Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Chân Phương, salut vieux

Đỗ Kh.
Tôi không có đủ duyên với Khánh. Phương Kiến Khánh là tên thật của nhà thơ Chân Phương.
Năm 1974, tôi ở Pháp về Sàigòn. Người bạn thân của tôi ở Paris là Phạm Tùng Cương có nhắn tôi về nước thì tìm một bạn tên Khánh mà chơi. Cương học chung với Khánh tại Lycée Descartes là trường trung học chương trình Pháp ở Nam Vang từ hồi cấp 2 và ở gần nhà, hình như là Chợ Nhỏ. Họ hay trao đổi sách tiếng Pháp, từ thủa 15 tuổi đã hàn huyên bàn chuyện Hiện hữu và Hư vô bên giòng Cửu Long.

Năm 1970 đất nước Cam Bốt rơi vào chiến tranh và xảy ra biến loạn bài Việt. Cương đi Paris, và Khánh “hồi hương” về Sàigòn. Tôi quen Cương là ở Paris và thân thiết. Về đường học vấn, quyết định của gia đình Khánh là một con tính sai lầm đối với bạn. Khánh theo học đại học Văn khoa Sàigòn và đỗ cử nhân, nhưng chẳng ai nghi ngờ là nếu sang Pháp thì bạn đã vào Cao đẳng Sư phạm (Normale Sup) hay Bách Khoa (Polytechnique) nếu bạn dở chứng bỏ văn mà theo toán. Môi trường giáo dục tại miền Nam không phải là nơi để Khánh múa kiếm trên con đường Duy Tân hay công trường con Rùa. Cây dài bóng mát lá me bay đối với Khánh là chật hẹp và bức bối. Nhưng năm đó, 1974, tôi lại không gặp Khánh tại Việt nam. Tôi về nước đi lính, lúc đó tính toàn chuyện chơi súng chứ không phải là chơi văn nghệ. Tạng tôi là ngưỡng mộ Malraux trong khi Khánh thuộc vào tạng Camus. Mãi đến sau cái Tết 1975, khi nằm viện và chán ngấy tôi mới bắt đầu viết lách. Lúc đó là đã trễ, những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng là trên số cuối cùng của tờ Văn, tháng 3.75. Giới văn nghệ Sàigòn tôi chưa kịp quen biết. Ngày 30.04, tôi rời nước và Khánh ở lại.
Năm 1988, tôi đến Nam Cali sinh hoạt văn chương thì nghe đến Khánh qua các bạn cùng một thời lây lất Sàigòn sau 1975 và mang sách cả Malraux lẫn Camus ra bán vỉa hè như Phạm Việt Cường, Khánh Trường. Khánh sau rồi cũng sang Mỹ, nhưng định cư ở miền Đông Bắc, Boston. Bạn đi học lại, bằng thạc sĩ giáo dục và làm nhà giáo ở tại đó. Một trưa hè 1990 tại Paris, tôi gặp Khánh lần đầu ở nhà Cương tại quận 6 Paris, tức là 16 năm sau dự kiến làm quen nhau của thủa nào thanh niên. Đó cũng là dịp 20 năm sau Khánh và Cương gặp lại nhau, tại Paris mà Cương đến trước và Khánh hụt vì hoàn cảnh. Đó là một  buổi lỡ làng và chậm trễ, “Mình có 3 người” *. Những năm 1990, tôi ở Pháp và một bạn văn của Khánh mà đến tôi hay gặp là anh Diễm Châu. Anh ở Strasbourg, phía biên giới Đức và cách Paris 500km. Anh chủ trương tủ sách Trình Bày và tập thơ đầu tiên của Chân Phương lúc đó dưới bút hiệu Phương Sinh, Chú thích cho những ngày câm nín là do anh cặm cụi xuất bản thủ công. Tôi hay có việc ở miền Đông nên thỉnh thoảng được gặp anh, rốt cuộc lại gặp nhiều hơn là Khánh.
Khánh hay sang Pháp vào mùa hè để thăm mẹ và gia đình, ở tại Créteil cách nhà tôi có mươi kilômét phía ngoại ô miền Đông. Tôi gặp Khánh ở Pháp là vào những dịp này, nhưng tôi hay đi đây đi kia và vắng mặt khi Khánh sang Pháp. Một năm, có cả Khánh và anh Diễm Châu ở Paris, tôi và Khánh đi đón anh ở Gare de l’Est. Lúc tiễn anh về lại lên tàu thì chỉ có Khánh, nhưng sau đó anh Diễm Châu gọi điện nhờ tôi tìm một kỷ vật anh lãng mạn mà cố tình bỏ quên lại bên giòng Seine năm đó.
Sau này, Khánh mua một căn nhà tại Boston nơi bờ biển, trên hòn đảo Nantucket. Ở Boston gần Khánh còn có anh Nguyễn Trọng Khôi là người tôi chưa được gặp lại từ lúc anh mới sang Nam Cali lúc 1988 hay 1989. Tạng tôi là thích biển, thích đảo, nhưng lại là những biển đảo miền Nam bán cầu! “Không còn ai đưa tôi về Nam nữa”** và Khánh rủ mãi lên chơi, có bận hụt đến nhà Khánh lúc có anh Đinh Cường từ Washington DC. Khánh là người nhiều bạn văn, bạn vẽ, các bạn trong nước hay đâu đó thế giới, khi ghé Boston đều đến Khánh. 
Cương sau này ở New Jersey. Tôi có vài lần đến nhà, một bận Cương lái xe mấy trăm cây số đưa tôi đến thăm bà cô tôi ở tại Connecticut. Cương lên kế hoạch, để bữa nào tao với mày tới thăm cô mày, sau đó mình chạy lên Boston chơi với thằng Khánh, uống rượu vang nhìn biển. Chuyện này chưa thực hiện thì cô tôi mất.
Chuyện này chưa thực hiện thì hôm qua, 6.5.2020, Khánh mất.
Lần chót tôi gặp Khánh là ở Nam Cali vài năm trước. Lần chót Cương gặp Khánh là tại New Jersey khi Khánh cùng con trai đến chơi vừa mới mấy tháng qua. Từ 9 năm nay, Khánh không ưa nói đến, nhưng bạn mắc bệnh ung thư phổi. Khi hóa trị không thành công, Khánh nhận được điều trị bằng một phương pháp thử nghiệm. Nó cũng hiệu quả phần nào vì những năm cuối, Khánh vẫn tiếp tục đi chơi miền Tây nước Mỹ hay những Âu Châu mà Khánh yêu mến qua sách vở. Vào tối trước khi mất, Khánh ngồi cạnh con trai, tay còn cầm quyển sách cuối đang đọc là Paris to the moon của Adam Gopnik. Đây là cuốn k‎ý đầu thế kỷ này của một nhà văn của tờ New Yorker thuật lại trải nghiệm của một gia đình người Mỹ khi sang định cư tại Paris. Tôi nghĩ, tình đầu của Khánh và tình cuối của bạn vẫn là với nước Pháp. Bước chệch trong đời Khánh là năm 1970. Nếu lúc đó Khánh sang Pháp thì không nói đến chuyện khác, duyên bằng hữu của tôi với Khánh đã có dịp để gắn bó hơn nhiều.
Đầu năm 2021 tôi có cái hẹn ở Cam Bốt. Tháng giêng tới, có cuộc họp mặt cựu học sinh Lycée Michelet (Pháp), thời 1970, do các bạn Cam Bốt tổ chức tại Nam Vang. Đây là do một bạn hiện đang ở Sihanoukville trước đây từng học chung Descartes với Khánh và Cương, sau đó lại học chung với tôi ở nội trú Michelet, mới vừa cho tôi biết.
Tôi không đến Boston kịp. Nhưng tôi sẽ đi qua căn nhà ở Chợ Nhỏ, Nam Vang. Chào bạn Khánh và chào Nantucket, chào biển Đông Bắc Hoa Kỳ. Tôi sẽ chào bạn lần nữa tại những con đường niên thiếu bên giòng Cửu Long.
“Salut vieux”, như sinh thời Khánh vẫn dùng với tôi khi nói chuyện.
Đỗ Kh.
* “Mình có ba người,
Vừa đúng nét đôi mươi
Những chiều mây lưng đồi
Tầm mắt hướng xa xôi…”
Chúng mình 3 đứa, Song Ngọc và Hoài Linh.
** “Piu nessuno mi porterà nel Sud ”, Lamento per il Sud, Salvatore Quasimodo.