Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (521): Mặc Đỗ (kỳ 1)

Mặc ĐỗTên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo. ở Hà nội (trước 1954) ông viết cho tạp chí Phổ thông (báo Đại học Luật, Hà Nội.)

Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam.

Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn sang Mỹ. Ông từ trần ngày 20-9-2015 tại tiểu bang Texas - Hoa Kỳ.
Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh Môn / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).

Theo Ngô Thế Vinh


CON MUỖI

Loan chợt cảm tưởng như ai đương chăm chú ngó mình. Ngẩng lên, Loan nhận thấy trên tấm kính cửa hàng phản chiếu lại hai con mắt tròn và to long lanh sáng. Ngó kỹ khuôn mặt: thấp thoáng một vài nét quen quen… Loan bất giác quay hẳn người lại: khuôn mặt quen quen đặt trên một bộ áo chùng thâm.

Vị tu sĩ trẻ tuổi vẫn mở to đôi mắt ngó Loan. Sau một thoáng giây tìm tòi trong những ngăn kỷ niệm trong đầu, Loan bỗng nói, tiếng nói thốt ra, đượm đôi chút e dè, không hẳn tin ở trí nhớ của mình:

– Anh Thiện?

Gương mặt sáng sủa với hai con mắt rất trong của vị tu sĩ trẻ tuổi bừng lên một nụ cười cởi mở. Tu sĩ nói rất từ tốn:

– Đúng là chị Loan. Khi nãy mới trông thấy chị, tôi cứ ngờ ngợ không tin rằng có phải là chị không. Đến khi chị cất tiếng nói thì nhất định không thể lầm được… Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị…

Loan đã trở lại bình tĩnh và nhanh nhảu như hồi nào, vội cải chính:

– Cũng không lâu lắm. Tôi còn gặp anh một lần ở Ba-lê, trung tâm sinh viên đường Soufflot…

Sau câu nói, Loan cũng vừa nhận thấy rằng xưng hô như vậy không biết có phải hay không. Loan e ngại ngó bộ áo chùng đen của vị tu sĩ đứng trước mặt, phân vân không biết xử đối ra sao với một anh bạn học cũ, khá thân, nay gặp lại bỗng thấy thay đổi nhiều quá, xa cách bởi cả một hàng rào tín ngưỡng. Nếu Loan cũng như Sương, như Hạnh, Loan sẽ dễ dàng gọi Thiện bằng Cha và xưng con rất ngon lành. Loan tự nghĩ không thể bắt chước như mấy người bạn kia: một người ngoại đạo mà xưng hô như vậy, không những thấy vô lý với chính mình mà còn e rằng bất kính ngay cả với người đứng trước mặt. Loan cảm thấy cần phải trọng bộ áo tu hành của người bạn ngày xưa, thành ra cũng thấy không tiện cứ coi Thiện như một người bạn cũ, chẳng hạn như lần gặp ở Ba-lê.

Dường như không nhận thấy nỗi bối rối của Loan vì chuyện xưng hô, vị tu sĩ trẻ tuổi tươi tắn đứng ngó Loan bằng hai con mắt sáng, rồi ông ta nói, vẫn một giọng khoan thai mà ấm:

– Lần gặp chị ở đường Soufflot tôi vừa tốt nghiệp đại học. Nửa năm sau tôi bắt đầu tu đạo. Tôi được thụ phong linh mục đã hai năm nay. Về đây chưa được bốn tháng. Tính từ ngày ở Hà Nội tới nay cũng đã lâu lắm rồi đấy.

Loan ngập ngừng đến một phút rồi mới đáp, thử dùng một cách xưng hô tạm cho là ổn:

– Tôi vẫn cho là không lâu lắm, vì tôi thấy không thay đổi chút nào, chỉ trừ…

Tu sĩ cả cười, ngắt lời Loan, một tay kéo mảnh áo ở trước ngực:

– Chỉ trừ bộ áo đen này?

Rồi tu sĩ lại từ tốn nói tiếp, hai con mắt ngó lên:

– Trong gia đình tôi, được Chúa gọi tới là một ơn huệ lớn lắm.

Loan nhớ có một lần gặp My ở trước Chợ, hôm đó cả hai người đều bận rộn, vội vã, nhưng My cũng cố gọi Loan cho bằng được. Loan phải vội ghé xe vào một bên hè, không kịp ra dấu cho những xe khác khiến lắm người càu nhàu. My hớt hải tới bên cửa xe của Loan để báo một cái tin không thể không nói ra:

– Chị Loan ạ, anh Thiện được thụ phong linh mục rồi. Em đang phải tíu tít đi mua sắm các thứ, sửa soạn bữa tiệc mừng. Bận quá chị ạ.

Loan đang bực mình vì những lời càu nhàu của đám người lái xe cắt ngang, đáp hai tiếng gọn:

– Thế hả?

Thật tình, Loan không ý thức được nỗi vui mừng của Mỵ.

Thái độ hờ hững của Loan khiến cho My có điều chưng hửng.

Loan đáp lời vị tu sĩ trẻ tuổi:

– Vâng, hồi đó tôi có được My báo tin cho biết. Tôi ngu quá không biết chia sự vui mừng thế nào với My cả (Loan cười hóm hỉnh nói tiếp). Nhưng tôi vẫn đợi xem anh Thiện nghịch ngợm ngày xưa, bây giờ hóa thành tu sĩ, sẽ biến đổi đến thế nào (Loan lừ đôi mắt ngó tu sĩ một lượt, rồi kết luận). Ngắm kỹ thì… Cha vẫn không thay đổi chút nào, chỉ trừ…

Tu sĩ nhắc lại câu nói trước:

– Chỉ trừ bộ áo đen này…

Hai người cũng cười và cảm thấy đã lấy lại được phần nào cái không khí bạn hữu ngày xưa. Tu sĩ tiếp:

– Cứ nhắc chuyện đã qua mãi, quên mất hiện lại. Tôi chưa hỏi thăm chị về gia đình. Hai cụ vẫn mạnh chứ và còn chị, những thay đổi của chị trong bao năm nay?

– Thầy tôi mất đã mãn tang, bây giờ còn Mẹ tôi, cùng ở với tôi, Mẹ tôi vẫn mạnh. Còn tôi, chỉ có một sự thay đổi là đã thành bà Khánh, thế thôi.

Tu sĩ đáp:

– Anh Khánh, tôi còn nhớ lắm.

Loan ngắt:

– Hình như cũng là bạn… nghịch của anh Thiện?

Tu sĩ gật đầu, ngó xuống:

– Nhắc đến tên những bạn cũ, tôi hồi tưởng được rõ hết những kỷ niệm đã qua. Thế nào tôi cũng phải lại thăm chị và gặp lại anh Khánh. Cũng phải lại để chào cụ nữa chứ.

– Vâng. Mẹ tôi vẫn thường nhắc tới Cha, Mẹ tôi cũng biết anh Thiện đã trở thành linh mục. Cha tới chơi chắc Mẹ tôi mừng lắm.

Tu sĩ lấy trong bọc ra một cuốn sổ nhỏ và một mẩu bút chì ghi địa chỉ của Loan, rồi cáo từ. Loan còn ngó theo vị tu sĩ trẻ tuổi dáng đi vững vàng, lanh lẹ, giữa đám đông trên đường.

Ở Hà nội, hồi cả bọn mấy người còn là học sinh trung học, mấy gia đình quây quần trong một khu phố. Hơn nữa, họ lại cùng học một trường. Gia đình bác sĩ Hoàng, ông thân của Loan, tương đối là một gia đình tân tiến hơn hết. Cả bọn đều coi nhà Loan như một nơi thường hội họp. Bà mẹ của Loan, vì yêu đám tuổi trẻ này, luôn luôn gây cho họ một không khí thân mật, đầm ấm. Khi Loan đã lớn, đã trở thành một thiếu nữ đang độ, sự giao du giữa Loan và mấy người bạn trai vẫn không hề kém hồn nhiên, thân mật. Chính Loan nhiều khi cũng tỏ ra nghịch ngợm không kém bọn con trai, tuy vẫn có thể rất thấm thiết với những bạn gái thùy mị như My, em gái Thiện.

Trong số bạn trai của Loan, nếu một người đứng ngoài mà quan sát và có lúc nghĩ rằng bọn tuổi trẻ này không thể cứ như thế mãi, chẳng hạn như bà mẹ của Loan, Thiện tỏ ra là người có nhiều khả năng và hi vọng mai ngày trở nên cậu giai tế của nhà họ Hoàng hơn hết. Có lẽ cũng linh cảm thấy như vậy nên Thiện, tuy đã bắt đầu yêu Loan, vẫn yên lặng giữ riêng cảm tình đó cho mình, không dám phá không khí tự nhiên, cởi mở, mà cả bọn đang chung hưởng. Thiện giữ không hé bàn chuyện muốn độc chiếm Loan với một ai, kể cả bà mẹ của Loan là người mà Thiện rất có thể gửi gấm tâm sự. Thiện kín đáo như vậy cho đến khi lên đại học được gia đình thu xếp cho xuất dương du học. Rồi sau đó, trong những thư từ Loan và Thiện thỉnh thoảng gửi cho nhau, không một dịp nào Thiện để cho tình ý tràn lấn quá cái mức mà chàng đã giữ được khi còn ở gần Loan.

Có một lần, trong một bức thư Thiện viết cho My, nhân một câu hỏi thăm tin tức Loan, Thiện có tỏ lộ đôi chút tâm sự. Ý hẳn mùa Thu đó, bữa Thiện ngồi bên cửa sổ viết thư cho em, lá vàng có rụng nhiều trên vai những pho tượng trong công viên. My đã tinh quái mang bức thư đến cho Loan đọc, với dụng ý tỏ cho Loan rõ rằng mình đã « biết hết » rồi, Loan đừng khéo giả vờ mãi. Loan thật tình cũng chỉ biết vậy mà thôi. Loan sẽ không chê Thiện nếu Thiện ngỏ lời; nhưng ít nhất cũng cần tìm hiểu nhau hơn nữa, nếu hai người định dời bình diện bạn hữu để cùng nhau đi tìm một chân trời khác. Thời gian qua đi, Loan cũng không hề đợi, mà Thiện cũng tiếp tục im lặng mãi.

Rồi bao nhiêu biến cố xảy tới, nhóm bạn thường tụ hội ở nhà Loan tản mác mỗi người một phương. Còn lại có Khánh. Anh chàng này có một đặc điểm là mặc dầu bao nhiêu sự đổi thay ở chung quanh vẫn luôn luôn có dịp ở gần Loan: cùng tiếp tục một môn đại học, cùng tản cư ở một nơi, cùng trở lại Hà Nội và sau hết lại tình cờ đồng ý xuất ngoại để thi nốt một bằng cấp đại học. Bấy nhiêu ngẫu nhiên kết thúc bằng sự chung sống của hai người. Bữa gặp Thiện ở đường Soufflot Loan đã đính ước với Khánh. Loan cũng quên không báo tin đó với Thiện nữa.

Trưa hôm đó, ngồi ăn cơm với mẹ, chợt nhớ tới người bạn tu sĩ, Loan khoe với mẹ:

– Ban sáng con vừa gặp anh Thiện, mới về đây đâu được bốn tháng.

– Cậu Thiện sau thành linh mục ấy, phải không? Sao con không mời về chơi? Nhớ đến cậu ấy mẹ lại nhớ hồi ngày xưa, nhà mình đông mà vui quá, con nhỉ?

Loan cảm thấy ánh sáng chung quanh mình như bỗng lu mờ bớt, vội đáp:

– Con có hẹn, thế nào anh ấy cũng lại chào mẹ. Gặp anh Thiện con thấy mừng ghê đi, mừng được độ mươi phút! Trông anh ấy không khác ngày xưa mấy. Mẹ nhỉ, ngày xưa vui bao nhiêu thì bây giờ đáng ngán bấy nhiêu… Thà rằng đi tu như anh Thiện, làm cách mạng rồi chết như anh Thái, anh Quang, mỗi lúc nhắc đến tên hay gặp lại còn giữ được chút kỷ niệm!

Bà cụ vội vàng đứng lên, không muốn con gái có dịp khơi nỗi buồn chưa hề nguôi. Và bà cụ bắt đầu mong người bạn trai của con hồi xưa, với hi vọng tìm lại được một chút gì đã mất.

Khi Thiện tìm tới thăm bà mẹ Loan, thoạt bước vào căn phòng khách rộng, một cảm giác trống trải, tịch mịch khiến cho Thiện muốn chùn bước lại. Thiện không thể nào ngờ rằng sau một thời gian có thể thay đổi như vậy được. Loan hôm trước có thay đổi bao nhiêu đâu. Mà cả Thiện cũng thấy rất ít thay đổi nữa, mặc dầu bộ áo đen. Thiện cứ đinh ninh rằng thêm vào không khí vui tươi của gia đình bác sĩ Hoàng ngày xưa còn những tiếng ríu rít, đôi ba hình ảnh đặc biệt do sự có mặt trong nhà của đám trẻ con của Khánh và Loan. Cứ nguyên cái viễn tượng được trông thấy bày con của Loan cũng đã đủ vui cho Thiện trong bao ngày, trước khi có thì giờ tới thăm nhà Loan. Đã không có bóng dáng một đứa nhỏ nào, căn phòng khách rộng trang trí lịch sự và nhã nhặn càng thấy lạnh lẽo vì ngăn nắp quá. Thiện cũng còn kịp nghĩ: nếu Loan cũng mắc cái bệnh dịch màu sắc đang lan tràn giữa đám những người mới giàu có lẽ căn phòng đỡ trống trải hơn.

Bà cụ ngồi một mình trên một chiếc ghế bành bằng mây đan, ở bên khung cửa sổ lớn mở ra vườn. Trông thấy Thiện bước tới, bà cụ mừng rỡ đứng lên, đưa tay ra nắm hai vai Thiện. Thiện ngó thấy một giọt nước mắt tràn trên gò má bà cụ. Giọng nói của bà cụ như thấm ướt:

– Gặp nhau lại nhớ Hà Nội ngày xưa quá! Xa mất rồi, nhỉ?

Bà cụ ngồi phịch xuống ghế và ngó ngây người bạn cũ của con. Bao nhiêu ngày cứ ngồi bên khung cửa thương nhớ một thời đã xa, hôm đó bà cụ mới thấy rằng mình không vô lý. Thời đã xa thật ra vẫn chưa chết hẳn, vì còn có Thiện trở lại đây.

Thiện kiếm một chiếc ghế nhỏ kéo lại bên bà cụ và ngồi xuống, Bà cụ vội xin lỗi:

– Gặp cậu tôi mừng quá, quên cả mời ngồi. Bây giờ các cậu đã lớn, có địa vị rồi, tôi cứ quen như ngày xưa. Ừ, phải thay đổi cả cách xưng hô nữa đấy, gọi cậu Thiện ngày xưa là gì nhỉ cho phải?

Thiện tìm lại được rất dễ giọng nói thân mật hồi trước:

– Bác cứ coi cháu như hồi đó, tình cảm có thay đổi gì đâu.

Bà cụ ngó Thiện trân trân:

– Thế ư? Bác thấy mọi sự chung quanh thay đổi nhiều quá, nên bác sợ.

Thiện quay lại ngó gian phòng lặng lẽ rộng, rồi hỏi :

– Loan đi vắng hả bác? Loan được mấy con rồi? Từ hồi đó cháu chưa hề gặp lại anh Khánh.

Một chút kinh ngạc khiến tia mắt của bà cụ đen láy.

– Thế Loan không nói chuvện với cậu ư ? Loan làm luật sư ở tòa đã lâu rồi, từ hồi chưa vào đây. Đã có cháu nào đâu. (Bà cụ bỗng thở dài). Nhắc chuyện Loan, buồn chết!

Thiện vội hỏi:

– Sao lại buồn, hả bác? Hôm gặp Loan mới nói được mấy câu.

Loan có cho biết đã thành bà Khánh rồi. Cháu cứ đinh ninh hôm nay lại được gặp một lũ con của Loan khá đông. Ngày xưa chính Loan vẫn chủ trương sự đông con vì Loan chỉ có một mình.

Giọng nói của bà cụ đều đều và buồn, dường như không trả lời câu nói của Thiện.

– Thành bà Khánh, nhưng lại không là bà Khánh, thế mới ngán!

Thiện bắt đầu ngạc nhiên rõ rệt:

– Đầu đuôi ra sao bác có thể cho cháu biết được không? Cháu không ngờ Loan lại gặp những chuyện phải buồn.

– Ban đầu có ai mà ngờ được. Sau khi hai người đã đính ước với nhau, Loan có nói chuyện với tôi. Tôi rất đồng ý vì Loan nói rằng có yêu cậu Khánh và đã suy xét kỹ. Thế mà chưa được một năm sau đã sinh sự! Khổ tâm hơn nữa là gia đình cả hai bên đều quen biết nhau quá, chỉ vì muốn bấu víu lấy tình quen cũ, và cũng hi vọng rằng hai người rồi ra có thể thương yêu nhau lại chỉ vì thế mà cứ để cho câu chuyện dây dưa kéo dài mãi. Đến nay thì lỡ hết cả rồi…

Câu chuyện bà cụ kể chỉ có ngọn, quên mất đoạn gốc, khiến cho vị tu sĩ trẻ tuổi không giữ nổi sự bình tĩnh thường nhật, ông ta vội ngắt:

– Nhưng bác không cho cháu biết những nguyên nhân tại sao lại có chuyện xảy ra như vậy, đã xảy ra làm sao. Thế bây giờ Khánh ở đâu?

Bà cụ thở dài, chưa bao giờ Thiện được nghe một tiếng thốt ra nặng nề, ảo não như vậy.

– Nếu tôi được biết đầu đuôi thì còn nói gì. Họ có cho tôi rõ sự tình đâu. Loan có nói với một cô bạn rằng không muốn làm cho tôi buồn thêm nếu nó kể hết câu chuyện cho tôi nghe, nó sợ rằng tôi già yếu rồi. Khổ quá, cậu ạ, thà rằng cho tôi hiểu rõ còn nhẹ nhõm cho tôi hơn là cứ bưng bít như thế này. Gặp cậu, tôi mừng lắm, mừng nhất là có cậu, là chỗ thân tình cũ, may ra Loan nó có tiện thổ lộ, rồi cậu liệu xem có thể thu xếp giùm Loan được phần nào chăng.

Thiện lại ngắt:

– Nhưng bác vẫn chưa cho cháu biết hiện Khánh ở đâu. Cháu cần gặp cả hai người mới hiểu rõ được mọi sự.

Bà cụ lại bắt đầu câu nói bằng một tiếng thở dài:

– Hiện ở Pháp. Đi đã lâu, từ khi chưa bỏ Hà Nội. Bắt đầu lục đục với nhau một thời gian thì bỗng cậu ấy báo tin có việc phải đi Ba-lê. Loan không phản đối gì cả. Sau đó chừng vài tháng thì một hôm Loan nó cho tôi biết rằng cậu Khánh sẽ không về nữa; hai người nhất định xa nhau. Tôi chỉ biết có thế. Năn nỉ thế nào Loan nó cũng không nói, bảo rằng mẹ đã già, con cũng đã đủ khôn lớn rồi, nói ra chỉ thêm mẹ buồn phiền vô ích. Sau này, tôi cũng tránh không đả động tới chuyện đó nữa vì xem ra mỗi khi nhắc tới, chính Loan nó còn tỏ ra buồn khổ hơn tôi nữa. Tôi chỉ nghĩ mà thắc mắc mãi vì chính tôi có lỗi để xảy ra tình trạng ngày nay.

Hồi đó, Loan nó bao nhiêu lần đòi dứt khoát với Khánh, một mặt thì tôi, một mặt bên gia đình cậu Khánh, hai bên đều ngăn cản, hi vọng sẽ dàn xếp được. Chần chờ mãi đến bây giờ thì đã quá muộn, mà chẳng hi vọng gì họ thương yêu nhau trở lại. Tôi cứ hối hận quá, thà để cho họ dứt khoát với nhau cho xong đi.

Thiện tránh không muốn bàn vào một vấn đề mà chính mình bắt buộc phải có thiên kiến, tuy rằng lần đầu tiên, vì cảm tình riêng với Loan và bà mẹ Loan, Thiện muốn đem tình cảm để tìm hiểu trường hợp của Loan hơn là cứ tiện tay sử dụng đường lối suy luận đã vạch sẵn. Thiện nhận thấy không có cách nào hơn là im lặng trong giây lát, rồi sửa soạn đứng lên cáo từ, sau một lời hứa:

– Cháu cần phải gặp Loan đã, cháu sẽ gọi dây nói tới văn phòng hẹn với Loan. Cháu cũng cần viết thư cho anh Khánh nữa. Cháu xin hứa với bác sẽ hết sức cố gắng tìm cách hiểu tâm sự của Loan và Khánh, may ra nhờ ơn Thiên Chúa sẽ giúp Loan tìm lại được hạnh phúc.

Sau khi Thiện ra về, hi vọng hạnh phúc cho Loan trở lại tràn trề trong tâm tư bà cụ, rào rạt như một cơn mưa hè. Nhưng một lúc sau, cơn mưa đã tan biến hết, còn lại bốn bề vuông vức của một niềm mong ước, lâu dần thu gọn lại vừa một gian phòng này, êm tịnh, mòn mỏi. Cho đến trưa, khi Loan trở về, chuỗi ngày của hai mẹ con lại đều đều nhịp cũ.

Sau bữa cơm, bà cụ cáo từ đi nghỉ trưa, để cho Loan và anh bạn cũ tiện nói chuyện dài. Hai ngưòi ngồi ở một góc phòng khách vắng và mát. Loan yên lặng ngồi đợi Thiện hỏi trước. Hôm Thiện gọi dây nói lại văn phòng ngỏ ý muốn gặp để được nói chuyện nhiều, Loan đã hiểu ngay rằng Thiện có ý mong biết rõ câu chuyện giữa Loan và Khánh. Có Thiện để trút bớt những u ẩn, Loan thấy cũng là một dịp hay, tuy hoàn toàn không chờ đợi một sự giải quyết nào. Với Khánh, thật đã hết từ lâu. Làm lại cuộc đời thì Loan dường như không còn can đảm nữa. Không chờ đợi giải quyết, nhưng có dịp tâm sự với một người bạn thân, Loan tin rằng cũng sẽ nhẹ nhõm bớt.

Thiện cũng yên lặng ngồi ngó Loan, loay loay mãi với một điều thắc mắc: Loan vẫn như xưa, mà Loan như ngày xưa thì sao lại có thể khổ được? Trước khi tu đạo, Thiện đã nhiều lần lật đi lật lại vấn đề hạnh phúc của Loan. Thiện đã yêu Loan ghê gớm đến nỗi kết luận rằng bao nhiêu cố gắng của mình cũng sẽ không làm cho Loan sung sướng hơn, hay ít nhất cũng bằng với cái hiện tại hồi đó của Loan. Yêu Loan mà không đem lại nhiều hạnh phúc cho Loan như ý muốn thì tốt hơn hết là giữ nguyên mối tình để làm một kỷ niệm riêng còn hơn. Không muốn kết thúc, hay khởi sự, với Loan, ít lâu sau Thiện đi tu, với một ý thức hết sức sáng suốt rằng không phải vì thất vọng. Đến bữa gặp lại Loan, được tin Loan đã lấy chồng, Thiện nảy ra ý tò mò muốn chứng xác lại những nhận định của mình hồi trước qua hạnh phúc hiện tại của Loan. Được bà cụ nói sơ qua cho hay nông nỗi của Loan, Thiện đã nghĩ ngay rằng những dè dặt của mình hồi đó không phải là vô lý. Muốn vào sâu tâm sự của Loan, Thiện vì thương Loan nhiều hơn là vì muốn tìm hiểu. Thiện chợt nhận xét và khám phá thấy khóe nhìn của Loan hiện giờ có lạnh và sắc hơn trước, quầng mắt sâu hơn và có hai đường nhăn ở đuôi mắt. Thiện tự nhủ: “Nhan sắc suy tàn từ đó chứ đâu!” và Thiện bắt đầu:

– Tôi muốn nói chuyện dài với chị không phải vì lâu không gặp. Tôi có một mục đích: Hôm nọ hầu chuyện cụ, được biết chị có nhiều nỗi buồn trong gia đình…

Loan chợt có tia mắt lạnh và sắc như Thiện vừa thoáng nhận thấy. Loan thản nhiên ngắt:

– Mẹ tôi vẫn hay buồn phiền lôi thôi. Tôi không yêu Khánh nữa, hai người không thể chung sống với nhau thì bỏ nhau, có gì mà phải buồn. Một mình tôi, tôi dư sức nuôi thân và nuôi mẹ tôi cơ mà. Liệu anh có sắp gia nhập cái đám người cứ bận thương vay cho tôi không đấy?

Thiện tự nhủ: “Có thay đổi thật.” rồi mới tìm câu trả lời Loan. Thiện đáp, rất ôn tồn, bình tĩnh:

– Bộ áo này không cho phép tôi gia nhập một thứ gì hết. Tôi ngồi trước mặt chị với tư cách một người bạn cũ, một người bạn thân thiết trong bao nhiêu năm tuổi nhỏ, có một điều khá rõ rệt là tôi đã thành một nhà tu. Dù chị không cho phép, tôi vẫn có bổn phận phải săn sóc tới một người bạn đang ở một tình trạng tâm lý bất an, gỡ rối cho chị được phần nào là tôi mừng lắm. Tôi biết chị có nhiều tự ái, nhưng tôi nghĩ rằng chị còn giữ đôi chút tin cậy ở tôi.

Loan cười lớn, tiếng cười rung động cả căn phòng vắng.

Thiện lại nghĩ: “Tiếng cười cũng thay đổi nữa.” Loan nói trong tiếng cười không dứt:

– Tôi sợ nhất là cứ làm cho to chuyện. Anh cần gì phải gọi tới sự tin cậy ở tôi, nhất định là vẫn tin cậy rồi. Nhưng, bận tâm tới một câu chuyện mà chính người trong cuộc là tôi, tôi thấy không đáng quan tâm nữa, anh bảo như thế không gọi là thương vay thì còn gọi là gì?

Thiện không tỏ ra công nhận hay phản đối lý luận Loan vừa đưa ra, nhưng chậm rãi chưa đáp, yên lặng ngồi ngó Loan.

Loan với hộp thuốc lá, lấy một điếu thản nhiên đốt, Loan cũng đợi xem Thiện còn cố xoi mói trong câu chuyện riêng của mình tới đâu. Loan chỉ bực rằng Thiện đã quan trọng hóa câu chuyện quá. Thật tình Loan cũng định có dịp sẽ trút hết những u ẩn của mình với Thiện là người trong số bạn cũ, Loan thấy đáng tin cậy hơn hết. Thấy Thiện có bộ mặt quan trọng, Loan đâm ra cáu. Cứ bình thường Loan sợ gì mà không kể hết chuyện, nhưng Loan nhất định không hé răng nếu câu chuyện có hình dáng một cuộc thổ lộ can tràng.

Thiện tưởng rằng cứ khoác bộ áo đen là hóa thành xuất phàm rồi ư?

Trong không gian, Thiện xem ra đã quá xa thời bè bạn cũ. Thiện đã quên đi phần nào cá tính của Loan, chỉ nghĩ rằng Loan nhiều tự ái. Loan không cảm thấy phải tự ái đối với Thiện. Loan muốn chọc Thiện mà Thiện không biết. Thiện nói:

– Ai mà chẳng kiêu hãnh rằng tâm sự của mình chồng chất, bề bộn, thiên hạ giỏi lắm chỉ nhìn thấy một khía cạnh nào. Nghĩ rằng mọi người không hiểu mình mà thấy họ cứ băn khoăn vì mình thì nhất định phải cho rằng họ thương vay. Tôi gọi tới sự tin cậy của chị là có ý muốn nhắc chị trình độ thân tình giữa mấy anh em hồi xưa. Không lẽ chị cũng cho rằng tôi chỉ có thể hiểu chị hời hợt như bất kỳ ai hay sao? Trong câu chuvện tình duyên của chị tôi thú thật rằng đến phút này tôi chưa hề hiểu một mảy may. Bởi thế cho nên tôi mới phải hỏi chị; chị nói cho nghe; khi đó, với bao nhiêu thâm tình cũ, biết đâu tôi sẽ không hiểu được thấu đáo và có những ý kiến khả dĩ gỡ rối được cho chị.

– Khổ quá! Anh cứ la rằng hiểu tôi mà không nghe thấu chỉ một câu nói của tôi. Trước kia, chuyện tình duyên của tôi quả có làm cho tôi rối ruột lên thật. Nhưng bây giờ, bây giờ, tôi đã nói với anh rằng tôi không thấy đáng quan tâm nữa. Thế mà anh cứ đòi gỡ rối cho tôi thì đào đâu ra tơ rối cho anh gỡ cơ chứ.

Rốt cuộc, Thiện thấy cần chờ một dịp khác vì Thiện cũng chợt nghĩ ra không chừng Loan thèm một giấc ngủ trưa, cho nên khó tính, tuy Loan đã hẹn dành buổi chiều thứ bẩy này để nói chuyện dài với Thiện.

Tiễn Thiện ra về, trở vào, Loan còn mỉm cười một mình vì đã chọc anh bạn cũ được một trận. Nhưng Loan chỉ “khó tính” được một lát ngắn. Sau khi tắm nước lạnh xong, trở ra phòng khách vắng lặng và nhiều bóng tối, nằm dài trên chiếc ghế bành bằng mây đan ở bên cửa sổ, Loan thốt lên khóc, khóc cho những năm tháng đằng đẵng ở trước mặt. Ngày mai đối với Loan sao mà đáng ngán, nhất là từ bữa gặp Thiện, xui nhớ lại ngày xưa.

Từ bữa nói chuyện với Loan ra về, Thiện không ngớt lưu tâm tới trường hợp của Loan. Chính tự ái của Thiện cũng có tổn thương: tại sao Loan lại từ chối không muốn ngỏ tâm sự với mình? Nhiều lần sau Thiện đến thăm Loan và tha thiết nhắc lại mãi câu chuyện bỏ dở bữa chiều thứ bảy. Lần nào Loan cũng bực mình thấy Thiện giữ bộ mặt nghiêm trọng, không để cho Loan tìm lại được vẻ thân mật ngày xưa, thuận lợi cho câu chuyện tâm tình. Có bữa Loan đã phải than phiền với bà mẹ: “Anh Thiện bây giờ thay đổi nhiều quá. Lúc nào nói chuyện cũng như toan cứu vớt linh hồn người ta ấy!”

Ngoài đôi chút tự ái bị tổn thương, Thiện cảm thấy có bổn phận phải lưu tâm tới cô bạn cũ đang ở một tình trạng khủng hoảng đáng ngại. Thiện cho rằng vì thiếu người thân tín cho Loan có thể tâm sự được – bà cụ dù sao, với tuổi tác, cũng không còn là một người bạn của Loan được nữa – Loan cứ một mình loay hoay với vấn đề nan giải trong bao lâu nên đâm ra lảng tránh hết mọi người. Thiện nhất định phải thắng trở lực tâm lý đó để mau mau giúp Loan tìm lại sự tươi sáng trong tâm hồn và trong cuộc đời. Nếu không có bộ áo chùng thâm có lẽ Thiện tìm được nhiều kẽ hở để đột nhập thành trì cô độc của Loan. Nhưng Thiện chỉ có thể thành tâm cầu nguyện cho Loan, ước mong sớm có cơ hội dắt dẫn Loan ra khỏi hoàn cảnh hiện lại và tìm thấy hạnh phúc.

Thiện cũng có nghĩ viết thư cho Khánh. Một lần đả động tới chuyện đó – Thiện hỏi Loan địa chỉ của Khánh ở Pháp – Loan nổi xung lên, thiếu chút nữa đã mất hẳn cảm tình với Thiện. Loan cáu cũng có lý: Những can thiệp không đúng chỗ như vậy của Thiện, biết đâu chẳng cho Khánh vội nghĩ rằng Loan đã chịu thua và cầu cứu tới Thiện để mong nối lại chắc?

Trước thái độ khăng khăng của Loan, ý chí sửa chữa, hàn gắn của Thiện lại càng mãnh liệt. Cho đến khi, vì một nhiệm vụ phải dời lên vùng cao nguyên trong ít lâu, Thiện phải tạm ngưng những cuộc thăm dò tâm sự Loan, tuy vẫn chưa tìm được chút ánh sáng nào. Thiện vẫn không ngớt đem tâm thành cầu xin một sự ứng nghiệm trong việc đang theo đuổi.

Hết nhiệm vụ trên cao nguyên, Thiện trở về vội tới thăm Loan ngay. Không khí bổ dưỡng trên núi đã giúp Thiện thêm phấn chấn. Chị ở cho biết rằng Loan đau phải nằm trong buồng. Thiện ngồi đợi ở phòng khách. Loan ngần ngại trong giây lát rồi bảo chị ở ra mời Thiện vào chơi trong phòng riêng của Loan. Loan nghĩ rằng tiếp Thiện ở ngay trong phòng ngủ có lẽ đỡ bị Thiện ngồi lâu và quấy rầy mãi về chuyện chồng con dở dang của mình như mọi bận.

Chị ở bắc một chiếc ghế mời Thiện ngồi kế bên giường bịnh của Loan. Loan nói:

– Tôi bị sốt nóng đã hai hôm nay, y sĩ vẫn chưa tìm ra bệnh gì, có lẽ chỉ cảm xoàng. Vì sốt nhiều nên mệt quá, không thể ngồi dậy ra phòng khách được.

Thiện ngó gương mặt của Loan: cơn sốt làm đỏ hồng hai má Loan, hai con mắt sáng hẳn lên, những sợi tóc không chải vào nếp quăn lưa thưa trên trán. Đúng là Loan ngày xưa, không một chút thay đổi. Thiện cứ ngồi yên lặng ngó Loan,

Loan cũng ngó lại Thiện không muốn chỉ nói vài câu thăm hỏi bâng quơ. Trông nét mặt của Thiện ngồi ngây ra đó, không có cái vẻ hăng hái cứu vớt như những lần trước, Loan cũng chợt tìm lại được Thiện của hồi còn cùng đi học với nhau. Sự im lặng của cả hai người không nặng nề, ngượng nghịu: im lặng để giữ cho cái không khí chợt tìm thấy đừng vội tan biến. Rồi Loan nói trước:

– Anh có biết tôi vừa nhận thấy gì không? Tôi tưởng như trở lại hồi nào còn ở Hà Nội. Từ bữa gặp lại anh, hôm nay tôi mới thật tìm thấy anh của ngày trước.

Thiện tròn hai mắt to và sáng, hỏi lại:

– Thật thế ư? Tôi cũng vừa nhìn thấy chị giống hệt như hình ảnh của chị ngày xưa, không khác một chút nào. Tôi nhớ đến những bữa ở đằng nhà bác, chúng mình gọi cả một gánh bánh tôm vào trong sân…

Mắt Loan cũng vui hẳn lên:

– Rồi có mấy người tranh nhau ăn hết cả gánh. Ừ, thích thật! Bác hàng bánh rán không kịp, tôi lanh chanh bị mỡ bắn phỏng cả tay…

– Còn tôi thì vội ăn, phỏng cả miệng, về nhà phải tạ sự là ốm không dám ra ngồi ở bàn ăn cơm, sợ xa xít bà cụ hỏi không biết trả lời ra làm sao.

Loan nằm ngửa mặt lên, hai con mắt long lanh ngó trên trần nhà, vui theo chút kỷ niệm vừa nhắc. Rồi Loan quay lại tìm Thiện. Thiện cảm thấy rõ ràng có một áng sương vừa trôi tới trên gương mặt Loan, hai con mắt không còn long lanh nữa. Loan nói:

– Thế mà đã xa rồi nhỉ? Bây giờ tôi đâu còn cái vui hồn nhiên nhẹ nhàng của hồi đó nữa…

Lần này Thiện có đủ bình tĩnh, để im lặng ngồi nghe, không vội đưa cái vẻ “hăng hái cứu vớt” ra. Loan nói tiếp:

– Tôi đã thành một người đàn bà cô độc, chứng kiến cái vui của thiên hạ nhiều hơn là hòa trộn vào. Anh cứ hỏi thăm mãi về chuyện chồng con của tôi. Tôi không muốn nói vì thấy anh lần nào cũng như sắp sửa ra tay cứu vãn, đưa dường, chỉ nẻo, làm như tôi tìm lại hạnh phúc được ngay tức khắc ấy…

Thiện đã hiểu tại sao và biết khôn khéo ngồi im.

– Thật tình tôi cũng định có dịp nào, chẳng hạn như hôm nay, nói chuyện đó với anh một lần. Nói mà không hi vọng gì cứu vãn cả. Vì tôi biết không tài nào cứu vãn được nữa. Quả thật hồi đó tôi không yêu Khánh đến độ muốn lấy Khánh. Tôi nhận lời lấy Khánh chỉ vì thấy thương cái công theo đuổi của Khánh và cũng muốn thành gia thất cho xong đi. Cứ thấy mẹ tôi thấp thỏm trông đợi tôi sốt ruột quá, anh ạ. Tôi chỉ lỡ dại đã chọn một người chồng cùng nghề. Cuộc sống đôi cặp nào mà chẳng có những lúc va chạm nhưng nghề nghiệp sẽ giúp những cơn giông mau tan đi. Đằng này hai đứa tôi lại đem chồng chất những va chạm nghề nghiệp vào những va chạm gia đình. Địa ngục, anh ạ. Tôi cũng có thể bỏ nghề, cho bớt một phần, nhưng tôi lại thích tự do, không muốn chỉ là một người nội trợ sống vào những lợi tức của chồng. Cũng cần phải nói rằng tôi cũng yêu nghề nữa. Sau một năm trời sống chung, bao nhiêu những va chạm cộng lại, trong mắt tôi Khánh đã hóa thành một thứ thù nghịch, và tất nhiên Khánh nhìn tôi chắc cũng chẳng còn đẹp đẽ gì. Thế rồi Khánh đi, cả hai cùng thấy thoát nợ. Chỉ tiếc rằng vì muốn chiều ý gia đình, tụi tôi chưa hề dứt khoát với nhau ngay từ hồi đó. Đến nay thì lỡ dở mất cả. Cũng may là cách biệt hẳn, ở gần, biết đâu chẳng kiếm dịp mà giết nhau cho khuất mắt. Gia sản cả hai bên cũng chẳng còn gì mà phải bận tâm vì những trói buộc vô lý. Đó, anh đã thấy rõ ràng tôi không nói ngoa khi tôi bảo rằng câu chuvện không đáng quan tâm nữa. Anh thì cứ đòi thu xếp, cứu vãn mãi.

Nghe Loan nói một thôi, Thiện đã lường được bề rộng của cái hố ngăn cách giữa Loan với Khánh. Thiện nén được không cãi với Loan về sợi dây ràng buộc thiêng liêng, và tê tái nghĩ rằng vô phương cứu vãn hạnh phúc cho Loan. Thiện ngó Loan và day dứt tự hỏi: Loan cứ phải khổ mãi như thế sao? Ngoài cái việc mà Thiện dự định: hàn gắn cuộc tình duyên giữa Loan và Khánh, không một giải pháp nào ở trong phạm vi khả năng của Thiện cả. Loan còn trẻ quá, tương lai còn dài mà đành để phí hoài sao. Lần đầu tiên trong đời, Thiện nhận thấy riêng mình không đủ giải quyết những khúc mắc.

Loan cười tinh nghịch, nói một câu mà thêm bao nhiêu bối rối cho Thiện:

– Tôi chỉ còn trách anh tại sao bỏ đi tu. Hồi đó nghe My kể chuyện anh cũng yêu tôi ghê lắm. Với anh không chừng đã chẳng nên nỗi…

Thiện bất chợt chăm chú ngó một con muỗi khá to đậu từ lúc nào trên cánh tay của Loan để trần, duỗi dài trên mép giường. Cánh tay của Loan nây nả như nặn bằng mỡ sữa, con muỗi thì no tròn mà còn cố cong cái đít mọng lên, chúi đầu xuống hút máu. Thiện giơ tay đập mạnh con muỗi trên cánh tay Loan. Độ nóng của cơn sốt của Loan qua lòng bàn tay Thiện như một luồng điện mạnh. Con muỗi chết bẹp còn dính trên tay Thiện với một vệt máu đỏ tươi. Vệt máu đỏ gây một xúc động mãnh liệt trong đầu vị tu sĩ trẻ tuổi. Thiện vụt xô ghế đứng lên, chẳng kịp chào hỏi Loan, hớt hải chạy ra cửa. Ra tới sân, Thiện đưa bàn tay có dính con muỗi và vệt máu chùi vào vạt áo. Nghĩ sao Thiện lại vội túm lấy một chùm lá ở gốc cây trứng cá bên cổng hốt hoảng chùi tay. Rồi Thiện đi miết ra tận đầu phố, một tay cứ phủi mãi vạt áo không biết có dính chút máu nào không.

Mặc Đỗ [trích tuyển tập Truyện Ngắn Mặc Đỗ, tr.103-123, Tủ Sách Quan Điểm, Austin Texas 2014]

Nguồn: https://nghiathuc.wordpress.com/2016/09/19/truyen-ngan-mac-do-con-muoi/