Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Dặm trường (kỳ 12)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 34

Trong cơn khủng hoảng, Lục bỗng nghĩ đến Hồng. Bèn lấy xe, đạp đi. Trời hè nắng chói chang. Anh đạp lên dốc núi trong cái nóng nồng nực và tiếng ve kêu rền dưới các lùm cây. Ðến cổng, anh dựng xe, bạo dạn mở cửa cổng đi vào. Tiếng chó sủa dồn. Người đàn bà xuất hiện, la chó, tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi khi nhận ra anh, cười:

      -     Cậu đó à? Ði mô mà lại lạc loài lên đây?

Anh nói láo:

      -     Dạ, cháu đi chùa, tiện thể ghé vào thăm vú.

      -     Rứa thê! Tội nghiệp hí! Rứa khỏe không?

      -     Dạ, khỏe, vú. Vú có khỏe không?

      -     Khỏe thì không khỏe, nhưng mà còn nhúc nhích, đi lại được.

      -     Vú ở một mình hoài như thế này mà chịu được, tài thật.

      -     Mô có ở một mình.

Lục chụp ngay cơ hội:

      -     Vậy thì Hồng ở với vú?

      -     Không, không, nhưng lên luôn.

      -     Dạ ngày nào cũng lên?

      -     Không, không. Vú không nhớ, nhưng lên luôn. Lâu nay mô mà không thấy. Răng lâu ni không lên chơi? Rảnh lên chơi cho vui.

      -     Dạ.

      -     Vô nhà uống miếng nước.

      -     Dạ, cảm ơn vú. Con đi bây giờ.

      Anh đi loanh quanh sân nhìn cây nhìn cỏ một lát rồi hỏi:

      -     Chỉ một mình Hồng lên với vú thôi à?

      -     Thì một mình hắn chứ ai vô đó.

      Lục thất vọng chào vú ra về.

      Vừa đắt xe xuống con dốc sỏi, nhảy phóc lên yên đạp, thì nghe tiếng gọi mừng rỡ:

      -     Anh Lục!

      Giọng Hồng. Anh luýnh quýnh tông bánh xe trước vào vách núi, chao đảo. Anh gượng giữ thăng bằng. Hồng quành xe đến bên anh. Hồng vừa dừng lại, anh thả chiếc xe ngả chỏng chơ, giang hai tay ra chào đón Hồng. Anh lắp bắp:

      -     Trời, Hồng! Cô Hồng!

      -     Hồng đây. Anh lên tìm Hồng phải không? Hồng linh tính không sai mà. Hồng biết ngay là hôm nay thế nào cũng gặp anh.

      -     Lại xạo nữa!

      -     Hồng nói thật. Chỉ có điều là không biết gặp ở đâu và như thế nào, nhưng Hồng biết chắc trăm phần dầu là sẽ gặp.  Tin Hồng đi.

      Lục tin. Cuối cùng, anh đã gặp nàng, thế thôi. Hồng ríu rít:

      -     Mà lâu nay, anh đi đâu mất biệt vậy?

      Anh hỏi lại:

      -     Hồng cũng thế, đi đâu mà mất biệt?

      -     Vẫn ở trong thành phố này. Không tìm làm sao gặp?

      -     Không tìm? Vậy ai lên đây?

      -     Ờ hớ! Thôi được. Vào nhà cái đã.

      -     Không, tôi phải về.

      Hồng dứ tay vào trán Lục:

      -     Ừ, thì về đi. Về và không bao giờ gặp lại nhé.

      Lục cười như trẻ thơ.

*                         

      Tới chỗ gốc cây lần trước, Hồng dừng lại, lấy tấm ni lông ra.  Lục thắc mắc:

      -     Chỗ cũ à? Không còn chỗ nào khác sao?

      -     Chỗ nào là chỗ nào?

      -     Có nơi nào còn nguyên sinh, nơi nào không có vết chân người, nơi nào hoàn toàn hoang dã.

      Hồng cười:

      -     Thơi buổi này còn chỗ nào là “rin” đâu. Chỗ nào con người cũng tìm đến mày mò ráo hết rồi.

      Thấy Lục vẫn còn đứng nhìn quanh, Hồng nói:

      -     Mấy hôm trước, rảnh, Hồng chịu khó đi quanh quanh mấy lần. Trời! Ði rừng một mình sợ muốn chết. Hồng cố tìm một chỗ...một chỗ...tốt hơn, nhưng không có.

      Lục cảm thấy thú vị. Tuy thế, anh làm bộ hỏi:

      -     Tìm một chỗ tốt, để làm gì vậy?

      Hồng phụng phịu:

      -     Thì...chẳng lẽ để Hồng đi chơi ...một mình.

      Lục véo má Hồng:

      -     Ai mà biết!

      Rồi anh nhìn nàng, tủm tỉm cười. Hồng hỏi:

      -     Gì mà cứ nhìn người ta cười hoài vậy?

      -     Anh tưởng tượng một cô Hồng tiểu thư, đi một mình vào rừng để tìm nơi làm tổ.

      Hồng đập nhẹ vào ngực Lục:

      -     Cái anh này! Làm như Hồng là con chim không bằng.

      -     Không chim thì là gì nữa. Tìm chỗ tốt trong rừng để làm gì nếu không để đẻ trứng.

      Hồng ngẫm nghĩ một lát rồi cười buồn:

      -     Ừ. Nghe nói thì như đùa, mà đôi khi cũng thế thật đấy, Lục à! Nếu được đi đâu thật xa, thật sâu, không có ai, không dính líu với ai...

      -     Vậy thì đi.

      -     Thì đi!

      Hồng xếp đồ lại vào xách. Lục nắm tay Hồng, kéo đi. Anh không theo những lối mòn, mà băng ngang những vùng cây cỏ um tùm. Hồng cười khúc khích:

      -     Anh dẫn Hồng đi mô?

      -     Cứ đi. Cần gì biết đi đâu.

      -     Không khéo quên mất đường về.

      -     Cũng tốt! Hồng sợ thành Lưu Nguyễn lạc thiên thai hay sao?

      -     Trời, được thành Lưu Nguyễn thì còn gì bằng, phải không Lục.

      Mùi lá mùi cây, mùi gỗ mục phảng phất. Hương rừng làm Lục ngây ngất. Anh băng băng kéo Hồng đi. Thỉnh thoảng anh dừng lại, đợi Hồng. Hồng kêu nhỏ, rên rỉ vì lá cứa, gai xóc, nhưng nàng vẫn im lặng theo anh. Ðến một vạt cỏ tranh um tùm, Lục dừng lại, nhìn Hồng:

      -     Hồng mệt chưa?

      -     Mệt! Hay ta dừng lại đây?

      Lục nghi ngại nhìn quanh:

      -     Vẫn chưa phải là nơi mình muốn đến. Hồng xem, đầy cả dấu chân người: gỗ bị  cưa, cây bị chặt. Ở đây vẫn còn loài người.

      -     Thì đi!

      Hồng bước tới, suýt ngã vì ông quần vướng phải một cành cây. Mồ hôi tươm trên khuôn mặt Hồng. Tóc rối. Những sợi tóc dài lòa xòa trên trán, có sợi vắt ngang sống mũi nhỏ, có sợi dính vào khóe môi. Hồng mệt nhọc và hớn hở bước theo Lục.  Anh mê muội kéo Hồng đi miết. Anh lòn, đạp, níu, nhảy, đu, bươn bả vượt qua những khoảng rừng, những lùm cây, những mảng cỏ tranh, những con suối cạn. Rừng bất tận. Không sao.  Rừng che dấu. Rừng bao vây, che chở. Rừng hoang dã, thơ thới. Rừng mịt mùng, ngoài cõi. Rừng đắm đuối, hồn nhiên.  Mỗi một bước tiến tới, thế nhân lùi xa tăm tắp. Hai người trở thành hai con thú hoang sổng chuồng, về với cây lá, đất đai.

      Và đêm ập xuống, nhanh chóng và êm đềm y như ai vừa buông một tấm màn nhung trùm cả trời đất. Hồng đi sát vào người Lục, run rẩy:

      -     Hồng sợ!

      -     Có người đâu mà sợ. Lục thì thầm

      Anh mày mò bước trong đêm, kéo Hồng đến một gốc cây.  Anh ôm Hồng. Nàng nép mình vào ngực anh, thở. Hai ngời im lặng lắng nghe. Rừng đêm yên tĩnh kỳ lạ. Không có âm thanh nào ngoài tiếng lá va chạm nhau lào xào. 

      -     Hồng nghe tiếng cây thở, Lục ơi.

      -     Không phải, chúng nói chuyện tình đấy.

      Hồng cười rúc rích. Anh nhìn thấy vệt sáng của đường răng khép mở. Anh hỏi:

      -     Hết sợ chưa?

      Hồng nép sâu thêm vào khoảng ngực:

      -     Hết. Nhưng trời tối quá, chẳng lẽ...

      Anh quả quyết:

      -     Ðợi. Mình sẽ đi tiếp.

      -     Ði mô nữa hè?

      -     Ði cho hết đêm.

      -     Chẳng lẽ đi hoài?

      -     Ừ.

      -     Trời tối thế này...

      -     Hồng biết, trời sẽ sáng.

      Và trời sáng thật. Trăng lên nhanh, tuôn ánh sáng vương vải. Những âm thanh đua nhau vang lên: tiếng leo trèo lên cây, tiếng bò dưới lá, tiếng rít, tiếng kêu the thé, man dại, tiếng lục cục. Rừng thức dậy, mơ màng trong sương đục. Lục cầm tay Hồng:

      -     Ta đi.

      Hai người men theo những vết ánh sáng để đi. Rừng bây giờ yên ắng trở lại. Trong vắng lặng, rừng trở nên huyền hoặc.  Mọi thứ dường như bất động. Chỉ có bóng trăng chuyển dịch.  Thỉnh thoảng có tiếng rơi của một giọt sương, nghe lẻ loi, mơ hồ như từ một cõi nào xa rớt vào hư ảo. Lục cảm thấy người nhẹ tênh. Anh dắt Hồng đi như dắt một cái bóng. Hai người di chuyển thênh thang giữa ngàn cây giăng mắc. Qua khỏi bóng của một cụm rừng già, cây cao, tàn rậm, họ bắt đầu xuống dốc.  Trước mặt, một mảng sáng mênh mông hiện ra. Trăng loang loáng trên một thảm cỏ ngậm sương. Hồng chỉ tay xuống dưới, reo lên:

      -     Kìa, suối, Lục. Xuống đó đi.

      Lục gật. Ðúng là suối. Âm thanh reo rào rạt. Nước tuôn tràn, bất tận. Anh hân hoan nhìn một đường nước trắng xóa loang loáng ánh trăng, chạy vòng vèo theo triền đồi và biến mất sau khu rừng phía xa. Anh kéo Hồng dẫm lên cỏ, lướt xuống. Tiếng suối reo nhỏ dần. Dòng nước nhỏ dần. Khi cả hai xuống hết dốc, vừa đến nơi thì lạ chưa, tiếng suối không còn nữa, chỉ nghe vọng âm văng vẳng rồi tan biến. Trước mắt, dưới ánh trăng vằng vặt, chỉ còn trơ ra một con lạch nhỏ khô cạn.  Hồng thất vọng nhìn quanh:

      -     Vậy thì con suối đâu?

      Lục ngẩn ngơ, đứng nhìn. Ảo giác chăng? Anh nắm tay Hồng, cẩn thận bước xuống những tảng đá nhọn nằm cheo leo bên bờ khe. Lòng khe đầy đá sỏi to nhỏ không đều. Một giòng nước nhỏ nhoi ri rỉ chảy qua giữa những khe hở của các tảng đá. Hai bên bờ lau lách, cỏ dại um tùm. Lục cảm thấy thấm mệt. Anh dừng lại:

      -     Mình nghỉ ở đây.

      Hông ngần ngại nhìn cây cỏ um tùm chung quanh. Lục lấy tấm ni lông ra. Anh lùa một đám cỏ tranh xuống, trải tấm ni lông lên trên. Anh bảo Hồng ngồi. Hồng ngần ngại.

      -     Hồng sợ gì vậy?  Lục hỏi.

      -     Sợ rắn.

      Anh quả quyết:

      -     Ðừng sợ. Rắn phải sợ mình.

      Chẳng nói gì thêm, anh ôm xốc Hồng lên, rồi ôm nàng lăn xuống tấm ni lông. Anh nghe tiếng lạo xạo bên dưới. Vạt cỏ tranh nằm rạp. Cả hai lún sâu xuống. Anh lăn qua lăn lại để cho chỗ nằm được bằng phẳng hơn. Rồi anh ôm Hồng, im lặng nhìn lên. Phía trên, khoảng trời bao la hiện ra. Trăng cao tít.   Chung quanh núi rừng chen chúc. Trong một thoáng, anh có cảm tưởng mình thoát khỏi mọi ràng buộc với cái xã hội nhiễu nhương, kỳ quặc dưới kia, bỏ lại đàng sau bao nỗi lạc loài.  Anh ôm chặt thân hình nhỏ nhắn của Hồng và cảm thấy hứng khởi. Một hứng khởi tươi mới như sau thời kỳ phục sinh. Tâm hồn anh như được thanh tẩy khỏi mọi ràng buộc. Anh thì thầm:

      -     Anh cảm thấy tự do.

      Hồng nhỏm ngừơi dậy:

      -     Tự do? Không. Hồng cảm thấy sợ. Sợ anh. Anh liều thật.

      Lại cười khúc khích. Nàng bày rượu ra. Lục say đắm nhìn nàng. Dưới trăng khuya, nàng mỏng mảnh, thơ thới như khói.

      Rượu nồng, tình thấm. Lục hỏi:

      -     Ta đi tiếp nhé?

      Hồng nép vào anh, ngần ngại:

      -     Anh còn nhớ đường về không?

      Lục ngoái nhìn ngọn đồi phía sau:

      -     Sao không. Chỉ cần leo ngược dốc này, là có đường về nhà Hồng thôi.

      -     Ðâu có đơn giản vậy. Mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng rồi, anh nhớ không?

      -     Cần gì nhớ. Trăng nó dẫn mình đi, lo gì.

      Hồng hỏi, giọng chợt bâng khuâng:

      -     Có khi nào về thì mọi chuyện đã thay đổi không nhỉ?

      -     Thì sao?

      Hồng im lặng. Lục chỉ về phía trước:

      -     Cố vượt thêm cánh rừng nữa đi. Xem thử bên kia có gì?

      Hồng gật. Hai người băng qua khe, đi vòng theo triền dốc.  Rừng rậm, thấp. Cỏ cây chằng chịt. Vừa hết khu rừng, Hồng chỉ mé bên phải:

      -     Dường như có nhà ở, Lục ơi.

      Lục nhìn theo tay chỉ. Ðúng là có nhà. Một ngôi nhà nằm đơn dộc dưới một chòm cây. Hồng hào hứng nói:

      -     Sao lại có nhà giữa rừng thế này, Lục nhỉ? Hay là mình thử đến đó xem sao?

      Lục ngần ngại:

      -     Ðừng nữa. Anh ngại. Biết đâu đó là công an biên phòng.

      Hồng quả quyết:

      -     Không đâu. Ðây là nhà chứ không phải là đồn đâu.  Ðể Hồng tới thử xem.

      Lục lần chần bước chậm theo sau Hồng. Ði một quãng ngắn, cả hai thấy một lối mòn nhỏ dẫn đến ngôi nhà. Hồng dừng lại, nhìn lui nhìn tới, ngạc nhiên:

      -     Lạ thật! Sao Hồng thấy chỗ này quen quá, Lục à?

      Nói xong, nàng chạy nhanh tới phía trước. Lục rảo bước theo. Ðược một đoạn, Hồng reo lên:

      -     Lục ơi, nhà Hồng! Kìa, anh xem, khu mộ của ba má Hồng nhé, hàng dương liễu vây quanh nhé, còn xem kìa, cái sân, cái cổng. Còn kia, phòng của Hồng.

      Hồng vừa nói vừa kéo Lục chạy băng qua hàng rào, đến khoảng sân. Hồng dừng lại, ôm chặt lấy Lục, lắp bắp:

      -     Sao nhà Hồng lại ở đây, anh?

      Lục rùng mình, ngẩn ngơ. Cho đến khi nghe tiếng chó sủa và bà vú của Hồng lụm cụm bước ra, anh mới tin là Hồng nói thật. *

      Ðêm đó, Lục ngủ lại thư phòng của Hồng. Anh nằm nghe nàng kể những câu chuyện mà nàng đọc từ hồi còn nhỏ. Hồng nói:

      -    Anh có biết chuyện “Mai ăn khỏi trả tiền” không?  Chuyện thế này: có một người khách ghé vào một quán ăn nọ ở dọc đường. Anh ta định gọi đồ ăn thì chợt thấy ngay trên cửa quán có treo một tấm bảng đề: “Mai ăn khỏi trả tiền”. Anh nghĩ bụng: tội gì mà mình ăn hôm nay. Ðợi đến mai lại ăn. Nghĩ thế, nên anh nhịn đói, rời quán. Hôm sau, anh lại đến. Anh gọi đồ ăn, ăn uống phủ phê, xong thung dung bước ra. Chủ quán chận anh lại, bảo: “Sao anh không trả tiền mà bỏ đi?”. Anh sừng sộ: “Hôm nay ăn khỏi trả tiền mà”. Chủ quán hỏi: “Ai nói với anh vậy?”. Anh chỉ vào tấm bảng: “Thì chẳng phải anh cho treo tấm bảng này à?”. Chủ quán trả lời: “Ðúng”. Anh nói: ‘Thì tại sao lại còn đòi tiền tôi”. Chủ quán nói: “Tấm bảng nói sao, anh nhắc lại cho tôi nghe”. Anh nhìn tấm bảng, đọc: “Mai ăn khỏi trả tiền”. Chủ quán bảo: “Vậy thì mai anh lại ăn hẳn hay. Bây giờ mới có hôm nay chứ đã ngày mai đâu”. Anh ngẩn ngơ, móc túi trả tiền và bẽn lẽn bỏ đi.

Kể xong, Hồng nói:

- Mình sống trong xã hội hiện nay, lúc nào cũng nghe nói tới ngày mai, ngày mai, ngày mai…Mình thì cứ ở mãi trong cái hôm nay, đọc mãi tấm bảng “mai ăn khỏi trả tiền” làm vui, chứ có bao giờ được có ngày mai đâu mà hy với vọng, anh nhỉ.

Lục giật mình, nhìn Hồng chăm chú. Người đàn bà này thật đáo để! Đêm đó, ngủ, anh cứ nằm mơ thấy tấm bảng, chữ viết thật lớn, treo khắp nơi: MAI ĂN KHỎI TRẢ TIỀN!

Sáng ra, đạp vội xe về, nhìn quanh nhìn quất nhà Hồng, Lục mới biết là mình đã đi quá xa trong cuộc phiêu lưu tình cảm quá sức liều lĩnh này.

CHƯƠNG 35

Nghỉ ngơi được có một hôm, Hạnh đã lại thấy bồn chồn.  Lạ chỗ, lạ nhà. Và lo lắng vu vơ.

      Duyệt bảo: “Ở đó đi, chút tôi về, cần gì tôi chở bà đi”.  Nghe lời bạn, nàng nằm. Nhưng chỉ được có một chút, nàng đã ngồi bật dậy, thay áo quần, gọi xích lô đến nhà anh Thuyên, nơi nàng ở trọ bán hàng trước đây. Vừa gặp, nàng chưa kịp hỏi chuyện hàng hóa, anh đã kêu lên:

      -     Trời, cô Hạnh. Ði đâu mà lâu này chẳng thấy mặt mày đâu cả vậy. Cô mới vào hay sao? Hàng hoá thế nào? Lâu nay có mấy người đến hỏi thăm cô, tôi chẳng biết cô ở đâu mà chỉ.  Mới hôm qua đây thôi, cũng có một ông tới hỏi. Anh ta có để giấy lại. May mà cô tới, còn không tôi cũng chẳng biết mô mà giao. Ðây, cô.

      Nàng ngạc nhiên. Anh Thuyên vào trong lấy đưa cho nàng một mảnh giấy xếp tư. Nàng mở ra đọc:

      “Hai vợ chồng tôi vừa đi hàng vào. Hiện ở tại 123/46 Nơ Trang Long, Bình Thạnh.Cô có rảnh ghé lại để bán chuyện làm ăn. Chúng tôi chỉ ở được hai hôm, ngày kia phải về lại. Mong.  Thương”

      Thương vào? Nàng nhíu mày, ngẫm nghĩ. Nàng hỏi lại:

      -     Người đưa giấy là đàn ông?

      -     Thì là đàn ông. Anh ta bảo vừa từ Nha Trang vào.

      Thế là Cảnh rồi. Nàng cầm tờ giấy xoay qua xoay lại, sửng sốt. Sao anh ta biết địa chỉ ở đây? Và làm sao anh ta có thể bỏ việc ngoài đó để vào? Với lại, làm sao Thương có thể để cho anh ta đi? Anh chàng này liều lĩnh đến thế sao? Nhìn cái địa chỉ, nàng bỗng hồi hộp vô cớ. Có nên đến tìm anh ta không?  Ông Thuyên tiếp:

      -     Còn nữa. Hôm cô đi được ít hôm, có một người đàn ông Bắc đến tìm cô. Ông gì có đến đây một vài lần rồi.

      -     Chắc anh Phiệt.

      -     Ðúng rồi, Phiệt. Anh ta cho hay là anh ta đã nhận được giấy báo đi phỏng vấn.

      -     Vậy à! Anh ta có người vợ ở Canada bảo lãnh.

      -     Một người nữa. Anh chàng này lạ, người Huế. Người ôm ốm, trông bộ điềm đạm...

      Hạnh giật mình. Ai vậy nhỉ? Túy chăng?

      -     Anh ta có nói tên không?

      -     Không. Anh ta chỉ đến hỏi thăm.

      -     Có nhắn gì không anh?

      -     Không. Anh ta vào một chút rồi đi ngay.

      -     Vậy à. Có lẽ là một bạn hàng trầm.

      Vậy là thầy có đến tìm em. Trời ơi, em giận thầy biết mấy.  Em buồn khổ, em đi tìm thầy, thế mà thầy sao sao đâu. Thầy vẫn như ngày nào, vẫn giữ kẽ, vẫn...nhút nhát, vẫn...

      Nên ghé thăm ai đây? Thầy Túy hay Cảnh? Nàng chào anh Thuyên ra về, quên bẵng chuyện đến đây để hỏi thăm anh về tình hình thị trường

*

      Thấy Hạnh bước vào, Duyệt la bai bải:

      -     Bà đi đâu vậy? Ðã nói ở nhà nghỉ ngơi, thế mà cứ tháy máy đi. Thích đi đâu thì để tôi chở đi, sao lại đi xe thồ. Hàng hóa hay thăm ai? Nói mau.

      -     Mình ghé nhà người quen hỏi tình hình hàng hóa.

      -     Thế nào? Hàng đã ăn lại chưa?

      Hạnh bịa:

      -     Chưa.

      -     Tôi chạy vội về đây vì có hai tin mừng mang lại cho bà. Hai tin cùng đến một lúc, khiến tôi phân vân. Ấy, không phải phân vân gì cho tôi, mà cho bà đấy. Thứ nhất là : con Hương, có nhớ con Hương không, con Hương hôm nhảy nhót ở nhà anh Thông ấy. Con Hương tổ chức mừng đứa con vừa vượt biên đến Mã Lai an toàn. Chiều mốt. Tất nhiên là có nhảy.  Ðây là dịp để bà thực tập. Tin thứ hai là: ông Quất vừa ghé lại.  Nghe tin bà hiện có ở đây, anh ta mừng quýnh. Khoan, không có gì bậy bạ đâu, chuyện làm ăn thôi. Anh ta bảo là đi với bà hên. Này, dân Cộng sản thứ thiệt đấy nhé, nhưng giờ mê tín lắm. Tin đủ thứ, thần thánh, ngày tốt ngày xấu, mỗi chuyến hàng đi đều có cúng quảy đàng hoàng. Có lần hồi mới quen, anh ta còn hỏi tuổi tôi thử có hạp chuyện buôn bán với anh ta không...nghĩ cũng tức cười.

      -     Ông ta nói chuyện gì?

      -     Anh ta cho biết hiện thuốc “Jet” và “Hero” ở Hà Nội đang “hút”, vì có mối đóng lên vùng Thượng Du phía bắc. Anh ta cần đóng gấp hàng để đi khuya nay. Tôi đang bấn lên đây.

      -     Gì mà gấp gáp thế?

     -    Buôn bán thời buổi này mà bà hỏi. Hàng lên hàng xuống như nước lụt, đâu có đợi ai. Không nhanh tay thì thiệt mình. Vả lại, tàu anh ta phải đi khuya nay. Bây giờ bà tính sao, có muốn chớp thời cơ, đi luôn chuyến này với anh ta không?  Hay ở lại vui chơi? Tùy bà đấy. Nếu bà muốn đi, thì dọt lẹ đi đóng hàng.

      Hạnh cảm thấy bối rối thực sự. Nhiều việc đến cùng một lúc. Gặp Cảnh, thăm Túy, vui chơi hay đi Hà Nội? Duyệt nói:

      -     Có gì đâu mà bà bần thần vậy? Dân buôn là phải biết quyết định ngay, có gì mà phải đắn đo này nọ. Thích đi, thì sửa soạn tiền nong, đóng hàng, giao cho “tụi nó” lo chuyển vào ga ngay. Thì giờ không đợi ai cả. Nếu chưa muốn đi thì ở nhà nằm nghỉ, mốt ta vui chơi. Tôi thì, nói thật với bà, ba mươi giây là xong ngay. Nhưng để khỏi làm rộn bà, tôi cho bà nửa giờ suy nghĩ. Tôi lên chợ thâu tiền hàng rồi về lại. Quất cũng muốn biết ngay là bà có đi không. Tôi đi đây.

      Không đợi Hạnh có ý kiến gì, Duyệt quày quã bước ra rú xe đi ngay. Nàng nhìn theo, lòng thầm nhủ, con nhỏ lanh như sóc. Cái gì cũng nhậm lẹ. Duyệt và Thương có nhiều điểm giống nàng: nhanh, gọn, xởi lởi, và tốt với bạn bè. Những lúc chạy hàng ở Huế, nàng cũng ba chân bốn cẳng. Khi cần, quyết định rẹt rẹt. Nhưng nàng có cái khác: không vô tâm như họ.  Lúc này, nàng thực sự bối rối. Hình ảnh Cảnh và Túy chập chờn nhảy múa trong đầu óc. Cảnh táo bạo, hồn nhiên. Túy sâu sắc, da diết và...yếu bóng vía. Mỗi người tạo cho nàng một ấn tượng riêng biệt. Ấn tượng nào cũng khiến nàng nao nức, bồi hồi. Giờ họ ở đâu đó, đang đợi nàng. Mỗi người đợi một cách:  Cảnh thì đi vào đi ra, nôn nóng. Nếu gặp nàng là anh ta sẵn sàng xông thẳng tới, chụp đôi vai nàng, day dở cuồng nhiệt. Còn Túy thì trầm ngâm, nhìn quanh nghe ngóng, thấy nàng, sẽ từ tốn đứng lên, đôi mắt reo vui hớn hở, rồi...thôi.

      Nàng đi lui đi tới nghĩ ngợi mông lung. Ðàn ông, cái thế giới trông rất gần gũi ấy, vẫn không thiếu điều kỳ lạ. Hồi xưa, khi mới lấy chồng, nàng nghĩ đàn ông thì ai cũng thế. Dâm đãng, tham lam và lười biếng. Nhưng giờ đây, nàng hiểu ra rằng, không đơn giản như thế. Mỗi một người có nét riêng của họ, khó hiểu và hấp dẫn. Mười Giộc hung bạo mà hào hoa. Túy nhút nhát mà sâu sắc. Cảnh thì ẩu tả mà quyến rũ. Chẳng ai giống ai. Mỗi người mang lại cho nàng những cảm giác riêng biệt. Lạ. Y như được nhắm thử những món đặc sản tại các vùng khác nhau.

      Thoắt một thoáng đã thấy Duyệt trở về. Duyệt leo vội lên gác, giọng oang oang:

      -     Thế nào “bà nội”? Ði hay ở?

      Không kịp suy nghĩ, Hạnh trả lời:

      -     Ði!

      Duyệt có vẻ ngỡ ngàng trước câu trả lời dứt khoát, tức thì của bạn. 

      -     Chắc chưa?

      -     Ừ.

      -     Vậy nhé. Tôi đi rửa mặt, uống cốc nước. Bà lo chuẩn bị mọi thứ đi. Vàng chiều nay có giá đấy. Ðám cao nguyên về đóng. Khâu Kim Vân được giá. Bà có khâu gì?

      -     Khâu xanh Huế.

      -     Hơi yếu đấy. Nhưng không sao. Hơn thua vài trăm.

      Duyệt xuống. Hạnh nhanh chóng xếp đặt áo quần, kiểm tra  lại số vàng mang theo, tính toán số lượng phải mua. “Lại đi”, Hạnh nhủ thầm.

*

      Trong các chuyến đi buôn đường dài của Hạnh, có lẽ chưa lần nào, Hạnh thoải mái như lần này. Quất dành trọn cho nàng nguyên cái “ca bin” của kiểm soát viên, để nàng tự do sử dụng. Phòng tuy nhỏ, nhưng gọn gàng, có gối, có chăn, có chậu rửa mặt, có tủ đựng đồ. Phòng là phòng của hai người, nhưng không biết Quất dàn xếp thế nào mà anh chàng kiểm soát viên kia, tên Tuấn, không hề thấy thấp thoáng trong phòng. Nàng áy náy, hỏi Quất:

      -     Em làm phiền mấy anh quá không?

      -     Không sao đâu Hạnh. Cái gì chúng tôi cũng lên kế hoạch cả rồi. Có phụ nữ thì phải có kế hoạch đàng hoàng chứ.ø

      Anh ta vừa nói vừa vỗ vào cái “xắc cốt” lủng lẳng một bên hông cười, để lộ hàm răng trên hơi vẩu, nhưng có duyên ngầm, nói tiếp:

      -     Chúng anh thực hiện phương châm “nhân viên và hành khách là bạn”. Em cứ yên tâm. Chỉ khi nào có đội cơ động lên, em tạm lánh ra ngoài.

      Buổi chiều, Quất rủ Hạnh xuống toa cung ứng.  Sau bữa ăn chiều, toa bán đồ ăn này trở lại lặng lẽ. Chỉ còn một vài người khách ngồi nhâm nhi cà phê, chuyện vãn. Tàu đang chạy qua những cánh đồng lúa vừa gặt xong, tiếp giáp với chân những ngọn đồi thấp. Mặt trời chênh chếch trên đỉnh ngọn núi xanh thật xa, chọc thủng một cụm mây khá dày, ném xuống chùm tia sáng thẳng tắp, nhiều màu, sắc cạnh. Một số tia chiếu thẳng vào toa tàu. Hạnh hớp một ngụm bia, nói:

      -     Chuyến này trông có vẻ êm đềm, anh nhỉ?

      Quất uống một hơi hết nửa ly, nhìn nàng hỏi:

      -     Ý Hạnh muốn nói cái gì êm đềm?

      -     Thì không thấy công an lên lục soát gì cả.

      -     Không có chuyến nào êm đềm đâu. Khuya rồi có toán cơ động lên, nhưng họ chỉ làm ở toa 6. Toa 2 và 4 cũng bị, nhưng sơ sơ.

      -     Em lo quá!

      -     Khéo lo! Anh đã nói rồi, anh lo hết. Em không tin Quất kiểm soát viên này sao!

      Hạnh hạ giọng:

      -     Hàng hóa để đâu, em không thấy?

      -     Thế mới hết ý! Hàng giấu mà để cho người ta biết, thì giấu làm gì.

      -     Nhưng mà...

      -     Không nhưng mà... gì hết. Em cứ việc ngủ ngáy, vui chơi thoải mái. Thế nào, hôm rồi ngủ ngon không?

      Hạnh bẽn lẽn:

      -     Vâng. Em thật bậy. Giành chỗ của mấy anh. Sáng ra, thấy anh nằm trên võng...

      Quất cười:

      -     Nếu không nằm võng thì nằm đâu. Chẳng lẽ...

      Anh ngừng nửa chừng, nheo mắt nhìn nàng. Nàng giả tảng không biết, hỏi tiếp:

      -     Còn Tuấn?

      -     Anh có khách thì cu cậu phải lo chuyển hộ khẩu thôi.

      -     Anh có nhiều khách lắm sao?

      -     Khách gì mà nhiều với ít. Làm như phòng kiểm soát viên chỉ để chứa khách. Khách là em đấy. Một mình em. Em là người đầu tiên và duy nhất. Phải có lý do chính đáng mới thuyết phục được cu cậu nhường chỗ chứ.

      Hạnh cười:

      -     Anh ta to thế mà anh cứ gọi cu cậu nghe sao phải?

      -     Ấy, hắn to thế mà trẻ hơn anh những ba tuổi kia đấy.

      -     Vậy anh ta mới ba mấy thôi à?

      -     Ba mốt. Chiến sĩ  Trường Sơn ba năm, nên chóng già.

      Hạnh tính nhẩm. Vậy thì Quất ba mươi bốn, thua nàng những ba tuổi. Trời, thế mà nàng nghĩ anh ta phải đến bốn mươi. Nàng xưng anh anh em em với anh ta ngọt xớt. Nàng nói:

      -     Ừ,  Quất trẻ thật. Bộ Quất không đi Trường Sơn sao?

      Quất trả lời:

      -     Anh xui. Ðộ nọ, đúng cái hôm lên đường đi nghĩa vụ thì ông cụ đột ngột lên cơn hen nặng, phải chở đi viện, nằm ở đó một tháng  rồi chết. Ðảng ủy và xã đội chiếu cố cho anh về chăm sóc. Ðến khi mọi việc xong xuôi, thì đợt nghĩa vụ cũng chấm  dứt. Ấy, rủi mà...may.  Sau này, có đợt gọi lại, anh đang  công tác tại xã, lại được miễn thêm một thời gian nữa. Không phải anh lười nhác, trốn tránh trách nhiệm đâu. Con người là thế, lúc đầu hăng hái mà không làm được đến khi lòng mình nguội rồi thì...gay lắm!

      Quất cười hềnh hệch. Anh chế thêm bia. Hạnh tới quầy mua phiếu, lấy thêm một chai nữa, nhưng anh xua tay:

      -     Ðủ rồi, em. Ðợi khi xuống “ca” hẳn hay. Giờ không uống được nhiều đâu. Tốt nhất là về đến Hà Nội, giao ban, thong dong, uống mấy cũng được. Nể em, uống một tí gọi là giao tình. Ðang công tác mà say thì gay lắm.

      -     Mặt Quất mới uống một tí mà đã đỏ lên rồi đó.

      -     Chính thế. Chính vì vậy mà anh chỉ uống khi ở nhà. Ta ngồi chút cho hết hơi bia.

      Nàng nhìn ra ngoài. Mặt trời bây giờ đã khuất hẳn sau núi.  Tàu vẫn còn chạy qua những cánh đồng. Trời sâm sẩm tối.  Những con chim lạc lõng bay về một nơi nào đó trong xa kia mất hút. Lòng nàng chùng xuống. Chiều xuống bao giờ cũng gợi nhớ bếp lửa và bữa ăn gia đình. Chợt nhớ Lục và mấy đứa con. Nàng hỏi:

      -     Bao giờ thì đến Huế?

      -     Chắc phải đến khuya. Này, Huế của Hạnh nghe nói đẹp lắm phải không?

      -     Quất chưa đến hay sao?

      -     Ði qua thì hàng ngàn lần. Mà xuống Huế để tham quan thì chưa. Hôm nào, anh sẽ ghé chơi. Hạnh dẫn anh đi nhé?

      -     Không khó.

      -     Mà người Huế nghe nói khó lắm.

      -     Ở đâu chẳng vậy.

      Hạnh chợt nghĩ đến người đàn bà tìm gặp nàng ở Hà Nội hôm nào.

      -     Như ở Hà Nội. Mình nhớ đến cái bà gì ghé tìm mình ở nhà trọ lần trước. Bà ấy đúng là...là...

      Quất xua tay:

      -     Ôi thôi! Ðừng có mà nhắc đến cái bà lắm mồm ấy.  Anh ngấy bà ấy quá trời.

      -     Ðừng nói bậy. Ỷ thế không có chị ấy ở đây rồi ăn nói linh tinh. Mang vạ có ngày. Bà ấy bà xé xác Quất ra không chừng. Ðàn bà Bắc nghe nói dữ lắm.

      Quất đứng dậy:

      -     Ừ, thì dữ!

*

      Lúc đó, tàu vừa dừng ở ga Hải Vân Nam. Nàng hé cửa ra nhìn. Ðêm trăng đẹp tuyệt! Bầu trời trong vắt như mới tắm xong. Ánh trăng quấn lấy cây cỏ, mềm dịu kinh người. Lòng Hạnh xôn xao dậy thì. Ðầu óc mỏng ra, bốc thành hơi bay vút. Nàng ra khỏi ca bin, leo xuống, đứng dựa vào thành tàu, say sưa nhìn mọi vật im lìm đẫm trăng. Ðã nửa khuya, lại giữa núi rừng, nên không mấy hành khách xuống tàu. Lác đác chỉ có vài người đi tiểu, hút thuốc âm thầm như những bóng ma. Xa phía dưới kia, biển ngậm ánh sáng, lăng tăng bạc. Gió lạnh. Nàng vòng chặt hai tay trước ngực. Một bóng người rọi đèn pin đi đến:

      -     Ô, Hạnh. Sao đứng đây?

      -    Ai vậy? À, Quất. Mình ngắm trăng chút. Trăng núi rừng đẹp quá. Bữa nay mấy rồi nhỉ? Ði miết, quên cả ngày tháng.

      -    Ðã qua rằm rồi. Hạnh nhìn trăng thì biết. Trăng méo rồi.

      Anh  nắm tay nàng:

      -    Ðứng làm gì ở đây. Muốn ngắm trăng, đi quanh quanh với anh. Ở đàng kia có con suối đẹp. Tàu chưa chạy đâu.   Ðang đợi tránh tàu vào, cũng phải hơn nửa tiếng nữa.

      Hạnh gỡ nhẹ tay Quất:

      -     Cám ơn. Mình lạnh!

      -     Sao không khoác áo ấm vào? Ðể anh vào lấy cho nhé?

      -     Thôi, để mình vào lấy cũng được.

      Quất vỗ vào cánh tay trần của Hạnh, giọng thân mật:

      -     Lạnh, đau mất! Ðừng ẩu thế, không hay.

      Nàng lên ca bin, lấy tấm áo gió choàng vào.

      Quất dọi đèn pin, theo lối bên hông nhà ga đi xuống. Ga, thực ra chỉ là một trạm nhỏ, nằm lọt giữa vách đá núi. Ngọn đèn bão treo ngay cửa sổ toả ra một thứ ánh sáng mờ đục buồn bã và cô độc. Sau lưng ga là một con dốc mấp mô những đá sỏi và rễ cây. Lau lách, cỏ dại đẫm sương. Nàng lần bước khó khăn. Chợt la lên:

      -     Chết cha!

      Quất hoảng hốt quay lại:

      -     Gì vậy?

      Hạnh chới với níu đại một cành cây. Quất nhảy lên đỡ nàng, gỡ chiếc áo len ra khỏi một nhánh cây trụi lá nhô ra trên lối đi.

      -     Thôi mình về. Khiếp quá!

      -     Ðể anh đỡ. Ðâu có sao. Xuống khỏi lùm cây kia là đến suối à. Ðã nghe tiếng suối rồi đó.

      Hạnh lắng nghe. Ðúng là có tiếng suối thì thầm đâu đó. Quất dìu Hạnh xuống. Sương lạnh. Quất nói:

      -     Suối kia rồi.

      Suối thật. Hạnh phấn khích gỡ tay Quất ra, chạy xuống.  Một giòng nước trắng xóa chảy tràn qua các kè đá, hớn hở đổ xuống một vũng nước trong leo lẻo phía dưới. Tiếng rơi như hát. Nàng đứng ngẩn người ra nhìn. Lau lách bạt ngàn thoai thoải chạy xuống dưới xa kia. Lòng chợt vô cùng cảm khái.  Nàng khe khẽ hát: “Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối..”..  Quất hỏi:

      -     Hạnh hát bài gì thế?    

      -     Một bài hát cũ.

      -     Thuộc hết không, hát tiếp đi.

      -     Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối, rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu, một đêm thiết tha...

      Hạnh ngừng, nhón chân bước lên tảng đá có giòng nước tràn qua. Quất cảnh giác:

      -     Coi chừng, rêu rong trơn lắm, té đấy.

      -    Mình thích suối. Chưa có lúc nào trong đời mình được thấy suối đẹp như thế này.

      Nàng lẩm nhẩm lập lại câu hát, tay đưa ra hứng giòng nước. Lạnh tê. Hạnh buốt tay, rụt vào. Chợt nghe tiếng thở gấp, quay lại. Khuôn mặt Quất tối đi, ngây dại. Ðôi mắt rực rỡ khác thường. Hơi thở nóng. Quất chụp hai vai Hạnh. Hạnh kêu:

      -     Quất!

      -     Ừ, Quất đây.

      Nàng đẩy Quất ra:

      -     Quất! Mình không thích thế.

      Quất vẫn không buông tay, giọng nghe như say:

      -     Hạnh! Hạnh đẹp quá!

      Nàng quay lại, nghiêm giọng:

      -     Quất! Ðàng hoàng tí đi nào!

      Quất vuốt nhẹ má Hạnh một cái rồi mới chịu buông, nhưng vẫn giữ giọng ngả ngớn:

      -     Hạnh hát hay quá!

      Hạnh ngồi xuống vốc nước suối, vừa lập lại câu hát vừa tung nước ra xa. Nước tạt ngược lại, rơi vào ngực. Nàng rùng mình, đứng dậy:

      -     Thôi mình lên đi Quất. Không khéo tàu chạy mất.

      -     Chưa đâu. Anh biết mà. Hạnh!

      -     Thôi, lần khác.

      Quất thở nhẹ:

      -     Dễ chi mà có lần khác.

      Hạnh nói:

      -     Nghe mình đi. Lên.

      -     Ừ, thì lên.

      Nàng đưa tay cho Quất kéo lên dốc đá. Lên khỏi dốc, nàng ngoái lui nhìn giòng suối, lòng vương mang theo hình ảnh của bài hát cũ. Chợt nhớ thầy Túy da diết.

      Trở vào ca bin, nàng trằn trọc hồi lâu mới ngủ lại được. 

      Khi thức dậy mới hay tàu đã dừng ở Huế tự khi nào. Nàng hốt hoảng leo xuống tàu, chạy vội ra cổng thì tàu đã hú còi chạy. Nàng tiu nghỉu leo trở lên, bỏ lá thư và bịch đồ vào lại xách, đứng tựa cửa nhìn ngoái lui sân ga vắng, tự hỏi chẳng biết Lục và Ðồng vẫn còn đợi ngoài ga hay đã trở về nhà *                                     

      Ðến ga Thanh Hóa, Quất bấm Hạnh ra quầy hàng giải khát, nói:

      -     Từ đây ra Hà Nội, có thể có phái đoàn của Tổng Cục Ðường Sắt lên kiểm tra. Ðội Cơ Ðộng có thể nhảy ở Ninh Bình. Nhiều việc lu bu lắm. Vậy, em tránh ra ngoài , kiếm chỗ nào ở đầu xe, mắc võng nằm. Lát nữa, khi  tàu chạy lại, Hạnh tìm gặp riêng Tuấn, bồi dưỡng cho cu cậu.

      -     Ðương nhiên. Nhưng nhiêu?

      -     Tùy Hạnh. Em liệu lý lấy. Dân buôn chuyên nghiệp mà còn hỏi. Nên nhớ, hắn không chỉ nhường ca bin cho em mà còn phụ anh cất giấu hàng nữa đấy.

      Nhân cơ hội, nàng hỏi luôn:

      -     Hàng giấu ở đâu?

Quất nhìn quanh, hạ giọng:

      -     Ðáng lẽ ra đến ngoài đó rồi cho em biết sau. Nhưng, không hề gì. Anh dấu trong “cốp”.

      -     “Cốp”?

      -     Ðúng. Tụi anh mở “cốp” dấu hàng rồi đóng lại.

      -     Nhưng mình có biết “cốp” là cái gì, ở đâu đâu.

      -     Cốp là trong thành tàu ấy mà.

      Hạnh gật đầu, tỏ dấu hiểu.  Quất tiếp:

      -     Còn phần bà nội ở xe Cung Ứng, anh lo.

      -     Sao còn bà cung ứng vô đây?

      -     Hàng dấu nhiều nơi, em biết không. Trong “cốp” đâu có đủ. Có cả trăm cây thuốc chứ có ít đâu. Anh phải nhờ bà ta giúp thêm. Ở đó hơn một nửa rồi đấy. Nhưng kín miệng. Bể ra là hỏng hết. Nhớ chưa, cô em?

      Quất đưa tay nựng má Hạnh, nhưng nàng cảnh giác, tránh qua một bên.

      -     Coi người đi tới đi lui tùm lum nơi kìa!

      Quất chìa cho Hạnh tấm vé tàu :

      -     Em giữ tấm vé Thanh Hóa - Hà Nội, phòng gặp đội kiểm tra.

      Quất đi. Hạnh gọi giật:

      -     Còn một việc nữa, ra ngoài đó thế nào? Mình không về lại chỗ Kim Liên đâu.

      Quất dừng lại, cắn môi:

      -     Vâng. Anh cũng nghĩ thế. Ðể xem. Hay là em mướn phòng trọ gần ga đi. Chỗ này cũng có điều bất tiện, nhưng cứ tạm ở đó, sau hãy hay. Quyết định vậy đi nhé.

      Hạnh quanh quẩn một lát trong cửa hàng rồi trở lại tàu.  Khi nàng vừa bước lên toa, thì có hai người đàn bà nãy giờ luẩn quẩn dưới sân ga, chạy ào tới:

      -     Chào cô, chào cô.

      Hạnh quay lui nhìn. Ðó là hai người đàn bà gầy ốm, má hóp, mặt đầy những vết nhăn, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu. Mỗi người ẵm một đứa bé hai, ba tuổi mặt mày lem luốc. Bà đứng sau còn dắt theo một thằng nhỏ cỡ chừng bảy, tám tuổi. Thằng bé buồn bã đứng im, đôi mắt láo liên nhìn quanh. Hạnh sợ hãi tránh sang một bên. Người đàn bà đứng gần lên tiếng, nghe như hát:

      -     Trăm lạy cô, ngàn lạy cô. Cô “nàm” ơn “nàm” phước giúp cháu. Nhà cháu quá nghèo. Năm nay mùa màng lại thất bát.  Nhà chẳng còn gì ăn, con lại đông. Cô “nàm” ơn “nàm” phước...

      Bà này còn muốn nói tiếp thì bà kia chen vào:

      -     Cô ơi, cháu cầu trời phật giúp cô mua may bán đắt. Cô “nàm” ơn “nàm” phước cứu giúp nhà cháu. Con, con “nạy” cô mấy “nạy” đi cô.

      Vừa nói, bà ta vừa đẩy thằng bé ra tới trước. Thằng nhỏ chấp tay lạy:

      -     Cô ơi, nhà con đói nắm. Cô nàm ơn “nàm” phước cứu con. Con nguyện kết quả ngậm vành đội ơn cô. Con “nạy” cô...

      Hạnh tức cười vì lối học thuộc bài của nó, nhưng làm bộ nghiêm. Nàng lục túi áo, tìm mấy đồng bạc lẻ. Bà nói đầu tiên lại chen lên, hai tay bồng đứa con đưa tới sát ngực nàng:

      -     Cô ơi, con bé này ngoan nắm. Chừng này tuổi mà biết chuyện “nắm”. Cô “nàm” ơn “nàm” phước...

      Có tiếng ai trong toa nói ra như ra lệnh:

      -     Ðuổi xuống, đuổi xuống!

      Một giọng khác phụ họa:

      -     Ðuổi xuống. Ðóng cửa toa lại. Trông bẩn mắt quá!

      Hạnh dúi mấy đồng bạc lẻ vào tay người đàn bà. Bỗng nhiên, cả hai người đàn bà hốt hoảng bước xuống toa, chạy vội đi. Hạnh ngơ ngác nhìn quanh, thấy hai người công an đang tiến lại. Hai công an vừa đi khỏi, người đàn bà có đứa con lớn, nhanh chóng bước lên toa, đẩy thằng con về phía nàng:

      -     Theo cô đi con.

      Chị ta quay về phía Hạnh:

      -     Cô “nàm” ơn “nàm” phước  nuôi cháu. Cháu ngoan “nắm”, “nàm” gì cũng được: gánh nước, bồng em, giặt đồ, bửa củi. Cô nhận cháu đi cô. Nhà cháu bảy miệng ăn, không nuôi nổi. Xin cô cho nhà cháu...hai ngàn thôi. Nếu cô thương thì cho thêm, nhà cháu không dám đòi. Nhà cháu cắn cỏ ngậm vành đội ơn cô. Này, Tào, nắm tay cô đi con.

      Thằng nhỏ dạn dĩ nắêm lấy tay Hạnh. Hạnh khiếp đảm  tránh đi:

      -     Không, không, tôi không nhận đâu chị ơi. Ðây cháu cầm lấy một ít tiền  về mua gạo.

      Người đàn bà kia từ nãy giờ bị cánh cửa chận lại, không lên được, cố chen vào. Bà ta gạt thằng bé sang một bên rồi chìa đứa con cho Hạnh:

      -     Này, cô ơi, cô bồng đi. Cô mang cháu vào trong kia.  Nhà cháu đến mười miệng ăn, ruộng vườn không có, chỉ còn đợi chết. Cô “nàm” ơn “nàm” phước. Thằng nhỏ này, cho cháu ngàn rưởi thôi. Cô “nàm” ơn “nàm” phước...

      Hạnh lúng túng, đứng đực người ra, không biết phải làm sao. Bỏ vào trong thì bất nhẫn, mà đứng đây thì bất tiện. Nàng lục trong túi lấy thêm ít tiền định cho thêm, thì chợt một bóng người từ dưới  nhảy lên:

      -     Bước xuống, nghe không? Xuống hay tôi gọi công an bắt. Xuống, xuống mau, tàu sắp chạy bây giờ.

      Hai người đàn bà chưa kịp lấy tiền từ tay Hạnh thì bị người đàn ông trong bộ đồng phục đường sắt mạnh tay đẩy xuống hẳn khỏi toa, bất chấp tiếng khóc van vỉ của hai người đàn bà.  Anh ta đóng sầm cửa lại. Hạnh kêu lên:

      -     Quất! Anh Quất!

      -     Kìa, Hạnh. Dây dưa với họ làm gì.

      -     Thì ai mà biết. Em tưởng họ chỉ xin tiền.  Mà họ ở đâu vậy Quất?

      -     Diễn Châu. Nghe nói năm này mùa lại mất. 

      Tàu từ từ chuyển bánh. Hạnh cảm thấy bất nhẫn, mở cửa nhìn xuống. Chẳng thấy hai người đàn bà ở đâu cả. Rải rác trên sân ga, nhiều người tay dắt tay bồng ngơ ngác nhìn theo đoàn tàu. Nàng vịn tay chắn, ngoái nhìn lui cho đến khi khu ga khuất hẳn tầm nhìn.

CHƯƠNG 36

Người phát thư dừng xe đạp trước cổng, gọi lớn vào trong:

      -     Nhà này có ai tên Ðồng không, ra nhận điện.

      Lục đang ngồi sửa xe đạp ở góc nhà, nghe tiếng, chạy vội ra. Người phát thư hỏi một lần nữa:

      -     Nhà có ai tên Ðồng không?

      Anh vừa bước nhanh vừa đáp:

      -     Ðồng, Ðồng nào? Nhà này chỉ có Lục. Tôi là Lục.

      -     Tôi biết. Vì thế tôi mới hỏi. Không có ai khác nữa sao?

      -     Có. Tôi có đưa con tên Ðồng, Tống Viết Ðồng. Nhưng nó còn nhỏ mà, ai điện cho nó làm gì!

      -     Ðúng rồi, tên Tống Viết Ðồng. Ðây này...

      Lục ngạc nhiên:

      -     Ai lại gửi điện tín cho thằng Ðồng kìa?

      -     Nếu đúng tên Ðồng thì nhận. Tôi phải hỏi vì sợ lộn nhà thì phiền. Ðiện lại là điện khẩn.

      Anh cầm tờ điện tín đọc:

      “Con hãy lên ga đón mẹ để lấy đồ ăn vào chiều ngày 26 tháng 9. Ghé ga để xem kế hoạch tàu trước. Mẹ đi Thống Nhất 1”.

      Hóa ra là điện của Hạnh. Ðọc xong, anh cầm tờ điện tín đi vào nhà, lòng bửng lửng bơ lơ. Sao Hạnh không gửi cho anh mà lại gửi cho thằng Ðồng? Anh cảm thấy danh dự mình đột nhiên bị xúc phạm. Thấy mấy đứa con lảng vảng đâu đó phía trước cửa, đoán là chúng lóng ngóng muốn biết tin về mẹ chúng, anh gọi:

      -     Ðứa nào ngoài đó?

      Nghe gọi, thằng Phụng mau mắn chạy ngay vào. Anh hỏi:

      -     Thằng Ðồng đâu?

      -     Dạ. Ðồng bước vào, trả lời.

      Anh đưa tờ điện tín cho Ðồng, giọng cố giữ thật dịu dàng:

      -     Ðiện tín của mạ gửi chi mi. Ðọc đi.

      Ðồng cầm tờ điện tín, đọc. Anh hỏi:

      -     Có hiểu không?

      -     Dạ, hiểu sơ sơ.

      Biết Ðồng không rành đọc chữ điện tín, anh “dịch” lại cho nó. Dịch xong, anh muốn nói một câu thật chua chát với con, nhưng cố kềm giữ lại. Anh bảo:

      -     Giữ lấy. Lo mà đi đón mạ mi.

      Mấy đứa con kéo đi. Anh nhìn theo, lắc đầu ngao ngán. 

      Ngày hôm sau, sau giờ học, Ðồng hỏi anh lấy chiếc xe đạp để lên ga. Anh ngạc nhiên, vì không nghĩ rằng thằng Ðồng có thể làm cái việc người lớn này. Anh hỏi:

      -     Mi biết gì về kế hoạch tàu mà đi?

      Ðồng nói, giọng chắc nịch:

      -     Con làm được.

      Anh nhìn nó, suy nghĩ một lát rồi bảo:

      -     Liệu làm được thì đi đi.

Ðồng chỉ đợi có thế, đạp xe đi. Một hồi lâu sau, nó trở về, ghi lại cho anh giờ đến của tàu Thống Nhất 1. Anh hỏi:

      -     Sao mi biết?

      -     Con hỏi nhân viên ga. Con cũng có xem bảng kế hoạch tàu.

      -     Có xem đúng ngày 29 tháng 9 không? Vì ngày nào cũng có một chuyến tàu Thống Nhất 1 hết. Số lẻ chỉ chuyến tàu vào. Số chẵn chỉ chuyến tàu ra.

      -     Con biết.

      -     Thứ hai là, giờ họ ghi không có gì chắc chắn cả. Họ ghi vậy, nhưng trễ vài tiếng đồng hồ hay nửa ngày là thường.

      -     Con biết. Ngày mai con sẽ lên xem lại.

      Anh nhìn Ðồng chăm chăm. Ðồng cúi mặt nhìn xuống hai bàn chân mình. Khác với cái nét bướng bỉnh, thách thức những lần trước, lần này, Ðồng có vẻ chững chạc, tự tin. Nó biết rõ những điều cần làm và phải làm như thế nào. Ai bày cho nó?  Anh nhìn thấy những sợi lông măng hai bên môi Ðồng lún phún đen. Ðôi môi thỉnh thoảng mím lại. Tia nhìn dường như đã chứa ít nhiều nét suy tư. Những câu nói của Ðồng trở nên gọn ghẽ. Bộ điệu và cử chỉ chừng mực.

      So với Ðồng bây giờ, hình như thằng nhỏ Lục hồi đó ngang bướng hơn nhiều. Anh không nhớ rõ chính xác vào lúc nào, nhưng trong độ tuổi mười lăm, mười sáu, một hôm, không hiểu từ đâu, anh bất chợt bắt gặp một cảm giác lạ: anh muốn chống lại chú ruột và mẹ. Thằng nhỏ bực tức vì những lời la mắng, nguyền rủa, răn đe, ngăn cấm và những lằn roi quất vào người suốt thời thơ ấu của hai người lớn. Họ bất công. Tại sao họ cấm hắn bắn chim, câu cá? Tại sao họ cấm không cho hắn ra đường chơi vào những đêm trăng đẹp? Tại sao họ cấm hắn đi xe đạp? Tại sao họ cứ thường xuyên rót vào tai hắn những bài học luân lý nhàm chán như là hiếu đễ, vâng lời? Không cãi lại được, không bỏ đi đâu được, hắn bắt đầu một cuộc nổi loạn ngấm ngầm: làm trái lại tất cả những gì mà mẹ và chú muốn.  Chẳng hạn như cố tình học kém cho có vị thứ thấp hơn trong thành tích biểu hàng tháng, không chịu đội mũ khi ra trời nắng, cãi lý hoặc nhịn đói khi bị mẹ la. Trong thâm tâm, thằng nhỏ muốn chọc thủng bức tường quyền hành của mẹ và chú. Hắn thành công. Hai người lớn dần dà nhượng bộ. Hắn bắt đầu cảm thấy mình trở thành người lớn.

      Càng nhớ lại về mình, Lục càng thâm cảm thái độ của Ðồng. Và đau đớn. Giữa hai cha con bắt đầu có một cuộc chiến tranh mà kẻ thua cuộc chắc chắn là anh.

*

      Ðồng muốn đi đón mẹ một mình, nhưng Lục không cho.  Anh lấy xe chở con đi. Tàu trễ hai giờ. Anh lầm bầm chưởi thề, bảo Ðồng về nhà. Ðồng không chịu. Nó muốn ở lại cho đến khi tàu tới. Anh bực mình gắt:

      -     Về! Ðứng làm cái quái gì ở đây.

      Ðồng không nói gì, mắt lườm lườm nhìn anh. Thấy thằng nhỏ bắt đầu nổi chứng, anh âm thầm nhượng bộ, lấy xe đi lang thang một hồi, đợi đến giờ quay trở lại. Tàu đến, anh để Ðồng vào ga một mình gặp Hạnh. Anh chẳng muốn gặp vợ trong lúc này. Có gặp cũng chẳng biết nói gì, chỉ càng thêm giận. Mãi đến khi tàu chạy, Ðồng mới trở ra, tay xách một giỏ đồ đủ thứ lỉnh kỉnh. Ðồng đưa cho anh một xấp tiền, lẳng lặng ngồi lên xe. Từ đó về đến nhà, hai cha con đều im lặng. Anh không muốn hỏi. Ðồng cũng chẳng muốn kể chuyện.

      Ðến nhà, anh đợi Ðồng soạn đồ đạc ra, liếc  nhìn một chút rồi bỏ đi. Mấy đứa nhỏ rờ rẫm, cầm nắm những bịch kẹo, những trái hồng, trái nhãn, nhưng không reo vui hớn hở như mọi lần. Chúng cố kiềm chế niềm vui. Có lẽ rút kinh nghiệm từ lần trước, chúng không muốn anh nổi giận. Anh đếm tiền. Số tiền Hạnh gửi khá nhiều so với lần trước.  Nàng lời nhiều? Hay nàng còn ở lâu? Hay đó là ngụ ý một lời xin lỗi?

      Tối lại, sau khi ăn xong, mấy đứa con tụ nhau trong phòng, khép cửa lại, rồi ríu ra ríu rít nói chuyện. Anh rón rén bước đến cửa, đừng lại, ghé tai lắng nghe. Tiếng thằng Ðồng:

      -     Mạ hứa với tau mạ sẽ cho tau đi một chuyến vào Sài Gòn rồi ra Hà Nội. Tàu sẽ chạy qua hết các tỉnh.

      Giọng thằng Phụng:

      -     Mạ phải cho em đi trước. Em nhỏ. Không, em không chịu để anh đi mô. Mạ phải đem em đi.

      Ngân xen vào:

      -     Mạ cho em với thằng Phụng đi trước. Anh đi sau.

      Giọng Ðồng quả quyết:

      -     Mạ nói rồi. Tau đi trước. Tau lớn, có việc gì tau có thể giúp mạ.

      Ngân nói:

      -     Em cũng giúp được. Ðúng rồi, thằng Phụng nhỏ, đi đã không giúp gì cho mạ lại càng thêm phiền.

      Thằng Phụng mếu máo:

      -     Không. Em phải đi với mạ. Không cho em đi, em nằm vạ cho coi.

      Ðồng xuống giọng dỗ dành:

      -     Thì để tau đi một lần thử cho biết, rồi lần sau mi đi.  Mạ nói là đứa nào cũng được đi hết.

      -     Mà anh đi rồi em ở nhà với ai?

      -     Thì với ba.

      -     Không. Không. Em không muốn ở nhà với ba. Em thích đi với mạ ni.

      Ngân nói:

      -     Nói nhỏ nhỏ cả ba nghe. Liệu hồn. Mi ở nhà, mi còn nhỏ, ba ít la.

      -     Không, em không chịu ở nhà mô. Em đi. Cả ba đứa đi luôn.     

*

      Một tuần sau, anh nhận được một lá thư của Hạnh:

      “ Anh,

      Em viết ít giòng tin anh rõ: em đóng hàng lên tàu đi Hà Nội một chuyến nữa. Chuyến này, em không nhắn thằng Ðồng lên ga đón, vì tàu sẽ đến Huế vào nửa đêm. Hơn nữa, vì chuyến rồi, em đã gửi đồ ăn và tiền về nhà. Tiền em đưa dư để trả nợ.  Anh có mượn ai, cứ trả hết. Hiện nay, em quyết định đi buôn tuyến Hà Nội - Sài Gòn, vì em bắt được mối thuốc lá ngoại ở Hà Nội. Em cung cấp thuốc cho họ mang đi Trung Quốc qua ngả biên giới. Em cũng bắt được mối cung cấp thuốc xã hội chủ nghĩa từ biên giới sang. Ðóng thuốc vào Huế bán cũng được, nhưng không lời bao nhiêu, thành thử em đóng thẳng vào Sài Gòn, vừa bán được giá, lại vừa đóng ngay thuốc lá ở đó lên cùng một chuyến tàu ra lại Hà Nội cho kịp chuyến. Ðường dây này hiện chưa có con buôn nào biết, nên em tranh thủ đi được chuyến nào hay chuyến đó. Em tính chuyến này từ Hà Nội vào, em sẽ ghé nhà nghỉ ngơi ít ngày, rồi đi lại. Nhưng cái đó còn tùy tình hình hàng hóa. Có gì, em sẽ đánh điện về nhà. Vài hàng tin anh rõ. Hạnh”.

      Lục thất vọng lật qua lật lại lá thư. Thư viết trên một tờ giấy vở học trò, được cắt cẩn thận ở phía lề. Chữ viết dù cân đối, nhưng có vẻ cẩu thả. Thư bắt đầu bằng chữ “anh” khô khan và một dấu chấm. Chữ A viết theo lối chữ in. Thư chấm dứt bằng một chữ “Hạnh” đơn độc, gọn lỏn. Lời lẽ trong thư hoàn toàn  chỉ có tính cách thông báo. Không có một chút hơi hướm tình cảm nào. Không nhớ nhung. Không giận hờn. Anh đọc đi đọc lại. Những giòng chữ dửng dưng, lạnh lùng.

Anh ngồi thừ người, suy nghĩ, trong trí bỗng hiện ra mồn một từng chi tiết trong lá thư đầu mà Hạnh gửi cho anh khi hai người mới quen nhau. Lá thư này anh đã giữ khá lâu, cho đến khi lạc mất trong đợt chạy loạn năm 1975. Lá thư bắt đầu bằng chữ “anh” và cũng kết thúc bằng chữ “Hạnh” như bây giờ. Cái khác biệt là chữ  A và chữ H, nàng viết theo kiểu chữ viết hoa với những nét uyển chuyển, xoáy vòng lại và kéo dài ra ở cuối trông rất duyên dáng và ý nhị. Anh còn nhớ anh đã ngắm nghía mãi không chán những nét chữ trong lá thư đầu tiên này. Nội dung thư cũng chỉ là những giòng thông báo và thăm hỏi vớ vẩn. Ðại loại như “anh vẫn còn đi làm ở chỗ cũ chứ”, “Em vẫn đi làm bình thường”, “ai đi làm xa, nhớ nhà lắm, nhưng đành phải chịu chứ biết làm sao” vân vân. Nhưng anh chú ý nhất là câu “ở ngoài mình, trời đã trở lạnh chưa anh? Trong này có hôm em phải mặc áo ấm vì buổi sáng trời có hơi se lạnh”. Anh ngờ rằng ý tứ của cô gái mới quen nằm trong câu này. Anh nhẩm đi nhẩm lại hoài câu này và cảm thấy “se lạnh” theo hơi văn dù hai chữ “se lạnh” có vẻ sáo ngữ.

      Anh mang thư cho các bạn hỏi ý kiến. Hầu hết đều cho rằng lá thư chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một lá thư xã giao bình thường. Nhưng Phù suy diễn một cách khác. Hắn ta cho rằng lá thư, từ hình thức đến nội dung, “bày tỏ một tình cảm vượt qua giới hạn bình thường”. Hắn phân tích: “Này nhé, bì thư là một loại bì đặc biệt hai lớp, lớp trong màu tím. Nên nhớ nhé, màu tím là một màu rất có ý nghĩa. Lời thư tuy nói chung chung, nói vẩn vơ, nhưng đọc lên câu nào nghe cũng man mác, nhất là những chữ “chứ”, “nhớ nhà lắm”, “biết làm sao”, “trời trở lạnh”, “se lạnh”. Nếu không có tình ý gì thì cô ta chỉ viết đại khái như “nhớ nhà”, chứ thêm chữ “biết làm sao” vào làm cái quái gì. Còn “trở lạnh”, “se lạnh” lại càng không cần thiết.  Nếu xã giao, cô ta chỉ cần viết “có lẽ bữa ni ngoài đó lạnh rồi” là đủ. “Trở lạnh”, rồi “se lạnh” nghe nó thân thiết, bồi hồi, mời gọi. Ðã thế, mắc mớ gì cô ta lại kể với cậu là cô ta phải “mặc áo ấm”. Sao lại không “mặc áo len”. Tao thấy chữ “ấm” này đầy ẩn ý. Nhiều khi cô ta cũng viết vô tình thôi, nhưng rõ ràng là trái tim cô ta muốn một cái gì ấp ủ vào cho “ấm”.

      Nghe lời Phù, anh viết tiếp một lá thư nữa, lời lẽ đậm đà hơn một chút và anh nhận được ngay thư hồi âm, hé lộ chút nồng nàn.

      Hai lá thư với khoảng thời gian gần mười bảy năm có nhiều điểm giống nhau, nhưng lại quá khác xa nhau. Anh giận dỗi cầm bức thư xé nát thành những mảnh vụn. Thấy mấy đứa con lảng vảng trước cửa có vẻ chờ đợi xem thư mẹ, anh nhìn chúng mắt long lên, gầm gừ:

- Ði, cút đi. Ði cho khuất mắt tau!

-

T.D.N.