Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Thérèse Desqueyroux – bản dịch của T.Vấn

Tại sao tôi dịch Thérèse Desqueyroux của François Mauriac

T.Vấn

image

Thérèse Desqueyroux – tên tác phẩm của François Mauriac, và cũng là tên nhân vật nữ chính – ra đời từ năm 1927. Đến nay, nó đã tròm trèm trăm tuổi, trải dài năm thế hệ.

Xưa rồi diễm! Tôi nghe có tiếng nói nhỏ bên tai của người bạn đời vừa ra đi chưa trọn năm. Bộ anh không còn chuyện gì để làm hết sao? Sắp tới cuối đường rồi, sao không lo thu xếp hành trang – nhiều hay ít gì cũng là hành trang; thu xếp lại những việc còn dang dở – nhiều hay ít gì thì cũng là việc còn dang dở – để rồi còn dọn mình (xưng tội) nữa.

Sống đến từng tuổi này, tôi nhận ra được một điều hết sức hiển nhiên: rằng không phải lúc nào người ta cũng có những lý do xác đáng cho những việc mình làm; và rằng hầu hết những việc người ta làm – bất kể là chuyện gì, chung, riêng, chính trị, văn chương, xã hội, yêu, ghét, làm tình, làm tội, v.v. – đều có một lý do (nếu không chính thì cũng gần như chính, nửa chính, xém chính…) rất cá nhân, rất riêng của mỗi người.

Việc bỏ thì giờ (ít ỏi còn sót lại) để làm công việc dịch tác phẩm trăm tuổi của Mauriac, cũng có lý do rất cá nhân (mà giờ đây – may mắn hay không may mắn – người bạn đời của tôi không còn ở bên cạnh, nên tôi dễ dàng “tâm sự” với người đọc).

Với Thérèse Desqueyroux, chính Mauriac cũng đã thú nhận cùng con trai của mình rằng, khi viết tác phẩm này, ông muốn mượn nhân vật nữ chính nói hộ những điều mà ông tin rằng mình không thể nào chịu đựng nổi nữa trong cuộc sống lúc đó của ông.

Nói cách khác, Mauriac cũng có những lý do rất cá nhân của mình khi viết Thérèse Desqueyroux.

Quyết định bắt tay vào việc dịch tác phẩm này của tôi, cũng mang “tính cá nhân” tương tự.

Một hôm, trong lúc dạo chơi quanh các hàng sách cũ của thế giới ảo, tôi bắt gặp bản chụp một quyển sách của dịch giả Mặc Đỗ, nhan đề “Người Vợ Cô Đơn” do nhà xuất bản Đất Sống ấn hành (sách không đề năm nhưng theo trí nhớ, tôi đọc quyển này vào những năm 1965 đến 1968 ở Sài Gòn). Đây là bản dịch quyển Thérèse Desqueyroux của Mauriac.

Như bị nhấn trúng một nốt nhạc “chết người” trong bản nhạc của quá khứ hơn 50 năm về trước, tôi thấy mình trở lại hình ảnh cậu trai tuổi dậy thì Jean Azevedo (một nhân vật của Thérèse Desqueyroux) cũng huênh hoang  “thùng rỗng kêu to” với những quyển sách thời thượng Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học của Phạm Công Thiện, với Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krisnamurti; y hệt như anh chàng Jean Azevedo trong sách. Và “lãng mạn” hơn nữa, tôi cũng quen biết một người phụ nữ lớn hơn mình, trưởng thành hơn mình, biết hút thuốc lá như mình và mở miệng ra cũng “thời thượng” như mình và hoàn cảnh riêng cũng “bất hạnh” không kém nhân vật Thérèse của tiểu thuyết. Chúng tôi cùng nhau đọc “Người Vợ Cô Đơn” và những quyển sách thời thượng, cùng nhau thở khói “hiện sinh” để đốt cho hết đời mình.

Nhưng tôi chưa kịp đốt hết đời mình bằng những điếu thuốc Bastos xanh, ly cà phê đen đặc, những trang sách dịch của Mặc Đỗ và những quyển sách thời thượng, cùng nỗi chán chường của người đàn bà “cô đơn” thì con quái vật chiến tranh đã nuốt chửng tôi vào trong bụng nó. Hệ lụy chiến tranh, hệ lụy sau chiến tranh và những hệ lụy nối tiếp hệ lụy đã dẫn đưa tôi vào một cuộc quay cuồng hơn 50 năm ít khi nào có thì giờ ngoảnh nhìn lại quá khứ; và nếu có nhìn thì cũng đâu có thấy hết, nhớ hết những gì đời mình đã trải qua.

Trong cái cô quạnh của căn phòng giờ chỉ còn mình tôi, những trang sách, những dòng chữ của “Người Vợ Cô Đơn” nhập nhoạng ma trơi như những đêm không ngủ của nhân vật chính Thérèse, khi nàng đứng trơ trọi ở cửa sổ nhìn những rặng thông lấp loáng giữa bóng tối đặc quánh đến độ có thể lấy tay sờ được.

Còn Thérèse của tôi ở ngoài đời, một Thérèse có thực, bằng xương bằng thịt và những mặn nồng có thực hay nói cách khác, một hạnh phúc có thực (mà nhân vật trong tiểu thuyết không hề tin là nó có thực)? Có một lần, – nhiều năm về sau – tôi nhìn thấy nàng đi trên đường phố đông đúc của Sài Gòn, cũng vẫn với vẻ mặt đăm chiêu suy tưởng như ngày nào. Tôi không ngỏ lời chào hỏi, vì không thể. Còn nàng, nàng có nhìn thấy tôi không? Lúc ấy, tôi không muốn biết (nhưng giờ đây, tôi lại muốn biết).

Ngay trong đêm, tôi đã có được trong tay hai ấn bản khác của Thérèse Desqueyroux: Nguyên tác tiếng Pháp do nhà xuất bản Le Livre de Poche in năm 1972 và bản chuyển ngữ tiếng Anh của Raymond N. MacKenzie do nhà xuất bản Sheed & Ward in năm 2005.

Trước mặt, trên màn hình chiếc máy đọc, ba tác phẩm có hình bìa mang một khuôn mặt phụ nữ, đôi mắt đăm đăm nhìn tôi, như một thôi thúc?

Thôi thúc gì?

Như Proust, đi tìm một thời gian đã mất?

Trong thời gian đã mất, mọi sự vật, sự kiện đều bị đóng băng. Mùi vị chiếc bánh Madeleine, một trăm năm trước, một trăm năm sau, vẫn là mùi vị đó.

Cùng lúc, tôi liên tưởng đến hình ảnh người ta hãi sợ khi nghĩ đến sẽ gặp lại một người quen cũ ngoài đời: Hình ảnh cô gái diễm kiều của 50 năm trước và hình ảnh bà cụ già lụ khụ của 50 năm sau [hẳn sẽ giết chết tươi gã đàn ông (già).]

Và ngay trong khoảnh khắc của nốt nhạc chết người còn vang vọng trong tim, tôi nhận ra ý nghĩa thôi thúc của ánh mắt đang nhìn tôi đăm đăm. Nàng muốn được sống lại ngày xưa một lần nữa. Và vì là một nhân vật của tiểu thuyết, nàng vẫn mãi mãi tuổi thanh xuân, không phải bà già lụ khụ như tôi (và mọi người) lo sợ. Tôi đã được nàng trấn an.

Và một điều sâu thẳm trong lòng: tôi muốn được gặp lại người xưa (không phải ở ngoài đời có thể tôi sẽ chết ngay khi gặp nàng). Hay, chính tôi muốn sống lại ngày xưa một lần nữa, một ý muốn còn mãnh liệt hơn cả ý muốn của nàng.

Để thực hiện ước muốn mãnh liệt đó, tôi sẽ kể lại câu chuyện “của chúng tôi”, bằng thứ ngôn ngữ của riêng tôi và qua mùi vị những hồi ức cháy bỏng của riêng tôi.

Và quả thực, trong suốt thời gian thực hiện bản chuyển ngữ, tôi đã sống lại được nỗi đam mê của thời trai trẻ, đã đắm chìm trong những trang sách với cảm giác hạnh phúc rất hiếm hoi ở một người (già) như tôi. Cảm giác ấy vẫn còn, kể cả khi tôi ngồi viết những dòng “tâm sự” này.

Để cho trọn vẹn, nói đến cái riêng thì cũng phải nói cái chung.

Không thể chối cãi được rằng, Mauriac là một nhà văn có tầm ảnh hưởng bao trùm cả châu Âu, một phần đất văn hóa quan trọng của thế giới. Ông lại còn là một tác giả đoạt giải thưởng Nobel về Văn chương (1952). Trong số mấy chục quyển tiểu thuyết, kịch và khảo luận của Mauriac, Thérèse Desqueyroux là tác phẩm hay nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất và được bàn cãi đến nhiều nhất (độc giả sẽ được đọc thêm về chi tiết này trong phần GIỚI THIỆU tác phẩm của dịch giả bản Anh ngữ, Giáo sư Raymond MacKenzie). Tác phẩm đã được thực hiện thành phim hai lần.

Lần thứ nhất, vào năm 1962, đạo diễn Georges Franju và nữ diễn viên Pháp Emmanuelle Riva vào vai Thérèse.

Lần thứ hai, vào năm 2011, đạo diễn Claude Miller và nữ diễn viên Pháp Audrey Tautou vào vai Thérèse.

Thế nên, nhân cơ hội này tôi được dịp giới thiệu lại với độc giả trẻ Việt Nam, một tác phẩm kinh điển vẫn còn sống sót dù trải qua năm thế hệ nhân loại. Về hình thức, Thérèse Desqueyroux vẫn không hổ danh một điển hình bậc thầy của văn học Pháp, của văn học châu Âu. Những trang văn đẫm tính thi ca của tác phẩm đã cuốn hút người đọc đến độ không nhớ, không quan tâm rằng nó ra đời từ hồi đầu thế kỷ 20.

Về nội dung, hình tượng nhân vật Thérèse vẫn còn là một ám ảnh khôn nguôi cho những tâm hồn dám đi ngược dòng đời, những con người còn bị bao vây bởi ý niệm cô đơn là số phận của con người, nhất là phụ nữ.

Quanh đây, tôi vẫn còn nhìn thấy nhiều Thérèse Nguyễn, Phạm, Lê, Lý, Trần với những hàng rào vô hình rất khó nhận ra (để vượt qua, để đạp đổ).

Chưa kể đến rất nhiều những Bernard Desqueyroux (nhân vật người chồng của Thérèse Desqueyroux) còn nhan nhản, còn tự đóng khuôn tư tưởng mình (chính trị, văn hóa, xã hội…), còn muốn tỏ quyền sinh sát, quyền quyết định vận mệnh người khác và không biết rằng, để nhìn thế giới cho công bằng và trung thực, chúng ta còn cần phải biết cách nhìn bằng con mắt của người khác, những người khác, như Thérèse hằng ao ước khả năng đó ở người chồng.

Bản dịch tiếng Việt của nhà văn Mặc Đỗ, xuất bản những năm 1960s ở Sài Gòn, ra đời trong thời điểm chưa có những lợi ích nghiên cứu đa dạng như ngày nay – thời đại của internet, của con ma xó google và nhiều khả năng kỹ thuật khác – nên trong bản dịch này, tôi sẽ tận dụng tối đa những lợi ích nói trên trong lúc chuyển ngữ. Và rất nhiều điều tôi không biết, không hiểu trọn khi đọc “Người Vợ Cô Đơn” hơn 50 năm trước, nay tôi có cơ hội được biết, được hiểu khi làm công việc chuyển ngữ tác phẩm và sẽ chuyển đến độc giả Việt ngữ bằng những đoạn văn dịch (thoát) cùng với những chú thích (khi cần).

Một việc cuối cùng, tôi cần phải sòng phẳng và lương thiện với độc giả. Tôi chuyển ngữ tác phẩm dựa trên bản Anh ngữ của Raymond N. MacKenzie. Còn nguyên tác Pháp ngữ của Mauriac chỉ ở bên cạnh với giá trị tham khảo (khi cần đối chiếu). Sở dĩ như vậy là vì tôi không tự tin chút nào với khả năng đọc tiếng Pháp của mình. Mặt khác, bản của MacKenzie ra đời năm 2005, gần 80 năm sau khi nguyên tác xuất hiện, nên phần giới thiệu của MacKenzie (một học giả và giáo sư đại học) giúp ích rất nhiều cho việc chuyển ngữ và hiểu thấu tác phẩm.

Như thường lệ, một tác phẩm (dù là chuyển ngữ) ra đời đều có sự đóng góp, hay góp ý của những người ngoài tác giả (dịch giả). Trong trường hợp của tôi, tôi xin được gởi lời cám ơn tha thiết đến người phụ nữ năm xưa, người đã cùng tôi vào vai Thérèse Desqueyroux Jean Azevedo trong những buổi “ngồi đồng” hàng nhiều tiếng đồng hồ tại một quán cà phê trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn. Chính hồi ức này đã cho tôi được sự say đắm cần thiết để hoàn tất công việc một cách thấu đáo và nghiêm túc, cùng với niềm vui biết mình không đến nỗi “vô dụng” lắm so với những huênh hoang của hơn 50 năm về trước. Giả như, do một tình cờ nào đó của số phận, người phụ nữ ấy vẫn còn sống và đọc được những dòng này, thì tôi không biết nói gì hơn ngoài niềm tin rằng đó chính là dấu hiệu của Thiên Hựu (Providence), của Mệnh Trời, một trong những ý đồ của François Mauriac khi viết quyển tiểu thuyết này.

T.Vấn

Tháng 10/2022

Xin bấm vào đường dẫn này để đọc Thérèse Desqueyroux:

François Mauriac: THÉRÈSE DESQUEYROUX (Tiểu Thuyết)