Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 25)

NGÀY 18-10-2013

Về Tướng Giáp: Lịch sử và hôm nay

Hạ Đình Nguyên


Đại tướng Giáp đã thực sự rời chính trường năm 1980.

Suốt 25 năm tiếp theo ông như một chiếc bóng mờ nhạt không được bộ máy cầm quyền chính thức nhắc đến bao nhiêu. Tám năm tiếp theo, 2005-2013, phần lớn thời gian ông nằm trên giường bệnh, và ông ra đi vĩnh viễn lúc 18g ngày 4-10-2013.

Thế mà tin ông mất đã lan nhanh trong đêm như làm thức dậy cả dân tộc. Kỳ lạ thay, sự đánh thức bằng tiếng khóc. Tiếng khóc của sự tiếc thương bằng tình cảm chân thành, bằng sự kính trọng về một nhân cách lớn, về tài năng vượt bậc đã từng là trụ đỡ cho dân tộc trong một thời kỳ lịch sử gay go và oanh liệt nhất. Ông sáng lên như một tấm gương hoành tráng về chiến công, về lòng yêu nước chống ngoại xâm, tận tụy và trong sáng.

Đã hơn một tuần lễ, tôi no nê cảm xúc ngày và đêm, đọc và xem tài liệu về sự ra đi của Đại tướng Giáp. Tôi thưởng thức và hãnh diện về tài năng quân sự của Đại tướng, tôi ngợi ca tầm vóc nhân cách của Đại tướng, tôi chiêm bái tiếng khóc tiễn đưa của hàng triệu người VN về sự ra đi của ông, một sự xúc động mãnh liệt, hoành tráng, trong cả không gian và thời gian, với một chiều sâu nhân văn lồng lộng.

Đồng thời là những câu hỏi xuất hiện, rất ray rứt và không dễ trả lời.

Buổi sáng ngày lễ tang cuối cùng, tôi may mắn được tiếp chuyện cụ Trung tá Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, một trong hai đơn vị đầu tiên của QĐ NDVN, và là một con người gần gũi Tướng Giáp trong giai đoạn đầy máu lửa của cuộc chiến. Buổi tối, tôi “đọc phải” bài viết của một cô gái trẻ đang đấu tranh cho dân chủ hôm nay – Huỳnh Thục Vy.

Ba con người nói trên: quá già, rất già, và rất trẻ, như ba nét vẽ khác nhau, rời rạc, nhưng chung trong một dòng lịch sử đang chảy, làm cho nỗi ray rứt lớn dần ra… Những con người, những số phận và vận mệnh đất nước từ những thế hệ đã qua, đã lui vào lịch sử, rồi lại trườn ra, trải dài đến thế hệ hôm nay, bởi câu hỏi của người rất trẻ, bởi câu trả lời ngắn của người rất già, mà có chiều sâu thăm thẳm của cả đời mình…!

Những câu hỏi

Với Đại tướng Giáp, tài năng quân sự đã rõ ràng, đứng vào tầm lỗi lạc mà thế giới thừa nhận. Cốt cách, nhân văn cả cuộc đời ông cho đến khi nhắm mắt, đã được nhân dân Việt Nam chứng minh, tôn vinh, và kính trọng, biểu thị qua cuộc tiễn đưa tự nguyện, lớn lao với nhiều cảm xúc chưa từng có.

Nhưng cuộc ra đi ấy, giống như một tiếng trống làm vang lên trong đêm tối những câu hỏi lớn, vừa nóng bỏng, vừa mênh mông, như một dấu chấm hỏi, như để sang trang một thời đại, với nhiều ray rứt của mọi tầng lớp nhân dân, mà không thể không có lời giải đáp.

1. Tại sao Tướng Giáp đã bị kìm hãm, còn toan bị ám hại bởi những người đồng chí của mình, là những người cùng chiến đấu trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN? Tài năng quân sự của ông đã phủ trùm lên hai cuộc chiến tranh chống xâm lược vĩ đại, mà trong bộ máy lãnh đạo thì quyền uy của ông bị “đốn ngọn, chặt cành” cho đến lúc héo khô. Đâu là nguyên nhân cốt lõi? Phải chăng, sự tranh giành/thanh trừng nội bộ bản chất của một thứ chủ thuyết đã từng được chứng minh ở bất cứ nơi nào có chủ thuyết ấy ngự trị?

2. Tiếng khóc của nhân dân đối với Tướng Giáp mang thông điệp gì cho tình hình đất nước hôm nay? Có phải là tiếng khóc rất nhân văn được thăng hoa từ một sự tiếc nuối đầy phẫn nộ được kìm nén của cả dân tộc, báo hiệu một chuyển động bước ngoặc nào đó của lịch sử?

3. Sự đánh giá về tầm vóc của Đại tướng trong trang sử vàng của dân tộc, với tư cách là một tượng đài sừng sững của một giai đoạn Cách mạng sáng chói, nhưng đồng thời cũng là một nhân chứng hùng hồn về mặt trái của nó?

Lịch sử Việt nam đã từng để lại cho hậu thế những uẩn khúc, như những “công án” trong thiền học, không mang theo lời giải.

Nguyễn Trãi là bậc tài ba lỗi lạc, một lòng vì dân vì nước, cuối cùng, sau khi đã toàn thắng, bị nhà vua kế vị “tru di tam tộc”. Và ông “thi hành án” đầy đủ ba họ. Đại thần Phan Thanh Giản, không giữ nổi 3 tỉnh Miền Tây Nam bộ, tự nguyện uống thuốc độc chết, sau khi bái vọng về triều đình, mà không có sự ép uổng nào. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, văn võ song toàn, một trụ cột sừng sững, bỗng bị teo tóp, rồi treo cành suốt mấy mươi năm ở số 30 Hoàng Diệu, mà có người gọi là “thời kỳ nhẫn nhục”, cũng từ đó thở hơi cuối cùng, và không chịu nằm chung ở nghĩa trang Mai Dịch, mà lui về quê nhà, nằm trên ngọn đồi hoang vu, nhìn ra biển cả.

Ông tiếp tục để lại một “công án” nữa cho hậu thế. Không ai nói điều chê trách nào đối với các cụ?

Lịch sử không đòi hỏi gì hơn?

Các “Thần nhân” ấy đi vào huyền thoại của dân tộc.

Một dân tộc được hân hạnh sống với những huyền thoại, và huyền thoại cũng rất cần thiết cho đời sống tinh thần dân tộc. Điều đó không sai, nhưng còn quá nhiều ẩn ức.

Giáo sư Cao Huy Thuần nói: “Đã là huyền thoại thì không thể cắt nghĩa bằng lý luận”, tức là không thể giải thích, vì nó đã đi vào tâm thức dân tộc. Như thế, khoa học đã bị đặt ra ngoài lề và đứng nhìn xem chơi! Thuyết “định mệnh” đã mặc nhiên thay cho lời giải đáp? Nhưng “định mệnh” là gì? Có phải điều khó nói là các cụ đã giữ trọn vẹn “tiết nghĩa” của ý thức hệ “trung quân”? Và ý thức hệ lại giữ vai trò định mệnh chăng? Huyền thoại lại buông màn để chấm dứt mọi suy tư?

Có cái gì bất ổn hay không, và phải né tránh?

Dân Việt Nam thường nói: để “Lịch sử sau nầy phán xét”, bởi lẽ cái hiện tại bất lực, không đủ mạnh, hoặc không đủ sòng phẳng, không đủ trong sáng để phán xét, đành thác lại cho những thế hệ sau? Đúng thế, sau nửa thế kỷ, một thế kỷ, hay hai thế kỷ, sẽ có cuộc “giải oan” và lịch sử lại được một lần hò reo “trắng án”, sau khi xương máu đã đổ, mọi thứ đã chôn vùi và tan biến!

Những người may mắn sống sót được giải oan là những cụ già lụ khụ xiêu vẹo, bước về lại căn nhà xưa trong hoang lạnh đổ nát, được ngửa mặt lên nhìn trời xanh vài năm thì lặng bước vào hư vô.

Đó có phải là niềm chua xót mà thế hệ đương thời gạt nước mắt, còn thế hệ trẻ thì không thể bỏ qua?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nằm trong tình thế “trung quân” hay “trung ý thức hệ” không?

Có một số người trẻ không nhân nhượng, sẵn sàng gây sốc:

- Đại ý: Là một quan đại thần, uy thế lẫy lừng, Đại tướng Giáp làm gì, ở đâu khi mà những cuộc thanh trừng đẫm máu, đẫm lệ diễn ra suốt cả một thời gian dài, nhằm vào những người tham gia cách mạng tiền bối sát cánh với ông, nhằm vào thế hệ trong sáng và xuất sắc ở buổi đầu kháng chiến máu lửa, nhằm vào thế hệ Nhân văn Giai phẩm rất dũng cảm, và các giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất, giai đoạn Cải tạo công thương nghiệp, các giai đoạn sau nầy…, và cho tận bây giờ, bao nhiêu oan ức diễn ra cho những người đòi đất, đòi dân chủ và chống xâm lăng…? (ý trong bài viết: Vài suy nghĩ về ông Giáp, của Huỳnh Thục Vy).

Có người xác định về ông, với một tinh thần kính trọng bằng một sự thật cay đắng:

“Gia đình tôi là nạn nhân trong vụ án chống đảng. Chúng tôi không trách ông (VNG) bởi tôi nghĩ ông đã làm những điều mà ông có thể làm để tổn thất cho đất nước, cho đồng đội là ít nhất. Tôi còn nghĩ ông vĩ đại ở chỗ ông nhận đúng sứ mệnh của mình, sứ mệnh Tổng tư lệnh quân đội chứ không giành lấy những vị trí chính trị cao hơn, Ông là nhà quân sự huyền thoại nhưng chưa bao giờ ông là nhà chính trị kiệt xuất. Ông là người Việt Nam yêu nước đến từng tế bào trên cơ thể mình, nhưng ông không thể là người đứng đầu một thể chế bởi ông nhân hậu như thế, bởi trái tim ông không có chỗ chứa cho sự tàn bạo, cho sự thù hận, cho những mưu mô xảo quyệt đớn hèn(comment – không rõ tên – trên blog HNC phản hồi về bài “Tôi trung”).

Ông tốt như thế, mà một thể chế như thế nào lại không dung chứa được?!

Một câu trả lời đơn giản, nhỏ như chiếc chìa khóa, đã mở toang cửa sắt:

Người lính già Đặng Văn Việt – một con người có nhân cách và tài ba, rất gần gũi với Tướng Giáp, như chiếc lá đang xanh sớm bị ngắt lìa cành, có nhiều tương đồng với Tướng Giáp. Sau nầy, Tướng Giáp nói với ông: “Rất tiếc là Việt không có mặt ở Điện Biên Phủ, nếu có mặt, trận đánh 57 ngày đêm đó, chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian và giảm thiểu tối đa về thương vong…”. Một con người được Tướng Giáp đánh giá như thế, và sau đó thì

“Cần phải sớm trả lại danh dự và vị trí cách mạng đối với…”

(Lời Tướng Giáp).

(Người sinh viên ấy xếp bút nghiên, tìm đến với tổ chức Việt Minh, tham gia khởi nghĩa, bằng một thiên tài quân sự, 2 năm sau – 27 tuổi – nắm chức trung đoàn trưởng, đánh thắng 116/120 trận, tiếng tăm lừng lẫy ở mọi chiến trường. Trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954, ông được lệnh rời bỏ quân ngũ khăn gói lên đường, sang Trung Quốc nằm chơi. Để rồi mọi việc xong xuôi, 1957, ông mới biết được rằng gia đình ông đã tan nát, thê thảm, vì “Giảm tô” (CCRĐ). Ông đã làm gì, nói gì, nghĩ gì, sống thế nào, thân thế ra sao, và trong quãng đời còn lại, lại quá tuyệt vời trong nghịch cảnh, đến nay là tuổi 95? Mời đọc Những nốt nhạc thăng trầm trong một cuộc đời, của ông vừa xuất bản).

Tôi hỏi: Xin cụ có thể cho một ý kiến ngắn gọn nhất?

Trả lời: “Chủ trương (đấu tranh) giai cấp là một quan điểm hẹp hòi, không công bằng, từ đó sinh mọi chuyện!”

Thật nhẹ nhàng, ông nở một nụ cười rất nhân hậu phương Đông.

Người trẻ phản kháng trên kia, nói về Tướng Giáp nhưng không nhắm vào phương diện cá nhân Tướng Giáp, mà nhằm vào cả tập thể lãnh đạo nói chung, hỏi cả một giai đoạng lịch sử, mà Đại tướng Giáp là một thành viên trong hàng ngũ khai sinh ra nó. Nếu thông cảm với hoàn cảnh một cá nhân tướng Giáp thì bao nhiếu hoàn cảnh oan ức gấp trăm, gấp triệu lần cho hàng ngàn, hàng triệu con người khác, thì sẽ được cảm thông theo cách nào? Cái chung nhất là gì? Chúng ta đang nói đến một dân tộc và chế độ của nó, hay nói đến từng mỗi cuộc đời, siêu hơn cả “Đời Cô Lựu”?

Ai sẽ trả lời những câu hỏi trên?

Thế hệ trẻ có cần phải vướng mắc gì với gia tài riêng của nội bộ ĐCS? Cái “hộp đen” kinh hãi ấy của riêng ĐCS VN, cũng giống như các đảng CS Liên Xô, Trung Quốc…, không cần các thế hệ trẻ phải biết đến, để chia sẻ, cảm thông, để phân ra rạch ròi sự phải quấy của từng thành viên? – Chuyện nầy hẳn phải dành riêng cho những nhà nghiên cứu lịch sử.

Người trẻ đã dám nói đến cuộc chiến vừa qua là một “cuộc chiến vô nghĩa”. Một cuộc chiến thần thánh với bao nhiêu hy sinh xương máu, tim óc và tri tuệ của dân tộc, đã trở thành vô nghĩa, đúng vậy, nếu nhìn từ kết quả của hôm nay. Không ai phủ nhận được lịch sử, nhưng nó đã bị cướp đoạt, bị đánh cắp, bị làm méo mó, vì đã có sự phản bội từ đâu đó?

Chúng ta nghe gì từ bài diễn văn khô cằn vô cảm, và thấy gì từ lá cờ tang vội vàng qua quýt kéo xuống, khi linh cữu chưa hạ xong xuống huyệt mộ, để đón tiếp một loài giống không ra gì?

Quang cảnh lao xao không khác mấy cái ngày lễ mà Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh!

Có thể nhiều người cảm nhận một sự tổn thương vì những hoài nghi quá phũ phàng của thế hệ trẻ về một giai đoạn lịch sử? Nhưng họ đã đứng từ một nỗi đau không chỉ của riêng mình, không chỉ của hôm qua, mà của hằng loạt thân phận đang diễn ra trên khắp đất nước, phơi bày mỗi ngày trên mặt báo của hôm nay, để nêu lên một đòi hỏi triệt để hơn, sòng phẳng hơn. Nỗi đau đó cũng tương tự nổi đau cho dân tình của Tướng Giáp từ tuổi thanh niên ra đi phơi phới dựng cờ.

Sự tổn thương đành phải có thôi, và đành phải nuốt vào lòng, vì đó cũng là sự thật. Lời trách nói trên đứng từ tổng thể, và đòi hỏi ở ông một tầm cao hơn nữa. Hẳn nhiên ông đã là một tượng đài, có tầm cỡ lịch sử. Nhưng tượng đài ấy chưa chứng minh được là hoàn hảo, dù nó rất tuyệt vời và hiếm hoi.

Nếu Giáo sư Tương Lai nghe thấy tiếng bước chân rầm rập từ Điện Biên Phủ tiến đến đường Hoàng Diệu, thì những ai đó không thể đòi hỏi cái lịch sự của tiếng thét phẫn nộ từ nỗi đau, vang lên ở đường phố.

Những câu hỏi của Huỳnh Thục Vy, hay của thế hệ hôm nay, nêu lên về Tướng Giáp, là những câu hỏi không chỉ để truy vấn về lịch sử, mà cho chính tình thế hôm nay.

Cho rằng tuổi trẻ đã nông nổi, thiếu kinh lịch, thiếu chín chắn, thiếu tôn trọng, (mà có chắc như thế không?), thì cái tuổi già kinh lịch đã làm gì trong ba bốn thập niên qua để mọi thứ ngày càng xơ xác te tua? Cái nhiệt huyết và nông nổi nếu có, rồi sẽ đến lúc trưởng thành. Tuổi thanh niên nào mà không trải qua “thời kỳ quá độ”? Liệu rằng những Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… và cả những người đang sống hôm nay… đã kịp “quá độ” chưa, của một “thời kỳ” hơn 80 năm để trưởng thành? Hay chính là Tướng Giáp và 80 năm qua đã giúp cho tuổi trẻ hôm nay trưởng thành nhanh chóng, về cả hai nhận thức: yêu nước và chủ nghĩa xã hội, – ứng vào một thời của vinh quang – và một thời nhẫn nhục khắc khoải của chính Ông? Vì thế, Tướng Giáp đã trở thành một tấm gương đầy đủ để các thế hệ cùng soi rọi, cùng hỏi đáp.

Có nhiều người – kể cả một số “không ít” cán bộ đảng viên – cho rằng, làm gì có “Chủ nghĩa xã hội”, mà chỉ có các “Thế lực lợi ích” đang hoành hành. Vì lợi ích vật chất là một giá trị cụ thể có tính bản năng lâu bền, nên “độc tài” đã trở thành đồng nghĩa với sự giành giật, thanh trừng, tham nhũng, suy thoái và lệ thuộc…

Giới trẻ ngày nay đã lên tiếng, rằng họ đã mất niềm tin, rằng đây là “thời kỳ của loạn giá trị, thiếu chân giá trị định hướng”

“Và giới trẻ như chúng tôi lớn lên trong cái thời ‘quá độ’ – cái thời mà chúng ta đã rời bến này nhưng còn lênh đênh, phiêu dạt ở đâu đó trên con sông lịch sử, để rồi chưa biết khi nào thì đến được một bến bờ nào rõ ràng và hạnh phúc. Với lớp trẻ, khi những lớp người đi trước lúng túng trong định hướng chân giá trị cho chính bản thân họ, thì chúng tôi cũng rơi vào một mớ hỗn độn và mơ hồ những giá trị thật giả, đúng sai hoặc nửa sai nửa đúng” (“Biểu tượng dân tộc: Niềm tin và giá trị” của Nguyễn Trung Kiên - sociological diary)

“Nhưng dù tranh luận như thế nào đi nữa thì dân tộc Việt Nam cũng cần có những con người tiếp bước những thế hệ như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, để tạo nên những biểu tượng giá trị mới cho dân tộc tin theo. Đúng! Chúng ta thay vì than thở, hãy đi xây dựng biểu tượng giá trị của thời đại mới!” (Nguyễn Trung Kiên).

Ai có thể phớt lờ những tiếng thở chân thành nhưng không mất niềm tin trên đây? Hoặc cố “kiên định” cho đó là “thế lực thù địch”, vốn có bản chất là đối lập với “thế lực lợi ích” ?

Tôi cũng e rằng giới trí thức hôm nay chưa sẵn sàng tinh thần dân chủ và cởi mở để đối thoại với thế hệ trẻ theo cách bình đẳng. Đó cũng là biểu hiện của một nền giáo dục từ lâu đã bị hủ hóa.

Phải chăng, đây là thời kỳ của một “hỗn hợp” gồm ba thành tố chính đã vận hành đến cuối quy trình:

1) Tinh thần cách mạng yêu nước của một thế hệ tinh hoa, nhưng chưa thoát khỏi hệ giá trị đạo đức của phương Đông phong kiến “Trung Quân” (ở đây, “Quân” có thể là Hồ Chí Minh, Đảng, Chủ nghĩa Mác-Lênin?), mà đại diện cuối cùng là biểu tượng Võ Nguyên Giáp?

2) Tư tưởng “giai cấp cầm quyền” chuyển hóa, phát triển sang tư tưởng “tư bản hoang dã”, tạo nên “thế lực lợi ích” bao trùm, bạo phát và cũng đang bạo “tàn”.

3) Chất kết dính là Chủ nghĩa xã hội loạn màu sắc mà lớp sơn đã long tróc loang lổ, vì không chịu nổi mưa nắng của thời đại.

Cái nhìn của thế hệ trẻ, thấy nửa đúng nửa sai là một thực tế. Vào lúc hoàng hôn, hay trước phút bình minh, cảnh vật bao giờ cũng lờ mờ, ánh sáng và bóng tối lẫn lộn chập chờn, nhưng sau đó sẽ là đêm tối phủ xuống hoặc là bình minh sáng rõ.

Từng con người cá thể, nhất là người già, ở giây phút nào đó có thể rơi vào thuyết định mệnh với tâm trạng: “cũng liều nhắm mắt đưa chân…”.

Nhưng một dân tộc thì không thể.

Vì thế mới có Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Mạc Đăng Dung, Hồ Quý Ly, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Huệ…, có cả một danh sách dài dằng dặc những anh hùng, kết thành Lịch sử dân tộc.

Phần lớn, họ bước chân ra đi từ lúc đầu xanh.

Và thế giới ngày nay không còn tồn tại thuyết định mệnh. Tiếng kèn xung trận của Châu Âu ở thế kỷ 19 là dân chủ.

Tiếng thét gào của Việt Nam hôm nay, ở thế kỷ 21, cũng vẫn tiếp tục là dân chủ.

Vì dân chủ là nền tảng để kiến tạo một xã hội dân sự, thực hiện quyền bình đẳng của nhân dân, bằng một nhà nước pháp quyền, với ba quyền độc lập, thay cho chuyên chính vô sản vốn “hẹp hòi và không công bằng , dân chủ còn có sứ mạng cấp bách là chận đứng bàn tay của “thế lực lợi ích” thối nát, đang lót đường, tạo cơ hội cho “đại cục” trải dài tầm ảnh hưởng xuống phía nam và Biển Đông của chủ nghĩa bành trướng.

Thiết nghĩ, thế hệ trẻ “có quyền” suy nghĩ một cách tự do.

Và đây xem như một biểu tượng: Tướng Võ Nguyên Giáp vừa nằm xuống, tướng giặc lại bước sang ngay (1)…

Năm 1945, ông Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ai có súng dùng súng…”.

Tôi thích gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo cách gọi của Tim Karr, phóng viên Hoa Kỳ: “Một nhân vật bi hùng của lịch sử Việt Nam đau thương”.

(1) Trưa ngày để tang thứ 2, thì Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đã qua VN.