Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 11)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

12

Cậu bé Ngô Cao Thượng, con thầy giáo Ngô Thời Bá gà trống nuôi con ngày nào, giờ đã thành một kỹ sư dầu khí tuổi trẻ tài cao. Tướng Huỳnh Thi Ka, giữ đúng lời hứa, giới thiệu Thượng về Liên doanh dầu khí Vietsovpetro Vũng Tàu. Qua đợt sát hạch tay nghề, Thượng được nhận ngay vào chức danh trợ lý kỹ sư trưởng giàn khoan, với mức lương không thua kém chuyên gia nước ngoài.

Hồi học ở trường Đại học Mỏ, Ngô Cao Thượng làm bí thư liên chi đoàn, lại là đội trưởng bóng rổ của trường, nên anh có nhiều bạn và đệ tử. Trong đội bóng rổ có Doãn Cường cao kều, người Hải Phòng, học sau Thượng hai khóa, là đứa em út rất hợp cạ, anh em chơi với nhau thân thiết như ruột thịt.

Mùa hè thứ hai của đời công chức, Ngô Cao Thượng quyết định mời thằng em Doãn Cường vào chơi Vũng Tàu và có quyền đưa theo người yêu. Doãn Cường oke ngay, nhưng ngoằng thêm một điều kiện, rằng Trần Thu Sa, bạn gái Cường muốn rủ theo cô bạn chí thân Vũ Quỳnh Liên, người đã từng là fan hâm mộ đội bóng rổ Macma của trường Đại học Mỏ có thời do Thượng làm đội trưởng. Nhắc đến Quỳnh Liên là Thượng ưng liền. Mỗi lần chơi bóng rổ, thoáng thấy đôi mắt to đen của nàng nhìn anh là sức bật và khả năng ném bóng trúng rổ của anh lại tăng lên hai trăm phần trăm. Nhưng ấn tượng nhất là lần đi biểu tình với nàng ở Hồ Gươm. Nếu sinh ra thời Bà Trưng, Bà Triệu, ắt nàng phải là một nữ tướng. Anh đặc biệt có cảm tình với cô gái với vẻ đẹp thuần Việt, nhưng tính cách lại mạnh mẽ, hiện đại.

Mãi cuối năm thứ tư đại học, Thượng mới có dịp về quê Hải Phòng của người bạn cùng đội bóng rổ với anh. Thì ra bố Doãn Cường chính là họa sỹ tù nhân lương tâm Doãn Kiên. Ông treo cờ vàng của hạm tàu Nhật Tảo trong trận hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Quốc, ông vẽ tranh phản đối đường lưỡi bò mang đi biểu tình. Và bị tù. Nói chuyện với Thượng, cô giáo Nga, mẹ của Cường sụt sùi khóc lo cho Cường sau này tốt nghiệp sẽ không có việc làm”. Nhà nước này ai cho con thằng tù vào làm việc, cháu ơi”. Thượng chợt nhớ tới ông bác Huỳnh Thi Ka, liền nói: “Cháu không dám hứa, nhưng nếu được vào dầu khí Vũng Tàu, cháu sẽ lo giúp em Cường”.

Tiếp đến, cô bạn gái do Cường và Thu Sa giới thiệu với Thượng, cũng lại là con một tù nhân. Vũ Quỳnh Liên, một cái tên đầy kiêu hãnh, một thiếu nữ hoàn hảo đến từng milimet.

-Anh còn nhớ em không? Em là Vũ Quỳnh Liên, sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, là con của tù nhân lương tâm, luật sư Vũ Duy.

-Fan bóng rổ của đội Macma. Người đẹp biểu tình chống Tàu. Quên sao được - Thượng nắm bàn tay nhỏ nhắn, mềm ấm của Liên hơi lâu - Em là con gái luật sư Vũ Duy à? Anh quá biết bố em. Hồi học ở trường chuyên Amstecdam, anh đã đi nghe bố em diễn thuyết chui. Một ngọn lửa luôn truyền cảm hứng cho giới trẻ.

- Còn em lại biết nhà văn Ngô Thời Bá bố anh từ rất lâu rồi. Đọc văn của cụ, mới thấy ngày xưa các cụ sống hừng hực lý tưởng và đầy vị tha, dâng hiến… Thích nhất là “Tốt sang sông”, một Saga do Ngô Thời Bá kể, nói như nhà văn, nhà giáo dục Phạm Toàn.

Ngô Cao Thượng thầm khen sức đọc và sự hiểu biết của Quỳnh Liên. Saga, tiếng Pháp, tiếng Anh, nghĩa là tiểu thuyết về một dòng họ, tiểu thuyết sử thi… Và anh bắt đầu mơ tưởng về cô bé tiềm ẩn một vẻ đẹp trí tuệ này.

Cuộc gặp với ba người bạn Hà Nội trên bãi biển Vũng Tàu, với Thượng, là một hạnh phúc đột biến trong đời. Mặc nhiên họ tạo thành hai cặp uyên ương, cả khi hòa trong sóng biển, cả lúc dạo chơi trên những con đường ven bãi Trước, bãi Sau, núi Nhỏ, núi Lớn thần tiên. Ngô Cao Thượng vui như bắt được vàng. Vàng mười hẳn hoi. Bởi anh nghĩ chỉ có Chúa mới đem Quỳnh Liên đến cho anh. Một vẻ đẹp của đức mẹ đồng trinh Maria, kiêu sa, thánh thiện. Và dường như họ đã thuộc về nhau ngay từ ánh mắt trao gửi đầu tiên. Mặc nhiên họ chia nhau thành hai cặp. Ban đầu, Liên mắc cỡ, cứ thích bám theo Thu Sa. Doãn Cường và Thu Sa biết ý, và cũng ranh ma muốn ăn mảnh nữa, luôn tìm cách gạt Liên ra. Và Liên cũng chỉ mong có vậy, nàng ra vẻ bị cho ra rìa, phải cặp đôi với Thượng. Kỳ thực nàng thích. Ngô Cao Thượng là một mẫu đàn ông lý tưởng. Rất cao thượng, đẹp trai, lịch lãm và hiểu tâm lý phụ nữ. Nhiều lúc, hai đứa còn cố tình tách xa cặp Thu Sa và Doãn Cường, nhất là lúc họ nhảy sóng và theo nước rút, ra mãi ngoài phao cảnh báo. Chao ơi, thích nhất là lúc con sóng nhấc bổng Liên lên, đẩy sâu vào bờ, rồi rút nhanh ra xa. Liên chợt nhớ đến thiên truyện ngắn của Chekhov, Một chuyện đùa. Liên có khác chi nàng Nadia của mùa tuyết ấy, chỉ khác thay vì ngồi xe trượt tuyết xuống dốc, Quỳnh Liên ra biển Vũng Tàu nhảy sóng với Ngô Cao Thượng. Và mỗi khi bị sóng cuốn ra xa, nàng lại nghe văng vẳng bên tai: Quỳnh Liên, anh yêu em...

Tắm biển hai ngày, ngày thứ ba, Cường đề nghị cả đoàn cùng về Sài Gòn.

- Có chuyện gì mà gấp vậy? Các bạn cứ ở đây chơi vài ngày. Tuần này và tuần sau mình được tự do vì không phải ca làm ngoài giàn khoan. Mình sẽ đưa các bạn ra thăm Côn Đảo – Thượng cố nài nỉ, vì anh bắt đầu thấy “say nắng” Quỳnh Liên. Cô nàng hình như cũng mê anh.

- Anh Thượng cũng lên Sài Gòn với chúng em mà… - Quỳnh Liên nói và đưa mắt cho Doãn Cường và Thu Sa.

Doãn Cường đắn đo một lát rồi hỏi Thượng:

-Tàu Hải Dương Trung Quốc mấy ngày nay rình rập ngoài giàn khoan và bãi Tư Chính, anh có thấy bức xúc không?

- Sao Cường lại hỏi thế? Các bạn nhớ lại xem. Ở Hà Nội, mỗi lần tàu lạ gây hấn trên biển là mình lại muốn đi biểu tình với các bạn…

Mọi người cùng nhớ lại. Lần đầu tiên họ đi biểu tình cùng nhau là vụ tàu giàn khoan Trung Quốc xâm lấn khu đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. Rất đông sinh viên các trường đại học. Họ trốn trường, tụ tập thành từng nhóm bạn bè, viết băng rôn bằng bút dạ trên bìa carton, mặt sau tờ lịch, trên giấy học trò. “Đả đảo âm mưu độc chiếm Biển Đông”, “Trung Quốc cút khỏi Hoàng Sa, Trường Sa” “Đả đảo đường lưỡi bò”… Sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên Hà Nội biểu tình lớn. Đi đầu đoàn người từ tượng đài vua Lý Thái Tổ, quanh Hồ Gươm, tiến đến vườn hoa Lê Nin và Đại sứ quán Trung Quốc là các trí thức dấn thân, được các dư luận viên gọi là bọn Rận chủ: Ngô Đức Thọ, Nguyên Ngọc, Hoàng Tụy, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Danh Dy, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Xuân Diện, Đào Tiến Thi, Tương Giang, Doãn Kiên... Nhạc sĩ Tạ Chí Hải vừa kéo violon vừa vung cần đàn hô khẩu hiệu. Nhóm của Ngô Cao Thượng, Doãn Cường, Vũ Quỳnh Liên, Thu Sa dàn hàng ngang, giơ cao cờ đỏ sao vàng và hát vang bài “Việt Nam Hồ Chí Minh”. Sau vụ ấy, tất cả đều bị nhà trường gọi lên kiểm điểm, bị ghi sổ đen, bắt hứa lần sau không được đi biểu tình. Riêng Ngô Cao Thượng bị ép phải viết đơn tự xin ra khỏi ban chấp hành đoàn trường.

-Cuộc biểu tình ở Hà Nội ấy, suốt đời không thể quên - Thượng nhìn Quỳnh Liên ý tứ - Lần đầu tiên mình được làm quen với Quỳnh Liên và Thu Sa cũng nhờ cuộc diễu hành lịch sử ấy.

Thu Sa đề nghị:

-Sáng mai, ở Sài Gòn có biểu tình chống tàu Hải Dương 981. Anh đi biểu tình với chúng em nhé.

- Thế mà cứ vòng vo mãi. Oke. Đã là người Việt Nam thì không thể trùm chăn lúc này. Biểu tình xong lại về Vũng Tàu nhé. Mình sẽ mượn xe ông anh, đưa các bạn lên Sài Gòn.

***

Buổi sáng chủ nhật ấy, Sài Gòn như trước một cơn giông. Không khí dọc các con đường về nhà thờ Đức Bà như bị nén lại, ngột ngạt và căng thẳng. Người xe vẫn xuôi ngược, nhưng dường như có những nhóm người đang rình rập, truy lùng. Cảnh sát áo vàng đi xe mô tô vè vè yêu cầu người đi đường dẹp vào bên lề. Cảnh sát chìm mặc thường phục lượn lờ dòm vào mặt từng người tìm các dấu hiệu khả nghi. Thanh niên xung phong mặc áo màu xanh lam, dân phòng mặc đồ xanh dương, lặng lẽ đứng cách nhau chục mét hai bên hè đường, sẵn sàng uy hiếp, trấn áp. Ở quảng trường 30 tháng 4, trước vườn hoa nhà thờ Đức Bà, nhiều tốp thanh niên nam nữ và các vị trung niên, đột ngột từ đâu kéo về, tạo thành từng nhóm, lặng lẽ quan sát nhau như chờ đợi một hiệu lệnh gì đó, một động thái nào đó. Từng tốp công an chìm, dư luận viên, người nào cũng lầm lì, bí hiểm và quyết liệt như được trả lương bằng tiền Tệ, đi đến các nhóm thanh niên đề nghị đi chơi chỗ khác, không tụ tập.

Ngô Cao Thượng lái chiếc Toyota màu mận chín chở ba người bạn từ Vũng Tàu lên lúc tám giờ. Xe dừng ở bến tầu cánh ngầm để Thượng đi gửi xe. Địa điểm họ sẽ tới là tượng đài Trần Hưng Đạo. Nếu như Hà Nội, vườn hoa và tượng đài vua Lý Thái Tổ là nơi tụ hội mở đầu các cuộc biểu tình ôn hòa, thì ở Sài Gòn, nơi gặp gỡ, xuất phát mọi cuộc diễu hành là khu tượng đài Trần Hưng Đạo và trước thềm Nhà hát lớn Thành phố. Đã mấy lần nhà cầm quyền muốn đập bỏ lư hương trước tượng người Anh hùng dân tộc để cho người dân không còn chỗ tưởng niệm, tụ họp. Họ sợ hay họ căm ghét những người muốn yêu nước? Không hiểu nổi.

Kia rồi, cả ban điều hành Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Văn đoàn Độc Lập, Hội Nhà báo Độc Lập… đã tề tựu dưới chân tượng đài. Giáo sư Tương Lai mái tóc bạc trắng, nhà báo Lê phú Khải cao kều chuyên đội mũ phớt Anglais. Và những tử tù Côn Đảo một thời: Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Thôn, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu; các văn nghệ sỹ, trí thức, nhà doanh nghiệp: Tuấn Khanh, Phạm Đình Trọng, Hoàng Hưng, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Kim Chi, Nguyễn Thị Hạnh, Phạm Chí Dũng, Kha Lương Ngãi, Vũ Trọng Khải, Tô Lê Sơn, Trần Bang, Sương Quỳnh, Lại Thị Ánh Hồng… Đặc biệt có cả tù nhân Chí Hòa hai quốc tịch Pháp - Việt Andre Menras Hồ Cương Quyết. Có cả nhóm Đà Lạt gồm Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… Mặt người yêu nước rờ rỡ hạnh phúc được dâng hiến, hừng hực tình yêu sông núi.

Ngô Cao Thượng dường như quen tất cả những gương mặt Rận chủ ngoại hạng ấy. Nhiều người là bạn thân của bố anh. Có người anh chủ động tìm gặp, vì ngưỡng mộ, như Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Cương Quyết. Vả lại, đây không phải lần đầu anh tham gia biểu tình ở Sài Gòn. Giữa thời buổi mọi trí thức sống được là nhờ sợ hãi, nói theo Nguyễn Tuân, thì đây chính là giới trí thức tinh hoa, uy vũ bất năng khuất, của Sài Gòn hôm nay.

-Trời ơi, thằng Ngô Cao Thượng, con nhà văn Ngô Thời Bá bạn tôi. Các cháu từ Hà Nội vào đây tham gia biểu tình à?

Vừa nhìn thấy Thượng, nhà báo Lê Phú Khải đã reo lên, chạy đến dang tay ôm anh. Ông già cao kều, tác giả của những cuốn sách chuyên luận nổi tiếng về đồng bằng sông Cửu Long, với câu thành ngữ mới “sống chung với lũ” và gần đây là tự truyện nổi tiếng“Lời ai điếu”, đã ngoại thất tuần mà vẫn hừng hực chất trẻ trong huyết quản. Thượng giới thiệu các bạn mình với các nhà dân chủ. Ai cũng chào đón họ thân tình, nồng nhiệt như lớp hậu sinh đầy tin yêu, tự hào.

- Đây rồi, một chuyên gia biểu tình, nhà thơ Phan Đắc Lữ. Để bác giới thiệu với các cháu - Nhà báo Lê Phú Khải đưa bọn Thượng đến gặp một ông già tóc bạc có nụ cười hóm hỉnh – Hơn tám mươi tuổi mà không chịu bỏ một cuộc biểu tình chống Tàu nào đâu nhé. Bởi ông luôn đi khỏi nhà từ mấy hôm trước, ngủ nhờ, ngủ khách sạn giá cao để trốn bọn “bánh canh” nên không bị chặn bao giờ. Nhiều người các cháu gặp đây, muốn đi biểu tình phải đi từ một giờ sáng. Hôm qua, bác phải đi từ chập tối đấy. Ngủ khách sạn đường Đồng Khởi tám trăm ngàn, sáng ăn buffet đàng hoàng. Còn đây, cô Lại Thị Ánh Hồng, một doanh nhân hảo tâm, chuyên lo hương, hoa, băng rôn và bánh mì, nước uống cho người biểu tình. Kia nữa, bác Trần Bang và cô Sương Quỳnh hăng hái luôn dẫn đầu đoàn người biểu tình, bị an ninh chìm đánh vỡ đầu… Các cháu phải nhớ, Cụ Hồ từng nói, dân ta luôn có một lòng yêu nước nồng nàn…

Quỳnh Liên kéo các bạn chụp ảnh chung với mọi người, mắt tròn ngơ ngác, đầy kính yêu, ngưỡng vọng.

Sau khi giáo sư Tương Lai và mọi người dâng hương kính lạy Đức thánh Trần Hưng Đạo, mọi người tự ghép hàng hai tiến về nhà thờ Đức Bà. Lúc này, các nhóm thanh niên rải rác trong công viên, trước quảng trường 30 tháng tư, không ai bảo ai, bỗng nhất tề đeo băng đỏ sao vàng đã chuẩn bị sẵn, lên đầu. Các áp phích lớn, các băng rôn, khẩu hiệu được trương lên. Đả đảo Bành trướng. Tàu Hải Dương 981 cút khỏi thềm lục địa Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đả đảo đường lưỡi bò… Mọi người trương băng rôn biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu và tuần hành từ vườn hoa Nhà thờ Đức Bà, dọc đường Phạm Ngọc Thạch, lên bùng binh hồ Con Rùa.

Nhóm bạn trẻ người Hà Nội như chìm nghỉm giữa dòng người cuồn cuộn của Sài Gòn. Họ bị đẩy đi, lướt đi, cuốn đi, chen vai thích cánh. Nắm lấy tay nhau kẻo lạc đấy. Thượng cầm tay Quỳnh Liên và nói như quát với cặp Doãn Cường, Thu Sa. Giọng họ dần khản đặc. Muốn hô đến vỡ lồng ngực. Lịch sử nghìn năm cuộn chảy về. Hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… trùng trùng phía trước. Tự nhiên lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, trách nhiệm trước chủ quyền lãnh thổ, trào dâng đến nghẹn ngào. Hà Nội chưa có cuộc biểu tình nào lớn như ở đây. Dường như tuổi trẻ Sài Gòn vẫn tiếp nối được những cuộc xuống đường của sinh viên, nhà báo, phật tử trong phong trào chống Mỹ, đòi tự do dân chủ của những năm 1960 khốc liệt.

Những barie chắn đường được gấp rút khuân ra. Lực lượng cảnh sát chìm, K47 và dân phòng, thanh niên xung phong xé nhỏ đoàn biểu tình thành từng tốp, từng mảng, ép họ lên vỉa hè, dùng tay, chân, nhằm những kẻ hăng hái nhất, phấn khích nhất, đánh đòn ngầm. Tiếng kêu oai oái. Tiếng khóc ré. Tiếng văng tục. Tiếng chửi rủa. Tiếng gọi nhau. Rồi những chiếc xe bus xuất hiện. Nhiều người bị lùa, bị khiêng, bị quăng lên xe.

Hai cặp đôi bị thất lạc nhau. Doãn Cường và Thu Sa bị ép vào hàng rào Ủy ban Nhân dân Quận I, bị bao vây bởi cảnh sát chìm và dân phòng, không thoát ra được. Thượng gần như ôm lấy Quỳnh Liên để bảo vệ nàng và tìm cách lao ra đường theo đoàn người đang tiếp tục hô vang khẩu hiệu và tiến về hồ Con Rùa. Một phóng viên nước ngoài áo đầy máu giơ máy, bấm gọn khuôn hình Thượng kéo Liên tránh được một phát dùi cui. Nhưng không kịp rồi. Chiếc xe bus màu xanh bỗng xịch tới. Cửa mở toang. Hai cảnh sát chìm lực lưỡng kéo Thượng lên xe. Một gã dân phòng áo xanh lá cây to con như đao phủ ôm bổng Quỳnh Liên, ném tọt vào xe. Cửa xe đóng sầm lại. Chiếc bus lao đi.

***

Cũng sáng ấy, ở Hà Nội, một cuộc biểu tình lớn chưa từng có cũng đã được chuẩn bị.

Trang Blog Kền Kền, mặc dù chủ trang, Tổng biên tập Lê Trang, đang bận sửa sang căn biệt thự mới mua ở đường Lewis, Garden Grove, California, từ mấy hôm trước đã post lên bài cảnh báo về các cuộc biểu tình sẽ diễn ra trên toàn quốc: Các nhà Rận chủ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lợi dụng giàn khoan Trung Quốc với dụng ý gì? Các trang mạng lề trái, trong đó có Blog Annamite của tiến sĩ Ngô Viễn, ngay từ đầu tuần đã đăng tin về thời gian cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc trên toàn quốc, một sự chuẩn bị rất chu đáo, công khai minh bạch của lực lượng dân chủ.

Từ sáng tinh mơ, khắp các ngả đường, các bến xe bus, đã thấy từng nhóm, từng tốp người đi bộ về phía Hồ Gươm. Đoàn xe sáu chiếc 24 chỗ chở nông dân Văn Giang bị ách lại ở đầu cầu Chương Dương. Đoàn xe khác bốn chiếc chở nông dân Dương Nội bị chặn ở Ô Chợ Dừa.

Trước cửa nhà các Rận chủ, từ chiều hôm trước đã túc trực các bánh canh, do anh em Huân Sói, Hùng Hổ trực tiếp chỉ huy. Mệnh lệnh của cấp trên: Bằng mọi giá ngăn không cho các đối tượng sổ đen ra khỏi nhà để tham gia biểu tình.

Nhà Rận chủ Quốc Sỉ, một chuyên gia biểu tình, đánh hơi thấy tình hình sẽ rất căng thẳng, nên từ sáng sớm hôm trước, ông đã đi xe bus lên Trần Quốc Toản chơi với phó giáo sư Quốc Đại, đang được hưởng một tuần tự do vì vợ về quê ngoại thăm mẹ. “Chiều nay bọn bánh canh sẽ chặn cửa nhà tôi. Ông cho tôi ngủ nhờ, mai anh em mình ra Bờ Hồ biểu tình chống tàu giàn khoan Trung Quốc”. Quốc Đại oke ngay. “Tôi đang sôi sục ngọn sóng Đằng Giang tự cổ huyết do hồng đây. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Sao cái thằng Đại Hán đất rộng người đông nhất thế giới mà nó cứ chơi bẩn, lấn từng mét đất, vạt biển của nước Nam mình thế nhỉ? Mình không kêu cho thế giới biết, là nó cậy thế ăn hiếp ngay…” Sau một hồi suy nghĩ, Quốc Đại liền thay đổi ý định. “Không được. Nhà tôi chỉ có một ngõ cụt đủ khiêng một quan tài đi lọt, bọn bánh canh chặn cửa thì cân đẩu vân cũng không bay qua được”. Hai ông bạn bàn nhau lên phố Đinh Tiên Hoàng thuê khách sạn, vừa trút bầu tâm sự với nhau qua đêm, vừa gần chỗ tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ăn phở xong là nhập ngay vào đoàn biểu tình. Quả là diệu kế. Hai ông bạn cười ha hả như Bá Nha gặp Tử Kỳ.

Ngồi từ lầu hai tiệm phở Bắc Kỳ, Quốc Sỉ, Quốc Đại có thể quan sát gần như toàn cảnh Hồ Gươm. Quân ta từng tổ, từng nhóm đang ém quân ở những địa điểm quen thuộc. Kia nhé, hội xe ôm làng Động của vợ chồng nhà Khiển Trọc và Thì Thầm đông tới hai, ba chục người đang giả vờ đứng trên cầu Thê Húc ngắm cảnh. Và kìa, chuyên gia biểu tình Sâm Mọc, Dũng taxi, Ngạn thịt cầy đang tha thẩn ở nhà thông tin du lịch. Chà chà, ai kia nhỉ, có phải hai chị em nàng Quỳnh Thy, Mai Thy đấy không . Đúng là hai nàng xinh đẹp cũng đi biểu tình chống Tầu rồi. phen này thì phóng viên nước ngoài tha hồ mà lăng- xê hình ảnh người đẹp Việt Nam anh hùng.

- Này ông, hỏng rồi - Quốc Đại bấm Quốc Sỉ - Bọn Bò đỏ giở trò rồi. Ông có thấy mấy lão đầu trọc và các ả điếm già đang nhảy múa tango trước tượng đài vua Lý không? Chúng phá không cho dân tụ tập. Lại mưu hèn kế bẩn của anh em thằng Hùng Hổ.

Quả nhiên, tiếng nhạc mở to nhức óc hết điệu tango lại đến chachacha, rồi rock, rap. Các vũ công toàn loại U60, U70 đang uốn éo trông rất thớ lợ.

-May mà hôm nay chúng không cho người ra cưa gỗ, đục đá trước tượng vua Lý như hồi đầu năm kỷ niệm ngày 17 thang 2 chống quân Bành trướng. Đúng là thời mạt vận, bợ đít thằng Tập Cặn Bã. Sao đầu chúng nó toàn bùn thế hả ông. Không nghĩ ra cách gì hay hơn được nhỉ?

-Thì họ đang múa hiện đại đấy thôi. Các vị đả kích việc cưa đục, thì chúng tôi giở trò văn nghệ. Cha cha cha, đàn ông với lại đàn bà. Ha ha ha tang- gô với lại vàn- sờ… Vui đáo để.

Quốc Đại nghe điện thoại, mặt hớn hở.

-Tiến sĩ Quốc Bói đã vượt được vòng vây bánh canh đang đến chỗ chúng ta rồi.

-Hắn chui qua đường hầm ra ao phải không?

Cả hai cùng vỗ tay, cười phá lên. Câu chuyện về cái hầm ngầm đi biểu tình của tiến sĩ Quốc Bói là một sáng kiến vĩ đại đã được loan truyền trong giới Rận chủ. Số là, nhà Quốc Bói trong làng Kim Liên, thông ra đường lớn bằng một con ngõ nhỏ. Lần nào Quốc Bói đi biểu tình cũng bị bánh canh chặn trước con ngõ độc đạo. “Chú ơi, hôm nay không ra ngoài được đâu, chú về nhà đi”. “ Ơ cái bọn này. Chú đi mua bao thuốc. Không có thuốc, tao không làm việc nổi”. “Chú hút loại thuốc gì, chúng cháu mang tới liền. Chú cứ về nhà đi”. Có lần bực quá, Quốc Bói chửi ầm lên. “Hôm nay bố mày lên gặp Chủ tịch nước. Đồng chí Chủ tịch muốn xoay lại hướng bàn làm việc”. “Chú cứ về nhà. Thủ trưởng chúng cháu sẽ báo cáo với Chủ tịch nước để ngày mai chú lên gặp”… Uất muốn chết mà cũng không làm cách nào vượt qua được lũ bánh canh để đi biểu tình. Sau bao ngày tính mưu kế, Quốc Bói liền nghĩ ra cách thuê thợ về đào một đường hầm từ nhà ra cống nước thối gần đó. Chỉ cần ra đến cống nước thối, men theo cống một quãng là ra ngay đường lớn, ngược hẳn hướng bọn bánh canh, tha hồ bắt xe ôm đi biểu tình.

-Hôm nay tiến sĩ Quốc Bói cũng chui qua cống nước thối ông ạ. Thông minh đến thế là cùng – Quốc Đại hí hửng – Tôi với ông sắp gặp bạn chí thân rồi.

- Trừ Quốc Bói ra,tuyệt nhiên chưa nhìn thấy tay nào khác của quân mình ông ạ - Quốc Sỉ tỏ ra lo lắng - Mọi lần tiến sĩ Lê Khắc Mai, nhạc sĩ Tạ Chí Hải, rồi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đến sớm lắm cơ mà. Hay là bị bánh canh chặn hết cả rồi.

Bát phở bốc hơi ngào ngạt vừa đặt trước mặt hai nhà Rận chủ, thì máy điện thoại của Quốc Sỉ và Quốc Đại đổ chuông liên hồi.

-Tiến sĩ Nguyễn Quang A gọi – Quốc Sỉ ra hiệu cho Đại và mở loa ngoài -A lô, tớ bị bánh canh nó chặn từ nửa đêm qua cậu ạ. Không làm cách nào thoát ra được. Nói với mọi người tha tội cho tớ nhé. Sài Gòn đang tràn ngập đường phố rồi. Chúc Hà Nội thành công.

Đến lượt Quốc Đại mở iphone.

-Alo, Quốc Đại hả? Nguyễn Xuân Diện đây. Đã lên Bờ Hồ chưa? Tối qua ngủ khách sạn với Quốc Sỉ à? Thông minh lắm. Tôi đang bị vây hãm. Vừa cãi nhau với bọn Bò đỏ. Nài nỉ mãi chúng nó cũng không cho đi. Phải văng tục và súyt đánh nhau. Thôi đành vậy. Chúc thành công nhé.

Vừa thấy bóng Quốc Bói ở quầy phở, hai người bạn liền gọi bổ xung ngay một bát, rồi cả hai ôm chầm lấy bạn.

-Nhà vượt ngục vĩ đại đây rồi - Quốc Sỉ vừa ôm vai bạn, vội đẩy ra – Khiếp, toàn mùi cống rãnh. Ông không thay áo à?

-Quên. Lúc đi vội quá, tao quên mang theo áo để thay. Thông cảm…

-Biểu tình xong, về nhà tao tắm giặt. Tao tặng tiến sĩ Quốc Bói một sơ mi mới cứng chưa đập hộp.

Phở đã bưng lên. Thịt bò thơm phức, bốc khói nghi ngút. Ngon quá, nhưng ba người phải ăn vội để còn kịp đi biểu tình. Vừa trả tiền, định đi đến tượng đài Lý Thái Tổ, thì hai thanh niên to con một cao một béo như hai cầu thủ bóng rổ, cử tạ tiến lại.

-Nhà báo Phạm Quốc Sĩ, phó giáo sư Quốc Đại, và tiến sĩ Lê Kiến Quốc, đề nghị ba anh theo chúng tôi về quận.

-Vì sao phải về quận?- Quốc Bói nóng mặt, sừng sộ - Các anh đang vi phạm nhân quyền đấy nhé.

-Các anh là ai ? Đề nghị cho lệnh bắt - Quốc Đại nói từ tốn, nhưng mắt dọi tia sắc lạnh vào hai thanh niên.

Thanh niên béo tiến gần Quốc Sỉ, Quốc Đại, Quốc Bói, dí sát tấm thẻ đỏ vào mặt ba người, giọng gằn như đang nhai sắt:

-Không nói nhiều. Về đồn!

Rồi hai người, có thêm ba người nữa đến trợ giúp, kẹp tam Quốc Rận chủ bằng những cánh tay như hợp kim. Vừa lúc một chiếc taxi đỗ xịch, cánh cửa mở, ba nhà Rận chủ bị ấn vào xe mà chỉ ú ớ:

-Chúng tôi phản đối bắt người. Có ai cứu… cứu…

Cùng lúc ấy, quanh Hồ Gươm, lực lượng cảnh sát, dân phòng, thanh niên xung phong, lực lượng K47 từ các ngả kéo tới, hất từng tốp người lên vỉa hè, hót từng nhóm người lên xe bus. Tiếng loa tay từ chiếc xe cổ động phát liên tục một bài đã soạn sẵn. “Alo, đề nghị mọi người giải tán. Không được tụ tập, tuần hành. Mọi việc sẽ được Đảng và Nhà nước lo. Không để mắc mưu các thế lực thù địch và bọn âm mưu lật đổ chính quyền…”

Chỉ không đầy ba mươi phút, không khí quanh Hồ Gươm lại trở nên tĩnh lặng.

Hà Nội xứng danh thành phố vì Hòa bình.

***

Bức ảnh hai bạn Ngô Cao Thượng và Quỳnh Liên từ Vũng Tàu lên Sài Gòn tham gia biểu tình chống tàu giàn khoan Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, được phóng viên hãng BBC đăng lên, nhanh chóng phát đi toàn thế giới. Nhiếp ảnh gia rất có nghề khi chớp được cảnh chàng trai dang hai tay che chở cho bạn gái, trong khi chiếc dùi cui đang vụt xuống gương mặt thánh thiện, ngơ ngác, bất an trên chính quê hương mình.

Hoàng Y là người đầu tiên nhận ra gương mặt Quỳnh Liên trên bản tin BBC. Không thể giải thích nổi vì sao, có mối dây liên hệ thiêng liêng nào, từ trời cao, từ âm ti, từ những con sóng vô hình thần giao cách cảm, từ những tín hiệu sinh học có thực mà các nhà khoa học vẫn đang miệt mài tìm kiếm? Nhưng dường như bằng tâm thức, bằng linh cảm của một người cha, y bỗng thấy đau nhói trong ngực và nhận ra con gái mình đang gặp hiểm nguy. Nó đi đâu mà lại lạc vào cuộc biểu tình ấy? Chàng trai bên nó là ai? Ai đã dụ dỗ, lôi kéo chúng đi biểu tình?

Đang lo lắng, hoang mang thắt lòng, thì những câu hỏi của y được giải đáp. Trên trang Blog Annamite xuất hiện chính bức ảnh ấy với lời chú thích: Con gái luật sư Vũ Duy và con trai nhà văn Ngô Thời Bá tham gia biểu tình tại Sài Gòn, bị bắt.

Y mở iphone tìm số máy y thường nghĩ hằng ngày, nhưng lại rất sợ đối diện. Ngay lúc đó, máy rung chuông. Và hiện lên tên nàng.

-Alo, anh biết gì chưa? Quỳnh Liên tham gia biểu tình ở Sài Gòn, đã bị bắt.

Trời ơi, con bé bị đuổi học mất. Anh phải làm gì đi chứ?

Nàng thở dốc trong máy. Tiếng nàng thổn thức tuyệt vọng. Y cảm thấy nước mắt nàng tuôn tràn trên má và trái tim người mẹ đang đau đớn run rẩy như con chim nhỏ trong giông bão.

-Anh không nghe tôi nói gì à? Ôi, thế mà tôi tưởng…

Quỳnh Thy đột ngột đóng máy, khi y còn chưa hết bàng hoàng…

H.M.T.