Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Nhật ký Bá Linh (kỳ 1)

 Marta Hillers

Trần Vũ lược dịch

clip_image001

Nhật ký Bá Linh là những trang viết tay của một thiếu phụ trẻ ghi lại khoảng thời gian vài tuần lễ trước và sau khi Hồng quân Sô-Viết chiến thắng. Trước tiên là một tập nhật ký giàu chất liệu về đời sống hằng ngày của một thủ đô bị tàn phá rồi bị xâm chiếm: Đời sống dưới hầm, cơn đói triền miên, những trận pháo kích rồi những cảnh hãm hiếp luân phiên của lính Nga. Tác giả tự đặt cho mình những câu hỏi thẳng thắn: “Thế nào là hãm hiếp? Hai từ ‘hãm hiếp’ gợi lên sự tệ hại. Chưa phải. Tệ hại là cái chết…  Tôi có phải là một con điếm hay không? Tôi chỉ là một con mồi, thuộc về kẻ săn bắt quyền định đoạt số phận con mồi”. Vượt trên số phận, tác giả nêu rõ: Nếu trong chiến tranh, đàn ông sắm vai gà trống, khi thảm bại, chính đàn bà đi kiếm ăn, có thể bằng đổi chác thân thể hay bằng sức mạnh sinh tồn, cách nào đi nữa, đàn ông một khi buông vũ khí trở thành phái yếu. Nếu thống kê ước tính trên một trăm ngàn phụ nữ Bá Linh bị hãm hiếp, trong nhật ký của Marta Hillers, những phụ nữ này trao đổi với nhau không tránh né về kinh nghiệm mình vừa trải qua. Để cuối cùng, như tác giả xác quyết: “Tổng số nước mắt không thể nhiều thêm”. Đó là phần chính của 370 trang in mà lược dịch của 4 ngày đầu tiên, kể từ buổi chiều 20 tháng 4-1945, chỉ là những nốt nhạc dạo làm nền. [Trần Vũ]

___________________________

Thứ Sáu 20 tháng 4-1945, 16 giờ

Vâng, chiến tranh thật sự tràn đến Bá Linh. Hôm qua là tiếng gầm gừ ngoài xa, hôm nay đã là cơn lốc cuộn ầm ầm không dứt. Dân chúng thở tiếng nổ. Lỗ tai lùng bùng, màng nhĩ chỉ còn tiếp nhận tiếng trọng pháo. Không còn khả năng định hướng. Chúng tôi sống giữa vòng súng nhắm thẳng và vòng pháo thắt chặt từng giờ.

Từng quãng, nhịp pháo lơi làm nên sự im lắng bất thường. Mọi người đột ngột khám phá mùa xuân vừa đến. Trên gạch đá cháy đen của khu phố dâng lên từng làn tử đinh hương từ những góc vườn vô chủ bỏ hoang. Trước rạp hát, gốc dạ hợp gẫy đổ xanh um lá. Giữa hai tiếng còi hụ, con người vẫn tìm ra thời gian làm vườn vì chung quanh các gian lều tạm bợ, đất xới hãy còn tươi dọc đường Bá Linh. Duy nhất chim chóc nghi ngại tháng 4; bầy sẻ làm ngơ máng xối.

Giấc 3 giờ, người giao báo ngừng ở sạp. Chừng hai mươi người đợi báo. Trong nháy mắt, người giao báo chìm vào giữa lượn triều của các đầu ngón tay và tiền bạc cắc. Gerda, vợ lão quản gia, chụp một xấp Ấn bản buổi chiều và chia cho tôi một tờ. Không ra dáng nhật trình mà là một thứ bản tin đặc biệt in hai mặt vẫn còn ẩm mùi mực. Trên đường đi, tôi đọc lập tức thời sự của quân đội Wehrmacht. Những địa danh mới: Müncheberg, Seelow, Buchholz, kề cận đến kỳ cục, đâu đó trên trục chuyển vận chính. Lướt mắt nhanh ra mặt trận phía Tây. Liên quan gì đến chúng tôi nữa? Số phận của chúng tôi chạy đến từ phía Đông, thứ định mệnh làm đảo lộn khí hậu như đã lập nên thời kỳ băng giá. Vì sao? Dân chúng nhồi những câu hỏi vào đầu mà không tìm ra giải đáp. Tôi chỉ còn lo lắng từng ngày một, cho những việc cần làm nhất thời.

Chung quanh sạp báo, dân chúng dính chết thành từng nhóm nhỏ, dáng vẻ thảm hại, rồi những tiếng xì xầm:

“Liệu tin được không?”.

“Vẫn còn hy vọng!”.

“Không còn liên quan gì đến mình nữa, dân thủ đô bị lừa rồi!”.

Đối với mặt trận phía Tây, các tiếng xì xầm trở nên lầm thầm: “Dân miền Tây thoát rồi”. Không ai dám phát âm hai chữ “Lính Nga”. Ngôn ngữ chết trong cuống họng.

Tôi trở về căn chung cư ba phòng dưới mái ngói của mình. Không hẳn là nhà mình. Tôi không còn nhà nữa. Căn gác cũ bài trí mà thảm bom nện đã nhổ đi, cũng không phải là nhà tôi. Tuy suốt sáu tháng ròng rã sống ở đó tôi đã lấp đầy không gian sinh tồn của mình. Lấp đầy bằng sách, bằng những khung hình, và trăm thứ vật lỉnh kỉnh mà con người chất chung quanh mình. Ngôi sao biển mà tôi mua mùa hè năm rồi ngoài đảo Norderney yên bình. Tấm thảm nhung mà Gerda mang về từ Ba Tư, đồng hồ báo thức móp méo. Những tấm ảnh, những lá thư cũ, lục huyền cầm, bộ sưu tập tiền đồng của mười hai xứ, giải khăn len đan dở… Tất cả những kỷ niệm này, da thú, vỏ sò ốc và các thứ nham thủy: hàng hóa nồng ấm của cả một quãng đời sống.

Rồi kể từ khi đồ đạc biến mất và còn độc nhất một va li quần áo cũ, tôi cảm giác vừa trần truồng, vừa nhẹ nhõm. Chính vì mình không còn gì nữa, nên mọi thứ thuộc về mình. Như cái gác lửng này, hoàn toàn xa lạ. Thật ra không hẳn xa lạ. Chủ căn nhà là một đồng nghiệp cũ. Anh mời tôi đến ở trước lúc nhập ngũ. Chúng tôi từng đổi chác hiện vật chung khi có dịp: Mớ thịt hộp Đan Mạch của anh đổi rượu cognac của tôi, xà phòng Tây của tôi đổi tất dài Tiệp Khắc của anh. Tôi chỉ kịp giải bày với anh hoạn nạn của mình và xin phép dọn vào ở. Những tin tức cuối cùng anh gửi từ Áo: anh làm việc cho sở kiểm duyệt quân đội. Lúc này anh ở đâu? Dù sao, ít người tìm thuê những gác lửng. Nhất là khi mái dột, phần lớn ống ngói vỡ vì bị gió cuốn.

Trong nhà, tôi không giữ nổi bình tĩnh. Tôi chạy từ phòng này sang phòng khác. Tôi lục lọi các ngăn tủ và các tủ áo tìm những thứ có thể giúp mình: để dọn ăn, làm ly uống hay nhóm sưởi. Thảm thương vì không còn gì hết. Bà Weiers, đã dọn dẹp trước khi tôi đến, chắc chắn đã khuân đi hết. Ngày hôm nay, mọi thứ thuộc về mọi người. Con người chỉ còn mối liên hệ buông thả với đồ vật vì không ai phân biệt nữa, giữa những thứ thuộc về mình hay thuộc về kẻ khác.

Một lá thư nghẽn trong kẽ hở của một ngăn kéo. Lá thư viết cho chủ nhà. Tôi đã xấu hổ vì muốn đọc, nhưng rồi tôi vẫn đọc. Lá thư yêu thương nồng cháy, một cánh thư tình, tôi đã thải lá thư cùng với nước bồn tắm (vẫn còn nước máy những khi không bị cúp). Trái tim, khổ đau, đam mê, rung động. Sao những từ này trở nên xa lạ, giống như chúng đến từ thật xa. Hiển nhiên, một đời sống tình ái cao nhã, phẩm chất, giả định phải có những bữa ăn hằng ngày với lượng thực phẩm đầy đủ. Ngay lúc này, khi tôi viết những dòng này, trọng tâm của đời sống tôi mang, chính là bụng mình. Tất cả những suy nghĩ, tất cả những tình cảm, khát khao hay kỳ vọng, đều phải đi qua bao tử trước nhất.

Hai giờ đã trôi qua. Lửa ga cháy leo lét. Chảo khoai luộc (những củ khoai dùng nấu rượu đế) đặt trên lò từ nhiều giờ. Củ khoai tệ nhất của nước Đức: khoai vữa lập tức khi sôi và có mùi giấy cứng. Tôi đã ăn nửa củ khoai sống. Sáng nay tôi nhồi bao tử sớm. Tôi ra hiệu Bolle mua sữa bằng những tấm tem phiếu màu da trời mà Gerd gửi dịp Giáng Sinh. Kịp lúc. Vì để rót sữa, bà bán đã phải nghiêng hẳn bình trút và nói chẳng mấy chốc Bá Linh sẽ hết sữa. Có nghĩa tử thần đã kết án các hài nhi.

Ngay khi ra đường, tôi uống liền vài ngụm. Về đến nhà, tôi nhồi bao tử bằng súp bột và vài mẩu bánh mì. Trên lý thuyết, tôi phải thỏa thuê như chưa bao giờ no nê đến vậy. Trong thực tế, tôi chịu cơn đói chó sói giày vò. Hành động nhai đã làm tôi thêm đói, đói thật sự. Chắc chắn phải có một lối giải thích khoa học về chuyện này. Chẳng hạn, thực phẩm kích thích dịch vị và cù nhẹ dịch tràng. Và rồi khi cơ phận tiêu hóa khởi động, chút ít thực phẩm vừa nhồi tan biến. Phải tiêu hóa khoảng trống, khiến dạ dày càu nhàu.

Lục trong tủ sách xác xơ của chủ nhân (chính trong mớ sách này tôi tìm ra tập giấy trắng dùng viết nhật ký bây giờ), tôi mở một quyển tiểu thuyết. Câu chuyện diễn ra trong giới quý tộc thượng lưu Anh; người ta có thể đọc những câu văn như: “Chàng ném cái nhìn vụng trộm lên đĩa thức ăn mà nàng đã không đụng đến, đã đứng lên rồi bỏ đi…”. Tôi đã đọc xuống mười dòng bên dưới, nhưng tôi đã không thể tự ngăn mình quay trở lại câu văn ấy, lời văn thu hút như nam châm. Tôi đã đọc lại hàng mươi lần rồi ngạc nhiên bắt gặp mình đang cào những từ ngữ bằng chính móng tay của mình như thể muốn khều đĩa thức ăn chưa động đến ra khỏi trang sách (chi tiết thức ăn được miêu tả đoạn trước). Quả là điên khùng một chuyện như vậy. Có phải đang bắt đầu một thứ điên loạn vì đói? Tiếc là tôi không thể tìm hiểu thêm về đề tài này qua tiểu thuyết Cơn đói của Hamsun. Ngay cả nếu tôi không bị dội bom, quyển sách này cũng đã thất lạc. Bị đánh cắp cách đây hai năm dưới tàu điện ngầm. Quyển tiểu thuyết nằm trong túi thực phẩm, bó lại bằng giấy dầu. Có lẽ kẻ cắp đã nghĩ một bó tem phiếu lương thực. Tội nghiệp! Hắn đã phải thất vọng nhiều. Đáng làm một cốt truyện mà Hamsun ưa thích.

Sáng nay, ngoài hiệu bánh mì thiên hạ đồn đãi: “Khi họ đến, họ sẽ tịch thu hết những gì ăn được trong nhà. Họ sẽ không cấp phát gì hết. Họ đã quyết định bắt dân Đức trước tiên phải chết đói trong tám tuần lễ. Dân vùng Schlesien đã phải vào rừng đào rễ cây. Con nít chết vì thiếu dinh dưỡng. Ông bà già nhai cỏ như súc vật”.

Đó, lời ta thán của nhân dân, dư luận quần chúng, vox populi. Thực sự, không ai biết gì hết. Không còn tuần san Völkischer Beobachter trên cầu thang trước cửa chung cư. Không còn bà Weiers giấc điểm tâm đọc những cột báo huyên náo loan tin xâm hại tiết hạnh: “Bà lão bảy mươi bị hãm hiếp. Dì phước nát nhụy hai mươi bốn lần” (Ai ra tại chỗ để đếm?). Hay các cột lớn đưa tin cùng loại. Các bản tin tường thuật nhằm mục đích thúc đẩy đàn ông Bá Linh tử chiến để bảo vệ chúng tôi? Lố bịch. Hậu quả là nhiều mươi ngàn phụ nữ và trẻ em không khả năng tự vệ bị lùa ra khỏi thủ đô lang thang trên những con đường dẫn về phía Tây, được quyền chết vì đói hay vì oanh kích trên mặt lộ. Khi đọc, bà Weiers luôn luôn trợn tròn mắt trong lúc tia mắt bà sáng ngời. Cái gì trong bà đang khoái lạc sự kinh dị. Hay vì trong vô thức bà sung sướng thoát kiếp nạn nhân? Vì bà đã rất hãi hùng, muốn trốn thoát bằng bất cứ giá nào. Tôi không gặp lại bà nữa, từ hôm kia.

Đã bốn ngày đài phát thanh im bặt. Một lần nữa con người kiểm chứng các vật dụng do kỹ thuật ban phát kém bền. Chúng không có một giá trị tự tại nào, hoặc chỉ có với một số điều kiện, giả dụ là có thể cắm điện. Bánh mì mới mang giá trị tuyệt đối. Than đá có giá trị tuyệt đối. Một lượng vàng luôn là một lượng vàng, ở La Mã, Pérou hay Breslau. Ngược lại, đài radio, bếp ga, hệ thống sưởi trung ương, bếp điện, tất cả những gì thời hiện đại dâng tặng: … là những vật cồng kềnh vô nghĩa một khi nhà máy hỏng. Con người lui về cách sống của những thế kỷ quá vãng. Chúng tôi trở lại làm người hang động.

Thứ Sáu, có lẽ 19 giờ. Hấp tấp lấy chuyến xe điện cuối cùng, hướng Tòa đô chánh. Tiếng ầm ầm vù vù sấm sét không dứt của pháo kích. Tài xế hét khản cổ mọi người mới nghe rõ. Tôi nhìn chăm chăm những đôi mắt trên những gương mặt vây quanh mình. Tất cả những gì con người không thể nói ra thành lời hiện lên gương mặt. Chúng tôi đã trở thành một dân tộc câm. Mọi người chỉ còn trao đổi một khi trú ẩn được dưới những căn hầm biến hóa thành nhà ở tập thể. Khi nào tôi sẽ đi xe điện nữa? Hay tôi không bao giờ có thể lấy xe điện nữa? Báo chí loan tin bắt đầu ngày mai, thẻ lưu thông hạng I và II, mà chính phủ ca ngợi ầm ĩ những tuần rồi, sẽ không còn giá trị, duy nhất ai có thẻ đỏ hạng III mới có quyền lấy phương tiện di chuyển công cộng. Có nghĩa một công dân trên bốn trăm, có nghĩa dân hết quyền, có nghĩa: chấm dứt.

Buổi chiều mát, nước máy cúp. Những củ khoai vẫn còn luộc trên tàn lửa ga của bình đốt. Tôi chụp giựt bên trái, bên phải, nhét đầy các túi nào đậu, lúa mạch, bột mì, thế phẩm thay cà phê, rồi xếp hết vào một thùng giấy. Thêm một thùng nữa phải mang xuống hầm. Tháo ra tôi sực nhớ quên muối. Cơ thể con người không thể sống sót hay ít nhất không thể sống lâu thiếu muối. Dân chúng bắt buộc thích nghi với thời gian lưu trú lâu dưới hầm.

Thứ Sáu, 23 giờ. Dưới hầm, với cây đèn bão, tập nhật ký trên hai đầu gối. Vào lúc 22 giờ đêm, ba bốn trái bom rơi liên tiếp. Còi hụ cùng lúc. Hụ chậm vì quay tay. Cúp điện. Từ thứ Ba đầu tuần, mọi người xuống cầu thang trong bóng tối. Mọi người dọ dẫm bằng những bước trơn trợt. Có tiếng quay của một máy điện chạy tay ném những chiếc bóng khổng lồ lên vách vòm cầu thang. Gió lùa qua các tấm kính bể, làm đập các bức mành sáo cuộn mà không còn một ai buồn thả buông. Để che gì nữa?

[…]

Thứ Bảy 21 tháng 4-1945, 2 giờ sáng

Bom. Những quả bom làm những bức tường rung chuyển. Chúng lắc lư. Các ngón tay tôi nắm bút hãy còn run. Tôi nhễ nhại mồ hôi, giống như sau một lao dịch cực nhọc. Trước đó, trong hầm nhà, tôi ăn những lát bánh mì dầy. Kể từ ngày mà tôi bị dội bom, và kể từ lúc tôi phải giúp lôi những xác chết bị chôn vùi, kể từ trong đêm ấy, tôi cưỡng chống nỗi kinh hoàng gặp thần chết. Luôn luôn cùng những triệu chứng. Ban đầu là mồ hôi đẫm trán, túa ra từ chân tóc, những mũi lao phóng thẳng vào tủy sống lưng tựa như cột sống bị đục khoét, đau nhức cần cổ, rồi miệng khô khốc, và nhịp tim đứng dừng. Mắt nhìn trừng chân ghế trước mặt, như để in vào trong trí dáng vẻ của kiểu ghế với dải đệm bọc vải. Có thể cầu nguyện ngay lúc ấy. Trí não bấu víu vào các công thức, vào những mảng rách của mặt chữ: “Hãy đi quá thế gian, chẳng sao đâu, chẳng có gì tuột khỏi thế gian này, đừng sợ hãi…” …”Geh an der Welt vorüber, es ist nichts, Keines fällt aus dieser Welt, Noli timere…”… cho đến khi các lượn sóng phóng pháo cơ rút đi.

Thiên hạ rũ ra cười, huyên thuyên như theo lệnh. Tất cả cười toát, la to hơn kẻ ngồi bên, những từ khôi hài loang ra. Cô Behn xuất hiện với nhật trình trên tay, đọc cho chúng tôi nghe diễn văn của bộ trưởng Goebbels nhân dịp sinh nhật Quốc trưởng (vào một ngày nào đó mà đa số chúng tôi không còn nhớ ngày tháng). Behn xướng ngôn thật đặc biệt, nhấn mạnh từng chữ và bằng một giọng tinh ma, giả tạo, một giọng đọc mà chúng tôi chưa hề nghe, chưa vang lên dưới hầm này. “Ruộng lúa mạch vàng cho nhân dân lao động trong thanh bình…”. Tầm phào! Một cư dân Bá Linh kêu lên. “Tương lai sẽ tuyệt vời!”. Giọng thanh quản không còn ai nghe nữa.

Ba giờ sáng, hầm trú ẩn ngủ gục. Nhiều lần, dân phòng thông báo chấm dứt báo động, nhưng ngay sau đó, còi hụ vang rân trở lại. Bom không rơi. Tôi ghi nhật ký, ít nhất chữ viết giúp tôi khuây khỏa. Gerd có thể đọc tất cả nếu anh trở về một ngày nào đó, nếu không bao giờ anh… Không, nên gạch những hàng này, đừng nên khiêu khích định mệnh.

Một thiếu nữ trông giống một chàng trai lân la đến tận chỗ tôi ngồi. Cô hỏi chị viết gì. Tôi: “Không gì quan trọng, những câu chuyện mà tôi chép nguệch ngoạc, giúp bận tâm trí”.

Sau đợt oanh kích thứ nhất, “Siegismund”, “Loa chiến thắng” nhào đến. Lão hàng xóm mà oanh tạc cơ bứng ra khỏi hầm, mang biệt hiệu chế giễu vì không ngừng nói đến Sieg, Chiến thắng. Sieg-ismund tin thật sự là chúng tôi sắp được phá vây và chiến thắng đã gần kề, và “Người” rất sáng suốt (Người là biệt danh cuối cùng chúng tôi tìm ra cho A.H). Trong lúc Sieg-ismund hùng hồn, những người ngồi gần ném cho nhau những ánh mắt đầy hàm ý. Không ai đánh liều phản đối. Cãi làm gì với một kẻ điên? Chưa kể bọn điên khùng thường nguy hiểm. Duy nhất vợ lão quản gia tán thành nhiệt tình và tiên đoán qua răng nanh, quả quyết chúng tôi có thể phó thác số mệnh vào tay “Người” như đã chấp nhận gửi trao cho Thượng đế.

Giấc 9 giờ sáng, trên gác lửng. (Kể từ đây về sau, tôi chỉ có thể ước tính giờ giấc trôi qua trước mũi mình, phỏng chừng vì mất phương tiện báo giờ, tôi đành sống tách rời với thời gian.) Buổi sáng xám, mưa vỗ mạnh. Tôi viết nhật ký trên bờ rìa cửa sổ. Đã trở thành chỗ hát thánh ca quen thuộc. Sau giấc ba giờ, chấm dứt báo động. Tôi cởi bỏ áo đầm và giày tất rồi lăn mình như cổ thụ xuống mặt giường, luôn đợi sẵn thường trực. Giấc ngủ sâu năm giờ liền. Ga thành phố vừa cúp.

Tôi mới vừa đếm tiền mặt của mình, 452 mark, tôi hoàn toàn không biết làm gì với số tiền này, vì để mua vài món hàng khan hiếm còn cho phép, vài pfennig cũng đủ. Tôi cũng còn một trương mục ngân hàng còn khoảng nghìn mark chưa tiêu, vì không còn gì để tiêu pha. (Khi tôi mở tài khoản, năm chiến tranh bùng phát, tôi đã nghĩ sẽ tiết kiệm cho đến ngày hòa bình tái lập để có thể du hành thế giới. Đã xa, thật xa những ước vọng này.) Thời buổi này, thiên hạ đổ xô đến các ngân hàng, nếu còn mở cửa, để rút hết tiền mặt. Nhưng để làm gì? Khi nhân loại trương buồm, đồng bạc Đức sẽ chìm xuống đại dương. Bạc mặt, tức là tiền giấy, chỉ là một ảo ảnh, sẽ không còn giá trị gì nữa một khi ngân hàng quốc gia trung ương phá sản. Tôi đếm xấp bạc với sự dửng dưng. Tôi cảm giác chúng sẽ chỉ còn giá trị của kỷ niệm. Những hình ảnh đẹp nhỏ nhắn của một thời đại đã khuất. Tôi giả định kẻ chiến thắng sẽ mang tiền của họ đến và chúng tôi sẽ phải tiêu dùng bằng tiền này, hay người ta sẽ đúc tiền quân quản… nếu kẻ chiến thắng cho phép chúng tôi sống đến đó mà không bắt lao động khổ sai đánh đổi một muỗng súp.

Trưa. Mưa dai dẳng. Tôi đi bộ suốt dọc Đường Công Viên (Parkstrasse) để lãnh thêm một xấp tiền gộp thêm vào mớ “tiền giấy-hình ảnh” của mình. Người thụ lý trả cho tôi kỳ lương cuối cùng trước khi thông báo cho “nghỉ-phép”. Nguyên nhà xuất bản nơi tôi làm việc đã bay biến. Cả văn phòng tìm việc cũng bốc hơi, chẳng còn ai thuê mướn lao động; cách nào đó, chúng tôi trở thành chủ thuê của chính mình.

Chế độ quan liêu công sở hòa tan vào mưa nắng. Ít nhất, hành chánh bốc hơi ngay khi mưa miểng pháo. (Tuy vậy, tất cả khá yên tĩnh trong khoảng khắc này. Yên tĩnh đến đáng sợ.) Không còn một ai ra lệnh cho dân chúng. Sự trống vắng này không ngăn trật tự vãn hồi trong các tầng hầm. Khi tôi bị dội bom, tôi đã kiểm tra thấy: ngay cả các nạn nhân sống sót từ những đống gạch vụn, những kẻ bị thương hay những kẻ thất lạc, đều rời khỏi sân khấu của ghê rợn theo thứ tự. Dưới hầm chung cư cũng vậy, chính những kẻ ưa ra lệnh và ưa điều phối tiếp tục nắm quyền. Thuộc về bản chất nhân loại. Không nghi ngờ, nhân loại vận hành cách này từ thời đồ đá. Bản năng bầy đàn, bản năng bảo toàn chủng loài. Ở súc vật, dường như luôn luôn là con trống, đám bò mộng, hay giống đực thống trị. Dưới hầm này ngược lại, ngựa cái át trội bầy đàn. Cô Behn là một; bà Hamburg thấp bé là hai. Với tôi, không phải cách của mình, trong căn hầm trước đây cũng không khác, cho dù trong hầm trú pháo cũ ngự trị một con trâu mộng hét vang tiếng sấm rền, dưới dạng một thiếu tá hồi hưu mà không một phụ nữ hay một đàn ông nào dám đến gần. Tôi đã luôn chán ghét phải ẩn náu trong một căn hầm giữa bầy thú, tôi luôn luôn thu mình tự cô lập, tìm một góc riêng qua đêm. Nhưng ngay khi con thú đầu đàn quát tháo, tôi tuân lệnh và đi theo.

Trên đường phố, tôi chạy theo xe điện. Tôi không thể lên vì không có thẻ hạng III. Mặc dù toa tàu gần như trống. Tôi đếm tám hành khách trong khoang, trong lúc hàng trăm người chạy theo bên hông tàu dưới trận mưa nặng hạt; tàu vẫn phải chạy về bến sao không lấy thêm khách? Không, vì là một nguyên tắc. Đã ăn sâu vào não dân Đức và dân Đức tuân thủ.

[…]

Dưới cơn mưa, hàng chuyến xe bò tiến chậm chạp bằng vận tốc đi bộ vào thành phố. Chúng phủ bạt ướt như súp đặc, chất đầy lính. Lần đầu tiên tôi trông thấy những người lính dính phân, râu xám, “lông lá”, tất cả toàn già cỗi. Xe thổ mộ chứa cỏ khô: không còn gì giống với chiến tranh thần tốc cơ khí.

Trên đường về, tôi bước chân vào ngôi vườn bỏ hoang của giáo sư K.; phía sau ngôi nhà cháy rụi, tôi hái vài bó hoa nghệ và cắt vài nhánh tử đinh hương. Tôi mang một ôm đến tặng bà Golz, hàng xóm nhà cũ. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trước mặt bàn bằng đồng và trò chuyện vu vơ. Hay đúng hơn, chúng tôi gào to để át tiếng pháo gầm. Giọng bà Golz gẫy bể: “Hoa đẹp làm sao, lộng lẫy quá…”, rồi nước mắt bà tuôn đầm đìa khuôn mặt. Tôi cũng cảm thấy thật tàn độc đau đớn. Bây giờ, ngay cả vẻ đẹp của thiên nhiên cũng làm đau đớn. Vì thần chết choáng ngập chúng tôi.

Sáng nay, tôi đã tự hỏi tôi đã trông thấy bao nhiêu xác chết? Xác đầu tiên là ông Schermann. Tôi chỉ vừa lên năm, ông đã bảy mươi. Vôi sống rắc lên lụa trắng, đèn cầy thắp phía đầu nâng cao và tĩnh tại. Một cái chết uy nghi và tôn nghiêm. Cho đến năm 1928, Hilde và Käte cho tôi xem xác anh trai Hans, chết hôm trước. Xác anh nằm trên đi-văng giống một mớ nùi giẻ, một mẩu vải xanh buộc quanh đầu giữ chặt cằm, hai đầu gối anh co quặp- một đống thịt thừa, không gì khác. Về sau, tôi chứng kiến xác của thân nhân, những đầu móng tay xanh bầm giữa những vòng hoa cườm và các bó hồng. Rồi, ở Ba Lê, một người đàn ông bị xe đụng nằm giữa vũng máu. Và một xác nữa đông đặc trên sông Moskova…

Vâng, những xác người, nhưng tôi chưa trông thấy ai chết. Một kinh nghiệm mà có lẽ không bao lâu nữa tôi phải trải qua. Nhưng liệu thần chết có đến bắt mình không? Tôi không tin lắm. Tôi đã thoáng gặp thần chết nhiều lần đến mức tôi linh cảm được ân xá. Có lẽ cũng là niềm tin của nhiều người. Nếu không làm sao giải thích sự hăng say dai dẳng ở giữa vòng vây tử thần? Điều chắc chắn, thần chết không giết được chúng tôi làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn. Tôi, tôi cháy bỏng cuồng nhiệt thêm với ngọn lửa dữ dội hơn trước chiến tranh. Cuộc chiến của những thảm bom. Mỗi một ngày mới, còn sống, với chúng tôi là một ngày chiến thắng. Chúng tôi đã sống sót thêm ngày này nữa. Chúng tôi đối đầu. Giống như chúng tôi đứng thẳng hơn, vững chãi hơn trên đôi chân mình. Ngày đầu tiên khi chịu sức ép của chuỗi bom, tôi đã lấy bút chì và viết lên tường những dòng chữ La-tinh hiện ra trong đầu:

Si fractus illabatur orbis,

Impavidum ferient ruinae.

Vòm trời sẽ sập và những mảnh vụn sót lại

đập vào con người không làm hắn ngạc nhiên.

Thời ấy, còn có thể gửi thư ra ngoại quốc. Một trong những bức thư, viết cho những người bạn D. ở Stockholm, tôi đã dẫn những lời thơ này của Horace như để khoe sức mạnh của mình, và tôi đã nhắc đến sức sống mãnh liệt của sự tồn sinh của chính chúng tôi đang bị đe dọa, với một giọng văn nhẹ nhàng phủ trắc ẩn, giống như, đạt đến tuổi trưởng thành và đã bước hẳn vào đời sống, tôi khuyên nhủ những đứa trẻ nhỏ vô tội nên biết gượng nhẹ.

(còn 1 kỳ)

Marta Hillers, 1945

_________________

Ghi chú của Françoise Wuilmart:

Tiểu thuyết Cơn Đói của tiểu thuyết gia Na Uy Knut Hamsun.

Geh ander Welt vorüber, es ist nichts, trích từ Ostwind của Maria Holschuh.

Keines fällt aus dierser Welt, trích từ Thi tập của Conrad Ferdinand Meyer.

Noli timere, Isaïe,  XLIII, 1.

Ghi chú của người dịch:

Trích đoạn nhật ký Eine Frau in Berlin của Marta Hillers, lược dịch từ bản dịch Pháp văn Une femme à Berlin, Journal 20 avril – 22 juin 1945 của Françoise Wuilmart, NXB Gallimard 2009, với lời tựa của Hans Magnus Enzensberger và lời bạt của Kurk W. Marek. Sách dầy 394 trang. Năm 2008, đạo diễn Max Färberböck quay thành phim cùng tựa do Nina Hoss thủ diễn vai chánh.

clip_image003

Nina Hoss trong film Une Femme à Berlin.