Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Tản mạn về thói háo danh

(Rút từ facebook của Đặng Văn Sinh)

Sau khi cướp chính quyền, những người Cộng sản liền sáng tạo ra công thức độc nhất vô nhị "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", người Việt Nam ta đồng thời cũng xác lập cho mình một hệ giá mới, đó là "văn hóa đảng" mà hồn cốt của nó dựa trên bốn cột trụ cơ bản: bệnh thành tích, bệnh nói dối, bệnh vô cảm và bệnh ăn cắp. Nói dối, vô cảm và ăn cắp sẽ bàn vào một dịp khác. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong "bệnh thành tích" đang đẩy nhanh xã hội xuống dốc không phanh, ấy là thói sính danh hiệu.

Hầu hết những quan chức cỡ chóp bu về địa phương đăng đàn chém gió, dạy bảo trăm họ, bao giờ cũng được đám nha sai dẫn chương trình giới thiệu đầy đủ các chức danh. Chỉ riêng việc thống kê này đã mất dăm bảy phút, còn nếu in báo ít ra cũng chiếm mười đến mười lăm dòng. Báo nào sơ xuất thì hãy coi chừng. Ban Tuyên giáo lập tức vào cuộc và cái ghế Tổng biên tập rất dễ "bay" vào một ngày đẹp trời nào đó. Không hiếm những Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, trước khi ngồi vào "ghế nóng" phải chạy đôn đáo để có được tấm bằng Tiến sĩ, cho dù đó là loại chứng chỉ mua ngoài "Chợ Giời" và chẳng liên quan gì đến nghiệp vụ "đầy tớ dân" nhưng đó lại là lá bùa hộ mệnh giúp đương sự hành nghề "đúng quy trình".

Tuy nhiên những chức danh kêu xủng xoảng khi còn tại chức có vẻ như vẫn chưa thỏa mãn tính háo danh của người Việt thời "văn hóa đảng". Sau khi hạ cánh an toàn với khối tài sản kếch xù chôm chỉa được, nhiều ông kễnh hứng lên còn in cả chục tập thơ hoặc đứng ra thành lập "hội", được nhà nước cấp con dấu để tiếp tục "phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng". Hàng ngàn vạn hội đủ loại đang hiện diện, mà trong đó không ít hội gặm vào tiền thuế của dân chỉ với mục đích duy nhất là giải quyết khâu "oai", đồng thời kiếm thêm đôi dòng điếu văn cũng như vài vòng hoa lúc "thăng thiên".

Quả thật cái "danh hiệu" chỉ là thứ hão huyền nhưng lại có sức hút ghê gớm. Hấp lực của nó mạnh đến mức khiến người ta phải bỏ không ít tiền tài, sức lực để "chạy" vào Hội Nhà văn, "chạy" "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước"... bằng đủ mánh khỏe, thậm chí cả mưu hèn kế bẩn. Ở Những cuộc đua như thế này, phái yếu thường thuận lợi hơn vì sẵn "vốn tự có". Những chân dài nhan sắc mặn mà "công phá" thành quách các sếp sòng hiêu quả hơn chán vạn đấng mày râu "trên răng dưới dép". Khi đã cầm tấm thẻ Hội trong tay, thách cha những kẻ xấu miệng dám bảo ông đây không phải là văn nghệ sĩ! Nhìn vào tấm danh thiếp của các "nhà" này ai yếu bóng vía rất có thể bị hypertension (tăng xông) bởi một chuỗi dài các chức danh, hàng loạt đầu sách, vô thiên lủng các loại giải thưởng...

Nhân chuyện ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật sung sướng công bố "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta!", mới thấy "Chính phủ kiến tạo" quá ư hào phóng khi mà mỗi năm chi ra 85 tỷ tiền thuế của dân để nuôi một đám văn nghệ sĩ "bảo vệ văn hóa đảng" đến bốn vạn nhân mạng. Điều trớ trêu là, nền kinh tế suy thoái trầm trọng, quốc khố cạn kiệt đến mức phải đi vay nợ để trả nợ nước ngoài, các nhà quản lý bèn chữa cháy bằng việc đồng loạt tăng giá dịch vụ công và nghĩ đến thủ đoạn móc túi mấy anh chạy xe ôm hay vài quán còm bán nước chè...

Đương nhiên, trong số "nhà" đông đảo như Quân Nguyên ấy cũng có không ít tác giả xứng đáng là nghệ sĩ, đóng góp vào nền văn học nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm giá trị, nhưng họ có nhân cách cứng cỏi, không chịu uốn cong ngòi bút, khiến Đảng ngứa mắt, hay bị chèn ép, bị chìm đi trong cái mớ hổ lốn vàng thau lẫn lộn. Bọn cơ hội luôn tự đánh bóng mình bằng cách ra thật nhiều sách rác mà điển hình là GSTS Hoàng Quang Thuận. Gã từng phét lác, chỉ trong một đêm "chế tạo" đến mấy trăm bài thơ Thiền làm thiên hạ lác mắt. Tập "vè" "Thi vân Yên Tử" của thi sĩ hoạt đầu này được VTV hết lời xưng tụng rồi dựng thành phim, trong đó có cảnh họ Hoàng tự diễn xuất bằng thứ giọng ê a thái giám. Phụ họa với dàn bát âm cực sến, thỉnh thoảng lại chen vào vài lời lổn nhổn của một cây bút phê bình tay mơ mà trước đó đã được tác giả giúi cho một phong bì khá nặng. Hội Nhà văn thì nhanh tay tổ chức "hội thảo". Ông Hữu Thỉnh còn làm văn bản đề nghị Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao Giải thưởng Nobel cho Thuận nữa...

Sách xuất bản nhiều đến mức, chỉ trong năm 2017, riêng ông Bộ trường Văn hóa - Thể thao - Du lịch bị ưu ái tặng... ba tấn! Đó là chưa nói đến nạn sách rởm của hàng vạn nhà thơ, nhà văn ở các câu lạc bộ địa phương. Vấn nạn sách rác đang tràn ngập xã hội. Nó cũng gây ô nhiếm cho cộng đồng có khi còn nguy hiểm hơn rác thải sinh hoạt và công nghiệp.

Sinh thời, Nguyễn Đình Thi từng tâm sự với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rằng, ở nước ngoài phải là người tài năng mới dám làm văn chương, rồi ông tự nhận, sự nghiệp của mình, nếu còn lại được may ra chỉ có "Người Hà Nội". Nhà thơ Xuân Diệu cũng nói một cách mỉa mai với Trần Đăng Khoa đại để "cả nước làm thơ thì cả nước xách bị đi ăn mày" trong "Đối thoại văn chương". Nguyễn Minh Châu thì phản tỉnh bằng cách thừa nhận, "Dấu chân người lính" của ông góp phần lừa cả một thế hệ thanh niên vào chiến trường. Còn Nguyễn Khải lúc sắp qua đời mới "Đi tìm cái tôi đã mất", và cảm thán, Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông chỉ là tấm bia mộ sang trọng chấm dứt một đời văn.

Nhân chuyện người Việt ngày càng háo danh, xã hội lạm phát văn nghệ sĩ và ô nhiễm văn chương, chúng tôi chợt nhớ đến bài thơ của cụ Nghè Tân chỉ trích về nạn "điểu mãn" chim ăn hại của nhân gian nghìn vạn hộc thóc như sau:

一隻一隻又一隻

三四五六七八隻

何烏之少鳥之多

食盡人間千萬斛

PHIÊN ÂM

Nhất chích nhất chích hựu nhất chích

Tam tứ ngũ lục thất bát chích

Hà ô chi thiểu điểu chi đa

Thực tận nhân gian thiên vạn hộc.

DỊCH NGHĨA :

Một con (chim), một con lại một con.

Ba bốn năm sáu bảy tám con.

Sao quạ ít thế chim nhiều thế?

Ăn của người dân nghìn vạn đấu (thóc).

Bài thơ còn ẩn ý nằm ở các câu 1, 2, 3. Nếu đem nhân các số với nhau rồi cộng lại ta sẽ có kết quả: quạ chỉ có 1 còn loài chim ăn hại có đến 100...

Chí Linh, Mậu Tý, trọng đông

Đ.V.S.

P/S

Tình cờ về quê, chúng tôi đã chứng kiến đám tang một ông nông dân chính hiệu, chuyên nghề đánh giậm và xúc cua ở Đầm Vạn, vốn là đảng viên, cựu chiến binh chết bất đắc kỳ tử vì đám con bất hiểu. Trong lễ truy điệu, quan tài của ông ta được phủ quốc kỳ, Bí thư đảng ủy lên đọc điếu văn lâm ly thống thiết với hàng loạt công tích tưởng tượng. Nhưng điều hãi hùng nhất là vị đảng trưởng địa phương này liệt kê đến 17 chức danh của người quá cố trong đó có những chức danh rất chi là khôi hài như là hội viên hội "cờ tướng", hội viên hội "chim chó cảnh", hội viên hội "tổ tôm" hay hội viên hội "liên gia"...