/1/1964, thi sĩ Vũ Hoàng Chương kết: “Hỡi ơi!/ Tố Đoạn tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam/ Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lâu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn”.

Từ lễ truy điệu Nhất Linh, đồng hương Quảng - Đà đã nghĩ đến việc lập nghĩa trang riêng tại Sài Gòn cho chủ động các việc nghĩa. Năm 1966, Hội Trung Việt ái hữu, chủ yếu là đồng hương Quảng - Đà, đã mua đất lập nên nghĩa trang Gò Dưa (17 ha) ở xã Tam Bình, quận Thủ Đức. Sau đó các đồng hương Quảng - Đà khác cũng góp sức đáng kể trong việc hình thành tự phát nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ đầu thập niên 1970, về sau có gần 100.000 ngôi mộ.

Trong những người con xứ Quảng chôn ở Gò Dưa thì có đôi bạn Bùi Giáng và Tạ Ký, họ nằm cách nhau chừng 10 mét. Cách đó chỉ một đoạn ngắn, chừng 100 mét đường chim bay, là mộ Trịnh Công Sơn, người đã cùng đoàn xe tang đưa Bùi Giáng đến chôn ở đây.