Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Gia sản dưới ánh trăng

Truyện Cung Tích Biền
1.
Nhiều đêm không ngủ, nằm hoang trống trong bóng đêm, lòng buồn nhớ nổi trôi. Lá trong vườn cũ, cỏ may quanh bia mộ, nhớ ngọn gió đầu mùa gợi cho ta cái khang khác chờ mong một đổi mùa, nhớ đôi mắt một người điên, nhớ chuột.
Thay vì dùng cái bẫy chuột cồng kềnh, lại tốn công lắp miếng mồi, ngày nay người dùng tấm keo dính chuột, để giết chuột.

Tôi từng ngồi rất lâu một sớm mai nhìn con chuột vùng vẫy trên tấm keo dính chuột, lúc nó còn sức vẫy vùng. Bi kịch ấy không quá một ngày, nhưng cực là dằng dai, đúng điệu nghệ của cách tạ từ.
Buổi trưa, con chuột yếu dần, nó nằm im, hai con mắt tội nghiệp nhìn tôi, mong cứu rỗi. Không có gì chứa chan sự tuyệt vọng lẫn hy vọng bằng đôi mắt chuột này.
Qua xế chiều, đôi mắt hết mong chờ, đã nhắm tít, đã từa tựa một xác chết. Chọc cây que xem thử, còn thở. Kéo dài một cái chết chậm. Tối đến, là phải tính sổ. Con chuột còn thoi thóp thở cũng đành gói lại, cho vào thùng rác. Ấy là Bóng Đêm chan hòa, hầm rác là tụ họp mọi nẻo đời.
Trước khi gói cái thi thể còn thoi thóp, tôi nhìn bên cạnh nó, trên tấm keo dính chuột có một cái chân của một con chuột khác.
Vậy, không phải con chuột nào cũng “đầu hàng” cái mùi hương ma mị từ tấm keo dính chuột. Nhưng con chuột thoát chết kia phải để lại một cái chân bị đứt lìa.
2.
Phải nhiều năm lưu lạc tôi mới có dịp gặp lại Phiêu Thiền, người có hai con vật đáng nhớ là Đốm và Ung.
Chúng tôi đã không còn tuổi trẻ. Đã tóc mây trắng, răng song cửa. Tâm ý chập chùng những nghi hoặc, tiêu dênh cái lưu linh mộng tưởng một thời, mất cái điên, cái liều, mất sự vô tâm trước hiểm nguy chết sống một thời. Tất cả chỉ là ngập ngừng, là đọng lại một lớp cặn thời gian.
Sống lâu trên cõi đời, sở hữu một lớp bùn khô chỗ đáy não, những âm hưởng xa xăm, ta cứ tưởng đó là kinh nghiệm đời, là cao lương trí tuệ, đã đạt cái đạo an nhiên; lầm cả thôi, đó chỉ là một chỉ dấu cáo biệt, rằng ta không còn cái lưỡi lương thiện và cái lòng chân thành, mất đâu rồi cái sức nóng trẻ trung đó thôi. 
Chào biệt quê hương, tấm keo dính chuột. Rất quằn quại, đắng cay, rất mấy mùa vùng vẫy vẫn dính chặt vào lớp keo ấy.
Quê hương là cái bẫy. Còn đôi chân đi trong ấy mới hiểu ra tình quê hương, nghĩa đồng bào, ơn huệ tổ tiên, dù đôi khi ta vẫn thấy trong mỗi nắng mưa là mỗi vết thương chan hòa.
Quê hương, keo dính chuột.
Quê hương, cái bẫy nồng nàn.
Đẹp biết bao mà cũng buồn xiết bao trong mù mưa một bầy cò trắng trên dòng nước bạc. Chúng cũng như chúng tôi, đứng yên chờ dòng nước trôi. Lại như, một đám cò mồi chờ cháy, do người nhà nông làm bằng rơm cỏ, trên ruộng đồng cuối mùa.
Nghe trong gió tương lai, mỗi tre trúc còn mỗi linh hồn xanh biếc. Sẽ còn nhiều cánh rừng mai sau, trong ấy hươu nai thảnh thơi. Trong những mai sau, có thể tuổi thanh xuân được trong lành. Sẽ còn gió trong những chiều em đến… Những chiều dòng nước bạc đã trôi qua thân cò.
3.
Phiêu Thiền lúc này có thêm một “Kỷ vật của chiến tranh”. Đó là một hài nhi dị dạng, hậu quả từ thuốc khai quang của quân đội Mỹ.
Kỷ vật không là phẩm vật ngoại lai. Nó được chào đời ngay tại Đất nước tôi. Là máu tủy Việt Nam. “Đánh đuổi ngoại xâm, quét sạch quân thù”, nhưng nơi đây không thể đuổi khỏi quê nhà một loại “quân thù” cốt căn, đó là “Sự tàn tật”.
***
Dưới ánh trăng, Kỷ vật được người mẹ vừa ngoài hai mươi bồng ẵm, đùa chơi. Mẹ đẹp như trăng. Tên cô là Mành Mành. Mành bận áo trắng, mái tóc đen quá dài, như cái lưới quấn lấy đứa con xanh mướt trong ánh trăng. Mành cười. Nụ cười thường thấy trên khuôn mặt một nạn nhân, trót cưu mang nỗi đau đời làm niềm vui thường hằng cho riêng mình.
Mẹ muốn con vui bằng cách dùng hai tay dồi đứa con lên cao một chút, như ta dồi trái banh. Rồi túm gọn khi dị dạng rơi xuống. Mẹ lại cười. Nụ cười trắng và mỏng, có cái lạnh căm của sự bất thường. Âm thanh như bầy rắn bò/bay, len lỏi trong không gian đầy ánh trăng óng vàng. Rồi mẹ Mành Mành bồng ngửa, chìa khuôn mặt hài nhi dị dạng về phía ánh trăng. Này trăng, xem này. Này trăng, con thỏ ngọc của trăng này…
4.
Mành Mành ẵm chặt con trước ngực, ngồi thềm nhà nhìn lung trong đêm. Đêm miền Nam nhiều gió, thiếu sương mù. Sân trước nhà nền gạch, chen lẫn bóng cây. Mẹ trải một tấm chiếu hoa. Mẹ tập cho “Kỷ vật” bò. Gần hai tuổi chưa biết bò. Có thể tới năm bảy tuổi đứa bé chưa thể phát âm để gọi “Cha, cha ơi”.
Kỷ vật bắt đầu bò bằng hai cánh tay yếu đuối, xiêu vẹo dưới ánh trăng. Thoạt trông như hình một con cua trắng nõn bò ngang, vì hai bắp đùi em nằm ngang chĩa ra hai bên hông, thẳng góc với thân mình. Đôi chân dị tật. Khớp háng với xương đùi liền một cái xương hình góc vuông, không có khớp, nên đùi không thể di động xuống lên ra vào. Chỉ cử động được là từ khớp đầu gối trở xuống bàn chân. Hai đùi vế chĩa ngang, mỗi lần trong đêm muốn ẵm con, mẹ phải nằm ngửa đặt úp con lên bụng. Nằm ôm con như thường lệ, đầu gối Kỷ vật thọc thẳng vào bụng mẹ.
Xưởng máy của Nhựt Bổn chế ra những rô-bô kỳ diệu, xưởng hóa học của người Huê Kỳ chế ra những hài nhi dị dạng bậc thầy.
Khoa học Mỹ tạo ra những “tinh trùng bột”, từ máy bay rải xuống quê hương này, sinh ra “Một Sinh vật, biểu hiện hình hài của Sự Sống trên nhiều Nỗi Đau, song hành cùng Nỗi Chết”.
Sự quằn quại này, được hiểu, sự Hiểu nằm ngoài đạo lý, là “Nó nằm ngoài trách nhiệm của người Mỹ. Sự tàn tật này không được ghi trong sổ tay lịch sử về Hạnh phúc thời Hòa bình.
5.
Dưới ánh trăng một đêm trời miền Nam trong vắt, một màu vàng trong suốt mông lung, một lần nữa mẹ cố tập con bò.
Mẹ ngồi đằng đầu, tóc mẹ đen dài, mẹ đẹp lắm nghe con, hai bàn tay mẹ vỗ nhẹ vào nhau, như nhịp hát. Mẹ rất hy vọng đứa con hai tuổi di chuyển chừng được… “một vài tất đất trên quê hương”, là mẹ mừng vui. Con của tôi không thể là cái điểm cố định, bất động, nơi quy tụ những chia xẻ xót đau từ tứ phương tụ gom về. Con của tôi không thể là đề tài để kêu gọi lương tri con người.
Kỷ vật nhìn mẹ, cười. Hai bờ môi em thay vì đỏ màu son non trẻ lại bạc thếch, úa tàn, màu của những bờ cỏ rừng cây chết đứng dưới trời sau mùa thuốc khai quang, thời chinh chiến, của/ từ lực lượng Không quân Mỹ. Một cõi đất quê nhà, tới đá, nước, sỏi bụi cũng đổi màu, con cá con tôm, sò hến cũng đồng loạt mất máu. Con tinh trùng sâu trong xương tủy con người cũng biến ra dị dạng.
Kỷ vật  ngoẹo đầu cố nhìn trăng. Hai bờ môi em chênh chếch, so với chiều thẳng của cần cổ. Một khóe miệng dưới vành tai bên này, lệch với một khóe kia trên vành tai bên kia. Nếu em không cười, sẽ ít khổ sở hơn, vì không phải tự hành hạ khuôn mặt của mình. Nếu em biến ngay ra một cái tượng đá/gỗ/đồng/xi măng/thạch cao, ta có thể trân trọng đặt em trong viện bảo tàng.
Kỷ vật cố trườn bò. Chỉ vài cử động là đuối sức. Em nằm úp trên nền hoa văn xanh đỏ của chiếc chiếu hoa. Dưới ánh vàng mơ hoặc, một cái đầu xiêu vẹo, hai cánh tay sãi dài bất động, hai cái đùi chĩa ngang, em như một cái ngôi sao năm cánh không đều đặn. Nếu em có thêm một cái đuôi cụt, là rất giống một cái ngôi sao sáu cánh, được chia đều dưới ánh trăng.
6.
Ở góc vườn trăng có một gốc cây khô, cỡ ba bốn người ngồi trên đó còn rộng rãi. Lúc Kỷ vật dị dạng tập bò, có một cô gái – là Manh Manh, em gái Mành Mành – tới ngồi trên gốc cây khô, nhìn thảm kịch.
Từ ngày dời nhà về nơi này, trong khu đất rộng hãy còn một cổ thụ chừng hơn trăm tuổi. Lúc đầu Phiêu Thiền lấy làm thú vị vì trong vườn nhà đầy bóng mát. Về sau trong nhà có nhiều chuyện lạ lùng, cổ quái xảy ra, chó sủa ra tiếng lục lạc ngựa, sủa tiếng quạ báo tử trong đêm khuya, chó thổi ra tiếng kèn du dương giống hệt tiếng kèn đồng. Phiêu Thiền đâm nghi ngờ cây cao bóng cả.
Dưới gốc đa kia, Phiêu Thiền nghĩ rằng xưa kia, cái thời ông còn bé, nhân gian còn thơ dại, người thôn quê thường mang những ông-táo-bình-vôi-hưu-trí đặt dưới gốc thay vì ném chúng đi, bà con có thể lập cái am thờ, đèn nhang cúng vái. Âm binh tụ hội. Trong cõi âm u có lắm điều thánh thần yếu thế hơn quỷ ma. Những thánh thiện của lời dạy đạo lý thường không ép phê bằng con dao tổ chảng nhứ nhứ chỗ cái mỏ ác, Tao phụp mày.
Phiêu Thiền nhờ người đốn bỏ cây. Gốc để lại trong vườn, vì Phiêu Thiền thấy gốc rễ tạo hình như một tượng mỹ thuật.
***
Lúc Kỷ vật được mẹ vỗ nhịp cổ động, gắng lên nào, con thỏ ngọc của mẹ, thì cô Manh Manh tay đang cầm một nắm nhang cháy đỏ, ngồi gốc cây khô. Những đốm nhang dưới trăng lập lòe, làn khói bay vẩn vơ, gần mà như xa xôi. Như viễn mộng hụt hơi, thu nhỏ cuối viễn mộng, cái đốm tàn.
Hóa ra đêm nay đêm rằm. Manh Manh đốt nhang thắp khắp nơi, bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, ông thần tài, táo quân, tới bàn thiên thờ trời ngoài sân vườn. Lúc đi thắp nhang, cô chợt thấy con cua trắng nõn, thằng Cuội em tập bò. Cô rất mong chờ cháu của mình bò được dăm ba tấc đất dưới trời trăng là cô vui, nên cô vội vàng ngồi ngay xuống, tay vẫn còn cầm mớ nhang cháy đỏ, chưa kịp cắm vào nơi nào.
Manh Manh hồn nhiên như đứa bé mẹ đưa tiền đi mua đồ gia vị, nửa đường ham xem đám xiếc, cầm tiền trên tay ngồi coi, quên nơi cần tới.
Lúc Kỷ vật cố gượng dậy dưới ánh trăng, Manh Manh quá vui mừng, cổ động bằng cách tay đưa cao nắm nhang khói quơ qua lại trong trời trăng, như người ta cầm “cờ tổ quốc” mừng đoàn xe đua đang tới. 
Mày điên hả Manh Manh? Con của tao đâu là hồn hoang rằm tháng Bảy!
Ôi, em xin lỗi chị, em vẫn mong Kỷ vật an lành như những đứa trẻ khác.
Manh Manh tới chỗ bàn Thiên gần hàng rào mặt tiền nhà, cô bái mấy bái, thắp mấy cây nhang. Cô lại hát vè:
“Con ai đem bỏ nơi đây,
Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”.
Lúc Kỷ vật được mẹ vỗ nhịp cổ động, gắng lên nào, con thỏ ngọc của mẹ, thì cô Manh Manh tay đang cầm một nắm nhang cháy đỏ, ngồi gốc cây khô. Những đốm nhang dưới trăng lập lòe, làn khói bay vẩn vơ, gần mà như xa xôi. Như viễn mộng hụt hơi, thu nhỏ cuối viễn mộng, cái đốm tàn.
Hóa ra đêm nay đêm rằm. Manh Manh đốt nhang thắp khắp nơi, bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, ông thần tài, táo quân, tới bàn thiên thờ trời ngoài sân vườn. Lúc đi thắp nhang, cô chợt thấy con cua trắng nõn, thằng Cuội em tập bò. Cô rất mong chờ cháu của mình bò được dăm ba tấc đất dưới trời trăng là cô vui, nên cô vội vàng ngồi ngay xuống, tay vẫn còn cầm mớ nhang cháy đỏ, chưa kịp cắm vào nơi nào.
Manh Manh hồn nhiên như đứa bé mẹ đưa tiền đi mua đồ gia vị, nửa đường ham xem đám xiếc, cầm tiền trên tay ngồi coi, quên nơi cần tới.
Lúc Kỷ vật cố gượng dậy dưới ánh trăng, Manh Manh quá vui mừng, cổ động bằng cách tay đưa cao nắm nhang khói quơ qua lại trong trời trăng, như người ta cầm “cờ tổ quốc” mừng đoàn xe đua đang tới. 
Mày điên hả Manh Manh? Con của tao đâu là hồn hoang rằm tháng Bảy!
Ôi, em xin lỗi chị, em vẫn mong Kỷ vật an lành như những đứa trẻ khác.
Manh Manh tới chỗ bàn Thiên gần hàng rào mặt tiền nhà, cô bái mấy bái, thắp mấy cây nhang. Cô lại hát vè:
“Con ai đem bỏ nơi đây,
Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”