Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Trên ấy, vẫn còn...

Nguyên Ngọc

Image result for

Hồi giữa năm có mấy người bạn trẻ rủ tôi đi Tây Nguyên một chuyến. Trên ấy thì tôi vẫn đi về, vài ba tháng một lần, cũng có lúc thật tình nghĩ thôi thì đừng đi nữa, để làm gì nữa, có được gì đâu, có giải quyết được gì đâu, chuyến đi nào cũng vậy da diết và âu lo, càng đi càng da diết và âu lo, mà có làm gì được đâu… Nhưng rồi lại vẫn cứ đi, không thể không đi, gối đã mỏi, dốc ngày càng thấy cao, rừng thị trụi trơ nắng lửa… mà không thể không đi. Có lần tôi đã nói, đã viết: Tây Nguyên là vùng đất đến để mà say mê, quả thế. Bây giờ tôi lại muốn nói thêm: cũng là vùng đất đến để mà suy nghĩ, suy ngẫm, về văn hóa, về sự lạ lùng của văn hóa, cái thứ mong manh nhất trên đời, mà cũng lại là cái thứ dai bền nhất trên đời, có khi rất lay lắt, như ngọn đèn trước gió, trước bão, vậy mà leo lắt đấy song vẫn còn, bền dai một cách kỳ lạ. Đi để mà ngẫm xem có đúng thế không… Và có lẽ điều đó không ngẫu nhiên đâu, bởi nếu con người không còn tin vào văn hóa thì còn biết tin vào đâu để mà tồn tại và vượt qua. Để mà sống… Như bây giờ, như Tây Nguyên, như ở ta bây giờ…

Rủ tôi đi Tây Nguyên chuyến này là ba người bạn trẻ, họ làm mỹ thuật, đã học ở nước ngoài, cũng từng hoạt động nghệ thuật ở nhiều nơi, trong nước và ngoài mước. Họ chủ trương một chương trình và rủ tôi cùng tham gia, có tên là “Giọt sương Gia Rai”. Hãy nghe họ nói về cái Giọt sương ấy: “Giọt sương Gia Rai lấy cảm hứng từ niềm tin của người Gia Rai đối với con người và vũ trụ. Theo triết lý của họ về sự tồn tại thì sau khi chết, con người sẽ đi qua nhiều giai đoạn để trở về cội nguồn. Ở giai đoạn cuối cùng, linh hồn và thể xác con người sẽ biến thành giọt sương (ia ngom trong tiếng Gia Rai) rồi bốc hơi vào không khí – trạng thái của hư vô – hay chính là cái hạt khởi đầu cho sự sống mới. Dự án Giọt sương Gia Rai muốn phát triển nền văn hóa khắc gỗ Gia Rai một cách đầy thơ mộng và bền vững như quan niệm về sự sống và giọt sương. Mặc dù văn hóa khắc gỗ Gia Rai đang gặp nhiều thử thách để tồn tại, thậm chí đang đứng trước nguy cơ mai một, dự án này mong muốn nghệ thuật này sẽ hồi sinh và tồn tại một cách mới mẻ. Sâu xa hơn, dự án muốn đem đến một cái nhìn phản biện về văn hóa – nghệ thuật trong vòng xoáy giao nhau giữa công cuộc hiện đại hoá – công nghiệp hóa và thế giới tự nhiên đang bao bọc vùng đất này.” 

Nói nôm na, các bạn muốn rủ tôi cùng đi tìm một dấu vết văn hóa Tây Nguyên, lần này là ở người Gia Rai và trong nghệ thuật tượng gỗ từng nổi tiếng, mà họ tin là vẫn còn và cố góp phần đánh thức dậy, ngay giữa cái lộn xộn ồn ào hôm nay.

Vậy mà, lạ thế, tìm được.

Cũng không phải lặn lội xa lắm. Từ thành phố Pleiku, xuôi theo quốc lộ 14 chừng non vài chục cây số, chưa đến chân núi lửa Hơdrong vốn là núi thiêng của người Gia Rai mà người Kinh gọi bằng cái tên Kinh hóa là Hàm Rồng, rẽ tay trái vào một đường đất đỏ vẫn còn chạy ô tô được, chừng vài chục phút thì tới làng Pă Pêt của xã Bơ Ngoong. Nguyên – một trong ba họa sĩ trẻ rủ tôi đi – có gia đình ở Ban Mê Thuột nhưng ba mẹ anh đã ra tận vùng này mua được một miếng đất lập trang trại trồng cà phê và tiêu, đấy là cách làm ăn của nhiều người Kinh lên sống ở Tây Nguyên bây giờ. Gần đấy hình như có vài ba trang trại của người Kinh như vậy nữa, thành một xóm nhỏ, tôi nói điều này không hề có ý gì đâu, có lẽ gần giống như các xóm đồn điền Tây ở vùng “mọi” tôi từng biết từ hồi chiến tranh chống Pháp trên này. Những người làm công cho các đồn điền, nay là trang trại ấy, là dân Gia Rai ở các làng chung quanh, cách hơi xa bởi vì đất trang trại khá rộng. Từ cái điểm trang trại của ba mình làm trung tâm, anh họa sĩ trẻ của tôi cùng hai bạn anh tỏa ra đi tìm. Và vậy đó, họ tìm được vàng.

clip_image002

Tác giả đối ẩm cùng Glơh bên ché rượu cần. (Ảnh minh họa trong bài: Nguyên NgọcArt Labor)

Đầu tiên là ở làng Blut cách Pă Pêt chừng nửa tiếng, lần này thì phải đi bằng xe máy cày, rồi đi bộ mất mươi phút nữa, ô tô du lịch công tử chịu thua. Chúng tôi đến một xóm nhỏ lưa thưa, vào một ngôi nhà, gọi là nhà cũng được, là lều thì đúng hơn. Không có bất cứ thứ gì để kể cho các bạn trong ngôi nhà không được sáu mét vuông ấy. Trừ chủ nhân của nó, anh Glơh. Nghệ sĩ Glơh, tôi gọi thế, nói thật tôi rất không thích cái từ khó chịu “nghệ nhân”. Sao lại nghệ nhân, không biết tới bao giờ các quan chức Bộ Văn hóa mới chịu thôi cái lối phân biệt giai cấp thấp cao nghệ nhân, nghệ sĩ đối với những người làm nghệ thuật ấy. Đến một bà cụ hát ca trù đệ nhất phường cả nước trăm năm mới có một, cũng chỉ nhất mực gọi là nghệ nhân thôi, không thể oai danh nghệ sĩ… Vâng, nghệ sĩ Glơh của chúng tôi. Hình như chỉ cần mỗi ở anh thôi, những người khác rồi sẽ kể sau, đã có thể đủ để nói tất cả về sự kỳ lạ của nghệ thuật và nghệ thuật Tây Nguyên, đặc biệt nghệ thuật Tây Nguyên bây giờ, khi sự vô văn hóa của cuộc sống mới hỗn hào đang tràn lấn lên cả cao nguyên văn hóa cổ truyền này. Chỉ cần qua một Glơh thôi cũng đã đủ để tôi có thể nói với các bạn đối với người Tây Nguyên nghệ thuật là gì, vì sao con người ta lại làm nghệ thuật, để làm gì, để làm gì cái chuyện thực tế là hoàn toàn vô tích sự ấy. Nhà Glơh nghèo, tôi nói rồi, thật tình tôi không biết anh sống bằng gì. Glơh không biết nói tiếng Kinh, chúng tôi ú ớ tiếng Gia Rai, không hỏi được. Anh chỉ ngồi im lặng, ngậm cái ông điếu bằng nhôm chắc tự tay anh gò. Và cười. Với một đôi mắt tuyệt đẹp, long lanh và ướt, vừa như nhìn ta vừa như nhìn vào cõi nào, vô cùng hiền và vô cùng nghệ sĩ. Glơh sống chắc chỉ bằng một miếng rẫy cằn, và đi làm phu hái cà phê cho các chủ trang trại người Kinh. Cà phê năm nay mất giá thê thảm, chủ trang trại khốn đốn, nhưng đương nhiên chết trước là kẻ làm phu. Các chủ trang trại chặt bỏ hết cà phê, chuyển sang tiêu, bây giờ không còn gỗ, cọc tiêu xây bằng bê tông cốt thép, việc đó nhân công Gia Rai không có tay nghề, đành chịu thua. Chủ thì khác, tiêu có thất bát nữa, họ vẫn còn đường chạy lui về thành phố buôn bán… Năm nay Glơh đói là cầm chắc. Tôi từng ở trên này cũng khá lâu, tôi xin nói điều này: ở Tây nguyên ngày trước, chắc chắn không bao giờ có thể chết đói, ngày trước, ngày xưa, khi còn rừng. Hết gạo thì ăn sắn, người ta gọi sắn là dự trữ chiến lược, bởi không cần kho như ngô sợ mọt mốc và chuột ăn, sắn cứ để dưới đất bao nhiêu lâu cũng được, hết sắn lại vào rừng đào củ mài, ngon tuyệt, hết củ mài thì trong rừng có hàng trăm thứ lá, rễ cây, vỏ cây, côn trùng ăn được mà bà con rất thông thuộc, chúng tôi học theo… Bây giờ sạch rừng rồi. Đói thôi… Nhưng đói thì đói, Glơh không thể không làm nghệ thuật. Anh có một ám ảnh: anh luôn muốn được tạo ra một thế giới bên cạnh thế giới đang có, một thế giới anh luôn mơ hồ thấy thiếu, vừa giống như thế giới này vừa khác, khác thế nào anh không nói ra được nhưng tự nơi nào đó rõ rệt mà lại mờ ảo trong anh anh biết, một thế giới của anh, do anh làm ra, như anh thấy không phải bằng mắt mà trong tâm tưởng, có khi trong mơ, trong khao khát. Để làm gì? Điều này thì anh hoàn toàn không biết. Hỏi, anh trả lời bằng một tiếng Kinh duy nhất anh biết: “Thích”. Thế thôi.

clip_image003

clip_image004

 clip_image005

Nhóm tượng của Glơh

Tôi muốn nói với các bạn rằng đó là bí mật hay là bản chất của nghệ thuật Tây Nguyên. Nghệ thuật Tây Nguyên, chẳng hạn và nổi tiếng như nghệ thuật tượng nhà mồ, khi người Kinh chưa lên, chưa lên nhiều như bây giờ để mà quấy nhiễu và phá hủy nó, khiến nó biến chất đến sa đọa rồi mai một, khi nó còn trong sạch nguyên sơ, là thế đấy. Người ta làm nghệ thuật, làm tượng nhà mồ tuyệt diệu… chẳng để mà làm gì cả. Làm ra, làm ra đấy, say sưa, mê mẩn, da diết, ào ạt hay cặm cụi ngày đêm… rồi đem cắm ngoài mộ, trang trọng…, rồi không thèm đoái hoài gì nữa. Mặc cho mưa nắng, cho mối mọt, cho thời gian gặm nhấm đến mục ruỗng, tan nát… Cũng nên nói thêm điều này nữa về tượng nhà mồ Tây Nguyên. Hoàn toàn không có tượng chân dung người đã mất để mà tưởng nhớ, như bên Tây, hay bây giờ hiện đại ở ta. Cũng không có tượng kẻ còn sống khóc thương người đã chết. Cũng có người bảo đấy là những hình nhân được gửi theo người chết để phục vụ người chết ở thế giới bên kia, tôi nghĩ chắc đấy là người Kinh muốn áp đặt văn hóa của mình cho người Tây Nguyên. Không, không hề có tất cả điều đó. Tượng nhà mồ Tây Nguyên rất vui. Cả một thế giới sống động và vui tươi. Đấy là cách người nghệ sĩ Tây Nguyên “làm ra” cái thế giới họ muốn, mà họ là Thượng đế sáng tạo. Hoặc đúng hơn, họ làm tượng vì, dẫu rất khiêm nhường, họ cũng được như Thượng đế “làm ra”. Làm ra một thế giới, nhỏ thôi, mà là của họ, do họ, rậm rạp, xôn xao… Người Tây Nguyên, những Thượng đế nhỏ có khả năng “làm ra”… Cho nên, điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ Tây Nguyên không phải là kết quả của sự làm ra, mà chính là sự “làm ra” đó. Có thế thì dẫu bị đẩy vào tình thế khốn khó đến đâu, họ vẫn là con người, mới là người. Còn tồn tại người.

Có lần tôi đã đem câu chuyện về việc người Tây Nguyên làm tượng gỗ nhà mồ đẹp đến thế rồi lại bỏ đi kể cho một cô bạn đang học về nghệ thuật đương đại ở Đức. Cô ấy gần như reo lên: “Ôi, thế thì Tây Nguyên của bác vô cùng đương đại. Ở trường của cháu, cháu cũng được học về chính những điều như vậy. Nghệ thuật đương đại coi trọng “con đường” (le chemin) hơn là cái “đích đến” (le but). Quan trọng là khi người nghệ sĩ “đang làm ra”, khi đã xong là hết chuyện rồi, chỉ còn lại cái xác. Sắp đặt (installation) hay Trình diễn (Performace) chính là như vậy. Lần sau, cô bạn ấy đưa cả thầy của cô sang, lại đòi nghe tôi kể, và thầy trò họ kéo nhau đi lên núi để xem người Tây Nguyên làm nghệ thuật đương đại…

Glơh chuyên tạc tượng các con vật, tất nhiên là thú rừng. Tôi mong các bạn ở tòa soạn báo dành chỗ cho vài ba tượng thú rừng của nghệ sĩ Gia Rai Glơh bạn tôi. Thế giới mơ tưởng của anh ấy. Những con thú vừa thật vừa trong mơ của anh. Hoang dã, mà gần gũi, hiền như những người bạn, cho đến cả con hổ vằn nữa, con voi với cái vòi như một thứ trang sức, và con gì đó giống như con ngựa rừng quá đáng yêu… Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ như một túp lều của anh, bên bếp lửa đặt ngay nền đất, Glơh căm cụi khắc chạm những con thú của rừng nay chẳng còn vì rừng đã thật sự hết rồi. Nhìn kỹ các tác phẩm của Glơh mà xem, anh không chạm thú, anh chạm khắc nỗi nhớ rừng thăm thẳm cồn cào đã thành im lặng, nín lặng của anh. Xong rồi, nếu tôi cả gan dám xin, chắc anh cho ngay. Bởi cái sự quan trọng đối với anh đã xong, anh đã gửi nỗi nhớ khôn nguôi vào sự chạm… Cũng có khi anh chạm người, một lần đó là một người đàn ông khỏa thân với dương vật bé tí trông rất nghịch, rồi anh vui vẻ để cho anh chàng dễ thương ấy đứng tít thong dong trên một cành cây xanh… Tôi bỗng nhớ câu hỏi được nêu ra cho thí sinh đi thi tú tài triết ở Pháp năm 2015: “Nghệ sĩ muốn nói với ta một điều gì chăng?”. Glơh chẳng muốn nói gì cả với ai. Anh chỉ tự thổ lộ, thế thôi. Người nghệ sĩ thật của Tây Nguyên suốt đời chi làm mỗi một việc, đúng hơn giải quyết một nhu cầu: tự thổ lộ, không cho ai cả, bởi là một nhu cầu tự thân. Các nhà lý luận có giận thì giận tôi vẫn muốn nói điều này: nghệ thuật Tây Nguyên là nghệ thuật thuần túy, vì nghệ thuật, thế thôi… Chắc tôi lại còn phải nói thêm điều này: nếu có ai hỏi mua, cũng có thể Glơh sẽ bán. Anh nghèo, cà phê mất giá, anh mất việc, anh phải sống chứ, anh sẽ bán… Nhưng đó sẽ là chuyện hoàn toàn khác, không dính dáng gì đến việc sáng tạo nghệ thuật của anh cả. Nó nằm ngoài. Người nghệ sĩ thật sự chỉ sáng tác vì mình, họ tự giải thoát. Với Glơh là giải thoát khỏi nỗi nhớ rừng mà người ta đã cướp mất không sao chịu nổi của anh…

Cho nên, ở trên này nghệ thuật không thể chết. Khi những dân tộc này còn thì nghệ thuật ở trên này, như nghệ thuật tạc tượng gỗ của họ, không thể chết. Bởi vì, rất đơn giản, nếu nghệ thuật ấy chết, thì tức họ cũng chết, dân tộc họ cũng không còn. Vậy đấy, sự sống còn của nghệ thuật và của các dân tộc Tây Nguyên.

Nhưng các bạn hẳn sẽ hỏi: Tây Nguyên bây giờ hết rừng rồi, lấy đâu ra gỗ làm tượng? Lại một kinh ngạc. Nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên đã gặp may. Năm nay cà phê mất giá, người ta đốn bỏ hàng loạt, kinh tế thị trường là vậy, nó chẳng thương tiếc bất cứ điều gì… Và các nghệ sĩ Tây Nguyên thì cực nhạy. Họ nhận ra ngay một chất liệu nghệ thuật mới tuyệt vời: thân cây cà phê, chỉ để nguyên thế thôi, đã rất tạo hình. Với đầy những u bướu đủ dạng lạ lùng của nó. Glơh tìm những cây cà phê đã nhiều chục năm tuổi bị đốn bỏ có thân gỗ tương đối lớn để gửi vào đó nỗi nhớ da diết của anh qua những con voi, con hổ, con hươu, con ngựa rừng… vừa thật vừa hư.

Một người đồng hương của Glơh, nghệ sĩ Rơchâm Dieh ở làng Amo thì khác, có khi còn hay hơn. Dieh không bỏ đi gì cả. Anh nhận ra trên thân cây cà phê bị chặt bỏ sù sì đầy u bướu kia chính cái bối cảnh Gia Rai đã được nghệ thuật hóa anh đang cần, để nhẹ nhàng đưa vào đó, nhập thần đến hết sức tự nhiên các nhân vật thân thiết của anh: người phụ nữ Gia Rai hiện đại mà cứ Gia Rai không nhầm vào đâu được, người mẹ Gia Rai địu con thân thuộc đến nao lòng, đôi bạn Gia Rai bình an đối tửu bên ché rượu cần… Rơchâm Dieh đã sáng tạo nên, tôi nghĩ có thể nói, một loại hình điêu khắc chạm nổi trên thân cà phê tự nhiên hẳn chưa từng có và không ai ngờ. Chợt không thể không tưởng tượng và mong ước, đến lúc nào đó, loại hình nghệ thuật chạm nổi Rơchâm Dieh được phổ biến, sẽ có những rẫy cà phê cuối mùa khi lá đã rụng hết và cây đã khô toàn bộ biến thành một vườn tượng mênh mông giữa trời… Rồi tất cả sẽ tàn lụi đi trong mưa nắng, với thời gian… có sao đâu, như ta đã biết về bản chất của nghệ thuật Tây Nguyên, trường tồn trong luân hồi… Như giọt sương Gia Rai mà các bạn họa sĩ trẻ của tôi đã tinh tế biết cảm nhận ra và muốn đánh thức dậy…

clip_image006

Tượng của Rơchâm Dieh chạm khắc

clip_image007

clip_image008

Nhóm tượng máy bay của những người khác

Đánh thức dậy, đúng rồi, rất cần thiết… Nhưng nghĩ cho cùng cũng có thể không hoàn toàn chính xác. Bởi thời gian qua, vậy cũng đã gần nửa thế kỷ rồi kể từ sau 1975, khi chúng ta còn thờ ơ ở những đâu đâu, bận rộn lăng xăng vì bao chuyện hữu tích sự và vô tích sự của chúng ta, thì ở tận Bơ Ngoong vô danh xa tít, những Glơh những Rơchâm Dieh vẫn lặng lẽ chăm giữ hòn than vùi sắp tắt của cái gia tài văn hóa của người và đất này, mặc tất cả tàn phá của ta. Và lạ thay, tài tình thay, lại còn biết tận dụng chính cái thứ cây công nghiệp cà phê vốn xa lạ và chính nó vì được phát triển quá mức do lòng tham vô độ của chúng ta đã là một nhân tố không nhỏ phá rừng Tây Nguyên. Giữ văn hóa Tây Nguyên, phải nói rõ thôi, không phải là những lễ hội cồng chiêng xênh xang và bao nhiêu thứ phô trương ồn ào tốn kém mà thực chất là dỏm và nhằm kéo khách du lịch hám lạ kia đâu. Giữ là thế này đây, bởi Glơh, bởi Rơchâm Dieh vô danh và nghèo xác nghèo xơ ở làng Blut, làng Amo vô danh, chắt chiu, thầm lặng, thông minh, và sáng tạo nữa, trong tình thế tưởng không còn đường ra khi rừng đã mất sạch.

  Có một câu hỏi gay gắt từng được đặt ra: có giữ được văn hóa Tây Nguyên trong hiện đại hóa ồ ạt và hỗn hào hôm nay? Văn hóa Tây Nguyên có tiếp biến với hiện đại được như nó đã từng tiếp biến thành công trong bao nhiêu va chạm quá khứ? Câu hỏi sống còn. Không chỉ đối với văn hóa Tây Nguyên, còn là đối với số phận các dân tộc Tây Nguyên, bởi một dân tộc chỉ có thể còn khi văn hóa của nó còn. Glơh ở Blut, Dieh ở Amo trả lời: Được! Thậm chí còn tiếp biến được với cả cái thứ cây công nghiệp rất Tây là cây cà phê. Nó còn chiếm lĩnh được cả cái thứ cây xa lạ đó cho nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng của nó. Bằng động tác nghệ thuật, nó hoàn tất nội địa hóa cây cà phê.Tôi từng thất vọng. Tôi bắt đầu có hy vọng.

Sau chuyến đi Bơ Ngoong hồi nửa đầu năm, ba bạn họa sĩ trẻ của tôi còn trở lại Tây Nguyên để chuẩn bị cho một chuyến tiếp. Và họ cũng lại đã gặp vàng. Họ vừa gửi cho tôi một số ảnh chụp tượng của một số những Glơh, Rơchâm Dieh khác. Các anh chàng này rất lạ: họ chỉ tập trung chạm khắc những chiếc máy bay. Rất hiện đại, chiếc nào cũng ít nhất sáu động cơ, lại thêm hai cái vòi gì đó chĩa ra phía trước nữa, đoán là ăng ten. Và rất Gia Rai: ở cửa máy bay cứ bay mà vẫn mở toang, có cả một anh chàng Gia Rai rất đẹp trai ngồi thòng hai chân ra ngoài tò mò nhìn xuống nhân loại trần tục bên dưới. Tây Nguyên là vậy, nó luôn gây kinh ngạc. Bởi sức sống, bạn thấy đấy, hình như chỉ tìm thấy khi ta nghe được tiếng nói nghệ thuật còn rất nhỏ nhoi thôi nhưng nhất quyết không chịu tắt, đang tìm đường thức dậy. Hãy đến với tiếng nói ấy, để nuôi hy vọng. Tôi vừa nhận được thư của ba bạn họa sĩ trẻ. Chúng tôi đã nhất trí: cuối năm nay chúng tôi sẽ làm chuyến nữa, trở về trên ấy.

Có ai muốn đi cùng?…

2-12-2016