Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Đối thoại và lắng nghe

Hồ Anh Thái

Cuốn sách đầu tiên của Hân Nhiên được dịch ra tiếng Việt là Thiên táng (Nhã Nam và NXB Văn Học 2009). Khi ấy tôi đã có nhận xét về Thiên táng và dòng văn học nhập cư, tức là văn chương của các tác giả người gốc Hoa, gốc Nga, gốc Ấn… trong nền văn chương tiếng Anh tiếng Pháp là nơi cư trú mới của họ: “Viết rất khác với đồng nghiệp ở cố hương, họ sử dụng ngôn ngữ của đất nước mới, dùng nó để chuyển tải hiện thực đời sống cố hương mình, mang chứa cả tâm hồn, tình cảm và tinh thần của cố hương. Họ cũng đem lại cho tiếng Anh, tiếng Pháp... màu sắc lạ và cách biểu đạt mới. Đó là cách mà văn học nhập cư làm giàu thêm cho ngôn ngữ và văn học của nhân loại”.

Hảo nữ Trung Hoa, cuốn sách của Hân Nhiên mới dịch ra tiếng Việt, cũng thuộc dòng văn chương nhập cư đó. Hân Nhiên viết cuốn này khi đã là giảng viên Khoa Phương Đông và châu Phi ở Đại học London. Câu chuyện của chính tác giả, khi cô phụ trách chương trình đối thoại với phụ nữ ở đài phát thanh Nam Kinh. Những người phụ nữ ở khắp đất nước gọi điện đến, kể chuyện đời họ, những câu chuyện mà họ không thể kể với người thân và bạn bè. Đấy là những người đã trải qua nhiều biến cố kinh thiên động địa, từ những phong trào như Đại nhảy vọt đến Cách mạng văn hóa và cả sau đó. Tác giả dẫn lại lời kể của những người trong cuộc, một cách sống động và chân thực, vì chân thực mà nó có sức thuyết phục và lay động tâm can người đọc.

Ta sẽ nghe chuyện của cô bé Hồng Tuyết phải sống cùng cha mà như “rơi vào hang sói”, một địa ngục. Cô bé phải tự gây ra bệnh tật để được vào sống trong bệnh viện thường xuyên, tránh xa gia đình. Đó còn là chuyện cô Ngọc Long mồ côi, là người hiếm hoi trong làng được ăn học, được gửi vào học viện quân sự. Nhưng rồi chỉ vì bị bắt gặp “quan hệ nam nữ bất chính” mà người yêu cô có kết cục bi đát, bản thân cô bị đuổi khỏi học viện, trở thành nỗi ô nhục của làng mình.

Còn cô bé Hoa Nhi và chị gái của cô bị lôi kéo tham gia vào những “nhóm học tập” của học sinh thời Cách mạng văn hóa. Cả hai đều bị đám đàn ông lạm dụng mà vì bé quá đều không nhận thức được.

Một nữ sinh viên thì được tổ chức sắp đặt hôn nhân, lấy một cán bộ đã có vợ ở nông thôn. Những người vợ mới kiểu này “xuất thân từ gia đình giàu có, tất cả đều là những thiếu nữ được ăn học tử tế. Lẽ ra họ không nên khác hơn so với những người vợ đầu, vốn hầu hết là nông dân. Sự thanh nhã của các cô gái kích thích tính hám của lạ của các sĩ quan, đồng thời nền tảng giáo dục của họ khiến họ trở thành những giáo viên và tham mưu tốt” (trang 180). Ngay cả như thế, cô sinh viên là người vợ mới vẫn bị coi như người ở trong nhà, để cho chồng “sử dụng” như một công cụ. Họ luôn bị chồng đe dọa không được bỏ chồng để làm hỏng thể diện của ông ta, nếu bỏ đi sẽ bị trừng phạt “sống không bằng chết”.

Còn bà Tĩnh Di chờ đợi người chồng chưa cưới bốn mươi lăm năm. Họ bị chia cách quá nửa đời người, bà bị đưa về nông thôn để cải tạo, còn ông cũng phải trải qua những sự kiện đau đớn không kém. Khi gặp lại thì bà thấy ông đã có vợ, tất nhiên rồi. Nhưng bà Tĩnh Di không chịu được cơn sốc này.

Một người đàn bà nữa, sống trong khu nhặt rác, hàng ngày đi nhặt rác một cách chuyên cần. Nhưng hóa ra đấy là một trí thức, có ngoại ngữ, biết hát bài Thảo nguyên của Nga. Bà trở thành người nhặt rác có phẩm hạnh, và che giấu nhân thân, không cho con trai biết, trong khi con trai bà đang lên theo con đường quan chức.

Một người mẹ, sau trận động đất ở Đường Sơn, nhìn con gái nhỏ chết dần trên tay trong mười bốn ngày. Cùng lúc con gái lớn của bà thoát chết vì động đất nhưng bị một bọn lưu manh xâm hại, về sau cô cũng tự tử.

Còn những người phụ nữ ở đồi Hét thì phải làm vợ chung cho nhiều anh em trong một gia đình và họ không biết đến cả kiến thức vệ sinh tối thiểu ở một nơi chỉ có cát sỏi. Họ đã “bị bỏ lại phía sau ngay từ buổi đầu của lịch sử, sống một cuộc sống nguyên thủy giữa một thế giới hiện đại”. Và tác giả chua chát kết luận: “Trong gần mười năm tôi làm phát thanh và làm báo, phụ nữ ở Đồi Hét là những người duy nhất bảo tôi rằng họ hạnh phúc” (trang 348 - 349).

Chuyện của những người phụ nữ mà Hân Nhiên đã gặp, mỗi chuyện như một truyện ngắn độc lập, nhưng được xâu chuỗi bằng chính cuộc sống làm công chức phát thanh của Hân Nhiên. Tác giả đã đối thoại với họ trên sóng phát thanh, đã trực tiếp đi gặp họ, đã tham gia vào giải quyết những sự vụ hành chính để giúp họ, hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe họ giải tỏa nỗi niềm. Sau những năm tháng dẫn chương trình cho đài Nam Kinh, Hân Nhiên chuyển sang giảng dạy ở London và kể lại những câu chuyện này.

Đây là một cuốn sách hay. Nhưng vẫn nên cảnh báo rằng một cuốn sách hay không nhất thiết là một cuốn sách vui vẻ. Người đọc có nhiều lúc sẽ thấy tim mình bị bóp nghẹt trước những cảnh đời.