Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Barbara Kingsolver và tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer 2023

Trần Thùy Mai

image

 

Barbara Kingsolver là nhà văn nữ người Mỹ quê ở Kentucky. Hiện nay phần lớn thời gian bà cư ngụ tại Appalachia, một vùng núi ở Tây Nam Virginia. Đấy cũng là nơi bà viết tiểu thuyết Demon Copperhead (Thằng quỷ đầu đồng).

Một điều đáng chú ý: cái nhan đề Demon Copperhead làm người đọc bất giác nhớ tới tiểu thuyết David Copperfield của Charles Dickens, nhà văn Anh thế kỷ 19. Dickens đã viết về cuộc đời một chú bé mồ côi phải chống chọi với những bất công và lãnh đạm của xã hội để sống sót, vượt lên và trưởng thành. (Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt từ hơn bốn mươi năm trước, với tựa đề phiên âm là Đêvít Copơphin). Chính Barbara Kingsolver khẳng định cuốn sách của mình được phóng tác từ tác phẩm của Charles Dickens, từ cấu trúc đến nhân vật.

Cũng nên biết thêm rằng trước khi viết Thằng quỷ đầu đồng, Kingsolver đã có chín tiểu thuyết và đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Huân chương Nhân văn Quốc gia của Hoa Kỳ năm 2000, Giải thưởng Sách Quốc gia của Nam Phi 1998, giải thưởng Văn học vì hòa bình Dayton năm 2011… Các cuốn sách bà viết đều nằm trong danh sách bestseller do The New York Times bình chọn. Một tác giả như vậy tất nhiên có thể tự sáng tạo ra cấu trúc tác phẩm của riêng mình. Vậy vì sao bà lại phóng tác tiểu thuyết của Dickens, và tại sao ban giám khảo của Pulitzer, một giải thưởng được bình chọn rất nghiêm nhặt, lại chọn một cuốn tiểu thuyết phóng tác? Tất cả đều có lý do.

Vùng Appalachia, bối cảnh của tiểu thuyết, là nơi sinh sống của những cộng đồng người Melungeon – tộc người pha trộn giữa các sắc dân da trắng, da đen và da đỏ. Họ cũng chính là nạn nhân của “đại dịch Opioid” đã kéo dài trong hơn hai thập kỷ, khiến rất nhiều người lâm vào cảnh nghèo túng, nghiện ngập.

Truyện mở ra với số phận một hài nhi, hình thành từ mối tình chớp nhoáng trong trại cai nghiện. Người mẹ tuổi teen nằm lịm trong căn nhà có bánh xe cũ kỹ, hôn mê vì phê thuốc. Đứa trẻ sơ sinh cứ tự mình vùng vẫy mà tòi ra, góp mặt với cuộc đời. Chú nhóc có tên Damon Fields, nhưng suốt tuổi thơ chú vẫn được gọi là Demon Copperhead – Thằng quỷ đầu đồng, vì vẻ nhếch nhác và mái tóc hung đỏ, thừa hưởng từ người cha đẹp trai mà chú chưa bao giờ gặp.

Mấy năm sau, mẹ Demon lấy chồng. Demon bị cha dượng bạc đãi, bị tống vào nhà nuôi trẻ xã hội. Dù bị ruồng bỏ nhưng Demon vẫn nhớ mẹ, vẫn thèm hơi ấm của tình mẫu tử. Năm 11 tuổi, vào đúng sinh nhật, đang âm thầm mong mẹ đến thăm thì chú bé nhận được tin mẹ chết vì dùng OxyContin quá liều. “Mẹ đã đưa tôi đi vào cuộc đời bà, rồi cũng vào ngày ấy, chính bà lại đi ra khỏi cuộc đời tôi.” Chẳng bao lâu, Demon cũng rơi vào bẫy ma túy…

Thời điểm chú bé Demon ra đời là khoảng năm 1996, lúc vùng Appalachia đang được công ty dược Purdue Pharma chọn làm tâm điểm để tung ra mặt hàng OxyContin, một loại thuốc giảm đau mà họ cam đoan là hiệu quả hơn cả morphine nhưng không gây nghiện. Phải mất nhiều năm người ta mới nhận ra: cả tiểu bang West Virginia đã bị Purdue thao túng theo một kế hoạch có tính toán. Các công ty bảo hiểm y tế nhận được tiền “lại quả”, các bác sĩ được khuyến khích kê đơn. Đối với những người dân Melungeon thường bị sây sát khi làm việc trong mỏ than, OxyContin đã gần như một thần dược trị bách bệnh. Không ai biết thật ra loại thuốc này có bản chất gần như thuốc phiện, khiến bệnh nhân càng ngày càng sử dụng liều cao hơn, rồi khi đơn thuốc OxyContin hết, họ chuyển sang sử dụng heroin. Nhiều gia đình tan nát, người lớn mất việc làm, hậu quả nặng nề nhất đổ xuống trên đầu trẻ nhỏ: cứ 1000 đứa trẻ sinh ra ở West Virginia thì có 56,2 trẻ vừa chào đời đã tiếp xúc với Opioid.

Demon Copperhead chính là một mảnh của toàn cảnh thảm họa ấy, đã gây nên sự phẫn nộ và xót thương cực độ trong lòng Barbara Kingsolver, khiến bà viết nên câu chuyện này. 172 năm sau tiểu thuyết của Charles Dickens, bà dùng chất liệu hiện tại ở Mỹ để phóng tác câu chuyện cũ, như nói lên rằng: sau hai thế kỷ, cùng với đà tiến mạnh mẽ của văn minh, vẫn có những vùng đất, những con người bị bỏ quên, như thể đang “tàng hình” giữa toàn nhân loại. Bà khẳng định Demon Copperhead là “đại diện cho những đứa trẻ lạc loài thế hệ mới”.

Trong hơn hai thập kỷ, Purdue Pharma đã làm mưa làm gió ở Tây Virginia. Chủ nhân của tập đoàn, nhà Sackler, trở thành một trong mười lăm gia tộc giàu có nhất nước Mỹ, thậm chí còn giàu hơn cả gia tộc Rockefeller. Nhiều nhà báo đã gọi nhà Sackler là “một đế chế xây dựng trên đau thương và chết chóc”. Trước sự công phẫn của dư luận, công ty Purdue Pharma đã phải ra tòa với hơn 2600 vụ kiện lớn nhỏ, phải nhận tội hình sự bao gồm âm mưu lừa gạt nước Mỹ và vi phạm đạo luật chống lại quả. Ngoài ra, Purdue còn phải chịu phạt hơn 8,3 tỷ đô la tiền phạt dân sự, phải tuyên bố phá sản và bồi thường cho các nạn nhân. Đại dịch Opioid đã chấm dứt, nhưng tàn dư nặng nề của nó vẫn còn. Dân biểu Carol Miller làm chứng: “Tôi đã bế trên tay những đứa trẻ đang vật vã với các triệu chứng cai nghiện. Thật đau lòng. Dịch bệnh này đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trên khắp tiểu bang của tôi và nhiều nơi khác.”

Cuộc đời của Demon trong tiểu thuyết phơi bày một cách sinh động và đau xót tất cả những hậu quả của đại dịch. Cũng như Charles Dickens, Kingsolver tin ở sức mạnh thay đổi cuộc sống của một câu chuyện hay. Và, cũng như Dickens, bà viết về sự khổ đau không phải chỉ để dừng lại ở việc tố cáo tội ác, mà là để bày tỏ niềm tin về khả năng tái tạo của con người. Cuộc đời của Demon là một trường ca về bản năng sinh tồn, vượt thoát và xây dựng lại. Bởi vậy ngay trang đầu, Kingsolver đã ghi: “Viết cho những người sống sót.”

Nhà văn Melissa Gouty đã viết về Demon Copperhead:

“Có những sách lịch sử, tiểu thuyết tội phạm, tiểu thuyết lãng mạn, hồi ký, kỳ ảo — và nhiều thứ nữa. Nhưng không nhiều cuốn sách khắc sâu cảm xúc vào từng thớ thịt của bạn, in sâu vào tâm hồn bạn. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Barbara Kingsolver, Demon Copperhead, đã làm được điều đó. Nó lay động thật mạnh mẽ, khiến trong nhiều ngày sau khi đọc, tôi đã băn khoăn mãi với những chủ đề đau đớn của nó, cứ như có một con sâu cứ đeo bám và ray rứt mãi không thôi.” (Melissa Gouty, “Hãy đọc và khóc”)

Giải thưởng Pulitzer về Văn học năm nay (2023) được trao cho hai tác giả, cũng là lần đầu tiên giải này cùng lúc chọn hai tác phẩm. Hai tiểu thuyết này khác nhau về mọi mặt. Trust là một tác phẩm có hầu hết những đặc trưng của phong cách hậu hiện đại: bút pháp siêu hư cấu, kết cấu liên văn bản, mô típ tự sự khả nghi… Demon Copperhead có văn phong giản dị với một câu chuyện nhất quán, một nhân vật chính duy nhất, và những sự kiện được trải ra theo thời gian tuyến tính. Trust có bối cảnh là phố Wall, nơi giàu có nhất nước Mỹ. Demon Copperhead ngược lại, có bối cảnh vùng Appalachia, một trong hai vùng nghèo nhất. Tuy vậy cả hai tác phẩm đều có điểm chung ở chỗ chúng đều góp phần khẳng định một xu thế đương đại: xóa bỏ khoảng cách giữa “ văn hóa cao” và “văn hóa đại chúng”, cũng như giữa các quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”.