Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Thomas Stearns Eliot, nhà cách tân thơ đầu thế kỷ XX (kỳ 4)

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch

SUY GIẢM TRONG HIỆU QUẢ SÁNG TÁC

Eliot đã viết “Prufrock” ở đầu tuổi 20 và The Waste Land ở đầu tuổi 30. Qui luật 10 năm mà tôi đã mô tả có thể được thấy ở đây, với những cột mốc quan trọng trong sự phát triển tác phẩm và tư tưởng của Eliot xảy ra cách nhau khoảng một thập niên. Eliot đã sống bốn thập niên sau The Waste Land, và ông đã sáng tác thêm những vần thơ đáng chú ý hơn, một kiệt tác thơ nữa, và tuôn trào một cách đáng kể những văn bản thuộc những thể loại khác; thế nhưng thành quả tột đỉnh trong thể loại ưa thích nhất mà ông đã đạt được vẫn là việc xuất bản The Waste Land, một thành tích không giống như thành tích của những nghệ sĩ khác cùng tầm mức. Sau đó không có thêm những cách tân đáng kể nào nữa, và nếu Eliot ngừng làm thơ sau năm 1923, có thể ông vẫn giữ được vị trí như thế trong lịch sử thơ ca, dù không phải vị trí như thế trong lịch sử văn học.

Ta có thể nghĩ về những lý do cả về mặt con người lẫn về mặt liên quan đến lĩnh vực [văn chương] gây ra sự suy giảm về hiệu quả theo sau thành công ban đầu của nhà thơ. Về mặt con người, cuộc sống của Eliot chuyển qua một giai đoạn ngày càng bảo thủ sau những năm đầu thập kỷ 1920, và sự bảo thủ này dường như đã góp phần vào sự suy giảm cả về số lượng thơ được viết lẫn sự hứng thú đối với những người đọc thơ đương thời. Như đã nói ở trên, thơ nói chung, và thơ trữ tình (cá nhân) nói riêng, là một tác phẩm nghệ thuật trong đó người nghệ sĩ thường đóng góp khi tuổi còn trẻ. Phần lớn các nhà thơ lớn của những thế kỷ gần đây đã sáng tác tác phẩm quyết định của mình ở lứa tuổi 20 hay 30, và nhiều người hoặc là chết, ngưng làm thơ trong những thập kỷ tiếp theo, hoặc là tiếp tục viết theo cùng một lối mà không có sự tiến triển hay thay đổi đáng chú ý. Các nhà thơ đạt được sự đột phá vào tuổi trung niên hay muộn hơn như William Butler Yeats hay Robert Penn Warren, thường hãn hữu hơn những tác giả đồng đẳng trong thể loại tiểu thuyết, âm nhạc, hay nghệ thuật thị giác. Như nhà tiểu thuyết Marcia Davenport vừa nói: “Tất cả các nhà thơ đều chết trẻ. Hư cấu [văn xuôi] là nghệ thuật của tuổi trung niên. Và luận văn là nghệ thuật của tuổi già”.

Eliot như một con người của công chúng

Bất kể việc xuất bản The Waste Land và sự thừa nhận Eliot như tiếng nói của thế hệ mình, đời sống trong gia đình của Eliot vẫn là một nguồn gây ra ưu tư cho ông. Bệnh tật của Vivien và những sự bục vỡ công khai vẫn tiếp tục, và Eliot, trong khi bị lệ thuộc vào sức khoẻ thể chất, lại vẫn ở trong tình trạng tâm lý mong manh. Ngay sau khi hoàn tất The Waste Land, Eliot đã tuyên bố: “[Tôi] sắp sẵn sàng nôn ra hết văn chương và nghỉ khoẻ; tôi không thấy lý do mình nên tiếp tục mãi việc đấu tranh trong cương vị hậu vệ chống lại thời gian, sự mệt mỏi, và bệnh tật, và hoàn toàn không chịu thừa nhận ba thực tế ấy”.

Hoàn cảnh gia đình đã không cải thiện. Cuối cùng, năm 1933, khi đang đi chơi ở Hoa Kỳ, Eliot quyết định không còn tiếp tục mối quan hệ đã gây cho mình nhiều đau khổ và chỉ ngày càng xấu đi. Ông đã thu xếp thông qua một luật sư để có được sự ly thân với Vivien, và sau khi trở về nước Anh, ông rất ít khi thăm lại người vợ đã ly thân của mình. Vivien không bao giờ hồi phục khỏi sự gạt bỏ tàn nhẫn và hèn nhát ấy; cuối cùng bà được đưa vào một cơ sở tâm thần, và chết ở đó vào năm 1948.

Eliot đi tìm sự giải khuây khỏi những đau khổ cá nhân của mình qua việc đắm mình vào nhiều cố gắng với yêu cầu cao. Ông tích cực tham gia việc xuất bản những cái gọi là tạp chí nhỏ (tập họp thơ, văn xuôi và bình luận) ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Ông làm việc từ 12 đến 15 giờ mỗi ngày, dạy sớm, để hết thì giờ ở văn phòng, viết thư và điểm sách cho đến đêm khuya, và nặn ra các bài báo, có tới hằng trăm – một số không ký tên, nhiều bài vẫn chưa được sưu tầm hết. Một phần những hoạt động điên rồ này chắc chắn bắt nguồn từ ham muốn và tham vọng, nhưng ít ra có một phần từ nỗi sợ hãi có thời gian hai tay rảnh rỗi và không làm được thơ nữa.

Quan trọng nhất là vai trò của ông trong tờ tạp chí Criterion, mà ông tung ra cùng lúc với The Waste Land (bài thơ dài thực ra đã được công bố trong số đầu tiên của nó) và ông chủ trì nó cho đến cuối những năm 1930. Mục đích của tờ tạp chí như ông nói, là “tập họp những gì hay nhất trong tư tưởng mới và sáng tác mới của thời đại”. Vì những nỗ lực không mệt mỏi của Eliot và vì ảnh hưởng ngày càng tăng của ông trong thế giới văn chương và xã hội, ông đã đạt được những thành công đáng kể, dù cho (như điều khó tránh khỏi với các tạp chí nhỏ) có tiếng hơn là có miếng.

Đọc hết những thư từ nảy sinh liên quan đến vai trò biên tập của Eliot trong tờ Criterion và những tờ tương tự, ta gần như cũng gặp lắm mưu mô và tranh cãi như trong thế giới âm nhạc của Stravinsky. Eliot đã làm om xòm chỉ về một từ hay một dấu chấm câu; nịnh nọt hay thúc ép những nhà văn nộp bài chậm; dây vào chuyện mưu mô tiền nong và đấu đá quyền lực. Một cạm bẫy như thế trong trường dường như phải gặp trong địa hạt trở thành một gương mặt trung tâm trên thế giới nghệ thuật và ý tưởng, đặc biệt khi người ta không có nguồn tiền riêng để dựa vào. Thế nhưng, không như Stravinsky và Picasso, Eliot dường như đã không mấy vui thú (ngay cả một cách vô thức) với sự ngang trái liên kết với vị trí của mình. Coi những việc ấy là cái tồi tệ cần thiết trong đời sống văn chương, ông dường như đã được giải toả khi có thể bỏ được những tranh cãi vặt vãnh như thế và có được vị trí người phát ngôn đàn anh.

Sau khi ở trong ngành ngân hàng mấy năm, Eliot đã có được cơ hội gia nhập công ty xuất bản do Geoffrey Faber lãnh đạo vào năm 1925. Cho đến hết đời, Eliot vẫn là gương mặt quan trọng trong công ty xuất bản Faber and Faber, ở đó ông có thể khuyến khích những nhà thơ trẻ, trong đó có W.H. Auden, Ted Hughes, Louis Mac-Niece, và Stephen Spender. Eliot đã chứng tỏ là một biên tập viên hàng đầu và một thành viên xuất sắc của phòng biên tập. Dù ông không đích thân dạy dỗ, nhưng đã cho những phản hồi hết sức hữu ích và chính xác cho các nhà văn có khát vọng, đó cũng là trả món nợ của mình với Pound. Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, ngay cả khi quan điểm triết học của cá nhân ông ngày càng quay sang bảo thủ, ông (giống như Stravinsky) vẫn có cái nhìn rộng rãi về văn chương và khuyến khích các nhà văn sử dụng những phương pháp và bút pháp khác nhau. Và, tương phản với vai trò kẻ van nài, một biên tập viên của tạp chí nhỏ có khát vọng to nhưng nguồn lực nhỏ, ở đây ông đã có cơ hội vừa là phán quan vừa là người ban phúc, những vai trò ngày càng phù hợp với ông trong những năm tháng sắp tới.

Eliot, gương mặt văn chương vào thời trung niên

Cũng sáng chói như lúc Eliot vụt lên thành nhà thơ của thế hệ mình, là việc ông thăng tiến đột ngột lên vị trí nhà bình luận văn học đầu bảng ở nước Anh của thời đại. Eliot đã viết nhiều về văn học Anh của thời kỳ này và thời quá khứ; ông cũng chủ trì về văn chương trong những ngôn ngữ và truyền thống châu Âu khác mà ông quen thuộc. Ông đã viết nhiều và hay. Nhưng tầm vóc của ông, lại lần nữa dường như phần lớn đã bắt nguồn từ cái cách viết của ông.

Để bắt đầu, Eliot có năng lực nói từ bục giảng của nhà thơ, một vai trò được kính trọng nhất trong văn chương châu Âu. Ông giữ vững quan điểm nhà thơ là người có năng lực nhất để viết về thơ, ngay cả khi tra vấn về tính khả tín của những người không phải nhà thơ mà tự cho mình phán xét thơ. Ông chuyên trị đưa ra những phán xét về các tác phẩm hay tác giả, những kết luận đưa ra như những bài thơ trào phúng tự tin, nhiều khi là những dòng vắn tắt từ một bài thơ của mình. Bất kể trong đàm thoại, thư từ, hay những bài viết được công bố, ông đều có thể đưa ra những phán xét nhanh và tự tin – một kỹ năng cần thiết cho ai dấn thân vào nghề báo viết về văn học. Những phán xét này không phải bao giờ cũng được ủng hộ bởi lập luận logic hay có hệ thống, nhưng được tổ chức cẩn thận theo một khuôn mẫu thuyết phục về mặt tu từ. Trên hết, ông đã học được cách đưa ra ý kiến của mình một cách ôn hoà, không thiên vị. Có một giọng điệu của vị giám khảo Olympia, tung hô một số cá nhân hay những tác phẩm cho đến bấy giờ bị bỏ qua hay đánh giá thấp, và đặt vấn đề về những cá nhân hay tác phẩm đã được đón nhận. Dù sự thích thú và đặt cược riêng của ông vào danh tiếng của nhà văn này hay nhà văn nọ có thế nào, Eliot vẫn giữ cách thế của một người quan sát vô tư, mà công việc là bảo vệ văn chương.

Việc tái phân bố địa hạt văn chương của Eliot đã tỏ ra thành công một cách đáng kinh ngạc. Cũng như có nhiều người đã cảm thấy sốc khi đọc thơ ông, nhiều người cảm thấy sốc khi đọc những phán xét về văn chương và văn hoá thường gây bất ngờ của ông. Việc ông bảo vệ Dante như một người có thiên bẩm ngang bằng nhưng liêm chính hơn Shakespeare đã được đón nhận nghiêm chỉnh. Những lời ông phê phán Milton như trí tuệ quá mức đã được ghi nhận; sự khó chịu của ông với các trí thức thành thị, phụ nữ, người theo khuynh hướng tự do, người Do Thái, và “những chủng tộc không thuần chủng” được một số tiếng nói hưởng ứng. Sự quan tâm của ông đến những nhà thơ siêu hình, các nhà tượng trưng Pháp, và những bài thuyết giáo của Lancelot Andrews ảnh hưởng đến thói quen đọc sách và cảm nhận của hơn một thế hệ sinh viên văn. Và trong khi quan điểm chính trị bảo thủ của ông có thể khiến cho một ít người thay đổi suy xét của họ, nó đem đến sự kính trọng nhất định cho những quan điểm có thể đã bị đơn giản coi là ghê tởm.

Tất nhiên, thật trái khoáy khi một cá nhân cảm thấy mình ở bên lề quá mức lại tự cho là mình nói cho một dòng chính của Anh, thậm chí là của châu Âu. Đây là Eliot – một người xứ New England [của Hoa Kỳ – ND] sống ở vùng Trung Tây, một kẻ bảo thủ tại trường Harvard cấp tiến, một người Mỹ ở Anh Quốc, một trí thức thành thị mềm yếu như nữ nhi với những quan điểm tiêu cực công thức về phụ nữ và trí thức – tự cho mình đặt định các thái độ cho những ai chắc chắn là ít bên lề hơn. Sự trái khoáy này không mất đi ở Eliot, ông tiếp tục suốt đời nghĩ rằng mình là kẻ đứng ngoài cuộc. Nhưng Eliot cho rằng đó là một đức tính cần thiết. Ông tuyên bố rằng chỉ người nước ngoài mới có thể lãnh việc tổng kết và đánh giá mà ông đã dấn thân vào; những người Anh bản xứ sẽ gặp quá nhiều khó khăn để nhìn vào vùng đất bằng con mắt sáng suốt, không định kiến. Và, vọng lại Henry James, ông giữ vững ý kiến rằng một người Mỹ có thể trở thành một người châu Âu theo cái cách mà không người châu Âu nào có thể.

Trong khi những phát ngôn của Eliot về nhiều lĩnh vực giờ đây dường như lạ lẫm, thì các quan điểm của ông về thơ – nhiều quan điểm được nói lên khi ông còn rất trẻ–- đã tiếp tục gây (và xứng đáng được) chú ý. Eliot đã nhìn thơ không như sự tuôn trào cảm xúc hay cái tôi mà là sự trốn khỏi những yếu tố ấy; nhưng ông chỉ ra một cách sắc bén rằng chỉ có ai sở hữu tính cách cá nhân và cảm xúc mới biết mong muốn trốn khỏi những cái đó nghĩa là gì. Như ông nói: “Người nghệ sĩ càng hoàn hảo, thì cái phần hoàn toàn tách biệt trong anh ta sẽ càng là con người đau khổ và tâm trí sáng tạo”. Vọng lại gần như chính xác những tình cảm của các bạn bè hiện đại chủ nghĩa Picasso, Stravinsky và Graham, ông ghi chú rằng các nhà thơ chưa chín thì bắt chước, nhưng các nhà thơ đã chín thì ăn cắp, trong tiến trình biến nội dung đạo văn thành cái gì đó riêng của mình, và, không phải không thông thường, thành cái gì đó hay hơn.

Eliot phản ánh rất rõ tiến trình thơ. Ông thấy, nhà thơ có sự nhạy cảm có thể tiêu hoá bất kỳ loại trải nghiệm nào. Tâm trí nhà thơ là một kho tiếp nhận, nắm giữ và lưu trữ vô số cảm nhận, câu nói, hình ảnh, v.v.; những thứ đó được giữ trong vô thức và hình thức chưa thành cho đến khi có thể hợp thành một hợp thể mới trong đó chúng được thể hiện cùng nhau. Ông nói về một “logic của tưởng tượng”, nó cũng mạnh mẽ, theo một cách riêng biệt của nó, như logic của các khái niệm và ý tưởng. Hơn nữa, ông lập luận rằng, đọc thơ là một trải nghiệm về cảm xúc, giống như nghe nhạc, có thể bị cản trở bởi sự thực thi sức mạnh luận lý. Theo ông, thơ hay nhất là thơ có thể nhớ một cách vô thức; nó cất lên từ, được xây nên trên cơ sở, và liên quan đến một nhịp điệu trong vô thức.

Trong cái có thể là đóng góp nổi tiếng nhất của ông cho việc phân tích văn học, là ý tưởng về sự tương liên khách quan. Các nhà thơ không trực tiếp truyền thông cảm xúc, ông nói. Đúng hơn, họ tạo ra tình huống hay hình ảnh sao cho cảm xúc ấy, khi được thể hiện, thì sẽ được truyền thông một cách thành công và hiệu quả. Ông nói, ta cần “một tập hợp sự vật, một tình huống, một chuỗi sự kiện sẽ phát biểu rõ ràng cái cảm xúc riêng biệt ấy, sao cho khi những ngoại diện – phải kết thúc trong trải nghiệm giác cảm – đã được cung cấp, thì cảm xúc được gợi lên”. Những nhà thơ đáng ghi nhận nhất là những người sở hữu thiên bẩm sáng tạo những sự tương liên khách quan ấy. Ông kết luận rằng “trừ phi chúng ta có số ít người kết hợp một sự nhạy cảm đặc biệt với một quyền lực đặc biệt về ngôn từ, không thì năng lực của riêng ta không chỉ không diễn đạt, mà thậm chí không cảm nhận được gì hết ngoài những cảm xúc thô thiển nhất, năng lực ấy sẽ thoái hoá”.

Khi viết về sự tương liên khách quan, Eliot có thể nghĩ nhiều đến những trải nghiệm của mình, trong đó có những cố gắng để thể hiện bằng ngôn từ những sự chìm đắm trong giác cảm thuở ban đầu và cuộc dạo bước kỳ lạ qua phố xá Boston. Tuy nhiên chắc là những quan điểm của Eliot về văn chương, và đặc biệt về thơ, đã vượt quá những trải nghiệm và định kiến cá nhân của ông. Ông đã đạt tới những sự thấu hiểu thực thụ về tiến trình của thơ, và đặc biệt những sự thấu hiểu về kỷ nguyên của chính mình, trong đó có tác phẩm của chính mình. Khi sử dụng vốn đào tạo về phê bình và triết học của mình để soi sáng nghệ thuật của thời đại, Eliot có thể kết hợp các vai trò thường được làm tròn bởi những cá nhân khác nhau có sự đào tạo khác nhau và những cảm nhận tương phản. Sự thành công và sự công nhận mà ông đạt được với tư cách nhà thơ cũng như nhà phê bình đã được nhân lên bởi thực tế là ông có thể sẵn sàng làm tròn cả hai vai trò ấy như bất kỳ cá nhân nào trong thời đại của mình.

Những suy nghĩ của Eliot về thơ giúp cho những thiên bẩm trí tuệ của riêng ông bừng sáng. Tất nhiên, là nhà thơ, ông chủ yếu di chuyển trong những biểu tượng ngôn ngữ – trong các nghĩa, sắc thái, và những kết hợp từ ngữ trong mỗi ngôn ngữ mà ông viết. Nhưng khi viết các bài thơ, ông dựa vào những vật liệu từ những lĩnh vực khác – những khái niệm thuộc loại logic-triết học, những nguồn lịch sử và văn chương từ nhiều nền văn hoá, những hiểu biết về thế giới của những người khác, và, có lẽ trên hết, là sự cảm nhận đời sống cảm xúc của chính mình. Trừ phi trong những bài viết về văn chương và triết học, Eliot không trực tiếp sử dụng những vật liệu ấy. Đúng hơn, ông khai thác chúng thông qua những hình ảnh và thành ngữ văn chương tạo thành bài thơ. Nhiều thay đổi trong các bản thảo của chính ông, cũng như những gợi ý xuất sắc cho các nhà thơ khác, đã phản ánh những cố gắng thể hiện những nghĩa này một cách chính xác và trực tiếp trong khuôn khổ phương tiện ngôn ngữ thơ.

Image result for T.S. Eliot Vivienne Eliot

T.S. Eliot và Vivien Eliot