Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Thi phẩm Lục bát tản thần của Nguyễn Hàn Chung qua lời bình của Luân Hoán và Vân Hạ

Bìa 6 (3)

LỤC BÁT TẢN THẦN
NGUYỄN HÀN CHUNG


Luân Hoán

thi phẩm
tranh bìa: Hót của Lê Minh Phong
các phụ bản: Lê Minh Phong
trình bày bìa và kỹ thuật: Nguyễn Nam Trân
đọc bản thảo: Dương Diên Hồng
sách dày 242 trang
trang thơ sáng rõ, khổ chữ không làm khó mắt người đọc
không ghi ấn phí
sách do Bản Sắc Việt của chính tác giả chủ trương
phát hành - năm 2018
mọi in ấn phát hành và bản quyền được sự đồng ý của tác giả,

Nội dung phong phú với 200 bài lục bát. (Sách có bán trên amazon.com)
Mở tập với bài Về Thôi, Lục Bát, gồm 4 cụm mỗi cụm 4 câu. cụm (tôi thử dùng từ này thay chữ khổ thông dụng) cuối cùng như sau:

... về đem lục bát ra phơi
có em đang cắp nón cời đợi nhau
anh từng chiết giải thâm sâu
chiều quê vẫn sững sờ câu "chiều chiều..."

Tôi khoái động từ "cắp" Nguyễn Hàn Chung dùng. Hình ảnh một thôn nữ kẹp nách một cái nón giàu mồ hôi nắng gió thật rõ nét. đẹp.

bài kết tập có tên gọi thú vị, nhưng không lạ: Làm tình & thơ tình, gồm 3 cụm rưỡi, trọn bài như sau:

thơ tình, khác với làm tình
khác nhau xa chẳng phải hình như đâu
thơ tình mê hoặc rất lâu
làm tình mê muột rất mau lẹ mà !

làm tình không có thăng hoa
có khi giết cái bóng tà khỏe ra
thơ tình như suối như khe
nghìn năm, không nói quá nghe, vẫn tình

nàng ơi, xin cảm thương anh
thơ tình thế chấp làm tình thế gian
mai rồi anh có lên đàng
thơ tình miên viễn tràng giang em à !

làm tình anh cất trong nhà
thơ tình hiến tặng bao la cõi người.

Không rõ các bạn đọc khác ra sao chứ riêng tôi chỉ đồng ý với nhà thơ hai câu kết thôi. Tôi cũng từng so sánh hai động tác hưởng lạc này, và hình như cũng có nhiều bạn khác thực hiện. Có dịp tôi sẽ sưu tập và phổ biến để các bạn cùng đọc.

Với thể loại lục bát, xưa nay tôi đồng tình với nhận xét " dễ làm, khó hay" Nay tôi bổ túc, thơ lục bát ai cũng làm được và bất cứ ai cũng có vài cặp xuất thần thú vị.

Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, thành danh từ các thi phẩm: Tìm Tôi Trong Bóng (1999), Nói Hộ Phù Du (2002), Nghịch Lưu Của Tuổi (2011), Dự Cảm Rời (2016), Lục Bát Tản Thần (2018) và 3 cuốn sách khác, in chung. Lục bát là một ngón quen tay rất xuất sắc của anh.

Trình độ viết Lục bát khác nhau, và nói theo kiểu túc cầu "có đẳng cấp" chỉ ở chỗ sắp xếp vị trí của từ ngữ. Cũng chỉ trong 14 chữ giống nhau, tùy theo sự xáo trộn sắp xếp, 6 trên 8 thành thơ hay không, bên cạnh đó dĩ nhiên phải có tứ thơ, hình ảnh, màu sắc cùng những tinh quái khác.

Tôi không có ý định bình thơ Nguyễn Hàn Chung, nhưng kết luận gọn bằng câu này:

Anh là thi sĩ, thơ hay, thơ đúng nghĩa của nó. Nếu cần thêm, tôi xin nói:

Cảm ơn Nguyễn Hàn Chung không có hoặc bỏ ý định tiếp cận những cánh cửa thi ca thế giới. Anh ở lại cùng vần vè (nói theo kiểu châm biếm của những người học theo cách tân) hoặc vần điệu (theo nhóm thủ cựu, cũng ăn theo người xưa). Tân kỳ hay thơ có vần đều là hình thức cả. Không đồng dạng, đồng phục trong nhóm này, thì cũng ở bầu, ở ống trong nhóm khác. Cái cần là ghi nhận cuộc sống với tài nghệ riêng, Và phương thức ghi nhận cần có người khác đồng tình thưởng ngoạn. Tạo đường lối mới hay học theo đường lối mới, không phải đả phá cái cũ để đi lên, kiểu nhóm Sáng Tạo một thời cũng có giai đoạn đầu áp dụng. Hướng dẫn sự thưởng ngoạn của tôi (nói theo kiểu toà án) đương nhiên không thiếu sự sai lệch. Tất cả tùy theo bạn đọc cảm nhận trực tiếp cùng tác phẩm.
Mời cùng đọc Lục Bát Tản Thần của Nguyễn Hàn Chung, để biết sự tản thần của anh khi viết ra sao. Và cũng để xem mình sẽ tản thần như thế nào khi đọc lục bát của anh.

Luân Hoán
8.28, 06.10.2018


Đọc LỤC BÁT TẢN THẦN

của tác giả Nguyễn Hàn Chung

Vân Hạ


Tập thơ dày, chẵn 200 bài. Ngoài một số ít bài như Về thôi lục bát, bệnh mù màu đã thuyên, Trước biển, Thấy, Độc thoại chữ, Ngụ ngôn con đà điểu, Về làng, Tự ngôn thơ, Xem diễn kịchhoặc một vài bài tuy có tên “Yêu kẻ ngoại tình, Tôi viết thơ tình rất chay” nhưng lại không phải thơ tình. Hơn trăm bài còn lại toàn thơ tình. Hàng trăm bài thơ tình trong một tập thơ. Thật khó cho tôi vì lĩnh vực này tôi mít đặc. Không dám mon men. Nói theo ngôn ngữ facebook bây giờ “tuổi gì” mà dám bình bàn. Biết vậy nhưng khi đọc không thể cấm được những cảm nghĩ lan man.

Vì vậy những đoạn trích và một số bài chép lại dưới đây tôi xin phép “tuyển” theo ý tôi, một người đọc trong muôn bạn đọc. Nếu bạn có ý khác xin mời đọc nguyên tác Lục Bát Tản Thần của tác giả trong Bản Sắc Việt.

*

Đầu tiên tôi nghĩ về tên tập thơ. LỤC BÁT, thể thơ sáu tám truyền thống gần gũi với ca dao, dân ca. Ca dao dân ca như rau tập tàng như hoa ven đường, tôi không chỉ yêu mà còn thương.

TẢN THẦN, hay “tản thần hồn” lại xuất xứ từ vùng quê xứ “Quảng Nôm” của tác giả, chính xác hơn là câu thường nói của mẹ ông, như nhà thơ có lần tiết lộ. (Xin lỗi nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, chính ông đầu têu viết theo phát âm người xứ Quảng trước như chó đớm, gió nờm, nên người đọc mới dám hỗn kêu Quảng Nôm). Vậy, bốn chữ “LỤC BÁT TẢN THẦN” đã thấp thoáng phần hồn của tập thơ. Đó là tiếng lòng của người con xa quê ngoái về cố hương, như chính tác giả thú nhận:

“Anh từng chiết giải thâm sâu

Chiều quê vẫn sững sờ câu “Chiều chiều…”.

Hai câu này rút trong bài “Về thôi lục bát” (Về thôi lục bát?!), tên bài thơ đầu tiên trong tập. Có nhiều bài ca dao bắt đầu bằng câu chiều chiều. “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”; “Chiều chiều mây phủ Ải Vân/ Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân thêm buồn”. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”; Và câu “Chiều chiều ra đứng lầu tây/ Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng” đã được hát thành bài Lý Chiều Chiều buồn man mác, hay đến nao lòng.

Rải rác trong các bài thơ khác trong tập cũng có nhiều câu mang tâm trạng chiều chiều như vậy. Ví như bài “Trước biển”

Nhà Tây không có ngõ sau

Ngó quanh bốn bức tường sâu chín chiều”

“Về ra ngó biển mà đau

Trập trùng tôm cá dòng sâu. Lạnh rồi!

Sao đành câu lí câu lơi

Gió dông dập đến mãn đời ngư dân”

“Con không đủ sức lật thuyền

Lòng trong xác cá triền miên trắng bờ”.

Nhưng lục bát của “Lục bát tản thần” khác ca dao. Hiện đại hơn linh hoạt hơn, của riêng thương hiệu Nguyễn Hàn Chung. Những câu nói lái kiểu Nam Trung bộ, kiểu Hồ Xuân Hương được ông chọn lựa sử dụng đã làm những bài thơ có nội dung nặng trở nên nhẹ hều, đọc xong mới hiểu tác giả không đùa. Có lẽ nhờ vậy dù tập thơ toàn lục bát nhưng khi đọc vẫn không bị mê man mất tỉnh táo theo nhịp điệu ru ru đều đều của thể thơ này. Có những bài có lẽ tác giả viết cho những người cùng thời ông, đang sống cùng không gian với ông, như:

Từ ta con chữ phản đòn

làm thơ chạy trốn mơ màng khôn nguôi” (Về đâu đợi nàng).

Hoặc “Tưởng ông lãnh tụ nào teo

hỏi ra mới biết cờ treo lộn hồn”. (Bệnh mù màu đã thuyên)

Không thật hiểu nhưng vẫn thấy hay hay. Bài thơ không vui nhưng đọc hai câu này lại thấy vui vui!

Trong bài “Cô liêu ca” có đoạn:

“Chừ mình mỏi rục tha phương

hồng nhan đã xếp ly còn nhớ nhau

lề mề câu trước câu sau

câu nào cũng có dàu dàu. Vì ai?”

Tôi thích hai từ láy dàu dàu, nó gợi nhớ khung cảnh “dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Ở đây nó vẽ lên hình ảnh hai người yêu cũ gặp lại nhau khi đã về già, chậm chạp lề mề hỏi thăm nhau bằng vẻ buồn bã, có thể cả than thở nữa (hai người này chắc phải ngoài 90!).

Bài “Về quê nhất định” mở đầu bằng cặp sáu tám: “Về quê nhất định phải ăn/ mít non trộn với rau răm cả ngày”. Những đoạn tiếp theo đều bắt đầu bằng cụm từ về quê nhất định: Về quê nhất định ra vườn… Về quê nhất định làm thơ… Về quê nhất định lái ghe. Và khổ cuối “Về quê nhất định đau lòng/ mà không về ruột bòng bong rối bời”. Ruột bòng bong, ruột rối như mớ bòng bong. Có lần bắt gặp một cụm dây bòng bong non còn sót lại trong tàn tích Mỹ Sơn, tôi đã reo lên như gặp lại rừng xưa thời tuổi nhỏ, nhưng khi gọi mọi người đến xem thì không ai biết, chẳng ai quan tâm bòng bong là cây gì!

Dưới đây là những đoạn trích.

“Anh ra viễn xứ làm thơ

về trông sang cả bất ngờ đó em!

xứ người dẫu có lọ lem

về quê chả lẽ lem nhem sao đành”

(Rạc rài về xứ)

Nhiều khi rất muốn du côn

lỡ cầm phấn mấy mươi hơn sao đành

Nhiều khi tính chửi tanh bành

cái đồ giun dế tung hoành chiếu văn”

… (Nhiều khi)

Tôi chửi thề loạn trong thơ

bỗng nhiên một bữa đang mơ mẹ về

nhìn tôi mẹ hỏi làm thơ

hay con chửi lộn với người con yêu”

…“Vò đầu tôi mẹ mỉm cười

hình như con sắp bảy mươi con à”

chửi thề thì mặc người ta

thơ tình thiên cổ không nhà nào điên”

…“Thơ tình phải rất nhu mì

có phá cách cũng không đi trật đường

Tránh mòn sáo giết văn chương

nhưng không vì thế mà luôn chửi thề”.

(Tôi viết thơ tình rất chay).

“…Cơ đồ sắp đổ xuống sông

mả mồ bại tướng chớ hòng ngủ ngon

má hồng vá lại càn khôn

mai sau em mất khói hương phụng thờ

…Trượng phu mà sống u mê

suốt đời chúi mũi xổ nghề lưu manh

rất thua con đĩ thập thành

rất thua con đĩ trâm anh dãi dầu”

(Nhớ một nàng kĩ nữ tiền bối).

Tôi về Đà Nẵng thăm tôi

tìm ngây thơ cũ tìm hồi hộp xưa

Tôi về Đà Nẵng nghe mưa

Nắng như lửa đốt ngày chưa xuống đò

Bạn bè có đứa hay ho

Đứa khô như tép buồn xo hát xàm

Đứa bắt tay nó lạnh òm

Đứa làm thơ phải diễn tuồng ruồi bu

Tôi về tìm bến Đò Xu

Sân bay Nước Mặn kín phu quán tàu

…Tôi về Đà Nẵng đẹp hơn

Gái Đà Nẵng có chập chờn đẩy đưa

Mà sao tôi thấy như vừa

Có ai cắt một lát cưa ngang chiều”

(Tôi về Đà Nẵng)

Tự ngôn thơ” không phải bài đầu tiên, không cuối cùng trong tập. Nhà thơ coi thơ như scag, một dạng ma túy làm vơi dịu niềm đau dù có lúc ông kêu lên “Thơ ca ích mẹ chi trời”. Tôi xin phép chép lại nguyên bài.

TỰ NGÔN THƠ

Chuyên tâm lục bát thản thần

Không ham cày xới mấy tầng thanh cao

Trữ tình bờ bụi ca dao!

Rong chơi tự sự tầm phào lâng lâng

Đôi khi gieo thả rần rần

Cũng là hơi hám cách tân bộn bề

Những gì cấm kị u mê

Tung ra xả láng chẳng hề sợ nhau

Thuốc nào vơi bớt niềm đau

Là ta chích choác cần đâu e dè

Chuyên tâm lục bát vỉa hè

không cam bóng sáo mòn đè lên thơ!

_______________

Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu.