Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Lần đầu tiên hơn 150 tác phẩm của Hàm Nghi được trưng bày tại Pháp

Thanh Phương

Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi, trong studio RFI ngày 24/02/2022.Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi, trong studio RFI ngày 24/02/2022.Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi, trong studio RFI ngày 24/02/2022.Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi, trong studio RFI ngày 24/02/2022.image

Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi, trong studio RFI ngày 24/02/2022. © RFI The Hung PHAM

Không chỉ là một trong ba vị vua chống Pháp vào thời Pháp thuộc (cùng với Thành Thái và Duy Tân), Hàm Nghi (1871-1944), còn là một trong những nghệ sĩ người Việt đầu tiên được đào tạo bởi các họa sĩ và điêu khắc gia Pháp. Lần đầu tiên, hơn 150 tác phẩm của ông được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Pháp.

Hàm Nghi, tên húy Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn. Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương, ông đã bị kẻ phản bội chỉ điểm và bị thực dân Pháp bắt đày sang thủ đô Alger của Algéri năm 1888 vào năm ông 18 tuổi. Chính trong thời gian sống lưu đày ở Alger mà Hàm Nghi đã dần dần trở thành một nghệ sĩ, vẽ rất nhiều tranh theo phong cách phương Tây.

Tranh của ông chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng của Pháp và châu Âu, qua người thầy dạy vẽ trực tiếp cho ông 15 năm là hoạ sĩ Pháp Marius Reynaud sống ở Algéri. Ngoài ra, Hàm Nghi cũng từng là học trò của nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodin.

Lần đầu tiên hơn 150 tác phẩm, vật thể và tài liệu của nghệ sĩ Hàm Nghi, được thu thập từ các bộ sưu tập tư nhân và từ các viện bảo tàng  ở Paris, sẽ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật châu Á của thành phố Nice, miền nam nước Pháp, từ ngày 19/03 đến ngày 26/06. Triển lãm mang tên "Nghệ thuật lưu vong (L'Art en exil). Cuộc triển lãm chưa từng có này điểm lại những trang của lịch sử nói chung và của lịch sử nghệ thuật nói riêng mà công chúng Pháp chưa biết đến hoặc ít ai biết đến.

Người đứng ra tổ chức cuộc triển lãm này không ai khác hơn chính là cô Amandine Dabat, hậu duệ 5 đời của Hoàng đế - Nghệ sĩ Hàm Nghi. Cô chính là tác giả của cuốn sách “Ham Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi  - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger), xuất bản năm 2019 tại Pháp. Tác phẩm này chủ yếu dựa trên luận án tiến sĩ của cô về Hàm Nghi.

Hôm nay, Amandine Dabat có mặt tại studio của đài RFI để giới thiệu đến quý vị cuộc triển lãm Hàm Nghi tại Nice.

Trước hết, Amandine Dabat nhắc lại trong bối cảnh nào mà từ một người chống Pháp quyết liệt đến mức ban đầu không thèm học ngôn ngữ của thực dân, Hàm Nghi, được gọi là hoàng thân An Nam, đã trở thành một nghệ sĩ chịu ảnh hưởng rất lớn của các họa sĩ và điêu khắc gia Pháp:

“Hoàng thân An Nam từ bé đã được được quan đại thần đưa lên ngôi và ông đã trị vì khoảng một năm vào tuổi 13-14, vào lúc mà Pháp muốn biến Đông Dương thành thuộc địa và lập chế độ Bảo Hộ ở An Nam. Các quan đại thần sau đó đã phát động cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đã thất bại và hoàng đế An Nam đã buộc phải cùng với một đại thần chạy lên núi ở miền trung An Nam  để tiếp tục cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Sau ba năm lẩn trốn, ông đã bị phản bội, bị bắt giao cho Pháp. Thực dân Pháp bèn đày ông sang Alger, vì Algéri lúc đó thuộc Pháp được xem là một nơi kín đáo hơn là nước Pháp chính quốc. Chính quyền Pháp sợ công luận sử dụng chuyện của vị hoàng đế trẻ khi đó mới 18 tuổi để chỉ trích chính sách thuộc địa của Pháp.

Khi đưa Hàm Nghi đến Alger, mục tiêu của chính quyền Pháp là biến ông thành một người thân Pháp trong trường hợp mà họ đưa ông lên ngôi trở lại ở An Nam. Cho nên họ cho ông tiếp cận nền giáo dục Pháp, qua việc học hội họa với các họa sĩ theo xu hướng mỹ thuật phương Đông Marius Reynaud.

Kể từ năm 1893, ông bắt đầu được phép đến nước Pháp chính quốc, cứ hai năm một lần. Ban đầu là để ông có thể đến Vichy chữa bệnh gan, hậu quả của bệnh sốt rét. Nhưng ông đã tranh thủ những dịp này đến Paris để đi xem triển lãm, thăm các phòng tranh, gặp các nghệ sĩ, như điêu khắc gia Auguste Rodin để học điêu khắc.”

Affiche triển lãm tranh của Hàm Nghi tại Nice.Affiche triển lãm tranh của Hàm Nghi tại Nice.image

Affiche triển lãm tranh của Hàm Nghi tại Nice. © RFI

Ngay sau khi cho xuất cuốn sách “Hàm Nghi  - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” vào năm 2019, Amandine Dabat đã muốn tổ chức ngay một cuộc triển lãm các tác phẩm của cựu hoàng đế, một dự án mà cô đã ấp ủ từ nhiều năm qua. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến việc thực hiện dự án này chậm trễ, đến nay mới có thể tổ chức được. Amandine cho biết về cuộc triển lãm sẽ khai mạc ngày 19/03:

“Cuộc triển lãm này là tiếp nối luận án tiến sĩ của tôi, trong đó tôi đã lập một catalogue các tác phẩm của Hàm Nghị, tôi đã tiến hành nghiên cứu gia phả về những người bạn mà ông đã tặng tác phẩm. Đó là những tác phẩm mà tôi đã tập hợp trong luận án tiến sĩ và một phần các tác phẩm này sẽ được trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại Nice. Đây là dự án mà tôi theo đuổi từ 10 năm qua và nay trở thành hiện thực.”

Đây không phải là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm các tác phẩm của Hàm Nghi ở Pháp. Nhưng chưa bao giờ có một cuộc triển lãm quy mô như thế, quy tụ đến hơn 150 tác phẩm, tài liệu và vật thể. Những tranh, tượng của Hàm Nghi được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice sẽ là dịp để công chúng Pháp khám phá một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên hấp thụ nền hội họa và điêu khắc Pháp, nhưng lại có phong cách khác với những bậc tiền bối. Cô Amandine Dabat nêu lên những đặc điểm nghệ sĩ lưu vong Hàm Nghi:

“Đặc điểm Hàm Nghi đó là ông đã được học mỹ thuật vào thời kỳ mà khái niệm về nghệ sĩ và mỹ thuật chưa có ở Việt Nam. Những khái niệm này chỉ được Pháp đưa vào Việt Nam vào năm 1925, với việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Vào thời điểm mà Hàm Nghi đến Alger, Việt Nam chủ yếu chỉ có thủ công và những nghệ nhân xuất sắc nhất chỉ là những người sao chép. Hàm Nghi đã khám phá mỹ thuật phương Tây và đã ngay lập tức quan tâm đến những họa sĩ phương Tây mà ông cho là xuất sắc nhất, đó là các họa sĩ trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, dựa theo phong cách của họ để vẽ nên các tác phẩm của ông.

Nhưng có một điểm khác giữa Hàm Nghi với những họa sĩ phương Tây đi trước ông, đó là ông không hề quan tâm đến xã hội công nghiệp, không vẽ tranh về xã hội chung quanh ông. Trong các tác phẩm của Hàm Nghi, người ta thấy ông lánh xa xã hội này, chỉ chú tâm vào thiên nhiên. Ông thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trên các bức tranh, hiệu ứng của ánh sáng. Chúng ta có thể hiểu sự chọn lựa này nếu biết rằng trong suốt cuộc đời ông, Hàm Nghi vẫn bị nhà chức trách Pháp xem là một nhà hoạt động chính trị, thường xuyên bị mật vụ Pháp theo dõi khi ông đến nước Pháp chính quốc. Báo chí Pháp cũng theo sát nhất cử nhất động của ông.

Việc chỉ vẽ về thiên nhiên không chỉ là cách để ông thể hiện tâm trạng cô đơn, cảnh sống lưu vong, mà còn là cách để ông tách rời khỏi thế giới quanh ông, bảo toàn sự tự do của ông.

Có thể nói đây là cách để ông “lách” kiểm duyệt của Pháp. Khi xem các tranh của Hàm Nghi, người ta không biết là ông vẽ lại những kỷ niệm về mà ông còn giữ lại, cũng như không biết là ông vẽ cảnh nước Pháp hay nước Algéri. Nói chung, ông sẽ thiên nhiên một cách rất phổ quát, không phân biệt nước này hay nước kia. Ông vẽ nước Pháp hay Algéri đều như nhau, điều ông quan tâm duy nhất là vẻ đẹp của thiên nhiên”.

Khách đến xem triển lãm các tác phẩm của Hàm Nghi chắc cũng sẽ rất thích thú khi biết được rằng hoàng thân An Nam cũng là một trong những học trò của điêu khắc gia nổi tiếng Auguste Rodin, một trong những niềm tự hào của dân Pháp. Về sự nghiệp của điêu khắc gia Hàm Nghi, cô Amandine Dabat cho biết:

“Hàm Nghi bắt đầu thực hiện các tác phẩm điêu khắc rất có thể là từ năm 1895. Vết tích đầu tiên này có trong một bức thư mà chúng ta còn giữ được, đề cập đến việc ông tạc tượng. Ông gặp được Auguste Rodin dường như là vào năm 1899. Hàm Nghi thậm chí đã tặng cho Rodin một trong những bức tranh do chính ông vẽ, mà hiện còn được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Rodin và sẽ được trưng bày ở Nice.

Khi hai người gặp nhau, Rodin tiếp Hàm Nghi trong xưởng điêu khắc của ông. Rodin không có các học trò chính thức, nhưng trong xưởng của mình, ông đã đào tạo nhiều điêu khắc gia, nhiều nghệ sĩ. Chính Rodin đã dạy cho Hàm Nghi những nguyên tắc tổng quát về điêu khắc.

Tác phẩm điêu khắc xưa nhất của  Hàm Nghi còn được lưu giữ là có từ 1915-1920. Người ta có thể thấy rõ dấu ấn của Rodin, phong cách của Rodin, cách mà ông thể hiện các cơ bắp. Các tác phẩm điêu khắc của Hàm Nghi vay mượn rất nhiều của Rodin.

Tôi đặc biệt nghĩ đến bức tượng đúc đồng của Hàm Nghi có tên là Femme à la coloquinte, tạc vào năm 1925, diễn tả bà Eve tay còn cầm trái táo, che mặt xấu hổ vì thân thể trần truồng sau khi bị Chúa đuổi khỏi thiên đường. Bức tượng này dựa rất nhiều theo tác phẩm Deux Eve của Rodin, cũng sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Nice.”

Sau cuộc triển lãm ở Nice, Amandine Dabat cho biết cô rất muốn các tác phẩm của Hàm Nghi được giới thiệu trong các cuộc triển lãm khác. Cô cũng đang nóng lòng chờ lúc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại để quay lại Việt Nam. Lần cuối cùng mà cô đến Việt Nam là vào tháng 02/2020. Amandine Dabat tin rằng còn có thể tìm thấy những tài liệu, vật thể liên quan đến Hàm Nghi trong các kho tư liệu ở Việt Nam, ở Pháp và ở Algéri.

Nguồn: https://www.rfi.fr/