Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 4)

Inrasara

C. Thõng tay đi vào chợ…

Ngay từ thế kỉ mười chín, khi khám phá thấy các hệ thống triết học từ Socrate đến Hegel đều sai lầm, Nietzsche quyết lật đổ mọi giá trị để thiết lập bảng giá trị mới. Nhưng lật ngược siêu hình học vẫn là một siêu hình học (Heidegger). Giá trị mới vẫn cứ là “giá trị”. Bởi siêu hình học được xây dựng trên nền tảng tư tưởng [bằng] biểu tượng representational thought, nên mọi siêu hình học đều vừa là nhân đồng thời là quả của tinh thần siêu tự sự.

Tiếp bước nhưng khác Nietzsche, Heidegger nỗ lực đưa tư tưởng vượt qua siêu hình học, nghĩa là tư tưởng mà không tiền tưởng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong truyền thống triết học Tây phương, mà cuộc gặp gỡ giữa ông và Suzuki vào giữa thế kỉ trước mang ý nghĩa tượng trưng. Nó báo hiệu một đối thoại giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương một cách nền tảng.

Dù sao đi nữa, thái độ chối bỏ giải trình ngôn ngữ discourse, sự không tin vào những đại tự sự của hậu hiện đại hay hành vi phá chấp triệt để của Thiền tông với chủ nghĩa hư vô phân cách mong manh tơ trời. Làm sao phân biệt được Thiền sư với Thiền “giả” hay tinh thần bất tín nhận thức với thái độ phá hoại đơn thuần?

Đây là câu hỏi trọng đại, đòi hỏi một giải minh thích đáng.

Nhìn một cách tinh yếu, tinh thần hậu hiện đại tiềm ẩn trong truyền thống tư tưởng Đông phương, mà Tây phương – trong truyền thống của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói bằng ngôn ngữ khác. Nên có thể nói, hậu hiện đại đã chảy trong máu chúng ta. Vì vậy, kẻ sáng tạo hôm nay không cần thiết phải đi hết hiện đại [Tây phương] mới có thể tiếp cận hậu hiện đại.

Tính “hậu hiện đại” postmodernity luôn có sẵn trong người Việt Nam, hay ít nhất, ở miền Nam. Bên kia trời Tây, Nietzsche nói Thượng đế đã chết hay Hoàng hôn của những thần tượng thì ở Đông phương, Thiền sư Vân Môn còn quyết liệt hơn: Phùng Phật sát Phật; hay tại Việt Nam thôi, Tuệ Trung Thượng sĩ đã nghịch rất “hậu hiện đại” khi tuyên “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh”(19). Song hành với tính nghi ngờ ngôn ngữ của các bậc trí huệ (Phật giáo), trong dân gian là tính không tin truyền thông đại chúng ("nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực ("phép vua thua lệ làng," "hơi đâu lo mấy chuyện cung đình"), tính giễu nhại những bài ca phổ biến, khôi hài, xỏ lá những chuyện xem như quan trọng, tính hầm bà lần (tên một tác phẩm của Khúc Duy).

Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội.

Nhà văn Việt - với thế giới bị cho là ở ngoại vi; nhà văn hậu hiện đại, với Việt Nam còn bị xếp ngoài lề - hôm nay còn có quyền cho phép mình mặc cảm không? Văn học Đông Nam Á có còn mãi nhận phận “vùng trũng” của văn học thế giới, và Việt Nam là một trong những không? Chắc chắn là không rồi, nếu ta ý thức thẳm sâu rằng văn học không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/ nữ, trung ương/ địa phương, chính lưu/ ngoài luồng, trong nước/ hải ngoại,… Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm, người nghệ sĩ ngoại vi khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ ngoại vi đầy tệ hại.

Thơ hậu hiện đại sẽ đi về đâu?

- Nó không về đâu cả! Thơ hậu hiện đại là trò chơi địa phương của những kẻ tự nguyện sáng tác ngoài lề trong thời đại toàn cầu hóa. Với tinh thần phá chấp triệt để qua tầm nhìn rộng mở và thái độ dân chủ tuyệt đối, thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay là kẻ sáng tạo tiền vệ đang đổi mới thơ Việt, đổi mới cách viết và cách đọc, qua đó thúc đẩy công cuộc giải lãnh thổ hoá deterritorialize, giải quốc gia hoá denationalize và giải địa phương hóa delocalize văn học. Họ đang có đó, như một hiện tượng. Họ là hiện tượng. Hiện tượng của một nền văn học trong một xã hội còn nằm trong vùng tranh tối tranh sáng của tiền hiện đại và hiện đại.

Sài Gòn, 2-2-2009

_________________________

Chú thích:

(19) Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1996, tr. 59. Ngài vào cung thăm, Thái hậu mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Dự tiệc, Ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: - Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật? Thượng sĩ cười đáp: - Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh (- A huynh đàm thiền thực nhục, an đắc Phật dã? - Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật, Phật dã bất yếu tố huynh).

Các bài tham khảo khác:

- Nguyễn Hưng Quốc, “15 năm văn học lưu vong, bản chất và đặc điểm”, Tạp chí Văn Học, Hoa Kì, số 47 & 48, 1-1990.

- Chân Phương, "Cái mới đi về đâu?", Tạp chí Việt, Australia, số 3, 1999; “Thơ Việt đi về đâu?”, Tạp chí Hợp Lưu, số Mùa Xuân 2005.

- Nguyễn Vy Khanh, “Về Thơ Hôm Nay”, Demthu.lonestar.org, 10-2003.

- Trần Vũ, “Hợp Lưu -12 năm trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại”, Tạp chí Hợp Lưu số 67, tháng 10 & 11, 2002.

- Nguyễn Hương, “Văn Chương Di Dân Việt tại Hoa Kỳ”, Damau.org, 2006.

- Bùi Vĩnh Phúc, “Một cách nhìn về 13 năm văn chương Việt ngoài nước (1975-1988)”, Damau.org, 30-8-2008.