Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

An ninh mạng – liệu có thể giam được ý nghĩ của một con người?

Lê Công Tư

Lo sợ, bức xúc với những thông tin không đồng tình với đường lối cai trị của đảng đang tràn lan trên mạng, luật An ninh mạng ra đời, được Quốc hội thông qua với tuyệt đại đa số những người đang tự nhận mình là đại diện của dân. Sự thông qua đạo luật này dễ khiến người ta có cảm tưởng là bắt đầu từ đây, chính phủ có thể giám sát những suy tư của người dân, có thể kiểm soát được những ý nghĩ của họ, đã có thể nắm được những đầu mối gởi đi những thông tin này để đưa họ vào tù.

Liệu có thể kiểm soát một ý nghĩ của bất kỳ một ai đó khi nó thoát ra ngoài võ nảo của họ rồi bay lượn giữa trời để tìm một sự đồng cảm của một ai đó đang sống bên chân núi, ngoài đảo xa, trong thôn làng hẻo lánh trong lúc họ đang truy cập mạng, đang tìm tới những suy tư đồng điệu? Tất cả các ý tưởng lớn đều có ước muốn khôn nguôi là được đầu thai trở lại. Chúng có thể ẩn mình chờ đợi trong núi cao, dưới vực sâu một thời gian, chúng tìm đủ mọi cách để được hồi sinh vì chúng nhận ra rằng bên trong chúng có chứa đựng ít nhiều chân lý, xứng đáng có mặt với cõi đời này, dự phần làm nên sự sống. Chúng vẫn còn nguyên vẹn đó ngay cả khi thân xác không còn nữa; chất liệu làm nên tinh thần có độ bền hơn những chất liệu làm nên vật chất gấp ngàn lần.

Sẽ là trẻ con khi cho rằng dùi cui, súng đạn, nhà tù, an ninh mạng có thể giam nhốt được ý nghĩ của một ai đó. Tra tấn có thể làm đau đớn, mòn mỏi, rạc rời một thân xác, nhưng ngược lại nó giúp cho tinh thần khang kiện hơn, ý chí được mài bén hơn. Cứ nhìn những tù nhân lương tâm đứng trước tòa thì đủ rõ. Họ có những nét uy dũng mà những kẻ như Trịnh Xuân Thanh không bao giờ có được. Cái gì đã dự phần làm nên cái hình ảnh bất khuất, uy dũng này nếu không phải là niềm tin mãnh liệt rằng những ý nghĩ của mình, những ý nghĩ đã dẫn tới những hành động đưa mình tới cửa nhà tù, là đúng?

Liệu nên tìm cách kiểm soát, cắt xén, tẩy xóa những ý nghĩ của họ thay vì bình tâm đọc tất cả những gì họ viết, kể cả tiếng chửi thề để xem tiếng chửi thề đó phát đi từ nỗi uất hận nào? Tất cả những giọt nước tràn ly, đều là con đẻ của những oan khiên chồng chất. Ngay cả một người điên cũng không bao giờ chửi thề một cách vô cớ.

Lịch sử loài người từ sơ khai cho đến hôm nay nếu có được một chút tiến bộ nào, thì gần như là nhờ vào tự do suy tưởng, tự do tưởng tượng, tự do bày tỏ những suy nghĩ, những trăn trở của mình bất kể nó đúng hay sai, hợp lý hay vô lý, ngu dại hay thông minh. Bởi tất cả những gì sai, vô lý, ngu dại sẽ được điều chỉnh lại và cái đúng sẽ được hoàn thiện dần với thời gian.

Hai ngàn năm trước, mặt đất, bầu trời cùng những vì sao theo quan điểm thần học Ki tô giáo là đất trời được nhìn bằng mắt, gần gũi nhỏ bé vừa đủ để con người dựng tượng Thượng Đế, và những ai phủ nhận những quan điểm thần học này đều bị xếp vào loại dị giáo, tà giáo, ma quỷ, mà Galilee là một trường hợp điển hình. Ông trở thành tội đồ của một cái nhìn nhỏ hẹp.

Nếu ở lãnh vực tôn giáo, con người trôi dạt vào những cõi lạ mà ngay đến Thượng Đế cũng không rõ đó là cõi nào nhờ tự do suy tưởng thì trong lãnh vực nghệ thuật cũng y như vậy. Tất cả những gì liên quan đến siêu thực, siêu thể, ấn tượng, trừu tượng vô thể, v. v. đều là kết quả của tự do suy tưởng, tưởng tượng. Nếu Picasso, Salvador Dali, Tạ Tỵ được mời đến Hà Nội để vẽ chân dung ông Hồ Chí Minh, thì gần như chắc chắn là cả ba nếu không đi tù thì cũng phải đi học tập cải tạo vì cái tội báng bổ lãnh tụ, bôi tro trát trấu lên mặt lãnh tụ, bởi tất cả những gì không phải là trường phái hiện thực đều là những đứa con hoang thoát thai từ phong kiến, tư bản, những kẻ thù không đội trời chung với duy vậy biện chứng. Trong khi gần như không ai mà không nhận ra chính nhờ những đứa con hoang Picasso, Salvador Dali, Tạ Tỵ, mà cái thế giới được nhìn qua lăng kính của hội họa được nới rộng thêm ra, giàu có hơn, phong phú thêm. Trên tất cả mọi thứ nó hé mở cho người ta thấy những cái mỏ quặng được xới tung, những hố thẳm không cùng trong não chất con người được phát hiện với muôn vàn hình trạng khác nhau cùng với những cấu trúc vật thể buộc người ta phải nhìn lại những giá trị có được từ cái nhìn của một người điên. Chẳng phải vô cớ mà trên cái bảng thang giá trị, Erich Fromm một nhà phân tâm học đã xếp người điên cao hơn một người bình thường, ông lý luận bởi vì họ không đồng ý với hiện trạng của xã hội cho nên họ mới điên.

Có thể nói lịch sử cai trị trong suốt dòng chảy lịch sử loài người là một thứ lịch sử bất toàn. Nhân loại chưa bao giờ có được bất kỳ một thể chế chính trị nào hoàn chỉnh, chính vì vậy mà con người ở bất cứ một xứ sở nào cũng chỉ mong có được một cái gì đó tương đối. Nhưng dưới cái chế độ này, thì một chút tương đối cũng không có. Một chút tự do suy nghĩ, mà đúng ra con người được hưởng, cũng bị bóp nghẹt, kiểm soát. Mọi thứ đủ cho phép người dân nhận ra cái guồng máy đang cai trị đất nước này sợ phải nghe tiếng nói người dân như thế nào – tôi muốn nói đến một tiếng nói đích thực mà qua đó có thể nhận ra cái tấm lòng của người đó với đất nước này, dân tộc này. Cái tiếng nói trong trẻo, khoáng đạt khiến cho cái dự luật An ninh mạng mới được thông qua ngày hôm qua trở thành một vật chứng điển hình cho nỗi sợ hãi thảm hại.

Đà Lạt, 13-6-2018