Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Dặm trường (kỳ 13)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 37

Hồng nhìn người đàn ông cười tủm tỉm. Anh ta đội một cái mũ tai bèo đã cũ, quá cũ, tương phản hẳn với một bộ áo quần bộ đội còn khá mới. Chân mang một đôi dép râu. Chiếc xe đạp có dáng dấp rất “xe thồ”, bộ sườn chắc, khỏe, có giỏ xe phía trước, tấm ván to bản lót yên sau, dây nhợ cao su quấn đầy.  Hồng cười ngất, nói:

      -     Trời! Anh cố tình biến anh ra như thế này đây phải không?  Ðể làm gì vậy? Theo dõi ai hay sao? Trông anh chẳng khác gì một kịch sĩ  đang sắm vai trên sân khấu.

      -     Không phải là kịch sĩ đâu Hồng. Vì đây không phải là sân khấu. Anh... à tôi đang làm thật.

      -     Nghĩa là anh đi xe thồ?

      -     Chứ sao!

      Hồng nhìn anh trong một vẻ giễu cợt thích thú:

      -     Bỏ đi tám! Có đi xe thồ thiệt thì trông anh vẫn giống như một kịch sĩ. Một kịch sĩ ngoại hạng.

      -     Tôi mô có biết đóng kịch. Tôi chỉ làm cái gì thật. Cái gì giả khó chịu lắm.

      Hồng làm bộ nghiêm:

      -     Bữa này dùng “tôi” với “cô” nghe nhuyễn lắm rồi đó nha! Ai bày cho anh vậy? Sao ở trên đó, anh em nhuần nhuyễn vậy mà về “thành” thì khác?

      Lục im lặng, chống tay lên cằm, cùi tay dựa vào ghi đông xe.  Hồng rờ rẫm chiếc xe đạp thồ, trầm trồ:

      -     Chắc, khỏe thật. Xe này mà chở mấy bà đi buôn thì hết chỗ chê, anh nhỉ?

      -     Ðúng. Chỉ chở mấy bà buôn, còn cỡ Hồng thì không chở đâu. Xe thồ và đi buôn là anh em một nhà.

      Hồng hỏi qua chuyện khác:

      -     Khi nãy, anh nhận ra Hồng rồi, phải không?

      Lục đã hết ngượng nghịu:

      -     Ừ!

      Nàng lay vai Lục, nhìn xoáy vào mắt anh:

      -     Thích tránh người ta, tại sao lại không chịu đạp đi chỗ khác, mà cứ đứng một chỗ, làm bộ sửa xe chi vậy?

      Lục ngớ ra:

      -     Ừ, tại sao vậy nhỉ? Tại sao không đạp đi quách, có phải đỡ rắc rối không.

      Hồng cười lớn:

      -     Vậy, thì đã hai năm rõ mười rồi nhé. Thấy Hồng, vẫn muốn đợi, phải không? Nhưng vẫn cứ làm bộ tránh, phải không? Lòng anh có cái gì lươn lẹo, không thiệt tình.

      Nàng đổi giọng, nũng nịu:

      -     Nào, ông xe thồ, chở cho em về nhà đi.

      -     Về đâu?

      -     Về Bạch Ðằng chứ về đâu nữa.

      Lục im lặng. Nàng tiếp:

      -     Như thế thì Hồng nói anh là kịch sĩ không sai tí nào.  Ðã là dân xe thồ thì chở bất cứ khách nào có trả tiền, và đi bất cứ nơi nào khách muốn. Anh ngại gì?

      Lục nhìn. Ðôi mắt ngây ngô đến tức cười. Hai tròng mắt dịch nhẹ, thoáng vẻ bối rối, phân vân. Hồng tiếp:

      -     Thuận đã đi Hà Nội. Hai đứa nhỏ thì về bên nội. Yên tâm đi, đưa Hồng về.

      Lục lắc đầu. Nàng kể vắn tắt chuyện xe nàng hư, phải giao cho thợ sửa, rồi thêm:

      -    Về thăm Hồng luôn thể. Từ hôm đó đến giờ bao lâu rồi, anh biết không. Cứ phải mất biệt nhau hoài.

      Thấy bộ Lục vẫn lưỡng lự, Hồng giễu:

      -     Thấy chưa, đúng là xe thồ giả hiệu!

      Lục lẳng lặng nhảy phóc lên xe. Nàng lấy cuốn sách quạt bụi trên tấm gỗ sau xe, thận trọng ngồi lên. Anh kéo cái mũ tai bèo sụp xuống trước trán, gò lưng đạp.

Đến nhà, Hồng mời Lục vào.

Anh  nhấp nha nhấp nhỏm trên ghế ngồi, nhìn quanh nhìn quất căn phòng. Hồng nói:

      -     Ðâu có mối nào chờ ở ngoài mà trông anh cứ như ngồi trên lửa vậy? Hay có hẹn với bà buôn nào?

      Lục chối:

      -     Hồng đừng có giễu nữa. Tội!

      Hồng cười phá lên:

      -     “Tội!”. Nghe thảm. Cái này không phải tội anh mà là tội trời. Trời hành anh. Hay là anh hành anh. Tự dưng cái đi xe thồ. Ai xui khiến anh vậy?  Hèn gì...hèn gì...

      -     Hèn gì sao?

      -     Hèn gì mấy tháng nay bặt vô âm tín. Chiều nay, nếu không nhờ chiếc xe hư, chắc còn lâu mới gặp lại anh, phải không? Bây giờ nghe Hồng hỏi đây.

Lục nhìn chăm Hồng, chờ đợi. Hồng nghiêm nét mặt, hỏi:

      -     Hà cớ gì mấy tháng nay, anh không lên thăm Hồng?

      -     Thì như Hồng đã thấy đó, tôi bận làm ăn.

      -     Làm ăn! Hồng không tin. Anh không có cách gì làm ăn khác hay sao? Hỏi thì hỏi cho vui, chứ Hồng biết, mỗi người có một hoàn cảnh. Vậy, hôm trước Hồng có ghé nhà anh, anh có biết không?

      Lục  ngạc nhiên:

      -     Hồi nào? Anh đâu có hay.

      -     Vậy mấy đứa nhỏ không nói gì với anh hết sao?

      -     Không hề.

      -     Hồng có mấy cuốn sách mới kiếm được muốn mang xuống cho anh mượn.

      Hồng nheo mắt nhìn anh, tiếp:

      -     Nói thật, đó chỉ là cái cớ. Lâu không gặp anh, Hồng không biết anh ra như thế nào. Nói anh đừng cười, Hồng có đi ngang đi lại nhà anh mấy lần, cứ mong trông thấy anh đâu đó, để nhìn cho...cho đỡ nhớ. Nhưng chẳng thấy. Bữa đó, vào đại.  May mà có mấy cuốn sách. Mà cũng may là không có chị ở nhà.

      Hồng cúi xuống, cắn môi. Lại ngẩng nhìn lên, ngập ngừng:

      -     Vả lại, anh biết sao không, Thuận đang có một người khác. Một nhân vật... Hà Nội.

      Lục ngạc nhiên:

      -     Vậy là Thuận bỏ...

      Lục ngừng. Hồng tiếp:

      -     Nói cho chính xác ra thì Thuận sẽ, sẽ gì nhỉ. Ừ, thì dùng chữ “bỏ” đi cho nó tiện. Nhưng mà...thôi, cứ xem như Thuận bỏ Hồng. Chưa, nhưng sẽ.

      Anh thở ra:

      -     Cũng buồn nhỉ!

      Giọng Hồng chặt lại:

      -     Không! Không bao giờ!

      -     Cái gì mà không?

      -     Không buồn! Không gì hết!

      Lục hỏi:

      -     Cô ta làm gì?

      -     Phải nói là bà ta mới đúng. Học vị rất kêu: phó giáo sư hay phó…giáo viên gì gì đó. 

      Anh sửng sốt:

      -     Phó giáo sư? Loại người như Thuận mà...

      -     Hồng biết anh muốn nói gì rồi. Ấy, dzậy đó! Thời này là thời của đổi đời mà.

      Hồng chợt đổi giọng:

      -     Lục biết không, con mẹ cũng chỉ là thứ điếm cao cấp mà thôi. Con mẹ vào đây, rất cần thứ người như Thuận, một loại...loại gì nhỉ?

      Lục ngạc nhiên. Anh đợi Hồng giải thích tiếp, nhưng nàng nói qua chuyện khác:

      -     Chị Hạnh độ này đi đều quá nhỉ?

      Lục im lặng. Hồng tiếp:

      -     Bữa nay, chị ấy bỏ hẳn nghề buôn trầm rồi phải không anh?

      -     Có lẽ thế.

      -     Sao lại có lẽ?

      -     Bà ấy có việc của bà ấy, anh có việc của anh.

      Cả hai im lặng. Hồng lờ mờ cảm thấy Lục, cũng như nàng, đều đang trải qua những thời gian không mấy thuận lợi trong cuộc sống chung. Nàng thì đã đành. Nàng đã chọn lựa và chấp nhận mọi hậu quả.  Quyết định đẹp nhất trong đời nàng là lấy Thiết. Quyết định táo bạo nhất trong đời nàng là bỏ Thiết. Sau đó, mọi thứ khác đều trở nên bình thường. Nó có thể làm nàng vui hơn một chút hoặc buồn hơn một chút, nhưng không thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của nàng. Có gì đâu, đời là một cuộc chơi. Những thị phi, trách móc, giận hờn, gắn bó, chia lìa đều dần dà trở thành vô nghĩa. Như những vết thương trên da thịt, chúng hành hạ ta lúc đầu, để cuối cùng chỉ còn là những vết sẹo rơi vào quên lãng.

      Hồng mỉm cười. Lục hỏi:

      -     Sao cười?

      -     Giờ thì anh rõ là một con chim lạc đàn thứ thiệt.

      Lục gật gù:

      -     Hồng trông như một con chim bị thương.

      Hai người buồn bã nhìn nhau. Không cần giữ gìn ý tứ, cả hai rơi vào nhau. Tham lam, hối hả.  

*  

Dựng xe trên thềm nhà xong, anh mới biết là Hạnh đã về. Anh ngạc nhiên. Chuyến này nàng về sớm hơn thường lệ. Anh mang máng nhớ là lần này nàng đi mới có ba tuần. Chẳng biết là từ Hà Nội vào hay Sài Gòn ra? Hạnh đang tiếp khách. Hai người ngồi nói chuyện ngay bàn nhà trên. Thấy anh, khách lạ, một người đàn ông trẻ hơn anh, nhìn chăm một lát rồi gật đầu chào. Anh ngượng nghịu chào trả. Hạnh ném vào anh một cái nhìn khó hiểu, quay lại tiếp tục câu chuyện với khách.

      Nghe tiếng xe nổ, chạy đi hẳn, anh mới trở vào nhà. Hạnh từ phòng mấy đứa con bước ra, nhìn anh, giọng nghiêm trọng:

      -     Em cần bàn với anh nhiều chuyện.

      Anh không nói gì, thay áo quần. Khi trở ra, Hạnh vẫn còn đứng đó, vẻ chờ đợi. Anh làm như không chú ý, lẵng lặng ngồi xuống ăn cơm. Hạnh tiến lại:

      -     Em vừa bán chiếc Honda.

      Anh xới cơm vào chén, đáp hờ hững:

      -     Thế à!

      Thấy Lục không nói gì thêm, nàng tiếp:

      -     Em cần thêm vốn để đi buôn. Mối Hà Nội và mối Sài Gòn đều phải gối đầu cả, tối thiểu là một chuyến. 

      Lục ngừng đũa, ngước nhìn nàng, giọng cố giữ thật nhẹ nhàng:

      -     Cám ơn em đã cho anh biết. Nhưng anh thiết nghĩ, xe của em thì em có quyền bán, đâu cần phải hỏi ý kiến anh làm gì.

      Mặt Hạnh đanh lại:

      -     Em không hỏi ý kiến. Em chỉ báo cho anh biết.

      Anh cắm cúi ăn, nghe đồ ăn có mùi đăng đắng:

      -     Cám ơn!

      -     Khỏi!

      Hạnh bỏ đi. Khi anh ăn cơm xong, nàng trở ra, nhìn thẳng vào anh:

      -     Còn một chuyện nữa, nhân thể nói luôn cho xong.

      Anh chống hai tay lên cằm, nhìn nàng:

      -     Gì nữa đây?

      Nàng gằn từng tiếng:

      -     Em...muốn... anh...chấm...dứt cái trò đi xe thồ.

      -     Em nói gì? 

      Hạnh nhắc lại, giọng nhẹ nhàng hơn:

      -     Anh chấm dứt cái trò đi xe thồ giùm em.

      Anh hỏi:

      -     Em cấm anh?

      Hạnh không trả lời thẳng câu hỏi của chồng:

      -     Anh đã làm nhục em, làm nhục cả mấy đứa con.

      Lục đứng bật dậy, mắt long lanh bất thường:

      -     Này, cô đừng có nói cái giọng đó với tôi nghe chưa.  Tôi cho cô hay: chính cô mới làm nhục tôi, nhục mấy đứa con.  Ði xe thồ, có gì mà cô gọi là nhục, là cái trò này trò nọ. Thời buổi này, khối người người ta đi xe thồ. Ðó là một nghề lương thiện, không ăn cắp ăn trộm của ai, sao lại gọi rằng nhục. Còn cô, cô lấy cớ đi buôn đi bán, quan hệ lăng nhăng đủ thứ...

      Hạnh chồm người lên:

      -     Anh lấy cớ này cớ nọ vu vạ tôi. Tôi lăng nhăng cái gì?  Tôi quan hệ với ai?

      Lục cười gằn:

      -     Tôi không biết. Không ai có thì giờ đi theo cô mà biết.  Nhưng cứ tưởng tượng một người đàn bà đi suốt tháng, chỉ tạt về nhà có một, hai ngày như một người khách trọ, rồi tiếp tục đi. Cô xem thứ có ai đi buôn đi bán kiểu lạ đời như cô không?

      Hạnh gào lên:

      -     Trời ơi, anh mà còn nói như thế thì huống chi những kẻ xấu miệng xấu mồm chẳng đặt đủ điều nói xấu tôi. Tôi ngủ đường đường ngủ sá, lên xe xuống tàu, cực khổ là vì ai. Không đi buôn đi bán như thế thì lấy tiền đâu nuôi con, tiền đâu mua áo quần, tiền đâu trả tiền học, ai lo cơm gạo để cho anh đi la cà với bạn bè, nhậu nhẹt và nói tầm phào. Ai? Anh có biết tôi ra thân thể như thế này, mang tiếng mang tăm là vì anh, vì mấy đứa con không. Ðã không làm nên tích sự gì thì im cái miệng đi.

      Lục cười mỉa:

      -     Ðúng, tôi không làm nên tích sự gì. Không được tích sự gì, thì tôi đi xe thồ, có gì đâu mà cô cấm đoán.

      -     Anh đừng có mà chống chế. Anh bảo không có gì mà sao khi gặp người ta ở đây, anh lại tránh. Tại sao anh tránh?  Có phải chính vì anh cũng cảm thấy không vinh dự gì trong bộ áo quần xe thồ không? Ðúng không? Trời ơi, anh có biết người ta nói gần nói xa tôi như thế nào không?

      -     Nói gần nói xa cái gì? Cùng lắm người ta bảo cô có thằng chồng đi xe thồ, Lục xe thồ. Thế thôi. Có gì mà cô phải la toáng lên. Cô không thích thì đừng nhìn tôi là chồng.

      -     Người ta bảo tôi tệ bạc với anh, không lo cho anh, cho con để anh phải đi xe thồ...

      Lục xuống giọng:

      -     Thì họ nói có gì là sai đâu.

      Hạnh khóc rống lên:

      -     Trời ơi là trời, chồng với con. Anh ăn nói như thế mà nghe được sao! Trời ơi là trời! Cái thân tôi sao mà khổ thế này trời.

      Hạnh đấm ngực mình thùm thụp, vừa đấm vừa khóc tức tưởi. Lục đứng dậy:

      -     Cô đừng có dùng tiếng khóc mà áp đảo tôi. Tôi đã không động cập gì đến cô, thì xin cô để cho tôi yên.

      Anh lẳng lặng quay vào phòng. Trong góc nhà, ba đứa con lặng lẽ quan sát cha mẹ chúng, đôi mắt đứa nào cũng đỏ ngầu, đẫm nước mắt.

CHƯƠNG 38

Lục quyết định chọn “nghề” đi xe thồ vào lúc anh cảm thấy cuộc sống của mình hoàn toàn lâm vào bế tắc. Lựa lúc Hạnh bôn ba từ Nam ra Bắc dài ngày, anh ra quân. Lúc đầu, ngượng, anh ăn mặc tương đối tươm tất. Chiếc xe đạp thì nửa xe thồ, nửa không. Anh tìm một chỗ vắng, đứng một mình, đợi. Và dài cổ đợi hoài, chẳng có ai hỏi đến. Thỉnh thoảng, thấy có người đi ngang đảo mắt nhìn quanh, anh rụt rè mời.  Người ta lắc đầu, gọi chiếc xe thồ khác để đi. Sau vài ngày, anh mới hiểu ra, người ta không gọi anh vì anh không có cái nét phổ biến của một người đi xe thồ. Anh “ngộ” ra rằng, nghề nào nghiệp đó, cái gì phải ra cái đó, không thể hàng hai, ỡm ờ được. Thế là, anh thay lốt người, lốt xe. Thay đổi luôn ngôn ngữ và thái độ. Anh mặc áo quần lính cũ vá víu, đi dép râu, đội mũ bạc màu. Phần sau xe lót một tấm gỗ to bản trên bót-ba-ga với nhiều dây cao su cỡ lớn quấn quanh, sẵn sàng để cột hàng.  Phần trước xe đóng thêm một chỗ ngồi nằm giữa ghi đông và yên, phòng khi có trẻ em. Với thiết kế mới, anh có một nhân dáng rất “xe thồ”, phân biệt anh khỏi một người bình thường.

      Và anh lập tức có khách. Người khách đầu tiên trong đời xe thồ của anh là một người đàn bà trung niên, tuổi có vẻ lớn hơn anh đôi chút. Chị ta bước đến, để cái giỏ xách xuống đất, hất hàm hỏi:

      -     Chùa Thiên Hương, cả đi và về, mấy?

      Anh nhã nhặn hỏi:

      -     Chùa Thiên Hương là chùa nào chị?

      -     Cái anh này, chở khách mà không biết chùa Thiên Hương à? Không biết thì sao mà có khách. Gần cầu Lim chứ mô nữa.

      -     Cầu Lim? Có phải là đường lên Thiên An không?

      -     Ðấy, đấy. Ði ngả Ðàn Nam Giao. Mấy?

      Anh thực sự lúng túng:

      -     Dạ...dạ...chị cho mấy cũng được.

      -     Cái anh này, phải cho giá chứ ai biết mấy mà trả.

      -     Thôi, chị cho ba chục đi.

      -     Anh nói gì? Ba chục à? 

      Anh giật mình:

      -     Thì xem như chị đi đến hai chuyến mà, cả đi cả về.  Hay là để tôi bớt...

      -     Cái anh này lạ thật. Cả đi cả về, lại dốc lên dốc xuống nữa, mà sao lấy có ba chục, là sao?

      Anh bật cười, phóc lên yên xe, nói:

      -     Mời chị lên xe. Chị cho bao nhiêu cũng được. 

      -     Cái xách tôi bỏ đâu đây?

- Chị đưa cho tôi. 

      Anh lấy xách bỏ trước giỏ xe. Giỏ xe nặng, nên khi anh đạp đi, cái ghi-đông nghiêng qua nghiêng lại. Phải năm, bảy phút sau, anh mới kiểm soát được chiếc xe của mình. Dọc đường, người đàn bà hỏi:

      -     Tôi hỏi có khi không phải. Anh đi xe thồ bao lâu rồi?

      Anh thú thật:

      -     Mới có mấy hôm thôi, chị. Không nói giấu gì chị, chị là người khách đầu tiên.

      Xong chuyến, người đàn bà đưa anh năm chục. Anh  chỉ lấy ba chục, nhưng bà ta nhất quyết không chịu. Anh đành phải nhận. Nghề dạy nghề, anh rành rọt dần. Anh trở thành một dân xe thồ thứ thiệt, rất chính danh. Và bạn bè cho anh một cái tên mới: Lục-xe-thồ. Quen nghề, con ngựa sắt của anh chạy khắp thành phố, mang lại cho anh một hãnh diện khác thường: được làm một nghề hạ tiện nhất trong thời buổi đảo điên nhất của xã hội. Anh còn có một nỗi vui ngấm ngầm khác: không còn lệ thuộc vào Hạnh nữa. Anh đề ra một thời khóa biểu khá chặt chẽ. Chuyến sớm: từ 4 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Chuyến sáng: từ  9 giờ đến 12 giờ trưa. Chuyến chiều: từ 4 giờ chiều đến 7 giờ chiều. Chuyến khuya: từ 10 giờ đêm đến 12 giờ khuya. Hễ đến giờ nghỉ là anh về nghỉ. Giờ buổi trưa, có khách gọi, anh cũng từ chối, trừ trường hợp đặc biệt như như khi có khách đường xa, cần đi thăm lăng, thăm mộ. Tiền kiếm được, anh phân ra ba phần, mỗi phần bỏ vào một hộp riêng, chỉ sử dụng khi có việc liên quan đến phần đó: phần cho con, phần anh và phần tu bổ xe.

      Hầu hết khách xe thồ là phụ nữ. Ðiều lý thú (và lắm lúc phiền toái) là được nghe hàng bao câu chuyện khác nhau từ miệng mấy cô mấy bà lắm mồm, mau miệng. Chưa hỏi, các bà các cô đã kể. Kể huyên thiên, tuốt luột, say sưa. Có bà, đã đến nơi rồi, không chịu xuống xe, cứ ngồi trên bót-ba-ga kể cho xong câu chuyện. Có một bà, câu chuyện dài quá, ngắt giữa chừng vì đã đến nơi, bà hẹn lần sau kể tiếp. Y như phim bộ Hồng Kông. Tưởng chỉ nói cho qua chuyện, không ngờ, Lục gặp lại bà khách này thiệt. Nhưng bà ta không buồn kể tiếp chuyện cũ dang dở nữa mà kể một chuyện khác mới toanh, hấp dẫn hơn nhiều. Chưa xong, bà hẹn thêm một “lần sau nữa”. Chuyện mình chưa xong đã đến chuyện người. Chuyện nào cũng đầy kịch tính. Có bà, khi kể, còn vung ta múa ngón, diễn tả nỗi vui mừng hay giận hờn bằng cách bóp vào vai anh hay thậm chí đấm ngay vào lưng anh. Thì sao cũng được, chìu khách mà. Phải nhận rằng, nhiều câu chuyện nghe hay đáo để. Họ biết biến những chi tiết không ra gì thành những điều lý thú, đôi khi lý thú còn hơn cả chính câu chuyện. Anh tiếc rằng mình không có tài viết lách để ghi lại những câu chuyện tầm phào trên đường đi thành tiểu thuyết.

      Và anh cũng quen dần với sự vắng mặt thường xuyên của Hạnh. Từ ngày buôn tuyến đường Hà Nội - Sài Gòn, một tháng nàng chỉ ghé nhà một hoặc hai lần. Một lần như thế, nàng ở nhà một, hai ngày rồi lại đi. Dăm ba ngày hay một tuần, Ðồng đạp xe lên ga gặp mẹ để nhận  tiền bạc và đồ ăn. Anh không cần thắc mắc nàng đi đâu, buôn bán những gì, lời lỗ thế nào. Ngược lại, dường như Hạnh cũng không buồn thắc mắc, cãi cọ với anh về chuyện anh đi xe thồ. Hai người hậm hực nhau, nhưng ai cũng bận lo lắng việc riêng của mình, nên làm lơ. Không khí gia đình tựa như một cuộc hưu chiến giả tạo, đầy bất trắc.

*

      Cuối tháng tám, Hạnh về nhà. Nàng định ở một ngày rồi đi Sài Gòn ngay. Nhưng một cơn bão đột ngột tràn tới khiến nàng phải ở nhà thêm mấy ngày nữa. Mấy đứa con phập phồng nhìn cha mẹ, chờ đợi một cuộc cãi cọ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng may mắn, không có gì. Có lẽ nhờ nỗi lo lắng về cơn bão chiếm hết tâm trí mỗi người. Mà cũng có lẽ nhờ thói quen. Mỗi người sống và suy nghĩ và làm theo cách của mình. Hai người chỉ nói với nhau những gì cần phải nói. Như hai cái máy. Và mong chờ cơn bão qua đi.

      Hết bão, chưa dọn dẹp xong, Hạnh vội vã lên đường.  Nàng nằm chầu chực ở ga, đợi nhảy tàu đi, chứ không về nhà.  Lục tự hỏi, không biết động lực gì lôi cuốn nàng mạnh mẽ đến như vậy? Nhưng chính anh rồi cũng thế. Anh quày quã đạp xe đi thồ. Sau những ngày nhốt kín trong nhà vì mưa bão, anh cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi thấy trời cao, nắng sáng và người đi qua đi lại. Anh đạp đi, ngẩng cao đầu huýt gió, tự hỏi không biết hôm nay anh sẽ có bao nhiêu khách và nghe được bao nhiêu câu chuyện đời?

      Vừa dừng chân, dựng xe đợi khách tại đầu con hẻm trên đường Nguyễn Huệ, thì Phi, một bạn đồng nghiệp nhỏ tuổi của anh, từ phía Bến Ngự đạp về. Cậu ta hỏi:

      -     Chú Lục, bão biếc bên nhà thế nào?

      -     Tóm lại là có thiệt hại, nhưng không đáng kể. Nhà cháu thế nào?

      -     Không đến nỗi. Chỉ tiếc là cây nhãn bên hông nhà bị trốc gốc.

      Phi dùng chân nhấn cái chống xe xuống đất, dựng bên vệ đường, rút túi lấy gói Hoa Mai ra mời Lục:

      -     Ðiếu đã chú!

      Lục không từ chối. Phi mồi lửa. Cậu ta rít một hơi, phù khói ra thành luồng, đến sát cạnh Lục, hỏi nhỏ:

      -     Chú đã nghe tin gì chưa?

      -     Chưa. Mấy ngày mưa bão ở nhà, mô có đi ra ngoài mà biết. Tin gì vậy? Giết người? Ngoại tình? Vượt biên? Hay phản động?

      Phi lấy ngón tay trỏ gõ gõ trên lưng điếu thuốc để cho tàn rơi xuống. Cậu ta nhìn quanh cảnh giác, nói:

      -     Nghe nói sắp đổi tiền.

      -     Lại đổi tiền? Cái gì mà phải đổi tiền?

      -     Ai mà biết chú, nhà nước họ thích thì họ làm. Mà chú đừng có nói cho ai biết nghe.

      -     Ừ. Chẳng dám nói bậy đâu.

      Ngẫm nghĩ một lát, anh nói:

      -     Ðổi tiền. Họ đổi tiền để làm gì nhỉ? Chắc người ta đồn vậy thôi, chứ không có đâu. Hồi trước, khi mới giải phóng, họ đổi tiền là có lý, vì không thể có hai thứ tiền cùng lưu hành trong một nước. Họ cần thống nhất tiền tệ. Còn bây giờ thì chỉ có một thứ tiền thôi, đổi làm gì.

      -     Cháu không rành, nhưng theo cháu nghe nói thì người ta đồn gì là có nấy, chú à. Ðồng tiền giờ mất giá quá!

      -     Cháu lo không?

      -     Hơi mô mà lo chú ơi. Nhà cháu nghèo rớt mồng tơi, có tiền của gì đâu mà sợ. Thôi, cháu đi. Kiếm ít mối kẻo trưa.  Mạ cháu đang hóng tiền mua gạo ở nhà. Chợ Bến Ngự bữa nay ế rề. Ðứng cả buổi chẳng có ma mô hỏi. Chú vẫn đứng ở đây?

      Lục gật đầu. Anh nhìn theo người bạn nhỏ tuổi đạp xe xa dần về phía An Cựu, lòng chợt nhói lên một niềm thương cảm mênh mông. Phi còn nhỏ, cỡ mười tám mười chín. Cậu ta đang học lớp mười, phải bỏ học đi xe thồ để phụ giúp mẹ và nuôi em. Ba dính vào vụ biến loạn Mậu Ngọ (1978), bị kết án năm năm tù, được thả trước thời hạn mấy tháng vì bị thần kinh tọa liệt cả hai chân. Phi chỉ lớn hơn Ðồng có mấy tuổi, nhưng trông già như người từng trải. Nếu mà Ðồng phải đi xe thồ như Phi thì thảm quá, anh hoang mang tự nhủ. Cuộc đời vốn đầy bất trắc. Hôm nay thế này, ai mà biết ngày mai sẽ ra sao?

      -     Có đi chợ Ðông Ba không?

      Lục giật mình, nhảy lên xe, chuẩn bị đón khách. Không cần mời, người đàn bà vừa bước đến đã nhanh nhẩu ngồi lên bót-ba-ga, hỏi ngay:

      -     Mấy?

      -     Mười đồng.

      -     Ðược. Ði.

      Lục nhấn pê-đan, vọt tới. Người đàn bà nhẹ cân, nên anh lấy đà mau, đạp ào qua đường Nguyễn Trường Tộ. Chị ta hỏi:

      -     Nghe gì chưa, chú?

      -     Chưa, chị. Gì vậy?

      -     Sắp đổi tiền đấy!

      Anh lơi đôi chân đạp, nghiêng đầu ra sau:

      -     Ai nói mà chị biết hay vậy?

      -     Thì nghe người ta đồn thế.

      -     Chị có nghe khi nào thì đổi không?

      -     Ai mà biết. Mà thế nào cũng có. Trước nay hễ đồn là có hà.

      Nghe giọng người đàn bà dấm dẳng khó chịu, anh không muốn hỏi tiếp, im lặng đạp cho đến nơi.

*

      Một tuần sau, tin đồn đổi tiền đã trở thành công khai. Ở đâu cũng nghe người ta bàn tán, dù không ngang nhiên, nhưng không còn thập thò giấu đút như trước. Lục không mấy lưu tâm, vì anh vẫn không tin là có chuyện đổi tiền. Hơn nữa, anh lại chẳng có bao nhiêu tiền để phải lo âu. Anh suy luận rằng nếu nhà nước định đổi tiền thì họ không đời nào để “xì” ra tùm lum như thế. Cứ xem những vụ như vụ Mậu Thân, hay vụ tấn công Bảy Lăm là rõ. Những trận đánh lớn lao và có tầm quan trọng như thế mà họ còn giấu được huống hồ gì đổi tiền là việc quá đơn giản, dễ giấu hơn bội phần. Khi chở khách, nghe ai nhắc đến chuyện đổi tiền là anh bác ngay với nhiều lý lẽ rất thuyết phục. Có lúc anh hăng hái bảo vệ lập trường của mình đến nỗi có người tưởng anh là cán bộ tuyên truyền của nhà nước. Giữa tháng chín, tin đồn bắt đầu có ảnh hưởng. Thị trường xáo trộn. Vàng cao từng ngày, không có dấu hiệu gì sẽ hạ. Giá sinh hoạt theo đó cũng tăng đều. Tất cả các mặt hàng đều tăng quá mức bình thường.

      Ðến tuần lễ thứ ba của tháng chín, thị trường lên cơn sốt.  Chợ tấp nập khác thường. Không khí nóng bỏng. Giá cả thay đổi từng giờ. Người ta thấy vợ con cán bộ bắt đầu ra chợ lùng hàng. Lúc đầu, lác đác ít người mua một cách dè dặt, trong lúc vẫn giấu giếm tung tích. Nhưng hôm sau,  cán bộ cũng như dân thường công khai đổ xô ra chợ. Ðiều trái khoáy là trong lúc đó, các cơ quan nhà nước cực lực cải chính tin đồn đổi tiền và bắt đầu mở chiến dịch tố cáo những kẻ tung tin đồn nhảm. Nhiều vụ bắt bớ xảy ra. Một số trường hợp điển hình được đưa lên báo, đài để răn đe quần chúng. Ðồng thời các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương liên tục phát thanh, phát hình các thông báo và các bài bình luận tập trung vào việc bác bỏ tin đồn. Trong phạm vi thành phố, các loa phóng thanh lập đi lập lại thông báo của Uỷ ban nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân bình tĩnh, không được tiếp tay cho kẻ xấu. Sinh viên học sinh và công nhân được huy động ra chợ thành từng toán, đến từng sạp hàng, cửa hàng để giải thích chính sách của nhà nước.

      Sáng ngày thứ tư, một tin mới được tung ra: chủ nhật sẽ đổi tiền. Tin nhanh chóng được truyền đi khắp hang cùng ngõ hẻm.  Tất cả thành phố xao xác như đang chuẩn bị chạy loạn. Người người tất tả ngược xuôi, mặt mày hớt hải. Ngờ thì vẫn ngờ, nhưng tin thì cứ tin. Không tin vẫn cứ sốt ruột. Người ta vẫn mua mua bán bán, nhưng ai cũng có cảm giác bất định. Ðồng tiền trong túi bỗng nhẹ tênh tênh, vì không khéo sẽ trở thành một mớ giấy lộn bất cứ lúc nào. Không ai dám xác quyết điều gì là đúng: giữ tiền thật nhiều hay mua bất cứ thứ gì với bất cứ giá nào, miễn đẩy tất cả tiền đi. Một số chủ sạp, chủ tiệm, đóng hẳn cửa hoặc chỉ mua bán cầm chừng. Càng về cuối tuần, tình hình càng tồi tệ. Người ta bắt đầu đổ xô đi mua bất cứ thứ hàng gì, miễn là hàng, từ cây kim sợi chỉ, hòn bi  đến cái ly, cái chén, áo quần, vải vóc. Nhiều thứ hàng hóa chất đống mốc meo dưới đáy sạp  cũng được khách hàng nài nỉ mua. Người ta vui mừng vì đẩy đi được những thứ đáng lẽ vứt đi, nhưng cũng không mấy vui khi cầm đồng tiền trên tay.

      Chiều thứ bảy, thành phố lắng đi, hoang mang và buồn bã.  Như có giới nghiêm. Lục đạp xe vòng khắp phố. Tất  cả quán xá, tiệm ăn, sạp hàng, quán cà phê đều đóng cửa. Trên đường phố, lơ thơ một vài chiếc xích lô, xe thồ lơ ngơ, không biết để kiếm khách hay để làm gì. Tuy thế, tại bến xe lam, dọc theo con đường chạy ngay sau chợ cá, tại khu vực các hàng ăn và rải rác một vài chỗ trong chợ, vẫn còn những nhóm người tụ lại mua mua bán bán. Các mặt hàng khá đa dạng: con gà, cái muỗng, cuốn vở, cái quần đùi cũ, chiếc xe đạp hư, cái mũ, vân vân và vân vân.  Mặt hàng nào cũng trở thành vô giá. Một cái muỗng có thể được bán với giá vài ngàn đồng, tương đương với một cái máy hát. Một con gà có thể bán với giá vài chục ngàn.  Nghĩa là giá tăng gấp vài chục, vài trăm hay vài ngàn lần so với giá bình thường. Ấy thế mà người ta giành nhau mua. Có những đứa trẻ khố rách áo ôm bán được một món hàng lượm đâu đó với cái giá mà cả đời nó mơ ước cũng không thể có: vài ba ngàn. Chúng cầm cả xấp tiền đi lơ ngơ với vẻ mặt rạng rỡ khác thường: lần đầu tiên, chúng sở hữu được một số tiền lớn dường ấy. Ðiều khôi hài là, chúng không tiêu xài được số tiền theo ý chúng muốn. Muốn ăn, không tiệm nào mở cửa, muốn mua một thứ gì khác để dành, không ai

bán. Chúng sẽ làm gì với số tiền ấy ngày mai, Lục tự hỏi.

      Anh đạp quanh chợ, rồi tạt vào một đám đông tụ lại gần một tiệm sấy tóc sát bờ sông. Thấy anh vào, đám đông chuyển động. Nhiều người sà tới nắm chiếc xe đạp của anh, hỏi giá và trả giá. Tiếng mọi người nhao nhao:

      -     Nhiêu?  Mười ngàn? Mười hai ngàn?

      -     Hai chục ngàn đi, được không?

      -     Hai mươi bốn ngàn, chịu không? Tiền sẵn đưa ngay.

      -     Tôi không bán. Tôi đã nói tôi không bán mà. Cái gì?  Cái mũ phở này hả? Không. Mũ để tôi đi xe thồ sao bán được.

      Anh rút hộp quẹt ga, bật lên châm lửa. Vài người sà tới.  Những câu hỏi đổ dồn lên anh. Nhiêu? Mười ngàn? Hai chục ngàn? Bán đi cho rồi. Hay là ba chục ngàn? Vừa nói, người này xỉa ngay tiền ra, trong lúc người khác cũng chen vào, xỉa tiền ra.

      Lục bực mình đạp đi. Anh chán nản chẳng muốn đón khách nữa. Anh ghé mấy tiệm rượu để mua một xị rượu. Không ai chịu bán. Sau cùng, anh ghé một tiệm quen, rượu ở đây dở, không hợp khẩu vị, nhưng anh vẫn nài nỉ mua. Nể anh, người ta bán, nhưng chỉ bán chịu, chứ không nhận tiền.

      -     Anh thông cảm. Tiền bạc hãy cứ đợi đến chiều mai.

      Người chủ quán nói, kèm theo một nụ cười, buồn thì không buồn, nhưng rõ là chẳng mấy vui.

*

Cho đến tận khuya đêm hôm thứ bảy, loa phóng thanh khắp thành phố ra rả phát đi phát lại bản thông cáo mới nhất của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh và Thành Phố, trích dẫn thông báo của chính phủ trung ương, xác định một cách mạnh mẽ  và dứt khoát: không có chuyện đổi tiền.

      Cả thành phố im lìm, thao thức.

      Cả nước im lìm, thao thức.

      Lục chợp mắt vào lúc ba giờ sáng. Nhưng anh không ngủ được bao lâu. Trời chưa sáng, tiếng loa phóng thanh đã đồng loạt vang lên trên toàn thành phố, đánh thức anh dậy. Xướng ngôn viên đọc sắc lệnh đặc biệt của nhà nước và thông báo đặc biệt của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, loan báo việc đổi tiền sẽ tiến hành trên toàn quốc vào lúc 7 giờ sáng. Ðồng tiền mới sẽ thay thế đồng tiền cũ với quy định:

      -     Tất cả mọi hộ phải kê khai số tiền mặt hiện còn giữ.

      -     Một đồng tiền mới ăn một chục đồng tiền cũ.

      -     Mỗi hộ sẽ được đổi tiền mới tùy theo số nhân khẩu thường trú trong hộ, nhưng không vượt quá con số 20.000 đồng tiền cũ mỗi hộ.

      -     Số tiền còn lại sẽ được nhà nước giữ giùm, có thể rút ra để tiêu dùng, nhưng với một số điều kiện quy định sẽ được thông báo sau.

      “Ðúng là đồn gì có đó,” Lục nhủ thầm khi choàng dậy.  Anh phóc ngay khỏi giường, nhanh chóng rửa ráy mặt mày, đi ra đường. Trên đường, nhiều người trong xóm đã ra tụ tập, bàn tán sôi nổi. Anh đi bộ đến quán tạp hóa ở góc đường. Một đám đông lớn đã hình thành nơi đây. Người thì ngồi xổm bên vệ đường, kẻ thì ngồi trên yên xe đạp, những người khác thì đứng dọc từ trong cửa quán ra ngay giữa lòng đường. Những kẻ qua đường cũng dừng lại nghe ngóng. Cứ thế, đám đông phình to lên mãi. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng cãi vã vang cả khu xóm vốn bình thường vẫn vắng lặng. Thỉnh thoảng tiếng ồn ào chợt đồng loạt ngưng lại vì mọi người chăm chú lắng nghe một thông báo mới phát ra từ chiếc loa phóng thanh công cọng đặt trên đỉnh cột điện ở góc đường. Giọng xướng ngôn viên nữ xen kẻ với xướng ngôn viên nam vang lên từng hồi, gọn, sắc và nghiêm trang như đọc lệnh hành quân.

      Lục gặp hầu hết những khuôn mặt quen trong xóm. Những kẻ buôn thúng bán bưng, những anh phu xích lô, xe thồ góp ý, nói cười vui vẻ. Những người đi buôn đường dài hay có sạp hàng ở chợ thì mặt mày đăm chiêu hiện rõ trên nét mặt. Trong số người đứng lố nhố quanh quất, Lục thấy có cả ông trung tá bộ đội và một cán bộ hưu trí, là hai người vẫn thường chủ trì các buổi sinh hoạt chính trị trong xóm anh. Hai người này ít góp chuyện, chỉ đứng lắng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu.  Nhìn thái độ của họ, Lục đoán họ cũng ngỡ ngàng, chẳng biết gì nhiều hơn mọi người về biến cố mới mẻ này.

      Anh Bảy xích lô hỏi:

      -     Chú Lục nghĩ thế nào?

      -     Thì “thế nào” gì nữa mà nghĩ. Tiếng đồn đã trở thành thiệt rồi.

      Chị Quỳ đứng gần đó, nói xen vào:

      -     Chuyện lạ thiệt! Hồi hôm nghe thông báo nhà nước mạnh mẽ quá, tui vẫn yên chí là không có gì. Ai ngờ!

      Người đàn bà đứng gần chị Quỳ nói lớn:

      -     Tui đã nói với bà rồi. Ðồn là có. Thế mà bà cứ không tin.

      -     Tin thì tin mà vẫn ngờ. Nhưng mà đổi hay không đổi, mình cũng thế thôi. Sợ là sợ cho đám nhà giàu.

      Chị Quỳ nhìn quanh rồi hạ giọng:

      -     Cho con mệ Ðông buôn thuốc tây biết mặt. Ỷ có năm đồng ba trự cứ vênh vênh cái mặt.

      -     Chị cứ nói! Ðám con buôn họ nhanh tay lắm. Họ mua hàng hay vàng cả rồi. Họ dại gì giữ tiền.

      Một người đàn ông phát biểu:

      -     Nhà nước họ ghê thật. Ðổi tiền xong, họ giữ được một số tiền phải nói là khổng lồ từ người dân.

      Một người khác nói:

      -     Thông báo nói nhà nước chỉ tạm giữ thôi mà! Sau này ai muốn rút thì cứ rút.

      -     Trời, ở đó mà rút. Phải làm đơn nêu rõ lý do, vì sao rút, rút để làm gì, rồi phải được phường, khóm xác nhận. Ðừng có tưởng bở. Còn khuya mới rút được.

      -     Sao mà anh biết rành quá vậy? Ðã nghe thông cáo thông kiết gì đâu.

      -     Cần gì nghe nói. Nếu mà dễ rút thì bây giờ họ chỉ cho đổi có hai chục ngàn để làm gì.

      Chị Quỳ hỏi trổng:

      -     Mười đồng ăn một đồng, vậy nếu mình muốn mua cây kim độ vài hào hay mua một cái gì độ một, hai đồng tiền cũ thì làm sao hè? Không biết họ có còn dùng tiền hào không?

      Một người đàn bà trả lời:

      -     Rồi cũng sẽ biết thôi. Ðợi đến 7 giờ thì biết ngay.

      Một người đàn ông trung niên, nãy giờ yên lặng đứng nghe, lên tiếng than thở:

      -     Không biết sau đổi tiền rồi ra sao? Làm ăn có được không? Thiệt khổ! Suốt cả tuần này chẳng kiếm được đồng nào.

      -     Thì có ai làm ăn gì được. Mua thì giá quá cao, mà bán thì sợ để tiền thành đồ giấy lộn.

      Lục lắng nghe, nhưng không thấy có ý kiến nào thuyết phục. Riêng anh, anh chẳng có gì phải lo. Kể cả tiền Hạnh gửi về và tiền anh cộng lại chưa tới năm ngàn. Anh chợt nghĩ tới Hạnh. Không biết giờ này nàng đang ở đâu? Sài Gòn, Hà Nội hay trên tàu? Nàng có còn giữ nhiều tiền mặt không? Nàng đã mua hàng chưa? Nhưng anh tự trấn an: nàng có mấy khi giữ tiền mặt nhiều. Có tiền là nàng đã vội vã mua hàng ngay hay nếu không cũng mua vàng.

      Ðám đông tản dần. Trên đường trở về nhà, gần đến cửa ngõ, anh bỗng nghe tiếng gọi giật đàng sau:

      -     Lục!

      Anh quay lại. Tân đạp xe lại gần:

      -     Có nhiều tiền mặt không?

      -     Không. Dại gì mà giữ cho nhiều vào.

      -     Tốt quá! Vậy thì ông cho tôi gửi vào phần còn lại đi.

      -     Ðược thôi.

      Nói xong, anh mới thấy mình quá vội vàng, nên nói lại:

      -     Nhưng đợi tôi hỏi xem trên nhà trước đã. Không thì mang tiếng.

      Tân cười:

      -     Không sao. Còn chỗ thì để dành tôi mà hết thì thôi.  Ðó chỉ là chuyện nhỏ. Tôi có chuyện lớn cần bàn với ông. Nhưng ta hãy về nhà đã.

      Vào nhà, Tân nói ngay:

      -     Tôi vừa bắt được một đường dây làm ăn về việc đổi tiền. Ông có chịu hợp tác không?

      -     Sao không? Nhưng bằng cách nào? Tôi kém mấy chuyện này lắm, sợ có khi ông kéo vào chỉ tổ thêm phiền ông.

      -     Rất đơn giản thôi, ai cũng có thể làm được. Ông chỉ cần liên lạc xem ai có tiền thừa cần đổi, bao nhiêu cũng được.  Ông gom hết mang về. Chúng ta sẽ đổi cho họ.

      -     Ăn chia thế nào?

      -     “Người ta” dứt khoát sẽ lấy đứt 20 phần trăm, nghĩa là mười ngàn sẽ chỉ còn tám ngàn. Còn phần của mình thì do mình “chịu” giá với người đổi. Mình dẻo miệng thì kiếm được tỉ lệ cao. Chẳng hạn khách chịu 50 phần trăm thì mình sẽ có 30 phần trăm, đại khái là vậy.

      Lục gật đầu, ngẫm nghĩ. Anh hỏi lại:

      -     Cũng hay. Nhưng mà...giữa ông với tôi thì thế nào?

      Tân cười:

      -     Dễ ợt! Mình có thể cùng nhau đi kiếm khách, cùng đi đổi tiền, phần lời chia hai. Hoặc ông lo kiếm phần ông, tôi lo phần tôi. Ông kiếm mối xong về giao cho tôi. Ông thỏa thuận với khách bao nhiêu tôi không biết, tôi lấy 5 phần trăm. Ðại khái là thế. Nhưng nếu ông muốn có một phương thức nào hay hơn, hãy cứ suy nghĩ. Bây giờ thì các địa điểm chưa mở cửa.  Tôi phải về lo cho phần gia đình mình. Ông cũng thế, lo cho xong phần gia đình đi. Sau 9 giờ mình gặp lại, nhé?

*

      Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Sau khi đổi tiền cho gia đình xong, Lục chạy quanh tìm gặp những người quen, toàn là mối lái làm ăn của Hạnh, để gom tiền. Rồi cùng Tân lui tới các trụ sở phường, các trung tâm đổi tiền cho khách vãng lai ở khách sạn Hương Giang, ở “xẹc”, nhà khách Thành Phố để giao tiền cũ và nhận tiền mới. Có thể nói là trong đời, đây là lần đầu tiên anh “trúng quả” đậm: gần bảy ngàn tiền mới.

      Khi các địa điểm đổi tiền đóng cửa vì hết giờ, đường dây của anh và Tân vẫn còn hoạt động. Mãi đến 7 giờ tối, anh và Tân mới nhận đủ số lượng tiền mới do những người trung gian giao lại. Tính toán với Tân xong, anh lấy số tiền của khách bỏ vào túi xách nhỏ cột chặt trong lưng, rồi đạp xe đi giao tiền.

      Trời tối hẳn. Ðường Nguyễn Chí Thanh nhập nhòe trong ánh đèn đường tù mù. Qua khỏi cổng trường Gia Hội, anh đạp dò dẫm, tìm đường Cao Bá Quát. Một chiếc xe Honda dame từ phía xa đàng sau chạy vọt lên, rồi đột ngột dừng lại ngay trước mặt anh. Trong lúc người lái đang dựng xe, thì người ngồi phía sau bật đèn pin dọi vào mặt anh, đồng thời đưa tay kia vẫy cho anh ngừng lại. Anh giật mình thắng gấp. Chiếc bánh xe trước quay ngang, suýt chút nữa hất anh té nhào xuống đất. Anh gượng đứng lại, nhảy khỏi yên xe, run giọng hỏi:

      -     Các anh là ai?

      Giọng một người đàn ông miền ngoài chắc và khô:

      -     Chúng tôi thuộc tổ đặc nhiệm tăng phái bảo vệ an ninh ngày đổi tiền. Yêu cầu anh cho kiểm tra giấy tờ.

      Nói xong, anh ta chìa cho Lục một tấm thẻ bọc nhựa, có đóng khuôn dấu đỏ choét. Anh đứng trân người, hồn vía chừng như  bay mất. Người đàn ông lái xe dựng xe xong, bước vòng ra sau anh. Lục dựng xe đạp lại, rút chứng minh nhân dân đưa cho người đàn ông cầm đèn pin. Xem xong, anh ta hỏi:

      -     Anh ở trong Thành Nội?

      -     Vâng.

      -     Anh xuống vùng này có việc gì?

      -     Tôi đi thăm người bạn.

      -     Anh có mang theo gì trong người không?

      -     Dạ, không.

      Người đàn ông phía sau, ra lệnh:

      -     Anh đưa hai tay lên. Chúng tôi cần kiểm tra.

      Lục run rẩy làm theo lệnh. Người đàn ông vòng hai tay rờ rẫm quanh khoảng thắt lưng, hỏi:

      -     Anh mang theo cái gì trong người đây? Ðề nghị anh cho kiểm tra luôn.

      Lục chưa kịp phản ứng thì bằng một động tác nhà nghề nhanh gọn, anh ta kéo áo anh lên, giựt cái túi xách nhỏ ra khỏi thắt lưng.  Anh ta bước tới trước, đưa ra dưới ánh sáng đèn, mở túi xách. Vừa thấy một cọc tiền mới nằm gọn gàng ở bên trong, anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi:

      -     Tiền mới! Tiền đâu mà anh có nhiều thế này?

      -     Dạ... dạ... tiền gia đình tôi mới đổi.

      Anh ta cầm cọc tiền, đếm rồi la lên:

      -     Gần ba chục ngàn tiền mới. Tiền của ai mà nhiều thế này?

      -     Dạ, của... của... gia đình... mấy người bà con.

      -     Ðược thôi. Anh có mang theo giấy tờ gì chứng minh số tiền này không?

      Lục lúng túng, không biết trả lời sao cho suôn sẻ. Người đàn ông tiếp:

      -     Theo quy định, mỗi hộ chỉ được đổi tối đa hai ngàn đồng tiền mới. Ở đây đến những ba chục ngàn, là phải mười lăm hộ. Thế này là thế nào?

      -     Dạ... không… dạ, người ta nhờ tôi mang lại cho họ.

      -     Ðược, tôi tạm tin anh. Anh có còn giữ tiền ở đâu nữa không?

      -     Dạ, không.

      Anh ta bỏ hết tiền vào túi xách, đưa cho bạn giữ, rồi bảo Lục:

      -     Anh cho tôi kiểm tra tiếp.

      Anh ta vỗ vào túi sau, hai túi hai bên của Lục. Thấy có gì nổi lên lộm cộm, anh ta bảo Lục lấy hết đưa ra. Tiền! Anh ta kinh ngạc:

      -     Lại tiền mới nữa.

      Anh ta quay sang nói với đồng bạn:

      -     Trường hợp này phức tạp đấy. Hay là ta đưa anh Lục về gặp thủ trưởng đi nhỉ?

      Lục nghe một vật gì thúc vào sau lưng anh. Chắc là mũi súng, anh nghĩ, tóc gáy dựng ngược. Giọng người đàn ông bây giờ nghe lạnh tanh:

      -     Anh Lục, anh đã bị bắt. Tuyệt đối tuân lệnh tôi, không được kháng cự. 

      Lục đứng im, lòng dạ hoang mang, không còn biết gì nữa.  Một chiếc xe hơi từ đường Cao Bá Quát vụt chạy ra, dừng lại ngay chỗ anh. Người đàn ông đẩy Lục lên phía trước xe, rồi nhảy lên ngồi sát cạnh anh, kềm chặt. Người kia nâng xe đạp anh lên cao, dùng hai tay ném mạnh lên thùng xe phía sau.  Một tiếng kêu loảng xoảng vang lên nghe khô khốc, buồn nản.  Xe rồ máy chạy ngay, ngược trở về ngả Cầu Ðen, hướng về phố. Sau khi qua cầu Trường Tiền, xe đi thẳng, rẽ vào đường Bến Nghé, dừng ngay trước một ngôi nhà lớn. Một biệt thự thì đúng hơn. Nhà to, vườn rộng, cổng sắt, bồn hoa, lối đi rải đầy sỏi. Chênh chếch bên kia đường là cổng trường Nguyễn Tri Phương. Hồi còn đi học, anh phải đã từng đi ngang đi lại căn nhà này hàng bao nhiêu lần. Nhà ai nhỉ? Bao nhiêu năm rồi, làm sao nhớ nổi. Nhưng tại sao lại mang anh vào đây?

      Người đàn ông ra lệnh cho Lục xuống xe, dẫn anh đến căn phòng bên hông nhà, đẩy một cánh cửa mở sẵn, đứng tránh sang một bên để cho Lục bước vào. Anh ta chỉ chiếc ghế đặt ngay trước một chiếc bàn sắt kiểu Mỹ, nói:

      -     Anh ngồi đó. Ðồng chí thủ trưởng sẽ nói chuyện với anh sau.

      Lục khẽ khàng ngồi xuống ghế, lòng dạ tê tái. Phòng nhỏ, tường quét vôi màu hồng nhạt, không treo hình ảnh gì, ngoài một câu khẩu hiệu cỡ chữ vừa phải kẻ lên ngay phần tường trước mặt anh: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, bên dưới là ba chữ Hồ Chí Minh. Bàn trống trơn, mặt bàn sắt láng lấp lóa ánh sáng dội xuống từ ngọn đèn điện công suất khá mạnh treo lơ lửng trên trần. Người ta sẽ thẩm vấn anh, sẽ bắt anh khai đủ thứ chuyện trên đời. Ai sẽ “làm việc” với anh đây? Nghĩ  đến những màn hỏi cung khủng khiếp, anh rùng mình, lạnh toát sống lưng. Anh đã là một tù nhân. Tù! Trời ơi, anh đã bị ở tù. Biết khai thế nào đây? Giấu thì không giấu được rồi, nhưng nói làm sao cho khỏi tội? Quả là anh không có cái số mánh mun, buôn bán. Cái xui vẫn cứ đeo đuổi theo anh. Tưởng là đã nắm chắc nụi trong tay, hóa ra bây giờ mất sạch. Không những thế còn phải nằm tù. Anh tưởng tượng đến những người quen anh đang sốt ruột chờ đợi ở nhà để lấy tiền. Những đứa con không biết bây giờ thế nào? Còn Tân ra sao? Có bị bắt như anh không? Anh nghĩ đến lúc Hạnh trở về, nàng sẽ khinh khỉnh nhìn anh, khuôn mặt đầy vẻ chế giễu, khinh bạc. Lại một lần nữa, Hạnh đã nói đúng: anh trước sau chỉ là một thằng đàn ông vô tích sự.

      Anh lơ láo nhìn quanh như kẻ mộng du. Một tiếng động khẽ vang lên ở góc phòng. Anh giật mình, quay lui. Một người đàn ông vừa đẩy cánh cửa bước vào vừa cười:

      -     Chào anh Lục. Cả ngày chạy ngược chạy xuôi vất vả quá nhỉ?  Nào, đã cơm nước gì chưa?

      Anh nhìn người đàn ông trong bộ áo quần bộ đội xuề xòa, dụi mắt. Ai mà trông quen quen? Anh đang cố nhớ thì người đàn ông lên tiếng:

      -     Nhận ra người quen chưa?

      Lục nhìn kỹ, sửng sốt, miệng lắp bắp:

      -     Anh...à... ông Thắng!

      -     Vâng, Thắng đây, anh Lục à! Trí nhớ của anh cũng tốt đấy chứ. Thế nào, việc tôi nhờ anh tìm giùm bản Cương Lĩnh Mặt Trận Giải Phóng hôm nọ đến đâu rồi?

T.D.N.