Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 79): Khánh Trường – Thảm cỏ nát trong khu vườn hoang

· clip_image002

Khánh Trường

Tên thật: Nguyễn Khánh Trường

Trích lục khai sinh làm sau này ghi sinh ngày 8 tháng 4 năm 1948.

Năm sinh chính xác: 1947, không rõ ngày tháng.

1968: Đi lính, binh chủng nhảy dù.

1973: Bị thương, giải ngũ.

1986: Vượt biên. Định cư tại California đến nay.

Nghề nghiệp: Họa sĩ, tự học.

Đã triển lãm cá nhận và tập thể tại Việt Nam, Mã lai, Phi luật Tân, Pháp, Đức, Mỹ. Trình bày nhiều bìa sách cho các nhà xuất bản ở hải ngoại: Sống Mới, Xuân Thu, Đại Nam, Văn Nghệ, Văn mới, v.v. và các bìa băng nhạc, CD, DVD.

1991 sáng lập, điều hành, chủ biên tập san Văn học Nghệ thuật Biên khảo HỢP LƯU, và nhà xuất bản Tân Thư, trực tiếp trông coi từ 1991 đến 2003. Bị bạo bệnh, giao lại cho Đặng Hiền từ 2003 đến nay.

Tác phẩm đã xuất bản:

-          Đoản Thi Khánh Trường, nxb Sống Mới, 1987.

-          Tác Giả, Tác Phẩm, chung với nhiều tác giả khác, nxb Thế Giới Lưu Vong, 1988.

-          Có Yêu Em Không, tập truyện, nxb Tân Thư, 1990.

-          Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng, nxb Tân Thư, 1991.

-          20 năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995, soạn chung với Trương Đình Luân, Cao Xuân Huy, nxb Đại Nam, 1995.

-          Chung Cuộc, tập truyện, nxb Tân Thư, 1997.

-          Truyện Ngắn Khánh Trường (2 tập), nxb Nhân Ảnh, 2016

-          Khanh truong Paintings, sách tranh, nxb Nhân Ảnh, 2018

-         Est-ce que tu m’aimes, bản dịch Pháp văn của Phan Huy Đường, Editions Philippe Picquier, 1998.

THẢM CỎ NÁT TRONG KHU VƯỜN HOANG

Khu vườn rộng, những tàng cây rợp bóng mát, lối đi quanh co giữa hai bờ cỏ cao. Chỗ tiếp giáp với vòng rào kẽm gai chia ranh giới khu vườn với bãi lau dẫn xuống mé sông, là căn lều bát giác bằng tre, lợp tranh, nơi mỗi chiều cha tôi cùng những bạn nhậu của ông thường chè chén. Cha tôi, một tửu đồ nổi tiếng trong vùng. Ông uống, sáng trưa chiều tối, rượu thay nước, đôi khi thay cả cơm. Điều đặc biệt, cha tôi uống rượu không say. Tôi chưa bao giờ thấy ông say. Càng uống, ông càng trầm tĩnh ít nói.

Khi nói, lại trở nên lưu loát hơn hẳn lúc bình thường. Ngày nay, tuy thừa hưởng ở ông cái “đức” uống rượu, song tệ hại thay, tửu lượng tôi rất tồi, khi nốc vào vài ba ly, tôi trở nên một con người khác, thô tục, lắm mồm, ba hoa, có khi còn gây gổ ẩu đả như quân đầu đường xó chợ! Đó là nguyên nhân đưa đến bao nhiêu điều đáng tiếc trong quan hệ giữa tôi với bè bạn, với mọi người thân sơ.

Trong số bạn nhậu của cha tôi, chú Giản là anh em kết nghĩa đồng thời cũng là hảo tửu tương đắc nhất. Riêng tôi, từ ấu thơ đến trưởng thành, vẫn xem chú như hiện thân của một mẫu người giang hồ rất mực tài hoa. Về ngoại hình, tuy chỉ kém cha tôi khoảng một hai tuổi nhưng trông chú trẻ trung hơn nhiều. Thân thể cao to vạm vỡ, da trắng, miệng rộng và lúc nào cũng như sắp mỉm cười. Đặc biệt nhất là đôi mắt. Tôi chưa từng thấy đôi mắt nào đẹp đến thế ở một người đàn ông. Với hai đồng tử đen nhánh long lanh dưới hàng mi dài, khi nhìn, tia nhìn chiếu thẳng vào người đối diện, vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng, vừa phủ dụ vuốt ve mà cũng vừa áp đảo chế ngự. Thật khó có một người nữ nào không rúng động trước đôi mắt và tia nhìn của chú. Về thân thế, qua những mẩu chuyện rời giữa chú Giản với cha tôi, với nhiều người khác, ráp nối lại, tôi đã hình dung được một cách khá cụ thể quãng đời đầy nổi trôi nhưng cũng vô cùng lãng mạn của con người tài hoa này. Chú Giản sinh trưởng ở miền Bắc, giã từ gia đình năm mười lăm tuổi, lưu lạc qua mọi miền đất nước, một thời gian ở Lào, rồi Miên, một thời gian khác ở các tỉnh miền Nam. Tuy chỉ cắp sách đến trường vài ba năm thuở còn thiếu niên, nhưng chú Giản có một kiến thức khá rộng trong nhiều lĩnh vực. Chú có thể cư xử như một tay giang hồ lão luyện, đồng thời cũng có thể nói năng từ tốn, bặt thiệp, sâu sắc mọi vấn đề liên quan đến cuộc đời, con người, văn thơ, nghệ thuật... Điểm nổi bật nhất: ở đâu, lúc nào định mệnh chú cũng gắn liền với tình ái, với nhan sắc. Không thể nhớ hết có bao nhiêu người đàn bà đã đi qua đời chú, cũng không thể biết hết đã có bao nhiêu đứa bé sinh ra mà người cha lang bạt mãi mãi không nhìn thấy mặt.

Trước khi tôi chào đời ba năm, trên bước đường lưu lạc, gã giang hồ bỗng quyết định dừng chân, chọn quê tôi làm sinh quán thứ hai. Theo lời chú, cái làng quê này dầu cằn cỗi nhưng lòng người lại mộc mạc chơn chất, chú đã ngán ngẩm cảnh bon chen tráo trở của chốn phồn hoa. Sau này, khi đã có trí khôn, tôi nghĩ, chỉ một yếu tố đó, chắc chắn không đủ để trói buộc một cánh chim mãi mãi khao khát những đường bay vạn dặm. Có lẽ phải có một nguyên nhân nào khác, mãnh liệt hơn, quyến rũ hơn. Nhưng thuở đó tôi còn quá nhỏ để có thể thắc mắc về sự cố không mấy bình thường này. Trái lại, tôi xem chuyện chú Giản đã đến, đã dừng chân, đã chọn mảnh đất nghèo khó này làm chốn dung thân, và đã có những hệ lụy gần như cật ruột với gia đình, cha mẹ, anh em tôi là lẽ đương nhiên. Một người từng trải như chú Giản, tất phải thấm thía hơn ai hết câu ngạn ngữ “Đất lành chim đậu”. Quê tôi, biết đâu trong mắt nhìn của chú, đã là một mảnh “đất lành”.

Ngoài ưu thế về ngoại hình, chú Giản còn là một nghệ sĩ đa năng. Chú đàn hay, hát ngọt, có văn thơ đăng báo, lại biết vẽ và vẽ rất... đẹp. Nhờ khả năng vẽ đẹp này, chú Giản đã sống khá sung túc ung dung. Bà con trong vùng vẫn thường nhờ chú họa chân dung, loại chân dung vẽ bằng khói đèn, dựa theo một tấm hình căn cước. Người trong hình đa số đã quá vãng, con cháu muốn ghi lại nhân diện để tưởng nhớ hoặc thờ phụng. Tôi thường say mê theo dõi nét vẽ “rồng bay phượng múa” của chú Giản, phục sát đất khi thấy chú biến tấm hình bán thân chỉ to bằng ba đốt ngón tay thành một tác phẩm bề thế với cũng khuôn mặt đó, giống tựa khuôn đúc, và thay vì chỉ bán thân, chú sáng tác thêm phần dưới, cho thân chủ ngồi bệ vệ trên chiếc ghế trường kỷ, một bàn tay xòe đủ năm ngón đặt trên đùi, bàn tay còn lại cầm chiếc quạt lông chim. Bên cạnh, một cái bàn với bốn chân chạm đầu sư tử lên nước bóng lưỡng, mặt bàn phủ khăn trắng viền ren bay bướm. Trên bàn, ngoài khay trà đầy đủ chén tách, bình hoa hồng nở rộ, còn có thêm ống thuốc lào với cần hút bằng tre cong vòng, hoặc hiện đại hơn, một cái đồng hồ reo mặt vuông hay chiếc radio có ăngten thẳng vút lóe sao do chất kim loại phản chiếu ánh sáng từ cửa sổ tạt vào. Xa hơn, bên ngoài khuôn cửa sổ là cánh đồng, những thửa ruộng cắt ô hình bàn cờ. Cuối cánh đồng, thấp thoáng sau rặng cây, vài mái tranh yên bình thả khói ẻo lả lên bầu trời cuồn cuộn mây trắng... Ngoài ra còn nhiều thứ phụ tùng rắc rối nữa được bàn tay tài hoa của chú Giản đưa hết vào bức chân dung, tùy theo yêu cầu của khách hàng, tùy theo sự cao hứng của chú, hay rất có thể cũng tùy theo “thế giá” của thân chủ. Chẳng hạn, nếu người trong hình là đàn bà, thay vì bàn tay với đầy đủ năm ngón đặt trên đùi, chú cho cầm hờ một chiếc khăn “mùi xoa” hoặc áp nhẹ trên lưng chú mèo tam thể đang cuộn mình nằm gọn trong lòng chủ lim dim ngủ. Dĩ nhiên bàn tay vẫn thấy đủ năm ngón, và chắc chắn không thể thiếu chiếc nhẫn hột xoàn to cộm ở ngón đeo nhẫn lóe sáng...

Tôi thường ngồi xem chú vẽ, say mê đến quên hết thời gian. Chú Giản vừa vờn một cách khéo léo ngọn bút lông trên mặt giấy, vừa cao hứng rung đùi bắt nhịp cho giọng hát trầm trầm giọng thổ một bài tình ca nổi tiếng:

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống; Đâu đấy buông lững lờ tiếng... chuông

Trời! Chữ tiếng chú láy mới thần sầu làm sao, đang lên cao vun vút bỗng nhẹ nhàng hạ xuống, trôi nổi nhấp nhô một đoạn dài trước khi bắt vào chữ chuông. Lớn lên, tôi mới khám phá ra chú Giản đã “chôm” lối láy chữ tiếng này của một ca sĩ nổi danh đương thời, chứ thuở đó, tôi nào biết gì! Vì vậy, đã phục chú, tôi càng phục hơn. Và có thể nói một cách rất thật thà rằng, không phải những ông thầy Việt văn, cũng không phải hàng trăm hàng nghìn những tác phẩm văn chương thi phú tôi đọc sau này, mà chính qua chú Giản, từ chú Giản, chỉ bằng lối láy chữ “tiếng” thần sầu, tôi đã hình dung một cách rất cụ thể khả năng tượng thanh, tượng hình tuyệt vời của ngôn ngữ Việt. “Đâu đấy buông lững lờ tiếng... chuông.” Tôi từng nhắm mắt để hết tâm hồn nương theo giọng hát, và thấy rõ mồn một tiếng chuông, như hàng nghìn giải lụa vàng óng, phát khởi từ một tâm điểm, tỏa ra, bay ẻo lả nhấp nhô trên cây cỏ, ruộng nương, làng mạc, đồi núi chập chùng. Đợt sóng lụa này vừa sắp tan nhòa vào nhá nhem của chiều tà, đã tiếp theo đợt sóng khác, và cứ thế, cứ thế.... không gian đầy ắp lụa mềm. Trời, cái hình ảnh mới thơ mộng và đẹp đẽ biết bao! Sau này, khi chọn hội họa như một nghiệp dĩ, hình ảnh những giải lụa âm thanh kia là một trong những hình ảnh tôi thường tìm cách thể hiện lên mặt bố. Tiếc thay, có lẽ do tài năng hữu hạn, tôi vẫn chưa bao giờ diễn tả nổi hình ảnh đó một cách tới nơi tới chốn như đã từng tưởng tượng.

Những năm đầu tiên, chú Giản ở chung với cha mẹ tôi. Thuở đó cha tôi và chú Giản còn khá trẻ. Hai gã thanh niên đều tương đối có tí chữ nghĩa, có cùng những sở thích, nên mới gặp nhau đã nhanh chóng trở thành anh em tương đắc, căn nhà của gia đình tôi lại khá rộng, vì thế, cha tôi đã cố mời bằng được chú Giản về ở chung, để có dịp gần gũi nhau, cùng nhau đối ẩm, cùng nhau hát xướng, ngâm thơ vịnh nguyệt. Cho đến ngày tôi chào đời, chú Giản tách ra ở riêng, chú viện cớ nhà có thêm cháu nhỏ, không muốn để mẹ tôi phải bận bịu. Vả, chú cũng muốn có nhiều thời giờ yên tĩnh hơn để sáng tác. Chú vẫn nuôi tham vọng sẽ trở thành một nhà văn, một họa sĩ.

Với sự tiếp tay của cha tôi, chú Giản dựng được một căn nhà lá cạnh bờ sông. Căn nhà nằm ở một vị trí rất thơ mộng, dưới hàng dừa cao vút sáng chiều rì rào gió động, cách ly với chòm xóm bởi một khu vườn hoang khá rộng và một bãi tranh vàng óng mênh mông.

Từ khi ra ở riêng, chú Giản có sinh đẻ được tác phẩm nào không, tôi không biết, nhưng cái tiếng đào hoa của chú thì rõ ràng đã nổi như cồn. Mẹ tôi vẫn thường phẫn nộ trách cứ, tỏ ra rất không thích chuyện tham vó bỏ nơm, bướm ong nhăng nhít của chú Giản. Nhưng ngôi sao đào hoa đã chiếu ngay bản mệnh chú, làm sao dời đổi? Cuối cùng mẹ tôi cũng đành thở dài quy hết trách nhiệm cho “ông trời”:

Đa tài đa năng ắt đa tình. Âu cũng nghiệp dĩ.

Quả vậy. Các cô gái quanh vùng có chút nhan sắc hầu hết đều đã từng được chú ban phát tí tình yêu. Ngôi nhà lá của chú là nơi phát khởi, và có lẽ, chôn vùi ước mơ lãng mạn của bao nhiêu trái tim trinh nữ. Chú Giản vẫn thường nói với cha tôi, “Đàn bà nó kỳ lạ lắm anh ơi, khi họ đã yêu thì... hết biết, nhiều khi họ làm tôi muốn điên lên được”. Cha tôi cười khà, “Quanh vùng ni có khối bọn đàn ông con trai mơ ước có được cái địa vị của chú đó nghe. Nhưng mà cũng vừa vừa thôi, gieo nhân nào ắt gặt quả nớ, chú rồi cũng đến khổ với bọn họ cho coi”. Khổ hay không chưa biết, điều chắc chắn, chú Giản lúc nào cũng phơi phới hân hoan. Từ tinh thần đến vật chất, chú hoàn toàn đầy đủ. Cái ăn, cái mặc, rượu ngon, trà hảo, thuốc thơm... đã có khối người tranh nhau cung phụng, dù lợi tức do nghề vẽ chân dung mang lại cũng dư thừa để chú tự nuôi thân. Tôi không hiểu vua chúa ngày xưa sung sướng cỡ nào, chứ theo tôi, sống như chú Giản, vua chúa chắc hẳn cũng... đến thế là cùng!

Trong số những người tình của chú Giản, hình như cô Tâm là người được chú ưu ái hơn hết, có lẽ bởi cô có một nhan sắc vượt trội hơn hẳn, đồng thời tương đối có ăn có học.

Cô Tâm, cháu nội của Quản Nghi, một cự phú nổi tiếng không những quanh vùng này, mà suốt một giải đất chạy dài qua ba bốn tỉnh miền Trung hoặc có thể xa hơn nữa, không ai không biết. Tài sản và quyền lực của Quản Nghi lớn đến độ có thể chi phối cả những hoạt động của nhà nước bảo hộ. Tôi nghe kể lại thuở người Pháp sắp khai thông quốc lộ một, theo bản vẽ của sở lục lộ, con đường sẽ băng ngang qua phần đất hương hỏa của dòng họ này. Hay tin, Quản Nghi tức tốc lên tỉnh gặp giới chức thẩm quyền và không hiểu bằng cách nào, sau đó khi thực hiện công trình, đoạn quốc lộ này đã phải chạy một vòng rộng, tránh xa phần đất “cấm”. Khi đề cập đến một nhân vật giàu có nào đó, chỉ cần đem Quản Nghi ra làm đơn vị so sánh, người nghe sẽ hình dung được ngay tài sản của đương sự nhiều ít thế nào: “Giàu như Quản Nghi” “Giàu bằng Quản Nghi chứ?” “Thấm gì so với Quản Nghi, giỏi lắm cũng chỉ mới với tới cái ống quyển của ông ta...” Dòng họ này chia làm nhiều chi, nhiều nhánh, phân tán rải rác khắp các tỉnh miền Trung, vào đến Sàigòn, và nghe đâu vươn dài qua Tây nữa cơ! Cho đến thuở đó, con cháu Quản Nghi nhiều người vẫn còn chiếm những vị thế cao trong mọi lãnh vực. Có người là bác sĩ nổi tiếng khắp nước; có người là chính trị gia từng gây sóng gió trên chính trường; có người đi vào văn học sử bằng sự nghiệp thi ca đồ sộ; có người được xem như những doanh gia đầy quyền lực, có khả năng khuynh đảo nền kinh tế quốc gia... Riêng gia đình cô Tâm, tuy là cháu nội dòng chính, thì lại sa sút quá đáng. Hậu quả do người cha hư hỏng của cô. Người đàn ông này mê cờ bạc hơn bất cứ thứ gì trên đời. Nơi nào có bài bạc lớn, nơi đó có mặt ông. Những Kim Chung, Đại Thế Giới trước kia, những Quận Năm, Chợ Lớn sau này... đều nhẵn mặt ông. Tự cổ chí kim, có ai khấm khá nhờ bài bạc bao giờ? Cho nên ruộng nương vườn tược, ngay cả cái dinh cơ đồ sộ gồm mấy dãy nhà ngói ngang dọc mênh mông chiếm ngự cả một khoảng đồi thấp đắc địa nhất vùng cũng lần hồi rơi vào tay chủ khác. Đến lúc cô Tâm bước vào tuổi trưởng thành thì gia sản khánh kiệt đến độ cô phải bỏ dở việc học để phụ với mẹ buôn tảo bán tần hầu chống đỡ sự suy sụp quá đáng của gia đình. Người cha hư hỏng kia bấy giờ đã trở thành một gã đàn ông vất đi, từ sáng tinh mơ đến tối mịt, ông ta đắm chìm trong men rượu, lấy những cơn say mịt mù làm lẽ sống còn.

Bề ngoài có vẻ hiền thục nhu mì nhưng cô Tâm lại là người khôn ngoan và bản lãnh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đã là người yêu của chú Giản, bằng cách này hay cách khác, những tình địch của cô dần dần bị hạ đo ván không chừa một ai. Tôi vì khâm phục chú Giản nên cũng rất mến cô. Không biết từ lúc nào, tôi trở nên một thuộc hạ thân tín của hai người. Cha cô Tâm, tuy nát rượu nhưng đối với gia đình vẫn còn là một quyền uy đáng sợ. Ông biết đứa con gái quan hệ... bất chính với “thằng giang hồ” có xuất xứ mập mờ nên rất không bằng lòng, thường theo dõi ngăn trở. Vì vậy, mỗi lần hai người muốn gặp nhau, muốn có những giờ phút riêng tư với nhau, tôi luôn luôn được giao phó nhiệm vụ làm một tên lính gác, và tôi đã chu toàn “trọng trách” một cách rất đáng khen. Bù lại, tôi được chú Giản truyền cho ít tài hoa của chú. Chú dạy tôi vẽ, chú dạy tôi làm thế nào để phóng một khuôn mặt chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay lên mặt giấy lớn, làm thế nào để vờn ngọn bút lông từ sắc độ đậm chuyển dần qua nhạt, tạo chiều sâu “y như chụp”... Nửa năm theo thầy, tôi đã chập chững vẽ được chút đỉnh. Chút đỉnh thôi, nhưng cũng đủ để tôi... “hù dọa” bọn bạn bè cùng trang lứa. Tôi vô cùng hả hê sung sướng. Nghĩ, một ngày nào, không xa, sự hào hoa phong nhã của chú Giản cũng sẽ là của tôi, của riêng tôi.

* * *

Nhưng niềm hả hê sung sướng đó không tồn tại được lâu. Một biến cố không ngờ nhất đã đảo lộn tất cả mọi chuyện, biến lòng kính trọng tôi dành cho chú Giản thành nỗi đau đớn khôn nguôi. Cho đến ngày nay, đã mấy mươi năm trôi qua, hầu hết những người từng tham dự vào thảm kịch kia đã ra người thiên cổ, hoặc đã xiêu dạt phương nào, vậy mà mỗi lần nhớ lại, sống lưng tôi vẫn lạnh toát, trái tim tôi vẫn như có một mũi nhọn bén ngót xuyên qua, đau buốt.

Biến cố khởi đi từ một buổi chiều.

Như mọi buổi chiều khác, sau khi từ trường về, tôi cất nhanh cặp sách rồi ba chân bốn cẳng chạy ra bờ sông, nơi có căn nhà của chú Giản. Khi đi ngang qua khu vườn hoang, bụng tôi bỗng quặn đau. Có lẽ mấy trái quít chua cùng ăn với thằng bạn trong giờ ra chơi là nguyên nhân? Tôi vội vã rời lối mòn, vạch cỏ lủi sâu vào bên trong. Tôi biết cuối đáy khu vườn hoang, phía tay trái, có một con lạch nhỏ chảy ra sông, nơi đó khuất kín và có nhiều nhánh cây oằn ngang qua con lạch, sà mấp mé mặt nước. Ngồi trên những nhánh cây này, dưới bóng râm của các tàng lá rậm để làm cái công việc thứ tư trong tứ khoái, dĩ nhiên sẽ thần tiên nhất trần đời. Lúc sắp đến con lạch, tai tôi bỗng nghe từ phía sau một bụi rậm tiếng cười nghèn ngẹt, khúc khích của một giọng nữ và tiếng thì thào của chú Giản. Vâng, cái giọng Bắc khàn khàn rất ấm này nhất định không thể của ai khác ngoài chú Giản. Làng tôi, làm gì có người thứ hai nói giọng Bắc? - Cả tuần nay không gặp em, nhớ em quá...

Tôi ngồi thụp nhanh xuống cỏ, định thối lui. Nhưng tính tò mò của một cậu trai mới lớn đã giữ chân tôi lại. Tôi muốn biết rõ sự cố gì đang xảy ra phía sau bụi rậm kia. Phân vân vài giây, tôi thận trọng vạch nhẹ cỏ lau bò tới... Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là hai bắp đùi trắng nhễ nhại của một người con gái đang quằn quại dưới thân thể vạm vỡ của chú Giản, cỏ quá rậm, và đang ở trong vị thế núp lén nên tôi không thể nhìn thấy phần trên của hai người. Cô gái bây giờ không còn cười nữa, chỉ nghe tiếng thở hổn hển gần như tắt nghẹn trong cổ họng. Chiếc quần mỹ a đen láng còn vướng lùng nhùng dưới hai đầu gối cô ta. Chú Giản cong người vói tay tuột ra. Chú tiếp tục thì thào:

“Bao năm rồi em vẫn tuyệt vời như xưa. Anh yêu em, anh yêu em nhất...”

Tôi rướn người lên, cố gắng nhìn rõ mặt cô gái. Cô Tâm, chắc chắn là cô Tâm. Tôi nghĩ, dù có hơi nghi hoặc. Bao năm rồi..., Tại sao lại bao năm rồi? Cô Tâm chỉ mới là người yêu của chú trong vòng sáu bảy tháng nay thôi mà! Và mới ngày hôm qua cô Tâm vừa đem thuốc lá cà phê đến cho chú đấy thôi! Làm gì có chuyện cả tuần nay không gặp em. Tôi mím môi cố nhịn cười. Cái ông chú này thật... mê tơi quá đâm lú lẫn! Cô gái vòng tay ôm ghì tấm lưng bóng lưỡng của chú Giản, hơi nhỏm người xoay nghiêng để chú vén chiếc áo cánh lên cao. Khi chú Giản quỳ dạng chân hai bên hông cô gái ngồi dậy, nguyên phần thân trên và khuôn mặt cô ta lộ hẳn trên thảm cỏ xanh. Trời ơi. Sống lưng tôi chợt lạnh toát!

Mẹ tôi...

Mẹ tôi...

Mẹ tôi...

Mẹ tôi đấy ư?

Nhưng làm sao lầm được! Có thể nào lầm được dưới ánh sáng tuy đã nhá nhem nhưng vẫn còn trông rõ mồm một của buổi chiều tà!

Suýt tí nữa mồm tôi bật ra tiếng kêu thảng thốt. Tôi nằm sụp xuống. Cố sụp xuống, cho thật sát mặt đất. Tôi sợ hai người nhìn thấy tôi hay tôi sợ chính tôi sẽ nhìn thấy rõ hơn hoạt cảnh trước mắt? Sống lưng tôi vẫn lạnh loát, và trái tim tôi vừa đập nhốn nháo, vừa đau nhói từng cơn.

Phía sau bụi rậm, diễn biến có lẽ đang đi đến giai đoạn cao điểm. Trong tai tôi lùng bùng tiếng rên rỉ, tiếng thở hổn hển, tiếng nấc nghẹn từng cơn... Nước mắt trào ra hai bên khóe, tôi run rẩy bò ngược lại lối cũ. Cơn đau bụng đã rút mất từ bao giờ... Ra đến lối mòn, tôi dừng lại một vài giây rồi vùng chạy như một thằng điên. Tôi chạy, bán sống bán chết. Tôi chạy, như bị ma đuổi. Tôi chạy, không định được hướng, chỉ một cảm giác duy nhất tôi còn nhận ra là phía trong lồng ngực, chỗ tay trái, cơn đau mỗi lúc một lớn hơn, dữ dội hơn. Miệng tôi nóng bừng, cổ họng bỏng cháy. Tôi có cảm tưởng thiếu hẳn dưỡng khí để thở. Trên mặt, nước mắt vẫn tiếp tục tuôn trào nhem nhuốc. Tôi chạy, chạy mãi... Hai chân dường như đang bị một ma lực vô hình nào đó đẩy về phía trước, không thể cưỡng chống, dù mệt đứt hơi.

Và tôi chỉ dừng lại khi nhận ra mình đang đứng trước nhà cô Tâm.

Cô Tâm.

Tại sao?

Sự thôi thúc tối tăm nào của tiềm thức đã đưa tôi tới đó?

Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa tìm ra lý do. Cái lý do kỳ bí đã là nguyên nhân của một loạt những thảm kịch xảy đến cho những người thân của tôi. Cha tôi, mẹ tôi, và ngay cả chính bản thân tôi.

Từ sau chái bếp cô Tâm tất tả chạy ra khi nghe tiếng tôi gọi thất thanh. Nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của tôi, cô vội ôm tôi vào lòng:

“Nín, nín. Việc chi rứa...”

Tôi ngước mặt nhìn cô. Mười hai tuổi, lẽ ra tôi phải khôn hơn. Mười hai tuổi, lẽ ra tôi phải biết cân nhắc điều lợi lẽ hại. Nhưng lòng tôi, tim tôi, óc tôi, toàn thân tôi đã ướt sũng nỗi bi thương cùng cực. Trong cơn hoảng loạn đó, làm sao tôi có đủ sáng suốt để tự chủ, để tính toán thiệt hơn? Tôi ngước nhìn cô. Tôi ngước nhìn cô... và cơn khóc âm ỉ trong ngực bỗng trào ra, nức nở. Cô Tâm vừa cuống quít vỗ về vừa gặng hỏi nguyên do.

Cuối cùng, cũng như tôi, khuôn mặt cô dần dần trắng bệch ra, dù những lời kể của tôi không mấy mạch lạc, luôn tắc nghẽn trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Cô Tâm chợt buông tôi ra, nhìn xoáy vào mắt tôi. Giọng cô trở nên khô khốc, lạnh lẽo. Âm thanh thoát ra từ môi cô, xuyên qua hai hàm răng nghiến chặt, như tiếng cọ xát của hai mảnh thủy tinh, khiến tôi rùng mình, toàn thân run bắn:

“Thiệt chớ. Em thấy thiệt chớ?”

Tôi gật đầu.

Cô Tâm vùng chạy. Tôi nức nở nhìn theo. Cho đến khi bóng cô khuất hẳn trong rừng cây phía khu vườn hoang từ lâu, tôi vẫn còn đứng ngẩn ngơ rũ liệt dưới chái hiên, lòng rối bời ngổn ngang hàng trăm nỗi niềm tủi cực, đau đớn không cùng.

Sau này, qua bàn tán của bà con lối xóm, tôi được biết cô Tâm đã lục sạo khu vườn hoang và bắt tại trận đôi “gian phu dâm phụ”. Cô “cướp” được một “chiến lợi phẩm” là chiếc quân mỹ-a của mẹ tôi, tức tốc mang đến nhà tôi, gọi cha tôi ra giao cho ông kèm theo hàng loạt những lời rủa sả mắng nhiếc tàn tệ nhất mà ngôn ngữ của loài người có thể diễn đạt được.

Tôi không có mặt lúc đó nên không thể hình dung thái độ của cha tôi ra sao. Chỉ biết, sau đó, không bao giờ tôi gặp lại chú Giản, cũng không bao giờ tôi gặp lại cô Tâm. Gã giang hồ tài hoa lãng tử đã cao chạy xa bay đến một phương trời khác, có lẽ cùng với người đàn bà chanh chua bản lĩnh, để lại hậu quả là cái “địa ngục có thật” mà tôi, một đứa trẻ mười hai tuổi, phải chứng kiến, tham dự hàng ngày.

Cha mẹ tôi không bỏ nhau. Luân lý, phong tục, con cái... không cho phép họ làm điều đó. Nhưng cũng bởi những hệ lụy ràng buộc kia, họ đã biến thành những con thú khốn quẫn nhất, tồi tệ nhất. Mẹ tôi hốc hác rạc rài hẳn ra, chẳng hiểu vì hối hận, vì nhớ thương người tình giang hồ tài hoa hay vì những đòn thù của cha tôi. Cha tôi, người đàn ông trầm tĩnh, chừng mực, nghiêm khắc, đã không quên được mối nhục. Ông dai dẳng trả thù người vợ tội lỗi bằng cái cách bề ngoài xem ra rất... nhẹ nhàng nhưng lại hết sức tàn độc. Tôi từng nhìn thấy, nhiều lần, rất nhiều lần cách trả thù vô cùng hiệu quả của ông.

Thỉnh thoảng, vào buổi sáng, khi mẹ tôi dọn lên bàn phần ăn sáng của cha tôi, ông giữ bà lại:

“Đứng đó, tui biểu.”

Đã đoán trước việc gì sắp xảy ra, mặt mẹ tôi trở nên nhăn nhúm thất đảm. Cha tôi chậm rãi móc túi vất lên bàn tờ giấy bạc 10 đồng, hất hàm:

“Đó, trả công tối qua.”

Mẹ tôi đứng chết lặng như một tượng gỗ. Cha tôi vừa kéo phần ăn sáng về phía mình, vừa thản nhiên nhắc: “Cầm đi, còn chờ gì nữa? Tui trả đúng giá đó, loại đĩ nhỡ thì như cô, giá rứa phải chăng lắm rồi. Tui đi chơi bời bên ngoài có khi còn rẻ hơn.”

Thường, mẹ tôi cúi gầm mặt cắn răng chịu đựng. Nhưng cũng có một đôi lần, bà vùng lên phản kháng, dù là cách phản kháng rất yếu ớt của một con chó bị đánh đau trước mặt chủ:

“Ông muốn làm gì tui thì làm, giết tui tui cũng cam chịu, chỉ xin ông đừng hành hạ tui nữa.”

Cha tôi ngả người ra thành ghế, ông ngước nhìn bà. Trong đôi mắt ông một tia lửa rừng rực căm thù trộn lẫn tủi nhục tóe ra:

“Tui hành hạ chi cô? Nghề của cô mà! Ăn bánh trả tiền... Chuyện tất nhiên phải rứa. Tui đâu phải thánh thần gì, thỉnh thoảng cũng có lúc con heo lòng khốn nạn trong người tui nó đòi hỏi, đi ra ngoài giải quyết thì rắc rối mắc công, thôi thì đĩ nào cũng là đĩ...”

Mẹ tôi bật khóc:

“Xin ông tha cho tui, xin ông để tui yên...”

Cha tôi cười khẩy, xô ghế đứng dậy. Ông bước ra ngoài lấy xe đạp đi biệt. Thường những lần như thế hoặc ông mất tăm vài ba ngày, có khi cả tuần, hoặc nếu trở về ngay trong ngày thì cũng đến giữa khuya, nghiêng ngả xiêu vẹo trong cơn say mù mịt.

Cho đến một đêm, đang ngon giấc tôi bỗng giật mình choàng tỉnh. Tiếng hét nức nở của mẹ xoáy vào tai:

“Tui là vợ ông, không phải đĩ, ông không có quyền đối xử với tui như rứa.”

“Mi không phải đĩ thì là thứ chi? Là trâu, là chó à?”

“Ông tàn nhẫn cũng vừa vừa thôi...”

“Tàn nhẫn? Tao sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Tao ngủ với mi, tao trả tiền hẳn hoi, tao không ăn lường chơi chạy, mi phải chiều theo ý tao, nghe rõ chưa... rõ chưa... hở?”

“Trời ơi! Sao tui khốn khổ như ri hả trời! Nếu không vì hai đứa nhỏ, tui chẳng còn thiết sống làm chi...”

“Mi đã làm đĩ bao nhiêu năm ni, đã rạc rài cả xác lẫn hồn, còn bày đặt trí trá... Hừ, vì hai đứa nhỏ! Loại người như mi mà còn nghĩ đến con cái à?”

“Tui không nghĩ đến tụi nó, không lo cho tụi nó thì là ai? Ông ích kỷ cũng một vừa hai phải thôi chớ! Bao nhiêu năm ni ông chỉ biết có rượu chè thơ phú, vợ con chẳng thiết đoái hoài. Bộ tui là cái máy đẻ, là con sen cái ở, là đất đá vô tri chắc? Nói thiệt với ông, nếu ông cư xử có tình có nghĩa với tui một chút, chắc chắn tui đã không sa ngã hư hỏng như rứa mô...”

Cha tôi hét lên:

“Đồ khốn nạn... Đồ đĩ rạc... Mi còn dám đổ lỗi cho tao à?”

Tiếp theo, tiếng bàn ghế ngã đổ. Tiếng mẹ tôi khóc rống...

Tôi bịt chặt hai tai, úp mặt xuống gối. Những giọt nước mắt tủi cực trào ra ràn rụa nhớp nháp. Bên cạnh tôi, thằng em trai lên tám cũng đã lồm cồm bò dậy, nó dương mắt nhìn tôi, dò hỏi. Tôi đẩy thằng em nằm xuống, thì thào:

“Ngủ đi... ngủ đi...”

Bỗng cánh cửa phòng cha mẹ tôi bật tung, bung đánh sầm vào vách. Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu trên trang thờ tỏa ra yếu ớt, tôi nhìn thấy mẹ tôi nửa thân trên để trần, đầu tóc rối bù rũ rượi, phóng chạy lảo đảo ra ngõ. Phía sau, tiếng hò hét thô tục lồng lộn ném theo.

Một lúc lâu, tiếng chửi rủa của cha tôi thưa dần rồi dứt. Thằng em trai có lẽ đã ngủ trở lại. Tôi nằm, mặt vẫn vùi vào gối. Tôi hoang mang lo sợ không hiểu mẹ chạy đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt? Tôi muốn trở dậy ra ngoài tìm mẹ nhưng cứ mường tượng đến khuôn mặt đằng đằng sát khí của cha, tôi sợ.

Tôi trằn trọc mãi đến gà gáy sáng rồi mệt quá thiếp đi.

Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nhìn thấy mẹ tôi quần áo tả tơi, gần như trần truồng, khắp người máu me đầm đìa, đang cố gắng chạy về phía trước trên hai chân nghiêng ngả loạng choạng. Sau lưng mẹ, một cái bóng khổng lồ, đen ngòm, gấp rút đuổi theo. Cái bóng, với hai cánh tay dài vươn tới, vươn tới. Hai cánh tay càng lúc càng dài thêm ra và bỗng chốc biến thành hai chiếc vòi bạch tuộc lởm chởm gai nhọn. Khi hai chiếc vòi sắp bắt kịp để quấn quanh thân thể mẹ thì chú Giản bỗng hiện ra. Chú ôm lấy mẹ, hai cánh tay mẹ choàng qua lưng chú. Chiếc quần mỹ-a lùng nhùng dưới hai đầu gối mẹ, chú Giản khom người tuột ra, tiếng chú thì thào Cho anh đi... cho anh đi... Cô Tâm xoáy tia nhìn bén ngót như dao vào mắt tôi, Thiệt chớ, mi thấy thiệt chớ? Cô chạy như biến vào rừng cây phía khu vườn hoang, tiếng cô chói lói vang dậy giữa không gian lồng lộng của buổi chiều tà Đồ trốn chúa lộn chồng... Đồ trốn chúa lộn chồng... Đồ đĩ rạc thúi tha...

Tiếng hét của cô Tâm lôi tôi ra khỏi giấc mơ.

Bên ngoài, trời đã sáng từ lâu. Nắng mai trải trên miếng sân đất một màu rực rỡ, cùng lúc tôi nghe thấy chung quanh xôn xao tiếng người. Tôi dụi mắt ngồi dậy bước ra sân.

Chỗ góc sân, dưới chái hiên, xác mẹ tôi tái ngắt, mái tóc búi xổ tung bê bết đất cát rong rêu. Hai mắt trắng dã trợn trừng, từ chiếc miệng há hốc với hai vành môi thâm tím, nước đang ri rỉ trào ra. Nửa thân trên không mặc áo, chiếc quần đen còn sũng nước dán sát vào da, đã đứt bung chiếc khuy cài bên hông vì chiếc bụng trương phình như bụng của một sản phụ sắp đến ngày sanh. Cha tôi đứng bên cạnh, đầu ông gục sâu xuống ngực, hai vai nhô cao, bất động như một tượng đá.

Tôi bật khóc nức nở.

Tôi bật khóc nhưng không dám bước đến gần xác mẹ. Một phần, tôi sợ cha, một phần khác, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một xác chết trôi, trông dị dạng và khủng khiếp quá. Chung quanh, bà con chòm xóm tụ lại mỗi lúc một đông. Tôi nghe người ta rì rào bàn tán. Tôi nghe, tiếng được tiếng mất bằng hai lỗ tai đã lùng bùng, nhưng cũng đủ để hiểu sự cố xảy ra: Bác Tư Nhàn, người đàn ông làm nghề chài lưới, sáng nay vừa xuống đến bến sông đã nhìn thấy xác mẹ tôi dập dềnh chỗ chân cầu. Mẹ tôi, trong cơn hoảng loạn sơ sẩy chết đuối hay cố tình quyên sinh? Tôi không biết, mãi mãi không biết!

Cái chết của mẹ đã đẩy cha tôi xuống tận đáy cùng của kiếp người khốn khổ. Lớp vỏ cương cường đến tàn nhẫn bấy lâu nay cha mặc trên người bỗng chốc rệu rã rơi rụng, cha ngập dần trong sự suy kiệt từ thể xác đến tinh thần. Với ông lúc bấy giờ, ngày và đêm chỉ được phân biệt bằng những cơn say đảo điên thần trí và những giấc ngủ nhọc nhằn ác mộng. Một thời gian ngắn sau cái chết của mẹ, cha tôi hoàn toàn biến hình thành một con người khác, mái tóc ông bạc trắng, rối bù dính bết vào nhau, khuôn mặt sạm đen, lưỡng quyền nhô cao, đôi môi thâm sì nứt nẻ, hai mắt lúc nào cũng ngầu đục, lèm nhèm những ghèn. Tiền bạc còn lại không được bao nhiêu kể từ ngày mẹ tôi qua đời đã bị ông đem đốt sạch vào men rượu. Tình cảnh gia đình sắp rơi vào chỗ vô phương cứu vãn.

Nghĩa là cả ba cha con có nguy cơ chết đói.

Tôi bỏ học lao vào đời. Bằng đôi tay non yếu của tuổi mười ba, tôi không từ nan bất cứ công việc gì, miễn có tiền. Trước, nuôi thân, sau, nuôi em và đáp ứng phần nào nhu cầu gần như vô giới hạn của cha tôi: men rượu. Tôi chưa đủ lớn để can ngăn cha, vả lại, dù biện minh cách nào tôi vẫn không thể xóa được mặc cảm rằng mọi sự cố tan nát đã xảy ra một phần lớn khởi nguồn từ tôi. Nếu tôi đủ thông minh và tự chủ để đừng “khai” ra hành động tội lỗi của mẹ với cô Tâm thì có thể mọi chuyện đã không xảy đến, mẹ tôi đã không chết, cha tôi đã không như bây giờ. Tôi cắn răng nhận gánh mọi cơ cực cùng những cơn say điên cuồng của cha với một niềm an ủi què quặt: Chỉ có sự hy sinh may ra mới cứu rỗi được phần nào tội lỗi tôi đã gieo.

Phần số của gia đình tôi những tưởng như thế đã yên, dù là sự yên ổn của một ngôi nhà mồ hoang phế lạnh lẽo. Nhưng thảm kịch lại đến một lần nữa vào năm tôi mười lăm tuổi. Cha tôi, trong trận rượu từ một đám giỗ làng bên trở về, đã lại ngã xuống sông và chết đuối. Ông say quá ngã sông hay cố tình quyên sinh? Lại một câu hỏi nữa mãi mãi tôi sẽ không bao giờ giải đáp được. Như mãi mãi không tìm thấy câu trả lời, về cái chết của mẹ, hai năm trước.

Chúng tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi thực sự. Một người bà con xa nhận em tôi về nuôi. Riêng tôi, cảm thấy khó lòng sống yên trong ngôi làng này, ngôi làng đã lưu giữ quá nhiều kỷ niệm đau thương, vả lại, ở đây chẳng còn một hệ lụy nào khả dĩ khiến tôi lưu luyến. Cuối năm mười lăm tuổi, tôi rời khỏi làng, bắt đầu cuộc sống giang hồ thực sự. Cuộc sống của chú Giản, trước kia. Lạ lùng chưa? Ngày xưa chú Giản rời gia đình năm mười lăm tuổi, bây giờ cũng với số tuổi mười lăm, tôi thực sự làm chủ đời mình!

Những khổ đau, những tang thương, những bất hạnh, những nổi trôi thành bại... Con đường chông gai tôi đã đi qua gần trọn một kiếp người, có lẽ cũng không cần thiết để kể lại. Bao nhiêu năm sống trong cuộc đời, tôi đã chứng kiến không ít những thảm kịch to lớn, sá gì cái thảm kịch nhỏ nhoi của đời tôi? Chỉ có một điều tôi vẫn chưa thể hiểu là cho đến ngày hôm nay, mỗi lần nhớ lại chuỗi biến cố kia, cảm giác nhói đau chỗ trái tim vẫn còn nguyên vẹn, vậy mà, lạ quá, lòng tôi vẫn không gợn lên một chút căm thù nào khi nghĩ về chú Giản. Trái lại, trong những lúc cùng cực nhất bởi khốn khó, tôi vẫn cố gắng bằng mọi cách vượt qua, vươn lên để tiếp tục đi tiếp con đường ngày xưa chú Giản đã chọn, con đường của một nghệ sĩ. Phải chăng trong tiềm thức tôi, hình ảnh tài hoa của chú Giản đã quá sâu đậm, nó trở thành một ước mơ có khả năng bôi xóa tất cả mọi tình cảm yêu thương ghét giận? Hay phải chăng, cũng từ tiềm thức, ý hướng trả thù đã được thăng hoa để trở thành một nỗ lực vượt qua, vượt trên kẻ thù? Ngày xưa chú Giản chỉ là một anh thợ vẽ chân dung tầm thường, làm sao so sánh với tôi bây giờ, đã là một họa sĩ? Ngày xưa chú Giản chỉ có một vài bài thơ đăng báo, làm sao so sánh với tôi bây giờ, đã là một nhà văn?

Tôi không biết.

Lại nữa, năn tháng qua đi, tuổi đời chồng chất, tôi càng thấy rõ hơn điều này: Ngoại trừ những thánh nhân - nếu quả thật có thánh nhân - tất cả chúng ta, những con người bình thường, đều mãi mịt mù trầm luân trong điều phải lẽ trái. Quả thật rất khó khăn khi muốn phân định rạch ròi đâu là biên giới giữa thiện và ác. Ngày xưa tiền nhân đem quân tiến về phương Nam, san bằng Chiêm thành, làm cỏ Chân lạp, bây giờ chúng ta nức lòng ca ngợi tỉền nhân đã có công mở mang bờ cõi. Nhưng người Tàu cũng mang quân vượt ải Nam quan, mưu đồ thống trị đất Việt, chúng ta vùng lên chống cự và gọi họ là quân xâm lược. Đúng sai chỗ nào? Thiện ác ở đâu? Phải chăng đúng sai, thiện ác chỉ là những kết luận có tích cách chủ quan, phiến diện? Nếu cha tôi lo ra chăm sóc mẹ tôi hơn, nếu bà thực sự tìm thấy hạnh phúc bên cạnh một người chồng có trách nhiệm, biết lo toan, thì chuyện ngoại tình có xảy ra không? Nếu những người đàn bà - trong đó có cả mẹ tôi - không yêu thương chú Giản, không nhìn thấy chú như một niềm ước mơ họ thiết tha tìm kiếm thì làm thế nào chú có cơ hội rong chơi trong tình ái? Và cái ma lực quyến rũ của chú, cái tài hoa của chú, bản chất đa tình của chú nào phải tự chú tạo nên? Không thể quy trách tội lỗi cho ngọn đèn nếu vì ánh sáng của nó mà những con thiêu thân đã tự nguyện lao vào, rụng chết tả tơi.

Xét cho cùng, mỗi người sinh ra đều gắn liền với một định mệnh. Chú Giản, mẹ tôi, cha tôi, và cả tôi nữa đều là những quân cờ nhỏ nhoi trên một bàn cờ nghiệt ngã mang tên định mệnh.

Nhưng tại sao tôi cứ mãi tìm cách biện minh, bênh vực chú Giản?

Phải chăng trong huyết quản tôi, dòng máu của chú Giản đang cuồn cuộn chảy? Phải chăng sợi dây vô hình nhưng thiêng liêng của huyết thống đã trói buộc hai chúng tôi lại với nhau, đã khiến tôi không thể nào nghĩ về chú Giản như nghĩ về một kẻ thù đã từng gây ra bao nhiêu biến cố tai ương?

Tôi không biết.

Chỉ có một người duy nhất có đủ thẩm quyền để trả lời nghi vấn kia: Mẹ tôi.

Buồn thay, bà đã ra người thiên cổ!

Văn bản do nhà văn Trần Vũ cung cấp